Những góc nhìn Văn hoá

Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay

CHƯƠNG MỘT. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Từ đầu thế kỷ XIX, khi nước Anh và phần lục địa Tây Âu, rồi khu vực Bắc Mỹ, lần lượt bước vào quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa, thì giới lãnh đạo, giới nghiên cứu và công luận đã luôn luôn tranh luận về bản chất và các hệ quả của quá trình xã hội to lớn đó, một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Vào thời ấy, đây được xem là vấn đề xã hội cơ bản nhất, bao trùm nhất, nó chi phối mọi quá trình và hiện tượng xã hội khác. Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, một loạt nước không thuộc phần đất Tây-Bắc Âu và Bắc Mỹ cũng bước vào quá trình này với những hoàn cảnh và kinh nghiệm mới. Trong suốt vài thập niên ở những nước đó, quá trình này cũng được xem là vấn đề xã hội trung tâm của quốc gia, đòi hỏi toàn bộ thời gian và nỗ lực của giới làm chính sách cũng như học thuật.

 

1.1. XÃ HỘI HỌC VỀ CÔNG NGHIỆP HÓA HIỆN ĐẠI HÓA

Trên thế giới và trong lịch sử, có nhiều tên gọi cho quá trình xã hội tương tự như quá trình đang diễn ra hiện nay ở Việt Nam. Cùng với thuật ngữ là những quan niệm và lý thuyết. Nói chung, có ba thuật ngữ thông dụng: công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển. Ba tên gọi nói trên có những hàm nghĩa và nội dung khác nhau, xuất hiện trong những bối cảnh lịch sử khác nhau. Nhưng mặt khác, chúng đều ít nhiều nói đến một quá trình xã hội vĩ mô và dài hạn chung, từ một trạng thái xã hội này đến một trạng thái xã hội khác.

Chẳng hạn, industrialism là một thuật ngữ bao hàm rộng hơn lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Từ điển bách khoa Anh định nghĩa hiện đại hóa là "sự chuyển biến (transformation) từ một xã hội truyền thống, nông thôn, nông nghiệp sang một xã hội thế tục (secular), đô thị, công nghiệp. Xã hội hiện đại là xã hội công nghiệp. Để hiện đại hóa một xã hội thì trước hết phải công nghiệp hóa nó. Về mặt lịch sử, sự nổi lên của xã hội hiện đại gắn liền với sự nổi lên của xã hội công nghiệp. Mọi đặc điểm liên quan đến tính hiện đại (modernity) đều gắn với những biến đổi, trong không đầy hai thế kỷ, đưa đến kiểu xã hội công nghiệp. Điều này gợi ý rằng thuật ngữ chủ nghĩa công nghiệp (industrialism) và xã hội công nghiệp hàm ý nhiều hơn là tính kinh tế và công nghệ, cho dù đó là những cốt lõi. Chủ nghĩa công nghiệp là một lối sống (way of life) bao gồm những biến đổi kinh tế, xã hội, chính trị, và văn hoá. Thông qua sự chuyển biến tổng thể của công nghiệp hoá mà xã hội trở thành hiện đại" (Dẫn lại theo Wischermann, 2001).

Khi bước vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay (được xác định từ Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996), Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm của các nước cũng như của chính bản thân mình. Thế giới đã biết đến những mô hình công nghiệp hóa hiện đại hóa được gọi là cổ điển (tức là mô hình mà những nước tiên tiến đã đi trong thế kỷ XIX) như Anh, Mỹ, Pháp, Đức; mô hình bán cổ điển như Thuỵ Điển, Nhật ở thế kỷ XX. Bản thân các nước được gọi là phát triển cao ngày nay cũng đã có những phiên bản khác nhau và có nhiều tiến triển nội tại. Nói chung, người ta cho rằng có hai phiên bản: phiên bản Anglo-saxon nghiêng nhiều hơn về kinh tế thị trường tự do và phiên bản châu Âu lục địa nghiêng nhiều hơn theo đặc tính dân chủ xã hội. Có thể xem Mỹ là một cực còn Thụy Điển là một cực đối lại, các nước khác nằm ở khoảng đâu đó giữa hai cực điển hình này, thể hiện những sự kết hợp khác nhau của hai mô hình điển hình đó.

Nhưng ngay cả trong một nước thì trong tiến trình lịch sử của mình cũng đi theo một con đường ziczac. Chẳng hạn, nước Anh đã chuyển từ một hình thái chủ nghĩa tư bản tự do trong thế kỷ XIX, để rồi phát triển rất nhiều theo hướng dân chủ xã hội trong thế kỷ XX, đặc biệt giai đoạn sau 1945 đến cuối thập niên 1970. Nhưng đến thập niên 1980 lại chuyển hướng theo mô hình tân tự do (đầu những năm 1980 ở Anh và Mỹ chứng kiến sự thống trị của chủ nghĩa Thatcher và chủ nghĩa Reagan, còn được gọi là hai cuộc cách mạng bảo thủ).

Khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã cống hiến cho nhân loại một kiểu công nghiệp hóa hiện đại hóa khá thành công như ở Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, đặc khu Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Với một vài đặc tính tương đối giống nhau, người ta gộp chung những cách làm này trong thuật ngữ “mô hình Đông Á”.

Nhìn chung, từ thập niên 1950 các nước Mỹ Latin đi theo con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa kiểu Mỹ, nhưng trong nhiều năm sa lầy vào một sự phát triển sai và bế tắc, ngoại trừ sự thành công muộn hơn ở Chi Lê trong hai thập niên phát triển 1980-1990.

Thế kỷ XX chứng kiến sự nổi lên của mô hình công nghiệp hóa hiện đại hóa mang tính xã hội chủ nghĩa trước hết ở Nga và sau đó lần lượt ở một loạt nước Trung Á, Đông Âu, châu Á. Phần lớn các nước này gộp thành mô hình công nghiệp hóa hiện đại hóa mang tính xô viết. Người ta cũng còn thấy có mô hình bán xã hội chủ nghĩa như ở Ấn Độ và Algerie, mô hình xã hội chủ nghĩa châu Phi. Khu vực Mỹ Latin từ vài năm gần đây xuất hiện mô hình xã hội chủ nghĩa cánh tả mới, được gọi là chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.

Sau vài thập niên thực hiện mô hình công nghiệp hóa hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mang tính xô viết và mang đặc tính riêng của mình, từ 1978 Trung Quốc đang thử nghiệm khá thành công việc chuyển từ mô hình xã hội chủ nghĩa chính thống sang mô hình công nghiệp hóa hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mang tính cải cách.

Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam có vẻ như vẫn quan niệm rằng Việt Nam đang ở trong bước đi ban đầu của quá trình hiện đại hóa, rằng về cơ bản xã hội Việt Nam vẫn nặng tính truyền thống. Theo chúng tôi, bản thân Việt Nam đã bị cuốn vào quá trình hiện đại hóa toàn cầu từ cuối thế kỷ XIX, đặc biệt từ đầu thế kỷ XX, dưới áp lực của chủ nghĩa thực dân Pháp. Tuy cho đến nay Việt Nam vẫn còn ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng phát triển quốc tế, song thực ra xã hội Việt Nam đã biến đổi rất nhiều trong suốt thế kỷ XX, nếu so với chính nó.

Trong vài thập niên đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã hình thành cả một mạng lưới đường sắt và đường bộ trên cả nước mà cho đến nay về cơ bản vẫn còn sử dụng trên cơ sở mở rộng và nâng cấp. Nhiều cơ sở công nghiệp đã xuất hiện trong thời Pháp trước 1945, trong thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật ở miền Bắc (1955-1975), trong thời kỳ 1954-1975 ở miền Nam. Chỉ trong 1-2 thế hệ, người Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt biến đổi: chữ quốc ngữ, thơ mới, văn học mới, nhạc mới, sân khấu, điện ảnh, báo chí, y phục, thể thao, v.v. Hàng loạt định chế xã hội kiểu hiện đại cũng đã ra đời: chính quyền, đảng phái, quốc hội, hiệp hội, công đoàn, tư pháp, hệ thống giáo dục phổ thông, bệnh viện và hệ thống y tế, khoa học và giới trí thức. Sản xuất và tiêu dùng bắt đầu dựa trên công nghệ. Nảy sinh những giá trị và chuẩn mực trong lối sống khác xa với cổ truyền.

Vào thập niên 1910, Việt Nam vẫn còn cần một phong trào Đông Kinh nghĩa thục để áp dụng một số "lối sống mới" (áo ngắn, bỏ tóc dài búi tó, chẳng hạn). Và rồi đến đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Chủ tịch vẫn còn phải kêu gọi xây dựng "đời sống mới", bởi còn có quá nhiều hủ tục. Cho đến tận đầu những năm 1960, nông thôn miền Bắc vẫn còn sống trong tình trạng rất mất vệ sinh về mặt nước sinh hoạt và hố xí. Vào khoảng thời gian này (cuối thập niên 1950 đầu 1960), Việt Nam ở trong tình trạng xấp xỉ các nước trong khu vực về mức sống và trình độ phát triển công nghiệp, giáo dục.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đặt đất nước vào một xuất phát điểm hiện đại hóa mới. Từ cuối thập niên 1950, miền Bắc Việt Nam đã bước vào quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa mang tính xã hội chủ nghĩa, nhưng quá trình này đã bị chiến tranh làm chậm lại, để rồi lại được khởi động mạnh mẽ trở lại sau 1975. Trong một phương hướng sai lầm chung của cả khối xã hội chủ nghĩa hiện thực, Việt Nam đã phải đặt lại vấn đề công nghiệp hóa hiện đại hóa bằng một đường lối mới mà ta gọi là Đổi Mới. Giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa mới này đã diễn ra được gần 25 năm, trong đó mười năm đầu tập trung vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội (1986-1996), mười năm tiếp theo đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa trên cơ sở bước đầu tham gia vào toàn cầu hóa (1996 đến khoảng giữa những năm 2000), những năm gần đây đánh dấu bước phát triển mới ngày càng hội nhập vào đời sống quốc tế (từ 2006 đến nay, sau khi Việt Nam gia nhập WTO).

Tóm lại, dù nói thế nào thì xã hội Việt Nam cũng đã được công nghiệp hóa hiện đại hóa mãnh liệt trong suốt thế kỷ XX. Ngay các cuộc chiến tranh cũng không làm giảm, thậm chí theo nhiều nghĩa, còn thúc đẩy hiện đại hóa, mặc dù chiến tranh đã làm méo mó quá trình này.

Quan niệm về biến đổi xã hội gắn với thực tế lịch sử nêu trên giúp ta nhìn toàn cảnh xã hội rõ hơn. Nó cho thấy quá trình kiến tạo xã hội hiện đại ở Việt Nam diễn ra với nhiều éo le lịch sử, nhiều dở dang, phần lớn chịu sự áp đặt của các thế lực ngoại bang. Chỉ đến thời kỳ Đổi Mới hiện nay, người Việt Nam mới có điều kiện thúc đẩy hiện đại hóa xã hội trong điều kiện có chủ quyền đầy đủ, mặc dù dưới những áp lực rất lớn của môi trường kinh tế-chính trị quốc tế.

 

1.2. NHỮNG QUAN ĐIỂM XÃ HỘI HỌC CƠ BẢN

Để nhìn vào một quá trình biến đổi xã hội mang tính vĩ mô và lịch sử như quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, người ta cần phải dựa trên một nền tảng lý luận nhất định. Mục này trình bày một vài quan điểm xã hội học cơ bản, chúng giúp cho nhà nghiên cứu và nhà quản lý quá trình biến đổi xã hội hiện nay ở Việt Nam dùng làm công cụ để nhìn vào thực tế, hiểu và tác động vào thực tế.

 

1.2.1. QUAN ĐIỂM HÌNH THÁI XÃ HỘI

Chủ nghĩa Mác là một hệ thống tư tưởng phức thể, bao gồm nhiều lý thuyết khác nhau. Một trong những lý luận then chốt của chủ nghĩa Mác là lý luận hình thái xã hội. Theo Mác, xã hội loài người có thể được hiểu dưới khái niệm hình thái xã hội, bao gồm mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất hợp thành phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất tạo nên cơ sở hạ tầng xã hội mà trên đó là kiến trúc thượng tầng xã hội. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thích ứng với nhau, lực lượng sản xuất là yếu tố động, biến đổi trước, và sẽ biến đổi đến khi không còn thích hợp với quan hệ sản xuất nữa thì khi đó một thời đại cách mạng xuất hiện. Sở dĩ như thế là vì loài người không muốn bị mất hết lực lượng sản xuất, nên sẽ từ bỏ quan hệ sản xuất hiện tồn để giữ lấy những gì đã đạt được về mặt lực lượng sản xuất. Tương tự, từ cơ cấu kinh tế sẽ tạo ra một xã hội dân sự, các giai cấp, từ đó có một nhà nước và các hình thái hệ tư tưởng tương ứng. Luận điểm cơ bản này mô tả cấu trúc của một xã hội tổng thể và “trật tự” của logic và cơ chế của sự biến đổi xã hội.

Toàn bộ văn bản của Mác cũng cho ta cơ sở để hiểu các động lực của biến đổi xã hội. Trong mô hình lý luận chung của Mác, động lực biến đổi xã hội trước hết là lực lượng sản xuất trong sơ đồ cơ chế quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; là phương thức sản xuất trong sơ đồ hình thái xã hội; là đấu tranh giai cấp trong sơ đồ phân tích chính trị như là biểu hiện tập trung của kinh tế. Và cuối cùng là vai trò tích cực của hệ tư tưởng và con người như là chủ thể của lịch sử.

Sau này nhiều trào lưu mác-xít khác nhau, nhiều nhà mác-xít khác nhau đã “sửa đổi”, “phát biểu lại”, “hiểu khác đi” những luận điểm trên của Mác theo những cách khác nhau (bản thân đoạn trên cũng chỉ là một cách diễn giải lại Mác theo cách hiểu chủ quan của tác giả cuốn sách này). Những sửa đổi và biến thể như vậy là không thể tránh khỏi đối với một lý thuyết hay học thuyết lớn như của Mác khi trở thành di sản chung của lịch sử và nhân loại.

Những cách hiểu và vận dụng chủ nghĩa Mác một cách khác nhau là do tác động của bối cảnh xã hội, do các mục đích xã hội cụ thể, v.v… Người ta thường nhắc đến một số cách hiểu phát triển mới như: quan hệ sản xuất có thể đi trước, tạo điều kiện thúc đẩy lực lượng sản xuất; cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra trước ở những nước không phải là tiên tiến nhất. Bản thân cách hiểu này có thể không sai nếu được hiểu trong những giới hạn nhất định, song cái mức độ đẩy lên trong cách làm trong thực tế có thể làm cho những bổ sung, sửa đổi như vậy trở nên nguồn gốc của hành động sai lầm và thất bại. Đây đã là hiện tượng chung của hầu như mọi nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, như chính Mác và Engels đã nhấn mạnh, học thuyết của các ông chủ yếu chỉ là kim chỉ nam chứ không phải là cẩm nang sẵn có cho mọi vấn đề. Hai ông nhấn mạnh rằng không thể lấy những công thức lý luận của hai ông để thay thế cho sự phân tích cụ thể. Trong thực tế, không ít người tự nhận là mác-xít đã tự bằng lòng với việc nhắc đi nhắc lại lý luận hình thái xã hội nói trên theo một kiểu cách mang tính công thức, dùng nó để diễn giải một cách võ đoán và thô thiển hiện thực xã hội cụ thể mà họ phải đối mặt. Điều này cũng giống như là dùng một cái bản đồ thế giới để tìm đường đi trong một thành phố cụ thể như Paris, Moskow, Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh vậy.

 

1.2.2. QUAN ĐIỂM CHỨC NĂNG-CẤU TRÚC-TIẾN HÓA

Trong thực tế khoa học xã hội, người ta thấy có ba quan điểm lý thuyết khác biệt nhau: chức năng, cấu trúc và tiến hóa. Có thể xem chúng cùng tạo nên một hệ quy chiếu (paradigm) để nhìn vào quá trình hiện đại hóa, một hệ quy chiếu tạm gọi là tiếp cận chức năng-cấu trúc-tiến hóa.

Tiếp cận này nhìn hiện đại hóa như là biến đổi xã hội dài hạn, chú ý đến khu biệt hóa xã hội, hình thành và sắp xếp lại các định chế, phân công lao động, liên kết xã hội. Nó cũng tạo ra tiền đề lý luận cho thuyết hiện đại hóa theo nghĩa xem hiện đại hóa như là quá trình tất yếu lịch sử khách quan, không thể tránh khỏi, mang tính hội tụ, về tổng thể dài hạn là tuyến tính (ngày càng đi lên).

Có thể tóm tắt tư tưởng cơ bản của tiếp cận này như sau. Xã hội có thể được nhìn như là một hệ thống có cấu trúc bên trong và tiến hóa theo quy luật. Hệ thống xã hội bao gồm những bộ phận khác nhau nhưng liên hệ với nhau theo một cấu trúc (các quan hệ xã hội bền vững) nhất định, cấu trúc này vận hành theo những cách thức nhất định (cơ chế hoạt động) để tạo nên cái toàn bộ của hệ thống. Sự vận hành này tạo nên (hay là tuân theo) một sự tiến hóa: hệ thống xã hội đi từ mức độ đơn giản đến phức tạp về mặt chức năng-cấu trúc. Cấu trúc của hệ thống xã hội ngày càng bao gồm các định chế được khác biệt hóa sâu hơn về mặt chức năng. Sự đóng góp vào việc vận hành ổn định của hệ thống được gọi là chức năng.

