Văn hoá học đường

Triết lý giáo dục của lòng yêu thương

Trong giới giáo dục học thời Liên Xô, luận bàn về chủ đề Lev Tolstoi và giáo dục, người ta đồng thanh ngạc nhiên và ca ngợi việc thực nghiệm một phương pháp sư phạm mới lạ và không khí học tập thoải mái mà sáng tạo, có hiệu quả ở ngôi trường đại văn hào sáng lập và trực tiếp dạy dỗ cho trẻ em nông dân trong khuôn viên điền trang Yasnaia Poliana của gia tộc tại tỉnh Tula, xứ sở của những ấm trà Xamovar nổi tiếng.

Mặt khác, xuất phát từ những bài báo lừng danh của Lênin về cái gọi là “thuyết Tolstoi” - tolstovstvo, “tà thuyết tolstoi” - “tolstovshina” (tiếp vĩ từ -shina trong tiếng Nga cấu tạo các từ miệt thị như:matiorshina: tệ văng tục, ugolovshina: nạn đầu trộm đuôi cướp…), bị ràng buộc bởi ý thức hệ, người ta cũng đồng thanh phê phán các tư tưởng của đại văn hào Tolstoi là “phản khoa học”,“phản động”, thậm chí là“ngu dân tinh vi”, tách biệt Tolstoi-nhà tư tưởng  với Tolstoi-nhà sư phạm, dường như đó là hai con người, nhưng rồi … đều kết luận bằng cái điệp khúc thừa nhận ảnh hưởng to lớn của ông đến nền giáo dục đương thời và sau đó. Thực vậy:

-         Từ năm 1911, tức chỉ 3 năm sau bài Lev Tolstoi, tấm gương phản chiếu cách mạng Nga, bà  Krupskaia, vợ Lênin, đã ghi nhận: “Các bài viết của Tolstoi về giáo dục học là một kho báu vô tận cho sự suy tư và niềm khoái cảm tinh thần …Không còn nghi ngờ gì nữa, ông đã in một dấu ấn không phai mờ lên tư duy giáo dục nước Nga”[1].

-         Ngót nửa thế kỷ sau, năm 1953, trong bài tổng quan viết cho Tuyển tập giáo dục học của Tolstoi GS V.Veikshan, cũng như hấu hết bài viết về chủ đề này, vẫn dẫn lại những lời vàng ngọc ấy, rồi kết luận: “phải” (priđiôtxa =đành/buộc phải, nghĩa là muốn phủ nhận cũng không được! - VTK nhấn) thừa nhận vai trò to lớn của Tolstoi trong việc phát triển giáo dục học chẳng những ở Nga, mà còn trên toàn thế giới[2](VTK nhấn).

Đến nay, thêm nửa thế kỷ nữa đã qua, điệp khúc đó vẫn còn lặp lại.

Ảnh hưởng trên toàn thế giới” - nhận xét đó không phải là sự ngoa ngôn và tự vỗ ngực của người Nga mà là một sự thực rõ ràng.Trên toàn thế giới cả Tây lẫn Đông người ta sôi nổi thảo luận về “thuyết không phản kháng cái ác bằng bạo lực”, về tư tưởng “giáo dục nhân ái”(gumannaia pedagogika), cũng gọi là “giáo dục của lòng yêu thương” (pedagogika liubvi) của Tolstoi, coi ông là người phát triển thuyết giáo dục tự nhiên của Jean- Jacques Rousseau, là người đi trước cả Thánh Mahatma Gandhi với triết lý “bất bạo động” của ông[3], cả nhà giáo dục học nổi tiếng John Dewey (mà sách Dân chủ và giáo dục vừa mới được Phạm Anh Tuấn dịch sang tiếng Việt và nxb Tri thức in năm 2008), người được coi là cha đẻ của triết lý giáo dục tự do hiện đại. Chẳng những thế, ở một số nước có truyền thống về cách tân giáo dục như Thụy Sĩ, Đức… người ta đã tổ chức những “trường Tolstoi”, theo mô hình ngôi trường Yasnaia Poliana; ở Mỹ và Nhật Bản có các “đại học Tolstoi[4].

Trong khi đó, những tư tưởng giáo dục được nước ngoài đánh giá là cách tân, đi trước thời đại, lại bị ý thức hệ giáo điều kìm hãm suốt thời gian dài tại chính quê hương của chúng. Thử lướt qua vài danh mục liệt kê các ấn phẩm liên quan chủ đề này trong từng thời kỳ lịch sử của nước Nga xuyên suốt thế kỷ XX đầy bão táp vừa qua, để thấy được rằng sự giải tỏa chỉ đến cùng việc từ bỏ độc tôn một ý thức hệ lên thành “thiên kinh địa nghĩa”.

-         Trong 36 năm từ 1917 đến 1953 ở Liên Xô, theo liệt kê của GS Veikshan, chuyên gia trong lĩnh vực này, chỉ xuất bản có 36 bài viết, tức trung bình mỗi năm 01 bài, về quan điểm giáo dục của Tolstoi, và trong số đó thì đến 6 sách chỉ là tiểu sử nhà văn, 6 quyển nữa là sách giáo khoa chung về giáo dục học với số ít trang dành cho nhà sư phạm Tolstoi, còn lại toàn là những bài báo mươi - mười lăm trang trên các tạp chí của riêng ngành giáo dục, như Sovietskaia pedagogika, Prosveshenie, Natshalnaia shkola…. Không một luận án, không một chuyên khảo nào!

-         Từ sau khi Stalin từ trần (1953), đến khi Liên Xô sụp đổ (1991), đặc biệt sau đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô (1956), bầu không khí xã hội dễ thở hơn, thoáng hơn, việc nghiên cứu sự nghiệp giáo dục của Tolstoi bắt đầu được chú ý hơn, nhưng trong 38 năm ấy cũng chỉ có 50 bài viết về chủ đề này. Tuy nhiên, có một bước tiến còn dụt dè: 03 trong con số 50 đó là luận án phó tiến sĩ - những chuyên khảo đầu tiên về các tư tưởng triết học của Tolstoi liên quan hệ thống tư tưởng giáo dục của nhà văn[5].

