I
Văn bản chữ Hán sao chụp trong “Gia phả họ Trần Ân Phú”gồm:
Phần đầu 20 tờ, có:
1/ Bản chúc thư của ông Trần Khắc Nhượng người thôn Trại Đầu, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, làm Tri phủ Yên Bình (xứ Tuyên Quang) và vợ là bà Bùi Thị Nha lúc về già, chia ruộng đất cho các con, lập ngày 20, tháng Hai năm Thuận Bình thứ 8 (Bính thìn 1556). Thuận Bình là niên hiệu của Lê Trung tông; Trung tông chết ngày 24 tháng giêng (5-3-1556); lúc này Anh tông đã lên ngôi, nhưng vẫn dùng niên hiệu vua trước đến hết năm ấy, mới đổi là Thiên hựu năm đầu (Trang B tờ 1 đến trang A tờ 5).
2/ “Lược tông dẫn” chép tóm tắt danh hiệu một số vị Tổ, họ nội, họ ngoại, ruộng đất tổ nghiệp và phần mộ mấy vị tổ họ Sử, họ Trần (trang B tờ 5 đến trang A tờ 11).
3/ Hai bản “Gia phả sơ lược họ Trần”, đều đề “thôn Bồng Phúc, xã Ân Phú, tổng Dị ốc, huyện Hương Sơn, phủ Đức Thọ, và liệt kê từ vị “Cao cao cao cao cao tổ Lệnh sử lang Trần tướng công tự Công Cái”, nhưng không đề năm biên soạn – Nội dung hai bản gần giống nhau. Sau mỗi bản đều chép bài “Văn tế tổ” (trang B tờ 11 đến trang B tờ 19). Tờ 20 chỉ có trang A, chép ngày kỵ và mộ táng của một số người quá cố.
Tất cả 20 tờ trên cùng một nét chữ của một người không ghi tên, nhưng ở cuối trang B tờ 19 có dòng chữ “Nhâm thìn niên, bát nguyệt thập ngũ nhật thừa sao”. Vậy phần đầu này là bản sao vào năm Nhâm thìn mà tôi tạm xác định là năm Thành thái thứ 4 (1892).
Phần thứ hai có:
1/ Bản Gia phả họ Trần thôn Bồng Phúc, xã Trại Đầu, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang do sắc mục trùm lão Trần Xuân Huyên soạn (?), không đề năm tháng, ghi từ “Nội tổ cao cao tổ Trần thứ lang” trở xuống, và ở cuối có bài “Văn tế tổ”; Bản này chữ xấu và chép sơ sài (có 3 tờ, từ 1A đến 3B).
2/ Bản Gia phả họ Trần đề “Tự đức nhị thập nhị niên bát nguyệt thập lục nhật” (ngày 16 tháng 8, năm Tự đức thứ 22, tức năm kỷ tỵ, 1869); chép từ “Cao cao cao cao cao tổ... Trần Công Cái” (có 3 trang từ trang A tờ 1 đến trang A tờ 2).
3/ Bản Gia phả họ Trần thôn Bồng Phúc, xã Trại Đầu, tổng Dị ốc, huyện Hương Sơn, phủ Đức Thọ, đề “Tự đức thập nhất niên bát nguyệt thập lục nhật” (ngày 16 tháng Tám, năm Tự Đức thứ 11, tức năm Mậu ngọ, 1858) chép từ “Hiển tổ khảo, hiệu sinh Trần tiên sinh, tự Xuân Hoà”, ở cuối cũng có bài “Văn tế tổ” (có 2 tờ, từ trang A tờ 1 đến trang B tờ 2). Các bản Gia phả ở phần thứ hai này có thể là cơ sở để có hai bản gia phả sao lại ở phần đầu.
II
Tôi dựa vào đoạn “Lược tông dẫn” ở phần đầu mà tôi cho là quan trọng nhất, tham khảo các bản Gia phả phần đầu và phần thứ hai để bổ sung những chỗ thiếu và hiệu đính một số chữ sai sót để dẫn lại phả hê hai họ Trần, Sử dưới đây.
