Những góc nhìn Văn hoá

Phê phán lý tinh thuần túy [kỳ 3 - tập 2]

BIỆN CHỨNG PHÁP SIÊU NGHIỆM

QUYỂN I

VỀ CÁC KHÁI NIỆM CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

Cho dù khả thể [hình thành] các khái niệm từ lý tính thuần túy như thế nào, thì chúng đều không phải là các khái niệm được phản tư đơn thuần mà là các khái niệm do suy luận mà có. Các khái niệm [thuần túy] của giác tính tuy cũng được suy tưởng một cách tiên nghiệm và đi trước kinh nghiệm, làm cho kinh nghiệm có thể có được, nhưng chúng không chứa đựng gì hơn là sự thống nhất phản tư về những hiện tượng, trong chừng mực chúng phải tất yếu thuộc về một ý thức thường nghiệm khả hữu. Chỉ thông qua chúng, nhận thức và sự xác định về một đối tượng mới có thể có được. Vậy, chúng trước hết đi từ chất liệu đến suy luận và không có khái niệm tiên nghiệm nào khác về đối tượng lại có thể đi trước chúng để chúng được suy ra từ đó. Trái lại, tính thực tại khách quan của chúng chỉ dựa vào điều sau đây: vì rằng chúng tạo nên mô thức trí tuệ cho mọi kinh nghiệm, nên sự áp dụng của chúng bao giờ cũng phải có thể được chứng tỏ ở trong kinh nghiệm.

Nhưng, việc gọi tên bằng thuật ngữ "một khái niệm của lý tính", [hay là "khái niệm thuần lý"], đã sơ bộ cho thấy: nó không chịu giam mình trong ranh giới của kinh nghiệm, vì nó là một nhận thức [đặc biệt], trong đó mỗi nhận thức thường nghiệm chỉ là một bộ phận nhỏ của nó, - thậm chí bản thân toàn bộ kinh nghiệm khả hữu hay sự tổng hợp thường nghiệm của kinh nghiệm cũng là một bộ phận của nó -. | Đó là một nhận thức mà không kinh nghiệm hiện thực nào có thể đạt được hoàn toàn và [dù lớn rộng đến như thế nào] bao giờ cũng phải thuộc về nó. Vậy, các khái niệm thuần lý là dùng để Quán thông, [Thấu hiểu, nắm bắt trọn vẹn] (Begreifen), trong khi mục tiêu của các khái niệm của giác tính là Hiểu (Verstehen) (các tri giác). Nếu các khái niệm thuần lý chứa đựng cái Vô-điều kiện, thì đó là cái mà mọi kinh nghiệm đều phải tùy thuộc, nhưng bản thân cái Vô-điều kiện lại không bao giờ là một đối tượng của kinh nghiệm: lý tính luôn có xu hướng đưa mọi kết luận rút ra từ kinh nghiệm hướng đến cái Vô-điều kiện, lấy cái Vô-điều kiện làm thước đo để đánh giá và lượng định trình độ của việc sử dụng lý tính thường nghiệm, nhưng bản thân cái Vô-điều kiện lại không bao giờ tạo nên một mắt xích (Glied) trong tổng hợp thường nghiệm. Do đó, nếu quả thật các khái niệm thuần lý của lý tính có giá trị khách quan, ta gọi chúng là các conceptus ratiocinati (La tinh: các khái niệm được suy luận đúng đắn), còn nếu không - tức là chỉ có vẻ bề ngoài của suy luận được lén lút đưa vào -, ta gọi là các conceptus ratiocinantes (La tinh: các khái niệm ngụy biện).

Nhưng vì điều này chỉ được chứng minh đầy đủ ở phần sau khi khảo sát các suy luận biện chứng của lý tính, nên ở đây ta chưa vội bàn đến. |

Trước đây ta đã gọi các khái niệm thuần túy của giác tính là các phạm trù, vậy để phân biệt, ta hãy tạm đặt cho các khái niệm thuần lý của lý tính một tên mới, đó là: CÁC Ý NIỆM SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE IDEEN). | Tuy nhiên, việc đầu tiên là phải cắt nghĩa và biện giải về tên gọi mới này

 

TIẾT 1

VỀ CÁC Ý NIỆM NÓI CHUNG

Dù các ngôn ngữ của chúng ta [các ngôn ngữ châu Âu] rất phong phú về từ ngữ, nhưng những nhà tư tưởng vẫn thường rất vất vả để tìm được một thuật ngữ chuyển tải chính xác nội dung tư tưởng, vì nếu thiếu thuật ngữ, rất khó làm cho người khác cũng như cho chính mình hiểu rõ điều muốn nói. Rèn đúc ra một thuật ngữ hoàn toànmới lạ là hành vi dễ xúc phạm đến những bậc có thẩm quyền về ngôn ngữ và hiếm khi thành công, do đó thay vì lao vào việc làm hầu như vô vọng đó, tốt hơn là nên lục tìm lại trong kho tàng các tử ngữ nhưng rất uyên thâm, hy vọng biết đâu sẽ tìm được trong đó một thuật ngữ phù hợp với các ý tưởng ta đang có trong đầu. | Trong trường hợp này, dù ý nghĩa gốc của thuật ngữ đã trở thành khá chao đảo do sự thiếu chặt chẽ của chính các tác giả sáng tạo ra nó, thì vẫn tốt hơn là nên củng cố và trung thành với ý nghĩa ban đầu của nó (- thật ra ban đầu thuật ngữ có được dùng chính xác theo nghĩa ấy không, cũng là điều còn đáng ngờ -) hơn là làm hỏng công việc bằng cách làm cho người khác không hiểu mình muốn nói gì.

Vì lý do đó, nếu chỉ có một từ duy nhất dành cho một khái niệm nhất định nào đó và ý nghĩa vốn có của từ ấy phù hợp chính xác với khái niệm này, thì việc phân biệt nó với các khái niệm gần gũi khác là điều rất hệ trọng, do đó điều nên làm là không sử dụng thuật ngữ một cách phí phạm hoặc muốn tỏ ra độc đáo mà dùng nó làm từ đồng nghĩa với các thuật ngữ khác, trái lại, cần bảo tồn cẩn thận ý nghĩa riêng biệt của nó, nếu không sẽ dễ xảy ra tình hình là sau khi không đặc biệt chú ý đến thuật ngữ ấy, nó bị lạc mất giữa vô vàn các ý nghĩa khác đã bị sai lệch rất nhiều, và ý tưởng chỉ có nó mới chuyển tải được cũng theo nó mà mất đi.

PLATON* sử dụng thuật ngữ "Ý niệm" (Idee) theo một cách thức cho thấy rõ ràng ông muốn biểu thị cái gì không những không bao giờ có thể rút ra từ giác quan, trái lại, còn vượt xa hơn hẳn các khái niệm của giác tính mà bản thân ARISTOTELES** nghiên cứu, trong chừng mực không thể tìm thấy trong kinh nghiệm bất cứ cái gì tương ứng được với chúng.

       {*PLATON (427-347): đại triết gia Hy Lạp cổ đại. (N.D).

       **ARISTOTELES (384-324) -nt- . (N.D).}

 

Nơi PLATON, những ý niệm là những Nguyên mẫu (Urbilder), [những Linh tượng] của bản thân những sự vật, chứ không phải chỉ là những chìa khóa đơn thuần đưa đến những kinh nghiệm khả hữu như các phạm trù. Trong cái nhìn của ông, chúng bắt nguồn từ Lý tính tối cao; Lý tính này cũng chia phần cho lý tính con người, tuy nhiên lý tính con người bây giờ không còn tồn tại được trong trạng thái nguyên thủy nữa, nên phải rất vất vả để nhớ lại những Linh tượng xa xưa nhưng nay đã bị mờ đục, bằng sự Hồi tưởng (Erinnerung/Anamnesis) (mà ông gọi là Triết học).

