Góc nhìn văn hóa

Phê phán lý tính thuần túy [kỳ 9]

PHÂN TÍCH PHÁP CÁC NGUYÊN TẮC

CHƯƠNG II

HỆ THỐNG TẤT CẢ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA GIÁC TÍNH THUẦN TÚY

Trong chương trước, ta mới chỉ xem xét các điều kiện tổng quát để biện minh cho năng lực phán đoán siêu nghiệm có quyền sử dụng các khái niệm thuần túy của giác tính để tạo ra những phán đoán tổng hợp. Công việc của chúng ta bây giờ là: trình bày trong một sự nối kết có hệ thống những phán đoán tổng hợp nói trên do giác tính thực sự tạo ra một cách tiên nghiệm trong tinh thần của sự xem xét có tính phê phán trên đây. Không nghi ngờ gì, chính bảng phạm trù của chúng ta sẽ phải mang lại sự hướng dẫn tự nhiên và an toàn. Bởi vì chính là các phạm trù - mà quan hệ của chúng với kinh nghiệm khả hữu phải tạo ra mọi nhận thức tiên nghiệm của giác tính, và quan hệ của chúng với cảm năng nói chung - nhằm tạo ra mọi nhận thức trên - sẽ phơi bày tất cả các Nguyên tắc siêu nghiệm của việc sử dụng giác tính một cách hoàn chỉnh và trong một hệ thống.

Sở dĩ gọi là các Nguyên tắc tiên nghiệm vì không những chúng chứa đựng những phán đoán làm nền tảng cho mọi phán đoán khác, mà còn vì bản thân chúng không cần đặt cơ sở trên những nhận thức nào cao hơn và phổ biến hơn. Tuy nhiên, đặc tính ấy cũng không giúp chúng đứng lên trên yêu cầu phải được chứng minh. Vì chúng là nền tảng cho mọi nhận thức về đối tượng, nên sự chứng minh không thể tiến hành về mặt [nguồn gốc] khách quan, nhưng điều ấy không ngăn cản rằng một sự chứng minh về chúng từ các nguồn gốc chủ quan - như là về khả thể cho một nhận thức về đối tượng nói chung - là có thể làm được, và còn cần thiết nữa, vì nếu không, nguyên tắc này sẽ chuốc lấy sự nghi ngờ lớn nhất rằng nó chỉ là một khẳng quyết đơn thuần được lén lút đưa vào.

Điểm thứ hai là, ta sẽ chỉ giới hạn vào các nguyên tắc có quan hệ với các phạm trù thôi. Vì thế, các nguyên tắc của Cảm năng học siêu nghiệm, theo đó không gian và thời gian là các điều kiện khả thể cho mọi sự vật xuất hiện như là những hiện tượng nhưng với sự hạn định là không thể được áp dụng vào những vật tự thân, - tất nhiên không thuộc vào lãnh vực nghiên cứu của ta ở đây. Cũng thế, các nguyên tắc toán học không thuộc vào hệ thống này vì chúng chỉ được rút ra từ trực quan chứ không phải từ khái niệm thuần túy của giác tính. |Tuy vậy, vì các nguyên tắc toán học cũng là những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, nên khả thể của chúng cũng cần được bàn ở đây, không nhằm mục đích chứng minh sự đúng đắn và tính xác tín tất nhiên của chúng vì không cần thiết, nhưng chỉ để ta hiểu và diễn dịch được khả thể của loại nhận thức hiển nhiên và tiên nghiệm này.

Ngoài ra, ta cũng cần bàn về nguyên tắc của những phán đoán phân tích đối lập với nguyên tắc của những phán đoán tổng hợp là nguyên tắc được ta thực sự nghiên cứu ở đây và chính sự đối lập này sẽ giải thích Lý luận về phán đoán tổng hợp ra khỏi mọi ngộ nhận và làm sáng tỏ bản tính riêng có của loại phán đoán này.

TIẾT 1

VỀ NGUYÊN TẮC TỐI CAO CỦA MỌI PHÁN ĐOÁN PHÂN TÍCH

Nhận thức của chúng ta dù mang nội dung gì và quan hệ với đối tượng như thế nào, điều kiện cơ bản chung nhất - tuy là điều kiện tiêu cực - của mọi phán đoán là chúng không được tự mâu thuẫn; nếu không, chúng sẽ hoàn toàn không là cái gì cả [vô hiệu] (cả khi không xét đến đối tượng). Mặt khác, tuy trong phán đoán của ta không có mâu thuẫn nào nhưng nó vẫn có thể nối kết những khái niệm không phát xuất từ đối tượng, hoặc không đưa ra được cho ta lý do tiên nghiệm hoặc hậu nghiệm nào cho thấy việc đưa ra phán đoán là chính đáng, phán đoán ấy - dù không có mâu thuẫn bên trong nào - vẫn có thể là sai lầm hoặc không có căn cứ.

Câu nói: "Không sự vật nào được có một thuộc tính mâu thuẫn với chính nó", được gọi là nguyên tắc về [không] mâu thuẫn, là tiêu chuẩn phổ biến nhưng thuần túy tiêu cực của chân lý. |Nguyên tắc này, vì thế, là của môn Lôgíc, có hiệu lực đơn thuần cho nhận thức nói chung, không tính đến nội dung của nhận thức và chỉ muốn nói: mâu thuẫn sẽ hoàn toàn hủy diệt và thủ tiêu nhận thức.

Tuy nhiên, ta cũng có thể sử dụng nguyên tắc này một cách tích cực, nghĩa là không chỉ để dẹp bỏ sai lầm (do tự mâu thuẫn) mà còn để nhận thức chân lý. Bởi vì, nếu một phán đoán là phân tích, dù khẳng định hoặc phủ định, thì chân lý của nó có thể được nhận thức bằng nguyên tắc mâu thuẫn trên đây là đủ. Do đó, ta phải xem nguyên tắc mâu thuẫn có giá trị như là điều kiện phổ biến và hoàn toàn đầy đủ cho mọi nhận thức phân tích. Nhưng về mặt thẩm quyền và tính khả dụng, nó lại không phải là tiêu chuẩn đầy đủ cho chân lý. Vì rằng không một nhận thức nào đi ngược lại nguyên tắc mâu thuẫn mà không tự thủ tiêu mình, điều ấy làm cho nguyên tắc này trở thành conditio sine qua non [điều kiện không có không được] nhưng không trở thành cơ sở quy định (Be-stimmungsgrund) cho chân lý của nhận thức chúng ta được. Vì công việc hiện nay là chỉ tập trung nghiên cứu phần tổng hợp của nhận thức, nên ta phải luôn cẩn trọng để không đi ngược lại nguyên tắc bất khả vi phạm này, đồng thời cũng không nên kỳ vọng nó sẽ giúp ta được nhiều trong việc đi tìm chân lý trong loại nhận thức tổng hợp.

Một công thức của nguyên tắc mâu thuẫn nổi tiếng này - tất nhiên, thuần hình thức, bị tước bỏ hết mọi nội dung - thực ra đã chứa đựng một sự tổng hợp mà do thiếu cẩn trọng người ta đã trộn lẫn một cách không cần thiết vào nguyên tắc ấy. Công thức ấy là: "Một sự vật không thể đồng thời vừa tồn tại, vừa không tồn tại". Không kể việc gắn tính xác tín tất nhiên vào đây một cách thừa thãi (thông qua chữ “không thể”) mà công thức ấy hiển nhiên đã có sẵn, công thức trên [rõ ràng] bị điều kiện thời gian tác động, tức hầu như muốn nói: "Một sự vật = A, rồi lại = B, thì không thể đồng thời [trong cùng một thời gian] là không B được", thế nhưng, cả hai cái (B cũng như không B) thực ra đều hoàn toàn có thể tồn tại tiếp theo nhau. Ví dụ một người trẻ thì không thể đồng thời là già, nhưng cũng chính người đó có thể lúc này là trẻ, lúc khác không trẻ nữa, tức là già. Như vậy, nguyên tắc mâu thuẫn - là một mệnh đề thuần túy lôgíc - không nên bị giới hạn trong quan hệ với thời gian, để cho công thức trên đây không hoàn toàn đi ngược lại với mục đích của nguyên tắc. Sự hiểu lầm đến từ chỗ: đầu tiên người ta tách một thuộc tính của sự vật ra khỏi khái niệm, sau đó lấy cái trái ngược gắn với thuộc tính này; cái trái ngược này không mâu thuẫn với sự vật mà chỉ trái ngược với thuộc tính kia, là cái thực ra được nối kết với sự vật một cách tổng hợp. |Mâu thuẫn chỉ nảy sinh khi cả thuộc tính thứ nhất lẫn thuộc tính thứ hai đều được khẳng định trong cùng một thời gian. Nếu tôi nói: "Một người dốt là người chưa được học", thì tôi phải thêm vào đó điều kiện" "đồng thời" vì lúc này người ấy đang dốt nhưng ở lúc khác người ấy đã đi học. Nhưng nếu tôi nói: "không một người dốt nào là có học" thì mệnh đề này đích thực là mệnh đề phân tích, vì thuộc tính ("dốt") ở đây là bộ phận cấu tạo nên bản thân khái niệm về chủ thể (người ấy); và trong trường hợp này, mệnh đề phủ định ấy là [hiển nhiên], trực tiếp rút ra từ nguyên tắc mâu thuẫn mà không được phép thêm điều kiện "đồng thời" vào đó nữa. Đó là lý do tại sao tôi sửa lại công thức trên của nguyên tắc mâu thuẫn - một sự sửa đổi làm lộ rõ bản tính của một mệnh đề phân tích.

TIẾT 2

VỀ NGUYÊN TẮC TỐI CAO CỦA MỌI PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP

Làm thế nào để có thể có được những phán đoán tổng hợp là điều Lôgíc học phổ biến không giải thích được, ngay cả tên gọi “phán đoán tổng hợp” nó cũng chưa biết đến. Nhưng đối với Lôgíc học siêu nghiệm, đây lại là nhiệm vụ quan trọng nhất, thậm chí là nhiệm vụ duy nhất, khi bàn về khả thể của những phán đoán tổng hợp cùng những điều kiện và phạm vi hiệu lực của chúng. Vì hoàn tất công việc này, Lôgíc học siêu nghiệm hoàn toàn đạt được mục đích của nó, đó là xác định phạm vi và ranh giới của giác tính thuần túy.

Trong một phán đoán phân tích, tôi ở yên trong khái niệm được cho để xem xét về nó. Nếu đó là phán đoán khẳng định, tôi chỉ gán cho khái niệm ấy những gì đã được suy tưởng trong nó; nếu là phủ định, tôi chỉ việc loại bỏ điều trái ngược với nó. Nhưng trong phán đoánn tổng hợp, tôi phải đi ra ngoài khái niệm được cho để xem xét về một cái gì hoàn toàn khác với những gì đã được suy tưởng trong khái niệm ấy nhưng lại ở trong mối quan hệ với khái niệm này; một mối quan hệ do đó, không bao giờ là của sự đồng nhất hay của sự mâu thuẫn, và chân lý hay sai lầm [của phán đoán] đều không thể được xem như là chỉ ở nơi bản thân phán đoán.

Như thế là thú nhận rằng: khi ta phải đi ra ngoài khái niệm được cho để so sánh nó một cách tổng hợp với khái niệm khác, ta cần một cái thứ ba, chỉ trong đó sự tổng hợp của hai khái niệm ấy mới có thể ra đời. Vậy cái thứ ba làm trung giới (Medium) cho mọi phán đoán tổng hợp này là gì? Nó chính là cái tổng thể trong đó chứa đựng mọi biểu tượng của ta, tức giác quan bên trong và mô thức tiên nghiệm của nó: thời gian. Sự tổng hợp những biểu tượng dựa trên trí tưởng tượng; còn sự thống nhất tổng hợp của những biểu tượng (cần thiết cho phán đoán) dựa trên sự thống nhất của Thông giác. Khả thể của những phán đoán tổng hợp phải tìm ngay ở đây và vì cả ba tạo nên các nguồn suối cho những biểu tượng tiên nghiệm, nên cũng là khả thể cho những phán đoán tổng hợp thuần túy; và từ các lý do đó, thậm chí chúng [ba nguồn này] trở thành tất yếu cả cho việc hình thành một nhận thức về những đối tượng chỉ dựa vào sự tổng hợp những biểu tượng.

Một nhận thức muốn có tính thực tại khách quan, tức là có quan hệ với một đối tượng, có ý nghĩa và nội dung, thì đối tượng phải có thể được mang lại đã, bằng cách này hay cách khác. Không có đối tượng, những khái niệm của ta sẽ trống rỗng; tất nhiên ta có thể suy tưởng về nó, nhưng suy tưởng ấy không nhận thức được gì hết, chúng ta chỉ đùa giỡn với những biểu tượng mà thôi. Mang lại một đối tượng [làm cho một đối tượng xuất hiện ra] không phải hiểu theo nghĩa gián tiếp mà là diễn tả nó trực tiếp trong trực quan, không gì khác hơn là liên hệ [áp dụng] biểu tượng về đối tượng với kinh nghiệm (kinh nghiệm có thực hay kinh nghiệm có thể có). Bản thân không gian và thời gian - cho dù các khái niệm này vốn là thuần túy, vì không chứa đựng cái gì thường nghiệm; và là chắc chắn, vì đều được hình dung một cách hoàn toàn tiên nghiệm trong tâm thức - cũng sẽ không có giá trị khách quan, không có nội dung và ý nghĩa, nếu không chứng tỏ là đang được sử dụng một cách nhất thiết vào những đối tượng của kinh nghiệm. Hơn thế nữa, biểu tượng về chúng chỉ là một niệm thức đơn thuần, luôn quan hệ với trí tưởng tượng tái tạo là cái bao giờ cũng kêu đòi đối tượng của kinh nghiệm, vì nếu không có đối tượng, không gian và thời gian sẽ không có nội dung. Và điều này cũng đúng cho mọi khái niệm khác, không phân biệt.

Vậy, khả thể của kinh nghiệm là cái gì mang lại thực tại khách quan cho mọi nhận thức tiên nghiệm của chúng ta. Kinh nghiệm dựa trên sự thống nhất tổng hợp của những hiện tượng, tức là dựa trên sự tổng hợp theo các khái niệm* về đối tượng của những hiện tượng nói chung. Không có sự tổng hợp ấy, kinh nghiệm không phải là nhận thức mà là một mớ hỗn loạn** những tri giác không tập hợp theo các quy luật thành một toàn cảnh (Kontext) cho một ý thức (khả hữu) được nối kết trọn vẹn, do đó cũng không tập hợp cho sự thống nhất tất yếu và siêu nghiệm của Thông giác. Như vậy, kinh nghiệm có những nguyên tắc tiên nghiệm của mô thức của nó làm nền tảng, đó là những nguyên tắc phổ biến về tính thống nhất trong sự tổng hợp những hiện tượng, mà tính thực tại khách quan của các nguyên tắc này như là các điều kiện tất yếu kể cả cho khả thể của kinh nghiệm - lúc nào cũng có thể được chứng tỏ trong kinh nghiệm. Ra khỏi mối quan hệ này, những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm không thể hình thành được, vì chúng không có cái thứ ba*** - tức là không có đối tượng - để cho sự thống nhất tổng hợp có thể chứng minh tính thực tại khách quan cho những khái niệm của nó.

{*"Sự tổng hợp theo các khái niệm" (Synthesis nach Begriffen):sự tổng hợp nhờ vào các khái niệm thuần túy của giác tính (phạm trù). (N.D).

**Nguyên văn: Rhapsodie: nghĩa đen là bản nhạc cuồng hứng, hỗn loạn. (N.D).

***  “Cái thứ ba” hay “hạn từ thứ ba”, (La tinh: tertium quid)là thuật ngữ quen dùng trong lôgíc học chỉ cái làm trung giới; trong trường hợp này là “đối tượng khách quan”. (N.D).}

 

Do đó, tuy rằng đối với không gian nói chung hay đối với những hình thể mà trí tưởng tượng tác tạo có thể phác họa ra trong đó, ta nhận thức được nhiều điều tiên nghiệm trong những phán đoán tổng hợp, và quả thật ta không cần kinh nghiệm nào cả để làm được điều đó, thế nhưng nhận thức này thực ra sẽ không phải là nhận thức gì cả mà chỉ là những ảo ảnh hoang đường (Hirngespinst) [của trí tưởng tượng], nếu không gian không được xem như là điều kiện của những hiện tượng tạo nên chất liệu cho kinh nghiệm bên ngoài: cho nên, những phán đoán tổng hợp thuần túy ấy, dù một cách gián tiếp, cũng phải quan hệ với kinh nghiệm khả hữu, hoặc đúng hơn, với chính khả thể của kinh nghiệm và chỉ trên đó mới đặt cơ sở cho giá trị khách quan của sự tổng hợp của chúng.

Vậy, kinh nghiệm, như là tổng hợp thường nghiệm, trong khả thể của nó, là phương cách nhận thức duy nhất mang lại tính thực tại cho mọi tổng hợp khác; còn sự tổng hợp, như là nhận thức tiên nghiệm, lại chỉ có được chân lý (là sự trùng hợp với đối tượng) là khi nó không chứa đựng gì khác hơn là những gì tất yếu cần thiết để mang lại sự thống nhất tổng hợp của kinh nghiệm nói chung.

Cho nên, nguyên tắc tối cao của mọi phán đoán tổng hợp là: "Đối tượng nào cũng phục tùng những điều kiện tất yếu của sự thống nhất tổng hợp cái đa tạp của trực quan trong một kinh nghiệm khả hữu".

Bằng cách đó, những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm mới có thể có được khi ta liên hệ (beziehen) [áp dụng] những điều kiện mô thức của trực quan tiên nghiệm, sự tổng hợp của trí tưởng tượng, và sự thống nhất tất yếu của tổng hợp ấy trong một Thông giác siêu nghiệm với một nhận thức có thể có của kinh nghiệm nói chung, và nói rằng: "những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm và vì thế, có được giá trị khách quan trong một phán đoán tổng hợp tiên nghiệm".

 

 

TIẾT 3

 

HÌNH DUNG CÓ HỆ THỐNG VỀ MỌI NGUYÊN TẮC TỔNG HỢP CỦA

GIÁC TÍNH THUẦN TÚY

Hễ ở đâu có các nguyên tắc thì đều phải quy cho giác tính thuần túy mà thôi; [vì] giác tính không chỉ là quan năng đề ra các quy luật (Regel) cho những gì đang xảy ra mà bản thân còn là nguồn suối của các Nguyên tắc (Grundsätze) theo đó: tất cả (những gì có thể xuất hiện ra cho ta như đối tượng) đều tất yếu phải phục tùng các quy luật trên, vì nếu không có các quy luật ấy, ta không bao giờ đạt được nhận thức về một đối tượng tương ứng với những hiện tượng. Ngay cả những quy luật của tự nhiên, nếu chúng được xem như là những nguyên tắc của việc sử dụng giác tính thường nghiệm, đều có biểu hiện về tính tất yếu và vì vậy, ít ra cũng có sự phỏng đoán về một sự quy định từ các cơ sở có giá trị tiên nghiệm và có trước mọi kinh nghiệm. Nhưng mọi quy luật tự nhiên - không phân biệt - đều phục tùng các nguyên tắc cao hơn của giác tính, theo nghĩa những quy luật tự nhiên chỉ là sự áp dụng các nguyên tắc cao hơn này vào những trường hợp đặc thù của hiện tượng. Vậy, chỉ các nguyên tắc cao hơn này mới mang lại khái niệm, là cái chứa đựng điều kiện và hầu như chứa đựng các cái tiêu biểu (Exponenten) cho một quy luật nói chung; còn kinh nghiệm, trái lại, cho ta trường hợp [cụ thể] phục tùng quy luật ấy.

Cũng khó có nguy cơ khiến ta lẫn lộn, xem những nguyên tắc thường nghiệm như là các Nguyên tắc của giác tính thuần túy hay ngược lại, vì: chính tính tất yếu theo các
khái niệm*
là đặc điểm của cái sau và sự thiếu vắng tính tất yếu này trong mọi mệnh đề thường nghiệm - dù phạm vi giá trị của chúng mở rộng đến đâu - là điều dễ được nhận ra và có thể ngăn ngừa sự lẫn lộn này. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên tắc thuần túy tiên nghiệm mà tôi không muốn xếp vào cho bản thân giác tính thuần túy vì lẽ, chúng được rút ra từ các trực quan thuần túy chứ không phải từ các khái niệm thuần túy (dù cũng phải thông qua giác tính), vì chỉ có giác tính mới là quan năng của những khái niệm. Toán học có các nguyên tắc thuộc loại này [tức rút ra từ trực quan], tuy nhiên sự áp dụng các nguyên tắc này vào kinh nghiệm, do đó, cả giá trị khách quan của chúng, thậm chí cả khả thể của các nhận thức tổng hợp tiên nghiệm ấy (sự diễn dịch các nguyên tắc toán học) bao giờ cũng phải dựa vào giác tính thuần túy.

{*"Tính tất yếu theo các khái niệm" (die Notwendigkeit nach Begriffen): tính tất yếu phải phục tùng các khái niệm thuần túy của giác tính (các phạm trù). (N.D).}

 

Vì lý do đó, dù không tính các nguyên tắc của toán học vào trong số các nguyên tắc của giác tính thuần túy, tôi vẫn xem chính các nguyên tắc của giác tính mới là điều kiện khả thể cho các nguyên tắc của toán học và mang lại cho chúng giá trị khách quan tiên nghiệm, do đó, như là cái Nguyên tắc (Principium) cho các nguyên tắc (Grundsätze) [tốn học] này, tức là tôi sẽ đi từ khái niệm đến trực quan, chứ không phải đi từ trực quan đến khái niệm.

Trong việc áp dụng các khái niệm thuần túy của giác tính vào kinh nghiệm khả hữu, thì việc sử dụng sự tổng hợp của chúng hoặc có tính toán học, hoặc có tính năng động [động lực] (dynamisch), vì một bên chỉ hướng về trực quan, bên kia về sự tồn tại của một hiện tượng nói chung. Trong quan hệ với một kinh nghiệm khả hữu, các điều kiện tiên nghiệm của trực quan là tuyệt đối cần thiết, còn các điều kiện về sự tồn tại của đối tượng cho một trực quan thường nghiệm khả hữu thì chỉ bất tất. Cho nên, các nguyên tắc của việc sử dụng [phạm trù một cách] toán học có tính tất yếu vô điều kiện, nghĩa là "tất nhiên" (apodiktisch); trái lại, việc sử dụng năng động, tuy vẫn có tính cách của một sự tất yếu tiên nghiệm nhưng chỉ với điều kiện của tư duy thường nghiệm ở bên trong một kinh nghiệm, nghĩa là chỉ tất yếu một cách gián tiếp, qua trung gian. Do đó, các nguyên tắc loại sau này không chứa đựng sự hiển nhiên trực tiếp vốn là đặc điểm của các nguyên tắc thuộc loại trước (mặc dù khi áp dụng vào kinh nghiệm tính xác tín của chúng vẫn không bị tổn hại gì). Tuy nhiên, về điểm này, ta sẽ đánh giá dễ dàng hơn ở phần kết luận về hệ thống các nguyên tắc.

Bảng phạm trù cho ta sự hướng dẫn tự nhiên dẫn đến bảng danh mục các Nguyên tắc vì các Nguyên tắc không gì khác hơn là những quy luật của việc sử dụng khách quan các phạm trù. Trong tinh thần đó, tất cả các Nguyên tắc của giác tính thuần túy là:

1

NHỮNG TIÊN ĐỀ (AXIOMEN) CỦA TRỰC QUAN

2

NHỮNG DỰ ĐOÁN (ANTIZIPATIONEN) CỦA TRI GIÁC

3

NHỮNG LOẠI SUY (ANALOGIEN) CỦA KINH NGHIỆM

4

NHỮNG ĐỊNH ĐỀ (POSTULATE) CỦA TƯ DUY THƯỜNG NGHIỆM NÓI CHUNG

Các tên gọi này được tôi chọn rất cẩn trọng để làm nổi rõ sự khác nhau giữa các nguyên tắc trên, xét về mặt tính hiển nhiên và về sự sử dụng chúng.

Sau đây ta sẽ sớm thấy rằng: không những về tính hiển nhiên mà cả về việc quy định những đối tượng một cách tiên nghiệm, các nguyên tắc rút ra từ hai phạm trù lượngchất (nếu chỉ lưu ý đến mặt hình thức của chúng thôi) có sự khác nhau với các nguyên tắc rút ra từ hai loại phạm trù còn lại [tức phạm trù tương quan và phạm trù hình thái], ở chỗ hai loại trước có một sự xác tín trực quan, hai loại sau chỉ có sự xác tín suy lý, dù cả hai đều có khả năng mang lại một sự xác tín hoàn toàn. Vì thế, tôi gọi cái trước là các nguyên tắc toán học, cái sau là các nguyên tắc năng động (hay động lực)(1).

  {(1)Mọi sự nối kết (Verbindung/La tinh: conjunctio) thì hoặc là tổ hợp (Zusam-mensetzung/compositio) hoặc là kết hợp (Verknpfung/nexus). Cái trước là sự tổ hợp của cái đa tạp không tất yếu thuộc về nhau. Vd hai hình tam giác là do một hình vuông được chia đôi theo đường chéo góc, và tương tự như vậy là sự tổ hợp cái đồng tính trong mọi sự vật được xem xét theo kiểu toán học. Sự tổ hợp này lại được chia ra làm hai: sự hỗn hợp (Aggregation)liên hợp (Koalition); cái trước hướng về lượng có quảng tính (extensiv), cái sau về lượng có cường độ (intensiv). Còn loại kết hợp (nexus) [tức sự nối kết theo nghĩa thứ hai] mới là sự tổng hợp cái đa tạp tất yếu thuộc về nhau, Vd tùy thể phải nối kết với bản thể, hậu quả với nguyên nhân... Đó là sự tổng hợp của những cái dị tính được hình dung là kết hợp [nối kết] với nhau một cách tiên nghiệm. Sở dĩ tôi gọi sự nối kết - không tùy tiện này là năng động vì nó là sự nối kết sự tồn tại của cái đa tạp. (Sự nối kết năng động này lại được chia ra thành sự nối kết vật lý giữa các hiện tượng với nhau và sự nối kết siêu hình học là sự nối kết những hiện tượng một cách tiên nghiệm trong quan năng nhận thức). (Chú thích của tác giả).

[Do đó, các từ “Verbindung” và “Verknpfung” đều được dịch chung là “sự nối kết”. Còn các từ khác chỉ sự nối kết không tất yếu sẽ được dịch riêng tùy trường hợp]. (ND).}

 

Tuy nhiên nên lưu ý rằng: ở đây tôi không hề xem xét các nguyên tắc của môn Toán học, và các nguyên tắc của môn Động học tổng quát (thuộc Vật lý học), mà chỉ xem xét các Nguyên tắc của giác tính thuần túy trong quan hệ với giác quan bên trong (không phân biệt các biểu tượng được mang lại trong đó), nhờ đó mà bản thân các môn Toán học và Động học mới có thể có được. Cho nên tôi đặt tên cho các Nguyên tắc ấy theo sự áp dụng chứ không phải theo nội dung của chúng, và bây giờ ta lần lượt đi vào việc xem xét theo thứ tự của bảng trên.

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

9.3  CÁC NGUYÊN TẮC CỦA GIÁC TÍNH THUẦN TÚY

Chúng ta tổng kết những gì đã đạt được cho đến nay:

- Diễn dịch siêu hình học khẳng định sự tồn tại của các khái niệm thuần túy của giác tính (các phạm trù).

- Diễn dịch siêu nghiệm chứng minh không có phạm trù cũng sẽ không thể có kinh nghiệm.

- Thuyết Niệm thức trình bày các phạm trù được áp dụng một cách tiên nghiệm như thế nào.

Ba bộ phận ấy - mỗi phần có nhiệm vụ và vai trò riêng - hợp thành một tồn khối chứng minh khả thể của những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm: mục đích của Phân tích pháp siêu nghiệm. Tồn khối ấy sẽ hoàn chỉnh khi từ kết quả đã đạt được, Kant rút ra “hệ thống tất cả các Nguyên tắc của giác tính thuần túy”, tức những Nguyên tắc mà giác tính có thể đạt được một cách hoàn toàn tiên nghiệm nhờ vào các niệm thức siêu nghiệm đã biết (B187…). Khác với các niệm thức là cái đi trước, các Nguyên tắc đến sau và là kết quả của các phạm trù, là những mệnh đề hay phát biểu “tổng hợp tiên nghiệm” cơ bản nhất về thực tại mà giác tính có thể tự mình làm được trước khi có mọi kinh nghiệm, làm nền tảng cho mọi phát biểu khác trong các ngành khoa học. Như vậy, các Nguyên tắc này không phải chỉ là các hệ luận được rút ra một cách đơn giản, mà là “thành quả tối cao” của học thuyết về kinh nghiệm, chứa đựng tham vọng rất lớn về lý luận của Kant. Chính vì thế, phần này cũng gây ra nhiều bất đồng giữa các nhà chú giải về ý nghĩa và giá trị thật sự của “các Nguyên tắc”. Trước khi đi vào tìm hiểu “các Nguyên tắc” (phần khá khô khan mà người đọc thiếu kiên nhẫn có thể tạm lướt qua trước khi quay trở lại kỹ hơn), ta nên nhìn qua toàn cảnh cuộc tranh luận để có sự chuẩn bị cần thiết.

 

9.3.1 Nếu J. Hirschberger, tác giả bộ “Lịch sử triết học” nổi tiếng (1)xem “các Nguyên tắc” chỉ là nỗ lực “hết sức vật vã” (gequält!) của Kant để rút ra các mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm từ bảng các phạm trù, thì O. Höffe bênh vực ý nghĩa quan trọng của các Nguyên tắc như là nền tảng siêu nghiệm của mọi nhận thức và tư duy khoa học. Giữa hai cách nhìn ấy còn có nhiều ý kiến phê phán hoặc ủng hộ khác nhau về nội dung các vấn đề liên quan.

- Về mặt hệ thống cũng như về phương diện lịch sử triết học, dù sao “các Nguyên tắc” cũng bàn đến các vấn đề rất cơ bản của triết học và khoa học nói chung như tính thường tồn của bản thể và nguyên tắc nhân - quả mà không ai có thể bỏ qua. “Các Nguyên tắc” cũng làm nổi bật quá trình toán học hóa các khoa học tự nhiên - một đặc trưng của thời cận đại với Kepler, Galilei và Newton -, xem toán học là mô thức không thể thiếu đối với nhận thức tự nhiên khách quan. Tính tất yếu và phổ quát toán học được xem là các tiêu chuẩn nhất thiết của khoa học “đích thực”: với Kant, hoặc chỉ có thể có một khoa học tự nhiên được định lượng và toán học hóa hoặc không thể có một nền khoa học chặt chẽ thực sự. Chính cách nhìn này dẫn đến các ý kiến bất đồng: Hegel đả kích rất mạnh nỗ lực định lượng của khoa học (Xem: Hiện tượng học Tinh thần, Chương V: Lý tính). Môn sinh vật học (Biologie) có từ thời Aristoteles và phát triển dưới thời G. Buffon (1707-1788) (1)đẩy lùi các quan hệ định lượng trừu tượng nhường chỗ cho việc mô tả các quan hệ về chất (định tính). Người ta càng hoài nghi luận điểm của Kant về tính tất yếu của toán học đối với các khoa học trước những hậu quả vừa tích cực vừa không kém tai hại của tiến bộ kỹ thuật. Thêm vào đó, sự phát triển của các ngành khoa học xã hội và nhân văn sau Kant cho thấy chúng không thể hoặc không nhất thiết tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn “khoa học đích thực” của Kant, dù có không ít cố gắng đưa các phương pháp định lượng vào các môn khoa học này.

