Văn hoá học đường

Giáo dục thời thuộc Pháp: Vị trí của chữ Quốc ngữ và vấn đề phổ cập giáo dục

Pv: Nền giáo dục cuối thế kỷ XIX đến trước 1945 đã tạo lập nền tảng rất quan trọng cho giáo dục của nước Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, dường như còn ít có những khảo cứu mang tính hệ thống. Trước hết xin được mở đầu với câu chuyện khá thời sự. Hồi năm ngoái 2019, tại Việt Nam, nhân kỉ niệm 100 năm vua Khải Định ra sắc lệnh bỏ thi Hán học, một số nhà nghiên cứu khẳng định, đây cũng là cái mốc 100 năm chữ Quốc ngữ lên ngôi. Tiến sĩ nghĩ gì về nhận định này ?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Tháng 8/2019, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã giao Viện Sử học phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức Hội thảo Quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1076-1919)-100 năm nhìn lại”. Đa phần các tham luận tập trung làm rõ nội dung, quy chế, kết quả của các kỳ thi Nho học ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử; việc tuyển dụng quan lại thông qua thi cử; thái độ của người dân đối với thi cử; tác động của thi cử Nho học đối với xã hội Việt Nam. Tham luận của tôi trong Hội thảo này tập trung mô tả kỳ thi Hương năm 1912 ở Bắc Kỳ (trường thi Nam Định). Đây là lần thứ hai bài thi quốc ngữ được đưa vào trường thi Hương (lần đầu năm 1909).

Về nhận định cho rằng năm 1919 đánh dấu 100 năm chữ quốc ngữ lên ngôi, tôi không rõ căn cứ vào đâu mà có nhận định như vậy. Theo Đại Nam thực lục Đệ thất kỷ,  ngày 26-10-1918 (theo Tây lịch) bộ Học dâng tâu đình bãi thi cử, Vua Khải Định phê chuẩn. Ngày 14-7-1919, vua Khải Định ra Dụ cho thi hành Học chính Tổng quy ở Trung Kỳ, theo đó tất cả “Học pháp quy tắc do Chính phủ Bảo hộ tùy nghi nghĩ định; học sinh tốt nghiệp do Chính phủ Bảo hộ cấp phát văn bằng” (Đại Nam thực lục đệ thất kỷ, tr.240). Dụ ngày 14-7 cũng quy định cụ thể về việc chuyển đổi các trường Ấu học, Tiểu học, Trung học thành trường công Sơ học và Tiểu học Pháp Việt. Như vậy, Dụ năm 1919 chủ yếu đánh dấu việc xóa bỏ thi cử Nho học, áp dụng hệ thống trường lớp và thi cử kiểu mới (với vai trò chủ đạo thuộc về trường Pháp - Việt). Vấn đề chữ quốc ngữ không chỉ bó hẹp trong nội dung giáo dục; trường học chỉ là một trong nhiều thiết chế xã hội góp phần phổ biến chữ quốc ngữ; bên cạnh trường học còn rất nhiều thiết chế khác tham gia vào việc xây dựng và phổ biến chữ quốc ngữ như tôn giáo, báo chí, văn học...

