Cuối năm 1790, vua Quang Trung đòi nhà Thanh phải trả lại đất 6 châu thuộc Hưng Hóa đã bị nhà Thanh chiếm. Nhà Thanh lấy cớ là cương giới đã xác định nên không trả. Vua Quang Trung quyết tâm củng cố quân đội và thực lực trong nước để đòi cho kỳ được phần đất đã mất [1]. Tháng 6 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đã cử Võ Văn Dũng dẫn đầu một sứ đoàn sang Trung Quốc để cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng [2]. Giữa hai thời điểm ấy, lại còn xảy ra nhiều sự kiện đau đớn: năm 1791, bà chính hậu họ Phạm - người được vua Quang Trung sủng ái nhất (mẹ đẻ của Thái tử Quang Toản) - mất. Sự kiện này làm cho vua Quang Trung, theo các nhà truyền giáo phương Tây lúc ấy, “đau đớn đến phát điên” [3]. Không rõ tình hình diễn ra như thế nào mà tin tức truyền vào Quy Nhơn đến nỗi khiến cho anh Ông là Nguyễn Nhạc có thể nhầm là “Quang Trung đau đớn đến chết”. Nguyễn Nhạc không những không thương tiếc mà ngược lại, ông còn vui mừng dẫn một đoàn quân trực chỉ ra Thuận Hoá để “tiếp thu Phú Xuân”. Không ngờ, khi ra gần đến An Cựu, Nguyễn Nhạc mới biết mình nhầm và quay đầu trở lại [4]. Sự kiện đó chứng tỏ mâu thuẫn nội bộ trong phong trào Tây Sơn đã lên đến đỉnh điểm. Chắc chắn điều đó cũng đã làm cho nỗi đau đớn của vua Quang Trung tăng lên gấp bội. Nguyễn Ánh ở Gia Định lúc bấy giờ đã nắm được thời cơ ấy, đích thân chỉ huy Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành dẫn 128 chiến thuyền bất ngờ tiến công lực lượng thủy quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc ở cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn). Toàn bộ ghe và khí giới của Nhạc bị đốt cháy, bị phá hủy hoặc bị cướp đi.
Sau cuộc tấn công chớp nhoáng, binh đội và nhân dân Quy Nhơn - Quảng Ngãi rất nao núng và cho rằng họ đã “đụng phải thần binh”[5]. Để khơi dậy tinh thần cho quân dân hai tỉnh quê hương của Phong trào Tây Sơn, vua Quang Trung phải trực tiếp gửi một tờ Hịch phê phán quân dân hai tỉnh đã mất cảnh giác để cho quân “Gia Định” chiến thắng bất ngờ. Tờ Hịch có đoạn viết:
“Trẫm thấy sở dĩ chúng đánh chiếm được đất và giữ được đất của các ngươi cho tới ngày nay, không phải vì chúng giỏi mà chính vì quan quân và dân chúng hai phủ đã không dám đánh nhau với chúng (tức quân Gia Định). Bộ binh của các ngươi đã hèn nhát bỏ trốn.”
Để cho quan quân hai phủ Quảng Ngãi - Quy Nhơn yên tâm, vua Quang Trung hứa:
“Trẫm sẽ thân chinh cầm đại quân...vào dẹp giặc. Trẫm sẽ đập tan bọn giặc cựu Nguyễn dễ dàng như đập tan một cành củi khô, một thanh gỗ mục. Còn nhân dân hai phủ đừng lo âu, đừng sợ giặc. Các ngươi hãy để mắt nhìn, để tai nghe, xem Trẫm sẽ làm gì” [6].
Để có thể củng cố được tinh thần của quân dân, vua Quang Trung đã dùng những lời Hịch mạnh mẽ như thế. Sự thực không ai hiểu sức mạnh trỗi dậy của quân Gia Định trong tay Nguyễn Ánh bằng Ông. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi ở Phú Xuân (12-1788) thì trước đó bốn tháng (8-1788), Nguyễn Ánh cũng đã vào thành Gia Định “chiêu yên trăm họ, sửa sang phép tắc và phong thưởng cho các tướng sĩ”[7], được trí thức và nhân dân đồng bằng sông Cửu Long theo về rất đông. Đặc biệt trong đội quân Gia Định có nhiều quân tướng đã từng chiến đấu dưới cờ của Phong trào Tây Sơn.