(1)Johannes Hirschberger, Geschichte der Philosophie (Lịch sử triết học) 2, Freiburg 1991 - Offried Hưffe: Immanuel Kant, Muenchen 1983.

(1)G.L.Buffon: Histoire naturelle, générale et particuliére, 1749 (44 tập).

 

Bác lại quan điểm trên, nhiều người khác cho rằng tuy “các Nguyên tắc của giác tính thuần túy” đặt cơ sở triết học cho các khoa học riêng lẻ (các Nguyên tắc này sẽ được Kant phát triển thành Siêu hình học về tự nhiên trong “Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên” (1786)) nhưng phải phân biệt chúng với những nguyên tắc đặc thù của toán học và khoa học tự nhiên. Chúng đặt nền móng ở tầng sâu hơn nơi những cấu trúc nền tảng của tư duy khoa học; chúng không điều chỉnh các nội dung nhất định về Tự nhiên, mà về Tự nhiên như là Tự nhiên, tức là các nguyên tắc cấu tạo nên bản thân (nhận thức về) Tự nhiên. Dù muốn hay không, mọi phát biểu, phán đoán về tự nhiên đều mặc nhiên lấy chúng làm tiền đề. Từ chúng, người ta không thể trực tiếp rút ra những phán đoán khoa học riêng lẻ; chúng là những “định hướng khởi nguồn” (theo nghĩa gốc của chữ “nguyên tắc” hay như Kant nói, đó là “cái Nguyên tắc (Principium) của những nguyên tắc (Grundsätze) [đặc thù]” (B199) của năng lực phán đoán, không dựa trên các dẫn xuất lôgíc hình thức hay tập hợp sự kiện, trái lại, biểu hiện hành vi phán đoán hợp lý trong mọi tư duy khoa học.

- Một số tác giả nổi tiếng như Popper(1), Stegmüller ca ngợi Kant là người đầu tiên - khác với nhà hồi nghi David Hume - đã đặt nền móng vững chắc cho cơ học Newton. Các người khác (như O. Höffe) bác lại, cho rằng ca ngợi như thế là không hiểu Kant và lại làm hại Kant, vì Kant đặt vấn đề siêu nghiệm chứ không phải là nhà khoa học luận; vả lại gắn Kant với vật lý học cổ điển của Newton (như trước đây trong phần Cảm năng học, gắn Kant với hình học Euclide) làm cho triết học Kant mất hết ý nghĩa trước sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học (dù có các nỗ lực “cứu vãn” Kant của V. Weizsäcker trước các nguyên tắc bảo toàn trong vật lý học và của L.W.Beck trước nguyên tắc bất định của Heisenberg hoặc của E. Cassiser chứng minh sự tương thích giữa Kant với thuyết tương đối và lượng tử). Cũng theo cách lập luận ở trên, quan điểm bác lại cho rằng các Nguyên tắc - cũng như Cảm năng học siêu nghiệm trước đây - không gắn với một môn khoa học riêng lẻ nào trong lịch sử mà chỉ muốn đặt cơ sở cho nhận thức khách quan. Dù Kant tin vào sự đúng đắn của hình học Euclide và cơ học Newton và thường dùng để minh họa, nhưng ông không hề xem chúng là bộ phận hợp thành của việc Phê phán siêu nghiệm. Chúng chỉ là các ví dụ điển hình của nhận thức tổng hợp tiên nghiệm, còn nhiệm vụ của ông là chứng minh khả thể của chúng. Ông không tìm cách “chứng minh” chúng, ông chỉ muốn nói: trong nghiên cứu khoa học, người ta không thể hành động tùy tiện mà phải xuất phát từ những điều kiện khả thể nhất định của chủ thể nhận thức.

{(1)Xem: Thư mục tham khảo.}

Lướt qua như thế là tạm đủ để dẫn nhập, bây giờ ta đi vào tìm hiểu các “Nguyên tắc”.

 

9.3.2  Kant bắt đầu với Nguyên tắc tối cao của mọi phán đoán phân tích: nguyên tắc (loại trừ) mâu thuẫn. Nhưng ông không xem trọng nguyên tắc này lắm mà chỉ dùng nó làm “âm bản” để tiến tới các nguyên tắc tổng hợp tiên nghiệm. Theo Kant, nguyên tắc “Không một sự vật nào được có một thuộc tính mâu thuẫn với chính nó” (B190) chỉ có tính phân tích, không giúp ta thỏa mãn vì không đưa ra được những định nghĩa độc lập, mới mẻ mà chỉ quay đi quay lại với sự mâu thuẫn và tránh mâu thuẫn khi phát biểu.

 

9.3.3  Điều Kant quan tâm là sự khởi đầu của kinh nghiệm từ bên ngồi các mệnh đề phân tích. Kinh nghiệm dựa trên sự thống nhất tổng hợp của những hiện tượng chứ không phải chỉ là các mảnh vụn, các tập hợp hỗn loạn của những ấn tượng cảm tính. Các điều kiện để mang lại sự thống nhất (hay nhất thể) tổng hợp này ta đã biết cả rồi, nay Kant đúc kết lại thành một câu rất hàm súc và quan trọng mà ông gọi là Nguyên tắc tối cao của mọi phán đoán tổng hợp: “Những điều kiện để có thể có được kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện để có thể có được những đối tượng của kinh nghiệm và vì thế, có được giá trị khách quan trong một phán đoán tổng hợp tiên nghiệm” (B197). Nói cách khác, theo Kant, sự hình thành kinh nghiệmsự hình thành đối tượng thống nhất lại làm một và là sự thống nhất (nhất thể) từ bản chất. (“Đối tượng” theo nghĩa là “hiện tượng”).

 

9.3.4  Từ Nguyên tắc tối cao trên đây của mọi phán đoán tổng hợp, Kant rút ra danh mục các Nguyên tắc tổng hợp tiên nghiệm dựa trên các phạm trù đã được niệm thức hóa: Đi theo 4 loại phạm trù, Kant phát triển nguyên tắc của bốn “yếu tố” hay bốn “bước” (Momente) của nhận thức: Trực quan - Tri giác - Kinh nghiệm - và Tư duy thường nghiệm nói chung (“Tư duy thường nghiệm nói chung” nối kết cả ba yếu tố trên đây của nhận thức: trực quan, tri giác và kinh nghiệm. Từ sự nối kết này, tư duy thường nghiệm xác định ba tình thái của nhận thức: khả năng, hiện thực và tất yếu). Đây chính là gợi ý đầu tiên và sâu sắc để sau này Hegel sẽ phát triển thành các cấp độ (Stufe) nhận thức đầu tiên của Ý thức, cấp độ sau phủ định và kế thừa cấp độ trước: sự xác tín cảm tính - Tri giác - Lực và giác tính (Xem: Hegel: “Hiện tượng học Tinh thần” (Phänomenologie des Geistes, 63-119).

Với mỗi bước, Kant phát hiện hình thái đặc thù của nhận thức tổng hợp tiên nghiệm:

- các tiên đề của trực quan

- các dự đoán của tri giác

- các loại suy của kinh nghiệm và

- các định đề của tư duy thường nghiệm nói chung

Với mỗi loại nhận thức có giá trị tiên nghiệm này, Kant nêu ra ít nhất là một “Nguyên tắc”.

Ông gọi các Tiên đề và các Dự đoán (hai loại đầu) là các Nguyên tắc có “tính toán học”, hai loại sau có “tính năng động” (hay động lực ®Động học). Các Nguyên tắc toán học chứng minh tính chính đáng và tính tất yếu của nhận thức toán học: là khoa học nghiên cứu về những đại lượng (quanta) và về Lượng nói chung (quantitas), toán học là yếu tố cấu tạo đầu tiên của mọi đối tượng kinh nghiệm và có giá trị khách quan, thậm chí những sự việc không được diễn đạt bằng những đại lượng không thể là đối tượng khách quan.

Các Nguyên tắc năng động cho phép khoa học tự nhiên đi ra khỏi phạm vi toán học để khẳng định hoặc phủ định, kết hợp theo quy luật (nhân quả) hay không về sự tồn tại của những hiện tượng, và dầu vậy, vẫn còn ở trong khuôn khổ nhận thức tiên nghiệm, trước khi nghiên cứu cụ thể về những dữ kiện thường nghiệm. (Vd: lĩnh vực “Động học” - Dynamik - của Vật lý học thuần túy).

1

CÁC TIÊN ĐỀ CỦA TRỰC QUAN
NGUYÊN TẮC CỦA CHÚNG LÀ: MỌI TRỰC QUAN LÀ NHỮNG LƯỢNGCÓ QUẢNG TÍNH

CHỨNG MINH

Mọi hiện tượng, về hình thức, chứa đựng một trực quan trong không gian và thời gian làm cơ sở tiên nghiệm cho chúng. Chúng có thể được lãnh hội, tức là được thu nhận vào ý thức thường nghiệm không bằng cách nào khác hơn là thông qua sự tổng hợp cái đa tạp, qua đó những biểu tượng về một không gian hay thời gian nhất định được sản sinh ra, nghĩa là bằng sự tổ hợp (Zusammensetzung) cái đồng tính và ý thức về sự thống nhất tổng hợp của cái đa tạp này (những cái đồng tính). Ý thức về cái đồng tính đa tạp ấy trong trực quan nói chung, trong chừng mực nhờ đó biểu tượng về một đối tượng mới có thể có được, chính là khái niệm về một Lượng (Quanti). Cho nên, chỉ nhờ chính sự thống nhất tổng hợp cái đa tạp của trực quan cảm tính được cho mà bản thân tri giác về đối tượng như là hiện tượng mới có thể có được; và qua đó, sự thống nhất của việc tổ hợp cái đa tạp đồng tính mới được suy tưởng trong khái niệm về một Lượng. Nói cách khác, mọi hiện tượng nhìn chung, đều là những Lượng, và đó là, những Lượng có quảng tính, vì với tư cách là những trực quan trong không gian hay thời gian, chúng phải được hình dung bởi cùng một sự tổng hợp, qua đó không gian và thời gian nói chung được xác định*.

{*Lượng: Xem mục từ “Lượng” trong “Mục lục vấn đề và nội dụng thuật ngữ” và chú thích* cho B182-183. (N.D).

*Đoạn từ “Chứng minh... được xác định” là được Kant viết thêm vào cho ấn bản B. (N.D).}

 

Tôi gọi một lượng có quảng tính (extensive Grösse) là cái trong đó, biểu tượng về các bộ phận làm cho biểu tượng về cái toàn bộ có thể có được (và phải tất yếu đi trước cái toàn bộ). Tôi không thể hình dung một đường kẻ nào, dù nhỏ đến mấy, mà không kéo nó ra trong tư tưởng, nghĩa là xuất phát từ một điểm rồi dần dần tạo ra tất cả các phần khác, và chỉ bằng cách đó mới tạo ra được một trực quan về đường kẻ. Cũng như thế, tôi hình dung về đơn vị thời gian, dù ngắn ngủi đến đâu. Tôi suy tưởng trong đó về một diễn tiến kế tiếp nhau từ thời điểm này sang thời điểm khác; là nơi mà qua tất cả các bộ phận của thời gian và sự cộng dồn chúng lại, cuối cùng một thời lượng (Zeitgrösse) nhất định được tạo ra. Vì nơi mọi hiện tượng, trực quan thuần túy là không gian, hoặc là thời gian, nên mọi hiện tượng như là trực quan đều là một lượng có quảng tính bằng cách chỉ thông qua sự tổng hợp tiếp diễn (từ bộ phận này đến bộ phận kia) mà có thể được nhận thức trong sự lãnh hội. Do đó, mọi hiện tượng đều vốn được trực quan như là sự hỗn hợp (Aggregate) (một số lượng của những bộ phận đã cho trước). Sự hỗn hợp này không phải là trường hợp nơi bất kỳ loại Lượng nào mà chỉ là loại Lượng được ta hình dung và lãnh hội như là Lượng có quảng tính (extensiv).

Môn toán học về quảng tính (Hình học) đặt nền tảng trên sự tổng hợp tiếp diễn này của trí tưởng tượng tác tạo trong việc tạo ra những hình thể, và cùng với Hình học là các tiên đề của nó diễn tả các điều kiện của trực quan cảm tính tiên nghiệm, chỉ nhờ đó mới hình thành được niệm thức về một khái niệm thuần túy của hiện tượng bên ngồi, ví dụ: "giữa hai điểm chỉ có thể có một đường thẳng", "hai đường thẳng không thể bao chứa một không gian", v.v… Đó là những tiên đề chỉ liên quan thực sự đến những lượng (quanta) xét như là lượng mà thôi.

Nhưng, xét về lượng của một vật (quantitas), tức là trả lời câu hỏi: "Vật này hay vật kia lớn bao nhiêu?", ta trả lời bằng những mệnh đề cũng có tính tổng hợp và xác tín trực tiếp (indemonstrabilia: không cần chứng minh); nhưng theo nghĩa chặt chẽ, chúng vẫn không phải là những tiên đề. Ví dụ, câu: "Nếu cái bằng nhau được thêm vào hay được rút đi cho cái bằng nhau thì tổng số là bằng nhau"; chỉ là những mệnh đề phân tích, vì tôi ý thức một cách trực tiếp sự đồng nhất của việc hình thành số lượng này với việc hình thành số lượng kia, trong khi những tiên đề phải là những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm. Ngược lại, những mệnh đề hiển nhiên là những mệnh đề về mối quan hệ của các con số, chúng tuy là tổng hợp nhưng không phổ biến như trong những mệnh đề của Hình học, vì vậy cũng không thể là những tiên đề, mà chỉ có thể được gọi là những công thức số. Ví dụ: 5+7=12 tất nhiên không phải là một mệnh đề phân tích. Vì trong biểu tượng về số 7, hay trong số 5, hay trong sự hỗn hợp cả hai con số này đều không cho tôi biểu tượng về số 12. (Trong thực tế, tôi có nghĩ ra được con số này bằng cách cộng cả hai là điều không bàn ở đây, vì trong một mệnh đề phân tích, câu hỏi đặt ra chỉ là liệu tôi có thực sự suy tưởng về vị ngữ trong biểu tượng về chủ ngữ hay không mà thôi). Mệnh đề trên [5+7=12] là tổng hợp, song vẫn chỉ là một mệnh đề riêng lẻ. Trong chừng mực ở đây chỉ là sự tổng hợp của cái đồng tính (các đơn vị số), sự tổng hợp này chỉ có thể diễn ra bằng một phương cách duy nhất [không thể có đáp số nào khác], dù sau đó, việc sử dụng các con số này là phổ biến. Còn nếu tôi nói: "Với ba đường thẳng, trong đó tổng của hai đường lớn hơn đường thứ ba, tôi có thể vẽ một hình tam giác", tôi chỉ cần dùng chức năng đơn thuần của trí tưởng tượng tác tạo để vẽ đường dài, đường ngắn, góc lớn, góc bé gì đều được. Ngược lại, con số 7 chỉ có thể có theo một cách duy nhất cũng như con số 12 là nhờ sự tổng hợp của con số trước với con số 5. Người ta không nhất thiết phải gọi những mệnh đề tổng hợp như vậy là những tiên đề, (vì nếu không, ta sẽ có vô số tiên đề) mà chỉ gọi chúng là những công thức số (Zahlformeln).

Nguyên tắc siêu nghiệm này của môn toán học về những hiện tượng mở rộng nhận thức tiên nghiệm của ta rất nhiều. Vì chỉ nguyên tắc này mới làm cho toán học thuần túy có thể được áp dụng với sự chính xác hoàn toàn vào những đối tượng của kinh nghiệm, và không có nó, sự áp dụng này sẽ không có giá trị hiển nhiên; ngược lại, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Những hiện tượng không phải là những vật-tự-thân. Trực quan thường nghiệm chỉ có thể có được thông qua trực quan thuần túy (không gian và thời gian); cho nên, những gì môn hình học khẳng định về trực quan thuần túy thì cũng có giá trị không cần bàn cãi đối với trực quan thường nghiệm. Mọi sự tránh né, như cho rằng những đối tượng của giác quan không tương ứng với những quy luật kiến tạo trong không gian (ví dụ, với quy luật về tính khả phân vô hạn của đường kẻ hay của các góc) đều phải bị vứt bỏ. Vì, nếu sự phản bác trên là đúng, người ta sẽ phủ nhận giá trị khách quan của không gian, tức của toàn bộ toán học và không còn biết toán học có thể được áp dụng vào hiện tượng là tại saotới đâu. Sự tổng hợp về những không gian và thời gian khác nhau như là về mô thức cốt yếu của mọi trực quan, là cái đồng thời làm cho sự lãnh hội về hiện tượng, cũng như cho mọi kinh nghiệm ở bên ngoài, tức cho toàn bộ nhận thức về đối tượng của kinh nghiệm có thể có được. Do đó cái gì toán học - trong sự sử dụng thuần túy của nó - đã chứng minh được là đúng cho cái trước, thì nhất thiết cũng đúng cho cái sau. Mọi phản bác chỉ là thái độ phân biệt đối xử của một lý tính lầm lạc, nhầm tưởng rằng có thể tháo bỏ những đối tượng của giác quan ra khỏi các điều kiện mô thức của cảm năng chúng ta, rồi hình dung những đối tượng ấy, - dù chỉ là hiện tượng đơn thuần-, như những vật-tự-thân hòng mang chúng lại cho giác tính chúng ta. Thật thế, trong trường hợp này sẽ không thể nhận thức được gì một cách tiên nghiệm, do đó, cũng không thể nhận thức một cách tổng hợp về chúng thông qua những khái niệm thuần túy về không gian, và ngay cả bản thân môn học chuyên xác định những khái niệm ấy - tức Hình học - ắt cũng không thể có được.

2

CÁC DỰ ĐOÁN CỦA TRI GIÁC

NGUYÊN TẮC CỦA CHÚNG LÀ: TRONG MỌI HIỆN TƯỢNG, CÁI THỰC TỒN (DAS REALE) LÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA CẢM GIÁC, ĐỀU CÓ MỘT  LƯỢNG CƯỜNG ĐỘ, TỨC LÀ MỘT ĐỘ (GRAD).

CHỨNG MINH

Tri giác là ý thức thường nghiệm, tức là một ý thức trong đó đồng thời là [chứa đựng] cảm giác. Những hiện tượng như là đối tượng của tri giác không phải là các trực quan thuần túy (mô thức đơn thuần) như không gian và thời gian (vì không gian và thời gian không thể được tri giác). Ngồi trực quan, chúng còn phải chứa đựng những chất liệu cho một đối tượng nói chung (qua đó một cái gì đang tồn tại được hình dung trong không gian và thời gian), tức là cái thực tồn (das Reale) của cảm giác như một biểu tượng chủ quan đơn thuần, nhờ đó ta có thể ý thức rằng chủ thể đang bị kích động và ta đang quan hệ với một đối tượng nói chung [bên ngoài ta]. Một sự biến đổi từng bước từ ý thức thường nghiệm sang ý thức thuần túy chỉ có thể có, trong chừng mực cái hiện tồn trong ý thức thường nghiệm hoàn toàn biến mất và chỉ còn lại ý thức có tính mô thức đơn thuần (tiên nghiệm) của cái đa tạp trong không gian và thời gian: do đó, cũng còn lại một sự tổng hợp về việc tạo ra lượng của một cảm giác từ lúc khởi đầu, tức là từ trực quan thuần túy = 0 tiến lên tới một lượng nào đó của cảm giác. Vì cảm giác tự nó không phải là một biểu tượng khách quan và trong nó không thể tìm thấy trực quan về không gian lẫn thời gian, nên cảm giác không có bất cứ một lượng quảng tính nào, nhưng vẫn có một lượng đi theo nó (nhờ sự lãnh hội về cảm giác, trong đó ý thức thường nghiệm - trong một thời gian nào đó - đi từ cảm giác = 0 tiến lên một độ được cho), đó là Lượng cường độ (intensive Grösse). Do đó, chúng ta phải quy một Lượng cường độ, tức là một Độ về sự ảnh hưởng trên giác quan cho mọi đối tượng tương ứng của tri giác, trong chừng mực tri giác này chứa đựng cảm giác*.

Ta có thể gọi mọi nhận thức, nhờ đó ta có thể nhận thức và xác định một cách tiên nghiệm cái gì là thuộc về nhận thức thường nghiệm, là một dự đoán (Antizipation); và không nghi ngờ gì, đây chính là ý nghĩa mà Epikur đã dùng cho thuật ngữ "PROLEPSIS"** của ông.

{*Từ “Chứng minh… chứa đựng cảm giác” là đoạn được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).

**PROLEPSIS” (Hy Lạp): sự dự đoán, sự tiền giả định. Khái niệm cơ bản trong nhận thức luận của EPICUR (341-271): biểu tượng phổ biến (khái niệm) như là hình ảnh của trí nhớ bao hàm trong đó các hồi ức về nhiều tri giác cùng loại về cùng một đối tượng. (N.D).}

Vì ở trong hiện tượng, có một cái gì đó không bao giờ có thể nhận thức một cách tiên nghiệm được, và chính cái đó tạo nên sự khác biệt căn bản giữa nhận thức thuần túy và nhận thức thường nghiệm; cái đó chính là cảm giác (như là chất liệu của tri giác); từ đó suy ra, cảm giác chính là cái không thể dự đoán được [ở trong nhận thức]. Ngược lại, ta có thể gọi những quy định thuần túy trong không gian và thời gian - không những đối với hình thể mà cả đối với lượng - là những dự đoán về hiện tượng, vì chúng hình dung một cách tiên nghiệm những gì bao giờ cũng chỉ có thể được mang lại một cách hậu nghiệm trong kinh nghiệm. Nhưng giả thiết rằng nơi bất kỳ cảm giác nào cũng có một cái gì đấy được xem như là cảm giác nói chung (dù không có một cảm giác cụ thể nào được mang lại) có thể được nhận thức một cách tiên nghiệm; cái cảm giác chung này xứng đáng được gọi là Dự đoán trong một nghĩa đặc biệt, bởi có vẻ hơi lạ khi dự đoán được kinh nghiệm về những gì liên quan đến chất liệu của nó, là cái người ta chỉ có thể rút ra từ chính kinh nghiệm mà thôi. Trường hợp đang xét ở đây [về dự đoán của tri giác] quả thật là làm công việc như vậy.

Sự lãnh hội [sự vật] chỉ thông qua cảm giác là sự lấp đầy một khoảnh khắc [cảm nhận trọn vẹn] (nếu ta không tính tới sự tiếp diễn của nhiều cảm giác). Trong hiện tượng, cái mà sự lãnh hội về nó không phải như một tổng hợp tiếp diễn đi từ các bộ phận đến toàn bộ biểu tượng, chính là cảm giác, và vì thế, nó không có lượng quảng tính. Sự thiếu vắng cảm giác trong cùng một khoảnh khắc thời gian hình dung khoảnh khắc ấy như là trống rỗng, tức là = 0. Do đó, trong trực quan thường nghiệm, cái tương ứng với cảm giác là thực tại (realitas phaenomenon)*, còn cái tương ứng với sự thiếu vắng cảm giác là cái phủ định của thực tại = 0. Nhưng mỗi cảm giác đều có khả năng suy giảm bằng cách có thể giảm đi và dần dần biến mất. Như vậy trong hiện tượng, giữa thực tại và phủ định [hư vô], có một quan hệ liên tục của nhiều cảm giác trung gian, và sự khác biệt giữa chúng với nhau bao giờ cũng nhỏ hơn là giữa cảm giác được cho với độ 0, hay là với sự phủ định hoàn toàn. Điều ấy có nghĩa rằng: Cái thực tồn trong hiện tượng bao giờ cũng có một lượng, nhưng không được lãnh hội bằng sự tổng hợp tiếp diễn của nhiều cảm giác, tức không phải từ các bộ phận tiến lên cái toàn bộ mà bằng cảm giác trọn vẹn trong một khoảnh khắc; cho nên cảm giác tuy có một Lượng nhưng không phải là lượng quảng tính.

*Realitas phaenomenon: (La tinh: thực tại xét như hiện tượng). (N.D).

 

Bây giờ, tôi gọi [loại] Lượng chỉ được lãnh hội như một nhất thể trọn vẹn, trong đó cái đa thể [của nhiều cảm giác] có thể được hình dung chỉ như là sự tiến dần đến sự phủ định = 0 là Lượng cường độ (intensive Grösse). Vậy, bất cứ thực tại nào trong hiện tượng cũng có Lượng cường độ, tức là một Độ. Nếu ta xem thực tại này như là nguyên nhân (là nguyên nhân của cảm giác hay của thực tại khác trong hiện tượng, Vd của sự biến đổi); ta gọi Độ của thực tại - với tư cách là nguyên nhân - là một động lượng (Moment), Vd: động lượng của trọng lượng, vì Độ chỉ biểu thị lượng được lãnh hội trọn vẹn trong một khoảnh khắc chứ không phải tiếp diễn nhau. Điều này tôi chỉ nhân tiện nhắc qua chứ chưa đi sâu vì hiện nay ta chưa bàn gì về vấn đề nhân quả. [xem "loại suy thứ hai của kinh nghiệm" ở các trang sau]. 

Như vậy, mọi cảm giác, - tức mọi thực tại trong hiện tượng, dù nhỏ đến mấy, cũng có một Độ, tức là một lượng cường độ lúc nào cũng có thể giảm dần; và giữa thực tại và phủ định có một mối quan hệ liên tục của nhiều thực tại khả hữu và của nhiều tri giác khả hữu ngày càng bé dần đi. Mọi màu sắc, Vd, màu đỏ, có một Độ dù nhỏ đến mấy và không bao giờ là nhỏ nhất [tức không còn gì cả], và tình hình cũng giống như thế với sức nóng, động lượng của trọng lượng, v.v…

Đặc tính của những Lượng, theo đó không bộ phận nào của chúng có thể là cái nhỏ nhất (không có bộ phận đơn giản, đơn thuần) được gọi là tính liên tục của chúng. Không gian và thời gian là những quanta continua (lượng liên tục), vì không bộ phận nào của chúng có thể được mang lại cho ta mà không bị giới hạn trong những ranh giới (những điểm và thời khắc), do đó, bộ phận này bản thân cũng là một không gian hoặc một thời gian. Không gian là gồm nhiều không gian và thời gian gồm nhiều thời khắc. Những điểm và những thời khắc chỉ là những ranh giới, tức những vị trí hoặc thời khắc bị giới hạn. Nhưng những vị trí luôn giả thiết có những trực quan giới hạn hoặc xác định chúng; và ta không thể nhận thức không gian hay thời gian phức hợp gồm nhiều bộ phận cấu thành được mang lại trước cả không gian hay thời gian. Những lượng này cũng có thể được xem là những lượng đang trôi qua, vì sự tổng hợp (của trí tưởng tượng tác tạo) để tạo ra những lượng này là một tiến trình trong thời gian và sự liên tục của nó được ta quen gọi bằng thuật ngữ: sự trôi qua.

Đặc tính của những Lượng, theo đó không bộ phận nào của chúng có thể là cái nhỏ nhất (không có bộ phận đơn giản, đơn thuần) được gọi là tính liên tục của chúng. Không gian và thời gian là những quanta continua (lượng liên tục), vì không bộ phận nào của chúng có thể được mang lại cho ta mà không bị giới hạn trong những ranh giới (những điểm và thời khắc), do đó, bộ phận này bản thân cũng là một không gian hoặc một thời gian. Không gian là gồm nhiều không gian và thời gian gồm nhiều thời khắc. Những điểm và những thời khắc chỉ là những ranh giới, tức những vị trí hoặc thời khắc bị giới hạn. Nhưng những vị trí luôn giả thiết có những trực quan giới hạn hoặc xác định chúng; và ta không thể nhận thức không gian hay thời gian phức hợp gồm nhiều bộ phận cấu thành được mang lại trước cả không gian hay thời gian. Những lượng này cũng có thể được xem là những lượng đang trôi qua, vì sự tổng hợp (của trí tưởng tượng tác tạo) để tạo ra những lượng này là một tiến trình trong thời gian và sự liên tục của nó được ta quen gọi bằng thuật ngữ: sự trôi qua.

Mọi hiện tượng nói chung đều là những lượng liên tục; không những về mặt trực quan là lượng có quảng tính; mà xét về mặt tri giác đơn thuần (cảm giác và thực tại) là lượng có cường độ. Nếu sự tổng hợp cái đa tạp của hiện tượng bị cắt đứt đột ngột, cái đa tạp chỉ là một mớ hỗn mang của nhiều hiện tượng riêng lẻ chứ không còn một hiện tượng thật sự như là một Lượng (Quantum: lượng có quảng tính). | Lượng này không được hình thành từ sự tiếp tục đơn giản của tổng hợp tác tạo bằng một cách nào đó, mà bằng sự lặp đi lặp lại của một sự tổng hợp luôn ngắt quãng. Ví dụ, nếu tôi gọi 13 đồng taler [đơn vị tiền lúc bấy giờ] là một lượng tiền, tôi dùng thuật ngữ "lượng" trong trường hợp này là đúng nếu tôi hiểu 13 taler có hàm lượng bạc ròng tương đương với một đồng mác; đó là một lượng liên tục trong đó không bộ phận nào là nhỏ nhất [tức là không có gì cả] mà mỗi bộ phận đều là một đơn vị tiền chứa đựng chất liệu cho những đơn vị nhỏ hơn. Còn ngược lại, nếu tôi dùng từ 13 taler mà hiểu đó là một số những đồng tiền riêng lẻ (hàm lượng bạc bao nhiêu cũng được), tôi đã dùng sai thuật ngữ "một lượng tiền taler", vì chúng là một mớ hỗn độn, tức chỉ là một con số của những đồng tiền riêng lẻ thôi. Vì trong mọi con số phải có sự thống nhất làm cơ sở, vậy hiện tượng là một đơn vị thống nhất mới là một Lượng, và như thế, bao giờ cũng là một lượng liên tục (quantum continuum).

Nếu nhìn mọi hiện tượng - như là lượng quảng tính hay lượng cường độ - là những lượng liên tục, thì câu nói: "Mọi sự biến đổi (chuyển một sự vật từ trạng thái này sang trạng thái khác) là liên tục" có vẻ sẽ được chứng minh dễ dàng với sự hiển nhiên toán học nếu [giả thử] không phải rằng tính nguyên nhân của sự biến đổi nói chung hoàn toàn nằm ngồi ranh giới của triết học siêu nghiệm và không phải lấy những nguyên tắc thường nghiệm làm tiền đề. Bởi vì giác tính không thể hé mở cho ta bất cứ một tri thức tiên nghiệm nào về khả năng có một nguyên nhân [cụ thể] làm thay đổi tình trạng của sự vật, tức biến nó thành cái đối lập với tình trạng đang có; không chỉ vì giác tính không thấy được khả năng [cụ thể] ấy (vì khả năng nhìn thấy này không có trong những nhận thức tiên nghiệm), mà còn bởi vì sự biến đổi thực ra chỉ liên quan đến một số tính quy định nào đó của hiện tượng, điều này chỉ có kinh nghiệm mới cho ta biết được -, trong khi nguyên nhân của sự biến đổi lại liên quan đến cái không biến đổi của sự vật. Và cũng vì nhận ra rằng ở đây ta không có gì để có thể sử dụng ngồi các khái niệm thuần túy cơ bản có giá trị cho mọi kinh nghiệm khả hữu, trong đó không có chút gì là thường nghiệm cả, do đó để không vi phạm tính thống nhất của hệ thống các nguyên tắc, ta không thể đưa ra bất cứ dự đoán nào cho các khoa học tự nhiên tổng quát vốn được xây dựng trên những kinh nghiệm cơ bản nhất định.

