Người xứ Nghệ

Thạch Quỳ với làng quê Đông Bích

Nhà thơ Thạch Quỳ

Nhà thơ Thạch Quỳ sinh ngày mồng 8 tháng 8 năm Tân Tỵ (1941), trong một gia đình có truyền thống hiếu học và học giỏi ở làng Đông Bích, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn (nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Ông nội ông là cụ Đồ Từ, theo Nho học, thi đỗ Nhất trường, nhiều năm làm Kiểm ước của tổng Thuần Trung xưa. Bản thân ông, tương truyền là sinh phải giờ Thiên đế giáng sinh, đã nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Năm 1957, ông là một trong hai thiếu niên đầu tiên rời làng xuống Vinh theo học trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Đông Bích là một làng nghèo, thuần nông, lại ở xa trung tâm huyện nên thuở ấy việc học hành chưa được chú ý mấy. Ông cũng là một trong hai người đầu tiên của làng thi đậu vào đại học, và vào học khoa Toán của Trường ĐHSP Vinh. Năm 1962, ông tốt nghiệp ra trường và từ đó trải qua hơn 10 năm là giáo viên dạy Toán tại các trường cấp 3 ở Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, tiếp nối truyền thống của một làng quê ngày xưa nổi tiếng có nhiều thầy Đồ. Đông Bích thời nay cũng vậy. Một làng nhỏ, chỉ hơn 500 nhân khẩu đã có đến hơn 50 người làm nghề dạy học!

Nhưng rồi ông sớm chuyển nghề sang với nghiệp văn chương, có phải bởi làng có ngôi miếu rất thiêng gọi là Miếu Đông Sơn. Nơi ấy có đôi câu đối: “Đạo đông nghĩa lý tòng tiên tiến/Hán thủy văn chương xướng hậu thành”. Tạm dịch là: Thánh đạo (Ý nghĩa - chân lý) hướng theo những gì tiên tiến/Làng (Đông Hán) khởi nghiệp văn chương sau ắt sẽ thành. Ông ứng với lời “sấm truyền” đó chăng? Chỉ biết “hậu thành”, ông thực sự đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Nói đến Thạch Quỳ, bây giờ báo chí gọi ông là bậc nhân sĩ tiêu biểu của xứ Nghệ; bạn bè khâm phục đánh giá ông là một nhà thơ đích thực và tài hoa. Riêng anh em con cháu trong làng thì từ xưa vẫn chỉ coi ông là một người ruột thịt gần gũi của làng, là anh Huấn, chú Huấn của những người nông dân mộc mạc và chân thật mà thôi. Cho đến đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, người làng mới bất ngờ biết ông với bút danh Thạch Quỳ từ những bài thơ đầu tiên in báo: Mẹ chồng, Giã mẹ lên đường, Ông già về hưu... Mọi người bỡ ngỡ rồi tự hào. Rồi biết ơn ông là người đầu tiên đã đưa những tên đất tên làng của quê hương lên mặt báo. Những “Đất Đô Lương”, “Gạch vụn thành Vinh”, “Làng nồi”, “Đền Khai Long”; “Đồng Vân Tràng”, “Vực Cóc” bỗng thành thơ và được ông làm cho đẹp lên đến lung linh kỳ ảo:

Chùa Vạn Phúc thẫm màu rêu ngói cũ

Rặng thông già đỉnh núi đứng trong tranh

Cổ Ngựa đá cúi về bên Thạnh Phú

Gặm không mòn đồng lúa mướt nhung xanh.

Cả những con vật nhỏ bé như con niềng niễng, con chim tà vặt, con chèo bẻo hót xanh trời trên ngọn mít... thường ngày ở làng cũng được ông làm cho lung linh hơn lại vừa trở nên gần gũi hơn: “Tiết giêng hai tím bãi hoa cà/Tiết giêng hai trồng khoai tỉa đỗ/Con chim cu vày hiền như nắm đất nho nhỏ/Lại bay về quẩn quanh chân ta”. Cái con chim cu vày ấy đã từ lâu thưa vắng, tưởng như đã mất hẳn trong từ điển của làng bỗng sống lại khi được ông hơn một lần nhắc đến:

Trái đa xanh đa tím rụng ao làng

Lúa chín sẫm trên lưng con cu vày hót xù lông cổ

Nắng lên rồi tu hú gọi bâng khuâng...

Đến những sự vật nhỏ nhặt như cái ấm sứt vòi, cái gàu mo, củ khoai móp, quả bồ kết rụng góc vườn người làng đã quen đến mức muốn lãng quên lại được ông nhặt lấy, đưa vào thơ. Những bà Cô “Cỏm cau đỏ, lá trầu thơm hội hè”, những em gái “Quần xắn cao ngang gối giục trâu cày” hay “Ông già khăn đỏ thủ rìu” là láng giềng của ông đều thành thơ. Họ vừa gần gũi như bóng tre bóng chuối, những “Dáng người trong hội mùa xuân/Đu làng bay với chiếc khăn màu điều” vừa bừng lên chói sáng: “Trên đất ấy những anh hùng gặp mặt/Bên chiến hào quả vải ném cho nhau...”