Từ ý tưởng cơ bản trên, tiếp cận chức năng-cấu trúc-tiến hóa tiến đến một khái niệm then chốt trong thao tác phân tích. Đó là khái niệm định chế hay thiết chế (institution). Định chế bao hàm một loạt hiện tượng xã hội phong phú thuộc những lĩnh vực xã hội rất khác nhau, chẳng hạn trong lĩnh vực giao tiếp (định chế chào hỏi, xã giao, thảo luận), trong sản xuất kinh doanh (công ty, giao dịch thương mại), trong dịch vụ xã hội (bệnh viện, nhà dưỡng lão), tư pháp (xử án, nhà tù), giáo dục (nhà trẻ, trường phổ thông, đại học), tôn giáo (nhà thờ, giáo hội), thể thao (câu lạc bộ bóng đá, liên đoàn thể thao), v.v. Tất cả những cái đó đều là các định chế, chúng là những bộ phận hợp thành của thực tế đời sống của con người, là yếu tố cơ bản trong nền văn hoá đang sống của họ. E. Durkheim cho rằng xã hội học là môn khoa học về các định chế, theo ông vì các định chế làm nên cái cốt lõi của hiện thực xã hội.

Định chế là sự hợp tác được quy tắc hóa của con người, nhằm đáp ứng, thỏa mãn một hay một vài nhu cầu xã hội cơ bản nào đó. B. Malinowski cho rằng định chế là một tập hợp thống nhất của bốn thành tố. Thứ nhất, một ý tưởng hay định luận nào đó (charter, idée diréctrice, Leitidee) được các thành viên của một xã hội hay một nhóm thừa nhận và củng cố. Thứ hai, một tập hợp người đảm nhiệm những vai trò nhất định. Thứ ba, một tập hợp văn hoá hướng dẫn và điều chỉnh ứng xử của các thành viên (bao gồm các ý nghĩa, giá trị, chuẩn mực, biểu trưng, nghi thức). Và cuối cùng, một tập hợp các thể nền vật chất gắn với định chế. Quan hệ của bốn thành tố này tạo nên cấu trúc của một định chế, tương tác qua lại của chúng tạo nên sự vận hành của cấu trúc (dynamics hoặc cơ chế - mechanism). Phân tích định chế tức là mô tả và giải thích cấu trúc cũng như sự vận hành của cấu trúc của một định chế.

Vào nửa sau thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu theo hệ quy chiếu chức năng-cấu trúc-tiến hóa đã xây dựng lý luận và tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về chủ đề "biến đổi xã hội". Lý thuyết khác biệt hoá (differentiation) là một trong các sản phẩm của những nỗ lực như vậy. Theo P.B. Colomy (1986), lý thuyết khác biệt hoá có ba ý tưởng chính. Thứ nhất, nó cho rằng có một "xu hướng chủ đạo" của biến đổi xã hội hiện đại: đó là sự thay thế các định chế và các vai trò đa chức năng (multi-functional) bằng các đơn vị chuyên môn hoá hơn.

Người ta thường thấy nghiên cứu xã hội học vĩ mô về biến đổi xã hội đòi hỏi phải đưa ra một xu hướng chủ đạo, kèm theo đó là một khái niệm mang tính chỉ đạo cho việc xây dựng lý thuyết và nghiên cứu. Chẳng hạn, trong thời kỳ xã hội học cổ điển, Mác đề xuất khái niệm hình thái xã hội (bao gồm trong đó khái niệm phương thức sản xuất) làm công cụ phân tích chính. M. Weber thì lấy "hợp lý hoá" (rationalization) làm khái niệm trung tâm. Durkheim phân tích sự chuyển đổi từ gắn kết cơ giới sang gắn kết hữu cơ (mechanic, organic solidarity). Trong thời kỳ xã hội học hiện đại, xuất hiện lý thuyết hội tụ nhấn mạnh vào xu hướng ngày càng tương đồng, quy tụ của các xã hội hiện đại hoá, lý thuyết các hệ thống thế giới xây dựng trên trục cơ bản là mối quan hệ trung tâm-ngoại vi. Tương tự, các nhà lý luận khác biệt hóa xem xu hướng chủ đạo của biến đổi xã hội là việc thay thế các định chế và vai trò đa chức năng bằng các đơn vị được chuyên môn hóa hơn.

Thứ hai, lý thuyết khác biệt hóa nêu lên một khung giải thích về nhu cầu xã hội cho việc quá độ từ đơn vị đa chức năng sang cấu trúc chuyên môn hóa hơn. Khi các yêu cầu chức năng không được thoả mãn một cách hiệu quả, sẽ nổi lên những căng thẳng và mâu thuẫn, chúng sẽ lại thúc đẩy việc tạo ra những giải pháp khác biệt hóa có hiệu quả hơn. Có thể gọi đây là khung phân tích "căng thẳng sản sinh ra khác biệt hoá". Sự khác biệt hoá sẽ được thúc đẩy do một cấu trúc đang vận hành một cách không thích đáng, cấu trúc này là nguyên nhân tạo nên sự không hài lòng lan rộng. Một biến đổi sẽ kết thúc với việc thiết chế hóa một đơn vị được khác biệt hoá nhiều hơn và một đơn vị có hiệu quả hơn. Như vậy, việc thực hiện có hiệu quả hơn một chức năng đã cho sẽ là động lực để tạo ra những cấu trúc khác biệt hoá hơn. 

Thứ ba, lý thuyết khác biệt hóa cho rằng việc thiết chế hóa các đơn vị chuyên môn hóa hơn sẽ làm tăng kết quả và hiệu quả của hệ thống xã hội hoặc của các tiểu hệ thống. Mức độ khác biệt hóa cao trong toàn bộ hệ thống sẽ đi liền với sự phổ quát hoá giá trị và tăng mức độ bao gồm, kết dính (inclusion), điều này lại đóng góp vào việc tái liên kết hệ thống đang trở nên phức thể hơn do khác biệt hóa.

Trong thực tế, biến đổi cấu trúc diễn ra phức tạp hơn nhiều, bao gồm nhiều xu thế chồng lấn nhau mà không chỉ đơn giản chỉ có xu hướng khác biệt hoá. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm dựa trên lý thuyết khác biệt hóa phát hiện rằng, bên cạnh xu hướng khác biệt hóa chủ đạo còn có hàng loạt biểu hiện cụ thể khác: sự phi khác biệt hoá, khác biệt hóa không đều (unequal), khác biệt hoá không đồng bộ (uneven), khác biệt hoá không đầy đủ, khác biệt hóa hỗn độn.

Phi khác biệt hóa diễn ra là do những bất mãn đối với quá trình hiện đại hóa, thể hiện ở một loạt hội chứng và phong trào chống lại khác biệt hóa. Mức độ và phạm vi khác biệt hoá cũng diễn ra khác nhau ở các lĩnh vực xã hội khác nhau, điều này dẫn đến những căng thẳng cấu trúc và văn hóa, kết quả là xuất hiện sự khác biệt hóa không đều. Khác biệt hóa không đồng bộ liên quan đến sự khác nhau về mức độ và phạm vi khác biệt hóa trong một khu vực thiết chế hay cấu trúc vai trò. Khác biệt hóa không đầy đủ liên quan đến tình huống trong đó các bước khác biệt hóa cần thiết không được hoàn thành, khiến hai hay nhiều cấu trúc cùng chia sẻ hoặc cạnh tranh nhau một chức năng. Khác biệt hoá hỗn độn diễn ra khi nhiều động lực xã hội tác động móc xích vào nhau khiến cho quá trình khác biệt hóa bị lôi kéo theo những hướng đối nghịch. Những thực tế trên khiến cho quá trình khác biệt hoá chủ đạo đứng trước những lựa chọn, kết quả sẽ là những kết hợp pha trộn của các lựa chọn: hệ thống có thể tăng tỷ lệ, tạo ra những cấu trúc khác tương tự, thay đổi mức nhấn mạnh tương đối vào những chức năng khác nhau, bổ sung chức năng mới vào các cấu trúc đã có và ngược lại, ...

Như vậy, dựa trên hệ quy chiếu chức năng-cấu trúc-tiến hóa, các nhà tân chức năng luận đã cố gắng đưa ra một quan niệm về biến đổi xã hội, chủ yếu dựa trên khái niệm chủ đạo "khác biệt hoá". Lý thuyết này tập trung vào hai hệ quả trực tiếp: hiệu quả và sự tái liên kết tăng lên. Việc tăng sự chuyên môn hoá cấu trúc thúc đẩy hiệu quả, nâng cao khả năng của hệ thống thích nghi linh hoạt với môi trường. Yêu cầu về việc hệ thống nâng cao hiệu quả là động lực hàng đầu dẫn đến sự khác biệt hoá cấu trúc. Xu hướng chủ đạo này làm cho liên kết xã hội trở thành vấn đề. Do đó, phải xuất hiện những mã văn hoá chung hơn và những thiết chế chuyên môn hóa phục vụ cho sự liên kết xã hội. Tuy nhiên, điều này diễn ra không tự động. Các thiết chế khác biệt hóa tạo ra những cụm lợi ích mới, có thể đối nghịch với nhau. Như vậy, khác biệt hóa tạo ra cả liên kết lẫn xung đột.

Cho rằng các thời kỳ khác biệt hóa xã hội diễn ra nhanh dễ dẫn đến những phân cực và khủng hoảng xã hội, J. Alexander, một nhà tân chức năng chủ chốt, cho rằng cần có năm điều kiện để đối phó thành công với biến động xã hội. Thứ nhất, có sự đồng thuận xã hội ở mức đủ để bất kỳ một vi phạm chuẩn mực nào cũng sẽ bị xem là lệch chuẩn. Thứ hai, có một số lượng đáng kể nhóm xã hội chia sẻ cảm nhận rằng sự vi phạm nói trên đe doạ cốt lõi của xã hội. Thứ ba, hiệu quả tích cực của các thiết chế kiểm soát xã hội. Thứ tư, sự huy động và đấu tranh giữa giới tinh hoa và công luận. Thứ năm, có những giải thích biểu trưng hiệu quả.

 

1.2.3. QUAN ĐIỂM HÀNH ĐỘNG XÃ HỘI

Một trong những song đề then chốt của khoa học xã hội là sự đối lập giữa việc nhấn mạnh vào cấu trúc xã hội hay nhấn mạnh vào hành động xã hội. Thậm chí người ta còn nói rằng có hai xã hội học: một ưu tiên đặt cấu trúc xã hội lên trên (cấu trúc luận), một xem các hệ thống xã hội là sự sáng tạo, là sản phẩm của con người (các lý thuyết hành động hoặc tương tác luận). Bên cạnh tiếp cận chức năng-cấu trúc-tiến hóa nêu trên, người ta thấy xuất hiện một tiếp cận khác, nhấn mạnh đến chiều cạnh ngược lại.

Mác thường được xem là nhà cấu trúc luận và thực chứng luận, vì nghiên cứu của ông chủ yếu ở cấp độ vĩ mô, ông đặt cho mình nhiệm vụ khám phá những cấu trúc xã hội khách quan, ẩn ngầm bên dưới chi phối đời sống xã hội, và ông xem sự phát triển xã hội như là một tiến trình lịch sử-tự nhiên. Hiểu Mác như thế là chưa đầy đủ mặc dù không sai. Mác rất chú trọng đến cái mà ta có thể gọi là tiếp cận hành động xã hội, cả ở những luận điểm cũng như ở những công trình nghiên cứu cụ thể mà Mác đã làm.

Mác có một định nghĩa về xã hội như sau: "Xã hội - bất cứ dưới hình thái nào - là gì? Nó là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người với người" (Marx, 1976: tr. 7). Khi phân tích về diễn biến của Công xã Pari, Mác đề cập: "... nếu những 'sự ngẫu nhiên' không có tác dụng gì cả thì sự sáng tạo ra lịch sử sẽ mang một tính chất rất thần bí. Đương nhiên, những sự ngẫu nhiên này là một bộ phận trong quá trình phát triển chung và được những sự ngẫu nhiên khác bù trừ lại. Nhưng phát triển nhanh hay chậm, là phụ thuộc rất nhiều vào những 'sự ngẫu nhiên' như vậy, kể cả 'sự ngẫu nhiên' như tính cách của những người lúc đầu lãnh đạo phong trào" (Marx, 1976: tr. 50).

Trong một bức thư viết năm 1890, F. Engels nói rõ: "Chúng ta tự sáng tạo ra lịch sử của chúng ta, nhưng một là sáng tạo với những tiền đề và những điều kiện hết sức rõ ràng... Hai là lịch sử đã diễn ra theo cái hướng là kết quả cuối cùng luôn luôn phát sinh từ những sự xung đột giữa nhiều ý chí cá nhân, mỗi ý chí cá nhân này lại do vô số những điều kiện sinh sống đặc biệt tạo ra" (Marx, 1976: tr. 96 và 97). Ông cũng nhấn mạnh sự khác nhau giữa sự phát triển của tự nhiên và của xã hội ở một điểm căn bản: "Trái lại, trong lịch sử của xã hội, những nhân tố hoạt động là những con người có ý thức, hành động có suy nghĩ hay có ham mê, và theo đuổi những mục đích nhất định; không có gì xảy ra mà lại không có ý định tự giác, không có mục đích mong muốn" (Marx, 1963: tr. 357-358).

Mặc dù, ngay từ đầu lịch sử xã hội học đã xuất hiện song đề cấu trúc đối lập hành động, phản ánh hai khuynh hướng tương phản nhau trong xã hội học, song thuật ngữ hành động luận (actionalism) chỉ xuất hiện trong thập niên 1960 gắn với tên tuổi của A. Touraine, một nhà xã hội học Pháp. Ông muốn thay thế một xã hội học về xã hội bằng một xã hội học về chủ thể hành động. Hành động luận của Touraine chủ trương đặt tác nhân vào vị trí trung tâm của xã hội học: tác nhân không phải là bộ phận hợp thành mà là chủ thể của hệ thống xã hội. Các phong trào xã hội có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc khắc phục tình trạng trên. Nói cách khác: những hành động xã hội tích cực "làm nên lịch sử" phải là trung tâm của đời sống xã hội hôm nay, và do đó của nghiên cứu xã hội học.

A. Giddens cố gắng khắc phục sự khác biệt giữa tiếp cận cấu trúc và tiếp cận hành động xã hội. Ông cho rằng thông thường các nhà lý luận hoặc đặt mình vào cấu trúc và tính chất câu thúc của chúng, hoặc vào hành động và ý nghĩa. Giddens chủ trương vùng nghiên cứu cơ bản của khoa học xã hội chẳng phải là kinh nghiệm của các chủ thể, cũng chẳng phải là sự tồn tại của một hình thái tổng thể xã hội nào, mà là các thực tiễn xã hội được xếp đặt qua không gian và thời gian (Giddens, 1984).

Luận điểm cơ bản của ông rất đơn giản: cấu trúc và hành động là hai mặt của một đồng xu. Cả cấu trúc lẫn hành động không thể tồn tại một cách độc lập, chúng liên quan với nhau một cách sâu sắc. Hành động xã hội tạo nên cấu trúc, thông qua hành động mà cấu trúc được sản xuất và tái sản xuất. Cấu trúc vừa hạn chế vừa là nguồn lực của hành động. Từ đó, Giddens đề xuất thuật ngữ "cấu trúc hoá" (structuration). Để giải thích luận điểm của mình, Giddens lấy ví dụ về sự liên hệ và khác nhau giữa ngôn ngữ và lời nói. Ngôn ngữ thể hiện một cấu trúc các quy tắc phải tuân theo để có thể hiểu được nhau. Nhưng lời nói là thực tế các hành động trong ngôn ngữ, các quy tắc ngôn ngữ quy định lời nói nhưng cũng là nguồn lực cho lời nói, lời nói lại tạo ra và tái tạo ra ngôn ngữ.

Trong môn xã hội học hoặc một vài môn học gần với xã hội học ở Việt Nam hiện nay vẫn còn quan sát thấy sự tồn tại của một số mặc định tư tưởng và lối tư duy đã bị vượt qua trên thế giới từ vài thập niên trước (quá nhấn mạnh vào quy luật, cấu trúc, tính tất yếu, ...). Về mặt học thuật, chỉ nói đến khía cạnh cấu trúc-quy luật-tất yếu thì hoàn toàn không phản ánh đầy đủ diện mạo tư tưởng xã hội hiện đại nửa sau thế kỷ XX, cũng như không phản ánh đầy đủ tính phong phú của chủ nghĩa Mác. Quan trọng nữa là về mặt thực tiễn, thông điệp hàm ý (hoặc ẩn ngầm hoặc không có ý thức) của nó có xu hướng khích lệ người ta chỉ thấy một chiều những câu thúc, chấp nhận những "tính tất yếu", "cái xã hội khách quan". Kết quả phụ kèm theo là nó không trang bị cho người ta tính sẵn sàng thay đổi, đón nhận vai trò "chủ thể hành động". Sự nhấn mạnh thái quá và một chiều nói trên thể hiện khuynh hướng có thể gọi là "bái cấu trúc giáo" (vận dụng khái niệm bái vật giáo của Mác trong bộ Tư bản).