Ở đây, tôi không đi vào việc nghiên cứu văn tự để tìm hiểu ý nghĩa mà bậc đại triết gia cao viễn của chúng ta gắn cho thuật ngữ này. Tôi chỉ nhận xét rằng: không có gì là bất thường cả, khi - trong đối thoại thông thường hay trong các tác phẩm viết - bằng cách so sánh các tư tưởng mà một tác giả phát biểu về một chủ đề, ta có thể hiểu họ hơn chính họ hiểu họ, vì tác giả đã không xác định khái niệm của mình một cách đầy đủ và vì vậy đôi khi họ nói và cả suy nghĩ ngược lại với ý định của chính họ.

PLATONnhận thấy rõ rằng quan năng nhận thức của ta bao giờ cũng có cảm thức về một nhu cầu cao xa hơn là chỉ chạy theo "đánh vần" hiện tượng bằng sự thống nhất tổng hợp nhằm có thể lần mò đọc chúng như là kinh nghiệm. | Lý tính của ta - một cách tự nhiên - lúc nào cũng muốn nâng lên tầm cao của những nhận thức mà không kinh nghiệm nào vươn tới và tương ứng nổi, - nhưng những nhận thức này, tuy thế, vẫn có tính thực tại chứ không phải chỉ là những sản phẩm hoang đường của đầu óc.

PLATONđặc biệt nhận ra những Ý niệm của ông trong tất cả những gì là thực hành(1) *, tức lãnh vực dựa trên ý niệm Tự do, và ý niệm này tới lượt nó cũng thuộc về các nhận thức là sản phẩm riêng có của lý tính.

         {(1)PLATON thật ra cũng mở rộng khái niệm [Ý niệm] của ông vào các nhận thức tư biện, nếu các nhận thức này chỉ được mang lại một cách thuần túy và hoàn toàn tiên nghiệm, kể cả trong toán học, dù toán học không thể có đối tượng nào ngoài lãnh vực kinh nghiệm khả hữu. Đây là điểm tôi không thể tin theo ông, cũng như không thể tán thành sự diễn dịch [sự chứng minh] thần bí của ông về những ý niệm hoặc các sự cường điệu trong việc hầu như muốn hữu thể hóa (Hypostation) chúng [tức biến các Ý niệm thành các hữu thể tồn tại hiện thực], dù rằng ngôn ngữ thâm viễn mà ông dùng trong lãnh vực này quả thật đủ sức để lý giải một cách thích hợp và tinh tế bản tính sâu xa của sự vật. (Chú thích của tác giả).

*Thực hành (praktisch): theo Kant, là tất cả những gì được thực hiện từ Tự do của Ý chí. Có hai cấp độ: “thực tiễn, thực dụng” (pragmatisch) của các kỹ năng theo các quy tắc của sự khôn ngoan (Klugheitsregeln) và “thực hành” (praktisch) của sinh hoạt đạo đức theo các mệnh lệnh tuyệt đối (Imperativen) của lý tính thuần túy. (N.D).}

 

Nếu có ai muốn rút các khái niệm về đức hạnh từ trong kinh nghiệm, điều họ phải làm (như nhiều người đã làm) là đi tìm một mẫu tiêu biểu để minh họa cho nguồn nhận thức, nhưng mẫu điển hình này cũng không bao giờ tương ứng một cách hoàn hảo với ý niệm về đức hạnh được, và như thế trong thực tế, họ đã biến đức hạnh thành một cái gì hàm hồ không có thực, luôn bị biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh, không thể được sử dụng như một quy luật phổ biến. Ngược lại, ai cũng biết rằng nếu họ hình dung một người nào đó như một gương điển hình về đức độ, họ bao giờ cũng có sẵn một nguyên mẫu chân chính [về đức hạnh] trong đầu óc của chính họ để đem ra so sánh với gương điển hình kia và đánh giá theo tiêu chuẩn của nguyên mẫu này. Đó chính là Ý niệm về đức hạnh, và mọi đối tượng khả hữu của kinh nghiệm chỉ có thể được sử dụng như điển hình để so sánh với nó - tức để chứng minh rằng ý niệm đức hạnh có thể được áp dụng trong thực tế với nhiều mức độ khác nhau theo yêu cầu của bản thân ý niệm này -, chứ những đối tượng của kinh nghiệm không thể được dùng như những nguyên mẫu được. Tuy một con người không bao giờ hành động tương ứng trọn vẹn với những gì chứa đựng trong ý niệm thuần túy về đức hạnh, nhưng điều ấy không hề chứng tỏ chỉ có một cái gì hư ảo trong Ý niệm này. Bởi vì chỉ có thông qua Ý niệm này, mọi phán đoán xem hành vi nào là có giá trị đạo đức, hành vi nào không mới có thể có được. | Như vậy, Ý niệm là nền tảng tất yếu của mọi nỗ lực vươn đến sự toànhảo về đạo đức, tuy vậy, biết bao trở lực trong bản tính tự nhiên của con người - không xác định được về mức độ - làm ta luôn có khoảng cách với nó.

Nước cộng hòa lý tưởng của PLATON* đi vào tục ngữ như điển hình kỳ quặc của một sự hoàn hảo hoang tưởng, chỉ có thể tồn tại trong đầu óc của một triết gia nhàn rỗi, và Brucker đã chế nhạo khi cho rằng theo Platon, một ông vua không thể cai trị giỏi nếu bản thân không "thông dự" vào các linh tượng! Nhưng thực ra, ta rất nên trầm tư sâu hơn về tư tưởng của bậc hiền triết vĩ đại này, và (ở điểm nào ông không nói ra và bỏ ta bơ vơ không chỉ dạy), ta cần tự gắng sức chiếu rọi ánh sáng vào, hơn là núp dưới chiêu bài hết sức tầm thường và tai hại về tính bất khả thi của nó để gạt bỏ nó, xem nó là vô dụng.

{*được bàn trong tác phẩm: "Politeia" (Nhà nước) của Platon. (N.D).}

 

Thực vậy, việc kiến lập một nền tự do tối đa cho con người theo luật pháp, làm cho tự do của mỗi người chỉ có thể đứng vững cùng chung với tự do của mọi người (chứ không phải sự hạnh phúc tối đa vì hạnh phúc chỉ là kết quả đương nhiên của tự do) ít ra cũng là một Ý niệm tất yếu được đặt làm nền tảng và ở vị trí hàng đầu không những trong hiến pháp của một nhà nước mà cả trong toànbộ luật pháp của nó, và đó là lúc ngay từ đầu, người ta đã phải trừu tượng hóa khỏi mọi trở lực trước mắt, những trở lực có lẽ không chỉ nảy sinh một cách không thể tránh khỏi do bản tính tự nhiên của con người, mà đúng hơn là do sự sao nhãng đối với những Ý niệm chân chính khi tiến hành việc lập pháp.