Dù vậy, ta không thiếu những bằng cớ để chứng minh ảnh hưởng to lớn của Nguyên tắc này của chúng ta [tức nguyên tắc về Độ] nhằm dự đoán về những tri giác và cả bổ sung trong trường hợp thiếu vắng tri giác để ngăn ngừa việc rút ra những kết luận sai lầm từ sự thiếu vắng đó:

Nếu mọi thực tại trong tri giác đều có một Độ, tức là giữa độ đã cho và sự phủ định của nó có một chuỗi bậc thang vô tận của những độ ngày càng nhỏ dần, và nếu mọi giác quan đều phải có một độ thụ nhận nhất định về những cảm giác, vậy không một tri giác nào, tức không một kinh nghiệm nào có thể có được nếu chứng minh - bằng cách trực tiếp hay gián tiếp (bằng bất cứ sự lắt léo nào trong suy luận mà người ta muốn) - rằng có một sự thiếu vắng hoàn toàn của mọi thực tại ở trong một hiện tượng, tức là, không thể nào tìm được bằng chứng từ kinh nghiệm về sự tồn tại của không gian trống và thời gian rỗng. Thứ nhất là vì, bản thân một sự thiếu vắng hoàn toàn của cái thực tồn trong trực quan cảm tính không thể được tri giác; thứ hai là, một sự thiếu vắng như thế không thể được suy ra từ một hiện tượng duy nhất nào và từ sự khác nhau về độ trong thực tại của hiện tượng ấy, cũng như không bao giờ được phép giả định nó để giải thích về hiện tượng. Bởi vì, một trực quan đầy đủ về một không gian hay thời gian nhất định bao giờ cũng có tính thực tại, tức là không có bộ phận nào của nó là trống rỗng. Và cũng bởi vì mọi thực tại đều có các độ của chúng; khi lượng quảng tính của hiện tượng không thay đổi, các độ này có thể giảm dần theo một chuỗi vô tận đến chỗ không còn gì (chỗ trống rỗng), thì phải có các độ khác nhau vô tận, trong đó không gian hay thời gian lúc nào cũng được lấp đầy; như thế, lượng cường độ trong những hiện tượng khác nhau có thể nhỏ đi hay lớn lên, mặc dù lượng quảng tính của trực quan vẫn y nguyên, không thay đổi.

Chúng ta hãy đưa ra một ví dụ về vấn đề này. Gần như hầu hết các nhà nghiên cứu về tự nhiên, khi nhận thấy một sự khác nhau rất lớn về lượng của vật chất thuộc nhiều loại khác nhau trong cùng một thể tích (một phần do động lượng của trọng lực, hay của trọng lượng, một phần do động lượng của phản lực đối lại với các chất liệu khác đã ở trong trạng thái vận động), đều nhất trí kết luận: thể tích này (tức lượng quảng tính của hiện tượng) phải là trống không đối với mọi chất liệu, dù theo tỉ lệ khác nhau. Ai có thể ngờ rằng phần lớn các nhà nghiên cứu về toán học và cơ học này lại đặt kết luận của mình trên cơ sở của một tiền đề siêu hình học mà họ thường rất muốn tránh né? Thế mà chính họ đã làm như thế khi cho rằng cái thực tồn (das Reale) trong không gian (ở đây tôi không muốn dùng các từ: tính không thể thâm nhập được hay trọng lượng, vì đó là những khái niệm thường nghiệm) là luôn luôn đồng nhất và chỉ có thể được phân biệt theo lượng quảng tính của chúng, tức là theo khối lượng. Ngược hẳn lại với giả thuyết không có cơ sở trong kinh nghiệm và do đó, thuần siêu hình học này, tôi đưa ra một sự chứng minh siêu nghiệm. Chứng minh này không nhằm giải thích sự khác nhau trong việc lấp đầy những không gian, nhưng nhằm bác bỏ hoàn toàn tính tất yếu giả mạo của giả thuyết ấy vì nó cho rằng ta không thể giải thích sự khác nhau nói trên bằng cách nào khác hơn là chấp nhận giả thuyết về những không gian trống không. Chứng minh này cũng góp phần giúp giác tính nhận thức sự khác nhau ấy theo một kiểu khác, nếu quả việc giải thích đòi hỏi phải đưa ra một giả thuyết. Bởi vì chúng ta nhận thức rằng dù hai không gian bằng nhau có thể hoàn toàn được lấp đầy bằng các chất liệu vật chất khác hẳn nhau khiến cho trong hai không gian ấy không còn một điểm trống nào mà vật chất không có mặt, thì mọi thực tại đều có độ của nó (độ phản lực hay trọng lượng) là cái có thể giảm dần đến vô tận, trước khi chuyển thành cái không còn gì và biến mất, nhưng lượng quảng tính vẫn không giảm bớt. Cho nên, sự bành trướng để lấp đầy một không gian, ví dụ, hơi nóng, hoặc bất cứ thực tại nào khác trong thế giới hiện tượng, có thể giảm dần độ của nó đến vô tận mà không hề để lại một phần cực nhỏ nào của không gian trống không; trái lại lúc nào cũng lấp đầy không gian dù với độ ngày càng giảm dần giống hệt như một hiện tượng khác với độ ngày càng tăng dần. Ý định của tôi ở đây không phải là để khẳng định trường hợp này thực sự có dính líu đến sự dị biệt của các chất liệu vật chất xét theo trọng lượng riêng của chúng, mà chỉ muốn chứng minh từ một nguyên tắc của giác tính thuần túy rằng: chính bản tính của những tri giác mới giúp chúng ta có thể đi đến một cách giải thích như thế và thật là lầm lẫn khi người ta xem cái thực tồn của hiện tượng là hoàn toàn giống nhau về Độ mà chỉ khác nhau về sự hỗn hợp lượng quảng tính, và nhất là lại dám xem đó là một nguyên tắc tiên nghiệm của giác tính.

Dù sao, sự dự đoán của tri giác này cũng vẫn có thể làm cho nhà nghiên cứu, tuy đã bắt đầu quen và quan tâm hơn đến triết học siêu nghiệm, không khỏi có ít nhiều kinh ngạc và thắc mắc. Một cách tự nhiên, ta không khỏi hoài nghi liệu giác tính có thể đưa ra (dự đoán) mệnh đề tổng hợp như thế về độ của mọi thực tại trong hiện tượng, và do đó hoài nghi về khả năng có sự khác biệt nội tại trong bản thân cảm giác, một khi gạt bỏ tính chất thường nghiệm của nó. Đó là câu hỏi rất đáng trả lời: "Làm thế nào giác tính có thể phán đoán một cách tổng hợp và tiên nghiệm về hiện tượng và dự đoán chúng, kể cả về những điều đơn thuần thường nghiệm, đó là bản thân cảm giác?"

Trong mọi trường hợp, chất (Qualität) của cảm giác là thường nghiệm đơn thuần và không thể hình dung một cách tiên nghiệm được (ví dụ: màu sắc, mùi vị, v.v...). Nhưng cái thực tồn - là cái tương ứng với cảm giác - đối lập với cái phủ định = 0, chỉ biểu hiện khái niệm về một cái đang tồn tại (ein Sein) và không có nghĩa gì khác là sự tổng hợp trong một ý thức thường nghiệm. Nói cách khác, ý thức thường nghiệm trong giác quan bên trong có thể phát triển từ 0 đến độ cao hơn, về chính cùng một lượng quảng tính của trực quan (ví dụ, một mặt phẳng được chiếu sáng kích thích cảm giác cũng mạnh bằng một hỗn hợp của nhiều mặt phẳng khác được chiếu sáng ít hơn). Vì thế, chúng ta có thể trừu tượng hóa hoàn toàn khỏi lượng quảng tính của một hiện tượng mà vẫn hình dung nơi cảm giác một sự tổng hợp của việc tăng lên đồng dạng (gleichförmig) từ 0 đến ý thức thường nghiệm được cho. Do vậy, mọi cảm giác chỉ có thể được mang lại một cách hậu nghiệm thôi, nhưng đặc điểm riêng có của cảm giác, tức cảm giác có một Độ lại có thể được biết một cách tiên nghiệm. Tóm lại, điểm cần ghi nhớ là: đối với Lượng nói chung, ta chỉ có thể nhận thức tiên nghiệm duy nhất một chất (Qualität) của nó, là tính liên tục; còn đối với mọi chất khác (cái thực tồn của hiện tượng) ta chỉ nhận thức tiên nghiệm được về Lượng cường độ của chúng, tức là chúng có một Độ. Còn mọi điều còn lại là nhường cho kinh nghiệm.

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

9.4   CÁC NGUYÊN TẮC CÓ “TÍNH TOÁN HỌC”9.4.1  NGUYÊN TẮC CỦA TIÊN ĐỀ CỦA TRỰC QUAN (B202-207)

Để nhận thức một cái gì đó như một LƯỢNG, ta phải diễn tả nó như một chỉnh thể đa diện. Trong các nguyên tắc toán học, ta có thể làm điều đó một cách tiên nghiệm, bằng hai cách diễn tả: với trực quan, như là Lượng quảng tính và với tri giác, như là Lượng cường độ. Trước hết, hãy xét trực quan, bước đầu tiên của nhận thức. Nó mang lại cho ta những hiện tượng trải rộng trong không gian - thời gian. Nếu ta chỉ xét trực quan và gạt bỏ mọi đặc điểm khác, những hiện tượng là có quảng tính trong không gian - thời gian: chúng đều có Lượng quảng tính. (Chẳng hạn con số 3 là một chỉnh thể gồm các bộ phận 3=1+1+1, nó có tính cộng, nghĩa là biểu tượng bộ phận đi trước biểu tượng về chỉnh thể, toàn bộ: số 1 và 2 đi trước số 3).

Toán học là khoa học về những mô thức của trực quan, tức về những đại lượng có quảng tính. Các nguyên tắc của toán học là các tiên đề, chẳng hạn trong khuôn khổ hình học Euclide, đó là các mệnh đề “giữa hai điểm chỉ có thể có một đường thẳng”, “hai đường thẳng không thể chứa đựng một không gian”... (B204). Nguyên tắc của mọi trực quan, vì thế, là nguyên tắc cho mọi tiên đề của toán học, có nội dung: “Mọi trực quan đều là các lượng có quảng tính”. Tuy Kant dùng các tiên đề của hình học Euclide để làm ví dụ, nhưng theo cách lý giải dựa trên lập trường siêu nghiệm của Kant, nguyên tắc của các tiên đề của trực quan không bị ràng buộc với một tiên đề toán học cụ thể nào. Lập trường siêu nghiệm của Kant chỉ nêu: mọi đối tượng của khoa học tự nhiên là có quảng tính về không gian - thời gian, nên đều có thể định lượng (tức diễn tả bằng phương pháp toán học) và tất cả những gì - về nguyên tắc - không thể định lượng đều nằm bên ngồi những đối tượng khả hữu của khoa học tự nhiên theo nghĩa chặt chẽ.

 

9.4.2  NGUYÊN TẮC CỦA CÁC DỰ ĐỐN CỦA TRI GIÁC (B207-217)

 

Nguyên tắc dự đoán của tri giác mở rộng thêm một bước việc định lượng. Đó là điều kiện để từ những cảm giác chủ quan (“tôi cảm thấy nóng”) đạt được phán đoán tri giác (“Hôm nay nhiệt độ lên đến 35OC”). Điều kiện ấy là CƯỜNG ĐỘ, hay là, đối tượng của cảm giác có một Độ.

Tri giác là ý thức thường nghiệm, tức phải có các cảm giác được thêm vào làm chất liệu cho các mô thức của trực quan. Các mô thức trực quan là của chủ thể, còn các cảm giác rõ ràng không phải xuất phát từ chủ thể mà mách bảo cho chủ thể nhận thức biết rằng chúng xuất phát từ “thế giới bên ngoài”, nghĩa là từ “cái thực tồn” (das Reale). (Kant không đi sâu giải thích “cái thực tồn”, tức nguồn gốc của cảm giác này và ông thừa nhận nó một cách mặc nhiên). Trong tri giác, hiện tượng có quảng tính trong không gian - thời gian nay có thêm các đặc điểm, thuộc tính, biểu hiện tính thực tại đa dạng của chúng.

Các cảm giác đều là hậu nghiệm, vậy làm sao “dự đoán” được chúng, hay nói cách khác, liệu chúng có bộ phận nào là “tiên nghiệm” không? Kant bảo rằng có và gọi chúng là “Dự đoán của tri giác” (Antizipation), mượn thuật ngữ “PROLEPSIS” của Epicur ngày xưa (từ gốc Hy Lạp: Prolambano: tôi dự đoán). Nhưng Epicur đứng trên lập trường duy thực, xem PROLEPSIS là biểu tượng phổ biến với tư cách là hình ảnh của ký ức gợi nhớ lại các tri giác cùng loại trong quá khứ về cùng một đối tượng, do đó có thể dự đoán, còn Kant chỉ mượn thuật ngữ này để chỉ mô thức nền tảng có tính chất tiền - thường nghiệm cho mọi cảm giác. Như đã nói, các cảm giác (màu sắc, nhiệt độ, âm thanh...) là thường nghiệm và có tính chủ quan vì mỗi người cảm nhận mỗi khác, làm sao tri giác tìm được cái gì “tiên nghiệm” nơi chúng?

Kant cho rằng cảm giác nào cũng gây nơi ta một ấn tượng mạnh hoặc yếu, ít hoặc nhiều. Chẳng hạn cảm giác về màu sắc có thể phai mờ dần cho đến khi mất hẳn. Ông nghĩ đến một sự tăng lên hay giảm dần liên tục các cảm giác (Kant chưa thể tính đến các lãnh vực bất - liên tục của vật lý hiện đại). Nhưng dù sao Kant không phải vô lý khi cho rằng các cảm giác không bao giờ đạt đến điểm O, vì nếu như vậy nó không còn tồn tại và không có gì là cảm giác nữa cả. Có nghĩa là, Nguyên tắc về các dự đoán của tri giác chỉ muốn nói: độc lập với mọi nội dung thường nghiệm của các cảm giác, điều duy nhất ta dự đoán được một cách tiên nghiệm là chúng phải có một độ nào đó,- không phải là độ quảng tính nữa - mà là cường độ (còn nội dung thể hiện đa dạng như nhiệt độ, độ cứng, độ sáng, trọng lượng... là công việc của kinh nghiệm).

Ý định sâu xa của Kant ở đây cũng khá rõ: kinh nghiệm về giới tự nhiên muốn có được tính phổ biến và tất yếu thì không thể không được định lượng về mặt toán học. Những biểu tượng chủ quan muốn có giá trị khách quan phải được diễn tả bằng những đại lượng (toán học), không chỉ về mặt mô thức trực quan, tức lượng quảng tính trong không gian - thời gian, mà cả về nội dung, chất liệu của cảm giác, tức lượng cường độ.

3

CÁC LOẠI SUY* CỦA KINH NGHIỆM

NGUYÊN TẮC CỦA CHÚNG LÀ: KINH NGHIỆM CHỈ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC THÔNG QUA BIỂU TƯỢNG VỀ SỰ NỐI KẾT TẤT YẾU CỦA NHỮNG TRI GIÁC.

CHỨNG MINH

Kinh nghiệm là một nhận thức thường nghiệm; tức là một nhận thức xác định một đối tượng bằng những tri giác. Do đó, kinh nghiệm là một sự tổng hợp của những tri giác, và sự tổng hợp này bản thân lại không chứa đựng sẵn trong tri giác, trái lại, chứa đựng sự thống nhất tổng hợp cái đa tạp của tri giác trong một ý thức; sự thống nhất này tạo nên cái bản chất cốt yếu (das Wesentliche) cho một nhận thức về đối tượng của giác quan, tức của kinh nghiệm (chứ không phải của trực quan hay cảm giác đơn thuần). Trong kinh nghiệm, những tri giác của ta đến với nhau một cách ngẫu nhiên, [bất tất]; khiến cho không có sự tất yếu nào về sự nối kết của chúng từ những tri giác tự bộc lộ hay có thể bộc lộ ra, vì sự lãnh hội của ta chỉ là một sự đặt lại bên nhau (Zusammenstellung) cái đa tạp của trực quan thường nghiệm, chứ không phải biểu tượng về sự tất yếu của bản thân sự tồn tại được nối kết của những hiện tượng đã được sự lãnh hội đem đặt lại bên nhau trong không gian và thời gian. Nhưng vì kinh nghiệm là một nhận thức về những đối tượng dựa vào những tri giác, nên ta không thể xem mối quan hệ trong sự tồn tại của cái đa tạp như chỉ được đặt lại bên nhau vào trong thời gian, mà phải xem là tồn tại ở trong thời gian một cách khách quan. Song vì bản thân thời gian thì không thể được tri giác, nên sự xác định về sự tồn tại của những đối tượng trong thời gian chỉ có thể diễn ra bằng sự nối kết của chúng trong thời gian nói chung, nghĩa là chỉ bằng các khái niệm tiên nghiệm làm công việc nối kết. Vì các khái niệm tiên nghiệm này bao giờ cũng có tính tất yếu, do đó: kinh nghiệm chỉ có thể có được là nhờ một biểu tượng về sự nối kết tất yếu của những tri giác*.

{*Analogien: những cái tương tự (ở đây hiểu như: những suy luận dựa trên sự tương tự: Analogieschlsse = loại suy). Theo Kant, kinh nghiệm xây dựng trên những tri giác. Trong kinh nghiệm, những tri giác đa tạp quan hệ với nhau một cách tất yếu theo các quy định thời gian. Kant gọi các nguyên tắc tiên nghiệm tạo nên khả thể cho sự quan hệ tất yếu ấy của những tri giác là các “Analogien”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ toán học. Trong toán học, “Analogien” biểu thị cho sự bằng nhau hay giống nhau giữa hai quan hệ về lượng (Vd: a:b = c:d), thì trong triết học, chúng biểu thị sự tương tự giữa hai quan hệ về chất, ở đây là sự tương tự giữa các quan hệ của tri giác.

Quan hệ thời gian chỉ có ba khả năng: sự thường tồn; sự tiếp diễn và sự đồng thời, nên cũng có ba hình thái quan hệ giữa những tri giác với nhau, tức ba “Analogien”, mà chúng tôi tạm dịch là ba “loại suy” (Analogieschlsse) theo nghĩa vừa nói trên là: suy luận căn cứ vào tính tương tự, giống nhau của một số đặc điểm của hai hay nhiều tri giác, đối tượng hoặc hệ thống khác nhau. Nếu giống nhau hoàn toàn sẽ thành sự đồng nhất (Identitt) hay sự “tương đương” (quivalenz). (N.D).

*từ: “Chứng minh… của những tri giác” là được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).}

 

Ba thể cách (Modi) của thời gian là: thường tồn [lúc nào cũng có], tiếp theo nhauđồng thời. Theo đó, có ba quy luật về mọi mối liên hệ của thời gian trong hiện tượng. Dựa trên ba quy luật ấy, sự tồn tại của mỗi hiện tượng có thể được xác định trong tương quan với tính thống nhất của toàn bộ thời gian; các quy luật này có trước mọi kinh nghiệm và làm cho kinh nghiệm có thể có được.

Nguyên tắc chung của cả ba loại suy này dựa trên sự thống nhất tất yếu của Thông giác đối với mọi ý thức thường nghiệm khả hữu (tri giác) vào bất kỳ thời gian nào [trong mọi lúc]. Và vì sự thống nhất của Thông giác là cơ sở tiên nghiệm [cho mọi hoạt động của giác tính], nên nguyên tắc này cũng đặt cơ sở trên sự thống nhất tổng hợp của mọi hiện tượng dựa theo quan hệ của chúng trong thời gian. Vì sự thống nhất nguyên thủy của Thông giác liên quan đến giác quan bên trong (đến tổng thể của mọi biểu tượng), rõ hơn, là liên quan một cách tiên nghiệm đến mô thức của nó, nên đó là sự liên hệ của ý thức thường nghiệm đa tạp trong thời gian. Cái đa tạp phải được thống nhất lại trong Thông giác nguyên thủy theo các quan hệ về thời gian, - một sự tất yếu bắt buộc do sự thống nhất siêu nghiệm của Thông giác đề ra một cách tiên nghiệm mà mọi cái đều phải phục tùng để có thể thuộc về nhận thức của tôi (của riêng tôi), tức là có thể trở thành đối tượng cho tôi. Vậy, sự thống nhất tổng hợp được quy định một cách tiên nghiệm này trong quan hệ về thời gian của mọi tri giác chính là quy luật sau đây: "Tất cả những quy định thường nghiệm về thời gian phải phục tùng các quy luật về sự quy định phổ biến về thời gian". Các loại suy của kinh nghiệm mà chúng ta sẽ khảo sát dưới đây chính là các quy luật chung này.

Các nguyên tắc này [các loại suy của kinh nghiệm] có điểm đặc thù là: chúng không xem xét những hiện tượng và sự tổng hợp của trực quan thường nghiệm về hiện tượng, mà chỉ xem xét sự tồn tại thật (Dasein, Existenz) của hiện tượng và mối quan hệ giữa chúng với nhau xét về phương diện tồn tại thôi. Khi một điều gì đó trong hiện tượng được lãnh hội thì phương cách của nó đã được quy định một cách tiên nghiệm theo kiểu: quy luật của sự tổng hợp về hiện tượng có thể mang lại, tức là, có thể tạo ra trực quan tiên nghiệm này trong mọi trường hợp thường nghiệm. Nhưng chỉ riêng sự tồn tại (Dasein) của hiện tượng là không thể nhận thức được một cách tiên nghiệm, và cho dù bằng con đường nói trên, ta có thể đi đến kết luận về một sự tồn tại nào đó, nhưng ta không thể nhận thức được sự tồn tại này một cách xác định; nói cách khác, ta không thể dự đoán được trực quan thường nghiệm về nó khác với trực quan về những cái khác như thế nào.

Hai nguyên tắc đã trình bày ở phần trước [Các tiên đề của trực quan và các dự đoán của tri giác] sở dĩ được tôi gọi là có tính chất toán học là vì chúng có quyền áp dụng Toán học vào những hiện tượng và nghiên cứu những hiện tượng [chỉ] ở phương diện: những hiện tượng này có thể có. Các nguyên tắc ấy dạy cho ta biết bằng cách nào những hiện tượng, - theo trực quan về chúng cũng như cái thực tồn trong tri giác về chúng - có thể được hình thành dựa theo các quy luật của một tổng hợp toán học, do đó, các lượng số học, và với chúng, là sự xác định một hiện tượng như là Lượng có thể được sử dụng [thoải mái] trong tổng hợp toán học này hay trong tổng hợp toán học khác. Ví dụ, từ khoảng 200.000 lần sức chiếu sáng của mặt trăng, tôi có thể gom cả lại và một cách tiên nghiệm, nghĩa là cấu tạo, tôi biết độ của cảm giác của tôi về ánh sáng mặt trời. Cho nên ta có thể gọi hai nguyên tắc trên là có tính cấu tạo (konstitutiv).

Nhưng tình hình sẽ hoàn toàn khác với các nguyên tắc [tức với các loại suy của kinh nghiệm] muốn đưa sự tồn tại của những hiện tượng vào các quy luật một cách tiên nghiệm. Vì sự tồn tại thì không thể được cấu tạo, nên rõ ràng các nguyên tắc này chỉ bàn về các mối quan hệ của sự tồn tại, do đó, không thể mang lại những gì khác hơn là các nguyên tắc có tính điều hành (regulativ) thôi. Trong trường hợp này, ta không nghĩ đến các tiên đề và các dự đoán nào được cả, trái lại, nếu ta được mang lại một tri giác trong một mối quan hệ nhất định về thời gian (dù chưa xác định) khác với những tri giác khác, ta không thể nói một cách tiên nghiệm: những tri giác nào và với độ lớn bao nhiêu [lượng] phải nhất thiết nối kết với tri giác có trước, mà chỉ có thể xét những tri giác sau - về mặt tồn tại - quan hệ với tri giác có trước trong thể cách thời gian đã cho này như thế nào. Các loại suy trong triết học có một nghĩa rất khác với các loại suy được hình dung trong toán học. Trong toán học, chúng là những công thức phát biểu sự bằng nhau của hai quan hệ về lượng, và bao giờ cũng có tính cấu tạo, khiến cho khi 3 số đầu của một tỷ lệ thức* đã được cho, số thứ tư cũng có thể sẽ được cho, tức là có thể được cấu tạo. Nhưng trong triết học, loại suy không phải là sự bằng nhau của hai quan hệ về lượng mà là của hai mối quan hệ về chất. Trong trường hợp này, từ ba bộ phận đã cho, tôi chỉ có thể nhận thức tiên nghiệm mối quan hệ giữa ba bộ phận này với bộ phận thứ tư, chứ không thể nhận thức bản thân bộ phận thứ tư được, tuy nhiên tôi có một nguyên tắc [điều hành] là phải đi tìm cái thứ tư ấy trong kinh nghiệm và có dấu hiệu giúp tôi phát hiện ra nó. Như vậy, một loại suy của kinh nghiệm chỉ là một quy luật theo đó sự thống nhất của kinh nghiệm chỉ được nảy sinh ra từ những tri giác (chứ không phải là bản thân những tri giác như trực quan thường nghiệm nói chung) và không có giá trị cấu tạo mà chỉ có giá trị điều hành như là Nguyên tắc đối với những đối tượng (hiện tượng)**.

{*Tỉ lệ thức (Proportion): quan hệ giữa bốn số trong đó tỉ lệ giữa hai số đầu là bằng tỉ lệ giữa hai số sau. Vd: "4 so với 8 như 6 so với 12" là một biểu hiện về tỉ lệ thức. (N.D).

**“Cấu tạo (konstitutiv)“điều hành” (regulativ) là sự phân biệt  quantrọng cần ghi nhớ vì nó sẽ theo ta suốt trong quá trình tìm hiểu triết học Kant. Nguyên tắc “cấu tạo” là những phát biểu chính xác về bản thân những hiện tượng dựa trên những tri giác (các nguyên tắc có tính “toán học”: tiên đề của trực quan và dự đoán của tri giác); còn nguyên tắc “điều hành” (các nguyên tắc có tính “năng động”: các loại suy của kinh nghiệm và các định đề của tư duy thường nghiệm nói chung) là chỉ đưa ra một quy tắc hay một châm ngôn (Maxime) để hướng theo đó mà đi tìm một điều gì đó trong thế giới hiện tượng. Chẳng hạn nguyên tắc về tính thường tồn của bản thể (B225...) yêu cầu công cuộc nghiên cứu thường nghiệm hãy hiểu giới tự nhiên bằng các khái niệm về bản thể và tùy thể để đi tìm trong thế giới hiện tượng những gì có tính bản thể, những gì có tính tùy thể bằng những tiêu chuẩn thường nghiệm (B232). (N.D).}

 

Điều khẳng định trên đây cũng đúng đối với các định đề của tư duy thường nghiệm nói chung liên hệ đến sự tổng hợp của trực quan đơn thuần (đối với mô thức của hiện tượng), sự tổng hợp của tri giác (đối với chất liệu của hiện tượng) và sự tổng hợp của kinh nghiệm (đối với mối quan hệ giữa những tri giác này với nhau). [Xem: "Các định đề của tư duy thường nghiệm nói chung" từ B266...]. | Chúng đều chỉ là các quy luật điều hành, phân biệt hẳn với các quy luật toán học có tính cấu tạo không phải trong tính xác tín (Gewissheit) vốn đứng vững một cách tiên nghiệm trong cả hai mà chỉ trong phương cách [để mang lại] tính hiển nhiên (Evidenz) tức là tính trực quan (do đó cũng là trong phương cách chứng minh về tính hiển nhiên ấy).

 

Như đã nhắc lại nhiều lần đối với tất cả các nguyên tắc tổng hợp, ở đây cũng cần lưu ý rằng: các loại suy này không phải là những nguyên tắc của việc sử dụng giác tính một cách siêu nghiệm, trái lại chỉ có ý nghĩa và giá trị khi sử dụng giác tính thường nghiệm thôi. [Tính chân lý của chúng] cũng chỉ có thể được chứng minh trong việc sử dụng thường nghiệm, do đó, những hiện tượng không phải nhất thiết được thâu gồm trực tiếp vào dưới các phạm trù mà chỉ vào dưới các niệm thức của phạm trù. Vì lẽ, giả thử nguyên tắc này được áp dụng vào những đối tượng là những vật-tự-thân, ta sẽ hoàn toàn không thể nhận thức gì về chúng theo cách tổng hợp tiên nghiệm cả. Thực ra, ta không có gì ngồi những hiện tượng; nên một tri thức đầy đủ về những hiện tượng - mà tất cả các nguyên tắc tiên nghiệm đều phải nhắm vào - chỉ là kinh nghiệm khả hữu, do vậy, các nguyên tắc này không thể có mục đích nào khác là làm các điều kiện cho sự thống nhất của nhận thức thường nghiệm trong sự tổng hợp về những hiện tượng. Nhưng, sự tổng hợp này chỉ được suy tưởng trong niệm thức của khái niệm thuần túy của giác tính mà thôi. [Tất nhiên], trong sự tổng hợp của bản thân khái niệm thuần túy - như là sự thống nhất của một tổng hợp nói chung - phạm trù chứa đựng chức năng không bị giới hạn bởi điều kiện cảm tính nào. Vì thế, các nguyên tắc này cho phép chúng ta có quyền nối kết những hiện tượng chỉ theo một loại suy, [mô phỏng] theo sự thống nhất lôgíc và phổ biến của các khái niệm của giác tính, do đó cho phép ta sử dụng các phạm trù trong bản thân nguyên tắc, nhưng khi thực hiện (tức áp dụng các nguyên tắc ấy vào những hiện tượng), thì thay chỗ cho các phạm trù, ta chỉ dùng các niệm thức của phạm trù, như chìa khóa cho việc sử dụng chúng, nói rõ hơn, sử dụng các niệm thức như là điều kiện [làm nhiệm vụ] giới hạn (restringierende Bedingung), với tên gọi là "một công thức" (Formel) của phạm trù.

A.  LOẠI SUY THỨ NHẤT

NGUYÊN TẮC VỀ SỰ THƯỜNG TỒN CỦA BẢN THỂ TRONG MỌI THAY ĐỔI* CỦA NHỮNG HIỆN TƯỢNG, BẢN THỂ LÀ THƯỜNG TỒN, VÀ LƯỢNG QUẢNG TÍNH (QUANTUM)** CỦA NÓ TRONG TỰ NHIÊN KHÔNG TĂNG, CŨNG KHÔNG GIẢM.

CHỨNG MINH

Mọi hiện tượng là tồn tại trong thời gian, trong đó chúng chỉ có thể được hình dung như là: cái cơ chất (Sub-strat) (như là mô thức thường tồn của trực quan bên trong), cái đồng thờicái tiếp diễn. Do đó, thời gian - trong đó ta suy tưởng về mọi thay đổi của hiện tượng - là cái đứng yên và không thay đổi, còn sự tiếp diễn và sự đồng thời chỉ có thể được hình dung như là những quy định của bản thân thời gian mà thôi. Thời gian tự nó không thể là một đối tượng của tri giác. Cho nên trong những đối tượng của tri giác, tức trong hiện tượng, phải tìm ra cái cơ chất hình dung [làm đại biểu cho] thời gian nói chung, và nơi đó, mọi thay đổi hay sự tồn tại đồng thời có thể được tri giác trong sự lãnh hội nhờ mối quan hệ của hiện tượng với cơ chất đó. Nhưng cái cơ chất của mọi thực tồn, tức cái gì thuộc về sự tồn tại của sự vật, chính là bản thể; còn tất cả những gì khác thuộc sự tồn tại ấy chỉ được xem như là tính quy định của bản thể.

