Những góc nhìn Văn hoá

Nghiên cứu văn hóa Việt Nam - suy ngẫm về một phác thảo định hướng

1. Dẫn nhập

Nghiên cứu văn hóa từ lâu đã mặc nhiên trở thành trọng tâm trong nghiên cứu khu vực học, bởi văn hóa là những gì còn lại sau tất cả lụi tàn của mọi thành tựu ở một địa vực văn minh. Trong dòng chảy liên tục của ngành Việt Nam học mấy chục năm qua, và cả trước đó khi nghiên cứu Việt Nam mới được hình thành buổi đầu thế kỷ XX, thậm chí xa hơn nữa từ thời các danh sĩ suốt các triều đại phong kiến khảo cứu và san định, văn hóa Việt Nam (có thể được gọi tên chính danh hoặc bằng việc mô tả địa chí, lịch sử, ký sự, trong các tạp lục, sử ký, văn tuyển, v.v…) luôn là mũi nhọn trong các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, dường như càng mô tả càng thấy chưa đủ, để các thế hệ đi sau vẫn luôn bền bỉ trong những thôi thúc tự thân đi đến tận cùng của cái biết. Có lẽ những chân trời vẫn còn mênh mông chính ở những nan đề mang tính phương pháp luận khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Có thể những nghiên cứu trước đây đã phân tích văn hóa Việt Nam rất cụ thể và chi tiết từ từng thời đoạn, từng khu vực, từng bình diện biểu hiện bộ phận, v.v… nhưng chưa có cái nhìn tổng thể xuyên suốt, cũng như chưa có sự tổng hợp khái quát. Nguyên nhân từ đâu? Có lẽ những khoảng trống này có xuất phát từ những khó khăn của thời đại. Để mô tả một cách toàn diện và hệ thống một nền văn hóa đa dạng và phong phú như Việt Nam trong bối cảnh của một vùng đất luôn luôn tiếp xúc với các nền văn minh lớn nhằm tự tạo nên một bản sắc văn hóa riêng hoàn toàn vượt quá sức của một cá nhân đơn lẻ. Tuy nhiên, ngày nay với những công cụ về lý thuyết hiện đại, về phương pháp cập nhật, đã tới lúc giới nghiên cứu Việt Nam học nên chăng khởi động một dự án lớn nhằm minh biện một nan đề lớn: Văn hóa Việt Nam là gì?

Với những tri thức đã thu lượm được từ nhiều công trình đi trước của tiền nhân, cùng với những trải nghiệm cá nhân khi được đặt chân lên gần như tất cả các vùng miền của đất nước, bài viết này chỉ dừng lại ở việc trình bày những suy ngẫm bước đầu về những vấn đề mang tính phương pháp tiếp cận văn hóa Việt Nam như những định hướng gợi mở cho những nghiên cứu sâu rộng của cả một chặng đường dài phía trước.

