Người xứ Nghệ

Nỗi đau [đáu] của trực giác (Viết về Hoàng Ngọc Hiến)

 Chúng ta phải lưu tâm đừng có làm cho trí thức (intellect) thành Thượng đế của chúng ta; đương nhiên nó có cơ bắp mạnh mẽ đấy, nhưng không có personality.[1]

- ALBERT EINSTEIN

 

 

 Thưa! Tôi đang viết về văn học; tôi không hề có ý định viết về loài vật, cho dù là chúa sơn lâm, trong bài này. Cho dù, lượng bài viết về văn học ngập ngụa thế giới này đang rất rất cần tới bàn tay của một tân Tần Thủy Hoàng.

Tôi cũng không có ý định kể chuyện ngụ ngôn. Thế gian này chưa có thêm loài vật nào đáng kể hơn những con đã được nhắc tới trong truyện của Aesop hay thơ của La Fontaine, nhất là trong văn của cuồng nhân Mông Lại (mà người đời sau cứ hay kính cẩn lên là Trang Chu với cả Trang Tử).

Ấy thế nhưng, trước hết, tôi vẫn phải viết về sư tử. Như một bài học lớp vỡ lòng, cho đám đồng ấu.

Tất cả sư tử đều dòng hoàng tộc (đều “royal”), đều chúa sơn lâm, nhưng không phải sư tử nào cũng giống sư tử nào.

(Chuyện kể nghe có vẻ sốt ruột, ai đã qua tiểu học rồi thì thôi đừng đọc cũng được)

Nhân vật đáng chú ý nhất tất nhiên là con sư tử đực đầu đàn: mạnh mẽ, uy dũng, hùng tráng, lộng lẫy, quyền uy… như một bậc hoàng đế, như một danh tướng bất khả chiến bại. Như Alexandre Đại Đế, như Hannibal, như Caesar, như Thành Cát Tư Hãn, như Napoléon, như Quang Trung Nguyễn Huệ Hồ Thơm…

Thế nhưng, “The Lion King” lại chẳng bao giờ làm việc gì cả! Mọi việc đều do con sư tử cái (người ngợm nhỏ nhắn, quân dung giản phác như “bà nông dân”) làm tất: sinh con đẻ cái (dễ hiểu), săn mồi để “nuôi đủ 5 con với 1 chồng” như bà Tú Xương, tìm hang đặt ổ, đánh đuổi quân thù, bảo vệ giang sơn, bắt sưu thu thuế…

“The Lion King” dường như suốt ngày chỉ rong chơi, tắm nắng hóng gió, “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”… Suốt ngày chỉ lo chải chuốt bộ bờm cho cái dáng vẻ “Mr. Oai” thêm phần trịnh trọng, bệ vệ, hoành tráng. Rảnh thì vi hành quanh lãnh địa của mình vài vòng lấy lệ, cho thiên hạ biết “như ta đây”. Khi vào mùa, hưng phấn lên ngài làm tới vài ba chục lần một ngày khiến các “sexy Hà Đông lady” phải mê [mệt] tơi [bời].

Không lẽ “The Lion King” là tên playboy vô tích sự?

Dĩ nhiên không.

Ngài có một đại trọng trách mà kẻ nào không biết lại tưởng tầm thường: HỐNG!

Tất cả tinh túy, sức mạnh, quyền năng chỉ vào mỗi cái việc ấy.

Vậy việc ấy có cái ý nghĩa gì mà quan trọng?

Thật dễ hiểu: tiếng rống của “The Lion King” vang đến đâu thì vương quốc của ngài rộng đến đó, không có bọn hươu nai chồn cáo linh cẩu hay “bố già” nào khác dám xâm phạm. Vậy thì tiếng rống của ngài gồm đủ cả biên giới cương vực cột mốc, quốc ca quốc thiều quốc kỳ quốc hội… Là người phát ngôn bộ ngoại giao, là đài phát thanh, là sách trắng quốc phòng, là an ninh tổ quốc, là hòa bình thống nhất, là quyền sinh quyền sát, là kiểm duyệt tường lửa…

Biên giới trên biển trên bộ đã hoạch định xong rồi thì bọn sư tử cái với sư tử con cứ thế mà hưởng lộc, cứ thế mà ung dung hưởng độc lập - tự do - hạnh phúc.

Tất cả vương quốc đều sống nhờ vào những tiếng gầm của “The Lion King”, là vậy.

Linh nhiệm đến kỳ bí tột đỉnh là “Sư Tử Hống” là tên của một bộ kinh trong Phật pháp. Đó là gì?

Sư tử hống, Phạn ngữ Simhanada, là tiếng gầm của loài sư tử, vua của các loài thú. Kinh Phật dùng ảnh dụ này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức Phật như tiếng gầm rống của sư tử chúa, không những không sợ hãi bất cứ loài thú nào mà còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ, bị nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì sanh tâm kính phục, sợ hãi.[2]

Tôi lại vừa phát hiện là kinh Đại Bát Niết Bàn đã nói về 11 ý nghĩa của “sư tử hống” như sau:

Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to. Làm như thế là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ; sáu là vì muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dạy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình.

Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, Trí huệ là nanh vuốt, Bốn như ý túc là chân, đầy đủ Sáu môn Ba la mật là thân, Thập trí lực hùng mãnh là sức lực, Đại từ bi là đuôi an trụ, Tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sanh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực, mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sanh tử, giác ngộ chúng sanh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sanh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sanh, làm cho họ biết hàng Lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo Phú Lâu Na v.v… Làm cho hàng Nhị thừa sanh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ tát bực ngũ trụ cho họ sanh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiện hạnh, vươn vai mà ra. Muốn khiến các chúng sanh phá lòng kiêu mạn nên há ngáp. Vì khiến chúng sanh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sanh đặng Tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sanh đầy đủ Thi la Ba la mật nên rống như sư tử.[3]

Quả là thiên hạ này ai muốn múa mép đều cũng khó mà nhón bước qua bàn tay Phật! Trong 49 năm thuyết pháp, chắc rằng chẳng có vấn đề gì mà Ngài chưa từng bàn đến.

 

Thưa quý vị, tất nhiên, tôi đang viết về một con người: nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến.

Có nhiều nhận xét lộn xộn hay hình như ấu trĩ (hoặc “vồ hụt” [chữ của HNH]) về ông (các chỗ in đậm trong các đoạn trích ở bài này là tôi nhấn mạnh).

Có người nói:

Tuy nhiên, trong bài viết của mình, anh cũng để lộ cho thấy điểm yếu về mặt khái quát lý luận không dựa chắc trên cơ sở văn học sử và ngay bản thân lý luận cũng ít nhiều có tính chất tư biện. Chính tính chất tư biện này theo tôi mới là nguyên nhân chủ yếu gây nên những cuộc tranh cãi sôi nổi quanh bài viết của anh. Anh gọi ra đúng căn bệnh nhưng lại luận giải không chặt, không thật hoàn hảo, thấu đáo, nên bị phản ứng lại cũng là lẽ thường tình … Bất kỳ bài viết nào của anh cũng đều khoa học và đều có một chút gì đáng ngờ về mặt khoa học.

Lắm khi tên gọi và cái được gọi tên của anh không phù hợp, hoặc nội hàm khái niệm anh xác định còn khá mơ hồ, trừu tượng, không “vào” được thực tế.

Rồi thì:

Những quan niệm ông đưa ra bằng những cụm từ có tính triết học đã làm nên tên tuổi HNH và gây ra tranh cãi quanh tên tuổi ông … nhắc đến là thấy ra vấn đề, nhưng cũng rắc rối và phức tạp trong các vấn đề đó.[4]

Có người viết (như bố người ta, loại “bố láo”):

Ông Hiến là người thông minh, nhưng không có công trình khoa học nào đáng giá … Những bản dịch của HNH cũng rất trung bình, không đặc sắc. Còn các bài viết thì Hoàng Ngọc Hiến rất kém, còn rất xa mới bằng được Nguyễn Đăng Mạnh và các nhà phê bình nghiên cứu khác. Ông Hiến không có được một bài viết nào hoàn chỉnh. Nhưng ông lại rất tài nghĩ ra các thuật ngữ … Rất giỏi. Nhưng để triển khai, bảo vệ những câu lập ngôn của mình, ông viết và lý giải rất kém.[5]

Có người rằng:

Hoàng Ngọc Hiến hiện nay, cũng như một vài người khác ở ta…, khó mà phân định được là nhà gì: nhà triết, nhà phê bình, nhà dịch thuật hay nhà văn hóa? Thời đại khai minh khiến cho một số người có thực tài nhìn đâu cũng thấy cần phải khai quang. Họ trở thành nhà bách khoa bất đắc dĩ là vì vậy. Nhưng thời nào cũng có những con người dao pha, đa năng đến mức thành đa di năng.

Rằng:

Anh ít khi thuật một cách đủ đầy, có tính hệ thống, kể nội dung, mà thường chỉ tóm lấy một luận điểm nào đó, ấn tượng nhất, đẩy đến cùng cực, rồi diễn giải nó, phần nhiều theo ý mình, bằng các ví dụ bản thổ.

Làm học (và) thuật, dường như anh Hiến đã phản bội lại thiên tư lý luận của mình. Có thể, ở Việt Nam, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, làm lý luận thực sự là rất khó, cả ở điều kiện “tiên thiên” (người Việt không thích hoặc không có khả năng lý thuyết), lẫn “hậu thiên” (lĩnh vực lý thuyết luôn được coi như một đặc quyền của quyền uy chính trị). Hơn nữa, làm lý luận đòi hỏi sự dài hơi, dám trồng cây lâu niên. Liệu có thể vì thế mà anh chuyển sang công việc ngắn hạn hơn, phục vụ nhu cầu trước mắt, mang tính khai minh cho sinh viên và bạn đọc số đông. Nhưng ở vào thời buổi cũng đang cần đến những nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống, những chuyên gia cắm rễ vào một lĩnh vực, mà không phải ai cũng làm được, thì đó là sự phao phí.

