Văn hoá học đường

Vài mẩu chuyện về học trò của cha tôi

Hôm nay tự dưng muốn kể một vài mẩu nho nhỏ mà tôi được nghe, thấy về học trò của cha tôi - một nhà giáo 40 năm trong nghề, nhân dịp 20/11.
1/ Một chiều mùa Đông năm 1962, khi đó cha tôi mới về hưu được vài tháng. Cha ngồi uống nước chè, tôi học bài cạnh đấy trong căn phòng ở khu tập thể Đại học Sư phạm Vinh, thì nghe tiếng bước chân trước cửa. Nhìn ra, thấy một ông, mặt cũng chưa già lắm nhưng mái tóc như cước, da dẻ hồng hào, dáng dấp thật tao nhã, đang đi đến. Vừa vào nhà, ông chắp tay cúi chào cha tôi với giọng kính cẩn đặc biệt: " CON chào thầy!". Rồi quay sang tôi, ông nói nhỏ:" EM cho ANH mượn cái đĩa."
Tôi đưa cái khay nhôm nhỏ cho ông. Ông từ từ lấy trong cái túi vải cầm ở tay ra chục quả cam chín vàng, lá vẫn còn rất tươi, xanh biếc, rõ ràng là được lau sạch sẽ, cẩn thận, xếp ngay ngắn lên bàn một cách trịnh trọng và quay lại nhìn cha tôi, nói:” Thưa thầy! Nhân ngày lễ, CON có mấy quả cam hái từ vườn nhà, gọi là chút lòng thành kính biếu thầy, mong thầy cô luôn bình an, các em ngày một tấn tới."...
Ông về rồi, cha nói:
- Đây là ông Phạm Viết Nguyên, Hiệu trưởng trường cấp hai Nam Đàn, học trò của cha niên khóa 1922-1923.
Đến lúc đó thì tôi hiểu rõ. Bác Nguyên có hai anh con trai học cùng khóa với tôi ở cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng và lúc đó có một anh cũng đang học khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh; con gái đầu của bác là cô giáo em trai tôi và chồng cô thì đang dạy tôi ở đại học...

2/ Hình như cũng vào mùa Đông ấy, một hôm, đi học về, tôi ngạc nhiên thấy trước sân có cái xe Volga màu xanh nhạt. Hồi đó, chỉ từ cỡ bộ trưởng trở lên mới được đi loại này, thứ trưởng thì đi xe Pô-bê-đa, loại cấp vụ, trưởng ty... đi com-măng-ca.
Vào nhà, đang nói chuyện với cha tôi là một ông complet- cravate nghiêm chỉnh mà thời ấy, cả trường Vinh chỉ thấy Giáo sư Nguyễn Thúc Hào mặc mỗi khi lên lớp.
Trong câu chuyện, tôi nghe ông nói với cha mình:" Thưa thầy! Con xa nhà nhiều năm, bây giờ về nước làm việc. Con vừa về Vinh thăm mẹ kế lúc hai giờ chiều. Nghe mẹ con nói thầy ở đây nên may quá, con có dịp thăm sức khỏe thầy."
Tôi liếc nhìn đồng hồ, lúc đó là bốn giờ.
Khi xe của ông chạy khỏi dãy nhà tập thể, cha tôi bảo:"Đấy là anh Nguyễn Khắc Viện, con cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Anh Viện vừa về nước làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài.''
Thì ra đó là người mà tên được đọc kèm với đủ các loại ''nhà'', vị bác sĩ-con người huyền thoại, nhiều năm thở bằng một lá phổi.

3/ Trước cách mạng, có thời gian cha tôi dạy ở trường Collège de Vinh. Hồi đó, hàng năm vào dịp Quốc tế lao động, Đảng cộng sản Đông Dương thường bí mật dăng khẩu hiệu, rải truyền đơn...kêu gọi đồng bào chống sự đô hộ của thực dân. Cha bảo, có lần thấy băng rôn toàn chữ của ông Bùi Hữu Lương(anh trai ông Bùi Danh Tuyên- người có thời làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Cha gọi ông Lương đến và bảo:"Con à! Con có chắc là trong trường không có chỉ điểm của mật thám không? Thầy còn nhận ra chữ của con thì biết đâu có đứa trong bọn nó cũng biết. Con phải cẩn thận một chút."
Mấy năm sau, ông Bùi Hữu Lương bị Pháp bắt, kết án tử hình.
Sau này, có lần, chú họ tôi, người bị tù cạnh xà lim nhốt ông Lương, kể lại:
- Buổi sáng đó, nghe tiếng giày đinh và xiềng loảng xoảng, rồi Bùi Hữu Lương gõ vào bức tường ngăn, nói vội: “Cư ơi! Tao đi đây! Gửi lời chào thầy Bằng."
Cha tôi ngồi lặng đi, mắt ngấn nước.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515345

Hôm nay

223

Hôm qua

2367

Tuần này

2946

Tháng này

213284

Tháng qua

121009

Tất cả

114515345