Ngày 29 - 8 - 1994, Chính phủ ra nghị định số 13/CP “Nghị định cuả chính phủ về việc thành lập thị xã Cửa Lò” thành lập thị xã Cửa Lò trên cơ sở thị trấn Cửa Lò và các xã Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hoà, Nghi Hải cùng một phần xã Nghi Quang huyện Nghi Lộc. Đến nay tổng diện tích đất liền tự nhiên của thị xã là 2870 ha với hơn 50000 dân sinh sống trên 7 phường xã :Nghi Tân, Nghi Thuỷ, Thu Thuỷ, Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hoà, Nghi Hải với 71 khối xóm và 2 hải đảo.
Nằm giữa hai cửa biển lớn, cửa sông Lam và sông Cấm, trong khoảng từ 18,45 - 18,50 độ vĩ bắc, 105,42 - 105,45 độ kinh đông; cách thành phố Vinh 20 km về phía đông bắc, lần lượt giáp với các huyện Nghi Lộc về phía tây, bắc; Nghi Xuân (Hà Tĩnh) về phía nam và biển đông ở phía Đông, Cửa Lò là mảnh đất có vị trí chiến lược, quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế - đặc biệt là tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng - thị xã du lịch Cửa Lò đang dần chiếm dụng những trữ năng của tự nhiên và con người để dần khẳng định những ưu thế của một thị xã du lịch hấp dẫn trên nền tảng vững chắc của văn hiến xứ Nghệ.
Hình thành từ phù sa của hai cửa sông, cửa biển do hiện tượng biển lùi, không phải là vùng đất cổ nên cư dân ở đây là do nhiều nguồn quần tụ về mà có. Về nghề nghiệp, ngoài nghề đánh cá, làm ruộng, từ xưa ở vùng Cửa Lò đã có nghề nấu muối, nghề mộc, trong đó có nghề còn truyền mãi và ngày càng ưu việt như nghề đóng tàu. Ngoài ra còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, làm nón, chế biến nước mắm, bện đay, đan lưới và đan lát đồ dùng bằng tre. Cư dân Cửa Lò chất phác, chân thành, giản dị, cần cù, tiết kiệm, cương trực, nhân ái và trọng nghĩa.
Cửa Lò nằm trong vùng tụ hội của nhiều núi và đảo (người xưa gọi là “nhân sơn quần tụ”): núi Lò (Lô sơn) đỉnh cao chất ngất trông ra biển, dưới chân núi có chùa Lô Sơn, danh thắng cũng là nơi gửi gắm tâm linh của du khách. Núi Cờ, núi Voi, núi Mão, núi Áo ở Nghi Quang, Nghi Hợp, núi Kiếm, hòn Thỏi Mực ở Nghi Tân, núi Bảng Nhãn ở Nghi Thiết… gợi nhớ quá khứ văn thao võ lược của vùng đất ven biển này. Cùng lưu danh với những ngọn núi, những dòng sông ấy là tên tuổi những danh nhân như Cương Quốc công Nguyễn Xí - một trong những khai quốc công thần, thờ trải ba đời vua Lê tước phong Cương quốc công, Thiếu uý Nhập nội Nguyễn Sư Hồi – con cả của Nguyễn Xí - người đã từng thống lĩnh thuỷ binh trấn giữ 12 cửa biển từ Thanh Hoá đến Quảng Trị, Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, Chánh Ngự y Hoàng văn Dụ, Thái y Hoàng Nguyên Lễ… Ngoài ra, nơi đây còn để lại dấu chân của nghĩa binh Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn… Đã có nhiều văn nhân tài tử để lại cho vùng đất Nghi Lộc - Cửa Lò những vần thơ, những câu đối hoặc miêu tả cảnh sắc hữu tình của non nước hay vịnh truyền thống lịch sử, văn hiến trên dải đất địa linh nhân kiệt. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu viết: “Dạo gót thử trông xem, kìa Lô Thủy, nọ Ngư Sơn, vui thú đâu hơn quê quán cũ/ Cầm tay xin nhắc lại, kẻ lan tôn, người quế tử, vun trồng xin nhớ cội cành xưa”. Phải chăng vì điều này mà nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu cho rằng du khách đến Cửa Lò là “có thể trở về cội nguồn để thưởng ngoạn, cảm nhận những tố chất văn hoá mang đậm sắc thái biển”.