Và rằng:

Còn bây giờ, khi đề cao minh triết phương Đông, anh đã đánh trúng tâm lý những người đương chán những lý thuyết duy lý và duy ý chí cực đoan, xơ cứng, và đáng lẽ đi tìm một lý thuyết khác nhu thuận hơn, thì lại muốn thoái lùi về tình trạng tiền lý thuyết.

Trong nội bộ hệ hình phê bình bị quy định bởi lề lối tư duy kinh viện Xô Viết thì phê bình Hoàng Ngọc Hiến là yếu tố nổi loạn nhất, có vẻ như chống lại hệ thống, nhưng do bản chất ấn tượng (phát biểu, nhận định, điểm nhãn, siêu lý luận) của nó, cho nên dù bao giờ cũng ở mép rìa của hệ thống, cũng không bao giờ thắng được sức hút của nó, để văng ra ngoài, gia nhập một hệ thống khác, tạo ra cuộc cách mạng hệ hình.[6]

Thậm chí, chưa kể những thắc mắc kiểu thế này:

Tôi không biết TS Hoàng Ngọc Hiến được phong GS từ khi nào? Ai biết chỉ cho tôi với.[7]

Làm gì có cái chi trên đời là hoàn toàn sai (bỏ qua trường hợp những người “cố tình sai” và “thiểu năng trí tuệ” trong thế giới quan của mình; vả lại, có một thực tế rất có thể là hãi hùng: những sinh vật “đáng gờm” không bao giờ biết nể sợ sư tử lại còn thoải mái tấn công chúa sơn lâm ấy chính là… ruồi muỗi – chúng không được trang bị bộ thính giác để nghe được tiếng của sư tử, chả hiểu sư tử là ai, đã thế lại chưa bao giờ vinh dự được sư tử tát), tức là tôi vẫn tôn trọng một số trong những ý kiến trên; nhưng, thưa các quý vị, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự “phân công lao động”, “thiên chức” hay “nghiệp” (karma) của mỗi cá thể.

Những đòi hỏi của một số trong các vị kể trên là dành cho các sư tử cái hay sư tử con, thậm chí là hươu nai gà vịt trâu bò, chứ không phải là việc của “The Lion King”.

Việc của “The Lion King” là luyện giọng, để sao cho chỉ cần gầm lên một tiếng, thốt lên một lời, là “thiên hạ đại định”. Mà, như các hiền nhân phương Đông đã từng “gầm”: không có cái đại định nào không xây nền trên cái đại loạn.

“Tiếng gầm của sư tử” cũng tựa như những tiên đề trong toán học, không thể chứng minh, và đến từ “trực giác”. Vua sư tử, chúa sơn lâm, càng cần có trực giác mãnh liệt mẫn tiệp nhất.

Trực giác là gì?

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Trung tâm Từ điển học và Nxb Đà Nẵng ấn hành, 2005) định nghĩa:

Trực giác (d hoặc đg). Nhận thức trực tiếp, không phải bằng suy luận của lí trí.

Thật thế không?

Mà phải chăng lý trí là vô địch, là “vũ khí hạt nhân”? Là chân lý tối thượng duy nhất đúng?

Loài có lý trí cao như con người đã chắc gì hơn loài kiến hay các loài khác khi mà có lúc cả triệu người phải chết vì sóng thần mà các loài khác thì chạy kịp? Có ai nghe đến chuyện các thiền sư thượng thặng sử dụng “tư duy trực giác” chưa? Hỡi những ai chưa từng dùng quá “ngũ giác”, chưa biết đến cái tạm gọi là “giác quan thứ 6” là gì.

Xin quý vị hãy nghe một khả giải khác, để tìm tới một trực-giác-khác[8]:

Trực giác là gì? Trực giác theo cách nào đó giống như bản năng, theo cách nào đó tuyệt đối không giống bản năng; theo cách nào đó giống trí tuệ, theo cách khác lại tuyệt đối ngược với trí tuệ. Cho nên bạn sẽ phải hiểu, bởi vì nó là điều tinh tế nhất trong bạn.

Trực giác giống như bản năng bởi vì bạn không thể làm gì về nó được. Nó là một phần của ý thức của bạn, cũng như bản năng là một phần của thân thể bạn. Bạn không thể làm gì được về bản năng của mình và bạn không thể làm gì được về trực giác của mình. Nhưng cũng như bạn có thể cho phép bản năng của mình được hoàn thành, bạn có thể cho phép và trao toàn bộ tự do cho trực giác của mình được hoàn thành. Và bạn sẽ ngạc nhiên bạn đang từng mang loại quyền năng nào bên trong mình.

Trực giác có thể cho bạn câu trả lời về câu hỏi tối thượng - không bằng lời mà bằng sự tồn tại.