{*Thay đổi (Wechsel):sự thay đổi (đổi chỗ cho nhau) của các trạng thái, khác với sự “biến đổi” (Vernderung) của bản thân sự vật (bản thể). Xem B230.... (N.D).

**Quantum: Xem chú thích ở B 202. (N.D).}

 

Do đó, cái thường tồn, mà mọi quan hệ về thời gian trong hiện tượng đều phải liên hệ với nó mới có thể được xác định, là bản thể nơi hiện tượng; có nghĩa là, cái thực tồn nơi hiện tượng - với tư cách là cơ chất cho mọi sự thay đổi - bao giờ cũng vẫn chính là nó [không thay đổi]. Vì bản thể là cái không thể thay đổi trong khi tồn tại, vậy lượng quảng tính của nó trong tự nhiên không tăng cũng không giảm*.

*Từ: “Mọi hiện tượngcũng không giảm” là được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).

 

Sự lãnh hội của ta về cái đa tạp trong hiện tượng luôn luôn có tính tiếp diễn, do đó luôn thay đổi. Tuy nhiên, chỉ qua sự thay đổi, ta không bao giờ xác định được cái đa tạp - như là một đối tượng của kinh nghiệm - là đang tồn tại đồng thời hay kế tiếp nhau, bao lâu ta chưa có một cái gì có mặt thường trực trong mọi thời gian, tức là cái ổn địnhthường tồn làm cơ sở, mà mọi sự thay đổi và tồn tại đồng thời đều chỉ là những cách thái (Modi) của thời gian cho biết cái thường tồn đang tồn tại như thế nào. Chỉ trong cái thường tồn này mà mọi mối quan hệ của thời gian mới có thể có được (vì sự tồn tại đồng thời hay sự tiếp diễn chỉ là những mối quan hệ duy nhất trong thời gian); nói khác đi, cái thường tồn là cơ chất của biểu tượng thường nghiệm về bản thân thời gian, và chỉ trong đó, mọi quy định về thời gian mới có thể có được. Cái thường tồn diễn tả thời gian, như là cái đối ứng (Correlatum) ổn định [bền vững] cho mọi tồn tại của những hiện tượng, cho mọi thay đổi và cho mọi tồn tại đồng thời. Vì sự thay đổi không liên quan đến bản thân thời gian, mà chỉ liên quan đến những hiện tượng trong thời gian (giống như sự tồn tại đồng thời không phải là một cách thái của bản thân thời gian, khi trong đó không bộ phận nào đồng thời cả, mà tất cả đều kế tục nhau). Nếu giả thử ta gán sự tiếp diễn cho bản thân thời gian, ta buộc phải suy nghĩ ra một thời gian khác, để trong đó sự tiếp diễn này có thể có được. Chỉ có thể nhờ vào sự thường tồn mà sự tồn tại trong các bộ phận khác nhau của chuỗi liên tục của thời gian nhận được một lượng thời gian, và ta gọi là "thời lượng" (Dauer). Bởi vì trong sự tiếp diễn đơn thuần, sự tồn tại không ngừng biến mất và bắt đầu lại, và như vậy không bao giờ có được một lượng tối thiểu nào cả. Vậy, không có sự thường tồn này, không một mối liên hệ nào trong thời gian có thể có được. Thời gian tự nó không phải là một đối tượng của tri giác; cho nên sự thường tồn trong hiện tượng phải được xem là cơ chất của mọi quy định về thời gian, và từ đó, là điều kiện khả thể cho mọi sự thống nhất tổng hợp của những tri giác, tức của kinh nghiệm; và so với sự thường tồn này, mọi sự tồn tại và mọi thay đổi trong thời gian chỉ có thể được xem như là một cách thái tồn tại của một cái gì ổn định và thường tồn. Do vậy, trong mọi hiện tượng, cái thường tồn là bản thân đối tượng, tức là bản thể (hiện tượng); còn mọi cái thay đổi hay có thể thay đổi là chỉ thuộc về cách thái tồn tại của bản thể này hay của những bản thể, do đó chỉ là những quy định của nó.

Tôi nhận thấy ở thời nào cũng vậy và không chỉ đối với triết gia mà cả trong tâm trí bình thường của mọi người, ai cũng giả thiết rằng tính thường tồn này là cơ chất cho mọi sự thay đổi của những hiện tượng, và đều chấp nhận rằng đó là điều không thể nghi ngờ. Riêng chỉ có triết gia là phát biểu điều đó một cách chính xác và chặt chẽ hơn thôi: "Đối với mọi sự biến đổi (Veränderung) trong thế giới, bản thể là thường tồn và chỉ có những tùy thể là thay đổi (wech-seln)". Chỉ có điều là, với một mệnh đề tổng hợp đến mức như thế, tôi ít thấy có ai chịu khó chứng minh; nhất là khi mệnh đề này xứng đáng được xem là đứng hàng đầu trong số các quy luật tự nhiên thuần túy và hoàn toàn tiên nghiệm. Thật ra, câu nói: "Bản thể là thường tồn" là một câu lặp thừa (tautologisch: trùng ngôn, trùng luận). Vì lẽ chính tính thường tồn này là lý do tại sao ta áp dụng phạm trù bản thể vào cho hiện tượng; và lẽ ra điều người ta buộc phải chứng minh là: trong mọi hiện tượng, có một cái gì đó thường tồn, còn cái khả biến nơi nó không gì khác hơn chỉ là tính quy định của sự tồn tại của nó. Thế nhưng, chứng minh này không bao giờ được phép có tính giáo điều, tức là, không được phép chỉ suy ra từ trong bản thân khái niệm, chứng minh này liên quan đến một mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm, và người ta đã không bao giờ chịu nghĩ rằng, những mệnh đề thuộc loại này chỉ có giá trị trong mối quan hệ với kinh nghiệm khả hữu mà thôi và vì thế không thể có cách chứng minh nào khác ngồi việc diễn dịch về chính khả thể của kinh nghiệm. [Thiếu nhận thức như vậy] nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nó là nền tảng của mọi kinh nghiệm (vì ai cũng cảm thấy cần nó trong nhận thức thường nghiệm) mà lại không hề được chứng minh.

Người ta hỏi một triết gia: "Khói nặng bao nhiêu?". Ông ta trả lời: "Trừ trọng lượng của số củi đã đốt với số tro còn lại, bạn sẽ có trọng lượng của khói". Như vậy, ông ta giả thiết một cách không thể phản bác rằng, ngay trong lửa, vật chất (bản thể) không mất đi, mà chỉ có hình thức của nó là bị thay đổi thôi. Cũng đúng như thế với một câu khác: "Từ không có gì sẽ không có gì" chỉ là một hệ luận khác từ nguyên tắc tính thường tồn, hay đúng hơn từ sự tồn tại thường tồn của chủ thể đích thực nơi những hiện tượng. Vì nếu cái ta gọi là bản thể nơi hiện tượng phải là cơ chất thực sự cho mọi quy định về thời gian, thì không những tất cả sự tồn tại trong thời gian đã qua mà cả trong thời gian tương lai đều chỉ được quy định bởi cơ chất này. Do đó, sở dĩ ta có thể ban cho hiện tượng tên gọi “bản thể”, vì ta giả thiết sự tồn tại của bản thể trong mọi thời gian, - điều mà thuật ngữ "tính thường tồn" không diễn tả hết được vì nó thường được hiểu là chỉ áp dụng cho thời gian trong tương lai. Tuy nhiên, tính tất yếu nội tại của sự tồn tại thường tồn thiết yếu gắn liền với việc phải tồn tại cả trong quá khứ; cho nên thuật ngữ trên vẫn được giữ lại theo ý nghĩa đó. "GIGNI DE NIHILO NIHIL; IN NIHILUM NIL POSSE REVERTI" (Persius, Satirae, III 83: không có gì được sinh ra từ hư vô; không có gì lại trở về với hư vô) là hai câu mà người xưa không bao giờ tách rời chúng ra, và chỉ có người đời nay đôi khi lại tách rời, do ngộ nhận: họ tưởng rằng câu này áp dụng cho những vật-tự-thân và do đó câu trước có vẻ đi ngược lại [niềm tin vào] sự phụ thuộc của vạn vật (tất nhiên cả về phương diện bản thể của vũ trụ) vào một nguyên nhân tối cao. Nhưng sự lo ngại này thực hoàn toàn không cần thiết vì trong hai câu trên, vấn đề chỉ liên quan đến hiện tượng trong lãnh vực kinh nghiệm, mà sự thống nhất [tính nhất thể] của nó không bao giờ có thể có được nếu ta giả thiết lúc nào cũng có những sự vật hoàn toàn mới ra đời (cả về phương diện bản thể của những sự vật này). Vì trong trường hợp đó, ta sẽ đánh mất cái duy nhất giúp ta hình dung được sự thống nhất của thời gian, đó là, tính đồng nhất của cơ chất, là nơi mà mọi sự thay đổi có được tính nhất thể trọn vẹn. Cái thường tồn này, do vậy, không gì khác là cách thức hình dung cho ta sự tồn tại của sự vật (trong thế giới hiện tượng).

 

Những quy định của một bản thể không gì khác hơn là những cách thái đặc thù của nó để tồn tại, được gọi là những tùy thể (Akzidenzen). Những tùy thể luôn có thực (real) vì chúng liên quan đến sự tồn tại của bản thể (ngay những sự phủ định cũng là những quy định diễn tả sự không - tồn tại của cái gì đó trong bản thể). Nếu ta gán cho cái thực tồn này nơi bản thể [cái tùy thể] một tồn tại đặc thù (ví dụ: sự vận động như là một tùy thể của vật chất), ta gọi sự tồn tại này là cái tùy thuộc (Inhärenz)*, phân biệt với sự tồn tại của bản thể mà ta gọi là cái tự tồn (Subsistenz)*. Nhưng chính ngay cách gọi này đã gây ra nhiều hiểu lầm sai lạc, và nó sẽ được hiểu đúng hơn và chính xác hơn nếu ta biểu thị tùy thể chỉ thông qua phương cách làm thế nào để sự tồn tại của một bản thể được xác định một cách tích cực (positiv). Thế nhưng, do các điều kiện của việc sử dụng giác tính một cách lôgíc, ta khó tránh khỏi tách riêng cái gì có thể thay đổi nơi sự tồn tại của bản thể ra một bên, - trong khi bản thể thì thường tồn, không thay đổi -, và xem xét cái thay đổi này trong mối quan hệ với cái thường tồn thực sự và [tức là với] cái căn cơ (Radikale) kia [bản thể], do đó, phạm trù [bản thể] này tuy vẫn phục tùng đề mục các phạm trù về tương quan, nhưng [lại được xem] như là điều kiện cho các phạm trù tương quan hơn là tự bản thân nó cũng chứa đựng một mối tương quan. [Xem B106].

{* Inhrenz(từ gốc La tinh: inhaerere: “phụ thuộc vào cái gì”): thuộc tính, tùy thể. (N.D).

*Subsistenz (từ gốc La tinh: subsistere: đứng vững, độc lập): chỉ tính độc lập của bản thể, có thể tồn tại tự mình và bởi mình (in se et per se) (trong truyền thống triết học Aristoteles - kinh viện). (N.D).}

 

Dựa trên tính thường tồn này, ta điều chỉnh lại cho đúng khái niệm về sự biến đổi (Veränderung). Xuất hiện ra và mất đi không phải là những sự biến đổi của cái xuất hiện ra và mất đi. Sự biến đổi chỉ là một phương cách của tồn tại tiếp theo một phương cách tồn tại khác của cùng một đối tượng. Do đó, cái gì biến đổi thì luôn thường tồn (bleibend) và chỉ có trạng thái của nó là thay đổi (wechselt). Vì sự thay đổi này chỉ liên quan đến các quy định có thể khởi đầu và có thể kết thúc, cho nên chúng ta có thể nói - bằng một lối nói khá nghịch lý - rằng: "Chỉ có cái thường tồn (bản thể) là bị biến đổi; còn cái khả biến lại không chịu sự biến đổi nào, mà chỉ có một sự thay đổi, vì một số quy định này ngừng lại và một số khác bắt đầu"**.

{**Một ví dụ đơn giản giúp làm sáng tỏ điều Kant vừa nói: Tôi lúc trẻ và tôi lúc già. Tôi vẫn là tôi (bản thể thường tồn), nhưng tôi bị biến đổi (Vernderung) từ trẻ thành già. Còn trẻ và già chỉ thay đổi (Wechsel) chỗ cho nhau, tự chúng không biến đổi gì và chỉ là các trạng thái của tôi. (N.D).

 

Vì vậy, chỉ có sự biến đổi là có thể được tri giác nơi những bản thể, chứ không phải sự xuất hiện ra hay mất đi đơn thuần, nếu nó không phải là một quy định của bản thể thường tồn ấy. Bởi vì chính cái thường tồn này mới làm cho ta có thể hình dung sự quá độ từ một trạng thái này sang trạng thái khác và từ sự không - tồn tại thành tồn tại; điều này chỉ có thể được nhận thức một cách thường nghiệm như là những quy định thay chỗ cho nhau của một cái gì thường tồn. Các bạn thử giả thiết có một cái gì đó khởi đầu tồn tại một cách tuyệt đối, ắt các bạn phải có một thời điểm khi nó chưa có. Nhưng các bạn muốn gắn thời điểm ấy vào đâu nếu không phải vào cái đã có sẵn đó? Bởi vì một thời gian rỗng - có trước đó - không phải là đối tượng của tri giác. Nhưng nếu các bạn nối kết cái bắt đầu tồn tại này với những sự vật đã tồn tại từ trước đó và những sự vật đã tồn tại từ trước này tiếp tục tồn tại cho tới khi cái bắt đầu tồn tại kia ra đời, thì cái tồn tại sau chỉ có thể là một tính quy định của cái đã tồn tại từ trước, tức là của cái thường tồn. Điều này cũng đúng như thế đối với cái mất đi vì cái mất đi cũng phải giả thiết có một biểu tượng thường nghiệm về một thời điểm trong đó một hiện tượng không còn tồn tại nữa.

Những bản thể (trong thế giới hiện tượng) là những cơ chất của mọi quy định về thời gian. Sự ra đời của một sốbản thể này và sự mất đi của một số bản thể khác [chứ không phải các trạng thái của chúng] sẽ thủ tiêu điều kiện duy nhất về sự thống nhất thường nghiệm của thời gian, và trong trường hợp đó, những hiện tượng phải quan hệ với hai thời gian khác nhau, trong đó, sự tồn tại diễn ra song song, đó là điều phi lý. Bởi vì chỉ có một thời gian, trong đó, mọi thời điểm khác nhau phải được thiết định (gesetzt) - không phải đồng thời - mà kế tiếp nhau.

 

Như vậy tóm lại, tính thường tồn là điều kiện tất yếu, chỉ nhờ đó những hiện tượng - như là những sự vật hay những đối tượng - mới có thể được xác định trong một kinh nghiệm khả hữu. Nhưng về tiêu chuẩn thường nghiệm của sự thường tồn tất yếu này và cùng với nó, về tính bản thể (Substantialität) của những hiện tượng, sau này chúng ta sẽ còn có dịp đề cập những gì cần thiết*.

{*Các vấn đề này sẽ được Kant bàn kỹ hơn trong quyển: "Những cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên" (Metaphysische Anfangsgrnde der Natur-wissenschaft) (1786). (N.D).}

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

9.5 CÁC NGUYÊN TẮC CÓ TÍNH NĂNG ĐỘNG

9.5.1 CÁC LOẠI SUY CỦA KINH NGHIỆM

“Loại suy của kinh nghiệm” là gì? Ta biết rằng kinh nghiệm xây dựng trên tri giác. Trong kinh nghiệm, các tri giác rất đa tạp xuất hiện ra trong một mối quan hệ tất yếu về thời gian. Các nguyên tắc có giá trị tiên nghiệm để nhận thức được mối quan hệ này, hay nói theo kiểu Kant, để làm cho mối quan hệ tất yếu này có thể có được, gọi là các “Analogien” (gốc Hy Lạp: các mối quan hệ), ta tạm dịch là các Loại suy. Thuật ngữ “Analogie” có nguồn gốc từ toán học. “Analogie” trong toán học chỉ sự giống nhau giữa hai quan hệ về lượng (Vd: a:b=c:d hoặc a:b=b:c). Trong triết học, ngược lại, chỉ sự giống nhau giữa hai quan hệ về chất; ở đây là sự giống nhau trong mối quan hệ giữa các tri giác với nhau.

Quan hệ tất yếu về thời gian chỉ có ba khả năng: sự thường tồn, sự tiếp diễn và sự đồng thời. Do đó có ba hình thái hay mô thức quan hệ giữa các tri giác với nhau, tức ta suy ra ba loại quan hệ giống nhau giữa chúng, đó là ba loại suy (Analogieschüsse): - nguyên tắc về sự thường tồn (trong thời gian) của bản thể; - nguyên tắc về sự tiếp diễn trong thời gian theo quy luật nhân quả và - nguyên tắc về sự tồn tại đồng thời theo quy luật về sự tương tác hay cộng đồng. Điểm chung của ba loại suy là Nguyên tắc: kinh nghiệm chỉ có thể có được thông qua biểu tượng về sự nối kết tất yếu của những tri giác (B219). Trong ba loại suy, ta sẽ tìm hiểu hai loại suy đầu; loại suy thứ ba không khó hiểu lắm nên chỉ nhắc qua ở trên.

 

9.5.1.1  NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH THƯỜNG TỒN CỦA BẢN THỂ

Đây là vấn đề quen thuộc của tư duy thông thường, đồng thời cũng là chủ đề cổ điển của triết học. Theo Kant, nó là một phán đoán tổng hợp tiên nghiệm làm cơ sở cho khả thể của mọi kinh nghiệm.

Bảo bản thể phải thường tồn không phải là điều khó, vì bản thể - theo định nghĩa - là cái gì vốn thường tồn (beharrlich), ta chỉ có một mệnh đề phân tích. Vấn đề là làm thế nào biến nó thành một phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, tức phải áp dụng khái niệm bản thể - là cái gì thường tồn - vào cho các hiện tượng để chứng minh: trong mọi hiện tượng phải có một cái gì thường tồn làm nền tảng, còn các hiện tượng khác được ta quan sát chỉ là các thuộc tính hay các trạng thái thay đổi khác nhau của cái thường tồn ấy.

a) Kant phát xuất từ một tiền đề và 5 bước chứng minh. Tiền đề là: có những hiện tượng luôn thay đổi trước mắt ta, vậy 5 bước chứng minh là:

- Không thể hình dung có sự thay đổi mà không có một khuôn khổ quy chiếu ổn định;

- Khuôn khổ quy chiếu ấy chính là Thời gian, trong đó mọi sự thay đổi: đồng thời, tiếp diễn và tương tác (tác động qua lại) được hình dung. Vậy bản thân Thời gian là cái không thay đổi, nó vẫn tồn tại, tức là cái thường tồn.

- Nhưng - đây là bước quyết định - bản thân Thời gian thì ta không thể tri giác được, nghĩa là trong mọi tri giác, ta không thể lấy Thời gian làm cơ sở cho mọi hiện tượng đang thay đổi.

- Vậy trong mọi đối tượng của tri giác phải có một cơ chất (Substrat) làm cơ sở cho mọi thay đổi.

 - Cái cơ chất cho mọi thuộc tính thay đổi ấy chính là Bản thể và vì vậy, bản thể là cái thường tồn trước mọi thay đổi của các hiện tượng. Tóm lại, trong kinh nghiệm luôn phải có một cái gì ổn định trong quan hệ với các hiện tượng giống như bản thể thường tồn trong quan hệ với các thuộc tính (hay tùy thể) luôn thay đổi.

Nguyên tắc về tính thường tồn của bản thể cho rằng ta không thể có kinh nghiệm về “sự biến đổi” một cách đơn thuần, trừu tượng mà chỉ trong quan hệ với một bản thể. Mặt khác, cái ta biết không phải là sự xuất hiện ra và mất đi của bản thân bản thể mà chỉ là sự thay đổi của các hiện tượng, các trạng thái của bản thể. Bản thể thường tồn là điều kiện không thể thiếu được để mọi hiện tượng có thể trở thành nhất thể tất yếu trong một kinh nghiệm. Nói dễ hiểu hơn, Kant phân biệt và làm sáng tỏ 2 khái niệm: “sự biến đổi” (Veränderung)“sự thay đổi” (Wechsel) trong câu rất hay ở trang B230 và chúng ta thêm vào các ví dụ để dễ hiểu: “Xuất hiện ra và mất đi [Vd: con đường đang ướt và lại trở thành khô hay tôi trước kia trẻ và bây giờ già] không phải là những sự biến đổi của cái xuất hiện ra và mất đi [ướt, khô, trẻ, già]. Sự biến đổi chỉ là một phương cách của tồn tại thay thế cho một phương cách khác của cùng một đối tượng [con đường, tôi], do đó, cái gì chịu sự biến đổi thì luôn thường tồn và chỉ có trạng thái của nó là thay đổi. Vì sự thay đổi này chỉ nói lên cái gì có khởi đầu và có kết thúc, cho nên chúng ta có thể nói - bằng một lối nói khá nghịch lý - rằng: “Chỉ có cái thường tồn [bản thể: con đường, tôi] là bị biến đổi, còn cái khả biến [ướt, khô, trẻ, già] lại không chịu sự biến đổi nào, mà chỉ thay đổi, vì một số đặc điểm này ngừng lại và một số khác bắt đầu” (B230-231).

Tóm lại, dụng ý của Kant cũng khá rõ: ta chỉ có thể nhận thức thường nghiệm những quy định thay chỗ cho nhau, tức các trạng thái của một cái gì thường tồn, chứ không thể nhận thức cái khởi đầu hay cái mất đi một cách tuyệt đối bên ngoài thời gian.

b) Ở 9.3.4, ta đã biết Kant phân biệt “các Nguyên tắc có tính toán học” và “các Nguyên tắc có tính năng động”, nay ta cần ghi nhớ thêm một sự phân biệt khác có tầm quan trọng hơn nữa vì nó sẽ đi theo ta suốt trong quá trình tìm hiểu triết học Kant: các Nguyên tắc cấu tạo (konstitutiv) và các Nguyên tắc điều hành (regulativ). Khác với các Nguyên tắc toán học (Tiên đề của trực quan và Dự đoán của tri giác) có tính cấu tạo, các loại suy của kinh nghiệm (mà nguyên tắc tính thường tồn của bản thể đang xét là loại suy đầu tiên trong ba loại suy) chỉ là các nguyên tắc điều hành (B221-222). Điều ấy có nghĩa gì? Nguyên tắc “cấu tạo” là những phát biểu chính xác về bản thân các hiện tượng dựa trên các tri giác, còn “điều hành” là chỉ đưa ra một quy tắc hay một châm ngôn (Maxime) để hướng theo đó mà đi tìm một điều gì đó trong thế giới hiện tượng. Chẳng hạn nguyên tắc về tính thường tồn của bản thể yêu cầu công cuộc nghiên cứu thường nghiệm hãy hiểu giới Tự nhiên bằng các khái niệm về bản thể và tùy thể để đi tìm trong thế giới hiện tượng những gì có tính bản thể, những gì có tính tùy thể. Chính trong ý nghĩa đó, ta hiểu được câu kết luận của Kant ở phần loại suy thứ nhất này: “Tóm lại, sự thường tồn là điều kiện thiết yếu, chỉ nhờ đó các hiện tượng - như là sự vật hay đối tượng - mới có thể được xác định trong một kinh nghiệm khả hữu. Nhưng về tiêu chuẩn thường nghiệm của sự thường tồn tất yếu này và cùng với nó, về tính bản thể (Substantialität) của các hiện tượng, sau này chúng ta sẽ còn có dịp đề cập cặn kẽ hơn” (B232).

Trong loại suy 1, ông chỉ nói: trong mọi kinh nghiệm ắt phải có mối quan hệ “bản thể - tùy thể” nhưng không nói bản thể ấy là gì (xin nhớ: theo Kant, việc xác định bản thể thường tồn “theo tiêu chuẩn thường nghiệm” không phải là tìm đến một bản thể tồn tại “tự thân” mà vẫn chỉ là “một bản thể như là hiện tượng”. Xem thêm B251). Câu hỏi ấy chỉ được “đề cập sau này” trong “các cơ sở Siêu hình học của khoa học tự nhiên” (1786) với khái niệm về vật chất (Materie) làm cơ sở triết học cho quy luật thứ nhất về cơ học (trong mọi biến đổi của tự nhiên - vật thể, lượng của vật chất nói chung không thay đổi). Sở dĩ như vậy là vì chỉ ở đây, khi đi vào thế giới hiện tượng thường nghiệm, Kant mới bàn đến các quy luật - tuy nền tảng - nhưng đồng đẳng với các quy luật thường nghiệm của vật lý học. Còn ngược lại, trong quyển Phê phán đang bàn, Kant đặt vấn đề ở bình diện khác: bình diện siêu nghiệm và nhường cho khoa học tự nhiên làm công việc tìm tòi và xác định các bản thể thường tồn là gì và ở đâu. Do đó, tuy trong ấn bản lần 2 này, Kant bổ sung Nguyên tắc Siêu nghiệm về sự thường tồn của bản thể và cho rằng lượng quảng tính (Quantum) của bản thể trong tự nhiên không tăng cũng không giảm (B224), có vẻ giống với các định luật bảo tồn (năng lượng và khối lượng) của vật lý học cổ điển lẫn hiện đại, nhưng chúng vẫn không thể được hiểu một cách thường nghiệm như không ít người đã vội kết luận(1).

{(1)Thời Kant, nhà hóa học Pháp Lavoisier (1743-1794) xem vật chất cân đo được là bản thể tối hậu. Kưrner đã liên hệ trực tiếp Loại suy thứ nhất của Kant với khái niệm này, cũng như V.Weizscker tìm cách chứng minh Loại suy này là tương thích với những quan điểm mới nhất của vật lý học hiện đại (dẫn theo O.Hưffe: Immanuel Kant, tr. 125-126). (Xem thư mục tham khảo).}

 

B.

LOẠI SUY THỨ HAI

NGUYÊN TẮC VỀ SỰ TIẾP DIỄN CỦA THỜI GIAN THEO QUY LUẬT TÍNH NHÂN QUẢ

Mọi sự Biến đổi xảy ra theo quy luật nối kết giữa nguyên nhân và kết quả.

CHỨNG MINH

(Nguyên tắc vừa trình bày trên đây [loại suy thứ I về sự thường tồn của bản thể] đã khẳng định rằng: Mọi hiện tượng của chuỗi* tiếp diễn về thời gian nhìn chung chỉ là những sự biến đổi; tức là một sự tồn tại hay không tồn tại có tính tiếp diễn của những quy định của bản thể thường tồn. Do vậy, sự tồn tại của bản thân bản thể tiếp theo sau sự không-tồn tại của bản thể đó, hoặc là sự không-tồn tại của bản thể tiếp theo sau sự tồn tại của chính bản thể, nói khác đi, sự ra đời và mất đi của bản thân bản thể là điều không thể có được. Nguyên tắc trên đây cũng có thể được diễn đạt bằng cách như sau: "Mọi sự thay đổi (sự tiếp diễn) của những hiện tượng chỉ là sự biến đổi"**; bởi vì sự ra đời hay mất đi [của cái tùy thể] nơi bản thể không phải là sự biến đổi của bản thân bản thể, vì khái niệm về sự biến đổi luôn giả thiết phải có cùng một chủ thể [đồng nhất như là] đang tồn tại với hai quy định trái ngược nhau, do đó như là chủ thể thường tồn. Sau khi ôn lại sơ qua như thế, bây giờ ta bắt đầu tiếp tục phần chứng minh loại suy thứ hai).

 

Tôi tri giác những hiện tượng tiếp diễn nhau, có nghĩa là, một trạng thái của sự vật tồn tại vào lúc này và cái ngược lại đã tồn tại trong một trạng thái trước. Như vậy, tôi thực sự nối kết hai tri giác lại với nhau trong thời gian. Nhưng sự nối kết đó không phải là công trình của giác quan đơn thuần và của trực quan, mà là sản phẩm của một quan năng tổng hợp của trí tưởng tượng xác định giác quan bên trong về phương diện quan hệ thời gian. Nhưng trí tưởng tượng có thể nối kết hai trạng thái nói trên lại bằng hai cách khác nhau, khiến cho một trong hai trạng thái là trạng thái có trước trong thời gian; vì bản thân thời gian tự nó không thể được tri giác, và nơi đối tượng, cái gì đi trước và cái gì đến sau không thể xác định được một cách thường nghiệm trong quan hệ với [bản thân] thời gian. Như thế, tôi chỉ ý thức được rằng trí tưởng tượng của tôi xếp đặt trạng thái này trước và trạng thái kia sau; chứ không phải trạng thái này đi trước trạng thái kia ở trong đối tượng, hay nói khác đi, bằng tri giác đơn thuần, mối quan hệ khách quan của những hiện tượng tiếp diễn nhau vẫn chưa được xác định (unbestimmt). Để cho mối quan hệ này có thể được nhận thức một cách xác định, mối quan hệ giữa hai trạng thái này phải được suy tưởng để qua đó được xác định như là tất yếu, tức là cái nào phải được đặt trước, cái nào đặt sau chứ không thể ngược lại.

Nhưng khái niệm vốn chứa đựng một sự tất yếu của sự thống nhất tổng hợp chỉ có thể là một khái niệm thuần túy của giác tính; là cái không nằm trong tri giác; và ở đây là phạm trù về mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, trong đó, cái trước xác định cái sau trong thời gian như là kết quả [tất yếu của nó], chứ không phải như cái gì có thể đi trước đơn thuần trong trí tưởng tượng (hoặc không thể được tri giác ở đâu cả). Vậy, chỉ nhờ ta bắt buộc chuỗi tiếp diễn của những hiện tượng - và do đó, mọi sự biến đổi - phải phục tùng quy luật nhân-quả mà bản thân kinh nghiệm, tức nhận thức thường nghiệm về những hiện tượng mới có thể có được; và bản thân những hiện tượng - như là những đối tượng của kinh nghiệm - cũng chỉ có thể có được là nhờ quy luật này*.

{*Chúng tôi dịch: Folge: “chuỗi tiếp diễn”; Sukzession: “sự tiếp diễn”; sukzessiv: (có tính) tiếp diễn. (N.D).