Bởi vì không gì tai hại hơn và bất xứng hơn đối với một triết gia cho bằng cứ viện dẫn một cách tầm thường đến cái gọi là "kinh nghiệm ngược lại", kinh nghiệm này ắt cũng sẽ không tồn tại nếu các định chế kia được thực hiện kịp thời đúng theo các Ý niệm để không phải thay vào đó bằng những khái niệm thô thiển - bởi bị rút ra từ kinh nghiệm - nên làm thui chột hết mọi ý định tốt đẹp. Việc lập pháp và cầm quyền càng được thiết kế trùng hợp với Ý niệm này bao nhiêu, hình phạt càng hiếm hoi bấy nhiêu, và hoàn toànhữu lý (như PLATON nói), trong một nhà nước hoànhảo, hình phạt không còn cần thiết nữa. Mặc dù một nhà nước hoàn hảonhư thế có thể không bao giờ có thật, nhưng Ý niệm ấy vẫn hoàn toàn đúng đắn vì nó kêu đòi cái tối đa làm nguyên mẫu nhằm mang hiến pháp và pháp luật càng ngày càng tiến gần đến sự hoàn hảo tối đa có thể có được. Trong tiến trình của loàingười, đâu là mức độ cao nhất mà nhân loại đành phải dừng lại không tiến lên hơn được nữa; đâu là khoảng cách nhất thiết vẫn còn lại giữa Ý niệm và sự thực hiện nó, là những vấn đề không thể và cũng không nên xác định một cách rạch ròi, - chính là vì, [ý hướng của] Tự Do bao giờ cũng có thể vượt lên trên mọi ranh giới đang có.

Nhưng không chỉ trong những gì lý tính con người là nguyên nhân thực sự và các Ý niệm là nguyên nhân tác động (tạo ra các hành động và các đối tượng của hành động), nghĩa là những gì thuộc lãnh vực đạo đức, mà cả trong quan hệ với bản thân giới tự nhiên, PLATON cũng có lý khi nhìn thấy những bằng chứng rõ rệt về nguồn gốc của nó bắt nguồn từ những Ý niệm. Một cái cây, một con thú và nói chung, cả trật tự điều hòa của vũ trụ - và có lẽ cả toàn bộ trật tự tự nhiên - đều cho thấy rõ chúng sở dĩ có được là nhờ dựa theo những Ý niệm, và không một sự vật thụ tạo riêng lẻ nào - do các điều kiện tồn tại cá thể - tương ứng được với Ý niệm về cái hoàn hảo nhất về toànbộ giống loài đó, (cũng như không một cá nhân con người nào tương ứng hoàn toànvới Ý niệm về loài người, dù bản thân cá nhân vẫn mang trong tâm hồn cái nguyên mẫu trong mọi hành động của mình). | Và mặc dù các Ý niệm ấy - trong ý nghĩa tối cao - quy định [sự vật] một cách cá biệt, bất biến và trọn vẹn, là các nguyên nhân sơ thủy của vạn vật nhưng chỉ có cái toànbộ của sự nối kết của vạn vật trong vũ trụ mới là cái duy nhất có thể tương ứng hoàn toàntrọn vẹn (adäquat) với Ý niệm đó.

Nếu ta gạt sang một bên những chỗ quá đáng trong cách diễn đạt của PLATON, sức bật tư tưởng của ông đi từ cách nhìn sao chép về cái vật lý của trật tự vũ trụ vươn lên cách nhìn về sự nối kết có tính cách kiến trúc (architek-tonisch) của vạn vật theo các mục đích [tối hậu], tức là theo các Ý niệm, là một nỗ lực đáng cho chúng ta học tập và khâm phục. | Ông có đóng góp hết sức đặc biệt về phương diện các nguyên tắc đạo đức, pháp quyền và tôn giáo là những nơi mà các Ý niệm mới làm cho bản thân kinh nghiệm (về cái Thiện) có thể có được, dù các nguyên tắc trên không bao giờ có thể được diễn đạt hết trong kinh nghiệm này. | Và sở dĩ đóng góp đặc biệt này của PLATON không được biết đến là vì người ta đánh, giá nó bằng những quy luật thường nghiệm; mà tính giá trị của những quy luật này, như là các nguyên tắc, đã phải bị thủ tiêu bởi chính ý niệm. Thật vậy, trong lãnh vực giới tự nhiên, nếu kinh nghiệm mang lại cho ta quy luật và là nguồn suối của chân lý, thì về phương diện những quy luật đạo đức, kinh nghiệm (tiếc thay!) lại là mẹ đẻ của ảo tưởng và thật là tệ hại nếu những quy luật đạo đức về những gì tôi phải làm lại được rút ra từ đó hay nếu muốn dùng kinh nghiệm để hạn chế những gì phải được làm.

Tuy nhiên, chúng ta buộc phải tạm ngưng việc xem xét các chủ đề quan trọng này, - việc triển khai chúng mới thật sự là nhiệm vụ riêng biệt và xứng đáng của triết học - để trước mắt tự giới hạn vào nhiệm vụ không vẻ vang bằng nhưng chắc cũng không ít bổ ích là chuẩn bị một nền móng vững chắc cho tòa nhà đạo đức uy nghi kia, bởi nền móng của tòa nhà này đã trở nên mất an toàn vì quá nhiều đường hầm do lý tính - nhân quá hăng say khi đi tìm kho báu một cách vô vọng - đã đào ruỗng từ mọi phía. Do đó, nhiệm vụ hiện nay của ta là phải tìm hiểu chính xác sự sử dụng siêu nghiệm của lý tính thuần túy đối với các nguyên tắc và Ý niệm của nó để có thể xác định và đánh giá ảnh hưởng và giá trị thực của chúng.

Nhưng trước khi kết thúc phần nhận xét nhập đề này, tôi mong rằng những ai thật sự tha thiết với triết học - số này bao giờ cũng ít hơn người ta tưởng -, nếu đã thấy được thuyết phục về những gì đã và sẽ được trình bày, hãy cố bảo vệ thuật ngữ "Ý niệm" trong ý nghĩa nguyên thủy của nó và chú ý đừng để cho ý niệm này bị lạc mất trong nhiều thuật ngữ thường được dùng một cách hỗn tạp, tùy tiện để diễn đạt các biểu tượng đủ loại, làm tổn hại đến khoa học. Chúng ta không hề thiếu thuật ngữ để diễn đạt thích đáng mỗi loại biểu tượng khác nhau nên không việc gì phải dùng thuật ngữ này lấn sang lãnh vực riêng của thuật ngữ kia.

Sau đây là bậc thang thứ tự các thuật ngữ cần ghi nhớ:

Các thuật ngữ thuộc về loại chung (Gattung) là Biểu tượng (Vorstellung/repraesentatio). Trong những biểu tượng, ta chia ra: biểu tượng có ý thức, gọi là tri giác (Wahrnehnung/perceptio). Một tri giác chỉ quan hệ với chủ thể, diễn tả sự biến thái của trạng thái của chủ thể, gọi là Cảm giác (Empfindung/sensatio), còn tri giác [có giá trị] khách quan, gọi là nhận thức (Erkenntnis/cognitio). Nhận thức thì hoặc là trực quan (Anschauung) hoặc làkhái niệm (Begriff) (intuitus vel conceptus). Trực quan liên hệ trực tiếp với đối tượng và có tính riêng lẻ; còn khái niệm là gián tiếp, thông qua một đặc điểm có chung trong nhiều đối tượng. Khái niệm lại chia làm hai loại: khái niệm thường nghiệmkhái niệm thuần túy. Khái niệm thuần túy trong chừng mực có nguồn gốc phát sinh chỉ từ trong giác tính (chứ không phải trong hình ảnh thuần túy của cảm năng) gọi là ý tưởng (Notio - phạm trù). Sau cùng, một khái niệm gồm các ý tưởng vượt lên khỏi khả thể của kinh nghiệm mới được gọi là Ý niệm (Idee) hay là khái niệm của lý tính [khái niệm thuần lý].

