Đất và người xứ Nghệ
Tục cấm khách lạ vào bếp thiêng của người Khơ Mú
Trong gian bếp của người Khơ Mú ở xã Bảo Thắng - Kỳ Sơn. Anh: Hữu Vi
Trong căn nhà người Khơ Mú có ba bếp lửa trong đó có một căn bếp kiêng kị mà khách lạ thậm chí là con gái đã về nhà chồng không được bén mảng đến. Ai phạm vào điều cấm này sẽ phải mổ lợn làm vía cho chủ nhà.
Bếp thiêng
Ông Moong Phò Hoan, ở bản Cha Ca, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong một cuộc gặp đã say sưa kể về căn nhà của Khơ Mú. Đó không chỉ là nơi con người cư trú, thần linh cũng có một không gian riêng của mình. Ma nhà của người Khơ Mú cư trú trong một căn bếp dựng ra để dành riêng cho những đấng linh thiêng. Đó là nơi cấm kỵ đặc biệt của ngôi nhà. Người ngoài thậm chí là con gái đã về nhà chồng không được vào. Chỉ trong một ngày duy nhất gia đình tổ chức lễ ăn trâu cho tổ tiên người ngoài mới được phép vào bếp.
Là người hiểu biết nên Moong Phò Hoan không quá coi trọng việc cấm kỵ. Ông mở cửa gian buồng được đóng bằng gỗ kiểu cách hiện đại mời chúng tôi tham quan căn bếp thiêng. Theo ông thì chỉ cần có người nhà đi cùng thì khách lạ vào cũng chẳng sao..
Trong căn bếp là các vật dụng nấu nướng như chiếc kiềng, dụng cụ đồ xôi, thớt, mấy vò rượu cần. Cạnh chiếc bếp đắp bằng đất sét là chiếc cột “chủ nhà” được dựng bằng gỗ hay thân cây tre, nứa đều được. Cây cột là nơi hồn vía chủ nhà ở đó. Gian bếp cũng treo một cái đầu con trâu sấy khô còn nguyên cả sừng. Chỉ có những nhà đã làm tế trâu cho tổ tiên mới có cái đầu trâu trong căn bếp.
Vì sao có điều cấm?
Để giải đáp vì sao người Khơ Mú kiêng người lạ vào bếp, chúng tôi tìm đến ông Xeo Phò Mạnh, một người cao tuổi uy tín và cũng là ông mo của bản Cha Ca thường chủ trì lễ cúng đền của bản. Ông Mạnh cho biết có một truyền thuyết liên quan đến tập tục này.
Chuyện kể rằng, ngày xưa người Khơ Mú thấy người Thái vẫn thường mổ trâu, ăn uống linh đình mỗi khi có lễ hội hay ngày cúng tổ tiên. Vào những ngày lễ lớn người Khơ Mú chỉ mổ gà, cùng lắm là mổ lợn. Hỏi rõ nguồn cơn mới biết là người Thái có nhiều họ khác nhau trong đó có cả họ Moong, Cụt, Xeo, Chích, Ốc, Hoa… (là những dòng họ của người Khơ Mú ở Nghệ An ngày nay). Họ nghĩ rằng muốn có dịp để mổ trâu ăn thì phải có được những dòng họ này là của mình. Ban đầu người ta nghĩ phải mang của cái đi đổi lấy một họ nào đó nhưng rồi nhận thấy cách này không ổn. Người Thái vẫn dùng bạc nén để mua những họ quyền quý nhưng với người Khơ Mú thì họ không muốn như vậy. Cuối cùng người ta đi đến thống nhất là phải đánh cắp.
Vào một dịp lễ hội, khi người Thái đã ăn uống no say, họ bắt đầu hành sự. Người Khơ Mú bàn nhau vào gian thờ của người Thái lấy cắp đi những dòng họ như Moong, Chích, Xoe, Cụt, Ốc, Hoa… Lấy được rồi, người ta mổ trâu ăn mừng và đem giấu vào trong căn bếp. Những người bị lấy cắp mất họ hối hả đi tìm nhưng mãi chẳng thấy đâu. Để người khác không tìm lại được những họ đã bị đánh cắp, người Khơ Mú đặt ra lệ cấm người ngoài không được đặt chân vào căn bếp kiêng của họ. Nếu ai phạm vào sẽ phải mổ lợn cúng vía cho chủ nhà.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522786
236
2282
21560
220725
121009
114522786