Vua Quang Trung chưa hề biết thua trận, Ông tin có đủ sức dẹp yên sự trỗi dậy của dòng họ Nguyễn. Nhưng Ông cũng biết, nếu không có Ông hay không phải là Ông thì khó có ai đương đầu nổi với quân Gia Định. Chính vì mối bận tâm với dòng họ Nguyễn nên hồi cuối năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung đã thực hiện tập quán phương Đông triệt hạ dòng họ Nguyễn bằng cách cho quật tất cả mồ mả của các chúa Nguyễn ở Phú Xuân [8]. Hành động đó làm tăng lên lòng căm thù của những người theo Nguyễn Ánh chống Phong trào Tây Sơn. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng họ Nguyễn cũng làm cho vua Quang Trung càng không yên tâm đứng chân ở Phú Xuân.
Từ lúc chưa lên ngôi, tháng 5 năm Mậu Dần (1788), Nguyễn Huệ đã có quyết định dời Kinh đô ra Nghệ An.
Đó là những mối bận tâm làm cho vua Quang Trung mất ăn mất ngủ. Những tư liệu thuật lại lời trối trăng của vua Quang Trung với triều thần trước khi Ông mất lại càng rõ hơn. Vua Quang Trung nói:
“Khi ta thác rồi, việc chôn cất phải sơ sài trong một tháng cho xong mà thôi. Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm dời về Vĩnh Đô (Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Nếu không như thế, thì binh Gia Định đến, bọn ngươi không có chỗ chôn” [9].
1.2.Về cái chết đột ngột của vua Quang Trung
Đối phó với tình hình quá căng thẳng, vua Quang Trung đã ngã bệnh.
Theo Ai Tư Vãn của công chúa Ngọc Hân, vua nằm trị bệnh một thời gian rồi mới mất. Bà kể lại trong nỗi xót thương:
“Từ nắng hạ mưa thu trái tiết
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên
Xiết bao kinh sợ lo phiền,
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?”
Nhà vua bị bệnh vào những ngày cuối hạ đầu thu, mưa nắng thất thường của xứ Huế. Khi biết mình không thể qua được cơn bệnh, vua Quang Trung đã cho mời hai trọng thần là Trần Quang Diệu và Trần Văn Kỷ đến bên giường bệnh dặn dò mọi lẽ.
Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792), vua băng. Trong những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, không rõ kê cứu vào cuốn sử nào mà Tiến sĩ Đỗ Bang (tr.110) cho rằng các sử thần triều Nguyễn cho biết vua Quang Trung đã mất vì bệnh “Huyễn vựng” 炫彙. Giáo sư Huỳnh Minh Đức đã giải thích với tác giả:
“Huyễn vựng là xây xẩm mặt mày, ngã té như thể bị trúng gió nặng có thể bất tỉnh, bán thân bất toại”.
Có người cho rằng vua Quang Trung bị tai biến mạch máu não. Phạm Văn Sơn cũng nghi ngờ vua Quang Trung “có lẽ vì chứng đứt mạch máu” [10]. Nếu đúng vì chứng “Huyễn vựng” 炫彙 thì Tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh giải thích rằng:
“Bệnh chứng thường hay chóng mặt và mê mẩn từng chặp, do bệnh bấn huyết và bệnh thần kinh suy nhược sinh ra (syncope)”
Vua Quang Trung đang ở tuổi 40, tuổi sung mãn nhất của một con người. Ông lại đang có những kế hoạch quân sự táo bạo, các thế lực bên trong và bên ngoài đang trông chờ vào Ông, thế mà Ông ngã bệnh rồi không cứu được nữa. Đối với mọi người, cái chết đó thật đột ngột, bất ngờ. Cái chết đó làm cho gia đình và triều Tây Sơn vô cùng bối rối. Đúng như lời Phan Huy Ích phản ánh tình hình lúc ấy:
“Quốc kế gia đình đa củ kết”
(Việc nước tình nhà nhiều điều bối rối) [11]
1.3. Giữ bí mật tuyệt đối về cái chết của vua Quang Trung
Nội dung trên đã khái quát những thế lực của vua Quang Trung phải đương đầu từ nhiều phía: phía Bắc là nhà Thanh, phía Nam là quân Gia Định, nội bộ là âm mưu tranh giành của Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Nếu giữ bí mật thì phải giữ với tất cả những thế lực ấy. Nhưng sử nhà Nguyễn thì chỉ viết về lực lượng của chính họ, họ cho rằng Quang Trung sợ lực lượng của Nguyễn Ánh nhất. Bởi thế tác giả sách Tây Sơn thuật lược dựng việc vua Quang Trung đã nói với triều thần Tây Sơn rằng:
“Hắn (tức Nguyễn Ánh) sẽ lập quốc được”.
