Những góc nhìn Văn hoá

Khởi nghĩa Hoan Châu trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc

Kỷ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu (Ảnh tư liệu)

Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan tổ chức, lãnh đạo (713 -723) có vị thế, giá trị, ý nghĩa hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc suốt mấy ngàn năm qua.

Thứ nhất, xét từ góc độ không gian địa lý, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan tổ chức, lãnh đạo diễn ra vào năm 713, lấy đại bản doanh Vạn An thuộc khối Vạn An, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn ngày nay nói riêng và vùng hạ lưu sông Lam nói chung làm trung tâm thực sự là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô lớn nhất diễn ra trên vùng đất núi Hồng, sông Lam trong suốt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm (179 TCN-905). Từ phương diện này cho thấy, trước khi cuộc khởi nghĩa Hoan Châu bùng nổ, tầng lớp quý tộc, hào trưởng người Việt và đại bộ phận nhân dân trên địa bàn Châu Hoan và Châu Diễn, tương ứng với địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay với tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự chủ cháy bỏng đã vượt hàng trăm km tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia vào các cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra từ địa bàn châu Ái (Thanh Hóa) trở ra lưu vực đồng bằng Bắc Bộ như: khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43); khởi nghĩa Bà Triệu năm 248; khởi nghĩa Lý Bí (Lý Bôn) diễn ra vào năm 543(1);...

Khi Mai Thúc Loan, chọn Vạn An làm đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, huy động Nhân dân ở hạ lưu sông Lam xây đắp cả một hệ thống thành lũy bao quanh nhằm bảo vệ cho thành Vạn An như: Hồ Sơn, Vệ Sơn, Thung Sơn, Biều Sơn, Ngọc Đái Sơn,... và biến vùng đất địa chiến lược này thành trung tâm của cuộc khởi nghĩa, thì ngay từ đầu Ông đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quý tộc hào trưởng người Việt, người Hán bị Việt Hóa và mọi tầng lớp nhân dân ở 32 châu quanh vùng và quân đội từ các nước láng giềng như: Ja Va, Xảo Oa, Chân Lạp, Kim Lân,... xây dựng cả một đội quân đông tới 30 - 40 vạn người. Từ phương diện này cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Nam Đàn nói riêng, rộng hơn là Nghệ An trở thành đia bàn tập hợp lực lượng để đập tan ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc, giành lại nền độc lập tự chủ(2).

Từ đại bản doanh Vạn An, Mai Thúc Loan cùng ba quân tướng sĩ nhanh chóng lật đổ nền thống trị của nhà Đường ở Châu Hoan và Châu Diễn rồi thẳng tiến ra Bắc, bao vây, tiến công phủ thành Tống Bình (thuộc địa bàn thành phố Hà Nội ngày nay) đập tan toàn bộ nền thống trị tàn bạo của nhà Đường trên toàn bộ lãnh thổ nước ta thời bấy giờ, giành lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc sau nhiều thế kỷ nằm dưới ách đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc. Cùng với Hai Bà Trưng, Lý Bí, Mai Thúc Loan đã cùng cả dân tộc hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mở ra cơ hội để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đưa lại cuộc sống ấm no, thanh bình cho trăm họ, muôn dân từ đồng bằng Bắc Bộ vào tận Châu Ái, Châu Hoan, Châu Diễn. Xin được lấy hai câu đối tại đền thờ Vua Mai ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn để hiểu rõ hơn về sự tôn vinh của các thế hệ ông cha đối với sự nghiệp lẫy lừng mà Mai Hắc đế dựng nên:

    Bách chiến binh uy oanh Việt điện

 Vạn An đế tích thọ Hùng Sơn

Nguyễn Cảnh Phức(3) giải nghĩa:

Ngài đã bao phen xông pha chống giặc, uy thế của đạo quân do Ngài chỉ huy vang dội khắp nước Việt

Dấu tích của kinh đô Vạn An mãi mãi trường tồn như núi Hùng Sơn

Và:

Vật phụ, dân khang, Nam quốc sơn hà, tức ải anh thanh, huyền nhật nguyệt

Địa linh nhân kiệt, Vạn An thành luỹ, thiên thu lăng miếu tịch càn khôn

Nguyễn Cảnh Phức giải nghĩa:

Vạn vật phong phú, dân chúng yên ổn, tiếng tăm tài ba của Ngài vẫn mãi mãi sáng ngời như mặt trời, mặt trăng.