-         Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, việc nghiên cứu các quan điểm giáo dục của Lev Tolstoi mới như tức nước vỡ bờ: từ 1992 đến 2002 (chúng tôi chưa có tài liệu từ đó đến nay), trong mười năm đã có 112 công trình, trong đó

13 luận án phó tiến sĩ, 4 luận án tiến sĩ [6]. Xét theo đề tài luận án thì các tác giả nghiên cứu đều đi sâu vào những vấn đề cơ sở phương pháp luận làm nền tảng cho tư tưởng giáo dục của Tolstoi, như: Những cơ sở tinh thần - đạo đức về phát triển nhân cách trong tư tưởng giáo dục của Tolstoi; Những cơ sở triết lý - phương pháp luận trong tư tưởng giáo dục của Tolstoi

Điều quan trọnghơn là từ đây người Nga không chỉ nghiên cứu các tư tưởng mà đã bắt đầu thực thi thí điểm mô hình nhà trường giáo dục nhân ái (cũng gọi làgiáo dục không áp chế - pedagogika nenasilia[7]) của Tolstoi. Ngay từ năm 1990, “Trường Tolstoi” đã được lập lại tại tỉnh Tula, nơi hiện nay có Bảo tàng-điền trang Yasnaia Poliana, hoạt động như một cơ sở nghiên cứu và từ 1998 nó trở thành phòng nghiên cứu thực nghiệm của Bộ Giáo dục Liên bang Nga. Năm 1996 tại Đại học Sư phạm quốc gia Tula mang tên Tolstoi đã thành lập một bộ môn mới - Bộ môn di sản tinh thần của Tolstoi, chuyên nghiên cứu và phổ biến các tư tưởng xã hội và giáo dục của đại văn hào Nga, tất cả đều chung một cơ sở triết lý giáo dục của Tolstoi .

1. Học thuyết tôn giáo - đạo đức của Tolstoi

Triết lý giáo dục của Tolstoi đương nhiên xuất phát từ học thuyết tôn giáo - đạo đức của ông, tức cái hệ tư tưởng từng bị gán danh xưng là “tolstovstvo”, “tolstovshina”. Ở Nga, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc “xét lại” toàn diện hệ tư tưởng này từ mọi bình diện: bối cảnh lịch sử - xã hội, cội nguồn triết lý - tôn giáo, truyền thống đạo lý - giáo dục, diễn biến cuộc đời dài lâu của Tolstôi, sung túc và êm đềm về ngoại cảnh, mà khổ sở, sóng gió về nội tâm đến mức đã có lúc ông định kết liễu cuộc đời ở cái tuổi tri thiên mệnh của mình[8].  Ở đây chúng tôi chỉ đề cập một số khía cạnh liên quan triết lý giáo dục của nhà văn. 

Hai luận đề tư tưởng khiến Tolstoi đương thời bị phê phán gay gắt nhất cả từ phía tả lẫn phía hữu, rằng ông là “phản cách mạng”, “phản động theo nghĩa chính xác và sâu sắcnhất của từ đó”, là “một địa chủ Cơ-đốc giáo cuồng tín”, “tên Giuda bị nguyền rủa”, “với một linh hồn thối nát” v.v… Hai luận đề đó là: 1) không phản kháng cái ác bằng bạo lực và 2) những tínđiều cốt tử của Kito giáo(về chúa Người-Thần 3 ngôi, đã chết rồi lại giáng sinh cứu thế) đều là mê tín và có hại, nên phải kiến tạo một Kito giáo mới, thanh lọc khỏi mọi sự thần bí và mê tín.

Tuy nhiên, nhận định những luận đề tư tưởng trên đây của Tolstoi là “sai lầm” thì mới chỉ dừng lại ở cấp độ, theo thuật ngữ của chính Tolstoi, “nhân sinh quan xã hội”, tức cách nhìn nhận cuộc sống của một “hợp quần” nhất định; còn nói theo ngôn ngữ ngày nay là từ quan điểm chính trị - xã hội học. Những nhận định như vậy có thể là cần thiết trong bối cảnh lịch sử đương thời, nhưng không tránh khỏi phiến diện và nông cạn do xuất phát điểm thực dụng, vị kỷ, từ quan điểm của giai cấp nhất định. Tolstoi đã phát biểu những luận đề trên ở một cấp độ khái quát hơn - cấp độ tôn giáo - đạo đức học, hoặc, cũng vẫn theo thuật ngữ Tolstoi dùng trong tác phẩm nghị luận Vương quốc của Thiên chúa ở trong ta - là ở cấp độ “nhân sinh quan toàn cầu luận, hay là Thượng Đế luận”[9]. Tolstoi viết: “Con người mang nhân sinh quan Thượng Đế luận đã nhận thức cuộc sống không ở trong cá thể của mình mà cũng không ở trong hợp quần của các cá thể (trong gia đình, gia tộc, dân tộc, tổ quốc hay quốc gia) mà ở trong nguồn cội của sự sống vĩnh hằng, bất tử - trong Thượng Đế…”. Nguồn cội của cuộc sống vĩnh hằng là tình yêu, lòng yêu thương, mà theo Tolstoi, hiện thân là Thiên chúa. Như vậy, “vương quốc của Thiên chúa ở trong ta” có nghĩa là trong mỗi con người đều gieo sẵn hạt nhân yêu thương, một sự hài hòa hoàn hảo Chân-Thiện-Mỹ, cái ở phương Đông gọi là “Thiệntâm” như bản tính con người (“nhân chi sơ tính bản thiện”). Không ngẫu nhiên trong khi đi tìm con đường thực thi “Thượng Đế luận” của mình, Tolstoi đã đến với cả các hiền triết phương Đông như Lão Tử và Khổng Tử. Ông ưa nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thánh hiền đạo Nho: điều mình không muốn thì đừng làm với người (“kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”) và thấy nó gần gũi với câu nói của Kito: “Hãy đối xử với người như ta muốn được người đối xử với ta”. Vậy thì “Thiên chúa ở trong ta” có khác bao xa với “tính bản Thiện” của Khổng Tử, hay gần với chúng ta hơn - “Phật tại Tâm” của Trúc Lâm tam tổ? Nếu quy kết luận đề thứ nhất là “Cơ đốc giáo cuồng tín”, “phản động” thì hai luận đề sau phải quy kết thế nào?