Xã hội học hành động xã hội giúp ta chú ý và nhấn mạnh đến một chiều cạnh khác của hiện thực xã hội đối lập với hệ tri thức chức năng-cấu trúc-tiến hoá; trong hiện thực xã hội của xã hội học hành động, có một không gian rộng lớn dành cho chủ thể sáng tạo. Điều này rất quan trọng cho những con người đang sống trong những xã hội biến đổi nhanh: nó chỉ cho họ thấy rằng người ta có thể tạo nên tương đối nhanh chóng những cấu trúc xã hội hoàn toàn mới bằng hiểu biết và hành động xã hội. Không phải con người bị giam hãm trong những cấu trúc, thụ động chờ đợi cấu trúc "tự tiến hoá", mà cấu trúc là sản phẩm của hành động con người, hoàn toàn có thể và chỉ có thể "bị" thay đổi duy nhất bởi chính hành động con người.

Điều nói trên cũng rất quan trọng đối với những quốc gia đang vươn mình đuổi theo thời đại, như Việt Nam. Xã hội Việt Nam đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ. Nếu so sánh với khu vực và thế giới, khó có thể dự đoán rằng, với nhiều cách thức mà ta làm trong 15 năm qua, thì có thể khắc phục được sự tụt hậu của mình hay không. Do đó, việc nhấn mạnh vào chủ thể hành động như trong xã hội học hành động là rất quan trọng đối với người Việt Nam, từ người lãnh đạo quốc gia, người lãnh đạo ở cấp ngành, cấp tỉnh và cấp tổ chức, đến dân thường. Bởi vì ta đang cần thoát khỏi sự câu thúc của các "định luật" cấu trúc-tiến hoá, gồm cả sự câu thúc của những tri thức phụ thuộc vào chúng, thay vào đó là việc chủ động tổ chức nên những cấu trúc-chức năng hiện tại của thời đại, thông qua chủ thuyết nhấn mạnh vào hành động xã hội. Như Mác đã nói: con người là chủ thể sáng tạo nên lịch sử, và như xã hội học hành động hiện đại nói: cấu trúc và thiết chế là do con người tạo ra mà thôi.

 

1.2.4. QUAN ĐIỂM BIẾN ĐỔI XÃ HỘI

Trong xã hội học, biến đổi xã hội là một trong những mối quan tâm chủ yếu. Xã hội học nhìn biến đổi như là một quá trình được cấu trúc trong đó diễn ra một xu hướng thay đổi nhất định.

Vào giữa thế kỷ XIX, những nỗ lực đầu tiên trong phân tích xã hội học được thúc đẩy bởi nhu cầu giải thích hai làn sóng biến đổi lớn đang tràn khắp châu Âu: công nghiệp hóa và sự nổi lên của lý tưởng và tổ chức nhà nước dân chủ theo mô hình Cách mạng Mỹ và Pháp. Một số nhà xã hội học cổ điển, trong đó có Mác, tìm cách xây dựng những lý thuyết nhằm giải thích hai hiện tượng biến đổi xã hội lịch sử nói trên. Trong thế kỷ XX, các lý thuyết về biến đổi xã hội xuất hiện rất nhiều và ngày càng phức tạp hơn, dù không lý thuyết nào hoàn toàn vượt qua được những gì mà các nhà cổ điển đã nêu lên.

Biến đổi xã hội có thể khởi xướng từ phía chính phủ thông qua hoạt động lập pháp hay hành pháp; từ phía công dân khi họ tổ chức lại thành các phong trào xã hội; hay từ việc truyền bá nền văn hóa này sang nền văn hóa khác; hay do các hệ quả có hoặc không có chủ định của công nghệ. Biến đổi cũng có thể diễn ra do tác động của những yếu tố môi trường, và những chuyển dịch trong cán cân kinh tế và chính trị toàn cầu.

Quan điểm chức năng luận về biến đổi xã hội cho rằng, nếu xã hội được xem như một khuôn mẫu các chức năng phức tạp và tương liên, thì biến đổi có thể được giải thích như một hiện tượng phụ trong cuộc tìm kiếm thường xuyên sự cân bằng. Những biến đổi xã hội có thể được hiểu như những điều chỉnh xã hội trước những gãy vỡ hay “rối loạn chức năng” bên trong cơ thể xã hội.

Lý thuyết của Mác về biến đổi xã hội nhấn mạnh khía cạnh xung đột, trước hết là xung đột giai cấp và các nhóm lợi ích; đồng thời ủng hộ hành động tích cực, tập trung vào khả năng mà con người có thể thay đổi số phận của mình thông qua hành động chính trị. Các lý thuyết xung đột trong thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của Mác, đều giải thích biến đổi xã hội là kết quả của cuộc đấu tranh giành lợi ích giữa các giai cấp, các sắc tộc hay nhóm xã hội.

Khoa học xã hội thế kỷ XIX thường có xu hướng phân tích vĩ mô và dài hạn, nhìn biến đổi xã hội như một quá trình tổng thể thuần nhất, các lĩnh vực của đời sống xã hội sớm hay muộn sẽ theo nhau thay đổi. Khoa học xã hội nửa sau thế kỷ XX thường chú trọng hơn đến tình trạng không đồng bộ trong sự biến đổi của cấu trúc xã hội, nó quan niệm rằng biến đổi thường là cục bộ và không đồng đều. Chẳng hạn, Daniel Bell trong cuốn sách “Cultural Contradictions of Capitalism” (Những tương phản văn hóa của chủ nghĩa tư bản) viết năm 1976 cho rằng biến đổi trong thế giới hiện đại nảy sinh từ sự căng thẳng giữa ba “lĩnh vực” của thực tiễn xã hội, mỗi “lĩnh vực” vận hành theo những nguyên lý khác nhau và hướng tới những mục tiêu khác nhau. Đó là: cấu trúc công nghệ-kinh tế (khoa học, công nghiệp và kinh tế), hệ thống chính trị, và văn hóa.

 

1.3. HIỆN ĐẠI HÓA NHÌN TỪ KHÁI NIỆM PHÁT TRIỂN

Trong phần trên đã đề cập đến một thực tế là có sự khác biệt nhưng liên quan mật thiết với nhau giữa ba thuật ngữ hay khái niệm: công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển. Sự liên quan ấy mật thiết đến mức người ta có thể dùng ba thuật ngữ này thay thế cho nhau. Thuật ngữ công nghiệp hóa đã xuất hiện trước từ thế kỷ XIX, tiếp theo là “hiện đại hóa” trong nửa đầu thế kỷ XX, rồi đến “phát triển” trở thành khái niệm then chốt trong lý luận và chính sách quốc tế sau 1945. “Phát triển” trở thành một thuật ngữ phổ biến hơn, vì nó có hàm nghĩa rộng hơn, phản ánh được nhiều khuynh hướng và hàm nghĩa rộng rãi, thoát khỏi hàm nghĩa là một lý thuyết đậm khuynh hướng phương Tây như thuật ngữ “hiện đại hóa”.

Mục này trình bày quá trình hiện đại hóa nhìn từ góc độ của khái niệm phát triển. Khái niệm phát triển ra đời sau 1945 và sau này trở thành một thuật ngữ quốc tế “chính thống” để nói về quá trình hiện đại hóa xã hội toàn cầu. Nhưng bên dưới thuật ngữ khung này đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về phát triển, chúng lần lượt thay thế nhau và phản bác nhau, nhưng cũng kế thừa và bổ sung nhau. Chúng cùng góp phần làm rõ hơn quan niệm phát triển. Trong thư trả lời L. Cughenman năm 1868, Mác nói: “lịch sử của lý luận chắc chắn chỉ rõ rằng quan niệm về quan hệ giá trị bao giờ cũng là một, chỉ có cái là quan niệm đó rõ hơn hay mờ hơn, bị những ảo tưởng bao phủ nhiều hơn hay được xác định một cách khoa học hơn. Vì chính bản thân quá trình tư duy lớn lên từ những quan hệ nhất định, chính bản thân nó là một quá trình tự nhiên, nên tư duy hiểu được một cách hiện thực, bao giờ cũng chỉ là một, và chỉ có thể biến đổi dần dần khác đi, theo trình độ chín muồi của sự phát triển, và đặc biệt là của sự phát triển của khí quan tư duy.” (C. Mác, 1962).

Suốt nửa sau thế kỷ XX đến nay, đã xuất hiện nhiều dòng quan niệm mang tính lý luận về phát triển. Những quan niệm này đã có ảnh hưởng rất mạnh đến thực tiễn công tác phát triển. Có nhiều cách chia về tiến trình lịch sử của nghiên cứu lý luận phát triển. Khi theo dõi lĩnh vực này, chúng tôi thấy có một cách phân chia là nhìn tiến trình này gồm hai giai đoạn: những năm 1940-1970 và 1980 đến nay. Trong giai đoạn trước, các lý thuyết gia và chính trị gia chú ý hơn đến kinh tế, chính trị, tính đồng nhất với các nước đi trước. Từ 1980 người ta nhấn mạnh hơn đến con người, phúc lợi, cộng đồng và nền văn hóa cụ thể.

Trong một thời gian dài, nhất là trong những năm 1950 nhưng cũng kéo dài cả sau đó, dòng tư tưởng chủ lưu coi các vấn đề cơ bản của các nước đang phát triển là có tính kinh tế. Người ta thường chỉ cho rằng các nước đang phát triển là nghèo theo nghĩa nghèo về kinh tế; nếu những nước ấy thành công trong tăng trưởng kinh tế thì các khía cạnh khác của đời sống xã hội sẽ tự động biến đổi theo. Điều này không chỉ thấy trong khoa học xã hội phương Tây mà cả trong khoa học xã hội các nước xã hội chủ nghĩa trước kia. Nhiều lý thuyết ban đầu về phát triển trước hết là các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế và biến đổi kinh tế (economic transformation), rất ít chú ý đến khía cạnh chính trị và xã hội. Chúng tập trung vào những điều kiện mà các nhà nghiên cứu cho là sẽ thúc đẩy hay gây trở ngại cho tiến bộ kinh tế, trong khi họ rất ít hoặc không chú ý gì đến khía cạnh xã hội. Hậu quả khi ứng dụng vào thực tế, tức là vào việc hoạch định chiến lược phát triển thì cũng chỉ là chiến lược kinh tế. Từ đó ảnh hưởng vào trọng tâm của hoạt động hợp tác quốc tế và viện trợ phát triển cũng là vào lĩnh vực kinh tế.     

Các chiến lược dựa trên lý thuyết kinh tế mà Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất, từ đó, cũng bỏ qua yếu tố chính trị và văn hoá, ít tính đến các tiền đề chính trị cho cải cách kinh tế. Ngay phần lớn các nhà quản lý ở các nước đang phát triển cũng xem nhẹ yếu tố phi kinh tế. Nguyên do một phần cho quan niệm thô thiển này là vì các nước phát triển hồi đó đang bắt đầu một quá trình tiến bộ kinh tế rất mạnh, kéo dài đến tận cuối những năm 1970, đặc biệt trong những năm 1960. Do đó, dẫn đến ý tưởng lạc quan rằng tiến bộ kinh tế sẽ tự nó dẫn đến tiến bộ trong mọi mặt khác của đời sống xã hội. Thêm nữa, từ đó lại thịnh hành một quan điểm rằng các nước đã phát triển là mô hình lý tưởng cho các nước đi sau, và các nước đang phát triển có thể áp dụng kinh nghiệm thành công của các nước đã phát triển. Người ta cũng quan sát thấy một logic lập luận tương tự trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, khi các nước Đông Âu đi theo mô hình xô-viết và đã ít nhiều thành công, đặc biệt trong những nước phát triển hơn như Tiệp Khắc, Đông Đức, so với các nước Ba Lan, Bulgaria, Hungaria, Romania. 

Dĩ nhiên, ngay trong thời kỳ mà tư tưởng nói trên đóng vai trò chính thống, vẫn có những quan điểm ngược lại, cung cấp những bằng chứng thực nghiệm và các luận điểm về một thực tế khác trong các nước đang phát triển, mang tính toàn diện hơn. Sự đấu tranh giữa các luận thuyết cộng với thực tiễn phát triển cả thành công lẫn thất bại đã ngày càng làm biến đổi tình hình trong công tác lý luận phát triển. Các nhà nghiên cứu phát triển và hoạch định chính sách phát triển trở nên cởi mở và nghiêm túc hơn với việc phân tích quá trình phát triển như là một tổng thể bao gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người và môi trường. Hai mươi năm qua, có sự quan tâm mạnh mẽ hơn đến các hoàn cảnh đặc thù trong từng nước, ý thức nhiều hơn đến các điều kiện địa phương riêng, về tầm quan trọng của biến đổi qua thời gian, chú ý nhiều hơn đến những khác biệt xã hội và văn hóa, bao gồm khác biệt giới. Cuối cùng là tương tác xã hội và môi trường đã được đưa vào mối quan tâm của nghiên cứu phát triển và chiến lược phát triển.

 

1.3.1. PHÁT TRIỂN NGHĨA LÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Mặc dù J. Schumpeter đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế, song có thể do những lý do về nhận thức và bối cảnh xã hội mà nhiều nhà kinh tế học phát triển của những năm 1950 đã xem nhẹ sự phân biệt quan trọng này. Họ có xu hướng coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu tối hậu tự thân, và cho rằng đó chính là cái mà các nước chậm phát triển cần. Nhưng công bằng mà nói, khái niệm tăng trưởng kinh tế theo cách hiểu của các nhà kinh tế học thập niên 1950 thực ra có tính bao quát, gồm cả nâng cao sản xuất và tiêu dùng, tăng việc làm và nâng cao mức sống, giảm mức tăng dân số. Nói cách khác, các lý thuyết phát triển dựa trên tăng trưởng kinh tế cũng tính đến một số khía cạnh xã hội của quá trình. Như vậy có thể nói, về mặt học thuật, các học giả thập niên 1950 đã không sai sót nhiều lắm trong việc hình thành và sử dụng khái niệm tăng trưởng kinh tế như là một khái niệm then chốt trong phương pháp luận nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tiễn chính sách và hành động, lý luận của họ đã tạo điều kiện cho việc hiểu sai hẹp đi: các nhà hoạch định chính sách thực tiễn có xu hướng hiểu tăng trưởng kinh tế trước hết là chỉ tiêu tăng GDP (ngay hiện nay ở một số nước, kể cả ở Việt Nam, vẫn tồn tại xu hướng này).

Trong những năm 1960, các nhà kinh tế học phát triển cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân phối và quan hệ của nó đến tăng trưởng kinh tế, bởi vì có nhiều bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế trong các nước đang phát triển đã diễn ra kèm theo sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các nhóm xã hội, vùng địa lý và thành phần kinh tế. Trong bối cảnh ấy, người ta quay trở lại với di sản của Schumpeter: nhấn mạnh vào phát triển kinh tế hơn là chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế. Các nhà nghiên cứu và làm chính sách nhất trí hơn với nhau rằng phát triển kinh tế có nghĩa là một quá trình trong đó thu nhập đầu người thực tế của một nước tăng lên trong một giai đoạn dài, trong khi mức độ nghèo khổ giảm xuống và bất bình đẳng nói chung là được thu hẹp hoặc ít nhất là cũng không tăng lên.

 

1.3.2. PHÁT TRIỂN VÀ PHỤ THUỘC 

Đầu những năm 1960, xuất hiện một số giải thích về phát triển của các nhà khoa học được coi là mác-xít ở một số nước xã hội chủ nghĩa và ở phương Tây. Dòng lý thuyết này bao gồm hai khuynh hướng, một tập trung vào mối quan hệ của các nước đang phát triển với các nước phương Tây, khuynh hướng kia tập trung xem xét các điều kiện bên trong các nước đang phát triển. 

Lý luận của một số nhà nghiên cứu mác-xít xem phát triển là nhằm đạt được độc lập quốc gia thực sự và tiến bộ kinh tế tự thân (self-centred). Họ cho rằng chủ nghĩa đế quốc và các quyền lực thuộc địa kiềm chế Thế giới thứ ba trong sự chậm phát triển và phụ thuộc. Phi thực dân hoá về mặt chính trị mới chỉ là bước khởi đầu, chưa thay đổi được gì nhiều về bản chất tình trạng này. Để phát triển các nước đó cần tiếp tục tách khỏi các nước công nghiệp hoá chính quốc. Việc tách khỏi này không phải là mục tiêu tự nó, mà chỉ là công cụ để đạt được sự độc lập quốc gia thực sự. Cũng cần nói rằng, không phải mọi nhà lý thuyết theo khuynh hướng này đều cho rằng việc tách ra khỏi thị trường thế giới là cách tốt nhất để đạt được sự độc lập.