Trường tiểu học thời thuộc Pháp

PV: Theo chúng tôi được biết, Tiến sĩ đã dành nhiều nỗ lực nghiên cứu cho chủ đề giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp. Để giúp công chúng có cái nhìn bao quát, xin Tiến sĩ cho biết, giai đoạn này đã để lại những di sản căn bản nào cho nền giáo dục Việt Nam sau 1945?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Chính quyền Pháp đã dành mối quan tâm đặc biệt cho giáo dục, như Dumoutier, thanh tra giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ nhận định năm 1887 “Trường học là công cụ có hiệu lực nhất, vững chắc nhất và có khả năng chinh phục nhất”. Đặc biệt, thực dân Pháp muốn xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Trung Hoa đối với người Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng thông qua một hệ thống giáo dục kiểu mới, mang tính khoa học và thực dụng hơn, đào tạo ra những người gắn bó với giáo dục kiểu Pháp, từ đó chịu ảnh hưởng và gắn bó với văn hóavăn minh Pháp. “Khi đã chinh phục được con người rồi thì việc chinh phục đất đai không có gì là khó khăn”. Nền giáo dục mà chính quyền thực dân xây dựng ở Việt Nam mang tính “nhị phân” rõ nét: một hệ thống trường đầy đủ gồm ba bậc học: Tiểu học (6 năm); Trung học (4 năm Cao đẳng Tiểu học và 3 năm Trung học để lấy bằng Tú tài); Đại học (4 hoặc 5 năm tùy từng chuyên ngành) hướng tới đào tạo đội ngũ tinh hoa; một hệ thống trường dành cho bình dân (chỉ có 3 năm, chủ yếu dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ). Các trí thức tinh hoa sử dụng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp thành thạo; tuy nhiên có xu hướng thích sử dụng tiếng Pháp trong giao tiếp chính thức; giới bình dân chỉ cần biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ.

 Chúng ta biết rằng nhiều nhà Nho Việt Nam đã có tinh thần cải cách từ rất sớm; Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đã đưa ra nhiều đề xuất cải cách. Sau này, các nhà Duy Tân như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng đã thể hiện mong muốn cải cách quyết liệt; xóabỏ tư tưởng cổ hủ, hưởng ứng cải cách có nguồn gốc từ phương Tây, qua Nhật Bản, qua Trung Quốc, vào Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà Nho có tư tưởng đi trước thời đại nhưng công cụ thực hiện cải cách của họ lại rất hạn chế; bởi vậy chỉ có thể thực hiện cải cách trong nhóm nhỏ. Các nhà trường kiểu mới mà chính quyền Pháp thiết lập đã giúp cho cải cách xã hội được nhanh chóng hơn; thực hiện trong phạm vi rộng hơn. Sau này, nhà nước Việt Nam DCCH đã kế thừa toàn bộ các trường học đã được xây dựng từ thời Pháp; sử dụng nhiều trí thức được đào tạo từ thời Pháp. Chính quyền mới chỉ thay đổi nội dung dạy và học, còn hệ thống trường lớp gần như vẫn giữ nguyên.

 

PVNhư ta biết, giáo dục Việt Nam truyền thống là giáo dục khoa cử Nho học, vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời gian sau khi Pháp bình định toàn cõi Đông Dương. Theo Tiến sĩ, đâu là thời điểm thay đổi quyết định để nền giáo dục Việt Nam đi vào quỹ đạo mới?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Có hai thời điểm quan trọng,là việc vua Thành Thái phê chuẩn bản Quy chế Giáo dục năm 1906; và việc áp dụng Học chính Tổng quy trên toàn Đông Dương từ năm 1918.

Năm 1906 Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’EnseignementIndigène) được thành lập. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng, họp tại Hà-Nội, đã được Toàn quyền Paul Beau long trọng khai mạc ngày 11-4-1906, với sự chứng kiến của vua Thành Thái. Sau các buổi họp kéo dài suốt tháng 4 năm1906, Hội đồng đã soạn thảo được một bản qui chế giáo dục, là cơ sở căn bản cho công cuộc cải cách mà chính quyền lập kế hoạch áp dụng cho nền giáo dục Việt Nam. Với việc phân chia giáo dục Nho học thành ba cấp ấu học, tiểu học, trung học và với sự chú trọng tới chữ Quốc ngữ, Pháp văn cùng các môn khoa học, bản qui chế này đưa Nho học vào quá trình cải cách đổi mới toàn diện.

 Nguyên bản Hán văn của Bản qui chế này còn được lưu trữ trong văn khố của Nam triều, trong tập Châu bản  số 55 triều Thành Thái, tờ 179-193. Bản Quy chế này đã được Nguyễn Thế Anh dịch từ Mộc bản Triều Nguyễn và đăng trên tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, Sài Gòn, năm 1973. Theo đó, bản Quy chế được phê chuẩn ngày mùng 6 tháng 7 năm Thành Thái thứ 18 (tức ngày 15/5/1906). Sau đó Thống sứ Bắc Kỳ thông qua chương trình cải cách Nho học cho Bắc Kỳ vào tháng 11 cùng năm.

