Nhìn ra thế giới

Giải Nobel năm 2021

Giải Nobel Y Sinh

Vào ngày thứ Hai, ngày 4 tháng 10 năm 2021, hai người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian đã được trao giải Nobel vì đã khám phá ra cách mà hệ thần kinh cảm nhận nhiệt độ và xúc giác: “Những khám phá cách mạng của họ đã cho chúng ta hiểu làm thế nào nóng, lạnh và cơ lực có thể tạo ra những xung động thần kinh, là thứ cho phép chúng ta cảm nhận và thích nghi với thế giới”, Hội đồng chấm giải Nobel tại Stockholm nhận xét.

David Julius, 65 tuổi, giáo sư Trường Đại học California tại Los Angeles, đã sử dụng chất capsaicin, một hoạt chất ớt cay gây cảm giác bỏng rát để xác định cảm biến ở đầu mút dây thần kinh da có phản ứng với độ nóng. Còn Ardem Patapoutian, 54 tuổi, Giáo sư Viện nghiên cứu Scripps ở California, đã sử dụng các tế bào nhạy với áp lực để khám phá ra một lớp cảm biến mới đáp ứng với kích thích cơ học ở da và các bộ phận bên trong cơ thể.

Giải thưởng này đã nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, ngay cả khi từ năm 2014, David Julius đã nằm trong danh sách khá dài gồm các nhà khoa học có thể được trao giải Nobel mà tổ chức Clarivate đã đề xuất. “Chẳng ai ngờ việc này sẽ đến (…) Tôi cứ tưởng đó là một trò đùa”, ông trả lời Đài Truyền thanh Thủy Điển.

Giải Nobel Vật lý

Giải Nobel Vật lý đã được trao cho ba nhà khoa học: hai chuyên gia mô hình vật lý về sự ấm lên của toàn cầu, người Mỹ gốc Nhật Bản Syukuro Manabe và người Đức Klaus Hasselmann cũng như người Italia Giorgio Parisi, nhà lý thuyết về hệ thống vật lý phức hợp.

Nửa giải thưởng cùng được trao cho Manabe, 90 tuổi và Hasselmann, 89 tuổi, cả hai đều là chuyên gia khí tượng “vì đã thành công trong việc lập mô hình vật lý khí hậu của Trái đất, đã định lượng độ biến động và dự đoán về sự ấm lên toàn cầu một cách đáng tin cậy”, theo nhận xét của Hội đồng chấm giải. Ban chấm giải Nobel đã trao giải cho những công trình mang tính nền móng của ông Manabe về hiệu ứng nhà kính, được thực hiện trong những năm 1960, những công trình này chứng minh rằng mức CO2 trong không khí tương ứng với sự tăng lên của nhiệt độ trái đất. Còn Hasselman người Đức thì được vinh danh vì đã thành công trong việc thiết lập các mô hình khí hậu đáng tin cậy dù thời tiết thay đổi rất lớn.

Nửa giải còn lại được trao cho ông Parisi, 73 tuổi, “vì đã phát hiện ra sự tương tác của sự hỗn loạn và biến động trong các hệ thống vật lý từ mức độ nguyên tử đến mức độ toàn cầu”. Những công trình xuất sắc của ông đã nằm trong “những đóng góp quan trọng nhất: cho lý thuyết về các hệ thống phức tạp”.

Giải Nobel Hóa học

Giải Nobel Hóa học đã được trao cho nhà khoa học người Đức Benjamin List và người Anh David MacMillan, tác giả của những công trình phát triển một công cụ mới để tạo ra phân tử, đó là “chất xúc tác hữu cơ phi đối xứng”.

Các chất xúc tác là các chất kiểm soát và làm tăng vận tốc phản ứng khóa học nhưng không vì thế mà tham gia vào sản phẩm cuối cùng. Chúng là những công cụ rất quan trọng cho các nhà hóa học. Thế mà trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã tưởng rằng về nguyên tắc, chỉ có hai loại xúc tác: kim loại và enzim.

Benjamin List và David MacMillan, cả hai đều 53 tuổi, “Nhận giải thưởng Nobel vì đã nghiên cứu độc lập với nhau để hoàn thiện một nhóm xúc tác thứ ba, xúc tác hữu cơ phi đối xứng, một lĩnh vực” vốn đã phát triển với tốc độ chóng mặt từ những năm 2000, Hội đồng chấm giải Nobel giải thích.

Giải Nobel Văn chương

Giải Nobel Văn chương đã được trao vào hôm thứ Năm cho tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah. Nhà văn này nổi tiếng với tiểu thuyết Thiên đường (1994) và được trao giải Nobel vì lối kể chuyện “thấu cảm và không nhân nhượng với những hậu quả của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người lưu vong bị giằng co giữa các nền văn hóa và các lục địa”, Ủy ban chấm giải Nobel cho biết. Tác phẩm của ông tránh xa “những mô tả sáo rỗng và cho phép chúng ta mở rộng tầm mắt nhìn ra một Đông Phi rất đa dạng về văn hóa thế mà nhiều khu vực trên thế giới lại không biết đến.