Bạn không cần hỏi, "Chân lí là gì?" - bản năng sẽ không nghe đâu, nó điếc. Trí tuệ sẽ nghe, nhưng nó chỉ có thể triết lí hoá; nó mù, nó không thể thấy được.

(Trần Nghi Hoàng thêm: “Và chân lí được trí tuệ lí giải là thứ chân lí chỉ nằm trong ảo giác tưởng nghĩ, vì nó đã không được nhìn thấy mà chỉ được phân tích.”)

Trực giác là người thấy, nó có mắt. Nó thấy chân lí, không có vấn đề nghĩ về nó.

Bản năng và trực giác cả đều độc lập với bạn, Bản năng ở trong quyền lực của tự nhiên, của tự nhiên vô ý thức, còn trực giác là ở trong tay của vũ trụ siêu ý thức. Ý thức đó bao quanh toàn thể vũ trụ, là đại dương tâm thức mà chúng ta chỉ là những hòn đảo nhỏ - hay rõ hơn, những tảng băng, bởi vì chúng ta có thể tan chảy vào trong nó và trở thành một với nó.

Theo cách nào đó trực giác đích xác là cái đối lập với bản năng. Bản năng bao giờ cũng dẫn bạn tới người khác; sự hoàn thành của nó bao giờ cũng phụ thuộc vào cái gì đó khác bạn. Trực giác dẫn bạn chỉ tới bản thân mình. Nó không phụ thuộc, không cần người khác; do đó mới có cái đẹp của nó, tự do của nó và sự độc lập. Trực giác là trạng thái được tôn cao lên, không cần cái gì. Nó tràn đầy bản thân nó tới mức không có không gian cho bất kì cái gì khác.

Theo một cách nào đó trực giác cũng giống như trí tuệ bởi vì nó là thông minh. Trí tuệ và thông minh là tương tự nhau ít nhất cũng ở dáng vẻ, nhưng chỉ ở dáng vẻ thôi. Người trí thức không nhất thiết là thông minh, và người thông minh không nhất thiết là trí thức. Bạn có thể thấy người nông dân thông minh tới mức ngay cả giáo sư lớn, nhà trí thức lớn, sẽ trông như người lùn Picmê trước người đó.

Hầu hết những người trí thức đều không thông minh bởi vì họ không phải thông minh. Trí tuệ của họ, tri thức của họ, là đủ rồi. Nhưng người không có tri thức, không trí tuệ và không giáo dục, thì lại phải tìm thông minh nào đó ở bên trong bản thân mình; người đó không thể nhìn ra ngoài được. Và bởi vì người đó phải phụ thuộc vào thông minh của mình, thông minh bắt đầu phát triển.

Cho nên trực giác có cái gì đó tương tự với trí tuệ, nhưng nó không phải là trí tuệ. Nó là thông minh.

Sự vận hành của trí tuệ và thông minh là hoàn toàn khác nhau. Trí tuệ vận hành qua các bước, từng bước một. Nó có thủ tục, phương pháp luận. Nếu bạn đang làm bài toán trong toán học, thế thì có các bước phải tuân theo.

Trực giác vận hành trong bước nhảy lượng tử.

Nó không có thủ tục phương pháp luận, nó đơn giản thấy mọi thứ.

Nó có mắt để thấy.

Nó thấy những thứ mà bạn chưa bao giờ nghĩ như là một đồ vật - chẳng hạn, tình yêu. Bạn chưa bao giờ nghĩ về nó như một đồ vật. Nhưng con người của trực giác có thể thấy liệu có tình yêu trong bạn hay không, liệu có hoài nghi trong bạn hay không. Nó có thể thấy chúng cứ dường như đây là các đồ vật.

Trong tầm nhìn của tôi, trực giác giữ vị trí cao nhất. Đó là nơi tôi đang cố gắng đẩy bạn.

Một vô thức không rõ ràng đang cản trở bạn. Hãy lau sạch nó đi; và cách thức lau sạch nó là thoả mãn nó, là thoả mãn nó nhiều tới mức nó bắt đầu bảo bạn, "Xin dừng lại thôi! Đã nhiều hơn mức tôi cần rồi." Chỉ thế thì hãy rời khỏi nó. Và với điều đó, trí tuệ của bạn được rót đầy với luồng năng lượng tươi tắn, cái biến thành thông minh. Thế thì năng lượng này cứ nảy sinh và mở ra những cánh cửa của trực giác. Thế thì bạn có thể thấy những điều không thấy được đối với con mắt vật lí của bạn, những điều thậm chí không phải là đồ vật.

Tình yêu không phải là đồ vật, chân lí không phải là đồ vật, tin cậy không phải là đồ vật, nhưng chúng là thực tại chỉ cho trực giác, chúng mang tính tồn tại. Và một khi trực giác của bạn vận hành, bạn lần đầu tiên mới là con người thực sự.

Với vô thức bạn là con vật. Với ý thức bạn không còn là con vật nữa. Với siêu ý thức bạn là người.

