Văn hoá học đường

Văn hoá học đường, những khoảng trống cần lấp đầy

 Văn hoá học đường là những gía trị được xác lập trong quá trình hoạt động phong phú của nhà trường, chủ yếu nhất là dạy và học. Chủ thể của văn hoá học đường là các nhà giáo và học trò. Môi trường nhà trường – văn hoá học đường, môi trường gia đình – văn hoá gia đình, môi trường xã hội – văn hoá cộng đồng là ba trụ cột có mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau để hình thành nhân cách văn hoá cho các thế hệ trẻ. Nếu một trong ba trụ cột đó bị lung lay thì nhất định sẽ ảnh hưởng, hoặc ít hoặc nhiều, đến mô hình nhân cách của thế hệ trẻ.

Xã hội của chúng ta đang vận động để thiết lập nên cấu trúc và hệ giá trị mới theo hướng hiện đại, văn minh. Nền văn hoá của chúng ta cũng đang vận động theo định hướng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, mô hình nhân cách tương ứng cho/của xã hội, của nền văn hoá mới cũng đang được thiết lập, cả trong lý thuyết và thực tiễn. Bởi vậy, môi trường nhà trường, văn hoá học đường ngày càng có vị trí quan trọng hơn bao giờ hết trong chức năng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển, đặc biệt là tạo lập nên mô hình nhân cách để đáp ứng được vai trò là chủ nhân của xã hội mới, nền văn hoá mới.

Văn hoá học đường có vị trí hàng đầu trong quá trình hình thành nhân cách văn hoá cho các thế hệ người Việt Nam trong hơn 60 năm qua. Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà tri thức ngày càng trở nên quan trọng hơn, thì môi trường nhà trường – văn hoá học đường ngày càng chiếm giữ ưu thế, có ý nghĩa quyết định nhất đối với tương lai phát triển của xã hội.

Những thành tựu và tính ưu việt trong việc xây dựng nhân cách văn hoá của nền giáo dục, của hệ thống nhà trường, của môi trường văn hoá học đường là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh khủng hoảng của nền giáo dục hiện nay, môi trường văn hoá học đường cũng đang có những biểu hiện không bình thường, nếu không nói là đã ít nhiều bị các thế lực phản văn hoá tấn công, tạo nên các khoảng trống, làm cho một số bộ phận, một số mặt bị xuống cấp, sa sút. Đó là sự tụt hậu, sự khập khiễng của chương trình giáo dục, sự không minh bạch, gian dối trong trong việc dạy, học và thi cử, là nạn bạo lực trong nhà trường, là sự sa sút, sa ngã nhân phẩm của một số nhà giáo và học trò…

Sự sa sút đáng báo động của văn hoá học đường không chỉ xuất phát từ thầy và trò mà là trách nhiệm của  toàn xã hội. Tổ chức điều chỉnh lại không gian văn hoá học đường để từ trong đó hình thành nên được các giá trị, mà quan trọng nhất, và quyết định nhất là mô hình nhân cách văn hoá đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong thời đại mới là công việc bức thiết, có ý nghĩa cơ bản và lâu dài. Để đất nước có thể tồn tại và phát triển một cách nhanh chóng và bền vững, nhất thiết các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể và toàn xã hội, trước hết là ngành giáo dục và ngành văn hoá cần ý thức sâu sắc về vấn đề hệ trọng này để có chiến lược cải tạo và phát triển môi trường văn hoá học đường phù hợp.

 

                                                               

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515343

Hôm nay

221

Hôm qua

2367

Tuần này

2944

Tháng này

213282

Tháng qua

121009

Tất cả

114515343