2. Về đối tượng nghiên cứu

Trước tiên cần minh định đối tượng nghiên cứu của văn hóa Việt Nam. Vẫn hiểu đối tượng của nghiên cứu này là văn hóa Việt Nam, nhưng hiểu cho chính xác thế nào là văn hóa Việt Nam một cách thống nhất thì không phải đơn giản và dễ dàng. Ngay từ hơn nửa thế kỷ trước (1952), ở công trình Culture, A critical review of concepts and definitions (Văn hóa, một phân tích phê bình về khái niệm và định nghĩa), hai nhà nhân học người Mỹ A.L. Kroeber và C. Kluckhohn đã thống kê được 164 định nghĩa và khái niệm khác nhau về văn hóa. Cho đến nay, con số này chắc chắn phải nhiều hơn với những hướng tiếp cận văn hóa khác nhau từ các lĩnh vực nghiên cứu cũng như nhiều địa bàn nghiên cứu trên khắp địa cầu. Tuy nhiên, có thể hiểu văn hóa từ thuật ngữ ban đầu: Culture (tiếng Anh, tiếng Pháp), Cultura (tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha), Культура/ Kultura (tiếng Nga), Kultur (tiếng Đức), v.v… đều bắt nguồn từ “Cultus” của tiếng Latin với ý nghĩa ban đầu là gieo mầm, chăm sóc trong trồng trọt rồi mở rộng ra là giáo dục tâm hồn con người. Nội dung này hoàn toàn trùng khớp với ý niệm “Văn trị giáo hóa” (文治教化) - dùng văn (vẻ đẹp của đạo đức, điển chương) để dạy dỗ, rèn luyện con người trong khái niệm văn hóa 文化 của Trung Quốc. Cả phương Đông và phương Tây khi nhắc đến văn hóa đều lấy con người làm trung tâm, với hàm ý con người vừa là chủ thể, vừa là động lực của văn hóa. Vậy nên chăng, một cách hàm súc, có thể chấp nhận rằng Văn hóa là tất cả những giá trị con người tạo nên, đối lập với tự nhiên. Trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, với các trạng thái ứng xử khác nhau của con người trong những cảnh huống và điều kiện khác nhau mà văn hóa có thể được phân chia thành các nội dung nghiên cứu cụ thể hơn: văn hóa vật chất (sự ứng xử của con người với môi trường tự nhiên), văn hóa tinh thần (sự ứng xử của con người với thế giới tinh thần, thế giới tâm linh), văn hóa xã hội (sự ứng xử của con người với con người trong cộng đồng).

Song một nan đề đặt ra là: con người chủ thể của văn hóa Việt Nam là con người nào? Nghiên cứu văn hóa Việt Nam nên chọn đối tượng là người Việt (Kinh) với chỉ duy nhất văn hóa của dân tộc Kinh, hay sự đa dạng và phong phú văn hóa tộc người của tất cả các dân tộc khác nữa, hay văn hóa của người Việt Nam (một khái niệm còn khá mơ hồ)? Khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam cần nhất quán xác định con người chủ thể của nền văn hóa này là người Việt Nam, mang bản sắc văn hóa dân tộc chứ không phải mang sắc thái của tộc người. Nghĩa là, người Việt (Kinh) với những giá trị bản sắc cốt lỗi, với đặc trưng quyết định bản chất, cùng với sự thâu nạp các sắc thái văn hóa riêng lẻ từ các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam, để mang trọng trách gánh vác các biểu hiện của cả một nền văn hóa quốc gia.

Lý do để khẳng định vai trò quan yếu nhất của người Việt đối với nền văn hóa Việt Nam là bởi từ sơ kỳ phát triển của nền văn hóa này, người Việt đã là chủ thể kiến tạo nên nền tảng văn minh sông Hồng. Từ cơ sở ấy, người Việt đã lớn mạnh để đồng hành cùng lịch sử phát triển của đất nước qua hành trình mở mang bờ cõi, khẳng định vị thế quốc gia cũng như quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa để hội tụ tinh hoa và rồi lan tỏa bản sắc của mình.

3. Về phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu liên ngành đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa học, Việt Nam học khẳng định như là một phương pháp tối ưu và thiết thực để nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Trong khoa học luôn diễn ra đồng thời hai thao tác nhận thức ngược chiều nhau. Một là phân tích để chia nhỏ (càng nhỏ càng tốt) hướng đến mô tả chi tiết và cụ thể từng bình diện, từng khía cạnh của đối tượng. Hai là tổng hợp để xem xét một đối tượng hoàn chỉnh, toàn vẹn từ nhiều chiều kích. Phương thức tư duy phân tích được vận hành để phân lập các ngành, chuyên ngành khoa học cụ thể. Còn khoa học liên ngành là sản phẩm của thao tác thứ hai - phương thức tư duy tổng hợp. Nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary)[2], vẫn được hiểu là sự kết hợp của nhiều ngành, nhiều bộ môn để cùng xem xét một đối tượng nghiên cứu khi một chuyên ngành cụ thể không thể tìm hiểu trọn vẹn. Rõ ràng, khi nhu cầu tìm hiểu toàn vẹn đối tượng càng ngày càng bức thiết, các nghiên cứu chuyên ngành không thể đủ sức giải đáp những câu hỏi nghiên cứu thì cách tiếp cận liên ngành đã được sử dụng. Bấy lâu nay, các nghiên cứu về văn hóa Việt Nam dường như đang dừng lại ở cách tiếp cận liên ngành. Nghĩa là, trong một nghiên cứu cụ thể, các phương pháp, các lý thuyết của một số chuyên ngành được sử dụng như những mảnh ghép để bổ khuyết cho nhau trong sự khám phá một chỉnh thể. Rõ ràng, cách thực hiện nghiên cứu này mới chỉ có thể gọi là tổng hợp hay tích hợp các phương pháp theo hướng tiếp cận liên ngành chứ chưa phải là phương pháp nghiên cứu liên ngành.