"Trên tất cả là chân lí của người, và trên điều đó không có gì cả."

Một khi bạn đã đạt tới tiềm năng con người trong việc nở hoa toàn bộ của nó, bạn đã về tới nhà.

(Đọc xong đoạn trên có lẽ ta đã rõ cái động cơ “đi về” minh triết của ông sau này)

Cái đó có thể gọi là TRỰC GIÁC CỦA THƯỢNG ĐẾ.

Và có lẽ Hoàng Ngọc Hiến luôn đi tìm cái đó. Với niềm đau đáu (trong “đau đáu” thì “đau” có trước, thế mới xé lòng [nguyên nhân của căn bệnh ung thư đại tràng, mà vì nó ông vừa phải cắt đi nửa mét ruột?]).

Chính trong những moment thốt nhiên tìm được, ông mới để lại những-tiếng-gầm, cùng với chúng là những đường biên giới mới của văn học. Phát súng đâu tiên phải là: “CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHẢI ĐẠO”. Hoàng Ngọc Hiến có nói rằng “phải đạo” (“Tôi chỉ cần một chữ là đủ sống đời.” – lời HNH) đây chính là cái thuật ngữ bên trời Tây: politically correct.

Hãy nghe Phạm Xuân Nguyên diễn giải:

Năm 1979, báo Văn Nghệ số 23 đăng bài viết “Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua” của Hoàng Ngọc Hiến. Một bài báo đã làm lao đao số phận người viết ra nó, nhưng cũng đã đem lại vinh quang cho tác giả. Vinh quang của người đi tiên phong đổi mới tư duy nghiên cứu văn học, mà rộng ra là tư duy chính trị học thuật của cả một thời. Niềm vinh quang cay đắng! … Đặc điểm cơ bản, bao trùm của văn học suốt cả giai đoạn vừa qua, tức là văn học chiến tranh, theo Hoàng Ngọc Hiến, đó là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Dưới tên gọi đó tác giả gợi chúng ta cách hiểu là: trong văn học, phạm trù cái cao cả lấn át các phạm trù khác, sự ưu tiên vượt trội của việc thể hiện cái phải tồn tại đối với việc miêu tả cái đang tồn tại, tác phẩm bị quy về yếu tố xã hội nhiều hơn là yếu tố nghệ thuật. Hoàng Ngọc Hiến còn đi xa hơn, anh khơi tìm căn nguyên nguồn gốc tạo nên thứ “văn học phải đạo” ấy ở thế thái nhân tình của một thời qua, khi lối tư duy về con người – đối tượng chính của văn học – chỉ dừng lại ở những tập hợp dấu hiệu, đặc tính bề ngoài và sự thỏa mãn bằng lòng với kết luận muôn thuở “về cơ bản là tốt”…[9]

Còn chính Hoàng Ngọc Hiến thì bộc bạch trong một bài phỏng vấn:

Khái niệm ấy không mang tính thóa mạ, nó rất hiền lành, nhưng gẫm ra thì nó nhếch nhác, buồn cười lắm. Cái nước mình nó như thế.

Rồi là: “VĂN HỌC DƯƠNG TÍNH”

Phạm Xuân Nguyên có trình bầy:

Qua lý thuyết “âm-dương”, anh muốn đạt cho kỳ được một điều này: văn học trước đây dương thịnh âm suy, bây giờ cần phải để cho văn học được dương suy âm thịnh.[10]

Đỗ Lai Thúy thì bảo:

Hoàng Ngọc Hiến bắt chết hiện trạng văn học bao cấp này bằng những định ngữ thần tình như chủ nghĩa hiện thực phải đạo, nền văn học dương tính… Người đọc bấy giờ đang sống trong bầu khí khô hạn đón nhận ngay lập tức cơn mưa kịp thời (cập thời vũ) này. Hoàng Ngọc Hiến, quả thực, cũng là một thứ Tống Giang cho những bút mới như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh.[11]

Có một điều trớ trêu lắm. Ấy là có phát hiện rằng cái dòng “văn học dương tính” ấy lại là một dòng văn học bị thiến (một cách triệt để, không sót).

Rồi là những: “VĂN HỌC BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN”, “TÁC PHẨM CÓ ĐÁY”, “TÁC PHẨM KHÔNG CÓ ĐÁY”, “KỂ LẠI NỘI DUNG”, “VIẾT NỘI DUNG”

Phạm Xuân Nguyên rằng:

Trường hợp với truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh mà anh cho rằng nó đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ “văn học sám hối” để chuyển sang thời kỳ “văn học bước qua lời nguyền” thì người đọc rất hiểu anh cũng đâm nghi hoặc không biết nên hiểu anh thế nào cho đúng. Về mặt đặt tên, gọi tên cho một tác giả, một tác phẩm, một hiện tượng văn hóa văn học kiểu như thế, thì Hoàng Ngọc Hiến rất có tài. Trên đây đã nói đến cái tên “phải đạo”. Gần đây anh còn có: tác phẩm “có đáy” và “không có đáy”, tác phẩm “viết nội dung” và “kể nội dung”…[12]

Rồi thì: “TRÍ TUỆ CỦA TRÁI TIM”, “NGHỆ THUẬT LỚN THƯỜNG LÀ Ở SỰ GIAO CẮT GIỮA HIỆN THỰC VÀ ‘TUYỆT ĐỐI’”, “CÁI NƯỚC MÌNH NÓ THẾ!”

