Văn hoá học đường

Học để biết nghĩ

Người Việt chúng ta, nhất là các cụ xưa, dù kẻ học nhiều, người học ít, đều hay sử dụng chữ “biết nghĩ”. Người ta khen một người trẻ biết nghĩ, như ghi nhận một sự trưởng thành nào đó. Ngược lại, chê một người ở độ tuổi trưởng thành mà chưa biết nghĩ, cũng có nghĩa là, lời chê ấy đã ẩn chứa cả sự thất vọng. Hơn nữa, dường như những lời khen - chê như thế, thường có sự cân nhắc, và đôi khi còn bao hàm cả sự chân thành của chủ thể. Đặc biệt sự “biết nghĩ”, còn được xã hội sử dụng làm thước đo, cho mức độ “tấn tới”, của những kẻ được cắp sách đến trường.

Những người làm cha mẹ, chắc chắn sẽ rất hạnh phúc, khi thấy được những đứa con của mình, trước hết là biết nghĩ cho cha mẹ. Bởi khi biết nghĩ đến cha mẹ, kẻ làm con sẽ hiểu được phải làm và sống như thế nào để cha mẹ khỏi phiền lòng. Cũng như sẽ cảm thông sâu sắc được những kỳ vọng mà cha mẹ gửi gắm nơi họ. Rằng đó còn là nền tảng, để ít nhất sẽ dẫn dắt họ - làm tròn bổn phận “đạo làm con”. 

Một người đàn ông biết nghĩ, là một tiền đề căn bản, để anh ta có thể dẫn dắt gia đình đến bến bờ hạnh phúc. Bởi thế, truyền thống của người Việt xưa nay, khi con gái lấy chồng, thì tiêu chí hàng đầu để kén rể là “một người đàn ông biết nghĩ”. Và thật may mắn cho những “cặp uyên ương”, nếu cả hai đều là những người biết nghĩ. Rằng điều đó, sẽ giúp họ xây dựng một gia đình, không chỉ hạnh phúc, mà còn thành đạt.       

Một công dân biết nghĩ, sẽ ý thức được đầy đủ: những bổn phận của mình, nghĩa vụ với Tổ quốc, ý thức chính trị, sự hiểu biết và chấp hành pháp luật… Một đất nước, có nhiều thế hệ công dân biết nghĩ, chắc chắn sẽ là một đất nước, có tương lai phát triển cao. Bởi đó là nền tảng để xây dựng một nền dân chủ thực sự. Cũng như để tuyển lựa ra được, những đội ngũ quan chức giàu phẩm chất tinh hoa.     

Và rõ ràng, không thể có một nền hành chính lành mạnh, nếu các quan chức hành chính không biết nghĩ đến dân. Bởi những nền hành chính - không biết nghĩ cho dân, sẽ trở thành những cỗ máy “hành là chính”, như người ta đã từng gặp ở nhiều thể chế. Chưa kể, chính những nền hành chính này, còn sản xuất ra biết bao điều luật của bộ ngành, địa phương, những thứ bủa vây, kìm hãm người dân, gây tổn hại cho các nguồn nhân lực, góp phần làm cho quốc gia thêm chậm phát triển.   

Thật dễ dàng nhìn thấy, những giá trị lớn lao do sự “biết nghĩ” mang lại. Cũng như không khó để nhận ra, sự tàn phá ghê gớm - hệ lụy do những hành xử và việc làm thiếu suy nghĩ, không biết nghĩ gây ra. Từ việc học hỏi thiếu suy nghĩ, đến việc máy móc vận dụng các lý thuyết, các quy trình nào đó… đều dẫn con người ta đến với những thất bại thê thảm. Qua đó để thấy sự “biết nghĩ”, đóng vai trò quan trọng - sống còn như thế nào.        

Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, một quốc gia muốn phát triển, nhất định phải có một nền khoa học - công nghệ vững chắc, một nền hành chính kỷ cương và linh hoạt. Vì thế, đối với những quốc gia còn lạc hậu, muốn vươn lên, thì nhất thiết phải đào tạo cho được những thế hệ công dân chất lượng cao, tương thích.

Bởi vậy, chúng ta cần nỗ lực để có một thể chế, một nền giáo dục tốt, nhằm đào tạo ra những thế hệ công dân “biết nghĩ”. Rằng đó cũng chính là vấn đề căn cốt của người Việt hôm nay. Và thiết nghĩ, nên chăng trên cái mặt bằng chung: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”, như tổ chức UNESCO đã khởi xướng, người Việt chúng ta nên coi HỌC ĐỂ BIẾT NGHĨ, là một tiêu chí cốt lõi nhất cho triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434913

Hôm nay

2184

Hôm qua

2349

Tuần này

21563

Tháng này

211961

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434913