**“sự thay đổi”(Wechsel) và “sự biến đổi” (Vernderung): xem lại B230. (N.D).}

 

Sự lãnh hội [của ta] về cái đa tạp của hiện tượng bao giờ cũng có tính tiếp diễn. Những biểu tượng về các bộ phận tiếp diễn nhau tuần tự. Nhưng liệu chúng có thực sự tiếp diễn nhau ở bên trong đối tượng hay không là điểm thứ hai cần phải suy nghĩ vì trong điểm thứ nhất [sự lãnh hội] chưa chứa đựng sẵn điều này. Tất nhiên người ta có thể gọi tất cả, kể cả từng biểu tượng trong chừng mực ta có ý thức về nó, là đối tượng (Objekt). Nhưng chữ "đối tượng" này có nghĩa là gì nơi những hiện tượng - không phải trong chừng mực nó là những đối tượng (như là những biểu tượng) mà chỉ biểu thị [bản thân] một đối tượng -; thì điều này cần một sự suy xét sâu xa hơn. Trong chừng mực chúng - chỉ như là những biểu tượng - đồng thời là những đối tượng của ý thức, chúng không có gì khác biệt với sự lãnh hội, tức là, sự tiếp thu vào trong sự tổng hợp của trí tưởng tượng, và như vậy người ta phải nói: "Cái đa tạp của những hiện tượng luôn luôn được tạo ra một cách tiếp diễn trong tâm thức ta". Còn nếu những hiện tượng là những vật-tự-thân, chắc chắn không ai có thể - từ sự tiếp diễn của những biểu tượng về cái đa tạp [trong tâm thức] - lượng đoán chúng được nối kết với nhau như thế nào trong đối tượng [vật tự-thân]. Bởi vì, ta chỉ làm việc với những biểu tượng của ta thôi, còn Vật-tự-thân như thế nào (không xét đến những biểu tượng qua đó chúng tác động vào ta) là hoàn toàn nằm ngồi phạm vi nhận thức của ta. Thế thì mặc dù những hiện tượng không phải là những vật-tự-thân nhưng lại là cái duy nhất có thể được mang lại cho ta để trở thành nhận thức, vậy nhiệm vụ của tôi bây giờ là phải làm rõ loại nối kết nào trong thời gian là thuộc về cái đa tạp nơi bản thân những hiện tượng, trong khi biểu tượng về cái đa tạp này trong sự lãnh hội bao giờ cũng có tính tiếp diễn nhau. Ví dụ, sự lãnh hội về cái đa tạp trong hiện tượng một ngôi nhà đang đứng trước mắt tôi là có tính tiếp diễn. [Tôi nhìn từ nóc xuống nền, từ ngồi vào trong, v.v…]. Bây giờ nếu hỏi: cái đa tạp có tiếp diễn trong bản thân ngôi nhà không, chắc không ai dám thừa nhận cả. Nhưng, nếu tôi nâng khái niệm của tôi về một đối tượng lên một ý nghĩa siêu nghiệm về nó, tôi thấy rằng ngôi nhà không phải là một vật-tự-thân, mà chỉ là một hiện tượng, tức là, biểu tượng, còn đối tượng siêu nghiệm của nó không thể biết được. Vậy, tôi hiểu như thế nào về câu hỏi: "Cái đa tạp có thể được nối kết như thế nào trong bản thân hiện tượng - (chứ không có gì được nối kết nơi tự thân sự vật)?". Ở đây, [trong trường hợp ngôi nhà] cái gì nằm ở trong sự lãnh hội tiếp diễn của tôi được xem là biểu tượng, còn hiện tượng [ngôi nhà] được mang lại cho tôi - dù không gì khác hơn là một tổng thể (Inbegriff) của những biểu tượng này - phải được xem là đối tượng của những biểu tượng ấy, và khái niệm của tôi [về ngôi nhà] - được rút ra từ những biểu tượng của sự lãnh hội, - phải phù hợp với đối tượng này. Ta thấy ngay rằng, vì nhận thức phải trùng hợp với đối tượng mới tạo nên chân lý, nên vấn đề ở đây chỉ liên quan đến các điều kiện hình thức của chân lý thường nghiệm; và hiện tượng - ở phía đối lập với những biểu tượng của sự lãnh hội - chỉ có thể được hình dung như là đối tượng phân biệt với sự lãnh hội - nếu hiện tượng phục tùng một quy luật phân biệt nó với mọi sự lãnh hội khác và làm cho một phương cách nối kết cái đa tạp trở thành tất yếu. Ở nơi hiện tượng, cái chứa đựng điều kiện cho quy luật tất yếu của sự lãnh hội, đó chính là đối tượng*.

{*Đoạn từ “Nguyên tắc vừa trình bày trên đây...... nhờ quy luật này” là được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).

*Ở đây Kant muốn nói: Nhận thức một đối tượng (ngôi nhà) như một vật thể đứng yên, không có sự biến đổi, ta áp dụng các quy luật thường nghiệm của sự lãnh hội. Trong trường hợp này, chưa có mối quan hệ nhân - quả nào cả. Ở đoạn tiếp theo sau, tình hình sẽ khác. (N.D).}

 

Bây giờ ta hãy tiếp tục công việc chứng minh của mình. Một cái gì đó xảy ra, có nghĩa là một cái gì đó hay một trạng thái nào đó trước đó chưa có, nay mới xuất hiện. Nhưng điều này không thể được tri giác một cách thường nghiệm nếu không có một hiện tượng đi trước mà không chứa đựng trạng thái [mới] này trong bản thân nó, bởi lẽ, một thực tại xảy ra tiếp sau một thời gian rỗng, nói khác đi, một sự ra đời mà trước đó không có một trạng thái của sự vật đi trước, không thể nào được lãnh hội cũng như không thể nào lãnh hội bản thân thời gian rỗng. Do đó, mọi sự lãnh hội về một sự việc xảy ra là một tri giác tiếp theo sau một tri giác khác. Tuy rằng trong mọi sự tổng hợp của hành vi lãnh hội, điều nói trên đều có đặc tính như thế, như tôi đã chỉ ra nơi hiện tượng về ngôi nhà trước đây, thế nhưng qua đó sự lãnh hội của tôi về một sự kiện xảy ra vẫn chưa được phân biệt với các sự lãnh hội khác như thế nào. Nay, tôi ghi nhận thêm rằng: nếu trong một hiện tượng có chứa đựng sự biến đổi**, tôi gọi tình trạng trước của tri giác tôi là A, và tình trạng sau là B, thì tri giác B chỉ có thể đến sau A trong sự lãnh hội, chứ tri giác A không thể theo sau B được, nó chỉ có thể đi trước thôi. Ví dụ, tôi nhìn một chiếc thuyền đang trôi xuôi theo dòng nước. Tri giác của tôi về vị trí thấp hơn của chiếc thuyền phải đến sau tri giác về vị trí cao hơn của nó; vì trong sự lãnh hội của tôi về hiện tượng này, chiếc thuyền không thể nào được tri giác ở hạ lưu trước rồi sau đó mới ở thượng lưu của dòng sông. Do vậy, ở đây, trật tự trong chuỗi tiếp diễn của các tri giác trong sự lãnh hội được xác định rõ và sự lãnh hội phải được gắn chặt với trật tự này. Trong ví dụ trước về một ngôi nhà, các tri giác của tôi trong sự lãnh hội có thể bắt đầu từ nóc nhà và kết thúc ở nền nhà hoặc cũng có thể bắt đầu từ dưới rồi kết thúc ở trên; hay tôi có thể lãnh hội cái đa tạp trong trực quan thường nghiệm này từ bên trái hay bên phải đều được. Trong chuỗi các tri giác này, không có một trật tự được xác định nào bắt buộc tôi - trong sự lãnh hội - phải bắt đầu từ một điểm nhất định để nối kết cái đa tạp một cách thường nghiệm. Ngược lại, quy luật này luôn được áp dụng đối với tri giác về cái gì đang diễn ra, [đang biến đổi] làm cho trật tự của các tri giác kế tiếp nhau của tôi (trong việc lãnh hội hiện tượng này) trở thành tất yếu.

{**Nguyên văn: “chứa đựng một sự đang diễn ra (ein Geschehen)”, nhưng để dễ hiểu, chúng tôi tạm dịch là “sự biến đổi” để làm nổi rõ tính quá trình trong quy luật tính nhân-quả mà Kant sắp chứng minh. (N.D).}

 

Như thế, trong trường hợp này của chúng ta, tôi phải rút chuỗi tiếp diễn chủ quan của sự lãnh hội từ chuỗi tiếp diễn khách quan của những hiện tượng, vì nếu khác đi, cái trước sẽ hoàn toàn không được xác định và hiện tượng này không thể được phân biệt với hiện tượng khác. Trật tự tiếp diễn chủ quan không chứng minh được gì hết về sự nối kết cái đa tạp nơi đối tượng, vì nó hoàn toàn tùy tiện. Còn trật tự khách quan là ở ngay trong trật tự của cái đa tạp về hiện tượng, theo đó sự lãnh hội về một trạng thái này (cái đang diễn ra) phải đến sau một trạng thái khác (đã xảy ra trước) theo một quy luật. Chỉ bằng cách đó tôi mới có quyền nói về bản thân hiện tượng chứ không chỉ nói về sự lãnh hội đơn thuần của tôi, rằng: có một chuỗi tiếp diễn ở trong hiện tượng, cũng giống như nói, tôi không thể xếp đặt sự lãnh hội của tôi bằng cách nào khác hơn là theo chuỗi tiếp diễn này.

Theo quy luật đó, điều kiện của quy luật phải nằm trong cái gì đi trước một sự kiện đang xảy ra và sự kiện này luôn luôn và tất yếu phải đến sau; chứ tôi không thể đảo ngược được, tức không thể lấy sự kiện đang xảy để xác định cái gì đi trước (bằng sự lãnh hội). Không có hiện tượng nào đi ngược từ thời điểm sau trở lại thời điểm trước, mặc dù nó có mối quan hệ với một thời điểm trước nào đó; ngược lại, từ một thời điểm đã cho, tất yếu phải đi tới thời điểm sau được xác định. Và vì chắc chắn có một cái gì diễn ra tiếp theo sau, nên tôi phải nối kết nó với một cái gì khác có trước nó theo một quy luật tất yếu, khiến cho, sự kiện đang xảy ra - như là cái bị điều kiện - mang lại một chỉ dẫn chắc chắn về một điều kiện đã xác định nó.

Bây giờ, ta giả thử không có cái gì đi trước sự kiện đang xảy ra cả để nó phải tiếp theo sau theo một quy luật, ắt mọi chuỗi tiếp diễn của tri giác chỉ là ở trong sự lãnh hội [của ta] thôi, nghĩa là đơn thuần chủ quan, và qua đó, sẽ không thể xác định một cách khách quan cái nào phải là cái thực sự đi trước, cái nào phải đi sau trong các tri giác. Bằng cách như vậy, ta chỉ đùa giỡn với những biểu tượng của ta thôi chứ không liên hệ với đối tượng nào được cả, nghĩa là, chỉ thông qua tri giác của chúng ta, một hiện tượng không thể được phân biệt với hiện tượng kia, xét về các quan hệ thời gian; bởi vì, sự tiếp diễn trong động tác lãnh hội lúc nào cũng giống hệt nhau, cho nên sẽ không có gì trong hiện tượng để xác định sự tiếp diễn ấy cả để qua đó làm cho một chuỗi tiếp diễn nào đó trở thành tất yếu khách quan. Và trong trường hợp đó, tôi sẽ không thể nói: hai trạng thái trong một hiện tượng kế tiếp theo nhau mà chỉ có thể nói: một sự lãnh hội này kế tiếp theo sau sự lãnh hội khác. Nhưng như thế chỉ là cái gì đơn thuần chủ quan, không xác định được một đối tượng nào và rút cục, không thể có giá trị trước nhận thức về một đối tượng bất kỳ nào (và cũng không có giá trị ngay trong hiện tượng).

Do đó, khi ta biết một cái gì đó xảy ra, bao giờ ta cũng giả thiết có một cái đi trước nó, và cái xảy ra này phải đi theo sau, đúng với quy luật. Nếu không có điều này, tôi sẽ không thể nói về một đối tượng rằng nó đi theo sau, vì chuỗi tiếp diễn đơn thuần trong sự lãnh hội của tôi - nếu không được xác định bằng một quy luật trong mối quan hệ với cái gì đi trước - sẽ không cho phép khẳng định có chuỗi tiếp diễn ở trong đối tượng.

Vậy, luôn phải căn cứ vào quy luật theo đó những hiện tượng trong chuỗi tiếp diễn, tức là như chúng đang diễn ra, phải được quy định bởi trạng thái có trước, tôi mới có thể biến sự tổng hợp chủ quan (của sự lãnh hội) của tôi thành khách quan, và chỉ với tiền đề này, bản thân kinh nghiệm về một điều gì đấy đang diễn ra mới có thể có được.

Tất cả những nhận xét trên đây có vẻ mâu thuẫn với tiến trình quen thuộc của việc sử dụng giác tính chúng ta. Theo đó, ta thường cho rằng, chính nhờ tri giác các chuỗi tiếp diễn của những sự kiện và khi so sánh chúng với những hiện tượng đi trước thấy có sự trùng hợp, ta mới được dẫn dắt đến chỗ khám phá ra một quy luật, theo đó một số sự kiện này luôn luôn đi tiếp theo sau một số hiện tượng kia, và chỉ nhờ quá trình đó mà ta mới có được khái niệm về nguyên nhân. [Nhưng rõ ràng là], trên cơ sở như thế, khái niệm này [về nguyên nhân] sẽ đơn thuần có tính thường nghiệm, và quy luật "Mọi sự việc diễn ra đều phải có một nguyên nhân" mà nó mang lại cũng có tính ngẫu nhiên, [bất tất] như bản thân kinh nghiệm: trong trường hợp này, tính phổ biến và tất yếu của quy luật chỉ được gán ghép và không có tính giá trị phổ biến thực sự, vì chúng chỉ đặt cơ sở trên sự quy nạp chứ không phải tiên nghiệm. Trong khi đó, sự thật là, - cũng giống như với các biểu tượng thuần túy tiên nghiệm khác (Vd không gian và thời gian) -, sở dĩ ta có thể rút ra được từ kinh nghiệm những khái niệm thật rõ ràng [như khái niệm về nhân - quả] là vì chính ta đã đặt chúng vào trong kinh nghiệm, và vì thế, chỉ nhờ chúng, mới làm cho kinh nghiệm hình thành được. Lẽ cố nhiên, tính rõ ràng lôgíc của biểu tượng này về một quy luật xác định chuỗi sự kiện như của một khái niệm về nguyên nhân chỉ có thể có được khi ta sử dụng chúng ở trong kinh nghiệm, nhưng, việc nhận biết về quy luật này như là điều kiện của sự thống nhất tổng hợp của những hiện tượng trong thời gian lại chính là cơ sở của bản thân kinh nghiệm và vì vậy, đi trước kinh nghiệm một cách tiên nghiệm.

Nhiệm vụ của ta bây giờ là, bằng ví dụ [cụ thể], cho thấy ta không bao giờ - ngay trong kinh nghiệm - có thể gán chuỗi tiếp diễn (của một sự kiện đang xảy ra mà trước đó chưa có) cho một đối tượng và phân biệt nó với chuỗi tiếp diễn chủ quan trong sự lãnh hội của ta, nếu không có một quy luật làm nền tảng buộc ta [tác giả nhấn mạnh] phải quan sát trật tự này của các tri giác như là một trật tự khác [trong bản thân đối tượng], và chính sự bắt buộc (Nötigung) này mới làm cho biểu tượng về một sự tiếp diễn ở trong đối tượng có thể có được.

Ta có những biểu tượng trong ta và ta cũng có thể ý thức về chúng. Nhưng dù ý thức này mở rộng đến đâu và chính xác, hay đúng đắn đến độ nào đi nữa như ta muốn, những biểu tượng này bao giờ cũng chỉ là những biểu tượng, tức chỉ là những quy định bên trong của tâm thức ta trong mối quan hệ với thời gian lúc này hay lúc khác. Vậy làm thế nào để ta có thể đi đến chỗ đặt ra một đối tượng cho những biểu tượng này, hay nói khác đi, làm sao mang lại cho tính thực tại chủ quan này những sự biến thái, [điều chỉnh] (Modifikationen) của một thực tại khách quan mà tôi không biết đó là thực tại khách quan nào? [Rõ ràng là,] ý nghĩa khách quan không thể có trong mối quan hệ với một biểu tượng khác (dù ta muốn gọi là đối tượng), vì lẽ câu hỏi sẽ lại nảy sinh như cũ: "Biểu tượng khác này làm sao có thể tự đi ra khỏi nó để nhận được ý nghĩa khách quan vượt trên cái chủ quan vốn là bản thân nó, như một tính quy định về một trạng thái của tâm thức ta, như đã nói trên kia?". Nhưng, nếu ta nghiên cứu xem mối quan hệ với một đối tượng sẽ mang lại cho những biểu tượng [chủ quan] của ta một đặc điểm mới mẻ nào và đâu là phẩm cách (Dignität) mà những biểu tượng này qua đó sẽ nhận được, ta sẽ thấy rằng chính mối quan hệ này không làm gì khác hơn là làm cho việc nối kết những biểu tượng [chủ quan của ta] trở thành tất yếu theo một kiểu nhất định nào đó và buộc những biểu tượng phải phục tùng một quy luật. Ngược lại, cũng chính bằng cách một trật tự nhất định là tất yếu trong mối quan hệ về thời gian của những biểu tượng của ta, mà ý nghĩa khách quan mới được mang lại cho những biểu tượng này.

Trong sự tổng hợp của những hiện tượng, cái đa tạp trong những biểu tượng của ta bao giờ cũng tiếp diễn nhau. Thế nhưng, qua đó chưa một đối tượng nào được hình dung cả, vì qua chuỗi tiếp diễn này - vốn có chung trong mọi sự lãnh hội - chưa có cái nào được phân biệt với cái khác [nhớ lại ví dụ về sự lãnh hội những tri giác về ngôi nhà]. Nhưng bao lâu tôi tri giác hoặc giả định từ trước rằng trong chuỗi tiếp diễn này có một mối quan hệ với một trạng thái đi trước, từ đó biểu tượng của tôi đến sau như một kết quả đúng theo quy luật, bấy giờ tôi mới hình dung được một cái gì đó như một sự kiện hay như cái gì đang diễn ra, tức là tôi nhận thức được một đối tượng bằng cách phải đặt nó vào một vị trí nhất định nào đó trong thời gian; một vị trí - căn cứ vào trạng thái đi trước - không thể được thay thế bằng một vị trí nào khác. Do đó, khi tôi tri giác một cái gì đang diễn ra, trong biểu tượng ấy chứa đựng điều đầu tiên là: có một cái gì đi trước nó, vì chính trong mối quan hệ với cái này mà hiện tượng mới nhận được quan hệ thời gian của riêng nó, đó là, chỉ tồn tại sau thời gian đã đi trước, là lúc nó chưa tồn tại. Nó chỉ nhận được vị trí xác định về thời gian trong mối quan hệ này là nhờ giả định rằng đã có một cái gì hiện hữu trong một trạng thái trước mà nó luôn luôn phải đi theo sau, tức là đi theo một quy luật. Tất cả các điều nói trên cho thấy: thứ nhất, tôi không thể đảo ngược chuỗi [trật tự của sự tiếp diễn], biến cái đang xảy ra lại đi trước cái mà nó phải theo sau; và thứ hai, nếu trạng thái đi trước đã được thiết định (gesetzt) - cái đang xảy ra này phải đến sau một cách tất yếu và không thể tránh khỏi. Nhờ đó mà một trật tự trong các biểu tượng của ta mới hình thành được, trong đó cái đang có mặt (trong chừng mực là cái đã trở thành) mang lại sự hướng dẫn [cho thấy] một trạng thái có trước như là một cái đối ứng (Correlatum) - dù chưa được xác định - của nó; cái đối ứng vừa có quan hệ vừa xác định cái đang xảy ra này như là kết quả của nó, và nối kết cái này với bản thân nó một cách tất yếu trong chuỗi thời gian.

Nếu [ta đã thừa nhận] một quy luật tất yếu của cảm năng chúng ta, và do đó, cũng là một điều kiện mô thức của mọi tri giác rằng: thời gian đi trước nhất thiết quy định thời gian đi sau (tức là, tôi không thể đi đến thời gian sau mà không thông qua thời gian trước), thì ở đây cũng vậy, [ta phải thừa nhận] có một quy luật không thể thiếu được của biểu tượng thường nghiệm về chuỗi thời gian rằng: những hiện tượng trong thời gian đã qua quy định mọi tồn tại trong thời gian tiếp diễn sau, và cái đến sau, với tư cách là sự kiện đang xảy ra, không thể có được trừ khi cái trước quy định sự tồn tại của nó trong thời gian, tức là quy định nó theo một quy luật. Bởi vì, chỉ ở nơi những hiện tượng, ta mới có thể nhận thức một cách thường nghiệm tính liên tục (Konti-nuität) này trong sự nối kết của những thời gian [khác nhau].

Giác tính là thuộc về mọi kinh nghiệm và khả thể của kinh nghiệm*, nên việc đầu tiên mà giác tính làm nhằm mang lại kinh nghiệm chưa phải là làm cho biểu tượng của ta về những đối tượng trở nên minh bạch, mà trước hết là làm cho biểu tượng về một đối tượng nói chung có thể có được. Giác tính làm điều đó chỉ bằng cách áp dụng [chuyển trao, übertragen] TRẬT TỰ THỜI GIAN vào những hiện tượng và vào sự tồn tại của những hiện tượng, tức bằng cách định cho mỗi hiện tượng - như là một kết quả - một vị trí được xác định một cách tiên nghiệm ở trong thời gian trong quan hệ với những hiện tượng đi trước, mà nếu không có vị trí này, hiện tượng không thể trùng hợp với bản thân thời gian là cái dành cho mọi bộ phận của nó một vị trí thích hợp, một cách tiên nghiệm. Sự xác định vị trí này không thể được vay mượn [được rút ra] từ mối quan hệ của những hiện tượng với thời gian tuyệt đối (vì thời gian tuyệt đối không phải một đối tượng của tri giác), trái lại, những hiện tượng phải tự xác định vị trí lẫn cho nhau trong bản thân thời gian và làm cho những vị trí này trở thành tất yếu trong trật tự của thời gian. Nói cách khác, cái gì tiếp diễn hay đang diễn ra đều phải xảy ra phù hợp với một quy luật phổ biến đã chứa đựng sẵn trong trạng thái đi trước; từ đó, một chuỗi những hiện tượng mới hình thành và nhờ giác tính, chuỗi hiện tượng này cũng tạo ra cùng một trật tự và sự nối kết liên tục trong chuỗi những tri giác có thể có [của ta], làm cho trật tự và sự nối kết này trở thành tất yếu cũng giống như đã xảy ra một cách tiên nghiệm trong mô thức của trực quan bên trong (thời gian) là nơi mà mọi tri giác của chúng ta đều có vị trí riêng của chúng.

{*có thể hiểu: giác tính là không thể thiếu để ta có kinh nghiệm và để cho bản thân kinh nghiệm có thể có được. (N.D).}

 

Cho rằng một cái gì đó đang diễn ra là một tri giác thuộc về một kinh nghiệm khả hữu; cái đó sở dĩ là hiện thực (wirklich) [thuộc đối tượng khách quan] khi tôi nhìn hiện tượng - về mặt vị trí của nó - như là được xác định trong thời gian, tức là, như một đối tượng bao giờ cũng có thể được tìm thấy [nhận thức] dựa vào một quy luật trong sự nối kết của những tri giác. Nhưng, quy luật này - làm nhiệm vụ xác định một cái gì đó theo chuỗi tiếp diễn trong thời gian - là: "Trong cái gì đi trước phải tìm được điều kiện để sự kiện [diễn ra] lúc nào cũng (tức: một cách tất yếu) phải theo sau". Vậy mệnh đề [nguyên tắc] về nguyên nhân đầy đủ là cơ sở của kinh nghiệm khả hữu, cũng là của sự nhận thức khách quan về những hiện tượng xét về phương diện mối quan hệ của những hiện tượng trong chuỗi tiếp diễn của thời gian.

Cơ sở chứng minh cho nguyên tắc [nhân quả] này chỉ dựa vào các yếu tố (Momente) sau đây của lập luận. Sự tổng hợp cái đa tạp nhờ trí tưởng tượng là thuộc về mọi nhận thức thường nghiệm. Sự tổng hợp đó bao giờ cũng có tính tiếp diễn, nghĩa là trong đó, những biểu tượng luôn nối tiếp theo nhau. Nhưng về mặt trật tự (cái gì phải đi trước, cái gì phải đi sau) thì chuỗi tiếp diễn trong trí tưởng tượng không hề được xác định, và chuỗi những biểu tượng nối tiếp nhau ấy có thể được xem là đi tới hay đi lui đều được. [Vd những biểu tượng về ngôi nhà ở các trang trước]. Nhưng nếu sự tổng hợp này là một sự tổng hợp của sự lãnh hội (về cái đa tạp của một hiện tượng đã cho), trật tự ấy là được xác định ở trong đối tượng, hay nói chính xác hơn, ở trong đối tượng có một trật tự của sự tổng hợp tiếp diễn nhau xác định một đối tượng, theo đó một cái gì nhất thiết phải đi trước, và khi [vị trí của] nó được xác định, một cái khác nhất thiết phải theo sau. Như vậy, nếu tri giác của tôi phải chứa đựng nhận thức về một sự kiện đang xảy ra, theo nghĩa thật sự xảy ra, nó phải là một phán đốn thường nghiệm trong đó người ta cho rằng chuỗi tiếp diễn là được xác định, nghĩa là, chuỗi tiếp diễn đòi hỏi tiên quyết [hay tiền giả định] (voraussetzen) phải có một hiện tượng khác [đi trước] về mặt thời gian mà nó phải đi sau một cách tất yếu, tức là theo một quy luật. Đi ngược lại điều ấy, tức nếu khi tôi xác định cái đi trước, mà sự kiện xảy ra không nhất thiết theo sau, tôi buộc phải xem đó chỉ là một trò chơi chủ quan của tôi với những sản phẩm tưởng tượng của mình và nếu tôi cứ hình dung cho tôi một cái gì được xem là khách quan trong những biểu tượng ấy, tôi gọi nó là một giấc mộng đơn thuần mà thôi. Do vậy, mối quan hệ của những hiện tượng (như là những tri giác khả hữu), theo đó cái đến sau (cái đang diễn ra) là được quy định một cách tất yếu về mặt tồn tại bởi cái đi trước và theo một quy luật trong thời gian, do đó mối tương quan của nguyên nhân với kết quả là điều kiện cho giá trị khách quan của những phán đoán thường nghiệm của ta xét về phương diện chuỗi của những tri giác, do đó cũng là của chân lý thường nghiệm của những phán đoán, tức cũng là của kinh nghiệm. Nguyên tắc quan hệ nhân-quả trong chuỗi tiếp diễn của những hiện tượng, do đó, có giá trị cho mọi đối tượng của kinh nghiệm (trong số các điều kiện của sự tiếp diễn), vì lẽ bản thân nó là nền tảng cho khả thể của một kinh nghiệm như thế.

 

Tuy nhiên, ở đây nảy sinh một thắc mắc cần phải gỡ bỏ. Nguyên tắc về sự nối kết nhân - quả trong những hiện tượng - trong công thức nói trên của ta - chỉ giới hạn trong sự tiếp diễn của chuỗi những hiện tượng, thế nhưng, trong khi sử dụng nó, ta thấy nguyên tắc này vẫn đúng với những hiện tượng cùng tồn tại đồng thời, trong đó, nhân và quả cùng xảy ra một lúc. Ví dụ, trong phòng có hơi ấm mà ngoài trời không có. Tôi nhìn quanh để tìm hiểu nguyên nhân và tìm thấy một lò sưởi đang nóng. Như vậy, lò sưởi là nguyên nhân tồn tại đồng thời với kết quả của nó, là hơi ấm trong phòng; vậy ở đây, không có chuỗi tiếp diễn xét về mặt thời gian giữa nguyên nhân và kết quả, trái lại, chúng đồng thời; nhưng quy luật vẫn đúng. Phần lớn những nguyên nhân tác động trong tự nhiên là đồng thời với những kết quả của chúng, và chuỗi tiếp diễn trong thời gian của cái sau sở dĩ có chỉ vì nguyên nhân không thể phát huy toàn bộ kết quả ngay lập tức mà thôi. Nhưng ngay vào lúc kết quả vừa nảy sinh, nó luôn đồng thời với nguyên nhân gây ra nó, bởi vì nếu trước đó nguyên nhân chỉ ngừng tồn tại một lát thì kết quả kia ắt đã không thể xuất hiện. Ở đây ta phải đặc biệt lưu ý rằng ta chỉ xem xét trật tự của thời gian chứ không phải diễn tiến (Ablauf) của thời gian; mối quan hệ về thời gian vẫn tồn tại mặc dù không một thời gian [cụ thể] nào đã trôi qua. Thời gian giữa nguyên nhân và kết quả trực tiếp [tức thời] của nó có thể là đang biến mất (verschwindend), (vậy chúng là đồng thời), nhưng quan hệ giữa chúng bao giờ cũng có thể được xác định về mặt thời gian. Ví dụ, nếu tôi xem một viên bi đang nằm trên một tấm nệm bằng phẳng và gây ra một vết trũng trên đó là nguyên nhân thì nó và kết quả là đồng thời. Dầu vậy, tôi vẫn có thể phân biệt cả hai thông qua mối quan hệ thời gian về mặt nối kết có tính tác động của chúng. Bởi vì nếu tôi đặt viên bi lên trên mặt nệm, vết trũng trên mặt phẳng ấy sẽ đến sau; còn nếu giả thử tấm nệm có sẵn một vết trũng mà tôi không rõ nguyên nhân từ đâu thì nhất định không phải do viên bi bằng chì này gây nên. Như vậy, chuỗi tiếp diễn trong thời gian, vẫn là tiêu chuẩn thường nghiệm duy nhất để xem xét kết quả trong mối quan hệ với nguyên nhân đi trước. Cái ly là nguyên nhân của việc mực nước tăng lên, dù hai hiện tượng là đồng thời. Vì nếu tôi dùng ly để múc nước từ một bình chứa lớn hơn nó, kết quả xảy ra là sự thay đổi mực nước, tức nước trong bình chứa đã chuyển sang cho phần lõm của ly.

Khái niệm về tính nhân quả này sẽ dẫn đến khái niệm về hành động, từ đó dẫn đến khái niệm về lực, và từ lực dẫn đến khái niệm về bản thể. Vì tôi không muốn tác phẩm phê phán này - với mục đích duy nhất là khảo sát nguồn gốc của nhận thức tổng hợp tiên nghiệm của ta - bị trộn lẫn với những phân tích chỉ có tác dụng giải thích (chứ không mở rộng) những khái niệm của ta, tôi xin dành việc giải thích khá rườm rà về các khái niệm trên đây cho hệ thống của lý tính thuần túy trong tương lai*, dù sao, một sự phân tích như thế cũng có thể được tìm thấy rất nhiều trong các sách giáo khoa có tiếng lâu nay về loại này. Tuy thế, ở đây tôi cũng không thể không đề cập đôi chút về tiêu chuẩn thường nghiệm của một bản thể, trong chừng mực bản thể có vẻ sẽ bộc lộ dễ dàng hơn và tốt hơn thông qua khái niệm về hành động (Handlung) hơn là thông qua khái niệm về tính thường tồn của hiện tượng [như đã bàn ở phần trước].