Thời điểm quan trọng tiếp theo là việc áp dụng Học chính Tổng quy (Luật Giáo dục do Toàn quyền Albert Sarraut phê duyệt) trên toàn Đông Dương. Ở Bắc Kỳ, Luật được áp dụng từ năm 1918; Ở Trung Kỳ áp dụng từ năm 1919. Chính quyền Pháp lập ra Tổng Nha Thanh tra Giáo dục (Inspection générale de l’Instruction publique), là cơ quan giám sát xem các trường học và giáo viên có thực hiện đúng các quy định trong Luật Giáo dục không. Luật Giáo dục này gồm 558 điều, quy định rất cụ thể về nội dung học tập của từng môn học ở từng lớp học. Giáo viên cứ chiểu theo quy định trong Luật để giảng dạy.

 

PV: Tiến sĩ có thể cho biết thêm về những động lực chính cùng những nhân tố thuận lợi, cũng như những trở lực đối với bước chuyển quyết định này?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Sau khi Học chính Tổng quy được ban hành và có hiệu lực, tất cả các trường Nho học đều chuyển thành trường Pháp - Việt. Vì có sự chuẩn bị từ năm 1906 nên việc chuyển đổi diễn ra thuận lợi. Trở ngại lớn hơn cả có lẽ là cho những vị chỉ có bằng cấp Nho học (Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ) và vì quá tuổi nên không thể học lại từ đầu để lấy bằng của trường Pháp-Việt (bằng Cơ thủy(bậc Tiểu học), Thành Chung (bậc Cao đẳng Tiểu học), Tú tài (bậc Trung học). Tuy nhiên, những vị này vẫn có thể làm việc trong hệ thống chính quyền Nam triều sau khi bổ sung thêm một số chứng chỉ cần thiết và chỉ được tuyển dụng nếu vượt qua được các kỳ thi tuyển dụng được tổ chức theo định kỳ.

 

PVKể từ bước ngoặt quan trọng này cho đến năm 1945, xin Tiến sĩ cho biết có những cái mốc đáng chú ý nào trong lĩnh vực giáo dục?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Sau khi Học chính Tổng quy được phê duyệt cuối năm 1917 và được áp dụng từ năm 1918, chính quyền tiếp tục ban hành một số cải cách. Đáng chú ý là vào thời điểm năm 1924, Toàn quyền Merlin ra Nghị định về Bằng Sơ học yếu lược; theo đó trong hệ thống trường Pháp-Việt có thêm một kỳ thi và một tấm bằng (Certificat d’Études élémentaires indigens); tức là sau khi học hết 3 năm Sơ học, phải đi thi để lấy bằng để có thể học tiếp lên lớp Tiểu học. Chính quyền cho rằng điều này có thể thỏamãn tật sính bằng cấp của người Việt; không cần học nhiều cũng có thể sở hữu một tấm bằng để khoe với làng xã. Cùng năm 1924, Toàn quyền ra Nghị định về trường Tư thục. Theo đó, muốn mở trường tư phải xin phép và phải đủ điều kiện về trường lớp, vệ sinh mới được mở. Nghị định này đã gây nhiều phản ứng trong dư luận xã hội vì ở Việt Nam theo truyền thống, việc mở trường vốn được hoàn toàn tự do, không phải xin phép. Khi chính quyền ra quy định về trường tư thục, việc mở trường trở nên khó khăn. Trong bối cảnh số lượng trường công không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, quy định về trường tư bị coi là một động thái muốn kìm hãm việc học tập của người Việt. Nhiều chỉ trích cho rằng chính quyền Pháp theo đuổi “chính sách ngu dân” đối với người bản xứ.