Thực tếcuộc sống trong một thế kỷ qua sau khi đại văn hào Lolstoi từ trần, đã diễn ra hoàn toàn ngược với học thuyết lí tưởng nhân văn của hiền triết Tolstoi. Chiến tranh và bạo lực liên miên, kể cả ở đất nước giành được độc lập nhờ thuyết “bất bạo động” thì cha đẻ của nó là Thánh Gandhi cũng đã phải chết vì một hành vi bạo lực - bị ám sát. Và hiện thời ngay quanh ta bạo lực vẫn đang hoành hành. Nhưng tất cả thực tế đó không bác bỏ được tolstovstvo, nói chính xác hơn là cái minh triết - triết lý nhân sinh nhân đạo chủ nghĩa của Tolstoi-nhà tư tưởng mà ngược lại, đang từng bước khẳng định nó. Trong xu thế toàn nhân loại, sau khi đã trả giá đắt, đang chuyển từ thế kỷ đối đầu và bạo lực sang kỷ nguyên đối thoại và hòa bình, người ta cũng đang nhận thức lại giá trị vĩnh hằng của những học thuyết nhân bản, đưa luận đề không phản kháng cái ác bằng bạo lực lên tầm văn hóa xử thế - văn hóa không bạo lực (kultura nenasilia). Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố mười năm từ 2001 đến 2010, là năm kỷ niệm tròn 100 năm mất của Lev Tolstoi, làm “Thập kỷ hòa bình và không bạo lực vì lợi ích của trẻ em toàn hành tinh”. Tiếp theo, năm 2007 lại lấy ngày sinh của Mahatma Gandhi 2 - 10 làm “Ngày Thế giới Không bạo lực”.

Kết luận tất yếu Tolstoi rút ra từ Thượng Đế luận, cũng tức học thuyết tôn giáo - đạo đức “Thiên chúa ở trong ta” của ông, mà bản thể là lòng yêu thương bẩm sinh ở trong mỗi con người, đó là: không kháng cự cái ác bằng bạo lực, bởi bạo lực về bản chất đối lập với nhân ái, nên chỉ có thể thủ tiêu mầm yêu thương bẩm sinh trong cả những tội đồ độc ác nhất, chứ không thể diệt trừ bản thân cái ác. Cần ghi nhận rằng: Tolstoi không hề khoanh tay ngồi nhìn cái ác hoành hành. Từ khi đề xuất thuyết không kháng cự cái ác bằng bạo lực, ông vẫn luôn luôn dũng cảm lên tiếng chống cái ác ở khắp mọi nơi, bất kể nó diễn ra ở trong hay ngoài nước Nga. Ông chỉ phản đối dùng bạo lực chống lại bạo lực, vì nó chỉ đẻ ra sự hằn thù, mà sự hằn thù lại sẽ kéo theo bạo lực đáp trả. Mahatma Gandhi có đầy đủ căn cứ thực tế để phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1828 - 1928) của Tolstoi: “Điều tôi khâm phục nhất ở Tolstoi là ông luôn luôn củng cố tín điều mình rao giảng bằng những việc làm và đã gánh chịu mọi hy sinh vì chân lý”. Tolstoi kêu gọi đấu tranh chống cái ác bằng bất hợp tác với nó, không tuân phục nó: không đóng thuế, không đăng lính, không làm thuê cho địa chủ bức bách nông dân… Trong nhiều thư từ gửi nhân dân lao động, các chính khách, các nhà cách mạng và chính phủ, ông kiên trì chủ trương lấy Thiện đáp trả Ác, bởi theo ông chỉ như vậy mới diệt trừ được tận gốc cái ác. Lại có thể dễ dàng nhận thấy Tolstoi đồng thanh tương ứng với các Nho gia, mà Nhà văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã đại diện phát biểu: “lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn”!

2. Triết lý giáo dục của Tolstoi

Theo Tolstoi cách tận diệt cái ác và bạo lực trên thế gian là khơi dậy hạt nhân yêu thương bẩm sinh trong mỗi con người bằng sự kiên trì giáo dục: “Gíáo dục là con đường tuy dài lâu nhưng chắc chắn nhất”.

Lev Tolstoi thực sự bắt đầu sự nghiệp giáo dụcvào cuối thập kỷ 50 - đầu thập kỷ 60. Có lẽ tự nhận thấy mình chưa đủ hành trang cho cái nghề nếu làm hết lương tâm (mà Tolstoi thì không thể làm nửa vời) thì vô cùng phức tạp, khó khăn, ông đidu khảo giáo dục ở hàng loạt nước Tây Âu, tham quan các giờ dạy, gặp gỡ hỏi chuyện học sinh, phụ huynh và giáo viên. Kết quả khảo sát đủ các loại trường học ở những nước có truyền thống giáo dục được tiếng là tiên tiến như Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Đức khiến Tolstoi thất vọng sâu sắc. Trở về nước, trong bài báo dài nhan đề Về giáo dục quốc dân (1862), Tolstoi nhận xét sắc sảo rằng vẫn đứa trẻ bình dân đó thôi, nhưng khi ông gặp chúng ở nhà, ở ngoài phố thì “là đứa bé yêu đời, tò mò muốn biết mọi thứ, mắt long lanh, nụ cười nở trên môi, luôn luôn tìm tòi, học hỏi mọi thứ như một niềm vui, diễn đạt sáng sủa, thường là sinh động ý nghĩ của mình bằng lời nói của mình”, vậy mà khi ở trường “cũng đứa bé ấy: kiệt quệ, rúm ró, gương mặt luôn mệt mỏi và sợ sệt, chán nản, môi lắp bắp lặp lại lời người khác, một sinh vật mà tâm hồn đã chui sâu vào vỏ ốc”. Nguyên do là vì ở khắp nơi ông đều thấy nhà trường đã trở thành “thiết chế hành trẻ em”. “Nhà trường được thiết chế không phải để cho trẻ em thoải mái học tập mà là để cho thầy giáo được thuận tiện giảng dạy. Trẻ em rì rầm, ngọ nguậy, tươi cười - những điều kiện cần thiết để chúng học tập thoải mái - đều khiến ông thầy không được thuận tiện, thế là nhà trường được thiết chế như nhà tù: cấm hỏi, cấm nói chuyện, cấm ngọ nguậy”. Kết quả là nhà trường “thực chất là một sự làm méo mó trường kỳ các năng lực trí tuệ”, “đần độn hóa” trẻ em và nguy hại hơn, buộc chúng “quen dần với thói đạo đức giả, với tệ lừa dối - hệ quả của trạng thái phản tự nhiên mà học sinh bị đặt vào”. Mang ấn tượng nặng nề về kiểu giáo dục như một thiết chế bạo lực ghê tởm nhất là áp chế tinh thần, Tolstoi lúc này, trong bài báo mang tính luận chiến này, phủ định luôn mọi hình thức giáo dục mà ông định nghĩa là một số người được trao cho hoặc tự cho mình cái quyền giáo dục những người khác, áp đặt kiến thức và đạo lý được tuyên là đúng muôn đời, ở mọi nơi mọi chỗ, với mọi đối tượng. Bài luận chiến phủ định tuyệt đối mọi hình thức giáo dục đã gây nên phản ứng dữ dội của cả quan chức, giáo chức Nga hoàng lẫn các đại diện trí thức Nga tiên tiến đương thời như N.Tshernyshevski. Sau này, một năm rưỡi trước khi mất, trả lời câu hỏi của một nhà nghiên cứu trẻ, Tolstoi đã dũng cảm thừa nhận những ý kiến cực đoan trong bài luận chiến ngót nửa thế kỷ trước là “giả tạo”, nhưng tinh thần cốt lõi của nó, ông vẫn bảo lưu:

-         Năm 1862, trong bài luận chiến nói trên, ông tuyên bố: “Hãy ý thức rằng chuẩn mực (criterium)của giáo dục chỉ có một mà thôi - tự do (VTK nhấn mạnh). Chúng tôi đã chọn con đường này trong hoạt động sư phạm của mình”.   