Khuynh hướng thứ hai, xem xét các điều kiện bên trong, chủ trương hai quan điểm. Thứ nhất, các nước đó phải đi lên trên căn bản dựa vào các tiền đề và nguồn lực riêng của mình. Thứ hai, con đường xã hội chủ nghĩa là có tính ưu việt hơn. Về điểm này, trong các nhà khoa học mác-xít cũng có ý kiến khác nhau về cách đi lên chủ nghĩa xã hội. Một cực ý kiến cho rằng phải sử dụng chủ nghĩa tư bản để phát triển những tiền đề vật chất cần thiết cho chủ nghĩa xã hội. Chú ý rằng ý kiến này có một hàm ý tương tự lý luận hiện đại hoá: xem các nước đã công nghiệp hoá cao là hình ảnh mà các nước đi sau tất yếu phải theo. Điều khác nhau chỉ là ở chỗ, với các nhà lý luận hiện đại hoá thì đó là mục tiêu cuối cùng, còn với các nhà mác-xít theo quan điểm đó thì đây là mục tiêu trung hạn nhằm tạo ra một trạng thái mới để đi lên chủ nghĩa xã hội. Một cực ý kiến khác lại cho rằng các nước đang phát triển cần tách ra khỏi thị trường thế giới, xây dựng nền kinh tế kế hoạch tập trung dưới sự chỉ đạo của nhà nước, bỏ qua con đường tư bản chủ nghĩa. 

Có một hướng chủ đề trong dòng lý thuyết này tập trung vào những phân tích lịch sử và thực nghiệm về các giai cấp và nhà nước trong các nước đang phát triển. Hàm ý của hướng chủ đề này là vẫn thừa nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, song cho rằng các nước đang phát triển chưa đủ tiền đề cho điều ấy trong tương lai trước mắt. Do đó, cần tập trung vào những phương án phát triển hiện thực hơn cho các nước chậm phát triển, như dân chủ hoá đời sống kinh tế và chính trị. Họ cũng tán thành một nhà nước mạnh tập trung và một khu vực công cộng chủ đạo, đồng thời nhấn mạnh đến tăng quyền lực cho người dân, tự quản địa phương, hợp tác xã. 

 

1.3.3. PHÁT TRIỂN NGHĨA LÀ HIỆN ĐẠI HÓA

Hiện đại hóa được xem như là một quá trình mà cốt lõi là công nghiệp hóa và những quá trình biến đổi tương thích trong chính trị, văn hóa và xã hội. Những đặc trưng của nó là sự hợp lý hóa, khu biệt hóa, hiện đại hóa văn hóa, dân chủ. 

Trong những năm 1940-1950 xuất hiện một hướng lý luận xem sự phát triển như là một quá trình hiện đại hoá, đó là một sự biến đổi cấu trúc trong đó các xã hội truyền thống và lạc hậu ở các nước Thế giới thứ ba phát triển theo hướng ngày càng giống hơn với các nước phương Tây. Những đặc trưng của xã hội hiện đại đáng được bắt chước bao gồm: phân công và chuyên môn hoá rộng rãi lao động, năng suất lao động cao, tăng trưởng kinh tế ổn định (self-sustaining), mức sống cao, phân phối tương đối đồng đều, nhà nước dân chủ và điều hành hiệu quả. 

Lý thuyết hiện đại hóa cổ điển được bổ sung bởi lý thuyết hiện đại hóa như là một quá trình biện chứng. Lý thuyết hiện đại hóa biện chứng cũng chấp nhận ý tưởng cơ bản: phát triển là quá trình mà xã hội ngày càng chấp nhận nhiều hơn các yếu tố hiện đại. Nhưng nó cho rằng đây là một quá trình biện chứng. Theo đó, truyền thống không nhất thiết cản trở sự phát triển, ngược lại các định chế hiện đại có thể trong những thời điểm và bối cảnh nhất định lại cản trở phát triển, không vận hành một cách suôn sẻ, vì không tương thích với các truyền thống của xã hội. Thêm nữa, tiếp cận này còn cho rằng trong thực tế các định chế xã hội truyền thống là năng động, đa dạng và có khả năng sống sót trong tiến trình hiện đại hoá. Từ đó đi đến một ý tưởng chính của lý thuyết này rằng cái truyền thống và cái hiện đại là những hiện tượng xã hội tương tác một cách biện chứng, trong đó cả hai hiện tượng đều trong quá trình biến đổi, và kết quả là mang tính hỗn hợp, lai ghép.

Tiếp cận này có một hàm ý quan trọng: nó bác bỏ quan niệm phát triển là một cái gì đó mang tính phổ quát, với mục tiêu tối hậu là tương đồng một cách tối đa với các xã hội Âu-Mỹ đã công nghiệp hóa. Thay vào đó là một quan niệm mở: phát triển là tương thích với hoàn cảnh đặc thù của mỗi xã hội và phù hợp với ý nguyện của người dân sống trong xã hội đó. Tiếp cận này cũng nhấn mạnh đến các điều kiện phi kinh tế như là những yếu tố trong các quá trình kinh tế và như là những động lực có ý nghĩa và mang tính tự thân trong đời sống xã hội.

 

1.3.4. PHÚC LỢI VÀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI LÀ MỤC TIÊU CỦA HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN

Sự tiến triển của quan niệm phát triển đã diễn ra ngay trong lòng dòng lý thuyết gọi là tăng trưởng kinh tế. Mặc dù trong cái gọi là "kinh tế", các nhà kinh tế học phát triển đã bao gồm nhiều khía cạnh xã hội (việc làm, nâng cao mức sống, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng), song mục tiêu cơ bản cũng như cách đo lường phát triển vẫn chủ yếu xoay quanh việc tăng thu nhập.

Một quan niệm lý luận mới nảy sinh với tham vọng đưa ra một quan niệm đối lập (alternative) đã đặt ra vấn đề quan hệ giữa nâng thu nhập và phúc lợi con người, theo đó cái thứ nhất phải được xem chỉ là phương tiện cho cái thứ hai, còn cái sau mới chính là mục tiêu tối cao và bản chất của phát triển. Tăng trưởng kinh tế quốc gia là điều kiện cải thiện đời sống dân cư, song không phải là điều kiện duy nhất. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu thực nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế không trực tiếp và tự động dẫn đến tiến bộ trong giáo dục và sức khỏe.

Chấp nhận lý luận như thế, UNDP đã tạo điều kiện để một số tác giả của dòng lý thuyết trên, chẳng hạn Mahbub ul Haq, xây dựng một khung tiếp cận mới cho UNDP. Kết quả thể hiện ở Báo cáo Phát triển Con người đầu tiên của UNDP năm 1990. Có thể xem đây là điểm mốc quan trọng đối với UNDP: tổ chức này chính thức nêu lên một học thuyết mới, dựa trên một lý luận phát triển lấy phúc lợi và con người làm trung tâm.

Nhóm công tác dưới sự lãnh đạo của Haq đã đưa ra khái niệm "phát triển con người" được hiểu là quá trình mở rộng những cơ hội cho sự lựa chọn của người dân trên ba lĩnh vực chủ yếu: cơ hội có một cuộc sống lâu dài và khoẻ mạnh, cơ hội tiếp cận tri thức, cơ hội tiếp cận các nguồn lực cần thiết để có một mức sống thích đáng.

Xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở cấp độ khái niệm, các tác giả còn đề xuất chỉ báo định lượng tổng hợp để biểu hiện mức độ phát triển con người về mặt thống kê có thể so sánh được qua thời gian hoặc giữa các nước, ngày nay đã trở thành nổi tiếng và phổ biến: chỉ số phát triển con người (human development index, HDI). Sau này, với thời gian, nhiều nội dung khác đã được bổ sung như: quyền con người, phát triển con người nhìn từ góc độ giới (qua biểu hiện của GDI, chỉ số phát triển giới), bền vững môi trường, tham gia của người dân, ...  Người ta cho rằng dòng lý luận này đã đưa ra một hệ quan niệm mới cho phát triển, trở thành một khuôn khổ lý thuyết mới cho nghiên cứu và chiến lược phát triển.

 

1.3.5. PHÁT TRIỂN CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN

Trong thực tế, mối quan hệ giữa nhà nước với người dân, giữa các giai tầng bên trên với đông đảo dân chúng, là một trong những nội dung cơ bản phân biệt các quan niệm và lý luận khác nhau về phát triển. Đến thập niên 1970 đã nổi lên một hướng nghiên cứu mới về mối quan hệ trên, xoay quanh một số quan niệm như “phát triển có sự tham gia của người dân”, “phát triển dựa trên nhu cầu cơ bản”, “phát triển dựa trên tăng cường năng lực”, v.v…

Quan điểm hiện đại hóa cổ điển. Trong những năm 1950-1960, một số lý thuyết gia theo quan điểm hiện đại hóa cho rằng tham gia và dân chủ không tương thích với tăng trưởng kinh tế nhanh. Họ cho rằng lôi cuốn người dân quá nhiều vào việc ra quyết định có thể cản trở tăng trưởng, vì người dân thường chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, thiếu tầm nhìn. Nhưng một số tác giả lại cho rằng sự tham gia rộng rãi vào đời sống chính trị có thể hoà hợp với tăng trưởng kinh tế và hiện đại hoá, nếu thiết lập được những kênh tổ chức và kiểm soát có hiệu quả. Chẳng hạn, S. Huntington nêu lên một luận thuyết khá quan trọng về mối tương quan giữa mức độ tham gia và tiến trình định chế hoá. Ông cho rằng điểm mấu chốt là giữ cho mức độ tham gia công cộng không vượt quá mức định chế hoá; mức độ tham gia cần được chuyển vào những kênh định chế vận hành nhất trí với chính sách chung của nhà nước. Trong thực tế, một số nhà nước trong các nước đang phát triển đã chấp nhận quan điểm này và áp dụng vào thực tế quản lý của họ.

Mô hình Đông Á. Một số nhà nước Đông Á, nơi đã có sự thành công kinh tế vang dội, lại đề cao "các giá trị châu Á" với hàm nghĩa là phải thực hiện chính sách kiểm soát mức độ dân chủ và tham gia trong tiến trình phát triển nếu muốn đạt được mục tiêu. Quả thực các nhà lãnh đạo tán thành quan điểm trên đã có thành tích lớn trong việc đưa đất nước họ đạt được mục tiêu phát triển. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người trong những nước đó cũng như ở bên phương Tây phê phán về mức độ đúng đắn của các thực tế phát triển ấy, nêu lên nhiều bằng chứng về các hậu quả của sự thiếu dân chủ trong tiến trình phát triển.

Quyền lực tham gia không cân xứng trong phát triển. Trong thập niên 1950-1960, một số nhà nghiên cứu được coi là mác-xít đã có những công trình về giai cấp và nhà nước trong các nước đang phát triển. Họ cho rằng hình thái phát triển kinh tế sẽ bị định hình bởi khuôn mẫu và mức độ tham gia của dân chúng. Họ nhấn mạnh đến sự tham gia không cân xứng: các giai tầng xã hội có cơ hội rất khác nhau trong việc tiếp cận và ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của nhà nước. Chính sách kinh tế và ảnh hưởng của nó lên khuôn mẫu phát triển thường bị định hình bởi các giai tầng có quyền lực, có cơ sở hạ tầng tổ chức mạnh, có cơ hội dễ dàng tiếp cận đến nhà nước. Thông thường đây cũng là những giai tầng thống trị về mặt kinh tế trong sản xuất và thị trường. Nhà nước không phải là một tổ chức trung tính, mà nó tổ chức và xúc tác cho sự tham gia chính trị của giai tầng có quyền lực, đồng thời giảm bớt tính tổ chức của các giai tầng khác.

Phát triển có sự tham gia của người dân. Giữa những năm 1970 nổi lên dòng lý luận mới về sự tham gia của người dân trong phát triển. Khác với lý thuyết hiện đại hoá, dòng quan niệm này cho rằng sự tham gia là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế; người nghèo phải nhận được phần công bằng trong thành quả của phát triển. Nhưng khác với lý thuyết mác-xít những năm 1950-1960, quan niệm này lại nhìn thấy ở nhà nước một vai trò tích cực: nó cho rằng có thể động viên và tổ chức người dân, nhất là người nghèo, tham gia vào phát triển với sự trợ giúp tích cực của nhà nước. Mặc dù sẽ có nhiều trở ngại từ phía các giai tầng nắm quyền lực, song sự tham gia của người nghèo là có thể thực hiện được và điều này có lợi cho phát triển quốc gia. Lý thuyết này không công nhận quan niệm về mâu thuẫn đối kháng và những lợi ích loại trừ nhau trong đấu tranh của các giai cấp, nó cho rằng mọi giai tầng về cơ bản đều có lợi trong sự tham gia của người dân. 

Phát triển dựa trên nhu cầu cơ bản. Các tìm tòi và tranh luận về lý thuyết đã dẫn đến sự hình thành dòng quan niệm tạm thể hiện theo công thức “phát triển=nhu cầu cơ bản", một quan niệm mà một số nước Bắc Âu và các tổ chức phát triển quốc tế đã có tiếng nói tích cực (ILO, WB, UNDP). Quan niệm này gắn với ý tưởng rằng nhu cầu cơ bản của con người là xuất phát điểm của mọi chiến lược phát triển, việc thoả mãn nhu cầu cơ bản của hàng triệu người nghèo trong Thế giới thứ ba phải là ưu tiên trước hết trong mọi nỗ lực phát triển. Nó cũng dựa trên một ý tưởng rằng người nghèo không tự động được hưởng lợi từ những kết quả của tăng trưởng trong giai đoạn thịnh vượng, nhưng lại là nạn nhân đầu tiên trong giai đoạn đình trệ và suy thoái. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đặc thù để cải thiện đời sống cho người nghèo, tức là cần có chương trình mục tiêu cho những nhu cầu cơ bản của người nghèo. Quan niệm này đối ngược lại với một quan niệm chính thống trước kia cho rằng thành quả của phát triển có xu hướng sẽ tự động chuyển dần từ trên xuống (trick down).     

Phát triển là tăng cường năng lực cho người dân. Cùng với thời gian, khái niệm phát triển đã chuyển từ một sự copy đơn giản mô hình của các nước công nghiệp hoá và nhấn mạnh một chiều đến các yếu tố kinh tế sang tiếp cận phức thể hơn. Một số nghiên cứu đề xướng dòng quan niệm mới: gắn phát triển với năng lực ra và thực hiện quyết định. Theo quan niệm này, một xã hội là phát triển trước hết khi nó biểu lộ khả năng (ability) và năng lực (capacity) tốt hơn trong việc ra các quyết định và thực hiện chúng một cách hiệu quả. Dòng quan niệm này đôi khi được gọi là tiếp cận “tăng cường năng lực cho phát triển” (capacity-building) và có những điểm tương đồng với lý luận hiện đại hoá biện chứng. Nó nhấn mạnh đến hoàn cảnh đặc thù của các xã hội khác nhau và nhấn mạnh đến những ưu tiên của người dân, nhấn mạnh sự tham gia có hiệu quả của người dân vào quá trình ra quyết định như là một yếu tố không thể thiếu của toàn bộ quá trình phát triển.

Ở đây cần cảnh giác với một cái “bẫy” lý luận cũng như hành động. Cũng đề cao sự tham gia của người dân, song trong quan niệm và hành động thực tiễn người ta có thể rơi vào hai thái độ rất khác nhau, làm ảnh hưởng đến bản chất và hệ quả của sự tham gia. Thái độ thứ nhất xem sự tham gia là phương tiện hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu phát triển, mà những mục tiêu này thì đã xác định trước từ bên trên hoặc từ bên ngoài quần chúng nhân dân nói chung hoặc bên ngoài một cộng đồng mà các “nhà phát triển” muốn giúp đỡ. Thái độ thứ hai xem tham gia của người dân là mục đích tự thân, là chính bản thân nội dung phát triển. Thái độ thứ nhất dẫn đến cách làm theo đó các nhà ra quyết định ở trung ương thay mặt (nhân danh) người nghèo xây dựng các chiến lược để rồi sau đó lôi kéo người dân tham gia vào quá trình thực hiện. Như vậy thì những nhu cầu cơ bản của người nghèo là do người khác xác định chứ không phải do chính bản thân họ. Thái độ thứ hai, được gọi là tiếp cận có sự tham gia của người dân, xem sự tham gia của dân chúng là mục tiêu tự thân và là quá trình thông qua đó các mục tiêu khác của phát triển được xác định. Trong quan niệm này, năng lực phải ngày càng được chuyển từ cấp quốc gia xuống cấp địa phương và cơ sở, từ cấp độ chính quyền xuống cấp độ ngưòi dân. Người nghèo về kinh tế thì cũng sẽ yếu về chính trị, do đó không có khả năng tác động vào việc hình thành các mục tiêu quốc gia. Để thay đổi tình trạng này và bảo đảm cho họ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định và xác định các nhu cầu thực sự của họ, người dân cần được trao quyền sao cho họ có thể tiếp cận được đến nhà nước và những người ra quyết định ở cấp trung ương. 

