Người xứ Nghệ

Phan Đăng Lưu và những đóng góp cho phong trào cách mạng ở Nghệ An

Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902-1941) 

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 tại xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - là người thuộc thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên trưởng thành từ một đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt Cách mạng Đảng thành đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương; được giao giữ nhiều vị trí quan trọng: Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (1936 - 1937), UVBCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937 -1939). Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng có đóng góp hết sức to lớn đối với cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng tại Nghệ An nói riêng.

Đóng góp to lớn trong tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tiến bộ cho Nhân dân Nghệ An

Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ học đường, Phan Đăng Lưu đã thể hiện được tư chất thông minh, khả năng, thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Đây là nền tảng quan trọng, là nét khác biệt, nổi bật trong suốt thời trai trẻ của Phan Đăng Lưu. Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông với tấm bằng hạng ưu (3/1923), Phan Đăng Lưu vào làm việc ở trại nuôi tằm Thanh Ba, Phú Thọ. Mới đầu Phan Đăng Lưu rất chuyên tâm làm việc, nhưng sau một thời gian thì hoàn toàn thất vọng vì đồng chí nhận ra rằng làm một công chức dưới chế độ thực dân không thì không thể thực hiện được hoài bão cứu nước, cứu dân. Từ đó, Phan Đăng Lưu tìm cách chuyển về Nghệ An để tập trung nghiên cứu môn khoa học chính trị - xã hội.Tại Vinh, Phan Đăng Lưu tích cực tham gia các hoạt động yêu nước, trở thành người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng tại quê hương, trở thành cầu nối tri thức tiến bộ cho quần chúng Nhân dân. Sau khi gia nhập Hội Phục Việt (cuối năm 1925)[1], Phan Đăng Lưu được Hội Phục Việt giao nhiệm vụ cùng một số giáo viên Trường Quốc học Vinh mở lớp học ban đêm ở nhà máy Xe lửa Trường Thi để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng. Qua em trai là Phan Đăng Tài, lúc đó đang học tại Trường Quốc học, Phan Đăng Lưu đã tiếp xúc gặp gỡ với các học sinh của trường như: Trần Ngọc Danh, Chu Văn Biên, Nguyễn Tiềm, Tôn Quang Phiệt... Thông qua họ tuyên truyền tinh thần yêu nước trong tầng lớp học sinh, sinh viên. Đồng chí đã cùng Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng tổ chức mở được một số lớp học cho thợ thuyền ở Vinh, Bến Thủy vào ban đêm. Ngoài việc dạy văn hóa, Phan Đăng Lưu còn tổ chức các buổi nói chuyện với công nhân, về tinh thần tự tôn dân tộc, lên án bọn cường quyền, bênh vực người nghèo khổ. Chính từ những lớp học đó, nhiều người được tuyển chọn vào Hội, trở thành những cán bộ cách mạng cốt cán trong các nhà máy, xí nghiệp, chiến sĩ cách mạng sau này.

Những năm 1925 - 1926, khi đất nước chuyển mình với những hoạt động yêu nước sôi nổi, Nhân dân Nghệ An, nhất là tầng lớp thanh niên - sôi sục khí thế cách mạng, các phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị bùng nổ rầm rộ. Trong những ngày đó, thanh niên, học sinh đã lập ra các nhóm đọc sách, xem báo, họ đã mang thơ yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, các loại tân thư, tân văn truyền bá sâu rộng trong quần chúng Nhân dân. Trước nhu cầu của quần chúng Nhân dân và thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ, với tri thức tiến bộ và khả năng tiếp cận đa dạng các loại tài liệu, sách báo của mình, Phan Đăng Lưu trở thành cầu nối hết sức quan trọng trong việc phát triển phong trào đọc sách báo, tiếp cận tư tưởng tiến bộ tại Nghệ An. Thông qua hệ thống sách, báo yêu nước, tiến bộ như: Báo Le Paria (Người cùng khổ); Báo L'Humanité (Nhân đạo); các học thuyết chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin... Phan Đăng Lưu đã giúp Nhân dân Nghệ An có thêm nguồn tư liệu phong phú. Nhận thức mới, định hướng mới cũng từ đó mà nảy sinh.