-         Ngót nửa thế kỷ sau, trong bức thư từ bỏ quan điểm sai lầm đối lập giáo dục với đào tạo (theo định nghĩa của Tolstoi chỉ là sự chuyển giao, tự nhiên hay cố ý, học vấn và các kỹ năng sống) và phủ định tuyệt đối giáo dục, ông nhấn mạnh lại: “Cái ý tự do là điều kiện thiết yếu của mọi quy trình đào tạo chân chính đối với người học cũng như với người dạy thì tôi vẫn khẳng định như trước kia”[10](VTK nhấn).

Tolstoi không cố chấp. Chúng ta đã thấy ông công khai từ bỏ những quan điểm sư phạm sai lầm. Tolstoi kiên trì nguyên lý tự do trong giáo dục, cả trên lý thuyết lẫn trong thực hành, vì đó là tư tưởng căn bản, làm nền tảng cho hệ thống giáo dục Tolstoi - cái mà dăm bảy năm gần đây được mang một định danh thời thượng là triết lý giáo dục.

Chúng tôi đã có dịp phát biểu quan niệm của mình về thuật ngữ này. Theo thiển ý của chúng tôi, nó “biểu thị cái định hướng tư tưởng cơ bản trên thực tế chi phối toàn bộ quá trình giáo dục - đào tạo (mục tiêu, nội dung, phương pháp) trong một thời kỳ nhất định, bất luận nó có được phát biểu thành lời hay không[11]. Xin lưu ý những chỗ nhấn mạnh. Bởi lẽ ngay các quá trình nuôi dạy trong dân gian của một dân tộc, nếu đem mổ xẻ, cũng có triết lý giáo dục của nó, mặc dù không được phát biểu thành lời. Ngược lại, không hiếm trường hợp nguyên lý giáo dục được phát biểu thành lời, ghi trong văn bản, rất hay, rất đẹp, rất tiên tiến, nhưng trên thực tế chi phối toàn bộ quy trình đào tạo không phải là chúng, mà lại là cái tư tưởng giáo điều lạc hậu,với những thiết chế “áp chế tinh thần” Tolstoi từng kịch liệt phê phán. Phân tích để nhận diện triết lý giáo dục cũng không đơn giản. Gần đây đã có cái Viện tầm cỡ quốc gia nọ tiến hành cả một hội thảo mang tiêu đề “Triết lý giáo dục VIỆT NAM”, tập hợp nhiều GS, TSKH, cả VS nữa, nhưng đọc hết 27 tham luận in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học vẫn không tài nào nhận diện được, rút cục thì triết lý giáo dục Việt Nam là gì?

May thay, trong trường hợp đây, Tolstoi đã tự chỉ ra cái triết lý giáo dục của mình - TỰ DO. Dẫu bây giờ người ta mệnh danh nó bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, tùy bình diện được chú trọng: giáo dục tự do, giáo dục không áp chế, giáo dục của lòng yêu thương, nhưng cốt lõi của nó vẫn là nguyên lý tự do.

Nguyên lý giáo dục tự do xuất phát từ quan niệm của Tolstoi về con người bản thể, từ lúc lọt lòng đã là một cá thể tự do, mang sẵn trong mình một sự hài hòa hoàn hảo là hạt nhân yêu thương của Thiên chúa. Bởi vậy mục tiêu của giáo dục chỉ có thể là tạo những điều kiện phù hợp (kể cả những tri thức chính cá thể đó có nhu cầu hiểu biết) để hạt nhân yêu thương ấy tự do phát triển hài hòa chứ không phải là áp đặt những giáo lý cùng mớ kiến thức chuẩn chỉ có thể khiến hạt nhân ấy trở nên méo mó, thui chột. Để minh chứng quan điểm của mình, Tolstoi thích so sánh đứa trẻ con nhà nông phu với quý tử gia đình ông chủ, cùng sinh ra trong một điền trang: đứa không được học, lớn lên tự nhiên với công việc đồng áng, thì khỏe mạnh và lanh lợi, tỏ ra tự tin, biết làm nhiều việc trong môi trường ấy, biết gì là biết chắc do tự tìm hiểu và tự tay làm, sống chất phác, thành thật; đứa kia từ nhỏ đã có gia sư, đến trường học đủ loại thầy bà, được nhồi nhét đủ các môn học, lại thành ra ẻo lả, lờ đờ và vụng về, mọi thứ chỉ biết lơ mơ, hỏi đến thì trả lời lắp ba lắp bắp như con vẹt, sớm nhiễm thói dối trá, đạo đức giả. Nguyên do là hai đứa trẻ, sinh ra thiên bẩm như nhau, nhưng đã qua hai quy trình giáo dục đối lập nhau, tuy đều bị Tolstoi tuyệt đối hóa (một thủ pháp Tolstoi thường dùng để tiếp cận chân lý), nhưng về cơ bản đã lột đúng bản chất: a) giáo dục tự do (svobodnoie vospitanie; trong trường hợp này là giáo dục tự nhiên theo kiểu Jean-Jacques Rousseau mà ông tôn sùng,khi du khảo ở Thụy Sĩ từng viếng thăm thắng cảnh liên quan với triết gia Khai sáng và nhà giáo dục này ven hồ Genève) và b) giáo dục áp chế (nasilstvennoie vospitanie). Vậy trong bất kỳ quy trình giáo dục nào, hãy dành cho trẻ em quyền tự do lựa chọn theo bản tính tự nhiên của chúng. Trong bức thư gửi người bạn năm 1901, công bố dưới đầu đề Về nhà trường tự do, ba-bốn chục năm sau những thực nghiệm ở Yasnaia Poliana, Tolstoi tiếp tục yêu cầu: “một sự tự do hoàn toàn trong dạy học, nghiã là hãy để cho các em học sinh trai gái đến học lúc nào chúng muốn, là condicio sine qua non (điều kiện nhất thiết) của mọi quy trình dạy học hiệu quả, cũng như condicio sine qua non của việc ăn uống là thực khách muốn ăn. Sự khác nhau chỉ ở chỗ trong các việc vật chất, cái hại của sự từ bỏ tự do xuất hiện ngay - sẽ tức thì nôn ọe hoặc rối loạn tiêu hóa; còn như trong các việc tinh thần, những hậu quả tai hại không xuất hiện mau chóng như vậy, có khi chỉ sau nhiều năm”[12].