Về phả hệ họ Trần
1/ Mở đầu, bản “Lược tông dẫn” chép vị sơ tổ là “Cận thị thư tả cục Chánh chưởng phụng ngự thượng phẩm An túc hầu” (Có chỗ chép: “Ngự tiền tạo tử Chánh chưởng phụng An túc hầu thống chế đại liêu ban, có chỗ lại chép “Thị vệ thự tả cục Trần công Nghĩa, thê Trần ả Ngọc...” – có lẽ cũng là một người (?). Ngoài vị trên, còn có một số vị là “Trần Công Dẫn. Tử phục hầu, (sinh) Hiến túc hầu Trần Công Lạng...”. Lại có vị là “Cự hoàng hậu Trần Thị Ngọc Xuyến”, một bà vợ là “á quận chúa Trần ả Ngọc Hựu”, “Trần ả Tín khâm công chúa” (tờ 5B và tờ 6). Đời Trần, người hoàng tộc thường được phong tước “Vương”, tước “Hầu”, các Hoàng hậu đều người trong họ, có ba người họ Lê, hai hoàng phi, là cô ruột, và một hoàng hậu là con gái Lê (Hồ) Quý Ly. Do đó, có thể nghĩ chi họ Trần này thuộc hoàng tộc Trần.
2/ Mục “Nội ngoại tổ tông hệ đồ diễn” (Tờ 7 và 8), về họ Trần, chép vị hiệu:
- Cao cao tổ Viên ngoại thị (?) lang Gia nghị đại phu.
- Cao tổ tiền triều Quang lộc đại phu.
- Tằng tằng (Đúng ra phải viết “Cao”) tổ tiền triều thí trúng Trạng nguyên phụ vi Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiền Thái tử tri tân khách, tri kinh diên, đại kỷ trượng nhập triều, tứ Kim ngư đại, Thượng nghị quân. (Vị này còn có hai đạo sắc phong thần đề năm Khải định thứ 2 và thứ 9 hiện lưu ở chùa Am, Đức Hoà mà trước đây, tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu lầm là của Sử Hy Nhan. Tôi đã đưa bản sao chụp đạo sắc năm Khải định thứ 2 vào sách “Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh” (Hội VHNT HT, 2004) và chú thích là “Sắc phong thần của Trạng nguyên Trần (Sử) Hy Nhan”).
- Cao tổ tiền triều thí trúng Trạng nguyên tử, Gia phúc đại phu, Nghệ An phủ phán quan Thượng nghị quân.
- Tằng tổ vi Thượng xá ấm phong Vinh hiển đại phu, sinh...
- Tổ thúc tiền triều thí trúng tiến sĩ, vi Hàn lâm cố nghiêm (?) hiệu quan.
- Tằng tổ thúc tiền triều thí trúng Tiến sĩ điều (?) quan Trung trinh đại phu.
Tiếp đó có đoạn, dịch: “Còn như bác, chú, anh em họ làm Chỉ huy, Hiệu uý, Tri phủ, Tri huyện, Huyện thừa thì không kể hết”.
Như vậy, họ Trần cũng có hai vị đỗ Trạng nguyên và hai vị đỗ Tiến sĩ.
“Văn tế của xã Ân Phú” cũng chép vị hiệu:
- Trần Trạng nguyên Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập nội hành khiển, tri tân khách, tri kinh diên, Đại học sĩ Thượng nghị quân.
- Tiền Trần Trạng nguyên Gia phúc đại phu Nghệ An phủ phán quan Thượng nghị quân Trần tướng công.
- Tiền Trần Tiến sĩ Trung trinh đại phu Trần tướng công.
- Tiền Trần Tiến sĩ Hàn lâm cô tán (?) hiệu quan Trần tướng công.
(Sách “Trạng nguyên Bảng nhãn, Thám hoa của các triều đại phong kiến Việt Nam” (XB VHDT, H.2002) chép hai Trạng nguyên họ Trần là Trần Quốc Lặc đỗ Kinh trạng nguyên khoa Bính thìn, 1256, và Trần Cố, đỗ Kinh trạng nguyên khoa Bính dần, 1266. Nhưng hai ông đều là người Hải Dương và chức tước cũng khác hai ông họ Trần trên đây).