Một nan đề đặt ra là: thế nào là phương pháp nghiên cứu liên ngành? Phạm Đức Dương (2002) đã đưa ra một định nghĩa: “Phương pháp liên ngành là sản phảm của tư duy hệ thống hiện đại, là sự liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau như là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của phương pháp luận mới để khám phá đối tượng” [P.Đ.Dương 2002]. Nhận định này đã nhắc tới một nội dung rất quan trọng - “sự chỉ đạo của phương pháp luận”. Rõ ràng rằng phương pháp nghiên cứu liên ngành cần xác định cho mình một hướng đi riêng khác với các phương pháp chuyên ngành cụ thể. Đó chính là phương pháp luận. Phương pháp nghiên cứu liên ngành sẽ sử dụng thông tin dữ liệu được các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành cung cấp với một phương pháp luận riêng biệt.

Vậy phương pháp luận của phương pháp nghiên cứu liên ngành là gì? Tiếc rằng những tên tuổi lớn của nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, v.v… đã để lại những công trình có giá trị bởi chính nền tàng học vấn liên ngành, nhưng dường như bỏ qua những tuyên ngôn rành mạch về phương pháp luận. Những công trình thực rõ phương pháp nghiên cứu liên ngành của Hà Văn Tấn (khảo cổ học - ngôn ngữ học, sử học - văn bản học, v.v…) của Trần Quốc Vượng (địa lý học - sử học - khảo cổ học - dân tộc học - văn hóa dân gian v.v…), của Trần Đình Hượu (văn học - triết học), của Đào Thế Tuấn (nông học - sử học - kinh tế học), của Từ Chi (nhân học, một ngành khoa học mang tính liên ngành điển hình) cũng không có thêm nhiều chỉ dẫn về phương pháp luận. Một vài nhà nghiên cứu có chú ý đến phương pháp luận nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở những thao tác làm việc. Ví dụ như Phan Ngọc (1994) đưa ra hai từ khóa “thức nhận” và “thao tác” làm kim chỉ nam cho mọi nghiên cứu về liên ngành ngữ - văn rồi hướng đến văn hóa học. Song từ khóa không phải là phương pháp luận, bởi phải hiểu thế nào với ý niệm về “thức nhận”, cũng như “thao tác” vốn gồm những bước thực hiện ra sao. Các nghiên cứu hoàn toàn không thể dựa vào hai từ khóa này để thực hiện nghiên cứu liên ngành. Phạm Đức Dương (2002) mô tả ba cấp độ trong nghiên cứu liên ngành: (1) dùng khái niệm và phương pháp của ngành này áp dụng cho ngành kia; (2) vận dụng những quy luật lý thuyết của ngành này để soi sáng ngành kia; (3) tìm điểm giao thoa của các bộ môn rồi các chuyên ngành sẽ cùng nghiên cứu điểm giao thoa có vấn đề đó như để khám phá tổng thể mang tính hệ thống, đồng thời làm nổi bật những bình diện mang tính đặc thù. Thực chất, ba cấp độ nghiên cứu này ông đưa ra, chỉ có cấp độ (3) mới thực sự là nghiên cứu liên ngành chính danh, song cách ông trình bày vẫn dừng lại ở thao tác làm việc bằng kinh nghiệm chứ chưa phải phương pháp luận có khả năng quán xuyến và bao quát. Từ góc nhìn của khoa học luận, Vũ Cao Đàm (2015) cho rằng “Nghiên cứu liên bộ môn (được hiểu là “liên ngành” trong bài viết này - DXQ), ngoài những đặc điểm chung của nghiên cứu khoa học, có những điểm khác biệt về quá trình hình thành luận cứ, đó là đa dạng hóa các hướng tiếp cận (Approach) và các giả thiết nghiên cứu (Assumption).” [V.C.Đàm 2015; 55]. Theo chúng tôi, giống như mọi phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp luận nghiên cứu liên ngành cũng cần có câu hỏi nghiên cứu (research question) và giả thuyết nghiên cứu (research hypothesis). Sự khác biệt với các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành là ở “đa dạng hóa các hướng tiếp cận” đúng như Vũ Cao Đàm (2015) đã nhắc tới. Nghĩa là các luận cứ của nghiên cứu liên ngành có quyền sử dụng cách tiếp cận cũng như thông tin dữ liệu của nhiều chuyên ngành khác nhau để làm cơ sở chứng minh cho giả thuyết nghiên cứu. Song, có lẽ, cách điều phối các hướng tiếp cận này mới là điều đặc biệt nên chú ý ở phương pháp luận của phương pháp nghiên cứu liên ngành. Nói cách khác, phương pháp luận của phương pháp nghiên cứu liên ngành là sự điều phối các cách tiếp cận cụ thể của các chuyên ngành khác nhau nhằm chứng minh một giả thuyết để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Đó có thể là sự cho phép đồng thời các cách tiếp cận cùng triển khai nghiên cứu nhưng cũng có thể là những hướng tiếp cận kế thừa kết quả của nhau; đó có thể là những tiếp cận đơn lẻ độc lập để rồi tổng hợp lại một kết quả sau cùng nhưng cũng có thể là những tiếp cận đan xen cùng tương hỗ trong suốt quá trình nghiên cứu, v.v…

4. Về các nội dung nghiên cứu

Sau khi xác định rõ được đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, một nan đề tiếp tục được đặt ra là: nội dung nghiên cứu văn hóa Việt Nam gồm những gì? Có phải tất cả những gì liên quan đến Việt Nam đều là nội dung nghiên cứu của văn hóa Việt Nam không. Nếu với định hướng như vậy, thời gian và công sức sẽ không bao giờ đủ để có thể hoàn thành một nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trọn vẹn và hoàn chỉnh. Nhiệm vụ đặt ra cho nghiên cứu văn hóa Việt Nam là luôn cần đạt được sự thống nhất về đối tượng và sáng rõ về phương pháp. Xét về nhiệm vụ ấy, nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong không gian Việt Nam học sẽ cần chú ý tới một số nội dung nghiên cứu như sau.

