Có lẽ đến bây giờ những người còn say mê hát những làn điệu dân ca, thuộc các lời hát cổ, sưu tầm nhiều tiết mục để lưu giữ và truyền dạy cho những người yêu thích như bà Thái Thị Phiên ở bản mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp còn lại rất ít. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát dân ca, được học từ bố mẹ và các người già lớp trước, cộng thêm năng khiếu về hát hò bà say mê trong những làn điệu của quê hương dân tộc mình. Ở cái tuổi 62 nhưng dọng bà còn mượt mà, trong trẻo lắm, ký ức của những ngày vui luôn hiện về trong tâm trí. Với bà, đươc hát, được bẻ, đối đáp trong những ngày lao động sản xuất, trong các lễ hội, đám cưới là niềm vui không gì đo đếm được. Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết: Người hát dân ca Thái giỏi tức là phải biết “sáng tác” thêm nhiều lời hát thật hay, nhiều câu bẻ thật hiểm hóc bởi dân ca Thái không những ca ngợi cuộc sống lao động mà nhiều làn điệu đã trở thành lời tỏ tình trai gái trên bản dưới mường. Bốn thể loại dân ca Thái được nhiều người biết đến là các làn điệu lăm, nhuôn, xuối, khắp. Nhạc cụ của lối hát này cũng khá đơn giản với bốn loại là sáo, khèn, chiêng và trống, mỗi thể loại được kết hợp với dụng cụ riêng. Tuy nhiên, để hát hay và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, ngoài năng khiếu còn phải sưu tầm, tìm hiểu kỹ càng thì mới có được những bài hát hay. Những đêm trăng sáng trong các cuộc vui, lễ hội những điệu nhuôn được trai gái hát đối đáp nhau cùng hòa chung với sáo pí đệm theo. Hay những điệu xuối lại thi thoảng cất lên trên nương rẫy, khi làm đồng, lúc bẻ củi, hái măng... nhiều đôi trai gái nhờ xuối đối đáp nhau mà nên vợ nên chồng. Có lẽ chuộng xuối nhất là trai gái đang tuổi yêu đương và những người đàn bà còn son trẻ, nuối tiếc thời con gái,v.v... Nhưng giờ đây, phong trào hát dân ca Thái của bà con đang mai một và chìm dần vào quên lãng đã trăn trở và thôi thúc một nghệ nhân tâm huyết, say mê như bà.
Chưa có được những câu lạc bộ để truyền dạy, nhưng niềm say mê những làn điều dân ca của dân tộc mình luôn thôi thúc bà đứng ra tự vận động thành lập một lớp học gồm các cháu, các chị ở mọi lứa tuổi, tập cho họ những bài, làn điệu quen thuộc. Ngoài những buổi học tập trung ở nhà văn hóa của bản, bà còn mở thêm một lớp học tại nhà do các chị em tự biên tự diễn. Họ tụ họp về đây cùng chung một niềm say mê dân ca dân tộc mình, để được nghe bà hát và học hát. Cùng với việc dạy hát bà còn rất tích cực sưu tầm được nhiều làn điệu cổ mà phần lớn bây giờ chỉ có những người già còn nhớ đến như các làn điệu khắp Phà Dua, khắp mời trầu, cưới xin,.v.v... Bên cạnh đó, bà còn sáng tác được hàng chục làn điệu tả cảnh quê hương đất nước đang trên đà đổi mới, nhiều sáng tác về huyện Quỳ Hợp, xã Châu Cường và bản mường Ham nơi có lễ hội Pẩn Pang - Nang Ny đi vào huyền thoại góp phần làm phong phú thêm các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Lớp học của bà ngày càng đông các chị em, các cháu tham gia, không kể ngày hay đêm cứ tụ họp với nhau là hát, là đối đáp, tiếng khèn, tiếng pí lại vang lên những khúc hát dao duyên đằm thắm. Ông Lê Sành, Bí thư chi bộ bản Mường Ham tiếp chúng tôi bằng chén nước chè đâm cho biết: Trước đây già trẻ trai gái ở bản Mường Ham đều thuộc các làn điêụ một ít xuối, nhuôn hay lăm, khắp nhưng dân già những làn điệu cổ không còn mấy ai thuộc và hiểu được ý nhĩa của nó. Trong các dịp lễ hội, khách khứa chỉ có những người già là còn thuộc được một số các làn điệu đơn giản như chào hỏi thông thường mà thôi. Giờ đây ơn Đảng bà con chăm chỉ làm ăn, bản trên mường dưới đã bớt đói khổ, lòng ông chỉ trăn trở một nỗi niềm về đời sống văn hóa tình thần, bản sắc dân tộc của bà con đang mai một dần.