Giải thưởng này là một bất ngờ, nhiều nhà phê bình và nhà xuất bản thú nhận là họ không biết nhà văn Abdulrazak Gurnah là ai, hoàn toàn không có tên trong danh sách dự đoán, thậm chí bị xem là một ứng viên xoàng. Giám đốc nhà xuất bản duy nhất của ông ở Thụy Điển, ông Henrik Celander, đã giải thích với báo giới Thụy Điển là chưa bao giờ ông mường tượng là mình có thể đoạt giải Graal văn chương. Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi, “tôi cứ nghĩa là người ta đùa”, Abdulrazak Gurnah thậm chí đã thổ lộ.

Sinh năm 1948 ở đảo Zanzibar, ông Gurnah đã đến tị nạn ở Anh quốc vào cuối những năm 1960. Ông là tác giả của 10 tiểu thuyết, trong đó có Bên bờ biển (2001) và nhiều truyện ngắn khác. Ông sống ở Brighton và dạy học ở Trường Đại học Kent.

Giải Nobel Hòa Bình

Giải Nobel Hòa Bình 2021 đã được trao cho hai nhà báo, Maria Ressa người Philippine và Dmitri Mouratov người Nga vì họ đã“dũng cảm chiến đấu cho quyền tự do ngôn luận” vốn bị đe dọa bởi sự đàn áp, kiểm duyệt, tuyên truyền và thông tin không chính xác.

Cả hai nhà báo đoạt giải đều “tiêu biểu cho tất cả các nhà báo đang bảo vệ lý tưởng trong một thế giới mà quyền dân chủ và tự do báo chí đang đối mặt với những hoàn cảnh càng ngày càng bất lợi”, Chủ tịch Ủy ban Nobel người Na Uy, Berit Reiss-Andersen, phát biểu tại Oslo.

Maria Ressa, 58 tuổi, là người đồng sáng lập nền tảng công nghệ số báo chí điều tra Rappler vào năm 2012, đã chĩa ống kính vào “chiến dịch chống ma túy chết chóc và gây tranh cãi của chế độ Duterte (của Tổng thống Philipine Rodrigo), hoàn toàn xứng đáng giải Nobel lần này. Còn Dmitri Mouratov, hơn chị một tuổi, đã là một trong những người đồng sáng lập và chủ bút tờ báo Novaïa Gazeta, một trong những tờ báo hiếm hoi còn được hoạt động độc lập ở Nga. Ông Dmitri Mouratov tuyên bố tặng giải thưởng này cho tờ báo của mình và cho các đồng nghiệp đã bị ám sát vì nghề báo và vì các cuộc điều tra của mình và cho biết sẽ “bầu cho […] Alexeï Navalny”, đối thủ chính trị của Vladimir Poutine.

Giải Nobel kinh tế

Giải Nobel kinh tế đã được trao cho David Card, người Canada, người Mỹ gốc Istrael Joshua Angrist và người Mỹ gốc Hà Lan Guido Imbens. Bộ ba “đã mang lại cho chúng ta những ý tưởng mới liên quan đến thị trường lao động và cho chúng ta thấy có thể rút ra những kết luận nào từ những thí nghiệm tự nhiên”, Hội đồng chấm giải Nobel ca ngợi. Thí nghiệm tự nhiên là các nghiên cứu dựa vào các sự kiện kinh tế và chính trị để thử nghiệm về dân số thực tế.

Đặc biệt, Card đã phân tích tác động của lương tối thiểu, phong trào nhập cư và giáo dục vào thị trường lao động bằng cách dựa vào “cuộc di dân Mariel”. Vào năm 1980, 123 nghìn người Cu Ba đã bị chính quyền Fidel Castro trục xuất qua cảng Mariel và họ đã sang tị nạn ở Mỹ, gần một nửa sống ở Miami. Nhà kinh tế học này đã nghiên cứu làm thế nào mà Florida đã “tiếp nhận” làn sóng nhập cư này mà không để cho thất nghiệp bùng nổ hay tình trạng chậm lương diễn ra.

Còn người Mỹ gốc Istrael Joshua Angrist và người Mỹ gốc Hà Lan Guido Imbens, 58 tuổi, đã cùng nhận giải Nobel vì “những đóng góp phương pháp luận cho việc phân tích mối quan hệ nhân quả”. Giữa những năm 1990, họ đã có những công trình thí nghiệm tự nhiên, nhất là về giáo dục. Họ đã rút ra kết luận rằng một năm học thêm làm cho mức lương trung bình tăng lên 9% và những người Mỹ sinh vào cuối năm thì có kết quả học tập tốt hơn.

(Nguồn: Le Monde/AFP)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441458

Hôm nay

2175

Hôm qua

2283

Tuần này

21362

Tháng này

216632

Tháng qua

112676

Tất cả

114441458