 

PVTheo Tiến sĩ, giáo dục tiểu học thời thuộc Pháp nói chung và việc giảng dạy chữ Quốc ngữ nói riêng ở bậc tiểu học có vị trí như thế nào?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Tất cả nội dung giảng dạy của từng lớp đều được quy định trong Học chính Tổng quy. Theo đó, ở 3 năm đầu Tiểu học, học sinh lớp Đồng ấu phải học 11 môn (Đạo đức, thể dục, quốc ngữ, làm tính, hình họa, khoa học thường thức, địa lý, vẽ, thủ công, chữ Hán, môn tiếng Pháp tự chọn); lớp Dự bị và lớp Sơ đẳng học 12 môn (tương tự như lớp Đồng ấu nhưng có thêm môn Lịch sử). Lớp Trung đẳng (moyen) học 15 môn. Từ bậc học này, giáo viên được khuyến khích sử dụng tiếng Pháp tối đa trong giờ học. Nội dung tiếng Pháp được chia thành 4 môn riêng biệt gồm đọc hiểu và đọc to (chú trọng đến từ vựng và phát âm), luyện viết chữ đẹp, ngữ pháp, viết luận tiếng Pháp; tiếng Việt là môn học phụ. Chương trình lớp Cao đẳng Tiểu học tương tự như chương trình Trung đẳng nhưng với nội dung khó hơn. Như vậy, kể từ bậc Trung đẳng (tương đương lớp Bốn), tiếng Pháp được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy. Muốn học lên cao, học sinh bắt buộc phải thạo tiếng Pháp vì kể từ lớp Bốn (moyen) đã phải sử dụng tiếng Pháp thành thạo để hiểu bài giảng của thày. Cũng từ bậc học này, chữ Quốc ngữ mất dần vai trò trong trường học.

 

PVVấn đề phổ cập tiểu học có được đặt ra không trong nền giáo dục thời Pháp thuộc? Mục tiêu xóa nạn mù chữ có vị trí như thế nào?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Phổ cập giáo dục có nghĩa là giáo dục miễn phí và bắt buộc. Ở Nam Kỳ chính sách phổ cập tiểu học được ban hành năm 1929. Tuy nhiên, chính sách này không được thực thi trên thực tế vì chính quyền không đủ kinh phí để cung cấp giáo dục miễn phí, bắt buộc cho tất cả trẻ em đến tuổi đi học. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, giáo dục tiểu học là miễn phí nhưng do không đủ trường cho học sinh, chính quyền lập ra các kỳ thi khó để hạn chế số lượng trẻ em đến trường. Chính quyền đẩy trách nhiệm về làng xã khi quy định mỗi làng phải mở 1 trường học, kinh phí do làng đảm nhiệm. Trên thực tế, nhiều trường làng hoạt động rất khó khăn vì cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên không được đào tạo kỹ lưỡng. Các gia đình có điều kiện thường gửi con học ở trường huyện, nơi có cơ sở vật chất tốt hơn, thày giáo có trình độ hơn. Các gia đình nghèo cũng không muốn con đi học vì việc nhà nông bận rộn, nếu con đi học, gia đình lại phải chi phí về sách vở, quần áo và đôi khi mất đi lao động trong gia đình (trẻ em phải phụ bố mẹ làm việc nhà); bên cạnh đó nhiều học sinh không thể đảm bảo đúng giờ giấc trên lớp nên hiện tượng bỏ học giữa chừng diễn ra phổ biến.

Các trường học do chính quyền giám sát (trường công và trường tư có giấy phép) không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Một số tổ chức như Hội Truyền bá Quốc ngữ hay Hội Trí tri đã mở các lớp học theo kiểu tự do, giúp học sinh biết đọc, biết viết. Những lớp học này có thể mở cửa vào buổi tối, vào ngày nghỉ, thu hút khá đông học sinh đủ các lứa tuổi theo học.

 

PV: Trong câu trả trên, Tiến sĩ có nói đến việc “chính quyền đẩy trách nhiệm về làng xã, khi quy định mỗi làng phải mở một trường học, kinh phí do làng đảm nhiệm”. Có phải đây chính là chính sách xây dựng các “trường phổ cập giáo dục”, được Toàn quyền Đông Dương ban hành cuối năm 1926? 