Ở bản mường Ham, xã Châu Cường, phong trào văn hóa văn nghệ ngày càng sôi nổi, khi có lễ hội nhất là vào dịp đầu xuân các mẹ các chị lại cùng nhau sắm những bộ váy đẹp nhất ca hát để làm vui, làm đẹp cho bản làng mình. Mối dịp vui thế này, bà thèm được hát dân ca lắm, lại thấy tiếc, tại sao quê hương mình vốn là cái nôi của những làn điệu dân ca mà đến giờ vẫn chưa gây dựng được 1 câu lạc bộ dạy hát dân ca Thái. Ở đây, các cháu, các chị tiếp thu rất nhanh và có thể phát triển được. Nhân lực không thiếu, cái quan trọng là dạy dân ca Thái chưa thực sự được quan tâm, những người tâm huyết tạo cho nó một môi trường phát triển như bà còn quá ít. Điều đó luôn là nỗi trăn trở thôi thúc bà. Vừa qua, theo tâm nguyện, mong ước lớn nhất của bà Phiên và của bà con, bản cũng đã tạo điều kiện để có thể mở những lớp truyền dạy dân ca cho bà con trong vùng nhưng kinh phí còn rất eo hẹp, chưa thể thành lập được một câu lạc bộ hoạt động thường xuyên được.
Theo thời gian, nhiều làn điệu dân ca Thái đang dần bị mai một, qua năm tháng dân ca không còn được mượt mà sâu lắng nữa. Đáng buồn hơn, là người Thái, thế hệ trẻ bây giờ phần lớn không hiểu được nhiều về những làn điệu của dân tộc mình. Những người biết dân ca giờ còn rất ít. Việc sưu tầm, sáng tác và say mê truyền dạy dân ca Thái của bà Lương Thị Phiên đã góp phần tích cực để giữ gìn và phát triển di sản của dân tộc mình.
Ngồi bên khung dệt được nghe bà cất lên một điệu khắp Kha Chót Vang (lời khắp ơn Đảng) trong ánh chiều nghe thật ấp áp. Dù không hiểu lắm, nhưng tôi vẫn nghe bâng khuâng một nỗi niềm hoài cổ vọng về từ xa xăm, lòng trào lên một niềm cảm mến. Chả trách cả cuộc đời bà đã sống và đam mê những làn điệu dân ca mượt mà này. Không chỉ có dân ca Thái mà hiện rất nhiều các phong tục tập quán, dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị “ kinh hóa” và vô tình đánh mất nét độc đáo vốn có. Nên chăng, việc khôi phục và bảo tồn vốn cổ, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng ra cần có những còn người kế thừa vốn quý có tâm nguyện bảo tồn bản sắc dân tộc mình như bà Thái Thị Phiên. Với bà, những giải thưởng tại các hội thi hát dân ca của các dân tộc thiểu sổ do tỉnh tổ chức không quý bằng việc các làn điệu dân ca Thái được kế thừa và thực sự đi vào đời sống của mỗi một người dân trên quê hương mình. Ước vọng vủa bà là khắp mường trên bản dưới luôn rộn ràng khúc hát dân ca.