Như vậy, đối với những ai đã quen thuộc với sự phân biệt này, thật không thể nào chấp nhận được khi nghe ai đó gọi biểu tượng về màu đỏ là một Ý niệm. Màu đỏ còn chưa xứng đáng để được gọi là ý tưởng (khái niệm của giác tính), huống hồ là Ý niệm.

 

TIẾT 2

VỀ CÁC Ý NIỆM SIÊU NGHIỆM

Phân tích pháp siêu nghiệm đã cho ta thấy một ví dụ điển hình làm thế nào để mô thức lôgíc đơn thuần của nhận thức chúng ta lại có thể chứa đựng nguồn gốc phát sinh ra các khái niệm thuần túy tiên nghiệm; tức là các khái niệm hình dung đối tượng trước mọi kinh nghiệm, hay đúng hơn, cho thấy sự thống nhất tổng hợp là cái duy nhất làm cho một nhận thức thường nghiệm về những đối tượng có thể có được. Hình thức của các phán đoán (chuyển sự tổng hợp những trực quan thành khái niệm) đã tạo ra các phạm trù, hướng dẫn mọi sự sử dụng giác tính trong kinh nghiệm. Cũng giống như thế, ta chờ đợi rằng [ở phần này], hình thức của các suy luận của lý tính, một khi được áp dụng vào sự thống nhất tổng hợp của những trực quan theo quy luật của các phạm trù cũng sẽ chứa đựng nguồn gốc phát sinh các khái niệm thuần túy [thuộc loại] đặc biệt mà ta có thể gọi là các khái niệm của lý tính hay các Ý niệm siêu nghiệm, là những cái sẽ xác định việc sử dụng giác tính trong cái Toàn bộ của tất cả mọi kinh nghiệm theo các Nguyên tắc.

Chức năng của lý tính trong các suy luận là mang lại tính phổ biến (Allgemeinheit) của nhận thức theo các khái niệm thuần lý, và bản thân suy luận của lý tính cũng là một phán đoán, nhưng được quy định một cách tiên nghiệm trong toàn bộ phạm vi của điều kiện của nó. Ví dụ, mệnh đề [về một trường hợp cá biệt]: "Cajus phải chết" là một mệnh đề do giác tính mang lại từ kinh nghiệm, nhưng tôi phải tìm cho được một khái niệm chứa đựng điều kiện trong đó thuộc tính (sự khẳng định nói chung) của phán đoán trên được mang lại, - trong trường hợp này, đó là khái niệm về "con người" -, và sau khi thâu gồm phán đoán [cá biệt] trên vào trong điều kiện này, tôi mở rộng tối đa phạm vi của nó: "Mọi người đều phải chết", [và dựa trên nhận thức mở rộng tối đa này], tôi xác định nhận thức [cá biệt] về đối tượng của tôi: "Cajus phải chết".

Nhưvậy, trong kết luận của một suy luận, ta giới hạn một thuộc tính cho một đối tượng nhất định sau khi đã suy tưởng nó trong chính đề (Major) với toànbộ phạm vị [tối đa] của nó theo một điều kiện nhất định. Lượng hoàn tất về phạm vi của đối tượng trong mối quan hệ với một điều kiện tương ứng, gọi là cái phổ biến (Allgemeinheit/Universa-litas). Cái toàn thể (die Allheit/Totalität/Universitas) các điều kiện trong tổng hợp của các trực quan phải tương ứng với cái phổ biến này. Vậy, khái niệm siêu nghiệm của lý tính không gì khác hơn là khái niệm về cái toàn thể những điều kiện của một cái [cá biệt] có điều kiện được cho. Vì chỉ có cái vô-điều kiện mới làm cho cái toàn thể những điều kiện có thể có được, và ngược lại, cái toàn thể những điều kiện bản thân nó bao giờ cũng là cái vô-điều kiện; do đó một khái niệm thuần túy của lý tính nói chung có thể được định nghĩa bằng khái niệm về cái vô-điều kiện, trong chừng mực nó chứa đựng cơ sở cho sự tổng hợp của cái có điều kiện.

Vậy, có bao nhiêu phương cách (Arten) quan hệ mà giác tính hình dung [suy tưởng] thông qua các phạm trù cũng sẽ có bấy nhiêu [số lượng] các khái niệm thuần túy của lý tính: đó là, trước hết ta phải tìm cái vô-điều kiện cho sự tổng hợp nhất thiết (kategorisch) trong một chủ thể; thứ hai là cho sự tổng hợp giả thiết (hypothetisch) về các đơn vị của một chuỗi [sự vật] và thứ ba, cho sự tổng hợp phân đôi (disjunctiv) về các bộ phận trong một hệ thống.

Cũng có chính xác cùng một số lượng như thế về các phương cách suy luận; mỗi phương cách cũng đi từ cách - suy luận đi lên (Prosyllogismus)* tiến đến cái vô-điều kiện: phương cách thứ nhất tiến đến cái chủ thể mà bản thân không bao giờ còn là một thuộc tính nữa; cái thứ hai tiến đến cái tiền đề không cần lấy cái gì khác cao hơn nó làm tiền đề nữa và sau cùng, cái thứ ba tiến đến tổng số những đơn vị của sự phân chia và không còn cần thêm một cái gì nữa để hoàntất sự phân chia của một khái niệm. Như vậy, các khái niệm thuần túy của lý tính về cái toàn thể trong tổng hợp những điều kiện là có cơ sở tất yếu trong bản tính tự nhiên của lý tính con người, ít ra như là nhiệm vụ của lý tính tiếp tục nâng sự thống nhất của giác tính lên đến cái vô-điều kiện; cho dù các khái niệm thuần lý này thiếu một sự sử dụng tương ứng trong trường hợp cụ thể (in concreto) và do đó không có ích lợi nào khác ngoàiviệc đưa giác tính vào đúng phương hướng, trong đó sự sử dụng giác tính - khi mở rộng đến tối đa - vẫn đồng thời được làm cho nhất trí trọn vẹn với bản thân giác tính.

Nhưng ở đây, khi nói về cái toàn thể của những điều kiện và về cái vô-điều kiện như là danh hiệu chung cho mọi khái niệm của lý tính, ta lại gặp một thuật ngữ không thể nào không sử dụng, mặc dù ý nghĩa của nó rất hàm hồ do bị lạm dụng quá nhiều khiến khi sử dụng, ta cảm thấy không an toàn, [đó là chữ "TUYỆT ĐỐI" (ABSOLUT)]. Chữ "tuyệt đối" là một trong số rất ít những từ - trong nghĩa sơ thủy của nó - tương ứng chính xác với khái niệm mà nó muốn diễn đạt, một khái niệm mà không một từ nào khác trong ngôn ngữ có thể thích hợp bằng và nếu từ này bị mất đi - hay sự sử dụng chao đảo về nó thì cũng thế - sẽ làm mất luôn cả bản thân khái niệm về nó. | Và vì đây là một khái niệm được lý tính hết sức quan tâm, nên đánh mất nó là một tổn thất lớn cho toànbộ triết học siêu nghiệm.

