Đất và người xứ Nghệ

Phan Bội Châu - Phong trào Đông Du, những giá trị bất biến.

             Chí Sỹ Phan Bội Châu

Sinh thành trong một gia đình nhà Nho và vùng quê Sa Nam, Nam Đàn, Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, từ rất sớm Phan Bội Châu (1867-1940) đã nổi tiếng là một người tài trí, học rộng biết sâu, có chí lớn. Trong bối cảnh thực dân Pháp đã xâm chiếm, thống trị “Nam Kỳ lục tỉnh” và tiếp tục đánh ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ, sự tồn vong của quốc gia dân tộc được đặt ra như một thách thức chính trị nghiêm trọng.

Với tinh thần yêu nước và ý chí muốn giải phóng dân tộc, thay vì lựa chọn con đường “cử nghiệp”, toan tính những lợi ích nhỏ hẹp của bản thân, gia đình, Phan Bội Châu - người thanh niên giàu dũng khí ấy và nhiều thanh niên yêu nước khác đã sớm dấn thân vào các trào lưu cách mạng, đau chung với nỗi đau của một dân tộc mất nước để tìm đường cứu nước, cứu dân.

1. Gia đình, quê hương - Nền tảng đầu tiên cho tinh thần yêu nước, tư tưởng cứu nước.

Phan Bội Châukhông chỉ lànhân vật lịch sử mà còn là một nhân vật lịch sử đặc biệt. Dấu ấn của gia đình, quê hương đã hằn sâu lên tâm hồn và cốt cách của ông cũng mang tính khác thường. Trong cuốn “Phan Bội Châu niên biểu”, Phan Bội Châu viết: “Phan Văn Phổ tiên sinh là cha tôi, và Nguyễn Thị Nhàn nữ sĩ là mẹ tôi. Hai người sinh tôi vào năm Đinh Mão 1867, tháng Chạp tại làng Sa Nam, xã Đông Liệt (nay là xã thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Làng đó dưới chân núi Hùng trên sông Lam, nguyên mẫu quán tôi. Nhà tôi đời đời theo nghiệp đọc sách, cho nên chỉ là một nhà thanh hàn. Từ ngày ông tôi mất, nhà càng suy lạc. May cha tôi là một người thông Nho, ruộng nghiên cày bút sinh nhai cũng vừa đủ xong. Lúc cha tôi ba mươi tuổi mới cưới mẹ tôi về, đến năm ba sáu tuổi mới sinh ra tôi. Chính giữa năm sinh ra tôi là nước ta bị mất Nam Kỳ đã 5 năm rồi (1862-1867). Một tiếc khóc oe oe như hình đã cảnh báo cho rằng: Mày đã sắp làm người vong quốc nô rồi đó. Đến năm tôi lên ba, cha tôi đem về làng tổ, làm nhà bên núi Mồ, tức thuộc tổng Xuân Liễu, làng Đan Nhiệm. Nay nhà tôi ở đấy”.

Trong mỗi gia đình người Việt luôn có dáng vóc quê hương, có hình hài của đất nước. Tất cả được nhào nặn, kết dính thành một tổng thể bản chất không thể tách rời. Phan Bội Châu sinh ra, lớn lên, học tập và hoạt động cũng như bao người yêu nước khác đều bị chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh sống của gia đình, quê hương, đất nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Có lẽ đó là cái khuôn đã sớm đúc nên những giá trị nhân bản của nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Người mẹ của Phan Bội Châu, nữ sĩ Nguyễn Thị Nhàn là một phụ nữ tuy không được học hành đến nơi đến chốn nhưng có tư chất thông minh. Thân phụ của bà là một nhà Nho, mở Thục Quán dạy học tại nhà và bà đã tiếp thu kiến thức bằng con đường riêng của mình. Tri thức để nuôi dạy con cái với người phụ nữ thời phong kiến có lẽ chỉ bằng cảm quan lẽ sống, bằng sự nhặt nhạnh tri thức thông qua giao tiếp xã hội bằng trái tim biết thờ chân lý, biết yêu lẽ phải như trào tuôn, vun đắp vào tư duy cụ Phan thuở ấu thơ. Cứ trôi theo ngày tháng, với tư chất thông minh thiên bẩm, sự rèn dũa chu đáo của bà Nhàn, những đạo lý đã sớm hình thành và dần bồi đắp trong con người Phan Bội Châu.

Phan Văn Phổ tiên sinh, thân sinh của Phan Bội Châu là một nhà Nho, một ông đồ dạy học ở Thục Quán - một trường học hoàn toàn do người dân lập nên, dân tự bỏ kinh phí để thuê thầy mà học trò đa số là con em trong họ tộc.