Nội dung thứ nhất là cần định vị cơ sở văn hóa bản địa của Việt Nam. Muốn tìm hiểu văn hóa bản địa của Việt Nam trước tiên nên xem xét điều kiện tự nhiên để hình thành đất nước này, dân tộc này. Muốn hiểu được điều kiện tự nhiên của cơ sở văn hóa bản địa Việt Nam không thể tách rời không gian chung của vùng văn hóa Đông Nam Á cổ xưa. Nếu không đặt văn minh lúa nước làm trọng tâm sẽ không thấy được văn hóa Việt Nam thuở ban đầu. Muốn nghiên cứu được cội nguồn văn minh lúa nước, các nghiên cứu có thể tham khảo trong sự tương quan đối sánh với mô hình và cơ chế của các dân tộc thuộc nhóm Tày Thái. Đây là những cơ sở hiện hữu còn lại của một nền văn hóa xưa cũ đã từng có quan hệ mật thiết với văn hóa Việt Nam. Sau khi có những thông hiểu về điều kiện tự nhiên và những ảnh hưởng của chúng, cần tìm hiểu cơ cấu tổ chức xã hội. Việt Nam chúng ta có một may mắn là có một “bảo tàng hóa thạch” về xã hội cổ xưa - Tây Nguyên. Nghiên cứu tổ chức xã hội của các dân tộc ở Tây Nguyên sẽ phần nào góp thêm những nhận định xác đáng về cơ cấu xã hội trong văn hóa bản địa Việt Nam. Tuy nhiên, cần chú ý, tìm hiểu về Tây Nguyên là Tây Nguyên của sử thi, của luật tục, của lễ hội dân gian và các nghi thức truyền thống chứ không phải Tây Nguyên khi đã được hiện đại hóa những năm gần đây. Một nguồn dữ liệu rất cần chú ý khai thác để định hình văn hóa bản địa Việt Nam là kho tàng văn hóa dân gian truyền thống. Có thể ở những câu truyện cổ, những điệu dân ca, những đồ thủ công, những công trình kiến trúc, hay những di sản lễ hội dân gian, v.v. lại ẩn chứa những giá trị văn hóa bản địa cổ xưa được bảo lưu mà người nghiên cứu cần kinh nghiệm mới có thể giải mã được.

Nội dung thứ hai là những tiếp xúc của văn hóa Việt Nam trên dặm dài phát triển của mình. Tiếp xúc không phải là một thuộc tính xa lạ trong nghiên cứu văn hóa, nhưng đối với Việt Nam thì tiếp xúc là một đặc trưng nổi trội. Nhờ có tiếp xúc và giao lưu văn hóa, Việt Nam đã xác lập được cho mình bản sắc văn hóa khi thâu nạp và chọn lọc những biểu hiện, những thuộc tính văn hóa từ các nền văn minh lớn xung quanh. Nguồn dữ liệu đầu tiên cần khai thác là quá trình tiếp xúc lâu dài và liên tục với Trung Quốc. Nghiên cứu về mối quan hệ cũng như những ảnh hưởng của văn hóa Hán đối với văn hóa Việt đã có nhiều thành tựu như những nghiên cứu về thể chế, điển lễ, văn chương - nghệ thuật, văn tự - ngôn ngữ, v.v., nhưng có lẽ điều cốt tử vẫn cần phải nhất quán xác định rằng những hình thức biểu hiện ấy chỉ là “đại đồng tiểu dị”. Nghĩa là, bởi vì môi trường tự nhiên, sắc thái tộc người bản địa hay vì một nguyên nhân tự tôn nào đó trong một giai đoạn lịch sử nên khi thâu nạp trong quá trình vay