Đặc biệt, làng Đông Bích có Rú Cuồi, chỉ cao gần 150 mét, nhưng dựng nên bức thành đủ đẹp phía đông nam của làng. Rú Cuồi có tên chữ là Quỳ Sơn. Theo sách Địa chí huyện Đô Lương, nơi đây từ thế kỷ XIV, khi Nguyễn Trung Ngạn vào Nghệ An làm An phủ sứ (1337) đã chọn Quỳ Lĩnh làm nơi đặt Đại bản doanh. Nhưng người làng cũng chẳng nhớ làm gì cái tên chữ ấy. Nó chỉ được nhắc lại khi Thạch Quỳ chọn đá núi làm bút danh của mình. Làng Đông Bích có nhiều người làm thơ. Hầu như ai cũng có thơ và thơ hay về Núi Quỳ. Nhưng nhiều nhất vẫn là Thạch Quỳ. Ông làm cho núi Quỳ vụt thức dậy với những đá xe cồ xe kéo “Đá vụt mo dựng đứng lên trời”. Bằng trí tưởng tượng, ông cùng người quê sống lại với lịch sử hào hùng khi “Voi Lê Lợi vào khe Sanh lấy nước/Lóa mắt nhìn gươm tuốt dưới rừng thông”. Rừng thông ấy lại xanh hơn khi Quỳ Sơn của làng được hồi sinh sau những chiến tranh khốc liệt:

Lá thông là thực là mơ

Nửa buông như chỉ, nửa mờ như mây.

Ông đã thổi hồn thơ vào đất làng, đá núi, làm cho cái làng quê Đông Bích vốn dĩ cũng cằn cỗi khổ nghèo như bao làng quê khác bỗng trở nên đẹp hơn, làm cho mọi người thấy yêu hơn làng quê thân thuộc của mình. Hơn thế nữa, ông cũng góp phần làm cho cho cả tỉnh, cả nước biết đến cái tên làng Đông Bích! Truyền thống văn hóa hàng mấy trăm năm của làng “Đông Sơn tự cổ đa tài quế” đã một phần kết tinh lại ở ông và đến lượt mình ông cũng góp phần làm cho cái truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy càng đẹp hơn, sâu sắc hơn, vượt lên đi cùng thời đại.

Rồi sau này, cùng với sự đổi thay của đất nước, của thời đại, của đời sống kinh tế và văn hóa, thơ ông cũng không ngừng đổi mới để bắt kịp với nhịp sống thời hiện đại. Dù vậy cái hồn quê cũ như “Hoa dứa dại lặng lẽ bay” vẫn mãi dai dẳng trong ông. Đằng sau những câu thơ nhiều ẩn dụ, mang tính triết lý và chiêm nghiệm sâu sắc vẫn là cái tâm trong sáng của ông, là tình yêu và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, quê hương mà ông hằng yêu đến xót xa. Và dường như sau bao va đập được mất của cuộc đời, lòng ông chỉ thanh thản hơn khi trở lại với làng, lại ngồi với cỏ:

Gò đất cong ngả dép tạm ngồi

Bên mép lúa khỏa chân vào trong sóng

Giữa im lặng bốn bề là cao rộng

Rất mịn màng gió lúa thấm qua tôi....

Chỉ mươi hôm trước cái ngày định mệnh ấy, tôi ngồi với ông trong căn phòng nhỏ ở phố Phong Định Cảng, chợt nghe ông nói: Nếu nói ước mong gì thì bây giờ mình chỉ ước lại được trở về làng cũ, nằm trong căn nhà cũ, nghe tiếng chim hót bờ tre sau nhà. Giọng ông xa xăm: Mơ ước vậy thôi, mà giờ xem ra cũng khó...

Quả thật, linh tính của ông đã đúng! Ông đã không kịp về lại làng xưa. Đêm 10 tháng 12 năm 2022, sau gần nửa năm vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo, ông mất tại nhà riêng ở thành phố Vinh. Người làng và con cháu thương ông vẫn quyết đón ông thêm một lần về lại làng trước khi ra đi mãi mãi. Đêm cuối cùng, ông nằm lại trong căn nhà cũ rêu phong, trong khói nhang, giữa đông đảo bà con xóm làng và họ tộc. Vẫn đông vui như những rằm tháng giêng xưa, khi ông lại về trò chuyện và đọc thơ ở nhà thờ họ. Như vẫn còn đó những vòng người quây lại xúc động và háo hức. Giọng ông trầm ấm mà vang xa. Ánh mắt bừng sáng theo từng câu chữ. Khi gấp gáp khi nhẩn nha. Da diết, buồn thương, ngóng chờ, hy vọng. Người nghe như nín thở rồi vỡ òa hạnh phúc!...

Chắc hẳn ông cũng cảm thấy hạnh phúc khi được nằm xuống đấy, giữa đất làng, dưới bóng Núi Quỳ ấp ủ hồn ông mãi đó.

( Bài đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 07/2022)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511028

Hôm nay

227

Hôm qua

2359

Tuần này

21402

Tháng này

217901

Tháng qua

121356

Tất cả

114511028