Một gia đình mà cuộc sống không hẳn nghiêng về cày cuốc, cũng không phải, cũng không phải từ nguồn dạy học. Tất cả cùng hỗ trợ nhau tạo kế sinh nhai trong cuộc sống thường ngày.

Quê hương của Phan Bội Châu là làng Sa Nam, xã Đông Liệt không chỉ là nơi Phan Bội Châu sinh ra mà còn là xứ sở của địa linh nhân kiệt ven dòng Lam giang, của vùng quê nghèo nhưng có truyền thống hiếu học, nôi khoa bảng, là nguồn cội của làn điệu dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh, của điệu hát Ví phường vải thiết tha say đắm lòng người. Cũng như bao miền quê khác của xứ Nghệ, người dân Nam Đàn luôn tảo tần chịu thương chịu khó để chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, biết đối mặt và từng bước vượt qua nghèo khó, biết vươn lên trong lao động và ngoan cường trong đấu tranh.

Chưa đầy 10 tuổi, cậu bé Phan Văn San (Phan Bội Châu) đã có tâm hồn nhạy cảm, sớm có trái tim hòa nhịp cùng đất nước, biết theo dõi và quan tâm nhiều đến các cuộc khởi nghĩa của các sỹ phu trong vùng. Cậu bé ấy đã biết bao lần bày binh bố trận cùng với lũ trẻ trong làng chơi trò đánh trận giả. Năm 13 tuổi đã làm được thư văn, 17 tuổi đã chong đèn thảo bài hịch “Bình Tây thu bắc”.

Sự hòa quyện giữa gia đình, quê hương trong bối cảnh nước mất nhà tan đã sớm nhen nhóm, bồi đắp tinh thần yêu nước và hun đúc tư tưởng muốn đánh Pháp để giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân trong con người Phan Bội Châu ngay từ thuở thơ ấu.

Hồn thiêng sông núi Nam Đàn, truyền thống lịch sử, văn hóa của đất và người Nam Đàn có lẽ đã gói gém và gửi gắm vào tư tưởng, nhân cách, cốt cách Phan Bội Châu, một nhà ái quốc vĩ đại.

2. Phát hiện ra văn minh Nhật Bản và truyền cảm hứng cho sự thành lập Duy Tân hội.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam chứng kiến nhiều biến động trong việc xác định một con đường và phương thức cứu nước. Các sĩ phu Nho học đương thời mang tư tưởng canh tân đang hướng ngoại để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh ấy, phạm vi cứu nước đối với người Việt chỉ có thể mở ra dưới bầu trời Á Đông, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản.

Năm 1868, Nhật Bản đã tiến hành cải cách Minh Trị, một loại hình cách mạng bằng lối tư duy đặc biệt mang tính sáng tạo diễn ra đầu tiên trên thế giới. Bằng cách đi riêng của mình, người Nhật đã tạo ra một con đường đi riêng trong công cuộc bảo vệ nền độc lập, đưa đất nước thoát khỏi vòng nô lệ của phương Tây, vươn lên “Thoát Á vào Âu”, trở thành một nước tư bản. Nhật Bản đã nổi lên như một tấm gương sáng của sự tự cường với “Kỹ thuật phương Tây - Tinh thần Nhật Bản”.

Thời ấy, các sỹ phu Việt Nam biết đến xứ sở Mặt trời mọc qua phong trào “Châu Á thức tỉnh”, một nước “Đồng văn, đồng chủng” chỉ sau 3 thập kỷ đã trở thành một nước tư bản phú cường, văn minh.

Điều mà cụ Phan hiểu được một cách chắc chắn là Nhật Bản là một nước văn minh thông qua cải cách của vua Minh Trị. Với lối tư duy trực quan, cụ Phan đã phát hiện ra nền văn minh đó với một tâm niệm làm cho nước Việt Nam, con người Việt Nam cũng trưởng thành như Nhật Bản.

Trong hoàn cảnh những năm đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đang quay cuồng trong giông bão bởi chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, Nhân dân bị xô đẩy đến thảm cảnh nô lệ, áp bức, tù đày, lịch sử cần một con người có năng lực, trí tuệ , bản lĩnh vượt tầm thời đại.

