Ông "quan niệm" thế nào là chính trị? Chính trị có phải là một biểu hiện của văn hoá? Văn hoá có trước hay chính trị có trước?
Anh dùng chữ "quan niệm" có lẽ là hay, vì tôi rất ngại tra từ điển về các loại định nghĩa! Nhưng cái chính là được nói năng dễ rộng đường hơn. Có chuyện một học trò của Khổng Tử hỏi thầy: "Chính trị là gì?". Khổng Tử đáp: "Là vua biết đạo làm vua, cha biết đạo làm cha, con biết đạo làm con...". Người học trò ấy sau đó ít lâu lại hỏi: "Chính trị là gì?". Khổng Tử đáp: "Là biết tiết kiệm trong tiêu dùng". Tôi nghĩ câu trả lời thứ nhất có ý nghĩa về "tổ chức, nhân sự". Còn câu trả lời thứ 2 có ý nghĩa về "kinh tế". Nghiệm ra các triều đại nhiều ngàn năm sau thầy trò Khổng Tử đã là hưng thịnh và cũng đã là đua nhau sụp đổ khi nhân cách vua quan hư hỏng và tham lam tiêu xài quá xa xỉ. Như vậy, hàm nghĩa rằng kinh tế bao gồm chính trị và "chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế " như người ta thường nói. Mặt khác, kinh tế cùng khởi nguyên song hành với văn hoá, từ đó hiểu được thời điểm ra đời và mối quan hệ vốn có giữa chính trị và văn hoá. Có chính trị tức là có nhà nước, đặc trưng của nhà nước gắn với giai cấp, gắn với cộng đồng và gắn với sự bảo thủ trì trệ - nghĩa là không ổn định, có tính nhất thời. Vì vậy, chính trị không vĩnh viễn là biểu hiện của văn hoá.
Ông có tin rằng kể từ khi có nhà nước, mọi nền văn hoá đều được thiết kế và thực hiện, xây đắp từ các đường lối, quan điểm chính trị, nói cách khác, tiến trình văn hoá là một lộ trình do các Nhà nước, cụ thể là các chính trị gia thiết kế, hình thành và phụ thuộc vào chính trị?
Theo tôi, vấn đề này một phần được trình bày qua mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị ở trên rồi.
Văn hoá có đặc trưng ở tính cộng đồng, tính lan toả, giao thoa từ các phạm vi nhỏ đến phạm vi lớn toàn nhân loại, và đặc biệt là tính luôn luôn sáng tạo, luôn luôn mới vì thế nó thuộc phạm trù vĩnh viễn, khác với chính trị. Con người sinh ra văn hoá, chính trị nhưng không có con người chung chung phi lịch sử mà là con người cụ thể. Con người bao giờ cũng bị chi phối bởi yếu tố thời đại, quốc gia, dân tộc. Do đó những giá trị văn hoá do con người sáng tạo ra để phục vụ cho lợi ích của mình có thể bị giai cấp cầm quyền biến thành công cụ thống trị họ. Và giai cấp cầm quyền, cũng là con người, có thể sáng tạo ra những phương thức, cơ chế để duy trì xã hội tồn tại và phát triển trong phạm vi trật tự của mình. Tuy nhiên những sáng tạo đó nếu thúc đẩy xã hội phát triển thì cũng được coi là văn hoá, nếu kìm hãm sự phát triển thì lại là phản văn hoá. Chính trị ra đời không phải phục vụ con người nói chung mà phục vụ cho giai cấp cầm quyền, giai cấp nào nắm kinh tế thì giai cấp đó nắm chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội - qua đó có sự tác động trở lại của chính trị đối với văn hoá.
Chính trị là sự quản lý bằng nhà nước của một giai cấp đối với toàn xã hội. Dĩ nhiên trong phạm vi đó có văn hoá. Và sự quản lý được điều hành bằng bộ máy thống trị bao gồm hệ thống nhà nước, hệ thống công cụ, và hệ thống tư tưởng tuyền truyền.