Cách bờ biển Cửa Lò chừng 4 km có đảo Ngư với độ cao 125m, ở vùng nước sâu 12m, là chỗ dựa cho tàu viễn dương trước khi vào cảng Cửa Lò, cách Cửa Hội khoảng 30km có đảo Mắt (Quỳnh Nhai) nằm gần kinh tuyến đông 106 với độ cao 218m, biển sâu 24m có nước ngọt, là chỗ dựa cho ngư dân khi gặp sóng to gió lớn. Các hòn đảo này như tấm bình phong che chắn cho phía đất liền, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và cũng là điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm rất hấp dẫn. Trên đảo Ngư có chùa Ngư cổ kính có thể làm mãn lòng yêu thiên nhiên và những tín niệm của người dân địa phương, của du khách.
Bờ biển Cửa Lò dài 10,2 km, bãi biển rộng, cát trắng mịn, bằng phẳng, lộng gió, được tổ chức Môi trường thế giới và Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá là một trong hai bãi biển sạch, đẹp và an toàn nhất Việt Nam. Nước biển có độ mặn vừa phải, trung bình 3,4 - 3,5 %, khí hậu trong lành, cảnh quan hấp dẫn với cái cồn cào, da diết của sóng và cái uy nghi, im lìm của đá, có vị mặn của muối và vị ngọt của phù sa. Dải đất ven biển Cửa Lò liên tục có nhiều cồn cát cao rộng xen với những lòng chảo đầm bàu… Cửa Lò có nhiều tài nguyên quý hiếm có giá trị kinh tế cao như tôm cua, mực, ghẹ, cá thu, cá lưỡng, cá song, cá ngừ…
Do đặc điểm vị trí chiến lược quan trọng và điều kiện địa lí khá đặc biệt, Cửa Lò thuộc số những mảnh đất thường phải hứng chịu nhiều đau thương mất mát trong những lần đất nước bị xâm lăng cũng như những kì thiên tai giáng hoạ. Lịch sử Cửa Lò hẳn sẽ khộng bao giờ quên được hình ảnh những làng xóm bị thiêu rụi, những mất mát dưới tên đạn của phong kiến, thực dân, đế quốc; những kì bão lụt tàn phá nghiêm trọng vào các năm 1954, 1982… Tuy nhiên, cũng trong mất mát, Cửa Lò lại luôn chứng tỏ những phẩm chất quý báu: lòng yêu nước, tình đoàn kết, sự nhẫn nại, trung kiên và ý chí cách mạng rực lửa. Cửa Lò, trong thời chiến cũng như thời bình, luôn chứng tỏ được năng lực và trách nhiệm của một mảnh đất phải đứng nơi đầu sóng ngọn gió, có những đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh vì độc lập và vì sự phát triển của cả nước nói chung và địa phương nói riêng. Trong lịch sử trung đại Việt Nam, vùng Nghi Lộc - Cửa Lò cùng với nhân dân cả nước đã chứng kiến những tấm gương kiên dũng, oanh liệt của những Cương quốc công Nguyễn Xí, Thiếu uý nhập nội tướng quân Nguyễn Sư Hồi, Đô đốc Phùng Phúc Kiều… Trong lịch sử hiện đại Việt nam, trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, lần lượt là thực dân Pháp, phát xít Nhật đế quốc Mĩ, Đảng bộ và nhân dân vùng Cửa Lò luôn luôn bắt kịp phong trào đấu tranh của toàn tỉnh, góp sức chung tay với cả nước viết nên những trang sử đẹp: từ phong trào Cần Vương, Văn thân với những tên tuổi Đinh Văn Phiên, Hoàng Phan Thái, Đinh Văn Chất, Cao Huy Tuấn, Ngô Quảng, Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Thức Tự; Duy Tân và Đông Du với Đặng Thái Thân, Trịnh Xuân Huy; lúc ra đời Hội Phục Việt, Hội Thanh Niên với Đặng Thái Thuyến, Trần Văn Cung, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Tâm... Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Cửa Lò là một trong những địa phương sớm có chi bộ Đảng và là nơi nhân dân tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh một cách tích cực, hiệu quả với những cuộc đấu tranh bạo động để những địa danh Cồn Mô - Cổ Bái, Thượng Thị - Chánh Vị… sẽ mãi đi vào lịch sử Cửa Lò với dấu ấn của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Cũng trong cuộc tập dượt cách mạng này, lịch sử Cửa Lò còn nhắc đến tên tuổi của những tấm gương trung kiên như Phạm Tước, Hoàng Văn Tâm… Có lẽ chính vì những điều này, cùng với những gì Cửa Lò đang có, mà PGS.TS. Đinh Trung Kiên, trong một bài nghiên cứu về Cửa Lò, đã mong muốn Cửa Lò “khơi dậy niềm tự hào về một vùng đất không chỉ kiên cường, gan góc, có truyền thống cách mạng với những danh nhân bất hủ được ghi nhớ, phụng thờ vừa còn là vùng đất giàu tiềm năng thực sự”.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Cửa Lò cùng với nhân dân miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Kháng chiến thắng lợi, Cửa Lò lại cùng Miền Bắc bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam.