Cầu viện và cầu học văn minh là hai giải pháp đối lập nhưng nó đã tồn tại một cách biện chứng trong tư tưởng và tư duy chính trị của Phan Bội Châu. Ông cho rằng, bất chấp thủ đoạn, miễn sao cứu được dân, cứu được nước. Nước Nhật hùng cường đã tạo nên sức hút cho ý tưởng cầu viện, là điểm đến hành xử cứu nước của cụ Phan.

Năm 1904, Phan Bội Châu cùng với một số đồng chí của ông lập ra tổ chức Duy Tân hội, đề cao chủ trương “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập”. Chính từ thực tiễn của phong trào đấu tranh vũ trang của Nhân dân ta cuối thế kỷ XIX đã giúp ông hiểu rằng, nước ta là một nước thuộc địa, muốn giải phóng Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nhất thiết phải đánh đổ thực dân Pháp và đánh đổ bằng con đường bao lực. Phan Bội Châu coi “bạo động là con đường hoạt động duy nhất và tất yếu” để đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam độc lập, lập ra chính phủ độc lập.

3. Phong trào Đông Du (1905-1909) và những “làn sóng Đông du”.

Những năm đầu của thế kỷ XX, Nhật Bản đã trở thành một mẫu hình mới, một mô hình lý tưởng của nhiều người yêu nước trẻ tuổi Việt Nam. Nhật Bản đã trở thành điểm đến của phong trào Đông Du - một phong trào yêu nước, cách mạng tiêu biểu của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX bởi mấy điểm sau:

Thứ nhất, là một người sống cùng thời đại với cuộc cải cách Minh Trị (1868-1912), với vốn kiến thức thực tế phong phú và tầm hiểu biết uyên thâm của mình, Phan Bội Châu từng có những nhận thức, kiến giải sâu sắc về Nhật Bản trước, trong và sau cải cách Minh Trị. Trong đó, ông đã có những nhìn nhận, đánh giá khá chính xác về điều kiện sinh thái tự nhiên, vị thế địa - kinh tế, địa - chính trị, phẩm chất con người Nhật Bản trong sự so sánh với Việt Nam.

Thứ hai, đất nước và con người Nhật Bản có ấn tượng sâu sắc với Phan Bội Châu, nhưng nguyên nhân quan trọng khiến Phan Bội Châu sớm lựa chọn và hướng về Nhật Bản trong phong trào Đông Du chính là ấn tượng mạnh mẽ của chiến thắng Nhật Bản trước đế quốc Nga trong cuộc Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905).

Thứ ba, sự thành công của cải cách Minh Trị và những thành tựu văn minh quan trọng mà đất nước này đã đạt được sau 3 thập kỷ của cải cách.

Thứ tư, cùng với những nhìn nhận về đất nước, con người, ảnh hưởng bởi thắng lợi cũng như những thành tựu của văn minh Nhật Bản, một trong những nguyên nhân quan trọng khác thôi thúc Phan Bội Châu hướng tới Nhật Bản là nhằm tranh thủ chính giới Nhật Bản đối với công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc cho Việt Nam.

Thứ năm, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất mà Phan Bội Châu hướng đến Nhật Bản chính là mong muốn tìm kiếm, học tập “mô hình tổ chức nhà nước” từ mô hình nhà nước quân chủ lập hiến tiến bộ ở Nhật Bản.

Tháng 5 năm 1904, tại Quảng Nam, Phan Bội Châu cùng Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân lập ra một tổ chức Duy Tân hội, lấy Cường Để làm Hội chủ. Một trong những hoạt động của Duy Tân hội là “chuẩn bị xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương”. Tháng 2 năm 1905, các thành viên Duy Tân hội gồm Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính đã lên đường sang Nhật Bản, khởi đầu cho phong trào Đông Du.

Phát hiện ra mục đích của Duy Tân hội và phong trào Đông Du, thực dân Pháp đã liên kết với Chính phủ Nhật trục xuất Phan Bội Châu và khoảng 200 học sinh yêu nước khỏi Nhật Bản. Phong trào Đông Du thất bại nhưng khát vọng cứu nước và nhiệt huyết cách mạng của Phan Bội Châu dường như không bao giờ vơi cạn. Từ phong trào Đông Du (1905-1909) đã khởi đầu cho những làn sóng học sinh Việt Nam sang du học tại đất nước Mắt trời mọc.

Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Nhật Bản đã đón 3 là sóng du học từ Việt Nam.

Lần thứ nhất, diễn ra trong vòng 4 năm (1905-1909). Lần thứ hai, diễn ra trong vòng khoảng 10 năm từ đầu thập kỷ 40 đến đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Làn sóng thứ ba, kéo dài nhất, được bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX và tiếp diễn đến ngày nay. Trong 3 làn sóng du học ấy, phong trào Đông Du những năm đầu thế kỷ XX mang tính chất mở đầu gắn liền với hoạt động, vai trò và công lao to lớn của nhà yêu nước Phan Bội Châu và lớp du học sinh do ông lãnh đạo.