Hiện nay, từ "tuyệt đối" thường được dùng để đơn thuần biểu thị cái gì đó được xem là của một sự vật nơi bản thân nó, tức cái gì có giá trị nội tại [làm nên sự vật]. Theo nghĩa này, "tuyệt đối có thể" hàm nghĩa rằng cái gì đấy có thể có trong chính nó (tất yếu nội tại), tức trong thực tế là cái tối thiểu người ta có thể nói về một đối tượng. Nhưng ngược lại, đôi khi từ "tuyệt đối" lại được dùng để chỉ một cái gì đó có giá trị trong mọi mối quan hệ (không bị giới hạn), (chẳng hạn: "sự thống trị tuyệt đối"); như vậy, "tuyệt đối có thể" theo nghĩa này lại hàm nghĩa rằng cái gì đấy là có thể có trong mọi mối quan hệ và trong mọi phương diện, tức là cái tối đa mà tôi có thể nói về khả thể của một sự vật. Thật ra, hai nghĩa [có vẻ trái ngược nhau này] cũng thường trùng hợp với nhau. Ví dụ, cái gì không thể có trong bản thân nó, cũng không thể có trong mọi mối quan hệ, tức là tuyệt đối không thể. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, chúng lại hoàn toàn cách xa nhau, vì thế tôi không có căn cứ nào để kết luận rằng vì một cái gì đó là có thể có trong bản thân nó, nên cũng có thể có giá trị trong mọi mối quan hệ, tức tuyệt đối có thể có. Hơn thế nữa, như sau đây tôi sẽ chứng minh, sự tất yếu tuyệt đối không phụ thuộc, trong mọi trường hợp, vào sự tất yếu nội tại và vì thế sự tất yếu tuyệt đối không thể được xem là đồng nghĩa với sự tất yếu nội tại.

[Từ một khẳng định đúng:] nếu cái đối lập với sự vật là cái không có tất yếu nội tại thì cái đối lập này cũng không thể có giá trị tuyệt đối trong mọi phương diện, vậy bản thân sự vật - [trái với cái đối lập] - là tất yếu tuyệt đối. Nhưng [từ khẳng định đúng đó,] tôi không thể suy luận ngược lại rằng: vì cái đối lập với cái tất yếu tuyệt đối là cái không có tất yếu nội tại, cho nên cái tất yếu tuyệt đối của các sự vật phải là một tất yếu nội tại. | Bởi vì cái tất yếu nội tại trong nhiều trường hợp chỉ là một từ trống rỗng không thể nối kết với một khái niệm nào cả, trong khi đó, khái niệm về sự tất yếu của một sự vật trong mọi quan hệ, tức sự tất yếu tuyệt đối, lại có nơi nó những quy định rất đặc thù. Vì một triết gia không bao giờ có thể làm ngơ trước việc mất đi một khái niệm có sự áp dụng rộng lớn cho suy tư triết học, nên tôi cũng hy vọng rằng người ta cũng không làm ngơ trước việc phải xác định rõ ràng và bảo vệ cẩn thận thuật ngữ mà khái niệm này dựa vào.

Trong ý nghĩa được mở rộng đó, tôi sẽ sử dụng từ "tuyệt đối" theo nghĩa đối lập lại với những gì chỉ có giá trị so sánh hay chỉ có giá trị trong một số phương diện nhất định, vì những cái này bị giới hạn bởi các điều kiện, trong khi ngược lại, cái tuyệt đối có giá trị mà không có sự giới hạn nào cả.

Khái niệm siêu nghiệm của lý tính bao giờ cũng chỉ liên quan đến cái toànthể tuyệt đốitrong sự tổng hợp những điều kiện và không bao giờ ngừng lại cho tới khi đạt được cái Vô-điều kiện tuyệt đối, tức là cái có giá trị trong mọi phương diện và mọi mối quan hệ. Lý do là vì lý tính thuần túy nhường lại cho giác tính tất cả những gì liên quan trước hết đến những đối tượng của trực quan, hay đúng hơn, đến sự tổng hợp của những trực quan trong trí tưởng tượng. Lý tính thuần túy chỉ giữ lại cho mình cái toàn thể tuyệt đối trong khi sử dụng các khái niệm của giác tính nhằm mục đích đưa sự thống nhất tổng hợp được suy tưởng trong phạm trù vươn tới cái Vô-điều kiện. Vì thế, người ta có thể gọi cái toànthể tuyệt đối này là sự thống nhất của lý tính, [sự thống nhất thuần lý] về những hiện tượng, cũng giống như đã gọi sự thống nhất mà phạm trù diễn tả là sự thống nhất của giác tính. Như thế, lý tính chỉ liên hệ với việc sử dụng giác tính, không phải trong chừng mực sự sử dụng giác tính này chứa đựng cơ sở của kinh nghiệm khả hữu (vì khái niệm về cái toàn thể tuyệt đối của những điều kiện không phải là một khái niệm được sử dụng trong kinh nghiệm, bởi không có kinh nghiệm nào là vô-điều kiện cả), mà là nhằm đề ra (vorschreiben) cho sự sử dụng giác tính phương hướng về một sự thống nhất nào đó mà bản thân giác tính [không hình dung nổi vì] không có khái niệm [nào tương ứng]; và mục đích của lý tính là tập hợp mọi hành vi của giác tính trong quan hệ với từng đối tượng vào trong một cái toàn bộ tuyệt đối (ein absolutes Ganzes). Do vậy, việc sử dụng khách quan các khái niệm thuần túy của lý tính bao giờ cũng có tính siêu việt, trong khi đó, việc sử dụng các khái niệm thuần túy của giác tính [phạm trù] - theo bản tính tự nhiên của chúng - luôn luôn có tính nội tại vì sự sử dụng ấy chỉ tự giới hạn trong phạm vi kinh nghiệm khả hữu.

Tôi hiểu "Ý niệm" là một khái niệm tất yếu của lý tính và không có đối tượng nào trong thế giới cảm tính có thể tương ứng với nó. Theo nghĩa đó, các khái niệm thuần túy của lý tính được ta bàn ở đây là các Ý niệm siêu nghiệm. Chúng là các khái niệm của lý tính thuần túy vì chúng xem mọi nhận thức thường nghiệm như được quy định bởi một cái toàn thể tuyệt đối của những điều kiện. Chúng không phải được bịa ra một cách tùy tiện mà là được đặt ra bởi bản tính tự nhiên của bản thân lý tính, do đó, quan hệ một cách tất yếu với toàn bộ sự sử dụng giác tính. Rút cục, chúng là siêu việt và vượt hẳn ranh giới của mọi kinh nghiệm, vì trong kinh nghiệm, không bao giờ có một đối tượng nào có thể tương ứng trọn vẹn với Ý niệm siêu nghiệm. Khi người ta gọi một "Ý niệm", thì xét về phương diện đối tượng của nó (như về một đối tượng của giác tính thuần túy) người ta có thể nói được rất nhiều, nhưng xét về mặt chủ thể của nó (tức về tính thực tại của nó trong điều kiện thường nghiệm), người ta lại nói được rất ít, vì Ý niệm - như là khái niệm về cái tối đa - không bao giờ có thể được mang lại tương ứng trong cụ thể (in concreto). Vì Ý niệm chỉ có mục đích duy nhất là được lý tính sử dụng một cách đơn thuần tư biện, và vì sự tiếp cận một khái niệm không bao giờ đạt được trong khi thực hiện nên Ý niệm cũng không khác gì một khái niệm không có thật; cho nên người ta thường gọi một khái niệm như vậy bằng câu: "Đó chỉ là một Ý niệm thôi!". Tất nhiên, ta có thể nói: "Cái toàn bộ tuyệt đối của mọi hiện tượng chỉ là một Ý niệm thôi!" vì quả thật, ta không bao giờ có thể phác họa được cái toànbộ như thế thành hình ảnh, do đó nó mãi mãi là một vấn đề không thể giải đáp.

