Văn hoá học đường
40 năm ký ức không phai mờ
Hằng năm, cứ đến tháng 11, các hoạt động kỷ niệm hoặc gặp mặt giao lưu của các thế hệ học sinh ở tất cả các cấp học lại diễn ra sôi động trong cả nước. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, để tri ân thầy cô và những người phục vụ quá trình học tập tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTH HN), các cựu sinh viên Khoa Ngữ văn K25 (1980- 1984) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm nhập trường.
Các thầy và cựu sinh viên Khoa Ngữ văn K25.
Với tâm thế của những người biết tôn trọng quá khứ, biết trân trọng ân tình, vừa qua các cựu sinh viên Khoa Ngữ văn K25 đã tổ chức Kỷ niệm 40 năm nhập Trường ĐHTH HN. Họ đến với nhau để hàn huyên, tâm sự, ôn chuyện xưa cũ, chia sẻ điều mới, thắt chặt tình người, động viên nhau trong cuộc sống và công tác. Qua đó, để tri ân với những ân tình mình đã nhận, mà gần gũi nhất là từ chính bạn bè, thầy cô và gia đình yêu thương của mình.
Còn nhớ, đầu tháng 9 năm 1980, 55 anh chị em từ các tỉnh miền Bắc, từ Quảng Bình đến Hà Giang tề tựu về nhập Trường ĐHTH HN, trong số đó phần lớn là học sinh phổ thông, số còn lại là học sinh dự bị, là bộ đội biệt phái, bộ đội xuất ngũ và cán bộ đi học. Nhập trường, bắt đầu cuộc đời mới với biết bao điều bỡ ngỡ. Xa gia đình, xa bố mẹ, xa làng quê, lên phố thị với bao nỗi nhớ nhung; xa lối học phổ thông để làm quen cách học đại học. Ăn chung, ngủ chung, tắm chung,… là những điều mới lạ. Đi xe buyt, nhảy tàu điện, … là những thứ chưa từng. Thế rồi, mọi thứ cứ đâu vào đấy, nhập cuộc nhanh và dễ thích nghi.
Nhớ lại ngày ấy, đất nước còn khó khăn nhiều lắm, bố mẹ ta cũng quá nghèo. Cha mẹ phải đánh đổi cả cuộc đời để cho ta cái chữ. Từ nhà quê lên Hà Nội, ta có tiền tàu xe và mấy bơ gạo quê mà bố mẹ phải dành dụm có được cũng đã quý lắm rồi. Mỗi lần về quê, có chút quà quê, anh em lại đun đun, nấu nấu, hớn hở ra mặt. Thật vui khi có thêm một bữa ăn thêm, nhưng lại ngậm ngùi vì trong bữa ăn thêm đó có vị mặn chát từ mồ hôi của mẹ. Bố mẹ ta là vậy, cả đời dành dụm cho con. Khi ta lớn lên, cũng có ít nhiều báo đáp, song phần lớn khi có điều kiện phụng dưỡng, thì bố mẹ cũng không còn. Nhớ về những ngày gian khó thời sinh viên, ta càng nhớ ghi và khắc sâu công ơn sinh thành của cha mẹ!
Còn thầy cô và những người làm công việc phục vụ thì sao? Ngày ấy, thầy cô cũng chẳng khá hơn là mấy. Cũng cơm cặp lồng, cũng đi xe đạp, xe buyt; là giáo sư nhưng cũng rất nghèo. Điều mọi người nhận thấy thầy cô còn nghèo về vật chất, nhưng rất giầu về trí tuệ, về lòng nhân ái, thương yêu học sinh như tin và yêu chính con em mình. Trong trường, thầy cô là những người truyền dạy tri thức, người phục vụ là những người chăm lo nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt hàng ngày cho sinh viên. Tất cả, đều là sự tận tâm của họ, ai chẳng nhớ ghi lòng!