Khi có một người thưa:
- “Nếu hắn (Nguyễn Ánh) ra thì bọn hạ thần xin đánh”,
Vua Quang Trung liền bảo trong lúc đang bệnh nặng:
- “Ngươi chớ cho lời ta là nói láo. Nếu hôm nay ta chết thì ngày mai hắn ắt ra, nếu mai ta chết thì ngày sau hắn ắt ra. Ngươi còn sống ngươi xem !”[12]
Lời tường thuật trên đầy chủ quan, nhưng dù sao sự chủ quan đó cũng đã được bắt nguồn từ một chút thực tế nào đó. Cảnh giác với lực lượng của Gia Định là điều có thực. Chúng ta không được đọc những sử liệu nói về kế hoạch giữ bí mật của triều Quang Toản về cái chết của vua Quang Trung, nhưng những biểu hiện của kế hoạch đó thì thu thập được khá nhiều.
1.3.1.Giữ bí mật với lực lượng của Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Nghe tin vua Quang Trung mất, anh cả Nguyễn Nhạc dẫn đầu một đoàn đi dự lễ tang hơn 300 người từ Quy Nhơn ra, đoàn mới ra đến Quảng Ngãi thì bị chặn lại, chỉ để cho một bà chị ra mà thôi [13].
1.3.2.Giữ bí mật ngay cả với quần thần, với những người đã có công xây dựng triều đại. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là người “cố vấn” quan trọng của vua Quang Trung thế mà lúc nhà vua mất ông cũng không biết, khi biết thì ông cũng không được vào để chiêm bái vì đường sá bị “canh nghiêm”. Cuối cùng, Phu Tử phải thể hiện tình cảm của mình trong một tờ Biểu. Trong tờ Biểu ấy có những câu: "Nay xe loan lên tiên (ý nói vuaQuang Trung mất). Trông về phương Nam càng thêm thảm thiết. Chỉ vì lúc cung tía (quan tài) còn ở thấn (quàn), đường xá canh nghiêm” (Biểu viết tháng 11 năm Nhâm Tý, 1792) [14], 4 tháng sau ngày vua Quang Trung băng.
1.3.3. Bí mật với các giáo sĩ Thiên chúa giáo. Thời các chúa Nguyễn, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo thân phương Tây - theo Pierre Poivre - có toà Giám mục ở Phường Đúc (gần Thành Lồi ngày nay). Mọi động tĩnh ở Huế họ đều theo dõi chặt chẽ, thế mà triều Quang Toản đã giữ được bí mật về cái chết của vua Quang Trung hầu như tuyệt đối.
Về cái chết của vua Quang Trung được các vị thừa sai Thiên chúa giáo ghi nhận sớm nhất vào cuối tháng 12-1792. Cái ngày này được ghi trong lá thư của ông Longer - Giám mục cai quản địa phận miền Tây Bắc Hà (Tonkin Occidental) gởi cho ông Blandin - đại biểu của Hội truyền giáo Bắc Hà. Lá thư có đoạn viết:
"Người ta cũng nói rằng em Tiếm Vương (tức vua Quang Trung, em của Nguyễn Nhạc) ấy, người cai trị Bắc Hà và Nam Hà thượng đã chết vì bệnh và một trong những người con trai của ông lên nối ngôi... Tuy nhiên, những tin tức đó cần được xác nhận lại...”[15]
Ngày 16-9-1792, vua Quang Trung qua đời, mãi đến ngày 21-12-1792, các vị thừa sai mới hay tin và viết thư cho nhau, tức là chậm mất 3 tháng 5 ngày, và đến lúc đó vẫn chưa dam chắc vua Quang Trung đã qua đời.