Chính sách này kéo dài đến khi nào? Đã có một tổng kết nào vào thời đó hay sau này, về kết quả chung của chính sách này ? 

Ts Trần Thị Phương Hoa: Tôi không cho rằng đó là chính sách “trường phổ cập giáo dục”, nếu phổ cập giáo dục được hiểu là giáo dục bắt buộc và miễn phí. Trên thực tế, chính quyền Pháp đưa ra khái niệm “giáo dục bình dân bản xứ” (enseignement populaire indigene) cung cấp cho học sinh kiến thức cần thiết tối thiểu (minimum de connaissances indispensables). Bậc giáo dục bình dân này được tiến hành trong ba năm, sau khi học xong có thể thi lấy bằng Sơ học yếu lược (bắt đầu được thực hiện từ năm 1925). Ở Nam Kỳ ban hành Nghị định về giáo dục cưỡng bức cho trẻ dưới 13 tuổi. Nghị định ra ngày 27/6/1927 và bắt đầu thực hiện vào năm 1928. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào thực tiễn triển khai giáo dục cưỡng bức ở Nam Kỳ. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ không áp dụng chính sách này.

 

PV: Dường như đã có một sự khác biệt rất lớn giữa Bắc Kỳ và Trung Kỳ với Nam Kỳ. Dường như các trường phổ cập loại này đã có mặt hầu khắp các làng xã Nam Kỳ, ở Bắc và Trung thì ngược lại

Ts Trần Thị Phương Hoa: Nghiên cứu về giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ thời Pháp thuộc, tôi nhận thấy chính quyền Pháp không áp dụng chính sách giáo dục bắt buộc ở hai xứ này. Ở Nam Kỳ Nghị định về giáo dục bắt buộc ban hành năm 1927 như nói ở trên, tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Khảo sát số liệu thống kê, tôi nhận thấy kể từ năm 1927-1928 số lượng trường làng xã ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ bắt đầu tăng. Chi phí cho những trường này do làng xã đảm nhiệm và việc chi tiêu cho trường làng xã được thực hiện với những cách thức khác nhau. Ở Trung Kỳ, chi phí này được trích từ tiền thuế (khoảng 5-6%) và nộp vào ngân sách Trung Kỳ với tên tài khoản là fond de concours (chúng tôi tạm dịch là Quỹ học đường). Số tiền này được chuyển về cho các tỉnh ở Trung Kỳ để  duy trì trường làng xã (còn được gọi là trường Dự bị vì đa phần các trường này chỉ có hai lớp là Đồng Ấu và Dự bị). Tuy nhiên sau đó Quỹ này đã bị bãi bỏ (năm 1933) vì những hạn chế trong việc sử dụng. Tôi đã công bố bài viết chi tiết về hoạt động của trường làng xã ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945 trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.

Ở Nam Kỳ, do cấp Tiểu học được chính quyền cấp kinh phí nên số trường làng xã ở Nam Kỳ ít hơn nhiều so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Số trường Sơ học nhà nước (ecoles elementaires officieles). Năm 1930, Nam Kỳ có 1400 trường Sơ học nhà nước với gần 80 ngàn học sinh nam và hơn 25 ngàn học sinh nữ, cao hơn nhiều so với bậc học tương đương ở Bắc Kỳ. Có lẽ chính nhờ chính sách giáo dục bắt buộc ở Nam Kỳ nên số học sinh nữ được đi học cao hơn nhiều so với các xứ khác. Tuy nhiên, con số này là nhỏ hơn nhiều so với số  trẻ em ở tuổi đi học. Điều đó có nghĩa chính sách giáo dục bắt buộc ở Nam Kỳ đã thể hiện hiệu quả nhất định nhưng vẫn chưa được thực hiện rốt ráo.

 

PV: Có thể coi chính sách này ở Bắc và Trung Kỳ nhìn chung là thất bại hay không? Nếu thất bại, thì đâu là nguyên nhân chính? Nguyên nhân cụ thể như Tiến sĩ cho biết (thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên), còn các nguyên nhân sâu xa thì do đâu? Do không có sự ủng hộ của chính quyền thuộc địa, chính quyền Nam Triều? Do dân chúng? Do giới trí thức, cụ thể như sự chống đối của tầng lớp cựu học?...