Trong chiến lược sự tham gia của người dân mà các tổ chức quốc tế khởi xướng có xu hướng xem sự tham gia như là một phương tiện chứ không phải là mục tiêu tự thân. Trong quá trình tiến hành các dự án phát triển, các tổ chức này nhấn mạnh đến việc lôi cuốn sự tham gia của các nhóm hưởng lợi. Thế nhưng sự tham gia được nhấn mạnh ở đây có vẻ như là để ủng hộ cho những mục tiêu và ưu tiên đã được xác định trước bởi các cơ quan chức năng, mặc dù cũng đã có những quy chế yêu cầu tạo điều kiện cho người dân tham gia ngay cả trong giai đoạn này. Như vậy là các chiến lược ấy đã thực hiện theo quan niệm của S. Huntington - sự tham gia không vượt quá tiến trình định chế hoá, bằng cách kết hợp giữa nâng cao sự tham gia với việc tăng cường năng lực của các định chế chính phủ địa phương. Người ta đã chú trọng đến tái sắp xếp định chế để nó thích nghi hơn với sự tham gia ngày càng tăng lên của người dân. Lập luận ở đây là các cơ quan nhà nước địa phương mong muốn theo đuổi chiến lược giảm nghèo và dân chủ, chúng cần phải tái cấu trúc để có thể phân phối các nguồn lực đáp ứng với yêu cầu của người dân.

 

1.3.6. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Báo cáo của Uỷ ban Brundtland công bố năm 1987 đã trở thành một điểm mốc khi nó đưa ra khái niệm “phát triển bền vững”. Phát triển bền vững được hiểu như là một quá trình thỏa mãn những nhu cầu con người hiện tại mà không gây thiệt hại cho những cơ hội của các thế hệ sau trong việc thoả mãn nhu cầu của họ. Báo cáo nêu trên cho rằng việc thỏa mãn các nhu cầu và nguyện vọng của con người là mục tiêu quan trọng nhất của mọi nỗ lực phát triển trên toàn thế giới. Hàng trăm triệu người nghèo chưa có quyền công bằng đối với việc thoả mãn những nhu cầu cơ bản và khát vọng có một cuộc sống tốt hơn. Các nhu cầu và mong muốn được quy định về mặt xã hội và văn hóa về một cuộc sống xa xỉ cần phải bị từ chối như là những điều trái ngược với nguyên tắc phát triển bền vững trên quan điểm toàn cầu. Báo cáo này cho rằng phát triển bền vững đòi hỏi khuyến khích một tiêu chuẩn tiêu dùng có tính đến các giớí hạn sinh thái và tính đến mức độ mà toàn thể nhân loại trên thế giới có thể mong muốn một cách hiện thực. Lập luận về giới hạn và tiêu chuẩn tiêu dùng dựa trên nhu cầu cơ bản cho đến nay vẫn còn gây nên tranh cãi. Nhưng lập luận về tính bền vững môi trường thì ngay lập tức đã có được sự nhất trí rộng rãi. Quan niệm phát triển bền vững ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn căn bản cho mọi hoạch định mục tiêu và chiến lược phát triển.

 

1.3.7. PHÁT TRIỂN LÀ MỘT LỊCH SỬ CỤ THỂ VÀ TỪ NHU CẦU BÊN TRONG

Nếu chú ý đến các mặc định nhận thức luận (epistemological assumptions) trong các lý thuyết về phát triển, ta sẽ thấy nhiều quan niệm phát triển trình bày ở trên có một hàm ý: mọi nền văn hoá khác nhau rồi sẽ đi theo một khuôn mẫu tiến hóa chung. Đây là một mặc định phương pháp luận cơ bản thịnh hành trong thế kỷ XIX, và như ta thấy vẫn còn phổ biến trong nửa sau thế kỷ XX. Một biểu hiện rõ rệt là thuyết hội tụ.

Phản ứng với quan niệm này, trong nhân học xã hội đã nảy sinh một dòng quan niệm, theo đó phát triển là một lịch sử không phải theo nghĩa phổ quát mà theo nghĩa như là lịch sử riêng của mỗi nền văn hóa. Mọi nền văn hóa đều bình đẳng, như nhau, không nền văn hóa nào có thể xác định các mục tiêu của phát triển nhân danh nền văn hóa khác. Nhà nghiên cứu phải phát hiện và mô tả các nền văn hóa cụ thể càng chính xác càng tốt, không phải từ quan điểm thay đổi chúng mà là để hiểu chúng, hiểu nền tảng riêng của chúng. Như vậy, phát triển phải là một quá trình có nền tảng từ văn hoá bên trong, một quá trình không phải được quyết định từ bên ngoài. Phát triển là gì, cần phải là gì, được thực hiện như thế nào, điều này được tự quyết định bên trong mỗi nền văn hoá, chứ không phải từ bất cứ nền văn hóa bên ngoài nào. Bằng cách đó những khác biệt trong thế giới mới được tôn trọng thực sự, và lịch sử của mỗi nền văn hóa cụ thể mới được thừa nhận là bình đẳng với lịch sử của mọi nền văn hóa khác. Và chỉ như vậy, phát triển mới trở thành tự phát triển (self-development). Có thể đặt tên cho quan niệm này là “phát triển là một lịch sử cụ thể nội tại”. Luận thuyết này có một ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển, nó ngày càng nhận được sự đồng tình rộng rãi.

 

1.4. TỪ LÝ LUẬN ĐẾN ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG VÀ TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH

Các quan điểm lý thuyết không phải là những thao tác thuần túy hàn lâm, chỉ được bàn thảo trong khuôn viên cơ sở nghiên cứu. Lý luận xã hội không phải là cái gì đó rất xa rời thực tế như một số nhà chính trị, nhà làm chính sách, thậm chí một số nhà nghiên cứu, vẫn nghĩ. Lê Nin nói: không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Trên thực tế, không có phong trào xã hội nào mà lại không có một hệ thống diễn giải lý luận của nó (đi trước hoặc/và kèm theo); không có một chính sách nào, một chuỗi hành động nào mà lại không dựa trên những mặc định lý luận, dù được ý thức rõ ràng hay bị chi phối ngầm mà người hành động không tự ý thức được.

Kinh nghiệm lịch sử dẫn đến sự thừa nhận rộng rãi rằng lý thuyết xã hội ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt động làm chính sách. T.G. Buchholz viết “Các vấn đề chính sách kinh tế mà chúng ta tranh luận hôm nay … đã được các nhà kinh tế thảo luận hơn hai thế kỷ rồi. Nhiều chính sách kinh tế hôm nay - cả những chính sách hay lẫn chính sách dở - đều là kết quả tư tưởng của các nhà kinh tế trong quá khứ” (T.G. Buchholz, 2007, trang 11). Toàn bộ cuốn sách “Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối” của ông thể hiện rằng giữa lý luận, tư tưởng và hành động chính sách có một mối liên hệ vô cùng mật thiết.

Bảng 1.1 tóm tắt lại 18 quan điểm lý luận trình bày ở trên và thử đưa ra những minh họa về việc từ những quan điểm đó có thể đề xuất những định hướng tư tưởng như thế nào trong việc hoạch định đường lối, và có thể xây dựng nên những định hướng chính sách như thế nào trong thực tiễn cụ thể.

Chẳng hạn, quan điểm duy vật lịch sử mà bản thân Mác đã thực sự phát biểu là quan hệ và trật tự logic biện chứng từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, qua xã hội dân sự, giai cấp, tới nhà nước, hệ tư tưởng. Quan điểm lý luận này đáng lẽ phải được đưa vào định hướng tư tưởng và từ đó triển khai vào các chính sách theo hướng lấy sự phát triển của lực lượng sản xuất làm xuất phát điểm, không được tách rời giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã đi ngược lại logic đó, kết quả lâu dài dẫn đến thất bại. Các chính sách cơ bản hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa cải cách hoặc đổi mới như Trung Quốc và Việt Nam thể hiện việc đảo ngược định hướng tư tưởng và chính sách trước kia.

 

1.5. LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ: TÓM TẮT VÀ KIẾN NGHỊ

Nhiều văn kiện gần đây của Đảng nhắc đến tình trạng công tác lý luận và tư tưởng còn nhiều chậm trễ. Thúc đẩy những tìm tòi lý luận mới để diễn giải hiện thực xã hội (quốc tế và trong nước) là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Chương Một cố gắng hệ thống một số quan điểm lý luận đã được chia sẻ trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển xét từ cách nhìn xã hội học; từ đó gợi ý cách nhìn vào thực tế đó ở Việt Nam. Xin nêu lên một số kiến nghị sau đây.

+ Thúc đẩy công tác hệ thống hóa những thành tựu lý luận quốc tế, kết hợp với tổng kết thực tiễn Việt Nam để đưa ra những diễn giải lý luận mới. Bên cạnh việc thúc đẩy công tác trên theo chiều rộng (mở ra thể chế và nguồn tài trợ rộng rãi để nhiều cá nhân và tổ chức có thể tiếp cận), nên có giải pháp thúc đẩy trọng điểm: hình thành và tài trợ cho một số nhóm nghiên cứu cao cấp cùng nghiên cứu một cách độc lập về những vấn đề lý luận chủ yếu hiện nay của thời đại và của Việt Nam.

+ Trên cơ sở đó, tổ chức các nhóm/ đề tài nghiên cứu rà soát sự thích ứng và nhất quán giữa diễn giải lý luận với các định hướng tư tưởng và chính sách hiện tại (như được minh họa trong Bảng 1.1). Sự bất tương thích giữa diễn giải lý luận về vấn đề trung tâm hiện nay (công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển) với định hướng tư tưởng và chính sách là nguyên nhân gây ra trạng thái thiếu rõ ràng hiện nay trong công tác tư tưởng và hành động thực tế.

+ Nhìn toàn bộ quá trình lịch sử thế giới hiện nay như là một quá trình thống nhất của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phát triển đầy đủ, quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, trong đó những nước phát triển cao đã đạt được những bước tiến hơn cả. Cần xem những nước này là những biểu hiện cụ thể của một hình mẫu chung của nhân loại mà các nước đi sau trong đó có Việt Nam nên học hỏi. Chấp nhận quan điểm này thực chất là tôn trọng tiếp cận cơ bản của chính bản thân Mác.

+ Logic với quan điểm nói trên, có thể tạm thời sử dụng các lý luận và phép đo phát triển của UNDP như là một khung quy chiếu chung cho quá trình phát triển xã hội quốc gia. Dĩ nhiên, đây không thể là một khung quy chiếu duy nhất, mà chỉ là một trong những khung then chốt, có độ tin cậy và độ thích ứng tương đối cao với hiện thực quốc tế hiện nay. Thực ra trong thực tế, nhiều cơ quan lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam đã và đang sử dụng khung quy chiếu này trong việc giải thích và điều hành chính sách.

Bảng 1.1. Lý luận, định hướng tư tưởng và triển khai vào định hướng chính sách

 

Lý luận

Nội dung lý luận

Định hướng tư tưởng và triển khai vào chính sách (minh họa)

1. Chủ nghĩa Mác nguyên bản

Quan hệ và trật tự logic biện chứng từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, qua xã hội dân sự, giai cấp, tới nhà nước, hệ tư tưởng.

Tuân thủ trật tự logic biện chứng, không tách rời giữa các thành tố và không đi ngược lại logic này.

2. Chức năng-cấu trúc-tiến hóa

Hiện đại hóa là quá trình phát triển lịch sử mang tính toàn cầu.

Môi trường quốc tế hiện tại là xuất phát điểm trong chiến lược phát triển của đất nước.

Hiện đại hóa: thiết lập một hệ thống chức năng-cấu trúc hiện đại, gồm các định chế khác biệt hóa ngày càng sâu về mặt chức năng.

Ưu tiên việc thiết lập đúng đắn những cơ cấu nền của hệ thống xã hội (chính trị, kinh tế, pháp lý) như là bộ khung kiến trúc của xã hội.

Xu hướng chủ đạo của biến đổi xã hội hiện đại: thay thế các định chế và các vai trò đa chức năng bằng các đơn vị chuyên môn hoá hơn.

oChủ động chuyên môn hóa, khác biệt hóa sâu rộng các định chế và tổ chức.

oĐảm bảo tính độc lập tương đối của các định chế, tổ chức.

Định chế là sự hợp tác được quy tắc hoá, nhằm đáp ứng một hay một vài nhu cầu xã hội cơ bản. Là một tập hợp của: ý tưởng hay định luận, một tập hợp người đảm nhiệm những vai trò nhất định, một văn hoá hướng dẫn và điều chỉnh ứng xử, thể nền vật chất gắn với định chế.

oƯu tiên xây dựng các định chế hiện đại cơ bản: hiến pháp và các đạo luật cơ bản, các nhánh quyền lực của nhà nước, thị trường, xã hội dân sự, giáo dục, y tế.

oChú trọng xây dựng đồng bộ cả bốn thành tố của cấu trúc định chế.

Khác biệt hóa dẫn đến căng thẳng và xung đột, điều tạo ra yêu cầu tăng cường liên kết xã hội

Giải quyết mối cân bằng giữa tăng khác biệt hóa và liên kết xã hội.

3. Hành động xã hội

Các hệ thống xã hội là sản phẩm sáng tạo của con người

oĐường lối và chính sách cần hướng vào thực tiễn, không phải vào giáo điều.

oCó khả năng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhanh chóng.

4. Cấu trúc hóa

oKết hợp cấu trúc và hành động: cấu trúc vừa là câu thúc vừa là nguồn lực của hành động.

oCó một không gian rộng lớn dành cho chủ thể sáng tạo. Con người có thể tạo nên nhanh chóng những cấu trúc xã hội hoàn toàn mới bằng hiểu biết và hành động xã hội.

oKhông phải con người bị giam hãm trong những cấu trúc, thụ động chờ đợi cấu trúc "tự tiến hoá", mà cấu trúc là sản phẩm của hành động con người, hoàn toàn có thể và chỉ có thể "bị" thay đổi duy nhất bởi chính hành động con người.

oCác định chế, tổ chức, quy tắc lỗi thời có thể bãi bỏ nhanh chóng được.

oCó khả năng thiết lập ngay những định chế, tổ chức, quy tắc, chính sách cập nhật với thời đại (ví dụ đã thực hiện: nối mạng internet, vào WTO).

oKhông gian sáng tạo cho khu vực xã hội dân sự là điều kiện cho hiện đại hóa nhanh.

oChất lượng và sự tự do hành động của nguồn nhân lực là điều kiện cho hiện đại hóa nhanh.

 

5. Biến đổi xã hội

Là quá trình thay đổi cấu trúc, các chức năng xã hội liên tục tái thích ứng để lập lại cân bằng, đồng thời là quá trình xung đột lợi ích.

oChú trọng biến đổi về chất liên quan đến thay đổi cấu trúc.

oChú trọng kiểm sóat cân bằng và xung đột.

6. Phát triển trước hết là phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế: quá trình trong đó thu nhập đầu người thực tế tăng lên trong giai đoạn dài, tăng việc làm, giảm nghèo, bất bình đẳng thu hẹp hoặc ít nhất cũng không tăng lên.

oPhát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.

oKhắc phục định hướng chính sách chỉ nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế, chỉ nhấn mạnh tốc độ tăng GDP.

oPhân phối công bằng.

oƯu tiên chiến lược tăng trưởng kinh tế lấy việc làm làm trọng tâm.

7. Tăng trưởng kinh tế và bất bình  đẳng

oTăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gắn với bất bình đẳng; vai trò quyết định là ở chính sách.

oBình đẳng và công bằng xã hội có lợi cho tăng trưởng kinh tế.

oChống tư tưởng chấp nhận tăng trưởng kinh tế đi trước, khắc phục bất bình đẳng sau.

oƯu tiên chính sách kết hợp ngay từ đầu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng.

8. Phát triển theo hướng tăng độc lập tự chủ

oPhát triển là nhằm đạt được độc lập quốc gia thực sự và tiến bộ kinh tế tự thân.

oCác nước phải đi lên trên căn bản dựa vào các tiền đề và nguồn lực riêng của mình.

oChính sách khuyến khích nội lực.

oXây dựng giới làm chính sách và giới nghiên cứu yêu nước, có năng lực.

oXây dựng nguồn nhân lực bản xứ.

9. Quan điểm mác-xít thập niên 1960 về lộ trình và bước đi trong sự phát triển của các nước Thế giới thứ ba

oSử dụng chủ nghĩa tư bản để phát triển những tiền đề vật chất cần thiết cho chủ nghĩa xã hội.

oMục tiêu lâu dài của các nước đang phát triển là nền kinh tế dân chủ nhân dân.

oTập trung vào những phương án phát triển hiện thực cho các nước chậm phát triển: dân chủ hoá đời sống kinh tế và chính trị, xây dựng một nhà nước mạnh tập trung và một khu vực công cộng chủ đạo, đồng thời tăng quyền lực cho người dân, tự quản địa phương, hợp tác xã. 

oHệ thống kinh tế hỗn hợp.

oĐoàn kết toàn dân là động lực của phát triển.

oNhà nước mạnh nhưng quy mô phù hợp và hiệu quả.

oKhu vực kinh tế công cộng quy mô phù hợp và hiệu quả.

oKhuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình.

oSự tham gia của người dân.

oChống tham nhũng.

