Xứ Nghệ ngày nay

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”

Toàn cảnh Hội thảo khoa học. ảnh Minh Trang

Chiều 5/9, tại Nghệ An, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam".

 

Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học. ảnh Thành Duy

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, ngành của Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố gắn liền với hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Lê Hồng Phong; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902-2022).

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Sau khi học xong Sơ học yếu lược, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lê Hồng Phong đã xin làm việc tại nhà máy Diêm - Bến Thủy, thành phố Vinh. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của người lao động bị thực dân, phong kiến bóc lột tàn tệ, Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc.

Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng.

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng chí được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô-viết ở Lê-nin-grat (nay là thành phố Xanh Pê-téc-pua), Trường Đào tạo phi công quân sự ở Bô-rit-ơ-lep-xcơ (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô-viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, đồng chí được học tập lý luận cách mạng tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va, tốt nghiệp khóa ba năm (1928 - 1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đồng chí Thái Thanh Quý tham quan trưng bày chuyên đề ảnh về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Minh Trang

Tháng 11/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được phân công trở về nước lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong chắp nối liên lạc với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Chi tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) và xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng. Tháng 6/1932, Lê Hồng Phong bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo của Đảng cho công bố bản Chương trình hành động của Đảng do Đồng chí tham gia khởi thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua.

Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng), chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.

Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va (Liên Xô) từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935. Cùng đó, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ I của Đảng đã diễn ra thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu (vắng mặt) làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước và bí mật hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Tháng 3/1938, Đồng chí tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp phần vào việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống hoạt động phá hoại của bọn Tờrốkít và các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, tả khuynh ở trong Đảng.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn, bị kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Ngày 23/12/1939, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà Nghệ An. Ngày 20/01/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ. Trước sự độc ác, dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942. Trước khi mất, đồng chí đã nhắn lại: “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo khoa học. ảnh Thành Duy

Phát biểu khai mạc đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Hội thảo khoa học kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao đẹp và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần tăng cường, bồi dưỡng, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận làm sâu sắc các nội dung: Đồng chí Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên trung; người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực; người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

 Đồng chí Thái Thanh Quý -Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo khoa học. ảnh Thành Duy

Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam" đã nhận được hơn 40 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học đến từ các ban, ngành Trung ương, địa phương. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp nghe 8 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung phân tích, đánh giá trên nhiều khía cạnh như: truyền thống quê hương Nghệ An, của dân tộc đã nuôi dưỡng và góp phần hình thành nhân cách của đồng chí Lê Hồng Phong - một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản quốc tế; đi sâu, phân tích những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Hồng Phong trên con đường hoạt động cách mạng.

PGS. TS Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Minh trình bày tham luận. ảnh: Thành Duy

Từ đó đi đến thống nhất và khẳng định, đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao các bài tham luận và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu đã dành tình cảm, tâm huyết, thời gian nghiên cứu, tập hợp tư liệu, tài liệu về đồng chí Lê Hồng Phong để đóng góp cho sự thành công của Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh vài trò ý nghĩa thiết thực của hội thảo trong việc làm sáng tỏ thêm nhiều luận cứ khoa học về cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528514

Hôm nay

2170

Hôm qua

2291

Tuần này

2787

Tháng này

215210

Tháng qua

0

Tất cả

114528514