mượn, sao phỏng những biểu hiện văn hóa mới, văn hóa Việt Nam vẫn có những điểm khác biệt trên nền tảng những tương đồng cơ bản với văn minh Trung Hoa (các giá trị văn minh Trung Hoa thường được các quốc gia vùng văn hóa Đông Á lựa chọn làm khuôn thước cơ sở). Chính độ chênh này là điểm các nhà Việt Nam học có thể tìm thấy Việt Nam với những tâm thức cần giải mã trong những nghiên cứu so sánh đối chiếu, chứ không phải lối tư biện với những tiên đề mang tính độc tôn dân tộc hẹp hòi. Ví dụ như Kim Vân Kiều tân truyện (Truyện Kiều) của Nguyễn Du, nếu đặt trong sự đối sánh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và của các tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh của Trung Quốc, có lẽ điều còn lại làm nên văn hóa Việt Nam chính là cảm thức nhân sinh của người Việt thông qua điểm nhìn của Nguyễn Du và nghệ thuật ngôn từ điêu luyện của tiếng Việt. Nguồn dữ liệu thứ hai rất đặc sắc nhưng lâu nay ít được quan tâm chú ý trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam là quá trình giao thoa văn hóa Việt - Chăm. Những nô lệ Chăm sau những thất bại trên chiến trường được đưa ra Đại Việt đã để lại nhiều dấu ấn trong kiến trúc, trong thủ công mỹ nghệ, trong tín ngưỡng dân gian, v.v. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam nên quan tâm tới những dấu ấn này. Văn hóa Việt, đặc biệt ở Đàng Trong, do những tác động từ công cuộc Nam tiến mà đã hỗn dung với văn hóa Chăm. Tìm hiểu tổng thể văn hóa Việt Nam, vì thế mà không thể bỏ qua nghiên cứu về vương quốc Chăm-pa, về văn hóa của người Chăm - một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một nền văn minh phương Đông khác, văn minh Ấn Độ, để hiểu những ảnh hưởng của họ tới văn hóa Việt như thế nào. Quá trình tiếp xúc thứ ba cũng cần được xem xét nghiêm túc và thận trọng là vai trò của văn hóa phương Tây trong tiến trình định hình văn hóa Việt Nam hiện đại. Có thể có rất nhiều biểu hiện cụ thể của từng bình diện văn hóa để minh chứng cho quá trình phát triển hiện đại hóa nền văn hóa này. Xin đơn cử một vài ví dụ như do được du nhập các điệu tango, rumba và valse mà âm nhạc Việt Nam thay vì chỉ biết đến ngũ cung truyền thống đã có bước chuyển để có hai dòng nhạc chủ lưu sau này: hành khúc và tình ca. Tương tự, trong văn học cũng nở rộ phong trào Thơ mới với những bài thơ có hình thức tự do, không theo thi luật, để biểu đạt lý tưởng thẩm mỹ về cái “tôi” cá nhân thay vì cái “ta” cộng đồng trước đây. Đặc biệt là sự xuất hiện của các trào lưu tư tưởng hiện đại: xu hướng Âu hóa, tư tưởng Tự do - Bác ái, phong trào Duy tân, chủ nghĩa Marx, v.v… đã thúc đẩy hệ quy chiếu cũng như nhận thức của văn hóa Việt Nam tiến kịp với thời đại.