Địa linh nhân kiệt, lăng miếu và đền thờ Ngài ở thành Vạn An mãi mãi trường tồn cùng trời đất

Hoặc bài thơ chữ Hán hiện còn lưu giữ tại đền thờ Vua Mai ở khối Mai Hắc đế, thị trấn Nam Đàn ca ngợi công đức của ông như sau:

Cát cứ Hoan Châu địa nhất phương

Vạn An thành luỹ Vạn An Vương

Tứ phương hưởng ứng hô Mai Đế

Bách chiến uy thanh nhiếp Lý Đường

Lam nguyệt giang thanh thanh lang ngạc

Hùng phong sơn tịnh tinh yên lăng

Lệ chi tuyệt cống đường nhi hậu

Dân đáo vu kim thụ tứ trường

Tạm dịch:

Hùng cứ Hoan Châu đất một phương

Vạn An thành luỹ Vạn An Vương

Bốn phương dậy tiếng hô Mai Đế

Trăm trận sức dư át Lý Đường

Lam nguyệt nước trong không bóng ngạc

Hùng Sơn gió lặng vắng hình lang

Đường đi cống vải từ đây dứt

Dân nước muôn đời hưởng phúc chung

Thứ hai, ngay sau khi giành được độc lập tự chủ, Mai Thúc Loan xưng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế (Ông vua Đen họ Mai), dốc toàn tâm, toàn tài cùng bá quan văn võ trong triều đình Vạn An xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Sự ra đời và tồn tại của vương triều Vạn An trong suốt 10 năm (713-723) có giá trị và ý nghĩa hết sức đặc biệt. Trước hết, việc Mai Thúc Loan xưng Đế thể hiện ý chí độc lập, tự cường muốn thoát bỏ hoàn toàn mọi sự ràng buộc, lệ thuộc vào các thế lực phong kiến phương Bắc của dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng cư dân xứ Nghệ nói riêng. Trước đó, sau khi giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc (543), Lý Bí cũng từng xưng Đế, đặt quốc hiệu nước ta là Vạn Xuân, với mong ước nền độc lập tự chủ của dân tộc vững bền, đất nước trường tồn, trăm họ, vạn nhà được hưởng cuộc sống ấm no, thanh bình, tươi đẹp như mùa xuân. Tiếp nối khát vọng cháy bỏng đó, việc Mai Thúc Loan xưng Đế đã chính thức biến đại bản doanh Vạn An của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu thành kinh đô Vạn An của một quốc gia độc lập, tự chủ. Chỉ tiếc rằng, nguồn tài liệu từ chính sử không ghi chép cụ thể về những nỗ lực của Mai Hắc Đế và vương triều Vạn An trong suốt 10 năm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Thứ ba, nếu đặt người tổ chức, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu trong tương quan của những người tổ chức, lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa vũ trang suốt trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, ta thấy một điều hết sức đặc biệt: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng, Phùng Hải, Dương Thanh, Khúc Thừa Dụ,... đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, hào trưởng người Việt hoặc quý tộc người Hán bị Việt hóa. Tầng lớp này có vị thế cao trong xã hội và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với đông đảo nhân dân làng xã trong một phạm vi không gian rộng lớn bao gồm nhiều làng xã khác nhau mà GS Hà Văn Tấn gọi là Liên làng và Siêu làng. Do đó, khi dựng cờ khởi nghĩa, họ có nhiều thuận lợi trong việc vận động đông đảo quý tộc, hào trưởng người Việt, quý tộc người Hán bị Việt hóa và đông đảo nhân dân làng xã tham gia.

Trong khi đó, Mai Thúc Loan xuất thân từ tầng lớp dưới đáy cùng của xã hội. Ông sớm phải sống cảnh mồ côi ngay từ nhỏ, lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của Nhân dân làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn). Với thành phần xuất thân đó, nhưng theo Dương Tư Húc truyện và Ngô Sĩ Liên cùng các sử thần nhà Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư hay Quốc sử quán triều Nguyễn trong: Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì: “ Tháng 7, mùa thu. Ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế... Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên(713 -741) An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc Đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số đến 40 vạn,..”(4). Vấn đề đặt ra ở đây cần được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ là: Bên cạnh Mai Thúc Loan, còn có những quý tộc hào trưởng người Việt nào đã cùng Ông kề vai sát cánh để có thể huy động, xây dựng được cả một đạo quân đông đảo đến vậy?.