ở tờ 7 còn chép:
- Nội tổ, ông Trần Hoằng Uyên, tổ bà Sử Thị Thuật, sinh Trần Khắc Nhượng làm Tri phủ phủ Yên Bình. Ông Nhượng lấy vợ là Bùi Thị Nha sinh Xá nhân nội Trần Tông, vợ Sử Thị Báu (Bảo), Đề lĩnh tứ thành Trần Trí Trạch, Trần Thu Bộ, Trần Thị Gia, Trần Thị Ban, Trần Thị Ba. Ngoài vợ ông Hoằng Uyên, tức mẹ ông Khắc Nhượng, và vợ Trần Tông, con dâu ông Nhượng, đều người họ Sử, ở trang 6A còn chép vợ Huy túc công (?) họ Trần là Sử ả Ngọc Liêm. Tất cả ba người họ Trần lấy vợ người họ Sử. Như vậy, họ Trần là họ nội (Nội tộc), họ Sử là họ ngoại (Ngoại tộc).
Về phả hệ họ Sử
Bản “Phả hệ sơ lược họ Sử” thôn Ngọc Sơn xã Bình Lãng Thượng (nay thuộc xã Đức Thuận, Thị xã Hồng Lĩnh) do ông Sử Văn Liên cung cấp và ông Sử Văn Trân ghi lại như sau:
- Tiền triều Thượng phẩm trí thủ (?) Trần (?) công huý Tung.
- Trần triều Trạng nguyên Sử Hy Nhan – Bà: Hồ thị.
- Lê triều Thượng thư Sử công huý Đức Huy – Bà: Hồ thị.
- Lê triều Chỉ huy sứ chức Giám sát lực sĩ Sử tướng công – Bà: Bùi thị.
- ấm sinh tự Thái Bột tiên sinh.
- ấm sinh nhị lang tự Thư Nhàn tiên sinh.
- Tiên tổ thúc tiền sư dưỡng tử huý Tiết lang trung (?) quan chí Bí thư trung Sử phủ quân.
- Cao tổ khảo tiền hương trung thọ lão Sử quý công tự Bá Khoan phủ quân – Tỷ Nguyễn Thị, hiệu Từ Thành.
- Cao tổ cô tiền Sử thị hàng nhất hiệu Từ Thuận chân linh...
Bản “Gia phả họ Trần” xã Trại Đầu - Ân Phú chép nhiều chỗ:
1/ Bản “Lược tông dẫn” chép:
- Ngoại tổ Cao cao tổ Sử tộc Thượng phẩm trí thủ Sử Tung.
- Trạng nguyên phụ Sử Hy Nhan, sinh...
- Trạng nguyên tử Tằng tổ Sử Đức Huy, thủ Thẩm hình Đái quan hầu, Bùi Thị Thai sinh Sử Thái Sách, Sử Công Chính. (ở đây, sau chữ hầu còn sót chữ “thê” chăng?).
2/ Mục “Nội ngoại tổ tông Sử thị huý hệ” chép:
- Cao tổ huý Hy Nhan, tiền triều Trần Duệ tông thí trúng Trạng nguyên, quan chí Ngân thanh Kim Quang lộc đại phu, Nhập nội thừa chỉ (chép sót chữ “nội”).
- Tằng tổ huý Đức Huy bản triều Thái tổ Cao hoàng đế thời hữu công vãng Bắc sứ nhị tao, trọng thưởng Thẩm hình viện Thái sử Gián nghị đại phu (Đức Huy chép nhầm ra Đức Hy).
- Tổ thúc huý Tiết việt trúng (?) quan chí Bí thư trung giám lịnh.
Và chép tiếp về họ ngoại của họ Sử dưới mục “Ngoại tổ Hồ thị phổ hệ đồ diễn”.
- Cao cao tổ huý Đốn Trần Dụ tông thí trúng Trạng nguyên, quan chí Nhập nội Đại hành khiển, Tả nạp ngôn, tước Quan phục hầu (ở đây chữ ‘Đốn” chép nhầm thành chữ “Lại”).
- Cao tổ huý Thành, Đốn chi tử, Trần Nghệ tông thí trúng Trạng nguyên, quan chí Nhập nội thừa chỉ, kiêm Hữu phán quan tước Quan nội hầu.