Nội dung thứ ba cần quan tâm nghiên cứu là định hướng hội nhập và phát triển của văn hóa Việt Nam. Sau khi đã xác định được bản thể của văn hóa Việt Nam cũng như chặng đường vận động và phát triển trong chiều dài lịch sử, với tinh thần “ôn cố tri tân”, nghiên cứu văn hóa Việt Nam cần đưa ra được những định hướng phát triển như là mục tiêu hướng đến của nền văn hóa này. Suy cho cùng Chân, Thiện, Mỹ vẫn là bảng giá trị để mọi nền văn hóa hướng tới, nhưng đâu là Chân - bản chất, làm sao để đến được Thiện - nhân bản và thế nào là Mỹ - cái đẹp cao cả, v.v… trong văn hóa Việt Nam vẫn luôn cần thêm những luận giải. Cùng với đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần hội nhập, không chỉ về kinh tế mà còn cả về văn hóa. Hội nhập văn hóa nên được hiểu theo hai chiều hướng, vừa thâu nhận những tinh hoa từ bên ngoài và vừa lan tỏa những giá trị bản sắc ra bên ngoài. Nghiên cứu những đặc trưng cũng như điều kiện hội nhập của một nền văn hóa sẽ là cơ sở để có những đường hướng phát triển nền văn hóa ấy. Nội dung nghiên cứu này vừa có tính chất của nghiên cứu dự báo, lại vừa mang vai trò của nghiên cứu định hướng. Và đặc biệt, ý nghĩa xã hội của nghiên cứu này rất to lớn. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội đều cần tham khảo kết quả nghiên cứu này để không đi ngược lại lộ trình phát triển của văn hóa dân tộc.