Đã có mấy sư tử trên đời này phủ sóng được trên từng ấy đường biên của các lãnh địa??

Thật lòng, tôi cũng là người ủng hộ “trí tuệ của trái tim”, và, hoàn toàn đồng ý rằng “nghệ thuật lớn thường là ở sự giao cắt giữa hiện thực và ‘tuyệt đối’”. Đây là hai vấn đề khó mà trình ra được trong vài đoạn văn, xin khất quý vị được quay lại trong một bài khác vậy. Tôi thật tình xin lỗi. Nhưng, nếu quý vị vận dụng “trực giác” và “minh triết Việt” cho “tới”, thì câu trả lời đã ngay tức khắc hiển hiện ra trong “tâm” rồi vậy. Quý vị ngẫm xem có đúng không?

Đã có không ít nghệ sỹ sáng tạo (ở vùng văn học “miền Bắc”, cái “vùng” vẫn đang “nàm mưa nàm gió” trên “văn [bầy] đàn chính thống” của cả nước hiện nay) đã phải thốt lên rằng là nếu không có những tiếng gầm ấy, những đường biên mới ấy, thì họ đã không thể viết được cái gì cả. Trước khi “The Lion King” cất lên tiếng gầm đầu tiên, tất cả đã chìm trong bế tắc, không biết phải viết thế nào, không biết phải làm gì để trải lòng mình. Những người phải cảm ơn ông nhiều ít có rất nhiều, trong số họ có tên Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhương, Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Y Phương, Trần Quang Quý, Văn Chinh, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Dương Thuấn, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh… và cả Dư Thị Hoàn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh.

Sau cú gầm “Cái nước mình nó thế!” (ông có giải thích cụ thể hóa thêm bằng một mệnh đề tiếp sau đó: “Nông dân và trẻ con!”) khi trả lời phỏng vấn của Phạm Thị Hoài, thì cả văn giới (và các giới khác) trong và ngoài nước đều xao động. Người Việt ta thốt lên câu này của ông trên khắp các châu lục. Đơn giản vì nó xác đáng trong mọi trường hợp dụng ngôn, theo “ngữ dụng học”.

Nguyễn Đăng Mạnh cung cấp thêm những tiếng gầm khác của “The Lion King”: “Tiếng Việt là một nguồn sướng thường xuyên của tôi. Nghe một câu tiếng Việt dí dỏm, sướng; đọc một trang tiếng Việt ngon lành, sướng; tìm được một từ Việt đích đáng, sướng.”, “Xúng xính chuyên môn”, “Xúng xính khoa học”, “Xúng xính mũ cao áo dài”, “Bõ hờn”, “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc!”

Và, cái câu nói mà hầu khắp mọi người, mọi nơi vẫn dẫn ra khi bàn về việc đào tạo các trí thức “mới” ở Việt Nam trong suốt một thời gian dài, rằng “dắt một con bò sang Liên Xô nó cũng đỗ phó tiến sỹ” được cho là của chính Hoàng Ngọc Hiến.

Với chân dung các nhân vật trong giới văn chương, “The Lion King” cũng chỉ cần “gầm” một tiếng là… “xong”! Chẳng hạn:

Về nhà nghiên cứu A.: “Con tằm nó ăn dâu rồi nhả ra tơ; nhưng A. thì ăn dâu rồi nhả ra… dâu!”

Về nhà lý luận phê bình B. thì: “B. viết lý luận kiểu… tháo tỏng.”

Cùng nhiều cú thú vị khác nữa về các vị khác nhưng chẳng [đại] tiện mà kể ra hết.

 

Cũng phải trình bầy thêm về những ý kiến của các nhà khác nói về ông.

Như là Tiến sỹ tâm lý học hàng đầu Phạm Hoàng Gia:

Tôi chưa thấy ai giảng Freud – một lý thuyết rắc rối và đầy rẫy sự đáng ngờ, mà giảng sáng rõ như anh Hiến.