Ông có thể cho dẫn chứng?
Một ví dụ lớn là Khổng giáo đi liền với mấy ngàn năm phong kiến Trung Hoa bằng những thiết chế chặt chẽ về luân lý, đạo lý... Liên Xô cũng đã từng xây dựng một nền văn học Xô Viết rực rỡ một thời. ở nước ta thời Lý – Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo và nhìn chung nước ta từng chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc, lâu dài. Cuối thời phong kiến và thuộc địa cuộc tranh luận về Truyện Kiều đã thể hiện rõ nét ý thức chính trị. Thời hiện đại tôi cho rằng Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp nhà nước ta là những tác phẩm văn hoá tổng quát của lộ trình chính trị.
Vậy hệ thống tư tưởng, tuyên truyền của bộ máy thống trị có vai trò như thế nào?
Phải khẳng định ngay là rất quan trọng. Nó vừa là lý luận dẫn đường vừa là tác nhân xúc tiến mọi hoạt động phát triển xã hội. Lý luận không thông suốt, đúng đắn sẽ dẫn đến tắc tị hoặc khủng hoảng mang tính toàn diện. Hãy chỉ lấy một ví dụ có tính bộ phận, như khẩu hiệu " Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" chẳng hạn. Theo tôi khẩu hiệu này chỉ mới nêu lên được một nửa vấn đề. Đúng là phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật rồi, trong pháp luật cũng đã hàm chứa văn hoá, đạo đức... Nhưng pháp luật mới chỉ là những điều tối thiểu mà công dân phải tuân theo. Còn có rất nhiều hành vi không phạm luật mà vẫn là xấu xa và gây hại cho xã hội. Cho nên khẩu hiệu trên, theo tôi, phải là "Sống và làm việc theo hiến pháp - pháp luật và đạo đức". Đạo đức là cái tối đa mà mọi công dân phải vươn tới để bù đắp chỗ trống của pháp luật. Suy cho cùng phát triển kinh tế là để bảo tồn và nâng cao văn hoá, đạo đức... Cảnh giác với si mê tăng trưởng và mê muội lợi nhuận là sự thông minh của văn hoá và là trách nhiệm của chính trị.
Theo ông thì chính trị hay văn hoá dẫn đường? Nhận xét của ông về vai trò của văn hoá đối với việc hình thành các đường lối, quan điểm chính trị?
Theo tôi nghĩ, văn hoá và kinh tế hoà lẫn và phụ thuộc vào nhau, trong nhau. Văn hoá và chính trị lại càng như thế.
Nạn đói năm 1945 là hậu quả của thiên nhiên và chính trị, nhưng nhờ văn hoá thương dân, vì lợi ích của dân và văn hoá chống ngoại xâm nên khi Việt Minh hô hào phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho dân thì lập tức được dân hưởng ứng nhiệt liệt, tạo khí thế cho Cách mạng Tháng 8 thành công. Đó là một ví dụ.
Vậy mối quan hệ giữa bản lĩnh chính trị và bản lĩnh văn hoá? Cần nhận diện như thế nào từ góc độ văn hoá về một số sai lầm, ấu trĩ về văn hoá trong quá khứ?