Nhưng ngược lại, vì sự sử dụng giác tính một cách thực hành [trong lãnh vực sinh hoạt đạo đức] chỉ quan tâm đến việc vận dụng nó theo đúng các quy luật, Ý niệm của lý tính thực hành lại luôn luôn có thực (wirklich), dù chỉ được mang lại một phần trong cụ thể (in concreto); hơn thế, Ý niệm là điều kiện không thể thiếu được trong mọi sử dụng thực hành của lý tính. Việc vận dụng Ý niệm tuy bao giờ cũng bị giới hạn và khiếm khuyết nhưng trong những ranh giới không thể bị quy định, do đó, bao giờ cũng nằm trong vòng ảnh hưởng của khái niệm về một trọn vẹn tuyệt đối. Do đó, Ý niệm thực hành lúc nào cũng cực kỳ phong phú và là tuyệt đối cần thiết đối với mọi hành vi hiện thực của ta. Trong Ý niệm, lý tính thuần túy [thực hành] có cả tính nguyên nhân tạo tác hình thành thực sự những gì mà khái niệm của nó chứa đựng, vì vậy, người ta không được phép nói về sự minh triết một cách hầu như khinh thị rằng: "Đó chỉ là một Ý niệm thôi!", trái lại, chính vì sự minh triết là Ý niệm về sự thống nhất tất yếu của mọi mục đích khả hữu, nên đối với mọi [nỗ lực] thực hành, nó phải được dùng làm nguyên tắc như là điều kiện nguyên thủy, hoặc ít ra như là điều kiện giới hạn.

[Trong tinh thần đó], tuy ta phải nói về các khái niệm siêu nghiệm của lý tính rằng "chúng chỉ là các Ý niệm thôi!", nhưng không vì thế mà được xem chúng là thừa thải và vô hiệu. Vì dù qua chúng, không đối tượng cụ thể nào được xác định, chúng vẫn có thể - một cách cơ bản và âm thầm - phục vụ cho giác tính như một bộ Chuẩn tắc (Kanon) cho việc sử dụng mở rộng và nhất trí của giác tính; một bộ chuẩn tắc qua đó giác tính tuy không nhận thức thêm được đối tượng nào [mới] ngoàinhững gì giác tính có thể nhận thức bằng những khái niệm của riêng nó, nhưng trong nhận thức này, giác tính lại được hướng dẫn tốt hơn và xa hơn. Đó là chưa kể đến việc các Ý niệm có lẽ đã làm cho bước chuyển từ những khái niệm về tự nhiên [nhận thức về thế giới phi ngã] sang những khái niệm thực hành [nhận thức về sinh hoạt đạo đức và nhân sinh] có thể có được, và bằng cách đó, có thể tạo ra cho các Ý niệm đạo đức sự vững chãi và sự nối kết với các nhận thức tư biện [của lý tính thuần túy lý thuyết]. Về tất cả các điều này ta sẽ phải dành lại để bàn đến sau.

Phù hợp với mục đích [đặt ra cho phần này], ta tạm gác việc xem xét các Ý niệm thực hành [đạo đức] lại, mà chỉ tập trung xem xét lý tính trong việc sử dụng tư biện, và trong việc sử dụng này, cũng lại thu hẹp vào việc sử dụng siêu nghiệm mà thôi. Ở đây, ta cũng sẽ phải đi theo con đường mà ta đã trải qua khi diễn dịch về các phạm trù của giác tính, đó là, ta sẽ xem xét hình thức lôgíc của nhận thức lý tính và thấy rằng phải chăng qua đó lý tính có lẽ không thể được xem là một nguồn gốc phát sinh ra các khái niệm cho phép ta nhận thức được các đối tượng-tự thân một cách tổng hợp tiên nghiệm, trong mối quan hệ với chức năng này hay chức năng khác của lý tính.

Lý tính, - được xét như quan năng tạo ra một hình thức lôgíc nhất định của nhận thức - đó là quan năng suy luận, tức là phán đoán gián tiếp (bằng cách thâu gồm điều kiện của một phán đoán có thể có vào trong điều kiện của một phán đoán đã cho). Phán đoán đã cho là quy luật phổ biến (chính đề, Obersatz/Major). Sự thâu gồm điều kiện của một phán đoán khác có thể có vào trong điều kiện của quy luật này là thứ đề (Untersatz/Minor). Phán đoán hiện thực nói lên sự khẳng định (Assertion) của quy luật trong trường hợp được thâu gồm, là kết luận (Schlusssatz/conclusio). Quy luật phát biểu tổng quát về một cái gì phải phục tùng một điều kiện nào đó. Điều kiện của quy luật có mặt trong một trường hợp [cá biệt] đang xảy ra. Do đó, cái gì có giá trị phổ biến theo điều kiện này cũng phải được xem là có giá trị trong trường hợp cá biệt (thỏa ứng được điều kiện ấy). Như vậy, người ta dễ dàng thấy rằng lý tính đạt được một nhận thức là nhờ dựa vào các hành vi [liên tục] của giác tính tạo nên một chuỗi những điều kiện. Sở dĩ tôi đi đến được mệnh đề: "Mọi vật thể đều biến đổi" là nhờ bắt đầu từ một nhận thức [phổ biến] có trước đó rất xa (trong đó khái niệm "vật thể" chưa xuất hiện, nhưng nhận thức trước đã có chứa đựng điều kiện cho khái niệm này), đó là: "Mọi cái kết hợp đều biến đổi". | Đi từ nhận thức rất xa này đến một nhận thức gần hơn vốn phục tùng điều kiện của cái trước, tôi có mệnh đề: "Mọi vật thể đều là cái kết hợp", rồi từ đó mới đi đến mệnh đề thứ ba nối kết nhận thức rất xa (sự biến đổi) với nhận thức trước mắt tôi và do đó: "mọi vật thể đều biến đổi". | Như vậy, tôi trải qua một chuỗi các điều kiện (các tiền đề - Prämissen) mới đi đến một nhận thức (kết luận/Konklusion).Mỗi chuỗi các điều kiện - mà cái tiêu biểu (Exponent) của nó đã được mang lại (là của phán đoán nhất thiết hay phán đoán giả thiết) - cứ tiếp tục, do đó, chính cùng một hành vi ấy của lý tính dẫn đến cái "ratiocinatio polysyllogistica”* tức là một chuỗi những suy luận, có thể được tiếp tục hoặc từ phía những điều kiện (per prosyllogismos)* hoặc từ phía cái bị điều kiện (per episyllogismos)* cho đến vô tận.

[*Polysyllogismus: Xem chú thích cho B364. (N.D).]

 

Nhưng ta sẽ sớm nhận ra rằng, dãy hay chuỗi những "prosyllogismos", tức là những nhận thức được rút ra từ phía những cơ sở hay những điều kiện của một nhận thức đã cho, nói cách khác, chuỗi những suy luận theo hướng đi lên có quan hệ với quan năng lý tính một cách khác với chuỗi theo hướng đi xuống, tức là với sự tiếp tục suy luận của lý tính từ phía cái bị điều kiện nhờ vào những "episyllo-gismos". Bởi vì, trong trường hợp trước, nhận thức (kết luận - conclusio) được mang lại chỉ như là có điều kiện: và người ta, thông qua lý tính, không thể đi đến được nhận thức [kết luận] này bằng cách nào khác hơn là ít ra phải dựa vào tiền đề rằng mọi mắt xích (Glieder) của chuỗi về phía những điều kiện đều đã được mang lại (cái toànthể trong chuỗi những tiền đề), vì chỉ với tiền đề này, phán đoánmới có thể có được một cách tiên nghiệm; ngược lại, nếu đứng về phía cái có điều kiện, hay là những hệ quả, thì chỉ có một chuỗi đang hình thành chứ chưa được mang lại và cũng không hoàn toàn được giả định là đã hoàntất, do đó chỉ là một diễn tiến trong dạng tiềm năng là được suy tưởng mà thôi.