Ngày 10-2-1793, ông Longer gửi thư cho Blandin tiếp tục nói về cái chết của vua Quang Trung sau khi người phụ tá của ông ở Kẻ Vinh (Nam Định) báo cáo cho ông một số thông tin cụ thể hơn. Thư có đoạn viết:
"Ông La Mothe cũng báo cáo cho tôi rằng: Cái chết của Tiếm Vương Quang Trung được giữ bí mật gần hai tháng trời mới được công bố bởi sắc lệnh bắt buộc toàn quốc chịu tang một vị thượng hoàng đế anh minh như ông...” [16]
Biện pháp giữ được bí mật lúc ấy là cấm đường như ta đã đề cập qua trong đoạn 1.3.2. Trong thư viết của Bố Chính đề ngày 6-6-1793, giáo sĩ Sérard truyền đạo ở Kẻ Vinh (Nam Định) gửi cho ông Boiret và Descourvrière xác định các biện pháp cấm đường và nói kỹ hơn:
"Ở đây sẽ khó khăn hơn vì xa xôi, và vì canh gác nghiêm mật ở thành lũy phân chia Bắc Hà và Nam Hà... Đường biển cũng như đường núi được canh chừng cẩn mật” [17].
1.3.4. Bí mật đối với nhà Thanh. Đối với nhà Thanh, triều Quang Trung và sau đó là Quang Toản, mặc dù phải cảnh giác cao độ nhưng phải tế nhị. Triều Quang Toản đã đối phó với nhà Thanh như thế nào ?
Trước tiên, triều đình cử Ngô Thời Nhậm dẫn đầu một đoàn ngoại giao qua Trung Quốc báo tang và xin cầu phong cho vua mới. Để che giấu hành vi đối phó của mình, sứ đoàn báo cáo vua Quang Trung đã mất vào tháng 9 (âm lịch), chậm hơn hai tháng.
Nhận được tin, nhà Thanh cử ngay một sứ bộ sang Việt Nam làm lễ điếu tang và phong vương cho Quang Toản. Sứ bộ do Án sát Quảng Tây là Lâm Thành Đới cầm đầu, mang điếu văn và một chiếc “Đai cáp đạt” (một tấm lụa trên viết chữ Phạn để trùm lên mộ), ba nghìn thoi bạc và có thư gởi đến trước xin được đến tận mộ vua ở Kinh đô Phú Xuân làm lễ điếu tang, đồng thời cử hành sách phong. Đây không hẳn là một thiện chí, mà có thể nhân cơ hội này nhà Thanh do thám tình hình nội bộ nhà Tây Sơn để tiến hành âm mưu xâm lược.
Nhà Tây Sơn giao cho Phan Huy Ích nhân danh Quang Toản viết thư trả lời như sau:
"Phụ thân chúng tôi lúc sống đi tuần xem các xứ Sơn Tây, Thanh Hoá, nhân mến phong thủy Tây Hồ, lập sẵn một phần mộ cách thành Thăng Long chừng hai ngày đường. Năm ngoái, Quang Toản tôi theo lời di chúc, đã an táng cố thân phụ tại nơi đó, rồi rước thần chủ về đô thành Nghệ An. Ngay khi nhận được thánh chỉ, Quang Toản tôi đã thân hành đến chỗ mộ cố thân phụ tạm trú và quét dọn đốt hương, đợi sứ giả Thiên triều đến làm lễ điếu, sau đó chúng tôi sẽ cùng đi theo ra Thăng Long và từ đó đến phần mộ Tây Hồ, hành trình mấy ngày và có mấy trạm, sẽ có tờ trình sau để quý vị được biết.”[18]
Hồ Tây ở đây đi mất hai ngày đường, không phải là Tây Hồ ở ngay Hà Nội, mà là một địa điểm bịa đặt nào đó. Nhà sử học Chương Thâu [19] cho biết, theo lời tiểu dẫn trước một bài thơ của chính Phan Huy Ích chỉ ngôi mộ giả này ở làng Linh Đường, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phan Huy Ích nói “hai ngày đường” là nói phóng đại để cho sứ Thanh khỏi phải đến đó. Nhưng sứ Thanh cũng cứ đòi đi, triều Tây Sơn phải buộc lòng đưa đi, nhưng không đến nơi gọi là Linh Đường, mà đưa lên Sơn Tây để đánh lạc hướng. Khi đi được nửa ngày đường, sứ Thanh biết mình bị lừa đang được dẫn lên phía Tây bèn bảo đưa trở lại. Cuối cùng, sứ bộ nhà Thanh phải tổ chức các lễ sách phong và điếu tang ngay tại Thăng Long:
- Lễ sách phong tổ chức ngày 8 tháng 4 Quý Sửu (1793);
- Lễ điếu tang cử hành ngày 13 tháng 4 năm Qúy Sửu;
- Ngày rằm tháng tư, sứ bộ nhà Thanh rời Thăng Long về nước [20]. Đối phó với nhà Thanh như thế cũng rất khó khăn, và đã thành công. Muốn cho khỏi bị nhà Thanh khiển trách, càng về sau triều Quang Toản càng phải giữ bí mật nơi an táng thi hài của vua Quang Trung hơn nữa.
