Văn hoá học đường

Học sinh Đan Lai gian nan đi tìm cái chữ


Trong dịp lên công tác ở Con Cuông mới đây, chúng tôi đã có dịp vào các điểm trường ở xã Môn Sơn, nơi có nhiều con em đồng bào Đan Lai đang theo học. Toàn xã hiện có có 1 trường THCS, 3 trường TH, 3 trường Mầm non theo từng cụm bản. Nhìn chung, cơ sở vật chất của các trường nơi đây khá khang trang. Ở bậc tiểu học và mầm non các điểm trường được bố trí gần bản, khá thuận lợi cho con em theo học.

Còn lên bậc THCS, vì chỉ có 1 trường nên các em ở các bản xa, nhất là các bản người Đan Lai như bản Cò Phạt, bản Búng nơi đầu nguồn Khe Khặng phải ra trung tâm xã ở nội trú cách xa nhà vài ba chục cây số đường rừng. Khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn. Được hỏi về việc học tập của học sinh Đan Lai tại trường, thầy Nguyễn Giang Nam không dấu được nét buồn: Hiện trường đã vận động được 41 em trong tổng số 63 em trong độ tuổi đi học (chiếm gần 70%). Cũng phải tới 3 lần, các thầy cô giáo và cán bộ xã Môn Sơn ngược suối vào tận bản "3 cùng" với dân thuyết phục mới được. Trong số 41 em có 23 em ở khu nội trú của trường, còn lại phải ở nhờ nhà dân các bản gần trường theo hình thức bán trú dân nuôi. Nhớ lại đợt đầu vào dịp khai giảng năm học (16/8/2010), các thầy cô chỉ vận động được 17 em học sinh Đan Lai đến trường. Nhưng mới học được vài buổi, vì thiếu đói (không gạo, không tiền mua thức ăn, sách bút...) nên 13 em bỏ về nhà, chỉ còn 4 em "bám trụ" ở lại là La Văn Chín, lớp 7 A5, La Thị Sao, lớp 8 A1, Lê Văn Thành, lớp 8 A4 và Lê Thị Thúy, lớp 9 A1. Ngay sau đó, các thầy cô lại phải tiếp tục quay vào vận động đợt 2 vào ngày 6/9/2010 được thêm 18 em, đợt 3 tiếp sau đó có sự giúp đỡ của các cán bộ xã Môn Sơn vận động được thêm 19 em nữa, trong đó có các em bỏ về đợt đầu. Vận động được 41 em trở lại trường đã khó, việc ổn định đời sống để các em yên tâm học tập còn khó khăn hơn. Mặc dù cả nhà trường và địa phương đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ là những giải pháp tạm thời để các em không bị đói, không bỏ về như trước. Cụ thể là vận động hội phụ nữ xã quyên góp ủng hộ 2,7 tạ gạo, Đồn biên phòng Môn Sơn góp 4,2 tạ gạo, các trường THCS Trà Lân, Thị trấn hỗ trợ các em quần áo cũ. Đặc biệt công đoàn nhà trường phát động mỗi CBGV nhận kèm cặp, giúp đỡ một học sinh Đan Lai đầu nguồn Khe Khặng cả việc học tập và đời sống, hợp đồng với cô Ngân Thị Lan, bảo vệ trường kiêm thêm cấp dưỡng nấu ăn cho các em nội trú.

Trực tiếp chứng kiến nơi các em ăn ở, học hành mới thực sự thấu hiểu hành trình đi tìm cái chữ đối với con em đồng bào Đan Lai nhọc nhằn, gian khó biết nhường nào, bởi gia đình các em quá nghèo nên gần như phó mặc cho nhà trường. Nhiều phụ huynh còn nói thật với các thầy cô khi vào vận động rằng, nhà trường cho con tôi ra học phải lo cho nó, nếu không thì để nó ở nhà đi hái măng, hái quả kiếm cái ăn. Khu nội trú của các em do xã đứng ra xây dựng ven con suối còn rất tạm bợ, các phên liếp chưa đủ chắc, kin để chắn gió lạnh mùa đông. Chăn màn, quần áo của các em vẫn còn thiếu thốn nhiều. Chúng tôi đến khu nội trú đúng lúc  các em bắt đầu bữa ăn trưa, cô Ngân Thị Lan đang liên tục xới cơm cho từng em ngồi quây quần xung quanh. Thức ăn chỉ có canh rau và đậu phụ. Nhưng khi chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống nội trú, nhiều em hồn nhiên nói: Ở đây sướng hơn ở nhà nhiều vì có cơm ăn ngày 2 bữa, nếu cứ được thế này các em sẽ không bỏ về nhà nữa. Cũng qua thầy hiệu trưởng, chúng tôi được biết, số tiền nhà nước hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa (mỗi HS được hưởng 140 ngàn đồng/tháng theo QĐ 112/QĐ-TTG ngày 20/7/2007 của Thủ tưởng Chính phủ) đến nay vẫn chưa có, nhà trường đành phải sử dụng tiền quỹ học sinh để mua thức ăn cho các em. 

 

Chúng tôi thực sự cảm phục các CBGV nơi đây, họ như cha mẹ thứ hai của các em, không chỉ lo việc dạy chữ cho các em mà còn phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ, quần áo, sách vở... Chỉ riêng việc mấy lần vượt suối trèo non hàng mấy chục cây số vào vận động các em tới trường đã đủ nói lên sự kiên trì, nhiệt tâm của các thầy cô nơi đây. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định lâu dài cuộc sống học tập cho các em học sinh Đan Lai, thiết nghĩ cần có những giải pháp căn bản hơn. Cụ thể là chế độ hỗ trợ của nhà nước cần cấp theo từng tháng kịp thời thay vì theo từng học kỳ như lâu nay. Nhưng với giá cả liên tục tăng cao như hiện nay cũng cần lồng ghép thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác nữa (như các chương trình, đề án 134, 135, TĐC, phòng chống lũ lụt...); ngoài ra còn có việc cần gia cố thêm nhà ở nội trú, mua thêm chăn màn, áo ấm... cho các em. Bởi vậy rất cần những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân gần xa hỗ trợ thêm. Được biết, mới đây Công ty Hương Rừng ở Hà Nội đã tặng các em Đan Lai 27,2 triệu đồng, đồn biên phòng 555 cũng hỗ trợ đồng bào Đan Lai 5 tấn gạo (từ nguồn cứu trợ lũ lụt) và sắp tới sẽ có thêm nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký hỗ trợ nữa. Tạm biệt Trường THCS Môn Sơn và các em học sinh Đan Lai nghèo khó nhưng ham học, chúng tôi mong rằng, hành trình đi tìm cái chữ của các em sẽ đỡ bớt nhọc nhằn trong những tháng ngày sắp tới.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450265

Hôm nay

25

Hôm qua

2292

Tuần này

21810

Tháng này

216524

Tháng qua

120141

Tất cả

114450265