Do đó, khi một nhận thức được xem là có điều kiện, lý tính bắt buộc phải xem chuỗi những điều kiện theo hướng đi lên như là đã hoàn tất và cái toàn thể của chúng đã được mang lại. Nhưng, nếu chính cùng một nhận thức ấy đồng thời được xem là điều kiện cho những nhận thức khác để cùng nhau tạo thành một chuỗi những cái có điều kiện hay những hệ quả theo hướng đi xuống, lý tính có thể không cần quan tâm tiến trình này sẽ được mở rộng đến đâu về mặt hậu nghiệm (a posteriori) cũng như cái toàn thể của chuỗi điều kiện này có thể có hay không, bởi vì lý tính không cần chuỗi như thế để đi đến kết luận trước mắt, một khi kết luận này đã được xác định và đảm bảo đầy đủ nhờ những cơ sở tiên nghiệm. Như vậy, về phía những điều kiện, có thể trong chuỗi những tiền đề có một điều kiện đầu tiên như là điều kiện tối cao [cho cả chuỗi]; hoặc không có cái đầu tiên này, và như vậy là không có [điểm] giới hạn [cuối cùng] về mặt tiên nghiệm, thì cả chuỗi vẫn phải chứa đựng cái toànthể những điều kiện, dù giả thiết rằng ta không bao giờ có thể đạt đến chỗ hiểu biết nó hoàn toàn, và toàn bộ chuỗi này phải đúng một cách vô điều kiện, nếu cái có điều kiện - được xem là một hệ quả nảy sinh từ nó - được xem là đúng. Đó là một đòi hỏi của lý tính cho thấy nhận thức của nó là được xác định một cách tiên nghiệm và tất yếu, hoặc trong chính nó - trong trường hợp này nó không cần dựa vào cơ sở nào, - hoặc, nếu nó được rút ra như một mắt xích của chuỗi những nguyên nhân, bản thân chuỗi này là đúng một cách vô điều kiện.

 

TIẾT 3

HỆ THỐNG CÁC Ý NIỆM SIÊU NGHIỆM

Ở đây, ta không bàn về một phép biện chứng lôgíc trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức để chỉ vạch ra ảo tưởng sai lầm trong hình thức của các suy luận lý tính. | Ngược lại, đối tượng xem xét của ta là phép biện chứng siêu nghiệm chứa đựng một cách hoàn toàn tiên nghiệm nguồn gốc phát sinh của một số nhận thức được rút ra từ lý tính thuần túy và của các khái niệm được suy ra từ các nhận thức trên, mà đối tượng của chúng hoàn toàn không thể được mang lại một cách thường nghiệm và do đó, chúng [các nhận thức và các khái niệm trên] đều hoàn toàn nằm bên ngoài quan năng của giác tính thuần túy.

Từ mối quan hệ tự nhiên mà việc sử dụng siêu nghiệm các nhận thức của ta, - trong các suy luận cũng như trong các phán đoán - phải có với việc sử dụng lôgíc, ta thấy rằng: sẽ chỉ có ba loại lập luận biện chứng tương ứng với ba phương cách suy luận [lôgíc], qua đó lý tính có thể đạt được các nhận thức từ các nguyên tắc, và trong cả ba loại, công việc của lý tính là đi từ sự tổng hợp có điều kiện mà giác tính bao giờ cũng gắn liền, tiến lên đến sự tổng hợp vô điều kiện [tuyệt đối] mà giác tính không bao giờ có thể đạt đến nổi.

Cái phổ biến (das Allgemeine)của mọi mối quan hệ mà các biểu tượng của chúng ta có thể có được là:

1- quan hệ với chủ thể,

2- quan hệ với những đối tượng, hoặc như là những hiện tượng, hoặc như là những đối tượng của tư duynói chung.

Nếu ta nối kết việc phân chia thành hai loại ở điểm 2 với điểm 1, thì mọi mối quan hệ của những biểu tượng, nhờ đó ta có thể tạo ra một khái niệm hay một ý niệm, gồm có ba loại:

1- quan hệ với chủ thể

2 - quan hệ với cái đa tạp của đối tượng ở trong hiện tượng

3 - quan hệ với mọi sự vật nói chung

Nếu mọi khái niệm thuần túy nói chung [của giác tính và của lý tính] đều nhắm đến sự thống nhất tổng hợp của những biểu tượng; thì riêng các khái niệm của lý tính thuần túy (các Ý niệm siêu nghiệm) lại nhắm đến sự thống nhất tổng hợp vô-điều kiện [tuyệt đối] của mọi điều kiện nói chung. Do đó, tất cả các Ý niệm siêu nghiệm tự sắp xếp thành ba loại (Klassen), chứa đựng:

1: sự thống nhất [nhất thể] tuyệt đối (vô-điều kiện) của chủ thể tư duy.

2: sự thống nhất tuyệt đối của chuỗi các điều kiện của hiện tượng, và

3: sự thống nhất tuyệt đối của điều kiện cho mọi đối tượng của tư duy nói chung.

Chủ thể tư duy là đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học; tổng thể (Inbegriff) mọi hiện tượng (thế giới) là đối tượng của Vũ trụ học; và hữu thể chứa đựng điều kiện tối cao cho khả thể của mọi cái gì có thể được suy tưởng (Hữu thể của mọi hữu thể) là đối tượng của Thần học. Như vậy, Lý tính thuần túy sẽ mang lại: Ý niệm về một học thuyết siêu nghiệm về Linh hồn, gọi là TÂM LÝ HỌC THUẦN LÝ (PSYCHOLOGIA RATIONALIS); khoa học siêu nghiệm về Vũ trụ, gọi là VŨ TRỤ HỌC THUẦN LÝ (COSMOLOGIA RATIONALIS) và cuối cùng là một nhận thức siêu nghiệm về Thượng đế, gọi là THẦN HỌC SIÊU NGHIỆM (THEOLOGIA TRANSCENDENTALIS).

Giác tính không thể nào tạo ra được - dù chỉ là phác họa - về bất cứ loại nào trong ba môn học này, ngay cả khi nó được kết hợp với việc sử dụng lôgíc tối cao của lý tính, tức là với mọi suy luận có thể hình dung được để tiến lên từ một đối tượng (hiện tượng) đến tất cả những đối tượng khác cho tới những mắt xích xa nhất của sự tổng hợp thường nghiệm, ngược lại, ba khoa học này là sản phẩm thuần túy, chính cống hay là vấn đề của riêng lý tính thuần túy.

Tất cả các Ý niệm siêu nghiệm thuộc ba đề mục trên đây phục tùng các thể cách (Modi) nào của các khái niệm thuần túy của lý tính sẽ được trình bày đầy đủ trong chương sau. Chúng sẽ phát triển dựa theo manh mối của các phạm trù. Bởi vì lý tính thuần túy không bao giờ quan hệ thẳng với những đối tượng mà chỉ quan hệ với những khái niệm của giác tính về những đối tượng ấy. Cũng thế, chỉ [sau khi] có sự nghiên cứu trọn vẹn về chúng mới có thể làm sáng tỏ các điểm sau:

[ - ]  tại sao lý tính chỉ đơn thuần thông qua việc sử dụng tổng hợp của cùng một chức năng mà nó sử dụng trong suy luận theo hình thái nhất thiết (kategorisch) lại phải tất yếu đi tới khái niệm về sự thống nhất tuyệt đối của chủ thể tư duy?