{*tức trong quyển: "Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên" (1796) (Metaphysische Anfangsgruende der Naturwissenschaft). (N.D).}

 

Ở đâu có hành động, tức hoạt động và lực, ở đó cũng phải có bản thể và chỉ trong bản thể, ta mới tìm thấy nơi trú ngụ của nguồn suối phong phú của những hiện tượng. Nói như thế nghe hay lắm nhưng nếu phải giải thích bản thể là gì - và muốn tránh lối giải thích luẩn quẩn đầy sai sót - thì thật không dễ dàng tí nào. Câu hỏi là: "Bằng cách nào ta có thể từ hành động mà suy ra tức thì về tính thường tồn của cái đang hành động, là cái vốn là đặc điểm cốt yếu và riêng có của bản thể (hiện tượng)?". Rõ ràng sau tất cả những gì đã trình bày ở trên, lời giải đáp cho câu hỏi này không còn cái khó khăn mà bằng phương cách thông thường (chỉ tiến hành phân tích các khái niệm) hoàn toàn không thể giải quyết được. Hành động vốn đã nói lên mối quan hệ giữa chủ thể của tính nguyên nhân với kết quả của nó. Nay, bởi vì mọi kết quả đều ở nơi cái gì đang xảy ra, tức là nơi cái khả biến, [cái có thể biến đổi], là cái biểu thị thời gian về mặt tiếp diễn, cho nên chủ thể sau cùng của nó phải là cái thường tồn - như là cái cơ chất [bất biến] của mọi cái thay đổi, tức là cái bản thể. Vì theo nguyên tắc tính nhân - quả, những hành động bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên của mọi thay đổi của những hiện tượng, do đó, không thể nằm trong một chủ thể mà bản thân cũng thay đổi, vì nếu vậy, lại cần có những hành động khác và chủ thể khác để quy định sự thay đổi này. Vậy kết quả là, chỉ có hành động - như một tiêu chuẩn thường nghiệm - là đủ để chứng minh tính bản thể (Sub-stantialität) màtôi không cần phải đi tìm tính thường tồn của bản thể bằng cách so sánh những tri giác với nhau. Vả lại, nếu chỉ bằng con đường quy nạp này, sự chứng minh cũng sẽ không bao giờ đạt được độ lớn và tính phổ biến chặt chẽ như của khái niệm [quy luật] đòi hỏi. Vì rằng chủ thể đầu tiên tạo nên mọi tính nhân - quả cho việc ra đời và mất đi thì tự nó (trong thế giới hiện tượng) lại không thể ra đời và mất đi, nên đó là kết luận vững chắc đưa ta đến khái niệm về tính tất yếu thường nghiệm và tính thường tồn trong sự tồn tại, tức là đưa đến khái niệm về một bản thể như là hiện tượng.

Khi một cái gì diễn ra, thì ngay sự ra đời đơn thuần - không xét đến nội dung cái gì ra đời - tự nó đã là đối tượng cần tìm hiểu. Bước chuyển từ chỗ không-tồn tại của một trạng thái đến chỗ có trạng thái này giả định rằng trạng thái này không chứa đựng bất cứ tính chất nào đã tồn tại trước đó trong hiện tượng, điều này cũng cần phải xem xét. Sự ra đời này - như đã thấy trong loại suy thứ nhất (loại suy A) - không liên quan gì đến bản thể cả (vì bản thể thường tồn không ra đời) mà chỉ liên quan đến trạng thái của nó. Vậy nó chỉ là sự biến đổi đơn thuần chứ không phải là có nguồn gốc từ hư vô. Nếu nguồn gốc này được xem như kết quả của một nguyên nhân xa lạ, nguồn gốc ấy có tên gọi là sự sáng tạo (Schöpfung) vốn không được phép chấp nhận như một sự kiện trong thế giới hiện tượng, vì ngay khả thể của sự sáng tạo [từ hư vô bởi một nguyên nhân xa lạ] cũng đã thủ tiêu sự thống nhất của kinh nghiệm. Thật vậy, nếu tôi xem mọi sự vật không phải như là những hiện tượng, mà như là những vật - tự thân, tức như là những đối tượng của giác tính đơn thuần, thì mặc dù chúng vẫn là những bản thể, nhưng về mặt tồn tại, có thể được xem như phụ thuộc vào nguyên nhân xa lạ; trong trường hợp ấy điều này sẽ dẫn đến các nội dung về thuật ngữ hồn tồn khác biệt và không còn thích hợp để áp dụng vào những hiện tượng, như là những đối tượng có thể có của kinh nghiệm.

Một sự vật thực sự có thể được biến đổi như thế nào; và làm sao từ một trạng thái ở thời điểm này, một trạng thái ngược lại ở thời điểm khác lại có thể tiếp theo sau như một kết quả, các điều ấy ta không thể biết một cách tiên nghiệm được. Ở đây đòi hỏi sự hiểu biết về các lực tác động trong thực tế, là những gì chỉ có thể được mang lại một cách thường nghiệm, ví dụ, sự hiểu biết về các lực vận động hoặc cũng như thế, về các hiện tượng tiếp diễn nào đó (như những chuyển động) cho thấy sự có mặt của các lực ấy. Nhưng, mô thức của mọi sự biến đổi, điều kiện nhờ đó sự biến đổi - như là sự ra đời của một trạng thái khác - có thể diễn ra, (nội dung của sự biến đổi, tức là trạng thái được biến đổi có thể là gì tùy thích) và sự tiếp diễn của bản thân các trạng thái (cái đã diễn ra) lại hoàn toàn có thể biết được một cách tiên nghiệm dựa vào quy luật tính nhân - quả và các điều kiện của thời gian(1).

{(1)Cần chú ý rằng tôi không nói về sự biến đổi của các quan hệ nào đó nói chung, mà chỉ về sự biến đổi của trạng thái. Cho nên, khi một vật thể chuyển động đều, nó không biến đổi trạng thái (vận động) của nó, nhưng lại là biến đổi khi vận động của nó tăng lên hay giảm xuống. (Chú thích của tác giả).}

 

Nếu một bản thể chuyển từ trạng thái A sang trạng thái khác, B, thì thời điểm của cái sau khác với thời điểm của trạng thái trước và đi sau cái trước. Cũng thế, trạng thái thứ hai, - cũng với tư cách là thực tại (trong hiện tượng) - sẽ khác với trạng thái thứ nhất, trong đó tính thực tại của trạng thái thứ hai không có mặt, giống như B khác với 0; nghĩa là, nếu trạng thái B cũng khác với trạng thái A - chỉ về mặt lượng -, thì sự biến đổi là sự ra đời của B - A, sự ra đời này là cái đã không tồn tại trong trạng thái trước và trong quan hệ với cái trước, nó là = 0.

Câu hỏi bây giờ là: làm sao một sự vật chuyển từ trạng thái = A sang trạng thái khác = B. Giữa hai thời điểm này bao giờ cũng có một thời gian, và giữa hai trạng thái tồn tại trong các thời điểm này bao giờ cũng có một sự khác nhau chứa đựng một lượng nhất định (vì mọi bộ phận của hiện tượng đến lượt chúng, đều là những lượng). Thế thì, mọi bước chuyển từ một trạng thái này sang trạng thái khác diễn ra trong một thời gian ở giữa hai thời điểm này, trong đó thời điểm trước xác định trạng thái từ đó sự vật rời bỏ [chấm dứt] và thời điểm thứ hai xác định trạng thái, trong đó sự vật đạt tới [bắt đầu]. Cả hai thời điểm là những giới hạn về thời gian của một sự biến đổi, do đó của trạng thái trung gian giữa hai trạng thái và với tư cách là các trạng thái, chúng đều thuộc về toàn bộ sự biến đổi. Mỗi sự biến đổi đều có một nguyên nhân thể hiện tính nhân - quả trong toàn bộ thời gian mà sự biến đổi diễn ra. Vậy nguyên nhân không thể tạo ra sự biến đổi đột ngột (tất cả một lúc hay trong một thời điểm), mà là trong một thời gian, khiến cho giống như thời gian tăng dần từ giây phút khởi đầu A cho đến lúc hồn tất B, thì lượng của tính thực tại (B - A) được sản sinh ra thông qua tất cả các độ nhỏ dần chứa đựng giữa thời điểm đầu tiên và thời điểm sau cùng. Như thế, mọi biến đổi chỉ có thể có được nhờ một hành động liên tục của tính nhân - quả; nếu hành động này là hành động đều, ta gọi là một động lượng (ein Moment). Không phải sự biến đổi bao gồm các động lượng này mà ngược lại, sự biến đổi được tạo ra thông qua các động lượng như là kết quả của chúng.

 

[Thế nhưng] bây giờ lại có quy luật về tính liên tục của mọi biến đổi mà nền tảng của nó là: thời gian lẫn hiện tượng trong thời gian đều không bao gồm những bộ phận nhỏ nhất, thế nhưng trạng thái của sự vật vẫn trải qua suốt tất cả những bộ phận ấy như là những phần tử trong quá trình của sự biến đổi thành trạng thái thứ hai. Không có một sự khác biệt nào của cái thực tồn trong hiện tượng cũng như không có sự khác biệt nào trong lượng của cái thời gian là sự khác biệt nhỏ nhất; thế nhưng trạng thái mới của thực tại vẫn lớn dần lên từ trạng thái đầu tiên, trong đó nó không có mặt, xuyên qua tất cả những độ vô tận của tính thực tại mà những sự khác biệt giữa chúng với nhau nhìn chung lại, nhỏ hơn sự khác biệt giữa 0 và A.

Không phải là việc của chúng ta ở đây để tìm hiểu xem quy luật [về tính liên tục] này có những ích lợi gì trong việc nghiên cứu về tự nhiên. Nhưng làm thế nào một nguyên tắc như thế có thể có được một cách hồn tồn tiên nghiệm và có vẻ mở rộng nhận thức của ta về tự nhiên thì lại rất cần sự kiểm tra của ta, mặc dù mới thoạt nhìn, nguyên tắc trên hình như đúng với sự thật và câu hỏi "làm thế nào có thể có được" hầu như không cần thiết nữa. Bởi vì cũng có rất nhiều điều khẳng định không có cơ sở của lý tính thuần túy lại làm ra vẻ mở rộng nhận thức của ta khiến ta nên theo một quy tắc chung là: hãy thận trọng và nghi ngờ để đừng vội tin và giả định gì cả, kể cả đối với sự chứng minh giáo điều rõ ràng nhất khi nó không có các căn cứ để có thể mang lại một sự diễn dịch thấu đáo. 

Mọi sự tăng tiến nhận thức thường nghiệm, mọi tiến bộ đạt được qua tri giác đều không gì khác hơn là một sự mở rộng việc xác định của giác quan bên trong, nghĩa là một sự tiến lên trong thời gian, dù đối tượng là hiện tượng hay trực quan thuần túy hay là gì đi nữa. Sự tiến lên này trong thời gian quy định tất cả, còn tự thân nó thì không bị một cái gì khác quy định, có nghĩa là, những bộ phận của tiến trình chỉ tồn tại trong thời gian nhờ sự tổng hợp những bộ phận và những bộ phận không thể có trước bản thân thời gian. Vì lý do đó, mọi bước chuyển trong tri giác đến một cái gì tiếp diễn trong thời gian là một sự quy định của thời gian thông qua sự sản sinh tri giác này. |Và vì sự quy định của thời gian - luôn luôn và trong mọi bộ phận của nó - là một lượng, nên việc tạo ra một tri giác như là tạo ra một lượng xuyên qua mọi độ, trong đó không độ nào là cái nhỏ nhất, từ độ 0 đến độ nhất định. Từ đó làm sáng tỏ khả năng nhận thức một cách tiên nghiệm quy luật về những sự biến đổi, về mặt mô thức của nó. Chúng ta cũng chỉ dự đoán (antizi-pieren) sự lãnh hội của riêng ta thôi, nhưng điều kiện mô thức của sự lãnh hội ấy phải có thể được nhận thức một cách tiên nghiệm vì nó có sẵn trong ta trước mọi hiện tượng được cho.

Cũng vậy, giống như thời gian chứa đựng điều kiện cảm tính tiên nghiệm về khả thể của tiến trình liên tục của cái đang tồn tại đến cái tiếp theo sau, thì giác tính - nhờ sự thống nhất của Thông giác - chứa đựng điều kiện tiên nghiệm cho khả thể của việc xác định liên tục tất cả những vị trí trong thời gian của mọi hiện tượng thông qua chuỗi những nguyên nhân và những kết quả để cái trước kéo theo sự tồn tại của cái sau một cách tất yếu và qua đó làm cho nhận thức thường nghiệm về các mối quan hệ trong thời gian trở thành có giá trị trong mọi thời gian (phổ biến), tức là có giá trị khách quan.

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

9.5.1.2 NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH NHÂN QUẢ

Loại suy thứ hai gắn liền với loại suy thứ nhất. Nó xem xét các sự biến đổi về trạng thái của bản thể theo trình tự tiếp diễn của thời gian phục tùng quy luật nối kết giữa nguyên nhân và kết quả. Đây là phần được Kant chú ý đặc biệt (ông dành hơn 20 trang: B233-256, dài nhất trong ba loại suy) vì nguyên tắc tính nhân quả là vấn đề nổi bật thời bấy giờ, nhất là trước chủ trương hồi nghi của Hume). Ta nên hiểu đây là Nguyên tắc nhân quả (Kausalprinzip) theo đó mỗi sự việc diễn ra đều có một nguyên nhân chứ không phải quy luật nhân quả (Kausalgesetze) tức một dạng nhất định của các định luật vật lý. Đây cũng là cách hiểu và phân biệt quen thuộc trong triết học và khoa học luận hiện đại.

a) Giống như Nguyên tắc về tính thường tồn của bản thể trên đây, Nguyên tắc nhân quả cũng có ý nghĩa siêu nghiệm. Nó không giải thích một số hiện tượng này là nguyên nhân, các hiện tượng kia là kết quả. Nó cũng không khẳng định rằng ta có thể và phải đi tìm các nguyên nhân của mọi hiện tượng. Điều nó muốn chứng minh là: sự tiếp diễn về thời gian của các hiện tượng chỉ có thể được nhận thức như là sự biến đổi của một hiện tượng, nghĩa là chỉ có giá trị khách quan khi sự tiếp diễn ấy không phải là sự nối kết tùy tiện của chủ thể nhận thức mà do nhận rõ đó là sự tiếp diễn của nguyên nhân -kết quả không thể đảo ngược được của bản thân hiện tượng bên trong thời gian.

Theo Nguyên tắc tính nhân quả, kinh nghiệm chỉ có thể nhận ra các mối quan hệ nhân - quả tự nhiên, khách quan chứ không thể biết tới mọi sự can thiệp phi tự nhiên hoặc siêu nhiên theo kiểu các phép lạ bên ngồi quan hệ thời gian. Không phải vì chúng chưa xảy ra mà là không thể xảy ra trong phạm vi những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu, bởi chúng sẽ không chỉ thủ tiêu tính nhân quả mà thủ tiêu cả mọi tính khách quan của kinh nghiệm.

Để minh họa và biện giải cho Nguyên tắc tính nhân quả, Kant so sánh tri giác về một đối tượng không biến đổi với tri giác về sự biến đổi (B235...). Khi ta quan sát một ngôi nhà đứng yên (không xét tới các biến đổi trong bản thân ngôi nhà), ta không tri giác các bộ phận khác nhau của nó cùng một lúc mà kế tiếp nhau, chẳng hạn từ nóc xuống nền, từ trái qua phải hay hoàn toàn có thể ngược lại. Các quan sát tiếp diễn nhau này phải chăng cũng tiếp diễn ngay trong ngôi nhà? Rõ ràng là không, vì trong chừng mực ngôi nhà không biến đổi gì, các tri giác kế tục của ta - mà Kant gọi là sự lãnh hội - là bất định và tùy tiện, không phục tùng quy tắc nào của tính nhân quả cả.

Ngược lại, nếu ta xét đến sự biến đổi (các trạng thái) của một đối tượng, chẳng hạn “một chiếc thuyền đang xuôi dòng”, trình tự tiếp diễn các tri giác của ta không thể tùy tiện mà phải phụ thuộc vào sự kiện được tri giác. Vì thuyền xuôi dòng, ta phải thấy nó ở thượng lưu trước, sau đó mới ở hạ lưu. Chiếc thuyền phục tùng quy luật nhân quả: trình tự các tri giác của ta là nhất thiết phải vậy, không thể đảo ngược. Tất nhiên chiếc thuyền có thể đi ngược dòng và bấy giờ tri giác của ta bắt đầu từ hạ lưu ngược lên thượng lưu, và trình tự ấy cũng không thể đảo ngược (1)(các ví dụ của Kant khá đơn giản chỉ có mục đích minh họa cho dễ hiểu; trong thực tế người ta còn phải phát hiện sự tác động của các lực như ông nêu trong B252). Tuy nhiên, đó là “sự hiểu biết một cách thường nghiệm về các lực tác động trong thực tế”, là những gì “không thể biết một cách tiên nghiệm được”, nhưng “sự tiếp diễn của bản thân các trạng thái lại hoàn toàn có thể biết được một cách tiên nghiệm dựa vào nguyên tắc tính nhân quả và các điều kiện của thời gian” (B252). “Nói khác đi, tôi nhận thức được một đối tượng bằng cách đặt nó vào một vị trí xác định trong thời gian, vị trí này không thể tùy tiện thay đổi vì đối tượng đã bị một trạng thái đi trước nó quy định” (B243).

{(1)Trong trường hợp tri giác ngôi nhà “đứng yên” trên đây, thực tế chính đôi mắt của ta biến đổi các trạng thái: nhìn từ trên xuống dưới, từ trái qua phải hay ngược lại. Trật tự này cũng không thể tùy tiện đảo ngược. }

 

Ta đã biết, trong Phân tích pháp các khái niệm, sự nối kết các tri giác và tính xác định trong việc nối kết (trên trước dưới sau chứ không thể đảo ngược) không phải là sản phẩm của trực quan hay của cảm giác. Ta không thể tri giác được sự tất yếu này. Nó là công năng của giác tính với phạm trù tính nhân quả (B234). Do đó, theo Kant, sở dĩ gọi một sự biến đổi là tuân theo nguyên tắc nhân quả khách quan vì đó là sự biến đổi của bản thân cái được tri giác chứ không phải của người tri giác khi ta hình dung sự tiếp diễn ấy là không đảo ngược được. Trạng thái đi trước không chỉ đơn thuần là xảy ra trước (“chớp đến trước sấm”) mà còn là Nguyên nhân (“sấm đã có chớp”) nên dù các trạng thái xảy ra đồng thời vẫn có trình tự nhân quả ẩn tàng. Trình tự tiếp diễn nếu không muốn chỉ là các ảo giác của chủ thể mà ở ngay trong đối tượng khi nó xảy ra trong mối quan hệ nhân - quả (“ở đâu có sấm, đã phải có chớp”. Trình tự hợp quy luật ấy chính là niệm thức của tính nhân quả để có thể phát biểu thành quy luật khách quan: “Sấm là kết quả của nguyên nhân là chớp”.

 

b) Cuộc thảo luận chung quanh “Nguyên tắc tính nhân quả” của Kant rất sôi nổi, đặc biệt từ khi có các nguyên tắc xác suất và bất định của vật lý hiện đại. Kết luận được nhiều người đồng tình là:

- Với Nguyên tắc tính nhân quả, Kant không nói về việc có thể dự báo, tiên đoán các hiện tượng mà về việc có thể giải thích được của bản thân các hiện tượng. Theo nghĩa đó, các nguyên tắc xác suất và bất định không thủ tiêu tính nhân quả mà chỉ tìm những định luật nhân quả theo kiểu khác với vật lý cổ điển ở những lãnh vực vật chất mới mẻ.

- Dù trong lãnh vực nhận thức thuộc khoa học tự nhiên đương thời, Kant mang đậm dấu ấn của cơ học có tính tất định (deter-ministisch) của Newton, nhưng Nguyên tắc tính nhân quả của Kant đứng trên bình diện khác - bình diện siêu nghiệm như đã biết - nên không thể xếp Kant vào phái “quyết định luận phổ quát” như Stegmueller đã làm. Nguyên tắc tính nhân quả là nguyên tắc siêu nghiệm chứ không phải nguyên tắc khoa học tự nhiên; nó không có nhiệm vụ đi tìm các định luật vật lý để giải thích các quan hệ mang tính nhân-quả.

Giống như loại suy 1, loại suy 2 (và cả loại suy 3 mà ta lược bớt để đỡ dài dòng) đều là các nguyên tắc “điều hành” chứ không có tính “cấu tạo”. Nó hướng dẫn ta phải đi tìm trong diễn tiến thời gian những đối tượng khách quan của kinh nghiệm. Ai muốn tìm hiểu tự nhiên, cần xem xét các hiện tượng như là các kết quả của các nguyên nhân. Các nguyên nhân ấy ở đâu, cụ thể ra sao, chỉ có thể phát hiện bằng con đường thường nghiệm (B165). Tóm lại, sự Phê phán siêu nghiệm, theo cách hiểu của Kant, chỉ xem xét khả thể của nhận thức khách quan, nó không thay thế, càng không kìm hãm quá trình nghiên cứu cụ thể và không bao giờ kết thúc về thế giới hiện tượng.

C.

LOẠI SUY THỨ BA

NGUYÊN TẮC VỀ SỰ TỒN TẠI ĐỒNG THỜI, THEO QUY LUẬT VỀ SỰ TƯƠNG TÁC HAY CỘNG ĐỒNG

Mọi bản thể, trong chừng mực chúng có thể được tri giác như là [tồn tại] đồng thời trong không gian, đều nằm trong sự tương tác toàn diện.

CHỨNG MINH

Những sự vật là tồn tại đồng thời khi trong trực quan thường nghiệm, tri giác về sự vật này có thể đi tiếp sau tri giác về sự vật kia, ngược lại [wechselseitig: quan hệ qua lại]. (Điều không thể xảy ra trong sự tiếp diễn về thời gian của những hiện tượng như vừa trình bày trong loại suy thứ hai trên đây). Chẳng hạn tôi có thể nhìn [tri giác] mặt trăng trước rồi nhìn mặt đất sau hay nhìn mặt đất trước rồi mặt trăng sau; và vì các tri giác của tôi về những đối tượng này có thể tiếp diễn qua lại cho nhau, nên tôi nói, chúng tồn tại đồng thời. Vậy, tồn tại đồng thời là sự tồn tại của cái đa tạp trong cùng một thời gian. Thế nhưng, người ta không thể tri giác bản thân thời gian, nên ta không thể từ sự kiện những sự vật được đặt vào trong cùng một thời gian mà rút ra kết luận rằng các tri giác về chúng có thể tiếp diễn với nhau một cách qua lại [tương tác] được. Sự tổng hợp của trí tưởng tượng trong sự lãnh hội mỗi lần chỉ mang lại cho ta một trong những tri giác kia, tức khi tri giác này có mặt trong chủ thể, thì tri giác về sự vật kia không có mặt và ngược lại. Nó không hề cho ta thấy những đối tượng là tồn tại đồng thời, theo nghĩa nếu đối tượng này tồn tại, đối tượng kia cũng tồn tại trong cùng một thời gian và nhất thiết phải như thế để các tri giác có thể tiếp diễn qua lại cho nhau.

Vậy, đòi hỏi phải có một khái niệm của giác tính [phạm trù] về sự tiếp diễn tương tác của các quy định về những hiện tượng - vốn tồn tại bên ngoài nhau nhưng lại đồng thời với nhau - để nói rằng sự tiếp diễn tương tác của các tri giác là có cơ sở ở ngay trong đối tượng khiến ta có thể hình dung sự tồn tại đồng thời là khách quan. Mặt khác, mối quan hệ của những bản thể, trong đó bản thể này chứa đựng những quy định làm cơ sở cho bản thể khác, ta gọi đó là mối quan hệ về ảnh hưởng. Và, khi mối quan hệ này chứa đựng cơ sở cho những quy định trong bản thể khác một cách qua lại (wech-selseitig), đó là mối quan hệ về cộng đồng (Gemeinschaft) hay tương tác (Wechselwirkung). Do đó, sự tồn tại đồng thời của những bản thể trong không gian không thể được nhận thức trong kinh nghiệm bằng cách nào khác hơn là từ tiền đề có một sự tương tác giữa chúng với nhau, và đó cũng là điều kiện cho khả thể của bản thân sự vật như là những đối tượng của kinh nghiệm. [Điều kiện để bản thân sự vật có thể trở thành những đối tượng của kinh nghiệm]*.

{*Đoạn từ: “Các sự vật là tồn tại đồng thời... của kinh nghiệm” là đoạn được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D)}

 

Những sự vật là đồng thời trong chừng mực chúng tồn tại trong cùng một thời gian. Nhưng làm sao ta biết rằng chúng tồn tại trong cùng một thời gian? Đó là khi trật tự trong sự tổng hợp của sự lãnh hội về cái đa tạp là tùy tiện, nghĩa là có thể đi từ A thông qua B, C, D đến E, hoặc cũng có thể ngược lại từ E đến A. Vì, nếu giả thử chúng tiếp diễn trong thời gian (theo trật tự, chẳng hạn bắt đầu từ A và kết thúc ở E) thì sự lãnh hội trong tri giác không thể bắt đầu từ E và đi ngược lại đến A vì A như thế đã thuộc về thời gian đã qua và không còn có thể là đối tượng cho việc lãnh hội nữa.

Nhưng hãy giả thử rằng: trong một số lượng đa tạp những bản thể khác nhau được xem như là những hiện tượng, mỗi cái hoàn toàn cô lập, tức là không cái nào tác động lên cái nào và không chịu ảnh hưởng qua lại nào của nhau, ắt tôi phải nói: sự tồn tại đồng thời của chúng không thể là đối tượng cho một tri giác khả hữu, và sự tồn tại của cái này không thể dẫn ta đến sự tồn tại của cái kia vì không thông qua con đường của sự tổng hợp thường nghiệm nào cả. Bởi vì nếu các bạn cho rằng chúng bị cách ly nhau bởi một không gian hoàn toàn trống không, thì tri giác - trong khi tiến dần từ vật này sang vật khác theo thời gian - tuy có thể xác định sự tồn tại của chúng nhờ vào tri giác đến sau nhưng lại không thể phân biệt được liệu hiện tượng sau có tiếp theo hiện tượng trước một cách khách quan hay cùng tồn tại đồng thời với cái trước.

Vậy, ngoài sự tồn tại đơn thuần còn cần một cái gì để nhờ đó A có thể xác định vị trí của B trong thời gian, và ngược lại, để B xác định vị trí của A, vì chỉ với điều kiện đó, những bản thể nói trên mới có thể được hình dung một cách thường nghiệm như là tồn tại đồng thời với nhau. Cái duy nhất xác định vị trí của sự vật khác trong thời gian chính là nguyên nhân của nó hay của các tính quy định của nó. Cho nên, mỗi bản thể (chỉ có được sự tiếp diễn là nhờ các tính quy định) vừa phải chứa đựng tính nguyên nhân cho một số tính quy định trong bản thể khác, vừa đồng thời mang trong mình nó những kết quả do tính nguyên nhân của cái khác gây ra. Có nghĩa là, những bản thể phải (trực tiếp hoặc gián tiếp) nằm trong một cộng đồng năng động [với những bản thể khác], nếu sự tồn tại đồng thời của chúng muốn được nhận thức trong bất cứ kinh nghiệm khả hữu nào. Đặc biệt đối với những đối tượng của kinh nghiệm, điều đó là tất yếu, nếu không, kinh nghiệm về bản thân những đối tượng [tồn tại đồng thời] cũng không thể có được. Vậy, mọi bản thể trong thế giới hiện tượng - trong chừng mực là tồn tại đồng thời - tất yếu phải ở trong mối quan hệ về cộng đồng tương tác tồn diện với nhau.

Thuật ngữ "cộng đồng" (Gemeinschaft) trong ngôn ngữ chúng ta* khá hàm hồ, vừa có thể có nghĩa như là "com-munio", vừa như là "commercium".

{*Tiếng Đức. (N.D).}

 

Ở đây ta dùng theo nghĩa thứ hai, như là một cộng đồng năng động, nếu không có ý niệm đó thì sự chung đụng về không gian (communio spatii) không bao giờ có thể nhận thức được một cách thường nghiệm. Trong kinh nghiệm thông thường, ta rất dễ nhận thấy rằng chỉ là nhờ những ảnh hưởng liên tục của mọi vị trí trong không gian mà giác quan ta được dẫn dắt từ đối tượng này sang đối tượng khác; và rằng ánh sáng - đang nô đùa giữa mắt ta và những thiên thể tạo ra một cộng đồng trung gian giữa ta và chúng, và qua đó chứng minh sự tồn tại đồng thời của những sự vật này. Cũng vậy, ta không thể thay đổi vị trí [của mình] một cách thường nghiệm (tri giác được sự thay đổi này) nếu không có sự tồn tại của vật chất tràn ngập không gian làm cho tri giác về vị trí của ta có thể có được; và tri giác về điều này có thể chứng minh được sự tồn tại đồng thời của những vị trí chỉ là nhờ ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa chúng và qua đó cả sự tồn tại đồng thời của những vật thể ở rất xa ta - dù trong trường hợp này, chỉ có thể chứng minh một cách gián tiếp. Không có cộng đồng tương tác, mọi tri giác (về hiện tượng trong không gian) sẽ bị cắt đứt [đột ngột], và, - với sự xuất hiện của vật thể mới, - chuỗi biểu tượng thường nghiệm - tức là kinh nghiệm - phải hoàn toàn bắt đầu lại từ đầu, không còn mối liên kết nào với những biểu tượng trước đó hoặc không thể đứng trong mối quan hệ về thời gian được nữa. Tôi không muốn qua đây để phản bác [khái niệm về] không gian trống rỗng, vì nó có thể tồn tại ở nơi nào đó mà tri giác ta không thể vươn đến được, và do đó không có một nhận thức thường nghiệm nào về sự tồn tại đồng thời; nhưng trong trường hợp này, nó không thể là một đối tượng cho mọi kinh nghiệm khả hữu của chúng ta.

Các nhận xét sau đây góp phần giải thích điều này. Trong tâm thức ta, mọi hiện tượng - như được chứa đựng trong một kinh nghiệm khả hữu - đều phải ở trong cộng đồng (Communio) của Thông giác [hay của ý thức], và trong chừng mực những đối tượng phải được hình dung như là nối kết với nhau bằng cách tồn tại đồng thời, chúng phải xác định vị trí trong thời gian lẫn cho nhau một cách hỗ tương và qua đó, tạo nên một toàn bộ (ein Ganzes). Nếu cộng đồng có tính chủ quan này muốn dựa vào một cơ sở khách quan hay muốn được áp dụng vào những hiện tượng như là những bản thể, thì tri giác về một bản thể này - như là cơ sở - phải làm cho tri giác về bản thể kia có thể có được và ngược lại, để cho sự tiếp diễn [chủ quan] - bao giờ cũng ở trong những tri giác như là những sự lãnh hội - không bị gán cho những đối tượng, trái lại, những đối tượng này có thể được hình dung như là tồn tại đồng thời. Nhưng đây là một sự ảnh hưởng qua lại, nghĩa là một cộng đồng hiện thực (commercium) của những bản thể, và nếu không có cái này thì mối quan hệ thường nghiệm về sự tồn tại đồng thời sẽ không thể có được ở trong kinh nghiệm. Chính nhờ cộng đồng hiện thực (Commercium) này, những hiện tượng - trong chừng mực chúng ở ngồi nhau nhưng lại ở trong sự nối kết -, tạo nên một sự kết hợp [hiện thực] (Compositum reale) và những sự kết hợp này (composita) có thể có được bằng nhiều cách khác nhau. Ba mối quan hệ năng động - từ đó mọi mối quan hệ khác nảy sinh ra - đó là mối quan hệ về tùy thuộc (Inhärenz), về hậu quả (Konsequenz) và về kết hợp [đồng thời] (Composition).