Đền thờ Đức Ông, tọa lạc tại khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn, hiện còn giữ được một số sắc phong của các triều đại quân chủ từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn, vốn được xem là được Nhân dân Nam Đàn, Nghệ An dựng nên để tưởng nhớ bá quan văn võ trong triều đình Vạn An, không cho biết cụ thể về tên tuổi và những cá nhân đầy tài năng, tâm huyết đã giúp Mai Thúc Loan làm nên kỳ tích đó. Ngay các sắc phong từ thời vua Gia Long (1802 -1819), đến thời vua Bảo Đại (1925 -1945) hiện còn lưu giữ tại đền thờ vua Mai ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn và khu Lăng miếu đền thờ của Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế ở thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn, thuộc khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn cũng chỉ cho biết một cách chung chung như: Bá Lâm thống lĩnh đại tướng quân, Hùng Sơn Thượng tướng quân,... chứ không cho biết cụ thể tên, quê quán,... của những vị đại quan được xếp vào hàng tứ trụ triều đình của vương triều Vạn An(5)?

Thứ tư, việc các tài liệu như Đường thư, Dương Tư Húc truyện, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,... ghi chép về việc Mai Thúc Loan liên kết với các nước Ja Va, Chân Lạp, Kim Lân, Xảo Oa cùng 32 châu quanh vùng hình thành nên một liên minh chính trị - quân sự vững mạnh đủ khả năng loại bỏ hoàn toàn nền thống trị của nhà Đường trên toàn bộ lãnh thổ nước ta thời bấy giờ thực sự có giá trị và ý nghĩa để ta tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu về mối quan hệ mật thiết giữa các thế hệ người Việt với cộng đồng các quốc gia cổ đại ở khu vực Đông Nam Á từ thế kỷ thứ VIII trở về trước cũng như các thế kỷ sau đó. Căn cứ vào những ghi chép đó, có thể khẳng định: Mai Thúc Loan là người Việt Nam đầu tiên thực hiện thắng lợi liên minh chính trị - quân sự với các quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Nam Á để chống lại tham vọng đồng hóa, Hán hóa và duy trì nền thống trị lâu dài của người Hán trên lãnh thổ nước ta. Tất cả các cuộc khởi nghĩa vũ trang trước và sau cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chưa đạt được thành quả to lớn mà Mai Thúc Loan đã làm được. Nhưng làm thế nào và nhân vật lịch sử nào đã cùng Mai Thúc Loan thực hiện thành công liên minh chính trị - quân sự đó? Các nước Chân Lạp, Kim Lân, Ja Va, Xảo Oa,... cử quân đội đến đại bản doanh Vạn An bằng đường thủy, đường bộ để cùng Mai Thúc Loan đập tan bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở nước ta. Sau khi thắng lợi, Mai Thúc Loan xưng Đế, mối quan hệ giữa vương triều Mai Hắc Đế với các nước đó như thế nào? Đây thực sự là một trong những bí ẩn đầy thú vị của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh chống Bắc thuộc (179 TCN - 905) cho đến nay các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước vẫn chưa có lời giải thỏa đáng(6)?

