Đất và người xứ Nghệ
Tục cúng mừng lúa mới của người Thái ở Tương Dương
Đã thành thông lệ, mỗi năm, cứ vào độ tháng 9 - 10 âm lịch, khi những triền núi được phủ một màu vàng óng, cũng là lúc các gia đình đồng bào Thái ở bản trên mường dưới của huyện Tương Dương lại chộn rộn với công việc chuẩn bị cho lễ mừng lúa mới.
Những bông lúa mới chín non trên nương được gặt và bó thành bó. Ảnh: May Huyền
Từng bó lúa được luộc chín mới hong trên giàn bếp 2-3 ngày để làm món khầu hang. Công đoạn ngâm, trộn rất quan trọng và khó làm, nếu không khéo nếp mới sẽ bị nhão. Ảnh: May Huyền
Từ bao đời nay, người Thái rất coi trọng lễ cúng lúa mới, bởi theo quan niệm của họ, để có một mùa vụ bội thu thì sự phù hộ của tổ tiên, các vị thần linh cai quản nương rẫy là rất quan trọng. Do vậy, đến mùa lúa chín thơm ngát, bà con lại làm lễ cúng, với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn, các vị thần linh, người đã khuất đã mang lại sự ấm no cho gia đình, cho bà con thôn bản. Dịp này, các thành viên trong gia đình cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy, chuẩn bị những sản vật, chế biến những món ăn truyền thống để cúng tổ tiên, ông bà và các vị thần linh đã cho mùa màng tươi tốt. Dù ngày nay người dân đã sống theo nếp sống văn hóa mới, nhưng các thủ tục cúng lễ vẫn phải đầy đủ các món truyền thống, được chế biến từ các sản vật săn bắt và hái trong rừng về. Trong đó món khầu hang và khầu đái là chính. Chị Vi Thị Thắm - bản Cây Me, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương chia sẻ: “Để chuẩn bị các món cho lễ cúng lúa mới thì trước tiên phải theo dõi lúa trên nương nhà mình, khi hạt lúa đầy hạt, chín non thì chúng tôi gặt, về luộc chín từng bó lúa, sau đó hong trên giàn bếp khoảng 2-3 ngày rồi giã bằng tay sẽ được món khầu hang hay còn gọi là xôi cốm. Khi đã có được những hạt khầu hang xanh nõn, người ta đem ngâm, trộn, công đoạn này rất quan trọng và khó làm, nếu không khéo nếp mới sẽ bị nhão, sau đó hông bằng chõ trên bếp củi. Còn một loại nếp xôi nữa cũng không kém phần quan trọng phải có trong lễ cúng là xôi trắng, người Thái gọi là khầu đái. So với làm khầu hang thì khầu đái dễ làm hơn, người ta chọn những bông lúa nếp chín vàng óng, chắc mẩy trên rẫy về hong trên giàn bếp 2-3 ngày, có thể giã cối hoặc xay xát, sau khi sàng sảy cho hạt nếp trắng nõn, gạo nếp được ngâm 3-4 tiếng cho ngậm đầy nước mới đem ra hông bằng chõ trên bếp củi như khầu hang, nhưng thời gian hông lâu hơn, vì khầu đái chưa qua sơ chế như khầu hang”. Một loại sơ chế từ nếp rẫy, không kém phần quan trọng trong lễ cúng là xôi lam, người Thái gọi là khàu lám, để có được khàu lám. Các thành viên trong gia đình phân công nhau vào rừng chọn ống nứa non hoặc ống tre gai về ngâm nếp trắng để sáng mai lam (nướng) trên bếp than đỏ thành xôi lam.Ông Lô Hùng Phong - bản Cây Me, thị trấn Thạch giám, Tương Dương cho biết thêm: “Mỗi năm một lần, dù giàu hay nghèo thì gia đình vẫn phải chuẩn bị đồ lễ dâng lên tổ tiên, người đã khuất và các đấng thần linh cai quản bản mường, nương rẫy. Các vật lễ gồm: các món từ thịt lợn như thịt nướng, thịt luộc, gia đình khá giả thì có thủ lợn, đùi lợn; mọc sườn hoặc mọc thịt dúi, gà luộc, cá nướng, thịt chuột, sóc rừng nướng, măng, rau, lám nhọc, rượu xiêu, nước chè xanh… những thứ đó là phải có để báo và tạ ơn với người đã khuất và thần linh gia đình có thêm một mùa vàng bội thu nhờ có sự chở che của họ”.
Mâm cúng được chuẩn bị đầy đủ các món. Ảnh: May Huyền
Các mâm cúng được bày ra trước gian chính của gia đình, thầy mo cúng và chủ nhà đứng một bên để đáp lễ. Ảnh: May Huyền
Vì đây là lễ tạ ơn tổ tiên, các vị thần linh và những người đã khuất mang tính chất gia đình, không tổ chức dài ngày, nên tùy từng gia đình, từng dòng họ, mỗi gia đình chọn một ngày khác nhau. Mâm lễ thường có 4 mâm gồm; một mâm chính dành cho ông bà, cha mẹ của chủ nhà. Một mâm cúng những người trong gia đình, họ tộc đã mất khi chưa xây dựng gia đình. Mâm cúng ông bà ngoại khi người mẹ của chủ nhà còn sống và một mâm dành cho bố mẹ đẻ của vợ nếu người vợ còn sống. Nhưng thường gia chủ chỉ cần 2 mâm là đủ. Ông Lô Thanh Long - Trưởng phòng VHTT huyện Tương Dương cho biết: “Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. So với dân tộc Kinh cùng sinh sống ở huyện Tương Dương thì đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Pọong ít có ngày lễ để dâng lên tổ tiên hơn. Với lễ cúng mừng lúa mới thì mỗi dân tộc lại có một nét đặc sắc riêng, nhưng tựu trung lại họ dâng mâm lễ vật cúng để cảm tạ trời đất, tổ tiên và báo cáo thành quả một năm qua, đồng thời cầu mong thần linh, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho mùa mới mưa thuận gió hòa, bản làng yên vui, đoàn kết, thương yêu nhau, nhà nhà hạnh phúc…”
Trong lễ mừng lúa mới các thành viên quây quần bên nhau, là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Cũng theo quan niệm, trong buổi lễ, gia đình nào mời được nhiều anh em, họ tộc, bạn bè, hàng xóm thân thiết cùng đến chung vui, vụ mùa sau sẽ có thêm nhiều phúc lộc. Còn những người khách mời nhất thiết không được mang tiền, quà mừng mà chỉ có những lời chúc tốt đẹp dành cho gia chủ, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong làm ăn, xây dựng gia đình để thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản hướng về một cuộc sống đủ đầy./.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522785
235
2282
21559
220724
121009
114522785