Ts Trần Thị Phương Hoa: Tôi không gọi đây là chính sách phổ cập giáo dục, vì hiện nay chúng ta hiểu “phổ cập” nghĩa là giáo dục bắt buộc và miễn phí. Chính quyền Pháp gọi là “giáo dục bình dân” (enseignement populaire). Như đã nói, chính quyền Pháp phó mặc “bậc học bình dân” cho làng xã. Về mặt nguyên tắc, làng xã chịu chi phí xây dựng trường, cấp lương cho giáo viên; Sở Học chính Trung Kỳ chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng giáo viên, tuyển dụng giáo viên (với sự đồng ý của phía quyền cấp tỉnh), kiểm tra chương trình giảng dạy và học tập ở trường làng xã. Trên thực tế, có nhiều vấn đề “khúc mắc” trong quan hệ giữa chính quyền làng xã (hào lý) với giáo viên được Sở học chính tuyển dụng và bổ nhiệm. Theo truyền thống Nho học, trường học do làng xã quản lý, bao gồm cả việc tuyển dụng giáo viên (thày đồ). Nay giáo viên do “cấp trên” bổ nhiệm, và trong nhiều trường hợp có sự mâu thuẫn giữa hào lý trong làng với giáo làng. “Khúc mắc” thứ hai là thái độ của phụ huynh đối với trường làng. Thông thường, cơ sở vật chất của trường làng còn xập xệ, tiêu điều, được bố trí trong đình, chùa, hoặc chỉ gồm một gian nhà tranh, nơi chỉ có một lớp học với học sinh rất nhiều lứa tuổi. Mỗi trường học thường chỉ có 1 giáo viên, dạy chương trình của hai đến ba lớp. Một số trường có số học sinh lên tới 60-70, một số trường lại rất thưa học sinh. Trình độ giáo viên không đồng đều. Nhiều cha mẹ không muốn cho con học trường làng vì không tin vào chất lượng của nhà trường. Giáo viên phản ánh tình trạng học sinh bỏ học là rất phổ biến. Thậm chí, vào những dịp làng có lễ hội hoặc vào mùa gặt các học sinh tự ý bỏ học kéo dài khiến cho chương trình không được bảo đảm. Nhìn chung, mục tiêu của chính quyền đặt ra là các trường làng đảm bảo cho trẻ em ở tuổi đến trường biết đọc biết viết và các tri thức khoa học cơ bản nhất. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thỏamãn với mục tiêu như vậy. Mặt khác, việc phải đảm bảo đúng giờ giấc và lịch học làm ảnh hưởng đến công việc gia đình nên phụ huynh không khuyến khích con cái phải duy trì kỷ luật cần thiết. “Khúc mắc” thứ ba là thái độ của giáo làng. Họ bị đối xử bất công với đồng lương quá thấp, bị “hào lý” coi thường; phải chịu sự kiểm tra giám sát từ chính quyền. Từ  năm 1940 trở đi, các trường làng xã đi vào hoạt động quy củ hơn; số trường và số học sinh tăng nhanh hơn.

PV: Dường như vấn đề giáo dục phổ cập tại nông thôn Việt Nam ( đặc biệt ở Bắc và Trung Kỳ) trước 1945, cho đến nay vẫn là một chủ đề còn rất ít được các nhà nghiên cứu chú ý đến ?

Ts Trần Thị Phương Hoa: Vâng, đây là vấn đề còn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Giáo dục phổ cập chủ yếu thực hiện ở vùng nông thôn với “cơ quan chủ quản” là làng xã. Sự đa dạng của những trường lớp này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tìm hiểu.

Kim Nguyễn thực hiện                                                            

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515345

Hôm nay

223

Hôm qua

2367

Tuần này

2946

Tháng này

213284

Tháng qua

121009

Tất cả

114515345