Xét về quy mô, lực lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hầu hết đều là thanh thiếu niên. Đầu thế kỷ XX, số lượng du học sinh Việt Nam đến Nhật trong phong trào Đông Du khoảng 200 người; đến những năm 1940-1950 có khoảng vài chục người. Nhưng từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, số lượng du học sinh ở Nhật Bản đã đạt trên 144 ngàn. Thông qua các hoạt động du học của cả lưu học sinh và tu nghiệp sinh, quan hệ giao lưu, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được mở rộng, tăng cường và góp phần quan trọng đưa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trở thành mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện từ đầu thế kỷ XXI.

4. Cần bảo tồn và phát huy những giá trị của Nhà lưu niệm Phan Bội Châu - Khu di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là nơi lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng về gia đình, quê hương, thời trai trẻ và những hoạt động yêu nước sôi nổi của Phan Bội Châu.

Đây là nơi lưu lưu niệm, tri ân nhà chí sỹ yêu nước tiêu biểu, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc, nơi gắn bó với cuộc đời của Phan Bội Châu từ khi cất tiếc khóc chào đời cho đến khi rời quê hương ra đi hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, cứu dân, nơi nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên cốt cách của một chí sỹ yêu nước vĩ đại.

Sinh thời, nhà Phan Bội Châu từng là nơi hội tụ nhiều văn thân, sỹ phu yêu nước, dư đảng Cần Vương, khách lục lâm vong mạng nghĩa hiệp khắp mọi nơi tụ nghĩa về đây cùng luận bàn việc nước. Một trong những người đã từng nhiều lần đến đàm đạo thế sự với Phan Bội Châu là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, di tích Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn có diện tích gần 5.000m2 gồm 2 khu vực chính: Khu lưu niệm với 2 ngôi nhà tranh và mảnh vườn của gia đình Phan Bội Châu; khu tưởng niệm gồm Nhà trưng bày bổ sung di tích, Nhà tưởng niệm và các công trình phụ trợ. Công trình Nhà tưởng niệm được khởi công xây dựng ngày 12/8 năm 2015 và khánh thành năm 2016 đúng dịp kỷ niệm 76 năm ngày mất cụ Phan Bội Châu. Đây là thành quả từ sự chung tay, góp sức của tập thể cựu giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu xây dựng.

Ngày 22/12/2016, di tích được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự và tự hào cho Nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung và quê hương Nam Đàn nói riêng, là sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp lớn lao của một người con xứ Nghệ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Vinh dự lớn lao đó cũng là thêm một trách nhiệm lớn lao cho các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của một Di tích quốc gia đặc biệt tại quê hương, nâng tầm ảnh hưởng của di tích vượt ra khỏi không gian của một huyện, một tỉnh và đến với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, từ di tích quốc gia đặc biệt này phải trở thành một địa chỉ có ý nghĩa sâu sắc với công tác đối ngoại, nhất là trong việc củng cố, xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, tăng cường phổ biến văn hóa và giao lưu hữu nghị Việt - Nhật tại Khu lưu niệm Phan Bội Châu.

155 năm qua, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến nhiều chuyển biến thăng trầm với nhiều đổi thay của thời cuộc. Tuy nhiên, cũng như nhiều người con ưu tú của quê hương, đất nước, tư tưởng và những cống hiến của nhà yêu nước Phan Bội Châu với cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc vẫn luôn hiện hữu và vẹn nguyên giá trị.

Với chúng ta hôm nay, ngoài đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trong khắc ghi và tri ơn những giá trị quý báu đó còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là khai thác, phát huy và vận dụng những bài học lớn rút ra từ sự nghiệp cao cả của Phan Bội Châu với công cuộc xây dựng đất nước, với việc giáo dục thế hệ trẻ ngày nay luôn trau dồi ý thức, tinh thần trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các di tích về cụ Phan Bội Châu ở nhiều nơi khác như ở Huế, Hải Phòng, Quảng Nam, Vĩnh Long..., trong đó có Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An._________________

*Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An).

(Bài đăng trên Văn hóa – Thể thao Nghệ An số 07/2022)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522785

Hôm nay

235

Hôm qua

2282

Tuần này

21559

Tháng này

220724

Tháng qua

121009

Tất cả

114522785