Đóng góp trong phong trào đấu tranh cách mạng tại Nghệ An trong những năm 1925 - 1926

Sự kiện Phan Bội Châu bị thực dân Pháp kết án tù chung thân - tháng 11 năm 1925 đã làm phong trào đấu tranh của Nhân dân chống chính quyền thực dân bùng lên mạnh mẽ khắp cả nước nhất là ở miền Trung. Tại Nghệ An, Phan Đăng Lưu đã bàn luận thời cuộc với những người yêu nước và ký tên vào bản yêu sách, cùng các đồng chí trong Hội Phục Việt đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và một số chính trị phạm khác như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế... Tháng 3 năm 1926, khi phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ đang diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi, Phan Đăng Lưu đã cùng các đồng chí trong Hội Phục Việt tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Lễ truy điệu đã dấy lên phong trào đấu tranh yêu nước rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong công nhân, thanh niên và học sinh. Trước sự ảnh hưởng của Phan Đăng Lưu đối với phong trào cách mạng, tháng 3 năm 1926, Sở Canh nông Nghệ An chuyển Phan Đăng Lưu về Trại tằm Diễn Châu, sau đó chuyển đến Phủ Quỳ (Nghệ An) rồi đến Linh Cảm (Hà Tĩnh), những nơi khó khăn hơn cho hoạt động cách mạng nhằm tách anh ra khỏi tổ chức và các hoạt động yêu nước, chống phá chính quyền thực dân. Tuy nhiên, dù ở đâu đồng chí vẫn luôn tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng.

Trong giai đoạn giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3/1937 -9/1939), trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng tại Huế, tuy nhiên đồng chí vẫn có ảnh hưởng và vai trò to lớn đối với phong trào cách mạng tại Nghệ An nhất là trong Phong trào Đông Dương Đại hội. Tháng 3 năm 1937, nhân dịp Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền đã cử Gôđa - người cầm quyển phái bộ sang Đông Dương và Việt Nam điều tra tình hình, thông qua đó Chính phủ Pháp ban hành thêm một số quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân Việt Nam. Dù biết rằng không thể hy vọng nhiều vào cuộc điều tra vào phái đoàn của Gôđa, nhưng phải lợi dụng nó như một cơ hội thuận lợi để tiếp tục động viên và tập hợp quần chúng đấu tranh, phát biểu nguyện vọng, đòi thực hiện các quyền dân chủ, tự do sơ đẳng. Phan Đăng Lưu là người được Xứ ủy phân công lãnh đạo trực tiếp đón tiếp Gôđa. Với tài trí và tố chất cách mạng của mình, đồng chí đã chỉ đạo thực hiện tốt mọi kế hoạch, kịch bản đã đề ra, trực tiếp đến tận nơi Gôđa sẽ dừng chân, nghiên cứu kỹ địa hình, địa lợi để chuẩn bị cho cán bộ và quần chúng Nhân dân hành động. Nhờ vậy, phòng trào Đông Dương Đại hội và đón tiếp Gôđa đạt được nhiều thắng lợi trên cả xứ Trung Kỳ, trong đó có Nghệ An. Khi Gôđa từ Bắc Kỳ vào Vinh (tháng 2 năm 1937) phong trào đấu tranh trong quần chúng tại Nghệ An đã diễn ra đúng kế hoạch và đạt được kết quả quan trọng. Ngày 22/02/1937, tại Vinh, hàng vạn quần chúng Nhân dân thuộc đủ các tầng lớp xã hội từ các huyện của quê hương Xô viết Nghệ - Tĩnh đã nườm nượp kéo đến Tòa Công sứ Pháp khẩu hiệu hô vang, biểu ngữ đầy đường. Mỗi ngành nghề đều có khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh áp phích và phù hiệu riêng để đón tiếp Gôđa. Công nhân giương cao hình búa; nông dân hình liềm; tiểu thương: đôi quang gánh; thợ cắt tóc: cái kéo. Cũng trong ngày 22/02/1937, tại Nhà lao Vinh đã có cuộc tuyệt thực của tù nhân, đấu tranh đòi tăng mức ăn hàng ngày, đòi cho ra sân 2 lần một ngày và đòi được gặp Gôđa trình bày nguyện vọng. Chiều 23/02/1937, Gôđa vào chợ Cầu Giát, thăm bệnh xá Quỳnh Lưu, sau đó vào thăm bệnh xá Diễn Châu. Hàng ngàn lượt người ở các huyện dọc đường QL1 kéo đến chật đường, hoan nghênh đặc phái viên Gôđa và hô vang khẩu hiệu đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Đêm ngày 23/02/1937, Gôđa đến nhà máy Xe lửa Trường Thi, 30 đoàn đại biểu các nhà máy, các ngành nghề, các giới đã gửi bản yêu sách, bày tỏ nguyện vọng. Dưới áp lực của phong trào, Gô đa đã vui vẻ tiếp nhận những nguyện vọng của quần chúng. Thành công rực rỡ của phong trào Đông Dương Đại hội có ý nghĩa lịch sử to lớn: Trong lịch sử lãnh đạo của Đảng, đây là lần đầu tiên, trên diễn đàn đấu tranh công khai, hàng vạn người thuộc đủ các tầng lớp xã hội đã sát cánh bên nhau đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và giành thắng lợi rực rỡ, buộc chính quyền thực dân và bè lũ phong kiến tay sai phải nhượng bộ, mở đầu cho những thắng lợi to lớn hơn mai sau. Tuy chỉ dừng lại như những cuộc tập dượt biểu dương lực lượng nhưng phong trào thực sự đã trở thành ngày hội cách mạng của quần chúng. Điều này chứng tỏ đường lối cách mạng đúng đắn, chủ trương kịp thời, phương pháp linh hoạt của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tập thể Xứ ủy Trung Kỳ mà Phan Đăng Lưu là người lãnh đạo trực tiếp. Trong những ngày này, Phan Đăng Lưu xuất hiện như một nhà lãnh đạo nổi bật của Xứ ủy Trung Kỳ, có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng tại Trung Kỳ nói chung và tại quê hương Nghệ An nói riêng.

