Xứ Nghệ ngày nay

Xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số: Thách thức và những nỗ lực

Nghệ An là một tỉnh có vùng dân tộc và miền núi rộng lớn, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh; có 10 huyện miền núi và 6 huyện có miền núi, gồm 246 xã, thị trấn (trong đó có 89 xã, 180 thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006 -2010 và 27 xã có chung đường biên giới với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào). Dân số vùng dân tộc miền núi Nghệ An có hơn 1,5 triệu người, chiếm 37% dân số cả tỉnh, trong đó dân số dân tộc thiểu số có 437.904 người chiếm 29% dân số miền núi, gồm 5 dân tộc thiểu số: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu..

Những nỗ lực đáng mừng

Theo kết quả rà soát hộ nghèo 6 tháng đầu năm 2009, số hộ nghèo toàn tỉnh là: 111.049 hộ (chiếm 16%), trong đó hộ nghèo thuộc thành phần các dân tộc thiểu số 43.749 hộ (chiếm 6,43%), 25% số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (128 xã, có 39 xã ngoài chương trình 135/CP), 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong đang thuộc trong nhóm 62 huyện nghèo nhất nước.

Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng Chương trình hành động về dân tộc và miền núi, trong đó đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nuôi trồng thuỷ sản. Tiếp đó, đã đề ra Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với 12 chính sách, dự án, tập trung vào 3 nhóm cụ thể: Nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo; nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo.

Bởi vậy, trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế trang trại ở miền núi có thu nhập mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Các chỉ số về diện tích, năng suất của các loại cây trồng: lúa, ngô, lạc, mía, chè và đàn gia súc đều tăng từ 3-4%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng phục vụ cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Đến nay có 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hơn 90% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường học và trạm xá kiên cố đáp ứng yêu cầu học tập và chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc... Như tại Tân Hợp, xã diện 135 của Tân Kỳ, trước đây do thiếu trường thiếu lớp, học sinh Tân Hợp sau khi học hết tiểu học phải nghỉ học vì đi lại quá vất vả, một số em học tiếp phải đi 3 xã khác cách nhà hàng chục km đường rừng, nên học sinh bỏ học rất nhiều. Nay nhờ Chương trình 135 đầu tư thêm cơ sở 2 của trường Trung học cơ sở, nên học sinh Tân Hợp đã được học tại xã mình.

Còn ở Quỳ Châu, 8/11 xã của huyện được đầu tư dự án thuộc Chương trình 135, nay đã có đường ô tô vào tận trung tâm xã. Đường đi các xã vùng sâu như Châu Phong, Châu Hoàn, Châu Hội.. được đầu tư xây dựng, giúp bà con phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với việc chăm lo cho đời sống của đồng bào, tỉnh đã triển khai quy hoạch, sắp xếp, bố trí khu tái định cư cho người Đan Lai (Con Cuông), người Mông (Tương Dương) và đặc biệt là hàng nghìn hộ dân thuộc khu vực lòng hồ các công trình thuỷ điện ở Tương Dương và Quế Phong.

Bên cạnh Chương trình 135, trong năm nay Chương trình 134 đã tạo thu được kết quả ấn tượng với kết quả xóa nhà tạm cho hơn 6.800 hộ nghèo với 55,118 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh, vốn vay và sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Ngoài ra, các Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình giải quyết việc làm… đã tác động thiết thực đến công tác giảm nghèo, nhất là đối với các huyện vùng cao khó khăn.

Nhìn chung, Chương trình 135 và 134 đã giải quyết được những khó khăn bức xúc ở vùng dân tộc và miền núi, góp phần làm cho diện mạo nông thôn miền núi khởi sắc. Nhờ có nguồn lực đầu tư thông qua các chương trình, dự án của nhà nước, kết hợp với các nguồn lực khác trên địa bàn nên tỷ lệ nghèo mỗi năm giảm từ 6-7% cá biệt có nơi cao hơn. 

Hiệu ứng lan tỏa

Kinh tế phát triển tạo động lực căn bản để đầu tư cho văn hóa, xã hội. Về giáo dục-đào tạo cả chất lượng và số lượng đều tăng, nhiều con em đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa được đi học. Hệ thống trường dân tộc nội trú được hình thành từ tỉnh đến trung tâm cụm xã. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm và coi trọng. Hơn 80% số dân được xem ti vi, 90% được nghe đài, các báo tạp chí thuộc Chương trình 1637 (nay là 975) đã đến tận các xã và các bản làng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá và mở mang hiểu biết giữa các dân tộc và các vùng miền trong nước và quốc tế. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ngày càng tốt hơn, đã kiểm soát được các dịch bệnh hiểm nghèo, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ ngày càng được tăng cường cho miền núi, nhiều trạm y tế xã đã có bác sỹ. Các chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng chính sách được đảm bảo chu đáo, kịp thời.

Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, tỉnh Nghệ An đã có chính sách đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý, kết hợp tăng cường cán bộ chuyên môn và lực lượng vũ trang bám dân, hướng dẫn, giúp đỡ dân thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vai trò già làng, người có uy tín được phát huy. Hàng năm tỉnh và các huyện đều mở các hội nghị để biểu dương những già làng, trưởng bản có uy tín. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững. Không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh - trật tự an toàn xã hội. Khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững.

Và những điều trăn trở

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Một số công trình đầu tư ở miền núi hiệu quả thấp sau khi đưa vào khai thác sử dụng; cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Giáo dục và y tế miền núi chưa đáp ứng yêu cầu nhất là xây dựng, nâng cao năng lực cho con người tại chỗ. Đến nay, địa bàn dân tộc thiểu số tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao và chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng. Diện hộ dân tộc thiểu số còn nhà tạm bợ còn lớn (gần 3.000 hộ), trong vài năm nữa, số đã xóa nhà tạm có thể rơi vào diện... nhà tạm vì nhà xuống cấp do thời gian sử dụng và sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên tác động. Một số huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu ...còn phức tạp về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội (khai thác vàng, ma túy, mại dâm, di dân tự do, vượt biên và hoạt động truyền đạo trái phép). Có những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tái định cư ở một số công trình thủy điện...Tư tưởng bảo thủ, trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước vẫn còn tồn tại trong cán bộ và đồng bào các dân tộc.

Nguyên nhân của những tồn tại phần lớn là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng ít và khó canh tác, kinh tế chưa phát triển, việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương...do đó việc hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo trong thời gian ngắn và đảm bảo tính bền vững là khó thực hiện.

Bên cạnh nhưng nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân khác làm cản trở công cuộc xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số là do trình độ dân trí của bà con còn thấp. Chính vì dân trí thấp nên người nghèo không nắm được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu, phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được dự án hỗ trợ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo. Ông Hoàng Đình Hồng – Phó trưởng phòng LĐTBXH huyện Con Cuông cho biết, có một thực trạng ở một số địa phương nhiều đồng bào thậm chí không muốn thoát tiếng “nghèo” để được hưởng chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước…

Do đó, muốn xoá đói, giảm nghèo thành công cho đồng bào các dân tộc thiểu số, Nghệ An phải tập trung nâng cao trình độ dân trí, coi đó là điều kiện để xoá đói giảm nghèo bền vững. Trước hết, phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách văn hoá, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là đầu tư cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để người dân được cải thiện đời sống. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong cuộc chiến chống đói nghèo để mỗi người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511276

Hôm nay

2275

Hôm qua

2359

Tuần này

21650

Tháng này

218149

Tháng qua

121356

Tất cả

114511276