Người ta hay nêu trường hợp chính Tolstoi kể việc ông phải từ bỏ dạy

các truyện ngắn của Pushkin Ông chủ hiệu đòn đám maĐêm trước Giáng sinh của Gogol, khi ông phát hiện học sinh không hiểu và không thích, để phê phán là ông hạ thấp yêu cầu kiến thức, hạn chế nó trong phạm vi trình độ nhận thức thấp kém và cảm thụ thô sơ của trẻ em nông dân ít học. Từ góc độ triết lý giáo dục của Tolstoi có thể nhìn nhận trường hợp này một cách khác hẳn. Với Tolstoi, tri thức chỉ làphương tiện. Thúc đẩy sự hài hòa trong phát triển những năng lực sáng tạo cá nhân phù hợp với thiên bẩm của mỗi con người còn non nớt mới là mục tiêu của giáo dục tự do. Thời điểm cụ thể này, với những học sinh cụ thể này, hai truyện ngắn cụ thể ấy của Pushkin và Gogol chưa phải là những phương tiện phù hợp để đạt mục tiêu trên, thì phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn của chúng, chứ không thể áp đặt cho chúng trình độ nhận thức và cảm thụ của thầy vì như vậy là rơi vào quỹ đạo của giáo dục áp chế. Vả lại, trong toàn bộ trước tác sư phạm của người luôn luôn lo sợ bỏ sót những Pushkin và Lomonosov trong đám trẻ em nghèo khó nhưng hiếu học, không có một lời nào về việc ông sẽ không bao giờ trở lại đọc cùng chúng hai truyện ngắn ấy. Thậm chí, có thể tin rằng, với phương pháp sư phạm của nhà giáo Tolstoi, sẽ đến lúc rồi các em học sinh nông dân kia sẽ tự đề nghị thầy đọc với chúng hoặc tự mình tìm đọc hai tuyệt tác đó[13] Biết đâu, chính vụ “xung đột” này giữa phương tiện cũ và mục tiêu mới của giáo dục tự do đã khiến Tolstoi ngộ ra rằng không thể thực hiện được mục tiêu của giáo dục tự do bằng những sách giáo khoa cũ được biên soạn theo nguyên lý giáo dục áp chế! Nhà sư phạm tiên phong kiêm nhà văn đại tài Tolstoi có thể tự điều chỉnh tài liệu giáo khoa, nhưng những giáo viên khác trong hơn hai chục ngôi trường dạy theo phương pháp Yasnaia Poliana, có thể vô tình áp đặt những tài liệu học sinh chưa sẵn sàng tiếp nhận hoặc thậm chí trái ngược với thiên bẩm của chúng, mà vô thức sa chân vào quỹ đạo của giáo dục áp chế. Giải pháp chỉ có một, tất yếu: thay sách giáo khoa. Bởi vậy nên vừa mới hoàn thành bộ tiểu thuyết hàng nghìn trang Chiến tranh và hòa bình(1869),Tolstoi gạt bỏ sang bên sáng tác văn học, dồn hết thời gian và sức lực vào việc biên soạn sách Vỡ lòng. Bản thảo đầu tiên, in năm 1872, thất bại, bị giáo giới phê phán vì tác giả quá tham, ngoài phần dạy chữ còn đưa vào các bài tập đọc thuộc đủ các lĩnh vực toán, lý, tự nhiên học, sử, địa. Không nản chí, Tolstoi lập tức biên soạn lại từ đầu, vừa soạn vừa điều chỉnh: ông mời hàng chục đồng nghiệp tâm huyết dạy thử nghiệm trong khuôn viên Yasnaia Poliana cho đám trẻ em nông dân chưa học chữ bao giờ, mà ông tập họp về từ các thôn làng lân cận. Năm 1875 sách ra đời với cái tên Vỡ lòng mới. Lật giở qua các trang sách, có thể thấy Tolstoi đã xác định lại một cách cơ bản nhiệm vụ và chức năng của sách Vỡ lòng mới: dạy chữ và dạy đọc phát triển độc lập tư duy, dạy viết sáng tạo dựa trên cả một kho tài liệu đa dạng (thành ngữ, tục ngữ, câu đố, ngụ ngôn, cổ tích dân gian - phần sưu tầm, dịch từ văn học cổ kim đông tây, phần Tolstoi tự sáng tác), được tác giả lựa chọn công phu, phù hợp với hứng thú nhận thức của lứa tuổi, được bố cục nghiêm ngặt từ dễ đến khó dần (kể cả kỳ công chọn lọc, sắp xếp học từ ngữ từ hai vần -> ba vần-> bốn vần -> năm vần) cho phép cả trò lẫn thầy tự do lựa chọn những tri thức phù hợp để phát triển năng lực trí tuệ của từng học trò, bồi đắp sự hài hòa tinh thần của con trẻ. Sách được công luận sư phạm tiên tiến nhiệt liệt hoan nghênh, trong ba chục năm tái bản đến 28 lần. Lần đầu tiên trong đế quốc Nga chuyên chế xuất hiện một bộ sách giáo khoa do một cá nhân biên soạn, chẳng theo dự án nào của nhà nước hay một tổ chức giáo dục chính thống, nhưng đã được Bộ Giáo dục quốc dân của Nga hoàng thông qua và giới thiệu “sử dụng cho tất cả các loại trường bắt đầu dạy từ học đánh vần”. Đây cũng lại là kinh nghiệm nên học tập chăng?

