Với bản tính vốn hiền lành, dân dã, ít nói, không biết và không thể thớ lợ, lấy lòng bọn quyền thế, nên dù có tiếng tăm đấy, ông vẫn cứ lận đận và còn lạc lõng giữa cái thế giới ồn ào chốn phồn hoa đô hội. Ngay khi đang còn học, tạng chất con người ông, từ tính tình đến cách ăn mặc, Nguyễn Phan Chánh vẫn giữ nguyên tính cách một "chàng nho" hiền hậu, mộc mạc của xứ Nghệ. Trong cái xã hội các thầy sinh viên đại học thời đó, chỉ riêng chuyện cái ô đen mà ông luôn mang theo người khi đến lớp và cả khi ngồi vẽ, đã là một đầu đề cho những bạn học tai quái trêu chọc làm mệt ông.
Giữa đám sinh viên "văn minh" hào hoa, giỏi giao thiệp, cạnh một Lê Văn Đệ chải chuốt, một Lê Phổ đài các, một Mai Trung Thứ mơ màng, một Tô Ngọc Vân si tình, thì "già" Chánh là một hiện tượng khác biệt.
Chỉ có khi ra ngoài lớp, đi lấy tài liệu về những nơi bờ sông bãi bến những xóm làng ngoại ô thành phố, thì ông mới không cảm thấy cô đơn, ông mới tìm thấy sự thanh thản để cho tâm hồn hòa điệu với cảnh vật thiên nhiên, với con người bình dị chất phác, gợi lên trong ông ký ức về những gì thân thương hiền hòa của quê hương mà ông cảm nhận với một niềm thiết tha, trầm lặng, sâu sắc.
Cho đến năm thứ ba, cũng như bạn cùng lớp, Nguyễn Phan Chánh vẫn tập sơn dầu. Cái chất đặc sánh, dày cộm, quá vật thể của chất liệu sơn dầu dường như không hợp với tạng chất thanh đạm của ông. Cho tới khi sang năm thứ tư ông thử vẽ màu nước trên nền lụa, thi ngay bước đầu sự tình đã khác hẳn. Gặp cái thanh nhẹ, mịn màng của chất lụa, cái trong trẻo bay bổng của chất màu nước, ông như gặp một tri âm tâm đầu ý hợp đã hẹn ước tự bao giờ. Và thế là ngay ở những thể nghiệm đầu tay, kết quả đã thật thỏa sướng, thật không ngờ, đối với thầy, đối với bạn và đối với chính tác giả. Nguyễn Phan Chánh đã gặp đúng nơi phù hợp để bộc lộ tâm hồn đằm thắm thanh nhã của mình. "Chơi ô ăn quan", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng", "Cô gái rửa rau" là những tác phẩm lần đầu mà đã thành công của ông. Một phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm đà hương vị quê hương, một lối vẽ không Tây, không Tàu, cũng không Nhật! Một lối vẽ Việt Nam mà cũng thật Phan Chánh.
Tôi nhớ mãi một bức lụa của họa sĩ mà tôi được xem tại một nhà chuyên bồi tranh ở phố Mã Mây hồi tôi mới vào học dự bị. Một đề tài bình thường như hầu hết đề tài tranh của ông: Một cô gái nông thôn đang ngồi tiện cây mía thành tấm. Chỉ có vậy, nhưng sắc thái tình cảm nồng hậu, trìu mến biết bao! Tôi cứ nhớ mãi sắc hồng tía của bó mía rượu hòa quyện với màu nâu trầm mượt mà non trẻ của thân áo cô gái, và ửng sáng lên mát dịu là sắc ngà của khuôn mặt, đôi bàn tay... Tạo hình giản dị mà đầy đặn, chỗ mỏng chỗ dày điều hòa thật khéo, vẫn giữ cái óng mượt mịn màng của thớ lụa tơ tằm. Rất ít nét, chỉ những mảng màu hầu như phẳng, lồng vào nhau, nâng đỡ nhau mà lại hiện lên được khối, chắc chắn mà vẫn mềm mại.