Địa điểm nào ở Phú Xuân lúc ấy có thể giữ được bí mật quốc gia ấy ? Phải chăng chỉ có những nơi cung điện xưa nay dành cho vua, ít người được đặt chân đến và trong tương lai cũng không được biết đến mới đạt được yêu cầu bí mật ấy thôi. Trong hoàn cảnh đột xuất và khó khăn như thế không có sự chọn lựa “dương cơ” và “âm phần” được.
Triều Quang Toản đã giữ được bí mật ngày vua Quang Trung băng và nơi an táng ông. Nhà Thanh và cả những giáo sĩ phương Tây có mặt ở Phú Xuân lúc ấy cũng không biết vua Quang Trung mất lúc nào và chôn cất ở đâu. Nhưng sự bí mật đó chỉ giữ được một thời gian vì hai lý do:
1) Sau khi vua Quang Trung băng, nội bộ phong trào Tây Sơn khủng hoảng liên tiếp. Một số trọng thần của vua Quang Trung đã đầu thú Nguyễn Ánh (như Lê Chất, Ngô Văn Sở). Những người này muốn lập công với nhà Nguyễn chắc chắn họ đã cung cấp đầy đủ những thông tin về cái chết của vua Quang Trung cũng như lăng mộ của ông cho Nguyễn Ánh.
2) Phú Xuân là đất của nhà Nguyễn, trong bất cứ hoàn cảnh nào ở Phú Xuân cũng còn có người hướng theo nhà Nguyễn. Người đứng đầu cho lực lượng do thám của nhà Nguyễn ở Phú Xuân lúc ấy là bà Ngọc Huyên - cô ruột của Nguyễn Ánh. Bà Ngọc Huyên bám trụ ở Phú Xuân với màu áo cà-sa Bà vãi Vân Dương. [21]
Khi Nguyễn Ánh khôi phục được Phú Xuân, ông đã nắm chắc được những thông tin về nơi tọa lạc của lăng mộ vua Quang Trung. Nguyễn Ánh xử lý những thông tin ấy và quyết định quật mộ của vua Quang Trung. Chính sử của nhà Nguyễn Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30 viết:
“Thị đông xa giá hoàn kinh, cáo miếu Hiến phù, tận pháp trừng trị, quật phá Nhạc, Huệ mộ, đào khí hài cốt, u kỳ đầu vu ngục thất”
(Mùa đông năm Nhâm Tuất (1802), xa giá (Nguyễn Ánh) về Phú Xuân, cáo ở Tôn miếu và dâng các tù binh Tây Sơn, đều bị giết và trừng trị, mộ của (Nguyễn) Nhạc, (Nguyễn) Huệ bị đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào ngục thất” [22]. Hoặc: “Tháng 11, Tân Dậu (1801), phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ.....” [23].
Hành động như vậy chưa đủ, Nguyễn Ánh còn đề ra những biện pháp triệt để hơn như:
- Nấu chảy toàn bộ đồ tự khí bằng đồng của Tây Sơn đúc thành chín khẩu thần công (nay vẫn còn trưng bày bên trong cửa Thể Nhơn và cửa Quảng Đức trước mặt Hoàng thành);
- Hủy bỏ sách vở, tài liệu có mang niên hiệu Quang Trung, Cảnh Thịnh, v.v...
- Đổi tên những địa danh anh em nhà Tây Sơn đã sống qua như ấp Tây Sơn thành ấp An Tây, phủ Quy Nhơn thành trấn Bình Định, v.v...
- Hủy bỏ những nơi Tây Sơn đã sử dụng, dời đổi những trị sở Tây Sơn đã từng đi qua...Ví dụ trị sở tỉnh Nghệ An thời Nguyễn sơ đóng ở Dũng Quyết. Năm 1803, vua Gia Long đi qua đó biết Dũng Quyết là nơi đặt hành cung và có dự định xây dựng Kinh đô của vua Quang Trung, nên vua Gia Long ra lệnh phải dời ngay và sau đó trị sở của tỉnh Nghệ An được dời qua làng Yên Trường.