Ba mối quan hệ trên đây cũng chính là ba loại suy của kinh nghiệm. Chúng không gì khác hơn là những Nguyên tắc xác định sự tồn tại của những hiện tượng trong thời gian theo ba thể cách (Modi) của thời gian, đó là: - mối quan hệ với bản thân thời gian như là với một lượng (Lượng của sự tồn tại tức là thời lượng); - mối quan hệ trong thời gian như là một chuỗi (tiếp diễn nhau) và sau cùng - cũng là mối quan hệ trong thời gian nhưng như là một tổng thể (Inbegriff) của mọi tồn tại (đồng thời). Tính thống nhất này của sự quy định thời gian là hồn tồn có tính năng động, nghĩa là: thời gian không được xem như cái gì trong đó kinh nghiệm có thể trực tiếp xác định vị trí cho mỗi tồn tại, - điều này bất khả vì thời gian tuyệt đối (die absolute Zeit) không phải là đối tượng của tri giác để nhờ đó mọi hiện tượng có thể được tập hợp; trái lại, chính nguyên tắc của giác tính mới là cái duy nhất nhờ đó sự tồn tại của những hiện tượng có thể nhận được sự thống nhất tổng hợp theo các quan hệ về thời gian, và chính nguyên tắc của giác tính xác định cho mỗi hiện tượng một vị trí trong thời gian, một cách tiên nghiệm, có giá trị cho tất cả và cho mọi lúc.

Chúng ta hiểu Tự nhiên (trong ý nghĩa thường nghiệm) là toàn bộ những hiện tượng được nối kết lại - về phương diện tồn tại - theo những quy tắc tất yếu, còn gọi là những quy luật. Và có một số quy luật tiên nghiệm làm cho Tự nhiên có thể có được; còn những quy luật thường nghiệm thì chỉ có thể có và chỉ có thể được phát hiện thông qua kinh nghiệm nhưng phải dựa vào các quy luật nguyên thủy kia vì chính chúng mới làm cho bản thân kinh nghiệm có thể có được. Như vậy, các loại suy của chúng ta thực ra là trình bày sự thống nhất của Tự nhiên trong quan hệ của mọi hiện tượng dưới một số thành tố cơ bản. Công việc này không diễn tả điều gì khác hơn là mối quan hệ về thời gian (trong chừng mực): thời gian chứa đựng trong nó toàn bộ sự tồn tại) đối với sự thống nhất của Thông giác, là sự thống nhất chỉ có thể hình thành bằng sự tổng hợp theo đúng các quy luật. Tổng kết lại, các loại suy nói lên điều này: "Tất cả mọi hiện tượng đều tồn tại trong một Tự nhiên [duy nhất] và phải tồn tại trong đó, bởi vì nếu không có sự thống nhất tiên nghiệm này, cũng sẽ không có sự thống nhất của kinh nghiệm, do đó, cũng sẽ không thể có bất cứ sự xác định nào về những đối tượng ở trong kinh nghiệm".

 

Chúng ta cũng thấy cần phải nêu thêm một nhận xét về phương cách chứng minh mà ta đã dùng để xem xét các quy luật siêu nghiệm trên đây về tự nhiên. Tính chất riêng biệt của phương cách chứng minh này đồng thời cũng sẽ rất quan trọng như một cẩm nang cho mọi nỗ lực khác nhằm chứng minh những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm tương tự. Nếu giả thử ta đã tìm cách chứng minh các loại suy này một cách giáo điều, nghĩa là chỉ xuất phát từ các khái niệm suông thôi, ắt sẽ nói: - “mọi vật tồn tại, chỉ tồn tại trong cái gì thường tồn”; - “mọi sự kiện xảy ra phải giả định một cái gì đã tồn tại trong trạng thái trước đó mà nó phải theo sau theo một quy luật”; - và sau cùng, “trong cái đa tạp đang tồn tại đồng thời, các trạng thái cũng đồng thời gắn kết với nhau theo một quy luật” (tồn tại trong cộng đồng). Nếu chỉ cần làm thế thì mọi nỗ lực của ta trước nay thật là vô ích! Vì lẽ, chỉ với các khái niệm suông và tha hồ phân tích chúng theo ý thích, người ta cũng không bao giờ có thể từ một đối tượng và sự tồn tại của nó suy ra sự tồn tại hay phương cách tồn tại của một đối tượng khác được. Vậy [con đường] nào còn lại cho chúng ta đây? Đó là con đường duy nhất để chứng minh khả thể của kinh nghiệm như là một nhận thức, trong đó mọi đối tượng rút cục chỉ có thể được mang lại cho ta nếu biểu tượng về chúng có tính thực tại khách quan cho ta. Chỉ trong cái thứ ba này, [hạn từ trung giới này] mà mô thức cốt yếu của nó là ở trong sự thống nhất tổng hợp của Thông giác về mọi hiện tượng, chúng ta mới tìm thấy được các điều kiện tiên nghiệm của sự quy định trọn vẹn và tất yếu về thời gian của mọi tồn tại trong thế giới hiện tượng. Nếu không có sự quy định tiên nghiệm về thời gian, sự quy định thường nghiệm về thời gian cũng không thể có được. Và ta cũng tìm thấy được các quy luật của sự thống nhất tổng hợp tiên nghiệm, nhờ đó ta có thể dự đoán được kinh nghiệm. Vì thiếu phương pháp này và vì ảo tưởng rằng có thể tìm ra cách chứng minh giáo điều về những mệnh đề tổng hợp - mà việc sử dụng giác tính thường nghiệm xem như là các Nguyên tắc của nó - cho nên nảy sinh tình hình là mọi nỗ lực rất lớn trong quá khứ nhằm chứng minh nguyên tắc túc lý [nguyên nhân đầy đủ] này cho kinh nghiệm đều hồi công, không mang lại kết quả gì cả. Về hai loại suy còn lại thì không ai chịu suy xét cho thấu đáo cả, mặc dù họ vẫn âm thầm sử dụng chúng(1), vì thiếu sự hướng dẫn của các phạm trù, sự hướng dẫn duy nhất có thể giúp ta phát hiện và lưu tâm đến những thiếu sót của giác tính, về cả hai mặt: [hệ thống] các khái niệm và [hệ thống] các nguyên tắc.

 

{(1)Sự thống nhất của vũ trụ - trong đó mọi hiện tượng được nối kết - rõ ràng là một hệ luận đơn thuần của nguyên tắc được thừa nhận một cách âm thầm về tính cộng đồng của mọi bản thể tồn tại đồng thời. Vì nếu những bản thể biệt lập nhau, chúng không thể như là những bộ phận tạo nên cái toàn bộ và nếu sự nối kết của chúng (sự tương tác của cái đa tạp) là không tất yếu chỉ vì sự tồn tại đồng thời thì ta không thể từ sự kiện này (vốn là mối quan hệ trong tư tưởng) suy ra sự kiện trước là mối quan hệ trong hiện thực. Như ta đã chứng minh: chính tính cộng đồng là cơ sở cho khả thể của một nhận thức thường nghiệm về sự tồn tại đồng thời và từ sự tồn tại đồng thời mà ta mới có thể suy luận ngược lại về tính cộng đồng như là điều kiện của nó. (Chú thích của tác giả).}

 

4

CÁC ĐỊNH ĐỀ CỦA TƯ DUY

THƯỜNG NGHIỆM NÓI CHUNG

1. Cái gì trùng hợp (übereinkommt) với các điều kiện mô thức của kinh nghiệm (theo trực quan và các phạm trù), thì CÓ THỂ [tồn tại].

2. Cái gì nối kết (zusammenhängt) với các điều kiện chất thể của kinh nghiệm (của cảm giác), thì THỰC SỰ [tồn tại].

3.Cái gì nối kết với cái hiện thực được xác định theo các điều kiện phổ biến của kinh nghiệm, thì TẤT YẾU [tồn tại].

GIẢI THÍCH

Các phạm trù về tình thái [xem B106] có đặc điểm riêng này: là các thuộc tính được đưa thêm vào cho những khái niệm, chúng lại không làm tăng thêm [hay mở rộng] gì cho khái niệm nhằm xác định đối tượng cả, mà chỉ diễn tả mối quan hệ [của chúng] với quan năng nhận thức thôi. Dù khái niệm của tôi về một sự vật đã hoàn chỉnh, tôi vẫn có thể đặt câu hỏi: liệu đối tượng ấy chỉ có thể có hay thực sự có, và nếu thực sự có thì có tất yếu phải có hay không? Qua câu hỏi này, tôi không suy tưởng thêm về một quy định nào trong bản thân đối tượng mà chỉ tự hỏi: đối tượng ấy (cùng với tất cả những quy định của chúng) quan hệ như thế nào với giác tính và sự sử dụng thường nghiệm của giác tính, với năng lực phán đoán thường nghiệm và với lý tính (trong việc áp dụng lý tính vào trong kinh nghiệm)?

Cũng vì mục đích đó, ngay các nguyên tắc về tình thái cũng không gì khác hơn là những sự giải thích về các khái niệm khả năng, hiện thựctất yếu trong việc sử dụng thường nghiệm của chúng, đồng thời cũng là những sự giới hạn chỉ cho phép các phạm trù được sử dụng đơn thuần thường nghiệm, chứ không phải siêu nghiệm. Vì nếu chúng không dừng ở lại ý nghĩa lôgíc đơn thuần, tức không chỉ là sự diễn tả có tính cách phân tích về mô thức của tư tưởng mà còn quan hệ đến bản thân sự vật với các tính khả năng, hiện thực, tất yếu của sự vật, chúng phải quan hệ với kinh nghiệm khả hữu và với sự thống nhất tổng hợp của kinh nghiệm là nơi duy nhất có thể mang lại những đối tượng cho nhận thức.

Định đề về những sự vậtcó thể đòi hỏi rằng khái niệm về những sự vật phải trùng hợp với các điều kiện mô thức của một kinh nghiệm nói chung. Nhưng điều này - tức là mô thức khách quan của kinh nghiệm nói chung - lại chứa đựng đủ mọi sự tổng hợp cần thiết để nhận thức về những đối tượng. Một khái niệm tuy chứa đựng một sự tổng hợp vẫn bị xem là còn trống rỗng và không có quan hệ thực sự với đối tượng nào nếu sự tổng hợp ấy không thuộc về kinh nghiệm. [Thuộc về kinh nghiệm theo hai cách]: hoặc phải vay mượn từ kinh nghiệm, trong trường hợp này được gọi là một khái niệm thường nghiệm; hoặc làm cơ sở và điều kiện tiên nghiệm cho kinh nghiệm nói chung (các mô thức của kinh nghiệm), trong trường hợp này nó là khái niệm thuần túy -, thuần túy nhưng vẫn thuộc về kinh nghiệm vì đối tượng của nó chỉ có thể được tìm thấy trong kinh nghiệm. Bởi lẽ từ đâu người ta có thể rút ra được tính chất có thể có của một đối tượng vốn đã được suy tưởng một cách tiên nghiệm bằng một khái niệm tổng hợp, nếu không phải từ sự tổng hợp đã tạo nên mô thức của nhận thức thường nghiệm về những đối tượng? Một khái niệm không được có mâu thuẫn, đó là một điều kiện cần về lôgíc, nhưng hoàn toàn chưa đủ để tạo nên tính thực tại khách quan của khái niệm, nghĩa là chưa đủ để tạo nên tính khả thể [có thể có] của một đối tượng như đã được suy tưởng bằng khái niệm. Chẳng hạn, trong khái niệm về một hình thể (Figur) được bao chứa chỉ trong khuôn khổ hai đường thẳng không có mâu thuẫn nào, vì các khái niệm về hai đường thẳng và sự giao nhau của chúng không chứa đựng sự phủ định nào về một hình thể. Nhưng tính bất khả của trường hợp này không phải dựa trên bản thân khái niệm mà dựa trên việc cấu tạo nó [thật sự] trong không gian, nghĩa là nó phải dựa trên những điều kiện và những tính quy định của không gian. Chỉ bản thân những điều kiện này của không gian mới có tính thực tại khách quan, tức là chúng có thể áp dụng vào những sự vật khả hữu vì chúng chứa đựng một cách tiên nghiệm mô thức của kinh nghiệmnói chung.

Bây giờ chúng ta hãy vạch rõ sự hữu ích và ảnh hưởng rất rộng của định đề về tính khả năng này. Nếu tôi tự hình dung một sự vật là thường tồn, theo nghĩa tất cả những gì thay đổi nơi sự vật ấy chỉ đơn thuần thuộc về trạng thái của nó thôi; từ một khái niệm suông như thế, tôi sẽ không bao giờ có thể nhận thức được rằng một sự vật như thế là thể tồn tại. Hoặc, nếu tôi tự hình dung một cái gì có đặc tính là, khi được thiết định thì một cái khác nhất thiết bao giờ cũng phải xuất hiện theo sau, tư tưởng ấy của tôi tuy có thể được suy tưởng như thế mà không có mâu thuẫn, nhưng liệu đặc tính ấy (nhân - quả) có được tìm thấy trong một sự vật có thể có nào đó hay không là điều mà tư tưởng suông không thể phán đoán được. Sau cùng, tôi tự hình dung những sự vật khác nhau (những bản thể) có đặc tính là, trạng thái của vật này kéo theo một hậu quả trong trạng thái của sự vật kia và ngược lại [tương tác lẫn nhau], nhưng liệu mối quan hệ này có thuộc về những sự vật hay không thì không thể rút ra từ các khái niệm [suông] này được, [vì] chúng chỉ chứa đựng một sự tổng hợp tùy tiện. Vậy chỉ có thể cho rằng các khái niệm trên mới diễn tả một cách tiên nghiệm các mối quan hệ của những tri giác trong mọi kinh nghiệm, [trong chừng mực đó] người ta biết chúng có tính thực tại khách quan, tức là chân lý siêu nghiệm, và độc lập với kinh nghiệm, tuy nhiên, [để thực sự là nhận thức], chúng không độc lập khỏi mọi mối quan hệ với mô thức của một kinh nghiệm nói chung và với sự thống nhất tổng hợp của kinh nghiệm là cái duy nhất làm cho những đối tượng có thể được nhận thức một cách thường nghiệm.

Nhưng, khi ta muốn tạo nên những khái niệm hoàn toàn mới mẻ về những bản thể, về các lực, về các sự tương tác nào đó từ chất liệu do tri giác mang lại mà không chịu nối kết chúng theo những mẫu mực vay mượn từ kinh nghiệm, người ta sẽ rơi vào toàn những ảo ảnh hoang đường của đầu óc mà không hề có được dấu hiệu nào về tính khả thể của chúng cả, bởi ta không chịu lấy kinh nghiệm làm người hướng đạo cho ta, cũng như không rút các khái niệm ấy ra từ kinh nghiệm. Các khái niệm bịa đặt như thế không thể có được đặc điểm về tính khả thể tiên nghiệm giống như các phạm trù là các điều kiện mà mọi kinh nghiệm phải phụ thuộc vào, trái lại, chỉ là hậu nghiệm, như là những khái niệm do bản thân kinh nghiệm mang lại và tính khả thể của chúng hoặc chỉ có thể được nhận thức một cách hậu nghiệm và thường nghiệm, hoặc hoàn toàn không thể nhận thức được. [Chẳng hạn], một bản thể vừa thường tồn trong không gian lại vừa không lấp đầy [một] không gian nào (như một vật trung gian ở giữa vật chất và chủ thể tư duy mà một số người muốn đưa vào [Siêu hình học]), hay là một lực cơ bản đặc dị nào đấy của tâm thức chúng ta có thể trực quan được tương lai (thay vì chỉ có thể suy đoán), hoặc sau cùng, một quan năng của tâm thức có thể tương thông về tư tưởng với người khác (dù ở cách xa nhau)..., đều là các khái niệm mà khả thể của chúng là hoàn toàn không có cơ sở, vì khả thể này không thể đặt nền tảng trên kinh nghiệm và trên những quy luật đã biết của kinh nghiệm; và không có kinh nghiệm, chúng chỉ là sự nối kết tùy tiện giữa các ý tưởng, tuy không chứa đựng mâu thuẫn, nhưng không thể có quyền đòi hỏi tính thực tại khách quan, tức đòi hỏi tính khả thể của một đối tượng như thế giống như người ta đã nghĩ. Cái gì liên quan đến tính thực tại thì điều hiển nhiên là cấm không được suy tưởng về chúng một cách cụ thể (in concreto) như là một thực tại nếu không có sự giúp đỡ của kinh nghiệm, bởi lẽ thực tại chỉ liên quan với cảm giác là chất liệu của kinh nghiệm chứ không liên quan với mô thức của mối quan hệ là cái chúng ta tha hồ thêu dệt nên.

Nhưng bây giờ tôi bỏ qua tất cả những gì mà tính khả thể của chúng chỉ có thể được rút ra từ tính thực tại trong kinh nghiệm và chỉ xem xét những sự vật có thể tồn tại là nhờ các khái niệm tiên nghiệm thôi. Tôi vẫn phải tiếp tục khẳng định rằng: những sự vật này không bao giờ có thể có được từ tự thân (für sich) [per se] các khái niệm tiên nghiệm ấy, trái lại, [là nhờ ta biết xem các khái niệm này] chỉ như là các điều kiện mô thức và khách quan của một kinh nghiệm nói chung.

Dĩ nhiên có vẻ như ta có thể nhận thức được một hình tam giác là có thể có chỉ nhờ một khái niệm về nó thôi (độc lập với kinh nghiệm), vì trong thực tế ta có thể mang lại cho khái niệm ấy một đối tượng [tương ứng] một cách hoàn toàn tiên nghiệm, nghĩa là ta cấu tạo nên nó. Nhưng vì hình tam giác chỉ là mô thức của một đối tượng, nó bao giờ cũng vẫn chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng và khả năng có sự tồn tại thực sự của một đối tượng tương ứng với nó là còn đáng nghi ngờ, vì vẫn phải cần có thêm một cái gì nhiều hơn nữa, đó là một hình thể như thế phải được suy tưởng dưới nhiều điều kiện mà mọi đối tượng của kinh nghiệm đều dựa vào. Rằng chính không gian là một điều kiện mô thức tiên nghiệm về những kinh nghiệm bên ngồi; và cùng một sự tổng hợp hình tượng nhờ đó ta cấu tạo nên một hình tam giác trong trí tưởng tượng giống như sự tổng hợp mà ta dùng trong khi lãnh hội một hiện tượng nhằm tạo ra một khái niệm thường nghiệm về nó, chính các điều vừa nói là cái duy nhất nối kết biểu tượng về khả thể của một sự vật như thế với khái niệm về nó. Cũng theo cách thức giống như vậy là khả thể của những lượng liên tục, thậm chí của những lượng nói chung, vì các khái niệm về chúng nhìn chung đều có tính tổng hợp và [do đó] không bao giờ trở thành sáng tỏ chỉ từ bản thân các khái niệm mà chỉ từ các khái niệm với tư cách là các điều kiện mô thức của việc xác định những đối tượng trong kinh nghiệm nói chung. Và thật ra, chúng ta muốn đi tìm các đối tượng tương ứng cho các khái niệm của ta ở đâu nếu không phải là ở trong kinh nghiệm là nơi duy nhất để những đối tượng có thể được mang lại cho ta? Mặc dù ta không cần có những kinh nghiệm đi trước, ta vẫn có thể nhận thức và miêu tả tính chất về khả thể của những sự vật [về những sự vật có thể có] một cách hoàn toàn tiên nghiệm chỉ trong mối quan hệ với những điều kiện mô thức mà sự vật nào cũng phải phục tùng để được xác định như đối tượng của kinh nghiệm, nhưng việc làm này cũng chỉ có thể có được trong mối quan hệ với kinh nghiệm và trong khuôn khổ những giới hạn của nó.

Định đề nhằm nhận thức về tính hiện thực [Wirklichkeit] của sự vật đòi hỏi phải có tri giác - tức là cảm giác được ta ý thức - và tuy không phải một cách trực tiếp về bản thân đối tượng mà sự tồn tại của nó cần được nhận thức, nhưng sự tồn tại ấy vẫn phải ở trong quan hệ với một tri giác hiện thực tương ứng với các loại suy của kinh nghiệm là những cái miêu tả mọi [loại] nối kết hiện thực trong một kinh nghiệm nói chung.

Trong khái niệm đơn thuần về một sự vật, không có đặc tính (Charakter) nào về sự tồn tại của nó cả. Bởi vì, dù khái niệm hoàn chỉnh đến đâu, dù không thiếu một điều gì để suy tưởng được về một sự vật với tất cả những quy định bên trong của nó, thì sự tồn tại (Dasein) của sự vật lại không liên quan gì đến tất cả những điều ấy. Vấn đề đặt ra là liệu sự vật như thế có thực sự được mang lại cho ta không, khiến cho tri giác về nó lúc nào cũng phải đi trước khái niệm về nó. Vì rằng khái niệm có trước tri giác chỉ cho thấy khả thể đơn thuần của sự vật [sự vật có khả năng tồn tại]; nên chính tri giác mới mang lại chất liệu cho khái niệm, là đặc tính duy nhất của tính hiện thực. Tuy nhiên, trước khi có tri giác về sự vật, tức là so sánh theo nghĩa tiên nghiệm, ta có thể nhận thức sự tồn tại của nó với điều kiện nó có quan hệ chặt chẽ với một số tri giác [khác] theo đúng các nguyên tắc của sự nối kết thường nghiệm về chúng (tức là phù hợp với các loại suy của tri giác). Bởi vì trong trường hợp đó, sự tồn tại của sự vật vẫn nối kết chặt chẽ với các tri giác của ta trong một kinh nghiệm khả hữu và nhờ dựa theo manh mối của các loại suy này, ta có thể từ những tri giác hiện thực của ta [về những sự vật mà ta thực sự nhìn thấy] đi đến được với sự vật trong một chuỗi các tri giác có thể có [mà ta không trực tiếp nhìn thấy]. Chẳng hạn ta nhận thức được sự tồn tại của từ tính trong mọi vật thể từ tri giác về hiện tượng nam châm hút sắt mặc dù đặc điểm [cấu tạo] của giác quan ta không cho phép tri giác trực tiếp về từ tính. Theo các quy luật của cảm năng và toàn cảnh của những tri giác của ta, chắc hẳn ta vẫn có thể có được trực quan thường nghiệm trực tiếp về các dạng vật chất đó, nếu các giác quan của ta tinh vi hơn, [nhưng] sự thô thiển của giác quan ta không vì thế mà có ảnh hưởng gì đến mô thức của kinh nghiệm khả hữu nói chung. Vậy, tri giác và các phụ trợ của nó [hoạt động] theo những quy luật thường nghiệm vươn được đến đâu thì nhận thức của ta về sự tồn tại của sự vật đạt được đến đấy. Nếu ta không bắt đầu từ kinh nghiệm hoặc không tiến lên theo những quy luật về mối quan hệ thường nghiệm của những hiện tượng, ta hoàn toàn vô vọng trong việc phỏng đoán hay tìm tòi về sự tồn tại của bất kỳ sự vật nào. Tuy nhiên, thuyết duy tâm đã phản đối rất mạnh mẽ các quy luật chứng minh một cách gián tiếp (mittelbar) về sự tồn tại này. Vì vậy, đây chính là lúc thích hợp để ta phản bác lại thuyết duy tâm.

 

PHẢN BÁC THUYẾT DUY TÂM*

Thuyết duy tâm - tôi muốn nói thuyết duy tâm chất thể (materialer Idealismus) - là học thuyết cho rằng sự tồn tại của những đối tượng trong không gian bên ngoài ta thì hoặc là đáng nghi ngờ và không thể chứng minh được; hoặc là sai lầm và không thể có được. Cái trước là thuyết duy tâm nghi vấn của Descartes**, tuyên bố rằng chỉ có Một khẳng định thường nghiệm (assertio), đó là: "Tôi tồn tại", là không thể nghi ngờ. Cái sau là thuyết duy tâm giáo điều của Berkeley ***cho rằng không gian - cùng với mọi đối tượng mà không gian là điều kiện không thể tách rời của chúng - là cái gì tự bản thân là không thể có được, và vì vậy mọi sự vật trong không gian đều chỉ là những sự tưởng tượng đơn thuần. Học thuyết duy tâm giáo điều là không thể tránh khỏi nếu ta xem không gian là một đặc điểm của vật-tự-thân, vì trong trường hợp đó, không gian cùng với tất cả những gì mà nó là điều kiện đều là những vật không có thật, [là hư vô] (ein Unding). Nhưng cơ sở của thuyết duy tâm này đã bị chúng ta phá hủy trong phần Cảm năng học siêu nghiệm. Riêng thuyết duy tâm hồi nghi không đưa ra lời khẳng định như thế, nhưng chỉ muốn chứng minh sự bất lực của ta trong việc chứng minh bằng kinh nghiệm trực tiếp về một sự tồn tại ngoài sự tồn tại của chính ta. Đây là học thuyết hữu lý và phù hợp với lối tư duy triết học triệt để là khi chưa đủ bằng chứng, không thể đưa ra phán đoán chung quyết được. Bằng chứng mà nó đòi hỏi là phải chứng minh được rằng ta thực sự có kinh nghiệm về những sự vật ngoài ta chứ không chỉ là sự tưởng tượng, nhưng điều này không thể đạt được bằng cách nào khác hơn là khi người ta có thể chứng minh được rằng ngay bản thân kinh nghiệm bên trong của ta mà Descartes không thể nghi ngờ cũng chỉ có thể có được là nhờ lấy kinh nghiệm [về thế giới] bên ngoài làm tiền đề.

{*Toàn bộ phần “Phản bác thuyết duy tâm” này là được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).

**René Descartes: (1596-1650) triết gia Pháp. “Thuyết duy tâm nghi vấn” của ông (problematischer Idealismus) còn thường được gọi là “thuyết duy tâm hoài nghi” (skeptischer Idealismus). (N.D).

***George Berkeley: (1685-1753), giám mục, triết gia Anh (Ái Nhĩ Lan). “Thuyết duy tâm giáo điều” (dogmatischer Idealismus) của ông còn thường được gọi là “Thuyết duy tâm chủ quan (cực đoan)” hay thuyết duy ngã (Solipsismus). 

Kant gọi cả hai thuyết trên là “thuyết duy tâm chất thể” [nội dung], để phân biệt với “thuyết duy tâm hình thức” (hay còn gọi là “Thuyết duy tâm siêu nghiệm” của chính ông. (Xem B519-525). (N.D).}

 

Tôi ý thức về sự tồn tại của tôi như là cái gì được quy định trong thời gian. Mọi sự quy định về thời gian giả thiết phải có cái gì thường tồn trong tri giác. Nhưng cái thường tồn này không thể là cái gì ở trong tôi, vì ngay cả sự tồn tại của tôi trong thời gian cũng chỉ có thể nhờ thông qua sự thường tồn này mới được quy định*. Do đó, tri giác về cái thường tồn này chỉ có thể có được thông qua một sự vật ở ngồi tôi chứ không phải chỉ thông qua biểu tượng đơn thuần về một sự vật ở ngoài tôi. Vậy, sự quy định về sự tồn tại của tôi trong thời gian chỉ có thể có được thông qua sự tồn tại của những sự vật có thực mà tôi tri giác ở ngoài tôi. Ý thức trong thời gian thiết yếu gắn liền với ý thức về khả thể của sự quy định này trong thời gian: như thế, ý thức trong thời gian cũng thiết yếu gắn liền với sự tồn tại của sự vật ngoài tôi, vì sự tồn tại của chúng là điều kiện của sự quy định trong thời gian. Nói cách khác, ý thức về sự tồn tại của chính tôi đồng thời là một ý thức trực tiếp về sự tồn tại của những sự vật khác ở ngoài tôi.

 

NHẬN XÉT I:

Qua chứng minh trên đây, ta thấy trò chơi mà thuyết duy tâm bày ra đã quật ngược lại chính nó [đã bị "gậy ông đập lưng ông"] một cách đích đáng. Thuyết này cho rằng kinh nghiệm trực tiếp duy nhất là kinh nghiệm bên trong, còn sự vật bên ngoài chỉ là do suy luận từ kinh nghiệm trên mà có. Nhưng cũng giống như nhiều lần khi người ta suy luận từ các kết quả đã có ra một nguyên nhân nhất định, suy luận này rất không đáng tin cậy, vì nguyên nhân của các biểu tượng có thể nằm ở trong ta, rồi bị ta đem gán cho sự vật bên ngoài một cách sai lầm. Ngay điểm này đã chứng minh rằng, kinh nghiệm [về những sự vật] bên ngoài mới thực sự là trực tiếp(1) và chỉ nhờ nó mà, - tuy không phải ý thức về sự tồn tại của chính ta, - nhưng, sự quy định của ý thức trong thời gian, tức là kinh nghiệm bên trong mới có thể có được. Thật vậy, biểu tượng "Tôi tồn tại" - là cái diễn tả ý thức và luôn có thể đi kèm mọi động tác tư duy - chứa đựng trong nó một cách trực tiếp sự tồn tại của một chủ thể, nhưng chưa phải là một nhận thức về chủ thể ấy, nghĩa là chưa phải một nhận thức thường nghiệm, tức là kinh nghiệm. Vì ngoài ý tưởng về một cái gì đang tồn tại còn cần có trực quan - ở đây là trực quan bên trong - tức là về phương diện thời gian để chủ thể phải được xác định; như thế rõ ràng là cần phải có đối tượng bên ngoài; do đó, bản thân kinh nghiệm bên trong cũng chỉ có thể có được một cách gián tiếp và chỉ nhờ thông qua kinh nghiệm [về sự vật] bên ngoài.

{*Câu: “Nhưng cái thường tồn này không thể là cái gì ở trong tôi, vì ngay cả sự tồn tại của tôi trong thời gian cũng chỉ có thể nhờ thông qua cái thường tồn này mới được quy định” được Kant đề nghị sửa lại như sau cho sáng sủa hơn [Xem: Lời Tựa cho lần xuất bản thứ hai 1787, BXL, BXLI]:

“Nhưng cái thường tồn này không thể là một trực quan ở trong tôi. Vì mọi cơ sở quy định có thể bắt gặp ở trong tôi về sự tồn tại của tôi chỉ là những biểu tượng, và với tư cách là những biểu tượng luôn thay đổi, chúng đòi hỏi phải có một cái thường tồn khác biệt với chúng làm chỗ dựa, và qua đó, tồn tại của tôi trong thời gian - trong đó các biểu tượng thay đổi - mới có thể được quy định”. [Xin xem thêm luận giải của Kant về câu chứng minh này trong Lời Tựa đã dẫn].(N.D).

(1)Trong định lý trên, ý thức trực tiếp về sự tồn tại của các sự vật bên ngoài ta không phải được giả thiết mà được chứng minh, độc lập với việc ta nhận ra hay không khả thể của ý thức ấy. Câu hỏi về khả thể ấy được đặt ra như thế này: "Phải chăng ta chỉ có giác quan bên trong mà không có giác quan bên ngoài, do đó [tri giác về sự vật bên ngoài] chỉ là tưởng tượng?". Hiển nhiên rằng, để tưởng tượng được một cái gì bên ngoài, tức là diễn tả nó cho giác quan trong trực quan, ta đã phải có một giác quan bên ngoàiđã và qua đó phải phân biệt một cách trực tiếp tính thụ nhận đơn thuần của trực quan bên ngoài với tính nội khởi vốn là đặc điểm của mọi động tác tưởng tượng. Bởi vì chỉ tưởng tượng ra một giác quan bên ngoài thì quan năng trực quan do trí tưởng tượng quy định đã tự thủ tiêu chính nó.}

 

NHẬN XÉT II:

Mọi sự sử dụng thường nghiệm quan năng nhận thức của ta trong việc xác định thời gian hoàn toàn trùng hợp với cách nhìn như trên. Không những vì ta chỉ có thể tri giác mọi sự xác định về thời gian nhờ vào sự thay đổi trong các quan hệ bên ngoài (sự vận động) đối với cái thường tồn trong không gian (ví dụ, [ta ý thức được] sự vận động của mặt trời nhờ [quan sát sự thay đổi của] mối quan hệ giữa mặt trời với những đối tượng trên mặt đất); mà hơn nữa, ta không có một cái gì thường tồn - như là trực quan - để có thể làm nền móng cho khái niệm về một bản thể, ngoại trừ chính vật chất, và bản thân tính thường tồn này không phải được rút ra từ kinh nghiệm bên ngoài mà được giả định một cách tiên nghiệm như là một điều kiện tất yếu của mọi sự xác định về thời gian, do đó, cũng như là sự xác định của giác quan bên trong đối với sự tồn tại của chính ta thông qua sự tồn tại của những sự vật bên ngoài ta. Trong biểu tượng "Tôi", ý thức về chính tôi không phải là một trực quan, mà là một biểu tượng trí tuệ đơn thuần về tính hoạt động nội khởi (Selbst-tätigkeit) của một chủ thể đang tư duy. Cho nên, cái "Tôi" này không có thuộc tính nào của trực quan, hiểu như [thuộc tính] thường tồn có thể làm cái đối ứng cho sự xác định về thời gian trong giác quan bên trong giống như chẳng hạn tính không thể thâm nhập là cái đối ứng của vật chất xét như trực quan thường nghiệm.