Đóng góp trong xây dựng cơ sở cách mạng ở một số địa phương trên địa bàn Nghệ An

Sau khi nhận quyết định thải hồi, trở về quê hương (tháng 6 năm 1927), Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng phân công xây dựng, mở rộng tổ chức cách mạng tại Yên Thành[2], trở thành người đầu tiên xây dựng cơ sở Tân Việt ở Yên Thành. Thời gian này (từ tháng 6 năm 1927 đến tháng 5 năm 1928), trong điều kiện phong trào chung đang ngày càng phát triển, Việt Nam Cách mạng Đảng tiếp tục phát triển mạnh ở miền Trung và lan dần sang các tỉnh khác. Ở Nghệ An, ngoài tổ chức cấp tỉnh, gọi là Tổng bộ, các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành đều có tổ chức đại tổ (tức là huyện tổ), tiểu tổ (chi bộ) hoặc có cán bộ phụ trách và một số cơ sở cấp xã. Theo sự phân công, Phan Đăng Lưu đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng cơ sở cách mạng, tranh thủ những ngày nghỉ tổ chức gặp gỡ các bạn hữu, tuyên truyền vận động, giáo dục họ. Đồng chí đem sách báo, tài liệu tiến bộ về Yên Thành phổ biến, bồi dưỡng cho những người hăng hái nhất, kết nạp họ vào tổ chức Đảng. Với những hoạt động tích cực của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, các đại tổ và tiêu tổ của Việt Nam Cách mạng Đảng được xây dựng nhiều nơi ở Yên Thành, thu hút và kết nạp nhiều học sinh tham gia. Các cơ sở cách mạng đã hình thành đều khắp, xen kẽ nhau tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học và các địa phương. Nhiều tiểu tổ được hình thành gồm: Tràng Thành, Kim Thành, Bút Trận Cư Phú. Tiểu tổ Tràng Thành lúc đầu chỉ có 3 hội viên, sau phát triển lên 10 hội viên. Phan Đăng Lưu còn liên lạc với một số giáo chức của Trường tiểu học Pháp - Việt huyện và Trường Giai Lạc để chuẩn bị xây dựng tiểu tổ. Sau một thời gian hoạt động, nhóm Việt Nam Cách mạng Đảng ở Tràng Thành đã cử Phan Xuân Thuyên lên Công Trung, Đức Lân phát triển thêm một số hội viên. Ngoài ra, Phan Đăng Lưu còn tìm cách phát triển hội viên một số địa phương khác ở huyện Diễn Châu.