Vua Quang Trung mất đột ngột, triều thần của ông phải đối phó với tình hình chính trị trong thế bị động. Xây lăng, đắp mộ cho ông là một việc to lớn, nhưng phải giải quyết trong điều kiện hoàn toàn bí mật, nếu không giữ được bí mật thì khó tránh được những đột biến không lường hết được. Nhận định đó đúng với thực tế lịch sử đã diễn ra: vua Quang Trung mất, triều đại Quang Trung cũng xuống dốc và đi đến chỗ cáo chung. Phong trào Tây Sơn đã bị trả thù một cách nghiệt ngã.
Phải giữ bí mật tuyệt đối với nhiều kẻ thù, vua quan triều Quang Toản không thể đưa thi hài vua Quang Trung ra khỏi cung điện vua đang ngự ở Huế
Nhà Nguyễn đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, nó không chịu viết ra theo ý kiến của bất cứ ai. Do đó, những sử liệu của nhà Nguyễn có liên quan đến vấn đề này vẫn còn có những “kẽ hở” để chúng ta có thể tách ra được những thông tin cần thiết, phục vụ cho việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế. Tôi đã làm việc đó, đã « Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung », được học giả Hoàng Xuân Hãn thẩm định, được Viện Sử học giới thiệu và phát hành vào năm 1992. Năm 2007 được bổ sung thêm tài liệu và tái bản với nhan đề « Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung » được Nxb Thuận Hóa ấn hành năm 2007. Sau khi sách ra đời tôi đã gởi tặng lãnh đạo tỉnh Nghệ An – quê hương gốc của Hoàng đế Quang Trung. Và hôm nay tôi rất hân hạnh được gởi tặng Hội thảo quan trọng nầy bản sách lưu cuối cùng của tôi.
Rất mong được các nhà khoa học chỉ giáo cho những chỗ bất cập để tôi tiếp tục nghiên cứu bổ sung.
Kính chào quý vị.
TP Vinh, ngày 31 tháng 5 năm 2011
N.Đ.X.
Chú thích
[1]. Viện Sử học, Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H. 1987, tr.397.
[2]. Viện Sử học, Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H. 1987, tr.104.
[3]. Thư của Sérard viết ngày 17-7-1791, AMEP, tr.1468, trích lại Tập san Sử Địa số 13/1969, tr.171.
[4]. Thư của Sérard viết ngày 17-7-1791, AMEP, tr.1468, trích lại Tập san Sử Địa số 13/1969, tr.171.
[5]. Trích lại của Nguyễn Lộc, Văn học Tây Sơn, VHTT Nghĩa Bình, Quy Nhơn 1986, tr.102.
[6]. Trích lại của Nguyễn Lộc, Văn học Tây Sơn, VHTT Nghĩa Bình, Quy Nhơn 1986, tr.102.
[7]. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm Học liệu Sài Gòn, 1971, tr.148.
[8]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập Kinh sư, bản dịch của Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD SG, 1960, tr.55. Xem thêm Tôn Thất Hân, Tiên nguyên loát yếu phổ, tr.86.
[9]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên, sơ tập, Q.30, tr.42b, và bản dịch của Tập san Sử Địa số 9-1968, tr.109.
[10].Phạm Văn Sơn, Để so sánh các anh hùng trước Nguyễn Huệ với Nguyễn Huệ, Tập san Sử Địa, số 9-10/1968, tr.154.
[11]. Phan Huy Ích, Mùa thu phụng quốc tang cảm thuật, 'Thơ văn Phan Huy Ích', tập II, KHXH, H.1978, tr.73.
[12]. Vô danh thị, Tây Sơn thuật lược, Phủ QVKPTVH, SG.? ,tr.17.
[13]. Đỗ Bang, Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Sở VHTT BTT, Huế 1988, tr.102-103.
[14]. Trích lại của Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, tr.161-162.
[15]. Trích lại của Tập san Sử Địa, số 13/1969, tr.152.
[16]. Xem (19).
[17]. Xem (19), tr.153.
[18]. Trích lại của Trương Chính, 'Phan Huy Ích đi sứ Thanh', trong Danh nhân quê hương, tập I, Ty VHTT Hà Tây, 1973, tr.109-119. (Chương Thâu cung cấp).
[19]. Chương Thâu, Phan Huy Ích, con người và sự nghiệp chính trị; Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy, Hà Sơn Bình, 1983, tr.198.
[20]. Xem (23).
[21]. Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các bà trong cung Nguyễn, Sở VHTT TTH (tái bản), Huế 1990, tr.25.
[22]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30.
[23]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, H.1963, tập II, tr. 451.