Phương pháp tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu, phát triển mạnh trong khoa học từ nửa sau thế kỷ XX, đòi hỏi một quy trình giáo dục tối ưu phải là một hệ thống tầng bậc nhất quán trong đó cấp độ trên chi phối cấp độ dưới: mục tiêu -> nội dung -> phương pháp. Sống nửa thế kỷ trước, Tolstoi đương nhiên chưa thể biết đến điều này, nhưng ông đã nhất quán thực hành đúng như vậy. Có người cho rằng phải là uy tín to lớn, tài năng xuất chúng như đại văn hào Tolstoi thì mới tổ chức, hướng dẫn được cái lũ trẻ mỗi đứa một tính cách, mỗi đứa một sở thích và trình độ ấy học hành nghiêm chỉnh và say sưa. Có thể nói như vậy về những thủ thuật cá nhân, những “kỹ xảo” của nhà giáo Tolstoi nhằm tạo không khí thoải mái và gây hứng thú ở trẻ em. Nhưng những chỉ dẫn phương pháp ông nêu ra thì không phải theo sở trường riêng, mà đều xuất phát từ cái triết lý giáo dục tự do của ông. Xin trích một số Những ý kiến chung cho giáo viên, in ở đầu sách Vỡ lòng:

-         “Để học sinh học tốt, điều cần thiết là nó được học thoải mái; để nó được học thoải mái thì cần phải làm sao để: 1) những điều đem dạy học sinh phải có thể hiểu được và lý thú; 2) tâm sức của học sinh có được những điều kiện thuận lợi nhất”.

-         “Để tâm sức học sinh có được những điều kiện  thuận lợi nhất thì cần phải làm sao để: 1) không có những đồ vật và nhân vật mới, không quen thuộc ở nơi học sinh ngồi học; 2) học sinh không bị ngượng với thầy hoặc với các bạn; 3) (rất quan trọng) học sinh không sợ bị trừng phạt vì học kém, tức là vì chưa hiểu; trí tuệ con người chỉ hoạt động khi nó không bị ngoại cảnh áp chế; 4) trí óc không bị quá tải <…> Thà sai lầm và cho học trò nghỉ ngơi khi chúng chưa mệt còn hơn là mắc sai lầm ngược và giữ học trò lại khi chúng đã mệt mỏi, bởi chính vì vậy mà phát sinh sự đần độn, tê liệt, ngoan cố”…

-         “Thầy dạy càng không vất vả thì trò càng khó học; thầy càng vất vả thì trò càng dễ dàng. Giáo viên càng tự học nhiều, suy ngẫm từng bài dạy và đắn đo với sức học của học sinh, càng chăm chú theo dõi diễn biến tư duy của trò, càng gợi mở hỏi và trả lời nhiều thì trò càng dễ học”.

-         “Nếu giáo viên chỉ yêu nghề, anh ta sẽ là người thầy tốt. Nếu giáo viên chỉ có tình thương yêu học sinh như cha mẹ, anh ta sẽ dạy tốt hơn người đọc hết mọi sách, nhưng không yêu nghề, cũng chẳng yêu trò. Nếu thầy giáo kết hợp được lòng yêu nghề với tình yêu thương học trò, anh ta sẽ là người thầy hoàn hảo”…

3. Tolstoi nhà thực hành triết lý giáo dục tự do

Bản thân Tolstoi chưa bao giờ coi việc sáng tác văn học là chính yếu. Trong thư từ gửi người thân ông nhiều lần khẳng định rằng đối với ông, sự nghiệp sư phạm là quan trọng nhất, bộ sách Vỡ lòng mà ông dồn hết thời gian, sức lực và tâm huyết hàng chục năm trời mới là tác phẩm để đời, mà làm xong ông có thể “yên tâm chết được rồi”. Hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng nền giáo dục cho tầng lớp bình dân là niềm say mê trường kỳ nhất của Tolstoi, tuy có lúc tạm thời bị gián đoạn, nhưng xuyên suốt 61 năm cuộc đời trưởng thành của ông, từ thí nghiệm đứng lớp đầu tiên năm 1849, khi mới 21 tuổi, đến hành động đem các số tạp chí thiếu nhi Vầng mặt trời đến cho trẻ em ở ngôi trường Yasnaia Poliana,3 ngày trước khi bí mật rời bỏ điền trang tổ tông, bước vào cuộc li hương định mệnh một ngày đông tháng giá, và chưa đầy một tháng sau, 20 - 11 - 1910, đã vĩnh viễn ra đi cô đơn trên một ga xép phủ đầy tuyết.

Triết lý giáo dục của mình Tolstoi đã thực thi trước hết tại ngôi trường ông sáng lập trong điền trang Yasnaia Poliana và dạy miễn phí cho con em nông dân. Người đi tiên phong thường phải phá cách. Nhà giáo Tolstoi đã thực hiện triết lý giáo dục tự do bằng một giáo học pháp tân kỳ đến cực đoan, gây sốc cho tư duy giáo dục chính thống: học sinh muốn đến lớp thì đến, không muốn thì thôi; đến lúc nào tùy ý, ngồi đâu tùy thích: trên ghế, trên bàn, dưới sàn nhà hay trên bậu cửa sổ; học gì tùy chọn: đứa học vần, đứa tập viết, đứa làm tính, đứa đọc sách hay tập vẽ. Giáo giới bảo thủ la lối: “Một cái hội làng!” , “Một bầy Zigan!”. Tuy nhiên, các quan chức giáo dục theo dõi việc học của giới bình dân, đều tỏ ra ngạc nhiên về kết quả: học hành “mất trật tự” như vậy mà lũ trẻ khi rời ruộng đồng hay đàn cừu còn mù chữ, chỉ vài ba tháng sau đã đọc thông viết thạo. Tshernytsevski, Lãnh tụ phái dân chủ cách mạng, người từng gay gắt phê phán các bài luận chiến của Tolstoi phủ định mọi hình thức giáo dục, thậm chí khuyên nhà văn nên “đi học lại”, đã ghi nhận trên tờ báo uy tín Người Đương Thời bằng giọng tán thưởng: “Tuyệt vời! Tuyệt vời! Lạy Chúa sao cho ngày thêm nhiều trường thiết lập được cái sự “mất trật tự” nhân hậu và hữu ích như vậy…Và theo chúng tôi, phải nói đơn giản là trật tự, bởi lẽ ở đây có thấy sự mất trật tự nào đâu khi mà tất cả đều học hành rất chăm chỉ chừng nào chúng còn đủ sức…” Nhưng có lẽ kết quả quan trọng hơn của nguyên lý giáo dục tự do mà Tolstoi chủ trương, đó là sự phát triển những năng lực tinh thần của con em nông dân học trường Yasnaia Poliana. Một ông giáo trường trung học Tula, người thường xuyên đến thăm trường, công nhận: “Tất cả bọn trẻ tự mình suy nghĩ, tự mình nỗ lực, tự mình muốn học. Tinh thần của chúng đã thức tỉnh, cái đầu chúng độc lập hoạt động nội tại - đó là những điều trường Yasnaia Poliana khiến chúng ta vui mừng”[14].