10. Lý thuyết hiện đại hóa cổ điển

oHiện đại hóa: một quá trình mà cốt lõi là công nghiệp hóa và những quá trình biến đổi tương thích trong chính trị, văn hóa và xã hội.

oLà một sự biến đổi cấu trúc trong đó các xã hội truyền thống và lạc hậu ở các nước Thế giới thứ ba phát triển theo hướng ngày càng giống hơn với các nước phương Tây.

oNhững nguyên lý mang tính đặc trưng của xã hội hiện đại: hợp lý hóa, khác biệt hóa, hiện đại hóa văn hóa, dân chủ, pháp trị.

oNhững đặc trưng của xã hội hiện đại: phân công và chuyên môn hoá rộng rãi lao động, năng suất lao động cao, tăng trưởng kinh tế ổn định, mức sống cao, phân phối tương đối đồng đều, nhà nước dân chủ và điều hành hiệu quả.   

oThừa nhận xu hướng phổ quát của tiến trình phát triển thế giới, chống tư tưởng nhấn mạnh thái quá tính đặc thù.

oChủ động điều chỉnh sự bất tương thích giữa các tốc độ biến đổi trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

oCông tác tư tưởng đề cao các nguyên lý phổ quát, các đặc điểm chung của tổ chức xã hội hiện đại.

oThúc đẩy lối sống công nghiệp.

oTriển khai thực sự các nguyên lý phổ quát của xã hội công nghiệp hóa hiện đại hóa vào các chính sách cụ thể.

 

11. Lý thuyết hiện đại hóa biện chứng

oHiện đại hóa: quá trình xã hội ngày càng chấp nhận nhiều hơn các yếu tố hiện đại, nhưng là một quá trình biện chứng.

oTruyền thống không nhất thiết cản trở sự phát triển, các định chế hiện đại có thể trong những thời điểm và bối cảnh nhất định lại cản trở phát triển, không vận hành một cách suôn sẻ, vì không tương thích với các truyền thống của xã hội.

oCác định chế xã hội truyền thống là năng động, đa dạng và có khả năng sống sót trong tiến trình hiện đại hoá. Cái truyền thống và cái hiện đại là những hiện tượng xã hội tương tác một cách biện chứng.

oHiện đại hóa không phải là phổ quát  với mục tiêu tối hậu: tương đồng tối đa với các xã hội Âu-Mỹ đã công nghiệp hóa. Hiện đại hóa phải tương thích với hoàn cảnh đặc thù của mỗi xã hội và phù hợp với ý nguyện của người dân sống trong xã hội đó.

oVận dụng có chọn lọc các định chế xã hội hiện đại phù hợp với môi trường và truyền thống bản địa.

oTăng cường bản sắc văn hóa bản địa.

oVận dụng nền văn hóa và các định chế truyền thống phục vụ phát triển.

oXây dựng thực sự các định chế hiện đại, đảm bảo cho chúng có thể vận hành đúng chức năng.

oChống xu hướng truyền thống hóa các định chế hiện đại để phục vụ các lợi ích nhóm (đưa các cấu trúc lạc hậu vào cái vỏ định chế hiện đại).

oTôn trọng ý nguyện của nhân dân và các nhóm xã hội khác nhau.

12. Lý thuyết phát triển con người

oPhúc lợi con người là mục tiêu tối cao và bản chất của phát triển.

oNâng thu nhập chỉ là phương tiện cho phúc lợi con người.

oThừa nhận và triển khai tư tưởng “con người là trung tâm của phát triển”

oPhát triển hệ thống các chỉ báo phát triển con người vào giám sát kết quả chính sách.

13. Quan điểm mác-xít thập niên 1960 về sự tham gia

oHình thái phát triển kinh tế sẽ bị định hình bởi mức độ và cách thức tham gia của người dân.

oCác giai tầng xã hội có cơ hội rất khác nhau trong việc tiếp cận và ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của nhà nước.

oChính sách kinh tế và ảnh hưởng của nó lên mô hình phát triển bị định hình bởi các giai tầng có quyền lực, có cơ sở hạ tầng tổ chức mạnh, nắm quyền lực kinh tế, có cơ hội dễ dàng tiếp cận đến nhà nước.

oNhà nước không phải là một tổ chức trung tính, mà nó tổ chức và xúc tác cho sự tham gia chính trị của giai tầng có quyền lực, đồng thời giảm bớt tính tổ chức của các giai tầng khác.

oThừa nhận logic kinh tế-chính trị “quyền lực và sức mạnh kinh tế ảnh hưởng đến cách thức phát triển” để triển khai các chính sách và cơ chế nhằm hạn chế tác động ích kỷ của các nhóm có sức mạnh kinh tế và chính trị đến lợi ích phát triển chung. 

oPhát triển khu vực xã hội dân sự để cân bằng các lợi ích và ảnh hưởng của các nhóm xã hội khác nhau.

oXây dựng khu vực nhà nước và bộ máy công chức cam kết với lợi ích chung và điều hành có hiệu quả.

14. Lý thuyết tham gia của người dân

oViệc người dân tham gia rộng rãi vào đời sống chính trị là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

oSự tham gia có thể hoà hợp với tăng trưởng kinh tế và hiện đại hoá, nếu thiết lập được những kênh tổ chức và kiểm soát có hiệu quả.

oTham gia của người dân là mục đích tự thân, là chính bản thân nội dung phát triển.

oNgười nghèo phải nhận được phần công bằng trong thành quả của phát triển.

oNhà nước có khả năng động viên và tổ chức người dân, nhất là người nghèo, tham gia vào phát triển.

oDù sẽ có nhiều trở ngại từ phía các giai tầng nắm quyền lực, sự tham gia của người nghèo là có thể thực hiện được.

oQuán triệt tư tưởng sự tham gia của người dân là mục tiêu tự thân, không phải là phương tiện được huy động cho các mục tiêu khác.

oĐịnh chế hóa các hoạt động tham gia của người dân.

oMở rộng không gian hoạt động của khu vực xã hội dân sự.

oTăng cường lợi ích và tiếng nói của các nhóm yếu thế.

oXây dựng khu vực nhà nước và bộ máy công chức có cam kết và khả năng với chức năng phục vụ sự tham gia của người dân, nhất là của các tầng lớp yếu thế.

15. Quan điểm phát triển dựa trên nhu cầu cơ bản

oNhu cầu cơ bản của con người là xuất phát điểm.

oThoả mãn nhu cầu cơ bản của hàng triệu người nghèo trong Thế giới thứ ba phải là ưu tiên trước hết trong mọi nỗ lực phát triển.

oLogic kinh tế-chính trị “nghèo hoặc không được gì hoặc bị vạ lây”: người nghèo không tự động được hưởng lợi từ tăng trưởng trong giai đoạn thịnh vượng, nhưng lại là nạn nhân đầu tiên trong giai đoạn đình trệ và suy thoái. Do đó, cần có chương trình mục tiêu cho những nhu cầu cơ bản của người nghèo.

oKhông phải hệ thống xã hội, các tổ chức và các giáo điều, mà nhu cầu của con người hiện thực mới là căn cứ xuất phát điểm của chính sách.

oChính sách định hướng vào nhu cầu cơ bản của người dân lao động (ví dụ: chính sách khuyến khích thực phẩm và hàng tiêu dùng cơ bản hay thực phẩm và hàng tiêu dùng cao cấp nhập khẩu, thể dục thể thao toàn dân hay thể dục thể thao đỉnh cao và phục vụ trình diễn).

oChính sách xã hội có mục tiêu và hiệu quả để giảm nhẹ và thay đổi “logic kinh tế-chính trị của sự nghèo khổ”.

16. Quan điểm tăng cường năng lực

oMột xã hội là phát triển trước hết khi nó biểu lộ khả năng và năng lực tốt hơn trong việc ra các quyết định và thực hiện chúng một cách hiệu quả.

oNhấn mạnh đến hoàn cảnh đặc thù của các xã hội khác nhau và những ưu tiên của người dân.

oSự tham gia có hiệu quả của người dân vào quá trình ra quyết định là một yếu tố không thể thiếu của toàn bộ quá trình phát triển.

oThừa nhận nguyên lý sự tham gia của người dân vào phát triển.

oĐảm bảo không gian tự do cho các chọn lựa của con người, của các nhóm xã hội.

oĐảm bảo hệ thống giáo dục đi trước, mang tính đột phá trong tiến trình hiện đại hóa.

oXây dựng xã hội học tập.

17. Phát triển bền vững

oThoả mãn các nhu cầu và nguyện vọng của con người là mục tiêu quan trọng nhất của mọi nỗ lực phát triển.

oQuyền công bằng đối với việc thoả mãn những nhu cầu cơ bản và khát vọng có một cuộc sống tốt hơn của đa số dân nghèo.

oCác nhu cầu và mong muốn về một cuộc sống xa xỉ cần phải bị từ chối như là những điều trái ngược với nguyên tắc phát triển bền vững trên quan điểm toàn cầu.

oĐòi hỏi khuyến khích một tiêu chuẩn tiêu dùng có tính đến các giớí hạn sinh thái và tính đến mức độ mà toàn thể nhân loại trên thế giới có thể mong muốn một cách hiện thực.

oCoi phát triển bền vững là nguyên tắc không thể khoan nhượng chỉ đạo mọi hoạt động phát triển.

oCân bằng giữa nhu cầu phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên nguyên tắc đề cao nhu cầu và tầm nhìn dài hạn.

oCân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường; cảnh giác cao với áp lực của tăng trưởng kinh tế và lợi ích của các nhóm quyền lực kinh tế.

oChính sách hướng về nhu cầu cơ bản và khát vọng của đa số dân lao động.

oChính sách hướng về đáp ứng hợp lý nhu cầu hiện tại nhưng bảo đảm cho tương lai.

oChính sách thân thiện với môi trường.

18. Quan điểm phát triển là một lịch sử cụ thể nội tại

oPhát triển không phải là một lịch sử phổ quát mà là lịch sử riêng của mỗi nền văn hoá.

oMọi nền văn hoá đều bình đẳng, không nền văn hóa nào có thể xác định mục tiêu phát triển nhân danh nền văn hóa khác.

oPhát triển là một quá trình có nền tảng từ văn hoá bên trong, một quá trình không phải được quyết định từ bên ngoài.

oĐộc lập tự chủ trong phát triển, không sao chép giáo điều bên ngoài, không mù quáng chỉ dựa trên lý luận bên ngoài.

oTăng cường sức mạnh văn hóa truyền thống.

oThừa nhận quyền phát triển theo cách riêng của các dân tộc thiểu số trong khuôn khổ luật pháp quốc gia chung.

Nguồn: Bùi Thế Cường.

(còn nữa)

 

 

 

(*).  Nguồn: Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 2010.

Đề tài KX.02.10 “Các vấn đề xã hội và môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” thuộc Chương trình Khoa học xã hội cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005 mã số KX.02 “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa - Con đường và bước đi”. Cuốn sách này dựa trên các kết quả về phần xã hội của Đề tài nói trên, kết hợp với một số thông tin cập nhật.

Trong cuốn sách, trước hết tác giả thử xây dựng một vài quan điểm mang tính xã hội học để lý giải khía cạnh xã hội quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam trên cấp độ vĩ mô. Bản thân quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề xã hội cơ bản, bao trùm nhất. Tiếp theo, tác giả phân tích hiện trạng và những vấn đề đặt ra trong 4 chủ đề liên quan mật thiết đến khía cạnh xã hội của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay. Đó là: dân số, văn hóa, kết cấu xã hội, và phúc lợi xã hội. Đây là bốn lĩnh vực xã hội then chốt tạo nên những cột trụ của quá trình hiện đại hóa một xã hội. Chúng cũng tạo nên những động lực xã hội của quá trình này. Cuối cùng, cuốn sách đề cập đến những đặc điểm của mô hình xã hội hiện tại, những vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển hiện nay và các nhân tố bất ổn định. Trên cơ sở đó kiến nghị giải pháp liên quan đến 3 cấp độ quản lý xã hội: quản lý chiến lược, quản lý biến đổi xã hội và quản lý khủng hoảng.