[ - ]  tại sao phương cách lôgíc trong các suy luận giả thiết (hypothetisch) lại tạo ra một cách tất yếu Ý niệm về cái Vô-điều kiện tuyệt đối trong một chuỗi của những điều kiện đã cho?

[ - ]  và sau cùng, tại sao hình thức đơn thuần của suy luận phân đôi (disjunctiv) lại nhất thiết dẫn tới khái niệm tối cao của lý tính về một Hữu thể (Wesen) của mọi hữu thể: một tư tưởng thoạt nhìn là cực kỳ nghịch lý (paradox)?

Một sự diễn dịch khách quan như ta đã có thể làm trong trường hợp các phạm trù là điều không thể làm được đối với các Ý niệm siêu nghiệm này. Lý do là vì, trong thực tế, chúng không có quan hệ với một đối tượng nào [trong kinh nghiệm] có thể được mang lại tương xứng (kongruent) với chúng cả, cũng bởi chúng chỉ là các Ý niệm thôi. Nhưng một sự dẫn xuất (Ableitung) [diễn dịch] chủ quan về chúng lại có thể làm được từ bản tính tự nhiên của lý tính chúng ta như ta sẽ làm trong chương này.

Điều dễ nhận thấy là: lý tính thuần túy không có mục đích nào khác là cái toàn thể tuyệt đối của sự tổng hợp về phía những điều kiện (của sự tùy thuộc - Inhärenz -, hay của sự phụ thuộc - Dependenz - hay của sự tương tranh - Konkurrenz -), chứ nó không quan tâm tới sự hoàn tất tuyệt đối về phía cái có điều kiện. Bởi vì nó chỉ cần có cái trước để giả định toàn bộ chuỗi những điều kiện và qua đó, mang lại cho giác tính một cách tiên nghiệm. Còn nếu đã có sẵn một điều kiện hoàn tất (và vô-điều kiện), thì lại không cần đến một khái niệm của lý tính về việc tiếp tục của chuỗi những điều kiện vì giác tính sẽ tự làm lấy theo những bước đi xuống từ điều kiện đến cái có điều kiện. Bằng cách như thế, các Ý niệm siêu nghiệm chỉ phục vụ cho việc đi lên trong chuỗi những điều kiện cho tới khi đạt được cái vô-điều kiện, tức là, các nguyên tắc. Ngược lại, xét về mặt đi xuống tới cái có điều kiện, có một sự sử dụng lôgíc rất rộng do lý tính dùng các quy luật của giác tính, nhưng ở đây không có việc sử dụng siêu nghiệm nào cả. Và nếu ta tạo ra một ý niệm về cái toàn thể tuyệt đối của một sự tổng hợp như thế (của sự tổng hợp quy tiến -progressus -), chẳng hạn về toàn bộ chuỗi của mọi sự biến đổi trong tương lai của cả thế giới, thì sự tổng hợp này chỉ là một ens rationis (vật tư duy), chỉ được suy tưởng một cách tùy tiện chứ không phải được giả định một cách tất yếu bởi lý tính nữa. Bởi để có được khả thể của cái có điều kiện thì cần có điều kiện tiên quyết là cái toàn thể của những điều kiện của nó, chứ không phải là cái toàn thể của những hậu quả của nó. Cho nên, một khái niệm như vậy không phải là một Ý niệm siêu nghiệm, và chúng ta chỉ bàn ở đây về Ý niệm siêu nghiệm mà thôi.

Sau cùng, người ta cũng sẽ nhận chân rằng: giữa bản thân các Ý niệm siêu nghiệm với nhau cũng bộc lộ một sự nối kết và thống nhất nào đó, nhờ đó lý tính thuần túy tập hợp tất cả những nhận thức của nó thành một hệ thống. Từ nhận thức về chính mình [bản ngã của chủ thể] (Linh hồn) đến nhận thức về vũ trụ, rồi thông qua nhận thức này tiếp tục đi tới Hữu thể sơ thủy (Urwesen) là một tiến trình rất tự nhiên khiến cho nó có vẻ giống như tiến trình lôgíc của lý tính từ các tiền đề đến kết luận(1).

         {(1)Siêu hình học chỉ có ba Ý niệm làm nên mục đích nghiên cứu thực sự của nó, đó là: THƯỢNG ĐẾ, TỰ DO VÀ SỰ BẤT TỬ [của linh hồn], và Siêu hình học muốn chứng minh rằng khái niệm thứ hai kết hợp với khái niệm thứ nhất phải dẫn đến khái niệm thứ ba như là một kết luận tất yếu. Mọi chủ đề khác của môn khoa học này cũng chỉ là phương tiện để vươn đến và thực hiện được các Ý niệm này. Siêu hình học không đòi hỏi phải có các Ý niệm này để kiến tạo nên một khoa học về giới tự nhiên mà ngược lại, theo đuổi mục đích vượt ra khỏi giới tự nhiên. Do đó, nhận thức hoàn thiện về các ý niệm này là do Thần học, Đạo đức học, và qua sự kết hợp cả hai, là do Tôn giáo mang lại, do đó, các mục đích tối hậu của sự tồn tại của chúng ta đều chỉ đơn thuần dựa trên quan năng tư biện của lý tính chứ không cần dựa vào cái gì khác. Khi hình dung một cách hệ thống về các Ý niệm này như thứ tự ở trên, đó là cách hình dung tổng hợp phù hợp nhất với chúng. | Nhưng khi đi vào nghiên cứu cụ thể, ta đảo ngược trật tự lại theo cách phân tích thì thuận tiện hơn, tức là theo những gì kinh nghiệm trực tiếp mang lại cho ta, đó là: từ học thuyết về linh hồn [Tâm lý học] rồi đến học thuyết về vũ trụ [Vũ trụ học] và từ đó tiến lên nhận thức về Thượng đế [Thần học] để hoàn tất phác đồ [nghiên cứu] lớn lao của chúng ta.}

 

Ở đây, phải chăng thực sự có một sự thân thuộc kín đáo tận nền tảng về phương cách giữa phương pháp [sử dụng] lôgíc và phương pháp [sử dụng] siêu nghiệm của lý tính là một trong những câu hỏi mà người ta phải đợi câu trả lời sau suốt quá trình theo dõi các nghiên cứu này. Trong bước đầu này, ta đã đạt được mục đích của mình vì đã đưa được các khái niệm siêu nghiệm của lý tính ra khỏi tình trạng hàm hồ nước đôi, vì chúng vốn thường bị trộn lẫn với các khái niệm khác trong hệ thống lý luận của các triết gia và không được họ phân biệt tách bạch với các khái niệm của giác tính, qua đó chúng ta cũng đã trình bày rõ nguồn gốc phát sinh, đồng thời cả số lượng không thể có nhiều hơn được của chúng, và có thể hình dung chúng trong một mối liên kết có hệ thống và qua đó một lãnh vực đặc thù đã được xác định và được giới hạn dành cho lý tính thuần túy.

(còn nữa)

Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải

 

 

 

 

 

 

 


{*Prosyllogismus: Xem chú thích cho B364. (N.D).}

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513375

Hôm nay

2161

Hôm qua

2315

Tuần này

21312

Tháng này

220248

Tháng qua

121356

Tất cả

114513375