5. Kết luận

Nghiên cứu khu vực học không phải là nghiên cứu lịch sử, kinh tế, xã hội của khu vực đó mà là tìm xem cái gì đã tạo nên những biểu hiện ấy. Để tìm được thứ tiềm ẩn chi phối những biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú của một khu vực dù lớn hay nhỏ, trong một khoảng thời gian dù ngắn hay dài… đều không phải việc làm đơn giản, mà luôn cần có lộ trình. Trong dòng chảy của những nỗ lực xây dựng và phát triển ngành Việt Nam học với định hướng khu vực học, bài viết này trình bày một số suy ngẫm về việc định hình cho đúng những nhân tố tiên quyết cho sự hình thành phân môn nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Từ việc chỉ ra các nan đề đến việc từng bước phân tích để gợi hướng giải quyết các nan đề ấy, bài viết chú ý tới ba nội dung lớn sau:

- Thứ nhất, đối tượng nghiên cứu là văn hóa Việt Nam với chủ thể của nền văn hóa ấy là con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc chứ không phải sắc thái tộc người.

- Thứ hai, phương pháp nghiên cứu là phương pháp nghiên cứu liên ngành với phương pháp luận là sự điều phối các cách tiếp cận cụ thể của các chuyên ngành nhằm chứng minh một giả thuyết để trả lời câu hỏi nghiên cứu.

- Và cuối cùng, nội dung nghiên cứu với ba hướng chính là cơ sở bản địa của văn hóa Việt Nam, chặng đường tiếp xúc của văn hóa Việt Nam và định hướng phát triển của văn hóa Việt Nam.

Bài viết này đơn thuần chỉ dừng lại ở những suy ngẫm cá nhân, những gợi ý chia sẻ chứ chưa phải là một công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam trọn vẹn. Tuy vậy, người viết rất hi vọng có thể góp thêm một tiếng nói vào lộ trình định hình về đường hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam theo một hướng đi khoa học và tiến bộ.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh (1938, tái bản 2014), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  2. Hà Văn Tấn (2007), Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  3. Lê Quang Thiêm (1998, tái bản 2005), Khái niệm văn hóa, văn minh & Văn hóa truyền thống Hàn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Edgar Morin – Chu Tiến Ánh, Chu Trung Can dịch (2009), Nhập môn tư duy phức hợp, Nxb.Tri thức, Hà Nội
  5. Nguyễn Từ Chi (1996, tái bản 2003), Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  6. Nguyễn Văn Huyên (2003), Văn minh Việt Nam in trong Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. Nhiều tác giả - Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội
  9. Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hóa đến văn hóa học, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  10. Trần Ngọc Thêm (2013), Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dưng, Nxb Văn hóa - văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
  11. Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh (2015), Văn hóa Việt Nam - Những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb. Văn học, Hà Nội.
  12. Vũ Cao Đàm (2015), “Tiếp cận phương pháp luận của “nghiên cứu liên ngành” trong nền khoa học hiện đại”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 1A, tr.52-55.

 


[1]Bài viết này là kết quả từ những trao đổi với GS. Phan Ngọc, GS. Phạm Đức Dương, GS. Lê Quang Thiêm, GS. Trần Văn Khê, GS. Thạch Giang và đặc biệt là từ những gợi ý của TS. Trần Niêm. Tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền bối ấy.

Bài viết này đã được phát triển từ tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế“Khu vực học - Việt Nam học: Định hướng Nghiên cứu và Đào tạo”, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Hà Nội - 05-07/11/2019.

[2] Nghiên cứu liên ngành (inter-disciplinary), hay một số ý kiến cho rằng nên dịch chính xác thành nghiên cứu liên bộ môn, để phân biệt với nghiên cứu liên ngành (inter-sectorial), bởi ngành (sector) liên quan đến phạm vi đối tượng xã hội chứ không giống như bộ môn (disciplinary) liên quan đến các lý thuyết khoa học [tham khảo V.C.Đàm 2015; 53].

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511710

Hôm nay

236

Hôm qua

2337

Tuần này

22084

Tháng này

218583

Tháng qua

121356

Tất cả

114511710