Với chúng mình, 4 năm sinh viên là 4 năm đong đầy kỷ niệm. Ngoài sự láu cá, lém lỉnh, tinh nghịch của tuổi học trò, ta học như “điên” và yêu cũng như “điên”. Đã có những mối tình đẹp giữa các bạn cùng lớp, cùng khoa, cùng trường,… mà sau này nên vợ nên chồng. Cũng có những mối tình thầm yêu trộm nhớ, để rồi “có yêu mới học tốt được” như lời cố Giáo sư, Hiệu trưởng Ngụy Như Con Tum. Quả đúng vậy, ngày ấy sự học nghiêm túc lắm, học thực chất và thi cũng thực chất. Phải học khi cái bụng không được no, cái áo chưa đủ ấm, nhưng trong lòng vẫn thấy ấm hơn, thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn vì sự học được đánh giá rất công bằng, môi trường giáo dục sáng, sạch, thầy cô rất mực vì học sinh.
Cựu sinh viên Phạm Ngọc Quốc và Ngô Phương Lan tặng hoa các thầy (từ trái qua phải): GS Trần Trí Dõi, Thầy Nguyễn Hùng Vĩ, GS Đinh Văn Đức, GS Trần Ngọc Vương.
Đã qua đời sinh viên thời bao cấp, ai chẳng nhớ cảnh ngủ giường tầng, ăn cơm tập thể, gạo mậu dịch, mỳ sợi, bo bo, “canh toàn quốc”; mất nước, mất điện thường xuyên. Ấy vậy mà, trong cái khó đó mọi người vẫn cố học tốt, và quan trọng hơn họ sống tử tế, sống vì nhau, chân thành, trân trọng và bình đẳng. Thời sinh viên, một thưở: một gói lạc rang, một chiếc kẹo dồi, một điếu thuốc cuộn, một chén trà bồm,… mời nhau, thế thôi đã ấm tình bè bạn. Sáng trong và đẹp đẽ. Quá khứ thật khó quên. Kỷ niệm dù nhỏ nhưng thật đáng nhớ. Nó vừa như sự nhắc nhớ ngày gian khó ta bên nhau, vừa như sự nhắn gửi bạn bè ơi hãy giữ mãi những tình cảm chân thành, mộc mạc và sáng trong của Ngữ văn K25 thời xưa ấy.
Được biết, bạn bè Ngữ văn K25 đến giờ, đa số công tác lĩnh vực tư tưởng- văn hóa, báo chí- xuất bản; một số làm trong các viện nghiên cứu, các nhà trường, các cơ quan pháp luật. Một số bạn có học vị tiến sỹ; một số làm Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các tờ báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đặc biệt có bạn là cán bộ cao cấp, làm lãnh đạo cơ quan cấp bộ, ngành. Điều đáng quý, dù ở đâu, làm việc gì và ở cương vị nào, dân Ngữ văn K25 cũng đều khẳng định được năng lực và trí tuệ của mình. Rời mái trường, bạn bè mỗi người một ngả, một lĩnh vực công tác; tuy khác nhau về vị trí địa lý, về địa vị xã hội,… nhưng có một cái chung nhất, rất đặc trưng- đó là có một phương pháp luận và một lối ứng xử nhân văn của người học Ngữ văn mà các thầy cô và nhà trường ĐHTH HN đã truyền dạy. Đáng quý là, dân Ngữ văn K25 luôn dặn lòng và thực hiện tốt điều đó.
40 năm nhập trường cũng là 36 năm các cựu sinh viên Ngữ văn K25 xa nhau để rồi mỗi người mỗi ngả, đem tri thức đã học từ trường phục vụ và cống hiến cho sự nghiệp, cho xã hội. Dù ngành nghề và cương vị có khác nhau, nhưng mỗi người đều tự hào vì mình đã có những đóng góp nhất định cho sự bình yên và phát triển của gia đình, quê hương, đất nước. Dù cuộc sống, người đủ đầy, người thanh bần vất vả, nhưng bạn bè luôn biết nghĩ về nhau, trân trọng và bình đẳng. Gặp nhau, họ như trẻ lại. Gặp nhau, họ càng quý nhau hơn; chúc cho nhau có nhiều sức khỏe và hạnh phúc; chúc tình bạn mãi vững bền!
Nguồn vanhoadoanhnghiepvn.vn
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Sẽ có nghị định mới về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Thống kê truy cập
114515347
225
2367
2948
213286
121009
114515347