- Cao tổ huý Tất Phục bản... Thái tổ chí tương nhập thượng thượng phẩm á bằng thủ (?), tước phục hầu (ở đây, sau chữ “bản” phải là chữ “triều” trước chữ “chí” chép sót chữ “quan”, sau chữ “tước” chép sót chữ “Quan”).
- Tằng tổ huý Hữu Luân, Thái tổ Cao hoàng đế thời hữu công (?) đồ khởi nghĩa đại công lao, quan chí Ngân thanh tuyên lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư sảnh tự Thiêm tri hải đạo, tri quân dân hộ tịch Thanh Hoa, Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hoá đẳng xứ, tước Minh tự đại liêu ban.
(Hai vị Hồ Đốn, Hồ Thành, con và cháu Hồ Tông Thốc, cả cha, con, cháu ba đời đỗ Trạng nguyên. Còn hai ông Tất Phục, Hữu Luân trong phả hệ họ Hồ Quỳnh Lưu không thấy chép).
Tiếp đó, (dịch): Còn như chú bác anh em họ làm quan phủ, quan huyện, Tuần ty các nha môn thì không ghi hết.
Sau các đoạn trên, tư liệu chép tiếp một số ruộng đất của họ Trần, họ Sử ở vùng Ân Phú và nơi đặt mộ Tổ:
- Trạng nguyên phụ Sử Hy Nhan mộ táng ở xứ Man Đò (rộng) 2 sào 8 thước.
- Trạng nguyên tử Sử Đức Huy mộ ở ruộng mạ xứ Sẻ Sẻ(ở dưới chép: Sử Đức Huy quan tước là “Thẩm hình Đái quan hầu, mộ táng ở xứ Trạng Trạng).
- Mộ quan Chánh Chưởng táng ở ruộng mạ (Đây là vị sơ tổ họ Trần. Các vị tổ khác không thấy chép).
Ngoài ra còn có vài “tài liệu khác” chép về các vị họ Sử:
1/ Một đạo sắc phong thần chung cho nhiều vị thần được thờ ở xã Ân Phú đề ngày 11 tháng 8 năm Duy tân thứ 3 (24-9-1909) hiện lưu ở chùa Am xã Đức Hoà trong đó có vị hiệu của Trạng nguyên Sử Hy Nhan là: “Đoan túc dực bảo trung hưng, Kim Quy sơn tiền triều Trạng nguyên Sử phủ quân chi thần”.
- Một tờ giấy chép tay cũng lưu ở chùa Am chép về Sử Đức Huy: “Nguyên thị Trần, Thái tổ thời hộ tòng ứng nghĩa đại hữu huân lao, sĩ chí Tuyên lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư, một hậu hiển linh vu dân xã địa phận lập miếu phụng tự. Lê triều cụ hữu sắc phong nhất đạo” (Nguyên là họ Trần, thời Lê Thái tổ, theo ứng nghĩa có công lao lớn, làm quan đến Tuyên lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư, sau khi mất, hiển linh ở địa phận này dân xã lập miếu thờ phụng. Đời Lê có một đạo sắc phong). Theo tôi thì tờ giấy trên là từ ngôi đền thờ Sử Đức Huy ở trên Tượng Sơn (Tàng cao, tức Huệ ốc, nay thuộc xã Đức Hoà) chuyển xuống chùa Am khi hợp tự cùng như các đạo sắc thần của Ân Phú. Không thấy có sắc phong thần như trong văn bản ghi.
2/ Trong “Văn tế của xã Ân Phú” chỉ có vị hiệu của Sử Hy Nhan: “Kim Quy Sơn tiền Trần Trạng nguyên Quang lộc đại phu Sử tướng công phong vi Đoan túc dực bảo trung hưng linh phù tôn thần”. Không có vị hiệu của Sử Đức Huy.
Riêng ở nhà thờ họ Trần Ân Phú thì thờ cả hai vị Trạng nguyên họ Sử (là tổ bên ngoại) cùng hai vị Trạng nguyên và hai vị Tiến sĩ họ Trần (là tổ bên nội). Song hiện nay con cháu vẫn cho rằng hai ông Trạng họ Sử cũng là Tổ bên nội, và họ Trần và họ Sử là một họ.