Tác giả chân thành cảm ơn GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Chương trình KX.02 đã tạo điều kiện cho tác giả có cơ hội thực hiện Đề tài KX.02.10, chân thành cảm ơn nhiều đồng nghiệp đã tham gia vào viết các chuyên đề nghiên cứu của Đề tài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Ban chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số và nhà ở Trung ương. 2000. Tổng Điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999. Kết quả điều tra mẫu. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới.
  2. Bélanger, Danièler. 1995. Cơ cấu gia đình và mô hình hình thành gia đình ở Việt Nam trong những năm đầu thập kỷ 1990.
  3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường / Ngân hàng Thế giới (VIE/89/034). 1994. Dự án Quy hoạch Tổng thể Đồng bằng sông Hồng: Báo cáo Khởi đầu.
  4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. 2003. Toạ đàm "Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Hà Nội: Khách sạn Thắng Lợi. 1/4/2003.
  5. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ). 2009. Hội thảo khởi động "Xây dựng chiến lược an sinh xã hội Giai đoạn 2011-2020. Ninh Thuận ngày 4-5/8/2009.
  6. Bộ Ngoại giao. 1995. Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
  7. Bộ Y tế và Tổng cục thống kê. 2003. Báo cáo kết quả Điều tra y tế quốc gia 2001-2002. Hà Nội.
  8. Buchholz, Todd G. 2007. Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức. 
  9. Bùi Quang Dũng. 2004. Nhập môn lịch sử xã hội học. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  10. Bùi Thế Cường. 1999. Phúc lợi xã hội Việt Nam trong những năm 90. Tạp chí Xã hội học, số  3&4.1999.
  11. Bùi Thế Cường. 2001. Già hoá dân số Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách người cao tuổi. Tạp chí Xã hội học. Số 1.2001.
  12. Bùi Thế Cường. 2001. Bầu cử Hội đồng nhân dân ở làng xã miền Bắc: Từ một đánh giá nhanh nông thôn. Tạp chí Xã hội học. Số 3/2001.
  13. Bùi Thế Cường. 2001. Chính sách xã hội và công tác xã hội ở Việt Nam thập niên 90. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. 
  14. Bùi Thế Cường (Chủ biên). 2002. Phúc lợi xã hội châu Á-Thái Bình Dương. Phúc lợi doanh nghiệp. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  15. Bùi Thế Cường. 2003a. Nghiên cứu xã hội trong thời kỳ Đổi Mới: Thử nhìn lại và hướng đến 2010. Hà Nội, 10/5/2003.
  16. Bùi Thế Cường (Chủ biên). 2003b. Phúc lợi xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới: Hiện trạng, vấn đề và điều chỉnh. Báo cáo tổng quan đề tài cấp Bộ "Phúc lợi xã hội ở Việt Nam: Hiện trạng và xu hướng". Hà Nội: Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
  17. Bùi Thế Cường (Chủ biên). 2003c. HIV/AIDS ở nơi làm việc: hiểu biết, chính sách và vai trò của phúc lợi doanh nghiệp. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. 
  18. Bùi Thế Cường. 2003d. Nỗ lực tập thể và phong trào xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá: Một khởi thảo nghiên cứu. Tạp chí Xã hội học. Số 1/2003.
  19. Bùi Thế Cường. 2003e. Đến với các lý thuyết xã hội học hiện đại: Quan điểm tiến hoá. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 4.2003. Hà Nội.
  20. Bùi Thế Cường. 2004. Cơ hội dân số và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Trong: Tạp chí Hoạt động khoa học. Hà Nội: Bộ Khoa học và công nghệ. Số 9(544)/2004.
  21. Bùi Thế Cường. 2005. Trong Miền an sinh xã hội. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia.
  22. Bùi Thế Cường. 2006. Randall Collins: Xã hội học về Đấng tối cao. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 3&4 (91-92)/2006.
  23. Bùi Thế Cường. 2006. Phân tích chức năng trong nghiên cứu xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 5(93)/2006.
  24. Bùi Thế Cường và Đỗ Minh Khuê. 2006. Một lịch sử ngắn về quan niệm phát triển. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 10(98)/2006.
  25. Bùi Thế Cường. 2006. Các lý thuyết về hành động xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 6(94)/2006.
  26. Bùi Thế Cường, Nguyễn Quang Vinh, và Joerg Wischermann. 2001. Các tổ chức xã hội Việt Nam: Một nghiên cứu ở Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
  27. Dapice, David. 2006. Những thách thức của sự phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. Hội thảo bàn tròn cấp cao lần thứ tư Dự án Hỗ trợ Tổng kết 20 năm Đổi Mới ở Việt Nam. Khách sạn Melia 15-16/6/2006.
  28. Darity Jr., William A. 2008. Xã hội dân sự. Lương Nguyễn dịch. Talawas 491. 7/9/2008.
  29. Diễn đàn Phát triển GRIPS. 2003. Gắn tăng trưởng kinh tế với giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong bối cảnh Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam
  30. Dương Trung Quốc. 2004. Đừng ngồi trong nhà và đóng tất cả cánh cửa lại. VietnamNet 14/5/2004.
  31. Đặng Kim Sơn. 2001. Công nghiệp hoá từ nông nghiệp. Lý luận Thực tiễn và Triển vọng áp dụng ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Nông nghiệp.
  32. Đặng Nghiêm Vạn. 2001. Dân tộc Văn hoá Tôn giáo. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
  33. Đặng Ngọc Dinh. 2006. Xã hội dân sự - Bản chất, cấu trúc và xu hướng phát triển ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 12(100)/2006.
  34. Đặng Nguyên Anh. 1998. Vai trò của mạng lưới xã hội trong quá trình di cư. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 2.1998. Hà Nội.
  35. Đặng Nguyên Anh. 2004. Hiện trạng và chính sách dân số trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  36. Đặng Nguyên Anh. 2009. Di cư và phát triển ở Việt Nam: Những vấn đề nổi bật cần xem xét về chính sách. Trong: Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hợp quốc. 2009. Hội thảo khoa học “Di dân, phát triển và giảm nghèo”. Hà Nội: 5-6/10/2009.
  37. Đặng Thu, 1996. Một số vấn đề về dân số Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
  38. Đinh Văn Ân (Chủ biên). 2005. Quan niệm và thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội tốc độ nhanh, bền vững chất lượng cao ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  39. Đinh Văn Ân và Hoàng Thu Hòa (Đồng Chủ biên). 2006. Đổi mới cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  40. Đinh Văn Ân và Lê Xuân Bá. 2006. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
  41. Đinh Xuân Lâm và Phạm Hồng Tung. Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam: Thử nhận diện một vài tồn tại và thách thức dưới góc nhìn lịch sử và phương pháp luận. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 10(86)/2005.
  42. Downs, Robert B. 2003. Những tác phẩm biến đổi thế giới. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động. Trang 181-280.
  43. Đỗ Hoài Nam và Võ Đại Lược (Chủ biên). 2005. Một số vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới.
  44. Đỗ Lai Thúy. 2006 (In lần thứ hai). Chân trời có người bay. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin.
  45. Đỗ Minh Cương (Chủ biên). 1994. Những luận cứ khoa học để đổi mới bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Hà Nội.
  46. Đỗ Minh Khuê. 2004. Những vấn đề xã hội của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa: Trường hợp Hà Nội. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  47. Đỗ Thiên Kính. 2002. Tìm hiểu phân tầng xã hội trong lịch sử và áp dụng vào nghiên cứu phân hoá giàu nghèo ở nước ta hiện nay. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 1.2002. Hà Nội.
  48. Đỗ Thiên Kính. 2004. Phân tầng xã hội và di động xã hội. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  49. Đỗ Thiên Kính. 2006. Công nghiệp hóa, phân tầng xã hội và đo lường di động xã hội liên thế hệ. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 11(99)/2006.
  50. Drucker, Peter. 1998. Hậu chủ nghĩa tư bản. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 4.1998. Hà Nội.
  51. Friedman, Thomas L. 2005. Chiếc Lexus và cây Ôliu: Tìm hiểu kỷ nguyên toàn cầu hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
  52. Ghesquiere, Henri. 2008. Bài học thành công của Singapore. Singapore: Cengage Learning Asia Pte Ltd. Người dịch: Phạm Văn Nga-Phạm Hồng Đức.
  53. Giang Thanh Long và Dương Kim Hồng (Chủ biên). 2007. Các vấn đề xã hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập kinh tế ở Việt Nam. Tập 1. Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF).
  54. Hà Dịu. 2008. TPHCM: Công nhân rùng rùng bỏ việc về quê. VietnamNet 22/2/2008.
  55. Hirschman, Charles và Vũ Mạnh Lợi. 1994. Gia đình và cấu trúc hộ gia đình ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học. Hà Nội. Số 3/1994.
  56. Hoàng Chí Bảo. 2005. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận Chính trị.
  57. Hoàng Tụy. 2008. Kiểu làm không giống ai là cách tụt hậu nhanh nhất. VietNamNet. 15/9/2008. Bảo Anh (thực hiện phỏng vấn).
  58. Holzmann, Robert. 2003. Quản lý rủi ro xã hội: Cơ sở lý luận xây dựng hệ thống bảo đảm xã hội. Trong: Palier, Bruno và Louis-Charles Viossat. 2003. Chính sách xã hội và quá trình toàn cầu hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Trang 41-72.
  59. Houtart, Francois. 2007. Đấu tranh chống đói nghèo theo cách của chủ nghĩa tự do mới. Tạp chí Xã hội học. Hà Nội. Số 1(97)/2007.
  60. Huntington, Samuel. 2003. Sự va chạm của các nền văn minh. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động.
  61. Iwai Misaki và Bùi Thế Cường (Chủ biên). 2010. Kỷ yếu tọa đàm Di dân ở Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  62. Kleinen, John. 2007. Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng.
  63. Lê Đăng Doanh. 2001. Đổi Mới và sự phát triển con người ở Việt Nam. Thời đại. Tạp chí nghiên cứu & thảo luận. Số 5.2001. Paris, Pháp. Trang  30-40.
  64. Lê Hữu Tầng (Chủ biên). 1997. Về động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  65. Lê Thanh Sang, 2009. Biến đổi khí hậu và sự quan tâm của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học xã hội học. Thành phố Hồ Chí Minh: Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Số 9/2009.
  66. Lê Thanh Sang, Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Lan Hương, Trần Minh Út. 2009. Quan hệ lao động và tranh chấp lao động, đình công. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (Đang xuất bản).
  67. Lê Văn Dụy. 1991. Dự tính dân số Việt Nam đến năm 2014. Thông tin Dân số. Số 6/1991.
  68. Lê Văn Dụy và Phan Thị Ngọc Trâm. 1997. Cấu trúc dân số và cơ cấu hộ gia đình. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê. 
  69. Lê Xuân Bá và Nguyễn Thị Tuệ Anh. 2006. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 15 năm (1991-2005) từ góc độ phân tích đóng góp của các nhân tố sản xuất. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
  70. Letourmy, Alain. 2003. Quản lý phi tập trung đối với hệ thống bảo hiểm xã hội và cơ chế huy động sự tham gia của người dân vào việc quản lý bảo hiểm xã hội. Một mô hình phù hợp với các nước có thu nhập thấp. Trong: Khoá họp lần thứ tư Diễn đàn kinh tế-tài chính Việt-Pháp "Vì một xã hội và sự tăng trưởng công bằng". Thành phố Hồ Chí Minh, 10-11/9/2003.
  71. Lục Học Nghệ (Chủ biên). 2004. Báo cáo nghiên cứu giai tầng xã hội Trung Quốc đương đại. Hà Nội: Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
  72. Lương Văn Hy (Chủ biên). 2000. Ngôn từ, giới và nhóm xã hội. Từ thực tiễn tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  73. Lưu Hồng Minh. 2005. Kết cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.  
  74. Mai Huy Bích. 2002. Một số vấn đề xã hội học tri thức đặt ra từ "Đông phương học" của E.W. Said. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 2.2002. Hà Nội.
  75. Mai Văn Hai. 2002. Biểu tượng và văn hoá biểu tượng trong tư duy xã hội học. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 2.2002. Hà Nội.
  76. Martinelli, Alberto. 2002. Thế giới bước vào thế kỷ XXI và những vấn đề của xã hội học. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 3.2002. Hà Nội.
  77. Marx, Carl. 1961. Đấu tranh giai cấp ở Pháp. Hà Nội: Nhà xuất bản Sự Thật.
  78. Marx, Carl và Friedrich Engels. 1976. Một số thư về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Hà Nội: Nhà xuất bản Sự Thật.
  79. Marx, Carl, Friedrich Engels, và Vladimir I. Lenin. 1963. Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Hà Nội: Nhà xuất bản Sự Thật.
  80. Nguyễn Đức Chiện. 2006. Các khuôn mẫu xã hội mới và khả năng tham gia tiếp nhận của các nhóm xã hội ở một làng Việt cổ truyền châu thổ sông Hồng sau hai mươi năm Đổi Mới. Chuyên đề KX.02.10.
  81. Nguyễn Đức Truyến. 2002. Những vấn đề xã hội học của các phong trào xã hội qua sự kiện Thái Bình 1996-1997. Trong: Bùi Thế Cường và cộng sự. 2002. Phong trào xã hội trong thời kỳ Đổi Mới: Một nghiên cứu bước đầu. Viện Xã hội học. Phòng Phúc lợi xã hội. Báo cáo đề tài tiềm lực năm 2002.
  82. Nguyễn Đức Truyến. 2003. Công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nông thôn. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam..
  83. Nguyễn Hải Hữu. 2006. Phát triển Hệ thống an sinh xã hội hiện đại phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Xã hội học. Hà Nội. Số 1(93)/2006.
  84. Nguyễn Hải Hữu. 2007. Công bằng xã hội với chính sách bảo trợ xã hội trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Xã hội học. Hà Nội. Số 1(97)/2007.
  85. Nguyễn Hiến Lê. 2001. Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
  86. Nguyễn Hữu Dũng. 2002. Khía cạnh thể chế, xã hội và văn hoá của thị trường lao động. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  87. Nguyễn Khắc Mai. 1996. Vị trí, vai trò các hiệp hội quần chúng ở nước ta. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động.
  88. Nguyễn Phương Quỳnh Trang, Jonathan S., et al. 2002. Hiệp hội kinh doanh ở Việt Nam: Hiện trạng, vai trò và hoạt động (Thảo luận về khu vực tư nhân No.13). Hà Nội: MPDF và Asia Foundation.
  89. Nguyễn Thanh Liêm. 2009. Di dân thanh niên và biến đổi xã hội ở Việt Nam. Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hợp quốc. 2009. Hội thảo khoa học “Di dân, phát triển và giảm nghèo”. Hà Nội: 5-6/10/2009.
  90. Nguyễn Thị Hằng. 2005. Bảo hiểm xã hội phải đến với người lao động. Báo điện tử Thời báo Kinh tế Việt Nam 13/6/2005. (Trả lời phỏng vấn).
  91. Nguyễn Thị Oanh. 1978. Công tác xã hội ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bài không xuất bản.
  92. Nguyễn Văn Nam và Trần Thọ Đạt. 2006. Tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
  93. Nguyễn Văn Thanh. 1998. Nhìn nhận lại vai trò của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài ở Việt Nam. Tạp Chí Cộng Sản. Số 7 (9-1998).
  94. Nguyễn Văn Thường và Nguyễn Kế Tuấn (Chủ biên). 2006. Kinh tế Việt Nam năm 2005 Trước ngưỡng cửa của Tổ chức Thương mại Thế giới. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
  95. Nguyễn Văn Xuân. 2000. Phong trào Duy Tân. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng.
  96. Nguyễn Viết Vượng. 1994. Các đoàn thể nhân dân trong kinh tế thị trường. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
  97. Nguyễn Việt Cường, Marrit Van den Berg, Robert Lensink. 2009. Tác động của di dân đến phúc lợi, nghèo đói và bất bình đẳng ở cấp độ hộ gia đình: Những bằng chứng mới ở Việt Nam. Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hợp quốc. 2009. Hội thảo khoa học “Di dân, phát triển và giảm nghèo”. Hà Nội: 5-6/10/2009.
  98. Nguyễn Xuân Sanh. 2004. Nước Đức thế kỷ thứ XIX. Những thành tựu khoa học và kỹ thuật. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  99. Nhà xuất bản Trẻ. 2006. Thời cơ Vàng của chúng ta: Tuyển tập những bài viết và ý kiến về vận hội mới của đất nước đã đăng trên báo điện tử VietNamNet. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ.
  100. Nhà xuất bản Tri thức. 2006. Tranh luận và đồng thuận: Tuyển chọn các bài viết góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng X. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức.
  101. Nolan, Peter. 2005. Trung Quốc trước ngã ba đường. Dịch: Trần Thị Thái Hà. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  102. Ohno, Kenichi (Chủ biên). 2006. Hoạch định chính sách công nghiệp ở Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản. Bài học kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Diễn đàn Phát triển Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động Xã hội.
  103. Ohno, Kenichi và Nguyễn Văn Thường (Chủ biên). 2005. Hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam. Diễn đàn Phát triển Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận Chính trị.
  104. Ohno, Kenichi và Nguyễn Văn Thường (Chủ biên). 2005. Môi trường cà chính sách kinh doanh của Hà Nội. Diễn đàn Phát triển Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động Xã hội.
  105. Palier, Bruno và Louis-Charles Viossat. 2003. Chính sách xã hội và quá trình toàn cầu hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  106. Passeron, Jean-Claud. Lý luận xã hội học. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới.
  107. Phạm Đỗ Nhật Tân. 2007. Công bằng xã hội trong chính sách bảo hiểm xã hội. Tạp chí Xã hội học. Hà Nội. Số 1(97)/2007.
  108. Phạm Xanh. 2001. Ngoảnh nhìn Thế kỷ 20.  Diễn đàn Doanh nghiệp. Số Xuân Canh Thìn.
  109. Phan Đại Doãn. 1995. Nhà nước và xã hội - từ thực tế nông thôn hiện nay. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 3.1995. Hà Nội.
  110. Phan Ngọc. 1998. Bản sắc văn hoá Việt Nam.  Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
  111. Phan Xuân Sơn. 2003. Các đoàn thể nhân dân với việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở hiện nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
  112. Phùng Thị Huệ. 2004. Những vấn đề xã hội bức xúc trong nông thôn Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa: Thực trạng và giải pháp. Báo cáo Đề tài cấp Bộ. Hà Nội: Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
  113. Pressman, Steven. 2003. 50 Nhà kinh tế tiêu biểu. Hà Nội: Nhà xuất bản lao động. Nguyên bản: Pressman, Steven. 1999. Fifty Major Economists. London: Routledge.
  114. Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam. 11/2007. Một số bài phát biểu của Samir Amin. Hà Nội.
  115. Soto, Hernando de. 2003. Bí ẩn của vốn. Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác. Hà Nội: Chương trình KX.02/2001-2005.
  116. Sztompka, Piotr. 2003. Xã hội học và đời sống hàng ngày của những con người bình thường. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 1(81)/2003. Hà Nội.
  117. Thang Văn Phúc (Chủ biên). 2002. Vai trò của các Hội trong Đổi Mới và phát triển đất nước. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  118. Thanh Thảo. Lợi thế nhân công giá rẻ. Báo Thanh Niên 3/9/2007.
  119. Thông tấn xã Việt Nam. Tạp chí Chính sách đối ngoại Mỹ và một số dự báo. Trong: Tài liệu Tham khảo Đặc biệt. Số 227-TTX. Ngày 1/10/2005.
  120. Tiêu Phong. 2004. Hai chủ nghĩa một trăm năm. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  121. Tô Duy Hợp. 2004. Một vài khía cạnh xã hội của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở một tỉnh miền Trung: Trường hợp tỉnh Quảng Ngãi. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  122. Tô Duy Hợp và Nguyễn Thị Minh Phương. 2007. An sinh xã hội ở khu vực nông thôn - Nghiên cứu trường hợp một xã ngoại thành Hà Nội. Tạp chí Xã hội học. Hà Nội. Số 1(97)/2007.
  123. Tô Huy Rứa và Hoàng Chí Bảo (Chủ biên). 2006. Quá trình Đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ 1986 đến nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  124. Tổng cục thống kê/Dự án VIE/97/P14. 2001. Kết quả dự báo dân số cho cả nước, các vùng địa lý-kinh tế và 61 tỉnh/thành phố. Việt Nam, 1999-2024. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  125. Tổng cục Thống kê và UNFPA. 2006. Điều tra di cư Việt Nam năm 2004: Chất lượng cuộc sống của người di cư ở Việt Nam. Hà Nội.
  126. Trần Đình Thiên. 2005. Tiềm năng cho tăng trưởng. VietnamNet, 1/9/2005.
  127. Trần Hữu Quang. 2004. Những vấn đề xã hội của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa: Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  128. Trần Hữu Quang. 2007. Đồng tiền và xã hội Việt Nam ngày nay. Thời Đại Mới. Tạp chí Nghiên cứu & Thảo luận. Số 10 (Tháng 3/2007).
  129. Trần Hữu Quang. 2009. Hệ thống phúc lợi ở Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
  130. Trần Minh Vỹ (Sưu tầm tuyển chọn). 2002. Một số quy định pháp luật về quản lý, tổ chức, hoạt động của các hội, đoàn thể xã hội. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động.
  131. Trần Ngọc Thêm. 1997. Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
  132. Trần Quốc Vượng (Chủ biên). 1998. Cơ sở văn hoá Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
  133. Trần Từ. 1996. Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
  134. Trần Văn Thọ. 1997. Công nghiệp hoá Việt Nam trong Thời đại châu Á-Thái Bình Dương. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
  135. Trần Văn Thọ. 2003. Chiến lược công nghiệp hóa nông thôn Việt Nam: Phương pháp luận và thực tiễn miền Trung. Thời Đại. Tạp chí Nghiên cứu & Thảo luận. Số 8/2003: 60-81.
  136. Trịnh Duy Luân (Chủ biên). 2002. Phát triển xã hội ở Việt Nam. Một tổng quan xã hội học năm 2000. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  137. Trung tâm mác-xít Pháp. 1975. Bàn về các xã hội tiền tư bản. Những đoạn tuyển chọn của Mác, Ăng-ghen, Lê Nin. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  138. Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội. 2002. Phát triển bền vững miền núi Việt Nam: 10 năm nhìn lại và những vấn đề đặt ra. Hà Nội.
  139. Trường Đại học Công đoàn Việt Nam. 2002. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hà Nội: Công ty in Công đoàn.
  140. Tương Lai. 1995. Khảo sát xã hội học về phân tầng xã hội - cơ sở lý luận và phương pháp luận. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 3.1995. Hà Nội.
  141. Vasavakul, Thaveeporn. 2006. Đổi mới hệ thống chính trị: Kinh nghiệm Việt Nam trên quan điểm so sánh (1986-2002). Hội thảo bàn tròn cấp cao lần thứ tư Dự án Hỗ trợ Tổng kết 20 năm Đổi Mới ở Việt Nam. Khách sạn Melia 15-16/6/2006.
  142. Viện Khoa học Lao động và Xã hội. 2009. Tình hình thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2001-2010. Trong: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ). 2009. Hội thảo khởi động "Xây dựng chiến lược an sinh xã hội Giai đoạn 2011-2020. Ninh Thuận ngày 4-5/8/2009.
  143. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. 2007. Báo cáo cập nhật nghèo 2006. Nghèo và giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 1993-2004. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  144. Viện Xã hội học. 1993. Tạp chí Xã hội học. Số 1.1993. Chuyên đề về công tác xã hội. Hà Nội: Viện Xã hội học.
  145. Viện Xã hội học. 2009. Tác động của di dân trong nước đến hộ gia đình ở lại quê hương. Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hợp quốc. 2009. Hội thảo khoa học “Di dân, phát triển và giảm nghèo”. Hà Nội: 5-6/10/2009.
  146. VnExpress. 50 phụ nữ giàu nhất trên TTCK 2007. VnExpress 25/1/2008.
  147. Vũ Mạnh Lợi. 1999. Sinh thái học xã hội-lịch sử và những vấn đề đương đại. Trong: Tạp chí xã hội học. Số 1.1999. Hà Nội.
  148. Vũ Quang Việt. 2002. Toàn cầu hóa, giao lưu tri thức và bản sắc dân tộc. Thời Đại. Tạp chí Nghiên cứu & Thảo luận. Số 7/2002: 23-48.
  149. Vũ Tuấn Huy. 2005. Biến đổi gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam. Báo cáo chuyên đề Đề tài KX.02.10. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  150. Vương Trí Nhàn. 2006. Một cách nhìn mới về văn hóa Việt Nam thông qua việc so sánh với văn hóa Nhật Bản. Nhân đọc `Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa` của Vĩnh Sính. Thời Đại Mới. Tạp chí Nghiên cứu & Thảo luận. Số 8 (Tháng 7/2006).
  151. Vương Trí Nhàn. 2007. Vương Trí Nhàn: Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ. VietnamNet 20/10/2007.
  152. Walder, Andrew G. Một vài suy nghĩ về Việt Nam và nền học thuật thế giới. Tạp chí Văn hóa Dân gian. Số 4(112)/2007. Hà Nội: Viện Nghiên cứu Văn hóa. Trang 48-56.
  153. Wells-Dang, Andrew. 2006. Những động lực của sự thay đổi xã hội ở Việt Nam. Hội thảo bàn tròn cấp cao lần thứ tư Dự án Hỗ trợ Tổng kết 20 năm Đổi Mới ở Việt Nam. Khách sạn Melia 15-16/6/2006.
  154. Wischermann, Joerg, Bùi Thế Cường, Nguyễn Quang Vinh. 2002. Quan hệ giữa các tổ chức xã hội và cơ quan Nhà nước ở Việt Nam - Những kết quả chọn lọc của một cuộc khảo sát thực nghiệm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếng nước ngoài