Như là thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo:

18 tháng 11 năm nay Khoa sáng tác - LLPB Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm Trường Đại học Viết Văn Nguyễn Du. Chả là thời đầu, trường Nguyễn Du chỉ là một khoa của ĐH Văn hóa. Qua nhiều biến động: khoa, trường, khoa... rồi chắc lại về trường riêng mới phải.
Vâng, mới đó mà đã 30 năm. Mỗi lần được mời trở lại giảng bài cho  học viên ở đó, tôi lại nhớ về những người thầy thời chúng tôi học khóa 1 (1979-1982), đặc biệt thầy Hoàng Ngọc Hiến là thầy chủ nhiệm đầu tiên. Thầy là linh hồn của cái trường mới này. Với tài và tâm lớn, thầy quy tụ và mời được nhiều người tài giỏi (được gọi là "có vấn đề") đến giảng bài. Thầy Hiến lại rất quý tôi và coi tôi như em, thậm chí như bạn vong niên, nên thầy bảo tôi gọi thầy bằng "anh". (Thầy Trần Quốc Vượng, thầy Hồ Ngọc Đại hay thầy Mạnh... cũng vậy). Theo tôi, Anh Hiến là một người rất giỏi đưa ra vấn đề mới, có khi mới quá làm người ta phải tranh cãi, phản biện, thậm chí "đánh hội đồng", nhưng rốt cuộc thì những vấn đề ấy lại tồn tại có ý nghĩa khai mở. Trong khi người ta đang tranh cãi thì Anh lại đã chuẩn bị để tung ra một vấn đề mới khác...

Nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy (thú thật: tôi đang định phong ông là “sư tử cái” – nhân vật có quyền lực thực sự trong đàn sư tử [cả Hà Đông lẫn Hà Tây] {tất nhiên là lại phải xin hẹn một bài viết khác}) thì thủ thỉ:

Kể từ khi nghethấy đó, anh Hiến trong tôi mang dấp dáng một thần tượng. Bởi vậy, sau 1981, khi ra quân để tái hòa nhập vào xã hội giao tiếp, tôi bao giờ cũng dõi theo anh. Và đặc biệt nghĩ về anh như một ca, thậm chí một đại ca, của làng phê bình văn học Việt Nam đương đại. … Tuy nhiên, biết bao người được học hành tử tế như, thậm chí hơn, Hoàng Ngọc Hiến, nhưng không trở thành một người như anh. Hẳn họ thiếu một tố chất quan trọng, chất Hoàng Ngọc Hiến. Cần cù và có tính mục đích cao thì đó là sản phẩm chung của thổ người xứ Nghệ. Liệu có phải đặc trưng riêng của Hoàng Ngọc Hiến là chủ nghĩa độc đáo? Hay lỳ lợm? Có lẽ người làm phê bình ở Việt Nam ít nhiều cũng buộc phải lỳ lợm? Nếu không làm sao trụ nổi? Anh Hiến hẳn là một người lỳ được đánh số. Một thứ lỳ dựa trên sự thông minh, sắc sảo, cần cù và gàn bướng. … Anh ít khi thuật một cách đủ đầy, có tính hệ thống, kể nội dung, mà thường chỉ tóm lấy một luận điểm nào đó, ấn tượng nhất, đẩy đến cùng cực, rồi diễn giải nó, phần nhiều theo ý mình, bằng các ví dụ bản thổ. Nhưng chính sự chống lại lược thuật một cách hệ thống, chống lại lối tư duy kinh viện con tằm ăn lá dâu rồi nhả ra tơ… này lại tạo ra sự độc đáo Hoàng Ngọc Hiến.[13]

Thật có duyên đồng cảm, tôi vừa đọc thấy nhà lý luận phê bình Nguyễn Hưng Quốc bên Úc châu cũng có đánh giá về Hoàng Ngọc Hiến và Đỗ Lai Thúy thế này:

Cả hai người đều là những cây bút thông minh, uyên bác và tài hoa nhất trong thế hệ của họ ở trong nước; cả hai đều có những đóng góp nhất định trong sinh hoạt phê bình và lý luận văn học Việt Nam.[14]

Và đây là lời của “chiến hữu” François Jullien:

Hoàng Ngọc Hiến là một trí thức Việt Nam lớn, không những ông đã đấu tranh với đế quốc thực dân liên tiếp trong nhiều cuộc mà ông còn tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa phải đạo trong hệ tư tưởng. Cao tuổi như ông cũng là cái tuổi của minh triết, duy trên bộ mặt của ông bao giờ cũng có sự mãnh liệt của cảm xúc, của xác tín. Có lẽ ông đã yên vị nhưng ở ông chẳng có gì là nhẫn nhục. Ông “yêu nước”, đại loại người ta  nói vầy vậy chẳng mấy quan tâm đến ý nghĩa của câu nói. Ông muốn truyền lại cho những thế hệ kế cận và với một tinh thần sốt sắng, ông muốn truyền lại cho tất cả những người đương chức đương quyền; và nếu như ông quan tâm đến công việc của tôi (ông đã theo sát từ mươi lăm năm nay), đó là bởi vì ông thấy nền văn hóa Việt Nam ở vào một tình thế hiểm nghèo.[15]

Nhân dịp sinh nhật ông 80 tuổi (21/7/2010), Hội Nhà văn Nga hùng hậu đã có bức thư chúc mừng hiếm hoi, có đoạn:

Ông đã từng, đã là và sẽ là chiến sĩ bảo vệ chân lý trong nền nghệ thuật và văn học xa lạ với mọi thứ minh họa và phải đạo.