Tôi đã có dịp du thuyền trên sông Xen vào buổi hoàng hôn đúng lúc Pari lên đèn. Một anh bạn du khách châu Phi thốt lên: " Đúng là kinh thành hoa lệ! Một sự đầu hàng vĩ đại. Pêtanh rất bản lĩnh văn hoá!". Thực ra đó chỉ là cảm xúc bồng bột tức thời của anh bạn đó thôi. Văn hoá dân tộc nào cũng vậy, làm gì có chỗ cho kẻ bán nước. Đã bán nước thì lấy đâu ra bản lĩnh! Bản lĩnh chính trị và bản lĩnh văn hoá hoà lẫn nhau, cùng chung mục đích hướng tới chân thiện mỹ. Và để đến được đó có khi phải chịu đựng xót xa cay đắng. Câu nói: "Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được Độc lập, Tự do" ám ảnh quân dân ta như một lời thề thiêng liêng tạo nên sức mạnh. Đất nước ta có truyền thống về "bản lĩnh kép" này. Mà nổi rõ nhất là Hội nghị Diên Hồng thời Trần và Hội nghị Chính trị đặc biệt thời chống Mỹ. Những sự kiện lớn đó là biểu hiện, là kết quả của truyền thống văn hoá tiêu biểu nhất là đại đoàn kết dựng nước và giữ nước vì lợi ích muôn đời của dân tộc. Những sự kiện lớn đó đã tạo ra cảm hứng xã hội lớn lao để quyết thắng trước những thách thức sống còn. Và chúng ta đã từng thắng, thắng nhiều và thắng lớn.
Quá khứ của chúng ta đã có những sai lầm ấu trĩ về văn hoá, tất nhiên, thường đi kèm với ấu trĩ về chính trị. Ví như phá đền chùa, đấu tố người thân trong gia đình khi cải cách ruộng đất; không tính đến phần tiến bộ của Tự lực văn đoàn và "khó xử" trước việc giảng dạy Chinh phụ ngâm trong thời kháng chiến.(Thiết tưởng cũng cần nói là tuy đồng cảnh nhưng Liên xô lại phổ biến rộng rãi bài thơ "Đợi anh về" của Ximônốp....). Tôi nghĩ, đó đúng là những sai lầm, ấu trĩ mà chưa cuộc cách mạng nào tránh khỏi.
Theo tôi, vấn đề cần quan tâm để rút kinh nghiệm là nguyên nhân từ đâu? Phải chăng là do chưa có kinh nghiệm quản lý xã hội, quản lý đất nước, do thiếu bản lĩnh văn hoá nên không xác định được chính xác mục tiêu và cách thức làm, không chủ động nên tiếp thu cách làm của người khác một cách máy móc? Thưa ông, để lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội thật tốt, theo ông, một chính trị gia đòi hỏi cần có một phẩm chất văn hoá như thế nào? Vị trí của nó trong "bảng tổng sắp" các phẩm chất của một chính trị gia?
Để trở thành một chính trị gia, thiết nghĩ phải có một quá trình học tập qua trường lớp và qua cuộc sống thật nghiêm túc để có trình độ văn hoá cao, không chắp vá, mới có được được những phẩm chất văn hoá cần thiết. Phẩm chất văn hoá nhất thiết bao gồm ý thức và trách nhiệm công dân. Một chính trị gia là một công dân tham gia công tác quản lý, vì vậy phải có năng khiếu về vấn đề này - một điều rất khó. Có lý thuyết chia mọi thứ phức tạp trên đời này thành 9 bậc, cơ thể sống con người được xếp bậc thứ 5, bậc 7 và 8 hãy còn để trống còn công tác quản lý được xếp bậc cao nhất, bậc 9.