Biểu đồ ba dòng họ Trần - Sử – Hồ
|
Họ Trần
Ân Phú
|
Họ Sử
Bình Lãng
|
Họ Hồ
Thổ Thành
|
1
|
Trạng nguyên (phụ)
(nhập nội hành khiển)
|
<---- Sử Tung <---->
|
Trạng nguyên
Hồ Tông Đốn
|
2
|
Trạng nguyên (tử)
Gia phúc đại phu
|
Trạng nguyên
<---- Sử Hy Nhan ---->
|
Trạng nguyên
Hồ Tông Thành
|
3
|
X
|
Trạng nguyên<---- Sử Đức Huy ---->
|
Tiến sĩ
Hồ Doãn Văn
|
4
|
Trần Hoằng Uyên
Bà Sử Thị Thuật
|
<--Sử Bá Khoan (?)--->
|
Hoàng giáp
Hồ Bỉnh Quốc
|
5
|
Tri phủ
Trần Khắc Nhượng
|
<---- X ---->
|
Thủ khoa sĩ vọng
Hồ Bỉnh Quân
|
III
Căn cứ vào các tư liệu mới phát hiện ở xã Ân Phú (Gia phả họ Trần, Văn tế của xã) thì:
1 – Họ Trần và họ Sử không phải là một như lâu nay vẫn hiểu, mà là hai dòng họ khác nhau. Nhiều người họ Trần lấy vợ họ Sử, vậy họ Trần là họ nội (Nội tộc), họ Sử là họ ngoại (Ngoại tộc), và họ ngoại của họ Sử lại là họ Hồ.
Ông Tri phủ Trần Khắc Nhượng sống vào thế kỷ XVI gọi Trạng nguyên Sử Hy Nhan bằng “ngoại cao tổ” (can ngoại). Sử Hy Nhan là lớp bày vai với Trạng nguyên (con) họ Trần – Gia phúc đại phu, Phán quan phủ Nghệ An, và Trạng nguyên Hồ Thành.
2 – Họ Trần có thể là một chi Hoàng tộc Trần, thời Trần và Lê sơ là dòng họ quý hiển, không rõ vào Ân Phú từ bao giờ, và vì sao lại vào đây. Chỉ biết từ đời Trần, đã có quan hệ thông gia với họ Sử, đời Lê lại có người lấy vợ họ Sử. Gia phả chép các vị sơ tổ họ Sử là ngoại cao cao tổ, ngoại cao tổ, ngoại tằng tổ.
3 – Họ Sử Ngọc Sơn, Bình Lãng Thượng, không phải “gốc họ Trần, do Trạng nguyên Sử Hy Nhan giỏi sử nên được vua Trần ban họ Sử” như lâu nay các sách vẫn chép. Theo gia phả họ Trần thì vị sơ tổ họ Sử là Sử Tung (chứ không phải Trần Tung như ghi chép của các ông Sử Văn Liên, Sử Văn Trân gần đây). Sử Hy Nhan và con cháu ông, đến di duệ của ông hiện nay vẫn mang họ Sử. Nếu là họ được vua ban thì chỉ được một đời, sau đó phải đổi lại họ cũ như quy định đời Lê Thánh tông.
Họ Sử là một dòng họ Việt Nam ít thấy, và chi họ Sử Ngọc Sơn không rõ từ đâu đến đây. Họ này cũng là dòng họ quý hiển, thời Trần và Lê sơ có quan hệ thông gia với họ Trần, họ Hồ là những họ lớn.
Cũng theo Gia phả họ Trần thì chức tước của các Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy cũng khác với chức vụ trước đây đã ghi chép. Về nơi đặt phần mộ của hai ông cũng được chép cụ thể hơn.
Riêng việc hai ông Trạng Sử lên vùng Trại Đầu - Ân Phú, cùng ở với người họ Trần, có phải để tránh giặc Minh và để khai hoang hay không thì không thấy chép trong gia phả họ Trần.
Qua bài viết này, bước đầu tôi xin giới thiệu mối quan hệ giữa họ Trần với họ Sử (và giữa họ Sử với họ Hồ) qua một tư liệu đáng tin cậy mới phát hiện được. Tôi thấy cần được tiếp tục tìm hiểu thêm, nhất là thêm nhiều cứ liệu mới, để có thể hiểu thật rõ về các dòng họ này.