Để gây quỹ hoạt động cho Đảng, đồng thời tạo điều kiện để tập hợp, giáo dục, giác ngộ quần chúng, Phan Đăng Lưu có sáng kiến lập các cơ sở sản xuất. Tiểu tổ ở Tràng Thành đã lập được xưởng dệt vải. Tổ cử người ra Quảng Xương, Thanh Hóa học kỹ thuật dệt vải khổ rộng trên khung cửi cải tiến và vận động các tổ viên góp vốn mua được 7 khung dệt chuyển về Tràng Thành để thực hiện ý định du nhập thêm một nghề mới vào địa phương. Những người thợ dệt phần đông là phụ nữ, vừa sản xuất, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Phan Đăng Lưu còn chủ trương thành lập trại nuôi bò ở chợ Bùi, Kim Thành, sang tổng Vân Tụ gặp nhóm Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây để bàn cách phối hợp hành động, chuyển cho họ một số tài liệu cách mạng để họ nghiên cứu, học tập. Cũng trong thời gian này, một số học sinh Yên Thành được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Đảng ở Vinh. Những đồng chí này nhân dịp nghỉ hè về quê, cùng tham gia sinh hoạt trong các tiểu tổ Tràng Thành, mang đến cho hội viên Tân Việt ở đây không khí đấu tranh sôi nổi và kinh nghiệm hoạt động ở Vinh[3].

Ngoài những hoạt động của Hiệu buôn Tràng kẻ, Trại cày Trịnh Sơn, trại chăn nuôi trâu bò ở Chợ Bùi, Xưởng dệt Tràng Thành, ở các làng Trụ Pháp, Ngọc Luật, Phong Niên, Quảng Cư... các đảng viên Thanh Niên và Tân Việt đều tổ chức vận động quần chúng thực hiện nếp sống mới, mở lớp dạy chữ Quốc ngữ cho thanh niên, bỏ lễ tế thần thánh, bỏ thủ tục đốt vàng mã. Các báo chí công khai như Tân Thế Kỷ, An Nam tạp chí, Đuốc Nhà Nam, Tiếng Dân được Phan Đăng Lưu tuyên truyền rộng rãi trong thanh niên. Có thể thấy rằng sau khi về quê, từ một công chức, Phan Đăng Lưu trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tham gia hoạch định đường lối cho tổ chức Tân Việt, đào tạo cán bộ, giúp đỡ Thanh niên trong tuyên truyền, cung cấp tài liệu cũng như phát triển tổ chức tại Nghệ An nói chung tại các địa phương Yên Thành, Diễn Châu nói riêng.

Tháng 5/1928, khi việc phát triển Đảng đang trôi chảy, thuận lợi thì Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng điều động Phan Đăng Lưu từ Vinh vào tăng cường cho đội ngũ lãnh đạo tại Huế, bổ sung vào Ban Biên tập của Quan Hải Tùng Thư, vào Ban Thường vụ của Tổng bộ Việt Nam. Đến tháng 9 năm 1939, do yêu cầu của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu được Trung ương Đảng điều động vào Sài Gòn tăng cường lãnh đạo cho Xứ ủy Nam Kỳ, cho đến khi bị bắt và bị thực dân Pháp xử bắn vào ngày 26/8/1941.

Trong 39 năm hoạt động cách mạng, qua nhiều cương vị trong nhiều thời kỳ khác nhau, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Phan Đăng Lưu cũng luôn tỏ rõ là người cộng sản kiên cường, anh dũng; một lòng chiến đấu, hi sinh, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho cách mạng, cho Nhân dân. Thời gian đồng chí hoạt động tại quê hương Nghệ An không nhiều nhưng những cống hiến của động chí với phong trào cách mạng Nghệ An là hết sức to lớn, là người có nhiều đóng góp cho phong trào đấu tranh; là cầu nối về tri thức tư tưởng cho thanh niên, là người đặt nền móng, xây dựng cơ sở cách mạng tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An./.

 


[1] Hội Phục Việt sau đổi thành Hưng Nam, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng.

[2] Phan Đăng Lưu - tiểu sử, Nxb CTQG - Sự thật Hà Nội (2015), tr.71

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Thành, Lịch sử Đảng bộ Huyện Yên Thành, Nxb Lao động - xã hội, tr.35

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441547

Hôm nay

2264

Hôm qua

2283

Tuần này

21451

Tháng này

216721

Tháng qua

112676

Tất cả

114441547