Thứ năm, căn cứ vào hệ thống các di tích lịch sử thờ vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế, Thân Mẫu vua Mai, Mai Hoàng Hậu, Mai Kỳ Sơn, Mai Bảo Sơn, được Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Nhân dân phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Nhân dân xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng,... dựng nên, trùng tu sửa chữa nhiều lần để tưởng nhớ công đức của Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và ba quân tướng sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc (713 -723) cùng các huyền tích, huyền sử liên quan, có thể thấy: Toàn bộ gia đình Mai Hắc Đế như: Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế, Mai Hoàng Hậu, Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn, Mai Bảo Sơn đều anh dũng hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm trong khoảng thời gian từ năm 722 đến năm 723. Tưởng nhớ công đức của họ, Nhân dân Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh lập đền thờ, hương khói phụng thờ suốt hơn 13 thế kỷ qua. Sự hy sinh cao cả của tất cả các thành viên trong gia đình Mai Hắc Đế trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập tự chủ của dân tộc thực sự là một trong những minh chứng lịch sử hùng hồn nhất, là bản trường ca bất hủ khẳng định cho truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và tinh thần sẵn sàng xả thân cho độc lập dân tộc của cộng đồng cư dân xứ Nghệ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó thực sự là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam trong suốt 1310 năm qua và mãi mãi về sau. Xin được lấy một câu đối còn lưu giữ tại đền thờ vua Mai ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn để minh chứng cho điều đó:

Phụ tử nhất ngôn công chấp nhi thảo chúng

Quân thần thiên tải thân phú dĩ đăng thiên

Nguyễn Cảnh Phức giải nghĩa:

Một dạ như cha con cầm tay nhau mà đánh giặc

Ngàn năm tự vua tôi sát cánh để lên trời

Hoặc đôi câu đối tại đền thờ, lăng miếu vua Mai ở thung lũng Rậm núi Hùng Sơn:

                        Mai cố bất mai danh, Hắc Đế phá Đường danh vĩnh cửu

            Lưu quang do lưu đức, Hoan Châu khởi nghĩa, đức trường tồn

Nguyễn Cảnh Phức giải nghĩa:

            Thi hài của Ngài đã được nhân dân mai táng từ lâu lắm rồi, nhưng danh tiếng của vua Mai Hắc Đế đánh tan quân nhà Đường thì không bao giờ bị mai một

            Để lại vinh quang là do để lại đạo cao đức trọng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, Mai Hắc Đế để lại tiếng thơm muôn đời.

Chú thích

* PGS.TS Nguyễn Quang Hồng - Khoa Lịch sử, trường Sư phạm, trường Đại học Vinh.

* Ths Phạm Thị Hoài Than - Giám đốc Trung tâm Nội trú Trường Đại học Vinh.

1. GS.TS Nguyễn Văn Trương (chủ biên), Nam Đàn xưa và nay, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.

2. Viện Sử học, Khoa Lich sử Trường Đại học Vinh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc: Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu, tổ chức tại trường Đại học Vinh ngày 8,9 tháng 11, năm 2008. Nxb KHXH Hà Nội,2009.

3. Nguyễn Cảnh Phức, quê ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn là cán bộ giảng dạy bộ môn Hán Nôm tại trường Đại học Vinh. Ông đã dành thời gian khảo sát các di tích thờ Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế ở huyện Nam Đàn và giải nghĩa các câu đối, hoành phi, đại tự tại đền thờ Đức Ông ở khối Nam Bắc Sơn, đền thờ vua Mai ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, đền thờ lăng miếu vua Mai ở thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn, thuộc khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn,... Ông cũng chính là tác giả của các câu đối, bức Đại tự tại nhà Thân Mẫu vua Mai ở động Cồn Chèn, xã Nam Thái ngày nay. Đền thờ Thân Mẫu vua Mai ở động Cồn Chèn, xã Nam Thái huyện Nam Đàn đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố. NQH chú.

4. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb KHXH, H, 1998, tr 190. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr 187.

5. Các sắc phong tại đền thờ Đức Ông ở khối Nam Bắc Sơn, đền thờ vua Mai ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, đền thờ lăng miếu vua Mai ở thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn, thuộc khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn được ông Nguyễn Cảnh Phức, nguyên giảng viên trường Đại học Vinh và ông Nguyễn Văn Hữu cán bộ Sở Văn hoá thông tin Nghệ An dịch. Chúng tôi có sử dụng các bản dịch này trong công trình, Địa danh di tích lịch sử - văn hoá lễ hội vua Mai ở Nam Đàn, Nxb Nghệ An,2013.NQH chú.

6. Nguyễn Quang Hồng, Thêm một số ý kiến về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm Nhâm Tuất(722), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 7 -8, 2001, tr 54 -57.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511624

Hôm nay

2287

Hôm qua

2336

Tuần này

21998

Tháng này

218497

Tháng qua

121356

Tất cả

114511624