Hoà bình lập lại, Cửa Lò tiếp tục khẳng định mình trong công cuộc kiến thiết đất nước, năm 1986 thành lập thị trấn và năm 1994 là thị xã Cửa Lò. Cửa Lò ngày nay đang phát triển khá đồng bộ về mọi mặt văn hoá - xã hội, An ninh - quốc phòng, y tế - giáo dục… phát huy những ưu thế của biển, của đất và người để trở thành khu đô thị du lịch biển trong thời kì mới.
Với những thành tựu đã đạt được, Cửa Lò đã có 9 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có một dơn vị được phong tặng Anh hùng lao động, 17 mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, tinh thần lao động sáng tạo và những cống hiến của Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò cho đất nước.
Cửa Lò, như ta biết sớm bộc lộ những phẩm chất của một trung tâm kinh tế du lịch cho nên, ngay từ xưa đã được chú ý khai thác. Từ xưa, Cửa Lò cùng với Cửa Hội có lúc đã là trung tâm giao thương, tấp nập tàu thuyền, kể cả của các thương nhân từ Hà Lan, Indonesia… Những năm đầu thế kỉ XX, người Pháp nhận thức được tiềm năng du lịch Cửa Lò, và phục vụ mục đích khai thác thuộc địa, đã xây dựng tuyến đường Vinh - Cửa Hội; đường Quán Bánh đi Cửa Lò. Mỗi ông chủ tư sản Pháp đều chiếm dụng một ít đất để xây dựng nhà nghỉ dưỡng; người Pháp còn xây dựng khách sạn (chỗ đất ngày nay thuộc Nghi Thuỷ, đảo Lan Châu). PGS.TS. Đinh Trung Kiên cho rằng “theo một số tài liệu như ghi chép, bút kí của những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ… để lại thì trong những năm đầu thế kỉ XX, thời trai trẻ họ đã đến Cửa Lò và được ở trong những nhà nghỉ và biệt thự ven biển… Cửa Lò cũng là khu du lịch được ông vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại cho đem giống hoa cúc biển về trồng”. Đánh giá về Cửa Lò trong những năm gần đây, cũng PGS.TS. Đinh Trung Kiên viết: “Cửa Lò noi riêng, Nghệ An nói chung sẽ là điểm đến đặc biệt quan trọng của Việt Nam”, “Cửa Lò không chỉ lấy lại vị thế xưa đã từng có, từng được kì vọng vào đầu thế kỉ XX mà còn phát triển nhanh, mạnh và bề thế trong những năm gần đây”. Tuy nhiên, sau khi thống nhất đất nước, bởi công cuộc xây dựng, kiến thiết bộn bề, những tiềm năng của Cửa Lò vốn đã được phát hiện cách nay trên dưới một thế kỉ vẫn chưa được khai thác một cách triệt để, do vậy, Cửa Lò vẫn là một người đẹp mê ngủ. Năm 1994, khi bắt đầu thành lập thị xã, Cửa Lò vẫn chỉ là một dãy phố tuềnh toàng bám theo một trục đường nhỏ dọc sát bờ biển. Tuy nhiên, sau 15 năm, Cửa Lò bất ngờ trỗi dậy. Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, sự kết hợp năng lượng của đất, biển và người, thị xã biển này đang từng giờ, từng phút trỗi lên từng mầm sống, hứa hẹn một tương lai giàu mạnh.