 

NHẬN XÉT III:

Từ sự thật rằng sự tồn tại của những sự vật bên ngoài là điều kiện thiết yếu để có thể có được một ý thức xác định về chính ta, không thể suy ra rằng mọi biểu tượng trực quan về những sự vật bên ngoài đều đồng thời bao hàm sự tồn tại của những sự vật ấy, vì các biểu tượng về sự vật rất có thể chỉ là kết quả đơn thuần của trí tưởng tượng (chẳng hạn trong các giấc mơ cũng như khi điên rồ), mặc dù bản thân các biểu tượng này cũng chỉ có thể có được nhờ sự tái tạo của các tri giác có trước về sự vật bên ngoài; các tri giác này - như đã thấy - cũng chỉ có thể có được là nhờ thông qua tính thực tại của những đối tượng bên ngoài.

Mục đích duy nhất của các nhận xét này là chứng minh rằng kinh nghiệm bên trong nói chung chỉ có thể có được nhờ kinh nghiệm bên ngoài nói chung. Để biết kinh nghiệm này hay kinh nghiệm kia không phải chỉ là sự tưởng tượng đơn thuần, ta phải xem xét từ những quy định đặc thù của chúng và so sánh những quy định này với các tiêu chuẩn của mọi kinh nghiệm hiện thực.

Sau cùng, đối với định đề thứ ba, vấn đề là bàn về tính tất yếu chất thể trong sự tồn tại chứ không phải chỉ về tính tất yếu mô thức và lôgíc trong sự nối kết các khái niệm. Nhưng vì sự tồn tại của những đối tượng của giác quan không thể được nhận thức một cách hoàn toàn tiên nghiệm, mà chỉ tiên nghiệm một cách so sánh trong tương quan với một sự tồn tại khác đã cho, nên trong trường hợp này, người ta cũng chỉ có thể đến được với sự tồn tại ấy, khi sự tồn tại này phải được chứa đựng trong sự nối kết chung (Zusam-menhang) của kinh nghiệm, trong đó tri giác được cho là một bộ phận: do đó, sự tất yếu của sự tồn tại không bao giờ có thể được nhận thức từ những khái niệm [đơn thuần] mà lúc nào cũng chỉ từ sự nối kết với một đối tượng được tri giác theo các quy luật chung của kinh nghiệm. Nhưng không có sự tồn tại nào có thể được nhận thức là tất yếu theo điều kiện của những hiện tượng khác đã cho ngồi sự tồn tại của những kết quả từ những nguyên nhân đã biết phù hợp với quy luật nhân - quả. Vậy, cái tất yếu mà chúng ta có thể nhận thức được không phải là sự tồn tại của những sự vật (những bản thể) mà là [sự tồn tại] của trạng thái của những sự vật, nghĩa là từ những trạng thái khác đã được mang lại trong tri giác theo các quy luật thường nghiệm của tính nhân - quả. Cho nên: tiêu chuẩn của sự tất yếu chỉ nằm trong quy luật của kinh nghiệm khả hữu; và: tất cả những gì diễn ra đều được xác định một cách tiên nghiệm bởi nguyên nhân của chúng ở trong hiện tượng. Như thế, ta chỉ nhận thức được sự tất yếu của những kết quả ở trong Tự nhiên mà những nguyên nhân của chúng được mang lại cho ta và đặc điểm của tính tất yếu trong sự tồn tại không vươn ra xa hơn lãnh vực của kinh nghiệm khả hữu, và ngay trong lãnh vực đó, cũng không có giá trị đối với sự tồn tại của những sự vật được xem như những bản thể, vì những bản thể không bao giờ được xem như những kết quả thường nghiệm hoặc như cái gì diễn ra và có một khởi đầu [ra đời và mất đi]. Vậy, tính tất yếu chỉ liên quan đến các mối quan hệ của những hiện tượng theo quy luật năng động về tính nhân - quả và đến khả thể dựa trên quy luật ấy, tức từ một sự tồn tại đã cho (của một nguyên nhân) suy ra một sự tồn tại khác (của kết quả). "Tất cả cái gì diễn ra đều giả định là tất yếu" (hy-pothetisch notwendig) là một nguyên tắc buộc mọi sự biến đổi xảy ra trong thế giới phục tùng một quy luật, đó là quy luật về sự tồn tại tất yếu; nếu không có quy luật ấy, ắt bản thân tự nhiên cũng không hề tồn tại. Bởi vậy, mệnh đề "Không có gì xảy ra bởi sự may rủi mù quáng" (In mundo non datur casus) là một quy luật tự nhiên tiên nghiệm, cũng tương tự như với mệnh đề: "Không có tính tất yếu nào trong tự nhiên là mù quáng", mà đều là tính tất yếu có điều kiện, do đó, là có thể hiểu được [chứ không phải do cái gì siêu nhiên, hay định mệnh] (non datur fatum). Cả hai đều là những quy luật, qua đó cuộc chơi của mọi sự biến đổi phải phục tùng một bản tính tự nhiên của những sự vật (Natur der Dinge) (như là những hiện tượng) hoặc - cũng hệt như thế - phục tùng sự thống nhất của giác tính và chỉ trong giác tính mà mọi sự biến đổi mới có thể thuộc về một kinh nghiệm, như là thuộc về sự thống nhất tổng hợp của những hiện tượng. Cả hai thuộc về loại các nguyên tắc năng động. Quy luật trước thực ra là một hệ luận của nguyên tắc nhân - quả - một trong các loại suy của kinh nghiệm. Cái sau thuộc về các nguyên tắc của hình thái là cái bổ sung khái niệm về tính tất yếu vào cho quy định về nhân - quả và bản thân nó phục tùng một quy luật của giác tính. Nguyên tắc về tính liên tục ngăn cấm mọi bước nhảy ở trong chuỗi những hiện tượng (những sự biến đổi) (in mundo non datur saltus); và cũng tương tự như thế, trong tổng thể (Inbegriff) mọi trực quan thường nghiệm trong không gian, ngăn cấm sự cắt đứt hay khoảng trống giữa hai hiện tượng (non datur hiatus). Ta có thể diễn đạt nguyên tắc này như sau: kinh nghiệm không thừa nhận có cái gì chứng minh sự tồn tại của một khoảng chân không hoặc xem chân không (vacuum) là một bộ phận của tổng hợp thường nghiệm. Bởi vì, đối với chân không [hoặc không gian trống], là cái gì ta có thể suy tưởng ở bên ngoài lãnh vực của kinh nghiệm khả hữu (thế giới), nhưng vấn đề ấy không thể đưa ra xử lý trước tòa án của giác tính là nơi chỉ đưa ra quyết định về những vấn đề liên quan đến việc sử dụng những hiện tượng đã cho để tạo nên nhận thức thường nghiệm, mà đó là vấn đề của lý tính thuần túy vượt ra khỏi phạm vi của kinh nghiệm khả hữu, nhằm đưa ra những phán đoán về những gì bao quanh và giới hạn kinh nghiệm và nơi thích hợp để xem xét vấn đề này là phần Biện chứng pháp siêu nghiệm ở sau.

Vậy với bốn mệnh đề: "In mundo non datur hiatus, non datur saltus, non datur casus, non datur fatum" nói trên, cũng như với tất cả những nguyên tắc có nguồn gốc siêu nghiệm, ta rất dễ nhận ra trật tự nội tại của chúng tương ứng với trật tự của các phạm trù, từ đó đặt mỗi mệnh đề vào đúng chỗ của nó. Bạn đọc đã quen thuộc với vấn đề này sẽ tự mình làm lấy hoặc dễ dàng phát hiện ra manh mối. Các nguyên tắc ấy hợp nhất lại ở mục đích duy nhất là không được đưa vào trong tổng hợp thường nghiệm bất cứ điều gì gây nên một sự đứt quãng hoặc xa lạ với giác tính và với sự nối kết liên tục của mọi hiện tượng, tức là với sự thống nhất của các khái niệm của giác tính. Bởi vì, sự thống nhất của kinh nghiệm trong đó mọi tri giác đều phải đứng đúng vị trí của chúng chỉ có thể có được ở trong giác tính mà thôi.

[Câu hỏi]: Phải chăng lãnh vực của khả năng lớn rộng hơn lãnh vực của hiện thực, và lãnh vực của hiện thực lại lớn rộng hơn lãnh vực của tất yếu, là những câu hỏi hết sức thú vị, đòi hỏi một lời giải tổng hợp, tuy nhiên là những vấn đề thuộc quyền phán xử (Gerichtsbarkeit) của riêng lý tính. Bởi vì nêu các câu hỏi ấy ra cũng không khác gì hỏi rằng phải chăng mọi sự vật như là hiện tượng đều thuộc về - cái tổng thể (Inbegriff) và cái tồn cảnh (Kon-text) của một kinh nghiệm duy nhất, trong đó mỗi tri giác được cho là một bộ phận không thể được nối kết [tùy tiện] với một hiện tượng nào khác, - hoặc liệu những tri giác của tôi có thể thuộc về nhiều hơn là một kinh nghiệm khả hữu (trong mối quan hệ nối kết chung của kinh nghiệm)? Giác tính - dựa theo các điều kiện chủ quan và mô thức của cảm năng cũng như của thông giác - chỉ mang lại một cách tiên nghiệm quy luật cho kinh nghiệm nói chung và các điều kiện này làm cho kinh nghiệm có thể có được. Còn các mô thức nào khác của trực quan (ngồi không gian và thời gian), cũng như các mô thức nào khác của giác tính (ngồi các hình thức suy lý của tư duy hoặc của sự nhận thức bằng các khái niệm) liệu có thể có không thì ta không thể nào hình dung nổi cũng như không thể nào hiểu được; và cho dù ta có thể đi nữa, chúng vẫn không thuộc về kinh nghiệm như thuộc về nhận thức duy nhất là nơi những đối tượng được mang lại cho ta. Liệu có thể có những tri giác nào khác ngồi những tri giác nói chung thuộc về cái toàn bộ kinh nghiệm khả hữu của chúng ta, do đó, có thể có một lãnh vực vật chất nào hoàn toàn khác đang tồn tại hay không là những điều giác tính không thể quyết định nổi vì công việc của nó chỉ là tổng hợp những gì được mang lại cho nó mà thôi. Thật vậy, ta có thể thấy ngay sự thảm hại của những suy luận rất thông thường của chúng ta muốn tạo ra sự tồn tại của một vương quốc mênh mông của khả năng, trong đó tất cả những gì hiện thực (mọi đối tượng của kinh nghiệm) chỉ là một bộ phận nhỏ bé. "Mọi cái hiện thực là có thể có", từ câu này - bằng quy luật đảo ngược lôgíc - có thể suy diễn một cách rất tự nhiên ra câu nói đặc dị khác: "Chỉ có một số cái có thể có là hiện thực". Câu này lại có vẻ tương đương với câu: "Còn có nhiều cái có thể có khác nhưng không hiện thực". Rõ ràng câu này có vẻ như muốn bảo ta nên xem tổng số của cái có thể có là lớn hơn những gì đang có thật, vì phải thêm vào một cái gì đó cho cái trước để hình thành nên cái sau. Chỉ có điều, tôi không biết gì về sự thêm vào này cho cái có thể có. Bởi vì cái gì ở bên ngoài cái có thể có lại phải được thêm vào cho nó, là điều bất khả. Chỉ có thể thêm vào cho giác tính của tôi cái gì trùng hợp với các điều kiện mô thức của kinh nghiệm, đó là sự nối kết với một tri giác nào đó; nhưng cái được nối kết với kinh nghiệm này theo những quy luật thường nghiệm chính là cái hiện thực dù được tri giác một cách trực tiếp hay không. Từ cái gì được mang lại [cho tôi] không thể suy ra rằng trong sự nối kết trọn vẹn với những gì được mang lại cho tôi trong tri giác, lại có một chuỗi khác của những hiện tượng, tức là có thể nhiều hơn một kinh nghiệm duy nhất bao trùm tất cả. Sự suy diễn này lại càng không thể được, nếu không có một cái gì được mang lại cả, vì không có chất liệu thì không thể suy tưởng được gì hết. Cái gì chỉ có thể có nhờ dựa vào những điều kiện bản thân cũng chỉ có thể có thôi thì cũng không có thể có về bất cứ phương diện nào. Vậy ta không tìm được cơ sở nào vững chắc cả để bàn về câu hỏi liệu lãnh vực của cái có thể có là lớn rộng hơn lãnh vực kinh nghiệm hay không.

Tôi chỉ đề cập sơ qua các vấn đề này ở đây để không bỏ sót vấn đề gì mà ý kiến thông thường xem là thuộc về các khái niệm của giác tính. Còn thật ra, ý niệm về tính khả năng tuyệt đối (tức tính khả năng có giá trị cho mọi phương diện) không phải là một khái niệm của giác tính để có thể sử dụng một cách thường nghiệm được, trái lại, nó chỉ thuộc về lý tính, vượt ra khỏi khuôn khổ của mọi sử dụng thường nghiệm của giác tính. Do đó, chúng ta đành vừa lòng với một số nhận xét có tính phê phán như trên, và tạm để sự việc trong vòng tối tăm chờ sự nghiên cứu tiếp tục trong tương lai [ở các phần sau].

Trước khi kết thúc phần loại suy thứ tư này, đồng thời cũng là của toàn bộ hệ thống các nguyên tắc của giác tính thuần túy, tôi thấy cần thiết nêu lý do vì sao tôi gọi các nguyên tắc về hình thái là các định đề. Tôi dùng thuật ngữ này không theo nghĩa mà một số triết gia gần đây thường hay gán cho nó - trái với ý nghĩa của những nhà toán học mà thuật ngữ "định đề" vốn thuộc về họ -, đó là cho rằng định đề là cái gì xác tín một cách trực tiếp không đòi hỏi phải biện minh hay chứng minh. Bởi vì, ta cần lưu ý rằng đối với những mệnh đề tổng hợp - dù hiển nhiên đến mấy - mà không có sự diễn dịch đi kèm, và ta nhắm mắt tin theo chỉ vì uy thế của chúng, ta đã đánh mất mọi khả năng phê phán của giác tính. Vả lại, cũng không thiếu gì những khẳng định rất liều lĩnh mà lòng tin thông thường của ta khó bác bỏ (dù thật ra không đáng tin) và giác tính cũng đành chịu bất lực trước sự ngông cuồng cứ đòi được thừa nhận như là những tiên đề thực sự (Axiomen) dù hoàn toàn không chính đáng. Cho nên, đối với khái niệm về một sự vật, nếu muốn thêm vào đó một tính quy định nào có tính tổng hợp tiên nghiệm, mệnh đề ấy - nếu không được chứng minh - ít nhất cũng bắt buộc phải được bổ sung bằng một sự diễn dịch về tính chính đáng [hợp pháp] (Rechtmässigkeit) cho khẳng định của nó.

Nhưng, các nguyên tắc về tình thái không phải có tính tổng hợp - khách quan, vì các thuộc tính: khả năng, hiện thực, tất yếu không làm tăng thêm gì cho nội dung của các khái niệm mà chúng khẳng định, theo nghĩa, chúng không đóng góp thêm gì cho biểu tượng về đối tượng. Tuy vậy, chúng vẫn có tính tổng hợp, dù chỉ là chủ quan thôi, có nghĩa rằng, các nguyên tắc tình thái [nói lên một năng lực phản tư], tuy không thêm điều gì cho khái niệm về một sự vật (cái hiện tồn) ở các phương diện khác nhưng lại thêm vào cho khái niệm bản thân năng lực nhận thức là nơi mà khái niệm hình thành và tồn tại, khiến cho: nếu khái niệm chỉ được nối kết trong giác tính đơn thuần với các điều kiện mô thức của kinh nghiệm, đối tượng của nó được gọi là có thể ; nếu khái niệm được nối kết với tri giác (cảm giác, như là chất liệu của các giác quan) và được giác tính xác định thông qua tri giác, đối tượng ấy là thực có; nếu nó được xác định phù hợp với các phạm trù nhờ sự nối kết của các tri giác, đối tượng ấy được gọi là tất yếu phải có. Vậy, các nguyên tắc của tình thái không nói lên điều gì về một khái niệm khác hơn là hành vi của quan năng nhận thức qua đó khái niệm được sản sinh ra. Một định đề trong toán học là một mệnh đề thực hành không chứa đựng gì khác hơn là sự tổng hợp nhờ đó ta mang lại một đối tượng cho ta và tạo ra khái niệm về đối tượng ấy, ví dụ: "Với một đường đã cho, hãy vẽ một vòng tròn trên một mặt phẳng từ một điểm đã cho". Một mệnh đề như thế không thể được chứng minh vì phương cách tiến hành mà nó đòi hỏi cũng chính là phương cách nhờ đó ta sản sinh ra khái niệm về một hình vẽ như vậy. Cũng như vậy, ta có quyền nêu định đề (postulieren) về các nguyên tắc của hình thái, vì chúng không tăng thêm gì (1) cho khái niệm về những sự vật nói chung mà chỉ biểu thị phương cách cho biết khái niệm nói chung được nối kết với năng lực nhận thức như thế nào.

 {(1)Khi tôi suy nghĩ về tính tồn tại hiện thực (Wirklichkeit) của một sự vật, tôi thực sự suy nghĩ nhiều hơn là chỉ suy nghĩ về tính khả thể của nó, nhưng không phải ở trong sự vật; vì sự vật không bao giờ có thể chứa đựng trong tính hiện thực cái gì nhiều hơn là đã chứa đựng trong tính khả thể hoàn chỉnh của nó. Nhưng bởi vì tính khả thể chỉ đơn thuần là [đặt] một vị trí (Position) [một thế đứng] của sự vật trong quan hệ với giác tính (sự sử dụng thường nghiệm của giác tính), nên tính thực tại đồng thời là một sự nối kết của sự vật với tri giác.}

 

NHẬN XÉT CHUNG VỀ HỆ THỐNG CÁC NGUYÊN TẮC*

Điều rất đáng chú ý là, chúng ta không thể nhận ra khả năng tồn tại của một sự vật chỉ bằng phạm trù, mà bao giờ cũng phải có một trực quan để dựa vào đó mà trình bày tính thực tại khách quan của khái niệm thuần túy của giác tính. Lấy ví dụ về các phạm trù tương quan: 1. - Tại sao một sự vật chỉ có thể tồn tại như là một chủ thể chứ không phải chỉ như là một tính quy định đơn thuần của những sự vật khác; tức [chỉ] có thể là bản thể?; hoặc 2. - Tại sao vì cái gì đấy tồn tại, thì cái gì khác cũng phải tồn tại, tức là tại sao một cái gì đấy - nói chung - có thể là một nguyên nhân?; hoặc 3. - Tại sao khi một số sự vật tồn tại, ngay sự kiện một trong những sự vật này tồn tại gây ra tác động đến những sự vật còn lại và ngược lại; bằng cách đó một cộng đồng những bản thể có thể hình thành? - là các câu hỏi không thể được giải đáp chỉ bằng những khái niệm đơn thuần. Cũng giống như thế đối với trường hợp của các phạm trù khác, chẳng hạn tại sao một sự vật lại có thể có cái chung với mọi sự vật khác, tức đều có thể là một lượng v.v... Bao lâu thiếu trực quan, ta không thể biết mình có đang dùng các phạm trù để thực sự suy nghĩ về một đối tượng nào hay không, và không biết có đối tượng nào tương ứng với các phạm trù ấy không. Như thế, rõ ràng là các phạm trù tự chúng chưa phải là những nhận thức mà chỉ là các mô thức đơn thuần của tư duy để tạo nên nhận thức từ các trực quan đã cho. Cùng lý do đó, không mệnh đề tổng hợp nào có thể được tạo ra chỉ bằng các phạm trù. Ví dụ: "Trong mọi cái tồn tại đều có bản thể" có nghĩa là sự vật chỉ có thể tồn tại như là một chủ thể chứ không thể như một thuộc tính; hoặc: "Mỗi sự vật đều là một lượng độ (Quantum), v.v…"; các mệnh đề như vậy không có gì để giúp ta đi ra khỏi khái niệm đã cho và dùng nó để nối kết với một khái niệm khác. Cùng lý do đó, cố gắng chứng minh một mệnh đề tổng hợp chỉ nhờ vào các khái niệm thuần túy, Vd "Cái gì tồn tại một cách bất tất đều có một nguyên nhân" cũng sẽ không bao giờ thành công. Người ta không bao giờ có thể đi xa hơn là chứng minh rằng nếu không có mối quan hệ này, ta không thể hiểu được sự tồn tại của cái bất tất, nghĩa là không thể nhận thức tiên nghiệm bằng giác tính về sự tồn tại của sự vật như thế, nhưng từ đó không kết luận được rằng đó cũng là điều kiện khả thể cho bản thân những sự vật. Cũng thế, nếu ta nhìn lại sự chứng minh về nguyên tắc nhân - quả, ta sẽ thấy rằng ta chỉ có thể dùng nguyên tắc ấy để chứng minh về những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu: “tất cả cái gì diễn ra (bất kỳ sự kiện gì) đều giả định có một nguyên nhân” theo nghĩa ta chỉ có thể chứng minh nguyên tắc ấy chỉ như nguyên tắc về khả thể của kinh nghiệm, do đó, của nhận thức về một đối tượng được mang lại trong trực quan thường nghiệm chứ không thể chứng minh từ các khái niệm đơn thuần. Tuy nhiên, mệnh đề: "Mọi cái bất tất phải có một nguyên nhân", mà ai cũng thấy là hiển nhiên ngay từ trong khái niệm đơn thuần, lại là điều không thể phủ nhận, nhưng trong trường hợp này, khái niệm về cái bất tất không được hiểu trong phạm trù tình thái (theo nghĩa sự không - tồn tại của cái bất tất có thể suy tưởng được) mà trong phạm trù tương quan (theo nghĩa cái bất tất chỉ có thể tồn tại như là kết quả của một cái khác), và như thế mệnh đề trên thật ra là một mệnh đề lặp thừa: "Cái gì chỉ có thể tồn tại như một kết quả, thì có một nguyên nhân của nó".

{*Toàn bộ phần “Nhận xét chung về hệ thống các nguyên tắc” là được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).}

 

Trong thực tế, khi ta phải nêu những ví dụ về sự tồn tại bất tất, ta bao giờ cũng viện dẫn đến những sự biến đổi [có thực] chứ không chỉ đến khả thể của tư duy về cái đối lập [cái không-tồn tại](1). Nhưng biến đổi đúng nghĩa là một sự kiện chỉ có thể có được nhờ một nguyên nhân và sự không - tồn tại của sự kiện ấy tự nó vẫn có thể có, như thế, ta nhận thức tính bất tất của nó từ sự kiện rằng một cái gì đấy chỉ có thể tồn tại như là kết quả của một nguyên nhân; do đó, nếu một sự vật được xem là bất tất, thì sẽ chỉ là một mệnh đề phân tích khi ta nói: “nó có một nguyên nhân”.

Điểm đáng chú ý hơn nữa là, để hiểu khả thể của sự vật dựa theo các phạm trù và để chứng minh tính thực tại khách quan của các phạm trù, ta không chỉ cần những trực quan mà hơn thế, luôn luôn cần những trực quan bên ngoài. Chẳng hạn, nếu ta sử dụng các phạm trù tương quan, ta thấy rằng: 1. - nhằm mang lại cho khái niệm bản thể một cái gì thường tồn trong trực quan tương ứng với phạm trù ấy (và qua đó chứng minh tính thực tại khách quan của phạm trù này), ta cần một trực quan (về vật chất) trong không gian, bởi vì chỉ có không gian là thường tồn và xác định sự vật như là sự vật, trong khi đó thời gian và tất cả những gì cùng với nó ở giác quan bên trong luôn trôi chảy liên tục; và 2. - để trình bày sự biến đổi như là trực quan tương ứng với khái niệm về tính nhân - quả, ta cần [các biểu tượng về] vận động như là sự biến đổi trong không gian làm điển hình, thậm chí chỉ qua đó, ta mới có thể làm cho những sự biến đổi trở thành có thể trực quan được (anschaulich) chứ không một giác tính thuần túy nào có thể thấu hiểu [tri giác] được khả thể của nó. Sự biến đổi là sự nối kết của những quy định đối lập mâu thuẫn nhau trong sự tồn tại của cùng một sự vật. Vậy làm thế nào để từ một trạng thái đã cho, một trạng thái trái ngược trong cùng một sự vật lại tiếp theo sau, đó là điều mà không lý trí * nào có thể nhận ra được nếu không có một ví dụ điển hình, lại càng không thể làm cho có thể hiểu được nếu không có trực quan. Và trực quan này chính là trực quan về sự vận động của một điểm trong không gian mà sự tồn tại của nó trong nhiều vị trí không gian khác nhau (như là kết quả của những quy định đối lập nhau) là điều duy nhất làm cho sự biến đổi có thể trực quan được cho ta; bởi vì, để sau đó bản thân sự biến đổi ở bên trong có thể được ta suy tưởng, ta cần hình dung thời gian - như là mô thức của giác quan bên trong - một cách hình tượng bằng một đường kẻ, và hình dung sự biến đổi bên trong bằng cách kéo đường kẻ ấy ra (vận động) và như thế ta hiểu được sự tồn tại tiếp diễn của chính ta trong nhiều trạng thái khác nhau thông qua trực quan bên ngồi. Lý do thật sự của điều này là: mọi sự biến đổi đòi hỏi điều kiện tiên quyết là có cái gì thường tồn trong trực quan để bản thân sự biến đổi được tri giác như là sự biến đổi, nhưng trong giác quan bên trong thì lại không có một trực quan thường tồn nào cả.

Sau cùng, khả thể của phạm trù cộng đồng tương tác cũng không thể dùng lý tính đơn thuần mà nhận thức được; và do đó tính thực tại khách quan của phạm trù này không thể được chứng minh mà không có trực quan, cụ thể là trực quan bên ngoài ở trong không gian. Bởi vì làm thế nào người ta có thể suy tưởng được khả thể [của tính cộng đồng] rằng, khi một số bản thể tồn tại, thì từ sự tồn tại của cái này tác động qua lại đến sự tồn tại của cái khác lại có thể dẫn đến một cái gì (như là kết quả), và như thế tức là; vì cái gì tồn tại trong cái thứ nhất cũng phải tồn tại trong cái khác, trong khi đó chỉ từ sự tồn tại của riêng cái sau thì không thể nào hiểu được [tính cộng đồng]? Sở dĩ như vậy vì đây là đòi hỏi để có được tính cộng đồng, nhưng điều ấy sẽ không thể hiểu được nếu những sự vật hoàn toàn tách biệt nhau, mỗi cái chỉ tồn tại qua bản thể của riêng mình. Vì thế khi LEIBNIZ* muốn đưa tính cộng đồng tương tác làm thuộc tính cho những bản chất tồn tại trong thế giới - được suy tưởng hoàn toàn bằng giác tính - đã phải cần đến sự trợ giúp trung gian của tính thần linh, bởi vì chỉ xuất phát từ bản thân sự tồn tại, tính cộng đồng đúng là điều không thể nào lý giải được đối với ông. Nhưng chúng ta lại có thể hiểu được dễ dàng khả thể của tính cộng đồng (của những bản thể xét như hiện tượng) nếu ta hình dung chúng trong không gian, nghĩa là trong trực quan bên ngoài. Vì trực quan bên ngoài vốn đã chứa đựng một cách tiên nghiệm trong chính nó các mối quan hệ bên ngoài có tính mô thức như là các điều kiện khả thể cho các quan hệ hiện thực (của tác động và phản tác động, tức khả thể của cộng đồng tương tác). Cũng với sự dễ dàng như thế, ta chứng minh được khả thể của những sự vật như là những lượng và do đó, tính thực tại khách quan của phạm trù về lượng là cái gì cũng chỉ có thể được diễn tả trong trực quan bên ngồi và chỉ nhờ thông qua trực quan bên ngoài mà sau đó [ý niệm về lượng] mới được áp dụng vào cho giác quan bên trong. Nhưng tôi muốn tránh dài dòng nên xin dành sự minh họa bằng các ví dụ cho bạn đọc tự suy nghĩ lấy.

{(1)Người ta có thể suy tưởng dễ dàng về sự không-tồn tại của vật chất, nhưng người xưa không rút ra tính bất tất của vật chất từ suy tưởng đó. Chỉ riêng bản thân sự thay đổi (Wechsel) của cái tồn tại và không - tồn tại của một trạng thái được cho của một sự vật - là nơi chứa đựng mọi sự biến đổi - không hề chứng minh tính bất tất của trạng thái này, dù lấy tính thực tại của trạng thái đối lập với nó [để chứng minh]. Ví dụ, một vật thể đang ở trạng thái đứng yên sau khi vận động, nhưng ta không thể từ sự kiện trạng thái đứng yên đối lập với trạng thái vận động mà xem sự vận động là bất tất. Bởi vì cái đối lập này chỉ là đối lập lôgíc chứ không phải đối lập thực sự. Nếu muốn chứng minh tính bất tất của vận động, người ta phải chứng minh rằng: thay vì đã vận động trong thời điểm trước thì vật thể lúc ấy đã có thể đứng yên chứ không chỉ đứng yên sau sự vận động này, vì nếu như vậy cả hai cái đối lập [vận động - đứng yên] đều cùng có thể tồn tại với nhau. (Chú thích của tác giả).

 

{*Ở đây, Kant dùng chữ “Vernunft” theo nghĩa chung, chỉ “lý trí con người” chứ không theo nghĩa riêng là “lý tính”. (N.D).}

{* Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) triết gia Đức. (N.D).}

 

Toàn bộ nhận xét trên đây có tầm quan trọng lớn, không chỉ để xác nhận sự phản bác của chúng ta về thuyết duy tâm ở trên mà còn để - mỗi khi nói về việc liệu có thể có sự tự nhận thức chỉ bằng ý thức bên trong đơn thuần và bằng sự quy định của bản tính chúng ta mà không cần sự giúp đỡ nào của trực quan thường nghiệm bên ngoài - luôn luôn nhắc nhở ta về các giới hạn của khả thể có được một loại nhận thức như thế.

Vì vậy, kết luận sau cùng của toàn bộ phần Phân tích pháp về nguyên tắc này là: "Tất cả các nguyên tắc của giác tính thuần túy không gì khác hơn là những nguyên tắc tiên nghiệm cho khả thể của kinh nghiệm, và mọi mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm đều chỉ liên quan đến kinh nghiệm này mà thôi, và có thể nói, bản thân khả thể của những mệnh đề ấy hoàn toàn dựa vào mối quan hệ này".

(còn nữa)

Bùi Văn Nam Sơndịch và chú giải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511074

Hôm nay

273

Hôm qua

2359

Tuần này

21448

Tháng này

217947

Tháng qua

121356

Tất cả

114511074