Thực sự tôi biết mặt ông là khi tôi vào học năm thứ nhất. Tôi được học ông vài giờ mỗi tuần. Nhưng không lâu sau, ông đã phải thôi dạy, nhường chỗ cho một giáo viên khác biết lấy lòng cấp trên hơn. Từ ấy, tôi không gặp lại ông...
Cho mãi mấy năm sau sắp ra trường, tôi mới lại được xem hai cuộc triển lãm riêng của họa sĩ. Vẫn toàn chỉ là tranh lụa! Có điều, từ bảng màu đến bố cục đã có những chuyển biến, những tìm kiếm mới. Triển lãm khá đông người xem, nhưng về mặt tài chính chỉ đủ cho họa sĩ trang trải những món phải chạy vạy trước để tổ chức cuộc trưng bày. Hồi đó, tự lo mở được một phòng tranh riêng là cả một nỗi vất vả, tốn kém...
Năm 1954, hòa bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh trở về thủ đô Hà Nội.Trong căn gác hẹp ngôi nhà 65, Nguyễn Thái Học, hàng năm lại thấy ông cho ra đời dăm ba tranh lụa mới, mới về cảm hứng, mới về dàn màu, nhưng vẫn là Nguyễn Phan Chánh như hồi nào: dồi dào sức sống, lạc quan, đằm thắm tình người.
Vào dịp mừng sinh nhật lần thứ 86 (1978) của nhà họa sĩ lão thành nhất trong giới mỹ thuật, Hội Mỹ thuật và Viện Bảo tàng Mỹ thuật phối hợp tổ chức một cuộc trưng bày hồi cố (rétrospeetive) về sáng tác của Nguyễn Phan Chánh gần nửa thế kỷ qua. Người xem tranh ông cảm nhận một sắc thái tinh thần toát ra rõ rệt và nhất quán. Đó là sự nhất quán trong sáng, không một chút gợn: nhất quán trong cảm xúc tạo hình, nhất quán trong tinh thần làm việc cần mẫn mà vẫn ung dung, nhất quán trong tình yêu chung thủy, chân thật, không ồn ào đối với đất nước quê hương, cũng là đối với Nghệ thuật, xuất phát từ một tâm hồn nghệ sĩ chân chính, trung hậu và đằm thắm.
Cả cuộc đời không mệt mỏi hiến dâng cho nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã đóng góp đặc sắc vào công cuộc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình dân tộc hiện đại Việt Nam nói chung và nghệ thuật tranh lụa hiện đại Việt Nam nói riêng.
Có thể nói: cuộc đời và nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh không khác nào "hương thơm của đất cày", hương của đất đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của con người, hương ấy không bao giờ phôi phai, luôn thường trực, lan toả và thấm đượm hồn người Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một không gian sôi động và yêu cầu bức thiết của thời đại tìm đường cứu nước, Nguyễn Phan Chánh đi vào nghệ thuật giữa khi ở Việt Nam nổi lên phong trào Âu hóa. Ở ngay cái thời điểm giao thời phức tạp ấy, ở ngay trong lãnh vực tình cảm tinh vi ấy, Nguyễn Phan Chánh nhân hậu và bằng lao động cần cù, bằng những sáng tạo đầu tay của mình, đã khẳng định bản lĩnh, cốt cách của người Việt Nam. Tài năng Nguyễn Phan Chánh đã biến những tác phẩm đầu tay của mình trở thành kinh điển, góp tiếng nói vào nghệ thuật thế giới.
Trầm mặc trong suy tư, đằm thắm trong tình nghĩa, bình dị nhưng đĩnh đạc trong ngôn ngữ hình thể, nghệ thuật tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không lẫn với nghệ thuật Ấn Độ hay Trung Hoa mà đậm đà bản sắc Việt Nam. Nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh quả là tấm gương phản chiếu trung thực tâm hồn của người con suốt đời gắn bó với đất nước của tổ tiên.
Cuộc đời thanh đạm, đức độ khiêm cung, tài năng và danh tiếng vượt xa ngoài biên giới đất nước, nhưng Nguyễn Phan Chánh vẫn luôn ôn tồn hòa nhã với lớp đồng nghiệp vong niên, vẫn thủy chung như nhất với nghệ thuật vẽ lụa, tạo thêm hương sắc của tâm hồn người Việt Nam./.