Nghi ngờ Tolstoi có quan hệ với các phần tử cấp tiến, chính phủ Nga hoàng cho cảnh sát đến khám xét, gây nên nhiều dư luận đồn đại làm tổn hại uy tín của Tolstoi, khiến ông, một con người rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, phải ngừng hoạt động sư phạm một thời gian khá dài. Nhưng không thể bỏ dở sự nghiệp “để đời”, Tolstoi quay trở lại với hoạt động sư pham, tiến hành nó đa dạng hơn và tích cực hơn. Được bầu làm thành viên Hội đồng nhà trường của Ban quản trị Hội đồng dân biểu (Zemstvo) huyện Krapivenski, ông đi khắp các làng gánh vác việc tổ chức trên hai chục trường học. Để triển khai quan điểm giáo dục của mình trong khắp huyện nhà, Tolstoi mở các lớp huấn luyện cho giáo viên phương pháp sư phạm của ông, khuyến khích nông dân tự đứng ra mở trường, thay thế các giáo viên nhà nước bằng những nông dân có học đó, tự trả lương cho họ. Ông chuẩn bị mở các khóa chuyên đề gọi là “Đại học đi dép bện” (universitet v laptiakh) để đào tạo những môn sinh Yasnaia Poliana tài năng nhất thành hương sư. Ông đã thuyết phục được Hội đồng nhà trường huyện Krapivenski trả phụ cấp cho giáo viên dạy tại các trường do nông dân mở và trả lương, tức đã làm cái việc ngày nay gọi là “xã hội hóa giáo dục”.

Trong hoạt động sư phạm thực tiễn nhằm xây dựng nền giáo dục tự do cho các tầng lớp bình dân, Tolstoi hướng đến một nhà trường phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, của cộng đồng. Trong bài luận chiến thứ hai Về giáo dục và đào tạo (O vospitanii i obrazovanii - 1862), cũng lại gây nên một phản ứng dữ dội như bài trước, Tolstoi phủ định toàn bộ hệ thống giáo dục trong đế chế Nga hoàng từ vỡ lòng lên đến đại học vì ông cho rằng nó thoát ly các nhu cầu thiết thực của dân chúng, “nó giáo dục mọi người theo những quan niệm trái ngược với nhân dân, với quảng đại quần chúng”. Về mặt đạo đức, cái nguyên lý giáo dục áp chế khiến nhà trường trong đế chế Nga hoàng đã tập cho học sinh và sinh viên những thói quen dối trá, đạo đức giả, háo danh và nguy hại hơn là nguyên lý đó “đang được nâng lên thành nguyên tắc hướng đến độc đoán về đạo đức (nravstvennyi despotizm), <…> biểu hiện cái mặt tồi tệ nhất trong bản tính con người, nó là một hiện tượng chứng minh trình độ phát triển thấp hèn của tư duy con người”. Về mặt học vấn, nền giáo dục đó chỉ dạy “những kiến thức <…>  hoàn toàn vô dụng đối với cuộc sống”, càng lên cao càng “ít thiết thực hơn với cuộc sống”, lên đến đại học thì thành áp đặt “những thứ thông thái vô tích sự”. Nhìn từ yêu cầu phục vụ những nhu cầu thiết thực của đời sống, ông cho rằng kết quả của nền giáo dục áp chế còn thua kém cả quá trình đào tạo tự nhiên trong các gia đình nông phu hay thợ thủ công. Tolstoi khẳng định: “Thực ra con người ta phải được đào tạo để chuẩn bị cho cuộc sống, cho lao động, mỗi kiểu lao động ngoài kỹ năng cho nó còn đòi hỏi một quy trình, một sự chuẩn xác và điều quan trọng là kỹ năng sống và ứng xử với mọi người”(VTK nhấn).

Ngày nay nhìn lại, có thể nói rằng từ năm 1862 nhà sư phạm Tolstoi đã tiếp cận triết lý giáo dục vị nhân sinh mà ngót trăm năm sau một số nhà tư tưởng giáo dục tiên tiến đã đề xuất và đến những thập niên cuối thế kỷ XX thì Chủ tịch Hội đồng quốc tế về Giáo dục của UNESCO JacquesDelors đã tổng kết thành 4 cột trụ (Four Pillar) nổi tiếng cho nền giáo dục của thế kỷ XXI: 1) Học để biết (Learning to know), 2) Học để làm việc (Learning to do), 3) Học để làm người (Learning to be) và 4) Học để biết cách chung sống (Learning to live together)[15].

Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng về phương thức đào tạo có thể xem triết lý giáo dục tự do, không áp chế của Tolstoi là bước dự cảm của học thuyết tâm lí giáo dục nhân cách - hoạt động hiện đại của Edward Lee Thordike (Mỹ), Jean Piaget (Thụy Sĩ), L.S.Vygotski và V.V.Davydov (Nga) nhằm hình thành  những nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa tâm hồn và trí tuệ, biết tư duy độc lập, sáng tạo và tự mình xử lí mọi tình huống. Ở Liên Xô cuối những năm 50 - đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trên cơ sở học thuyết tâm lý giáo dục tiên tiến này, tại trường phổ thông số 91 thành phố Moskva hai giáo sư Davydov và Elkonin đã tiến hành thử nghiệm rất thành công một mô hình dạy học hình thành hành động trí tuệ sáng tạo ở học sinh tiểu học. Nhưng từ năm 1983 mô hình giáo dục tiên tiến đó bị ngăn cấm, sau năm 1991 mới phục hồi. Ở Việt Nam từ năm 1978, học trò của GS Davydov là TSKH chuyên ngành tâm lí giáo dục Hồ Ngọc Đại cũng bắt đầu ở Trường thực nghiệm Giảng Võ một “công nghệ giáo dục” hình thành các thao tác tư duy trừu tượng ở học sinh ngay từ lớp 1, tiến dần lên đến lớp 8. Từ 1985 “công nghệ giáo dục” được phép triển khai dần dần, đến 2001 đã có mặt ở 43 tỉnh thành trong cả nước trên cơ sở các nhà trường, giáo viên và phụ huynh tự nguyện chấp nhận và “đầu tư” niềm tin, nhóm thầy cô giáo “tử vì đạo” lăn lộn triển khai bằng tâm huyết và công sức[16]. Khẩu hiệu “ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC, MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG LÀ MỘT NGÀY VUI” của GS Đại sao mà đồng thanh khí với yêu cầu của Nhà giáo Tolstoi nêu ra hơn một thế kỷ trước: phải làm sao để học sinh “TIN CHẮC RẰNG Ở TRƯỜNG HÔM NAY SẼ LẠI VUI VẺ NHƯ HÔM QUA”!