  1. Asian Development Bank. 1997. Emerging Asia: Changes and Challenges. Manila: ADB.
  2. Bach Tan Sinh. 2001. Civil Society and NGOs in Vietnam: Some Initial Thoughts on Developments and Obstacles. Ha Noi.
  3. Bailey,Gordon and Noga Gayle. 2003. Social Theory. Essensial Readings. Ontario: Oxford University Press.
  4. Bell, Daniel. 1973. The Comming of Post-Industrial Society. New York: Basic Books.
  5. Bell, Daniel. 2000. The End of Ideology. On the Exhaustion of Political Ideas in the Fifties. Cambridge and London: Harvard University Press.
  6. Bilton, Tony et al. 2002. Introductory Sociology. 1981, 1987, 1996, 2002 ed. Hampshire and New York: Palgrave Macmillan.
  7. Bloom, David E. and Jeffrey G. Williamson. 1997. Demographic Transitions and Economic Miracles in Emerging Asia. Working Paper 6268. Cambridge, M.A. NBER. http://www.nber.org/papers/w6268. Cũng in trong: World Bank Economic Review. 1998. No. 12. 419-456.
  8. Bloom, David E., David Canning, and Jaypee Sevilla. 2001a. The Effect of Health on Economic Growth: Theory and Evidence. Working Paper 8587.Cambridge, MA. NBER Working Paper Series. http://www.nber.org/papers/w8587.
  9. Bloom, David E., David Canning, and Jaypee Sevilla. 2001b. Economic Growth and the Demographic Transition. Working Paper 8685. Cambridge, MA. NBER Working Paper Series.  http://www.nber.org/papers/w8685.
  10. Bloom, David E., David Canning, A.K. nandakumar, Jaypee Sevilla, Kinga Huzarski, David Levy, and Manjiri Bhawalkar. 2001c. Demographic Transition and  Economic Opportunity: The Case of Jordan.  Bethesda, Maryland: The Partners for Health Reformplus Project, Abt Associates Inc. Order No. TE011.
  11. Bloom, David E., David Canning, and Jaypee Sevilla. 2003. The Demographic Dividend. A New Perspective on the Economic Consequence of Population Change. Santa Monica:  Rand.
  12. Bottomore, Tom B. 1963. Sociology: A Guide to Problems and Literature.  Englewood Cliffs: Prentice-Hall.
  13. Central Census Steering Committee. 2000. Population and Housing Census Viet Nam 1999. Sample Results. Ha Noi: The Gioi Publishers.
  14. Cheal, David. 2005. Dimensions of Sociological Theory. Hampshire and New York: Palgrave Macmillan.
  15. Churton, Mel. 2000. Theory and Method.Macmillan Press.
  16. Collins, Randall. 1992. Sociological Insight. An Introduction to Non-Obvious Sociology. 1982, 1992 ed. New York/Oxford: Oxford University Press.
  17. Collins, Randall. 1994. Four Sociological Traditions. New York/Oxford: Oxford University Press.
  18. COSA. 1998. Policies for Spontaneous Migration. Conference Proceedings. Ho Chi Minh City, July 1998.
  19. COSA. 2002. People-elected Delegates with Policy to Eliminate All Forms of Violence Against Women. National Workshop Proceedings of the the National Assembly's Committee for Social Affairs. Ha Noi, 1-2 Feb 2002.
  20. COSA. 2003.      Some Critical Problems in Employment and Vocational Training. Report No. 482TT/UBXH to the National Assembly’s Standing Committee. Ha Noi, 20 Oct 2003.
  21. Crotty, Michael. 1998. The Foundations of Social Research. Meaning and perspective in the research process. London: SAGE Publications.
  22. Cuff, E. C., W.W.Sharrock, and D.W.Francis. 2003. Perspectives in Sociology. Vol. 1st: 1979, 3rd: 1990, 1992, 1993, 1994, 4th: 1998, 2003. London: Routledge.
  23. Dahrendorf, Ralf. 1959. Class and Class Conflict in Industrial Society. Stanford: Stanford University Press.
  24. Dang Nguyen Anh. 1998. The Role of Social Networks in the Process of Migration. In: Population Council (ed.) Proceedings. International Seminar on Internal Migration: Implications for Migration Policy in Viet Nam.  Population Council Ha Noi.
  25. Dang Nguyen Anh. 1999. Market Reforms and Internal Labour Migration. Asian and Pacific Migration Journal. 8(3): 381-409.
  26. Dang Nguyen Anh, C. Tacoli and H. X. Thanh. 2002. Migration in Vietnam: A review of information on current trends and patterns, and their policy implications. Research Paper. RMMRU and DFID: Dahka.
  27. Dang Nguyen Anh. 2004. Stay on the Farm, Weave in the Village, Leave the Home. Ha Noi: The Gioi Publisher.
  28. Do, V. H. 2000   “Situation of spontaneous migration and suggested solutions for the upcoming time”, Paper presented at the National Conference on Population Policy, Reproductive Health and Development in Viet Nam, Committee for Social Affair of the National Assembly: Ha Noi.
  29. Doan, M. D. and Trinh K. T. 1996. “Survey of Spontaneous Migration to a Rural and an Urban Area in Viet Nam”, Asian Population Studies Series No. 142, ESCAP, United Nations, New York.
  30. Douglass, M. et al. 2002. The Urban Transition in Viet Nam University of Hawai’i at Manoa, Honolulu, Hawai’i, USA, and United Nations Centre for Human Settlements, Fukuoka, Japan.
  31. Engardio, Pete. 2002. The Chance of a Lifetime: Poor Nations Get a "Demographic Dividend". Business Week Online: International Asian Cover Story. http://icpd.eastwestcenter.org/news_mar_02.asp.
  32. Esping-Anderson, Gosta. 1990. The Three Worlds of Welfare Capitalism. Princeton/New Jersey: Princeton University Press.
  33. Friedrichs, Juergen, M.Reiner Lepsius, and Karl Ulrich Mayer, "Die Diagnosefaehigkeit der Soziologie," Koelner Zeitschrift fuer Soziologie und Sozialpsychologie Sonderheft 38/1998 (1998).
  34. General Statistics Office and UNDP. 2001. Census Monograph on Internal Migration and Urbanization in Viet Nam. Ha Noi: Statistical Publishing House.
  35. Giddens, Anthony. 1998. Sociology. Third Edition. Polity Press.
  36. Gouldner, A. W. 1971. The Comming Crisis of Western Sociology. London: Heinemann.
  37. Gordon, Scott. 2001. The History and Philosophy of Social Science. 1991, 1993, 1995, 1997, 2000, 2001 ed. London: Routledge.
  38. Guest, P. M. 1998. The Dynamics of Internal Migration in Viet Nam. UNDP Discussion Paper I.  UNDP: Ha Noi.
  39. Hamilton, Roger. 2000. A Demographic Opportunity. Latin America is Entering an Unusual Era When Proportionately More Workers Will Provide for Fewer Children and Retirees. IDBAmérica. March-April 2000.
  40. Harrison, David. 1997. The Sociology of Medernization and Development. London and New York: Routledge.
  41. Homans, George C. 1964. Bringing Men Back In. American Sociological Review. Volume 29. No. 5. December, 1964. Trang 809-818.
  42. IER. 1996. Survey on Spontaneous Migration to Ho Chi Minh City. Institute of Economic Research: Ho Chi Minh City.
  43. Instituteof Sociology. 1998. Migration and Health Survey Viet Nam 1997, Survey Report. Institute of Sociology and Population Studies and Training Centre: Ha Noi.
  44. Kidd, Warren. 2002. Culture and Identity. New York: Palgrave Macmillan.
  45. Kuhn, Thomas S. 1970. The Structure of Scientific Revolutions. Chicago: University of Chicago Press.
  46. Kuroda, Toshio. 1991. Structural Change of Age Composition in the Future and Its Socio-Economic Implications. Trong: ESCAP/ JOICFP. 1991. Population Ageing in Asia. New York: United Nations. Trang 89-95.
  47. Le Bach Duong, Khuat Thu Hong, Bach Tan Sinh, and Nguyen Thanh Tung. Civil Society in Vietnam. Center for Social Development Studies.
  48. Le, M. T. and Nguyen D. V. 1999. “Remittances and the distribution of income” pp. 167-181 in Haughton, Dominique, et al (eds.) Health and Wealth in Viet Nam - An Analysis of Households Living Standard. Institute of Southeast Asian Studies, Singapore. 
  49. Letourmy, Alain. 2002. The Support to Mutual Health Insurance Societies: an Experience Report.
  50. Levin, William C. 1994. Sociological Ideas. Concepts and Applications. 4th ed. Belmont, California: Wadsworth Publishing Company.
  51. Lie, John. 1991. Sociology. Readings and Study Guide. New York & London: W.W. Norton & Company, Inc.
  52. Macionis, John J. 1980. Sociology. Englewood Cliffs: Prentice-Hall.
  53. Marshall, Gordon. 1998. OxfordDictionary of Sociology. Second Edition. New York: Oxford University Press.
  54. Mason, Andrew and Sang-Hyop Lee. 2004. The Demographic Dividend and Poverty Reduction.
  55. Mills, C. W. 1956. The Power Elite. New York.
  56. Mills, C. W. 1970. The Sociological Imagination. Harmondsworth: Penguin.
  57. MRSC. 2002. Migrant Women Working in Garment Factories in Ho Chi Minh City, Viet Nam: Mobility and Vulnerability. Ho Chi Minh City: MRSC.
  58. Navaneetham, K. 2002. Age Structural Transition and Economic Growth: Evidence from South and Southeast Asia. Working Paper of CDS (Centre for Development Studies). WP 337. http://www.cds.edu.
  59. Ohno, Kenichi. 2006. The Economic Development of Japan. The Path Traveled by Japan as a Developing Country. GRIPS Development Forum.
  60. Ohno, Kenichi and Takahiro Fujimoto (Editor). 2006. Industrialization of Developing Countries: Analyses by Japanese Economists. Tokyo: GRIPS.
  61. Parker, Noel and Stuart Sim (editors). 1997. The A-Z Guide to Modern Social and Political Theorists. Hemel Hempstead Hertfordshire: Prentice Hall/Harvester Wheatsheaf.
  62. Sachs, Wolfgang. 1992. The Development Dictionary. London and New Jersey: Zed Books Ltd.
  63. Schmidt, Manfred G. 1988. Sozialpolitik. Historische Entwicklung und Internationale Vergleich. Opladen: Leske und Budrich.
  64. Stark, Rodney. 2001. Sociology. Wadsworth Publishing Company.
  65. Turner, Jonathan H. 1998. The Structure of Sociological Theory. Sixth Edition. Wadsworth Publishing Company.
  66. Turner, Jonathan H., Leonard Beegley, and Charles H.Powers. 2002. The Emergence of Sociological Theory. 5th ed. Belmont: Wadsworth Thomson Learning.
  67. United Nations. 2003. World Population Prospects. The 2002 Revision. New York: United Nations.
  68. Wallace, Ruth A. and Alson Wolf. 1998. Contemporary Sociological Theory. Expanding the Classical Tradition. Fifth edition. Upper Saddle River (New Jersey): Prentice-Hall, Inc.
  69. Watson, Tony J. 2001. Sociology, Work and Industry. London and New York: Routledge.
  70. Wilensky, Harold L. & Charles N. Lebeaux. 1965. Industrial Society and Social Welfare. The Free Press. New York.
  71. World Bank. 1999. Viet Nam: Attacking Poverty. Viet Nam Development Report 2000. World Bank: Ha Noi.
  72. World Bank. 2009. 2008 Social Development Report. Getting Migration to Work Effectively for Viet Nam. World Bank: Ha Noi.
  73. Webster, Andrew. 1992. Introduction to the Sociology of Development. Second Edition. London and Hong Kong: Macmillan.
  74. Wongboonsin, Kua. 2004. The demographic dividend and M-curve labour-force participation in Thailand. Applied Population and Policy 1(2), 115-122.
  75. Wongboonsin, Kua, Philip Guest, and Vipan Prachuabmoh. 2004. Demographic Change and the Demographic Dividend in Thailand. Paper at the International Conference on the Demographic Window and Healthy Aging: Socioeconomic Challenges and Opportunities. Beijing, May 10-11, 2004.

Tài liệu điện tử

(Lấy từ Internet. Có thể nguồn gốc không được bảo đảm hoặc chắc chắn)

  1. Bá Dương. Người Trung Quốc xấu xí. Người dịch: Nguyễn Hồi Thủ. 18/2/2005.
  2. Dalton, Russell J., Pham Minh Hac, Pham Thanh Nghi, Nhu-Ngoc T. Ong. Social Relations and Social Capital in Vietnam: The 2001 World Values Survey. http://www.democ.uci.edu/democ/papers/vietnam02.pdf.
  3. Dapice, David. Lịch sử hay chính sách: Tại sao các tỉnh phía Bắc không tăng trưởng nhanh hơn? http://www.undp.org.vn/undp/docs/2004/nprov/nprovv.pdf
  4. Glewwe, Paul, Michele Gragnolati, Hassan Zaman. Who Gained from Vietnams Boom in the 1990’s? An Analysis of Poverty and Inequality Trends. Development Research Group. The World Bank.
  5. Regan, Patrick M. On the Prospects for Social Revolution in the Industrialized Democracies in the West. Department of Political Science. Binghamton University. pregan@binghamton.edu.
  6. Quý Đỗ. Vốn xã hội tích lũy lâu đời. Trong: Bộ Khoa học và Công nghệ. Tạp chí Tia sáng-tiasang.com.vn. 5/7/2006.
  7. Schneider, Friedrich and Alexander F. Wagner. 2001. Institutions of Conflict Management and Economic Growth in the European Union. Kyklos. 54(4). pp. 509-532.
  8. Trần Văn Đoàn. Nho giáo và Kitô giáo. Phản tỉnh về mối tương khắc giữa hai ý hệ. 9/3/2005.
  9. Walle, Dominique van de, and Dileni Gunewardena. Sources of Ethnic Inequality in Viet Nam. The World Bank’s Rural Development and Poverty and Human Resources (under RPO681-39) Team in Development Research Group.

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513403

Hôm nay

2189

Hôm qua

2315

Tuần này

21340

Tháng này

220276

Tháng qua

121356

Tất cả

114513403