Điều khiển xã hội là điều khiển con người trăm phương ngàn vẻ. Và cái khó chủ yếu của người quản lý, của nhà chính trị là phải vạch ra được một chương trình tầm cỡ để mà quản lý! Nền kinh tế hiện nay đặc biệt đòi hỏi người quản lý phải có kiến thức vững vàng về kinh tế, kinh doanh, về lịch sử và ngoại giao. Như vậy, trình độ văn hoá, phẩm chất văn hoá theo cách hiểu như là một bộ phận riêng, biệt lập với các phẩm chất khác sẽ không đủ điều kiện làm nên sự nghiệp của người quản lý. Trên một trình độ chung vững vàng của cái tài phải kết hợp với cái tâm vì mình, vì dân, vì đất nước, chủ động và tự trọng trong giao lưu hội nhập quốc tế để có sự kết tinh, tạo nên phẩm chất chung của người quản lý, giúp họ quyết định sáng suốt những công việc trọng đại. Cho nên, với người quản lý, với nhà chính trị, phẩm chất văn hoá, theo tôi, khó xếp vị trí riêng cho nó trong "bảng tổng sắp" mà nó đã hoà nhập trong "phẩm chất kết tinh" đáng quý của họ. Chính nhờ phẩm chất này mà họ có thể nhìn thấy cái vui, cái khổ của dân một cách chính xác , họ có thể tham gia dự báo tốt ngắn hạn, dài hạn, cất nhắc đúng những người đáng cất nhắc và đặc biệt đào tạo chọn cử được người thay thế mình với trách nhiệm "con hơn cha là nhà có phúc" cho dân được nhờ.
Cơ bản tôi đồng tình với ông về ý kiến này. Nhưng tôi nghĩ rằng, phẩm chất văn hoá của mỗi người, là dân hay là quan, đều có và đều được thể hiện trong sự tồn tại xã hội của họ. Không thể phân chia các phẩm chất của một con người, một nhân cách theo kiểu cơ học, hay là chia ô theo kiểu địa chính, nhưng tôi nghĩ, ta có thể nhận biết được, khu biệt được đâu là phẩm chất văn hoá trong toàn bộ hoạt động tư duy và hành vi của của người đó.
Thưa ông! Trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay, những người hoạt động chính trị cần làm gì để bồi bổ thêm tri thức văn hoá, rèn luyện thêm bản lĩnh văn hoá, và những người hoạt động văn hoá cần trang bị kiến thức và bản lĩnh chính trị như thế nào?
Đối với hai loại cán bộ chính trị và cán bộ văn hoá - ta tạm phân chia như vậy, việc rèn luyện bản lĩnh thì quá dễ hiểu: thấy dân tôn trọng điều gì, dân khinh bỉ điều gì thì cứ thế mà phát huy hoặc phòng tránh. Hiện nay trong đời sống hàng ngày đầy rẫy đủ thứ tiêu cực tệ nạn mà báo chí nêu không xuể. Nhiều thuật ngữ từ điển không kịp bổ nghĩa. Ví dụ như chữ "chạy", chữ "ăn" chẳng hạn: chạy đủ thứ, việc gì cũng chạy, lúc nào cũng chạy, đâu đâu cũng chạy... Không ai sống bằng nước lã nhưng một số ít viên chức, cán bộ cái gì cũng ăn, ăn mảnh, ăn ngầm, ăn bẩn.... Họ mê mệt những giá trị rẻ tiền, còn nói gì đến bản lĩnh! Vì thiếu văn hoá nến họ làm mất uy tín chính trị.
Còn về vấn đề bồi bổ kiến thức luôn luôn thuộc phía những người lành mạnh, họ càng lo lắng và kỳ công trước thời buổi hội nhập. Từ cách đây chừng ba mươi năm một số học giả đã rút ra luận đề: "Khoa học tiến lên tỉ lệ với tri thức kế thừa từ trước". Có nghĩa là khoa học phát triển theo hàm mũ, cứ sau một thời gian nhất định thì tăng gấp đôi. Cái "thời gian nhất định" đó ngày càng rút ngắn, đó là lý do bùng nổ thông tin đáng mừng và cũng đáng sợ. Những người học tập và nghiên cứu sẽ không bao giờ đọc hết tài liệu của ngành mình, chứ chưa nói là các ngành liên quan khác. Đọc tóm tắt, đọc đề đã đủ mệt! Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi sẽ phải tìm kiếm giải pháp đáp ứng cho từng loại cán bộ, bởi vì nó dính dáng đến tiêu chuẩn cán bộ trong thời đại thông tin.
Xin cảm ơn ông.
Phan Thắng(Thực hiện)