Nhưng rồi … thầy đã bị ngăn cấm thì trò cũng bị buộc phải “dẹp tiệm” - không qua một sự thẩm định đánh giá nào, thậm chí không một nhận xét khoa học công khai, chỉ bằng một quyết định hành chính “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Thế mới biết cái mới khai phá con đường cho mình khó khăn nhường nào!

Ở nước Nga, sau việc lập lại Trường Tolstoi ở Yasnaia Poliana, biến nó thành cơ sở thực nghiệp của nhà nước do Chủ nhiệm bộ môn Di sản tinh thần của Tolstoi là GS V.Remizov lãnh đạo, Hội đồng bộ Giáo dục Liên bang Nga đã ra quyết định số 3/2 ngày 11 - 12 - 1996 chính thức công nhận quy trình giáo dục hình thành hành động tư duy của GS Davydov là 1 trong 3 hệ thống giáo dục cơ sở trong nhà trường phổ thông toàn quốc.

Ở Việt Nam đang quyết tâm đổi mới, chúng ta còn phải chờ bao giờ cho đến …đổi mớithực sự triết lý giáo dục phục vụ công cuộc Đổi mới.

 (Hà Nội vào đông Canh Dần, 1 - 12- 2010)

........................................

* Đã công bố tại Hội thảo “Lev Tolstoi và sự tiếp nhận di sản của ông tại Việt Nam”, do Viện Văn học - Trường Đại học KHXH&NV - Hội Nhà văn VN - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đồng tổ chức ngày 9 - 12 - 2010 tại Viện KHXH VN; đăng toàn văn: tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12 - 2010, tr. 29 - 43; vanvn.Net của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 10 - 12 - 2010và website hiendai.edu.vn các ngày 5, 10, 15 - 12 - 2010 ; bản tóm tắt: Văn nghệ Trẻ, số 50 (736), ra ngày 12 - 12 - 2010 và Phongdiep.net  

 


[1] N.K.Krupskaia: izbrannye pedagogitsheskie sotsshinenie, M., 1948, tr. 34 - 35.

[2] L.N.Tolstoi: Pedagogitsheskie sotschinenia, izd. 2-e, Moskva - 1953, tr. 48.

[3] Năm 2007 Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lấy ngày sinh của Gandhi 2 - 10 làm  “Ngày quốc tế bất bạo động”, một điều, thiết nghĩ, hoàn toàn công bằng vìGandhi bằng cả cuộc đời, cả mạng sống của mình đã thực thi thành công tư tưởng đó, giành độc lập cho Ấn Độ.

[4] V.Remizov: Philosovskie i socialno-pedagogitshskoe obosnovanie obrazovatelnoi programmy. Bài trên mạng home.tula.net của Đại học Sư phạm quốc gia Tula mang tên Tolstoi.

[5] Ph.M. Sololnikova: Ảnh hưởng của giáo dục học nhân ái của L.N.Tolstoi đến quá trình phát triển nền giáo dục bình dân ở vùng Yakutia cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Phân tích từ góc độ lịch sử giáo dục học. Luận án PTS, Yakutsk - 2009. Danh mục tài liệu.

[6] Tài liệu đd tại chú thích 1, tr. 430 - 432.

[7] Từ “nasilie” (từ phản nghĩa: nenasilie) các từ điển tường giải tiếng Nga cho 3 nghĩa: 1. dùng bạo lực với ai; 2. cưỡng bức (áp chế) ai đó; 3. sự hoành hành (vô pháp). Trong bài này chúng tôi sử dụng nghĩa 1 cho văn cảnh chính tri - xã hội, nghĩ 2 - cho giáo dục.

[8] Bạn đọc quan tâm vấn đề hệ tư tưởng của Tolstoi xin chờ đọc bài chuyên luận lớn công phu của PGS TS Phạm Vĩnh Cư trong sách…; về những suy tư và day dứt của nhà văn, có thể đọc trong Tự bạch (Ispovedi; có lẽ nên hiểu: Phản tỉnh)

[9] Tolstoi phân biệt 3 cấp độ nhân sinh quan được con người lựa chọn làm căn cứ trong hành động của mình: “nhân sinh quan cá thể luận” (mục đích cuộc sống là thỏa mãn ý chí của cá thể); “nhân sinh quan xã hội luận” (mục đích cuộc sống là thỏa mãn ý chí của cả một hợp quần cá thể, từ gia đình cho đến quốc gia) và “nhân sinh quan Thượng Đế luận”

[10] Tài liệu đã dẫn tại chú thích 2, tr.409.

[11] Vũ Thế Khôi: Triết lý giáo dục khai dân chí - chấn dân khí. - Kỷ yếu hội thảo “Một số vấn đề triết lý giáo dục và triết lý giáo dục Việt Nam. Thông tin và bình luận”, Viện Thông tin Khoa học xã hội Viện KHXH Việt Nam, Hà Nội - 2008, tr. 55 - 69.

[12] Tài liệu đã dẫn tại chú thích 2, tr. 407.

[13]Riêng đối với chúng tôi, đây là một bài học để nhìn nhận lại cái vụ om xòm xung quanh chuyện một em học sinh của ta, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã dám “chê” Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu.

 

[14] Tài liệu đd tại chú thích 2, tr. 419.

[15] Trong tham luận khoa học đã dẫn tại chú thích 11 chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng triết lý giáo dục Khai dân trí - Chấn dân khí của Đông Kinh nghĩa thục đã tiếp cận “4 trụ cột” này. Quả là một sự gặp gỡ Đông - Tây kỳ lạ!

[16] Phạm Toàn: Hợp lưu các dòng tâm lý giáo dục học. Tiểu luận chuyên đề. - Nxb Tri thức, Hà Nội 2008, tr. 314 - 332. Cách đây không lâu báo chí đưa tin nhóm Cánh buồm gồm một số giáo viên trẻ dưới sự hướng dẫn của nhà giáo “truyền đạo” Phạm Toàn và TS Nguyễn Thành Nam cũng lại đã bằng tâm huyết (không một xu từ “dự án” nào!) biên soạn xong bộ sách cho lớp 1, theo quy trình “công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại và đang dạy thí điểmở Trường Nguyễn Văn Huyên. Xin cầu chúc cho Cánh buồm tiên phong thuận buồm xuôi gió!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450210

Hôm nay

2242

Hôm qua

2274

Tuần này

21755

Tháng này

216469

Tháng qua

120141

Tất cả

114450210