Trong các truyện ngụ ngôn đều có cái motif “sư tử về già”, lúc ấy thì bọn chồn cáo cũng tát được sư tử. Thế nhưng, “The Lion King” Hoàng Ngọc Hiến vẫn lừng lững đi lên trên những mặt trận cũ-mà-rất-mới: minh triết và minh triết Việt; ngoài ra, ông còn cùng với bạn đồng hành người Mỹ gốc Do Thái Frederick Turner (bà Tố Nga, phu nhân Hoàng Ngọc Hiến, có lời phán: “Thằng già này cứ gặp bọn Do Thái là chúng nó bện vào nhau ngay!”) cổ xúy chủ nghĩa Tân-cổ điển, và rồi là chủ nghĩa Cổ điển Tự nhiên. Thiết nghĩ, chúng ta cũng đừng dại mà bỏ qua “lời người già”.

Mà nhất là, “người già” ấy lại mới phát hiện ra: cả cuộc đời cứ nghĩ rằng “địa ngục ở bên ngoài”, bây giờ đọc Phật và minh triết mới biết “địa ngục ở bên trong”. Bài học ở đây: phải làm sao để cho các trí thức (cũng như phỉ-trí thức [Hoàng Ngọc Hiến có nói: “Sau cách mạng thì một ông giáo viên cấp một là trí thức.”]) không phải đợi đến tuổi 80 mới biết điều kỳ diệu đó của tri thức, biết “vượt qua ngã chấp” (lời HNH) như ông.

Tuy nhiên, mặt khác thì cũng không nên ép buộc sư tử già phải học những trò chơi mới của đám trẻ đang bầy ra (hình như người Anh đã có câu thành ngữ rất đúng về chuyện này). Nhưng, riêng tôi, nếu có trở thành tiểu thuyết gia thì đó là do sự phát hiện của ông trước hết. Ông đã bảo tôi nên viết một cuốn tiểu thuyết, sau khi ông đọc truyện ngắn “ma nhòa” tôi viết xong vào Rằm tháng 7 năm 2007. Kết quả của lời “hướng đạo” đó là cuốn tiểu thuyết 900 trang 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] mà tôi đã hoàn thành sau gần 3 năm.

Những người sáng tác phần nhiều đều như bơi giữa sông giữa biển, còn các nhà lý luận phê bình rất có thể là những ngọn hải đăng, những bến sông hay hải cảng. Riêng Hoàng Ngọc Hiến là một cảng trung chuyển quốc tế lớn (“GLOBAL HUB”[16]).

Bài này là ý kiến riêng tôi, còn các bài khác nữa về Hoàng Ngọc Hiến thì có vô vàn, quý vị không thể không tìm đọc. Dẫu sao thì Hoàng Ngọc Hiến cũng là nhân vật “thực thực ảo ảo” đã và đang đi vào huyền thoại, một ngôi “nhà” khác thường không giống những cái gọi là nhà theo quan niệm thông thường (như là “công trình xây dựng có mái, có tường vách để ở hay để dùng vào một việc nào đó” mà Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học đã “định nghĩa” {tại sao tôi vừa dùng ngoặc kép lại vừa in đậm nửa từ này, cũng là vì tôi thấy nó khá cần cho đám học sinh tiểu học nhưng mà cũng rất đáng kinh tởm nếu người ta cứ lạm dụng nó mãi; tại sao thế thì chắc là cũng cần phải viết ít nhất một bài khác}), không dễ mà luận một tiếng là xong nếu không có một ngòi bút biến ảo khôn lường đến mức khiến thiên hạ “chán chường”.

 

10/7/10 - 11/1/11

 

 


[1] Nguyên văn: “We should take care not to make the intellect our god; - it has, of course, powerful muscles, but no personality.” Câu dịch ra tiếng Việt ở đây là của Hoàng Ngọc Hiến.

[2] Tiểu kinh Sư Tử Hống, kinh số 11, Trung Bô I.

[3] Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập II, HT.Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn Giáo, 2003, tr.196.

[9] Phạm Xuân Nguyên, “Người làm văn học đích đáng”.

[10] Nt.

[11] Đỗ Lai Thúy, “Hoàng Ngọc Hiến và triết lý hai bàn chân”.

[12] Phạm Xuân Nguyên, “Người làm văn học đích đáng”.

[13] Đỗ Lai Thúy, “Hoàng Ngọc Hiến và triết lý hai bàn chân”.

[14] Nguyễn Hưng Quốc, “Văn hóa chú thích”.

[15] François Jullien, “Le Pont des singes” - Gallilée, 2010.

[16] “HUB is a central uniting place for people and organizations to come together and move our world from a place of survival, through self-empowerment, to sustainability on all levels…” Xin xem thêm tại: http://uk.answers.yahoo.com/question/index?qid=20090211125531AAEcH2f

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114508862

Hôm nay

2177

Hôm qua

2424

Tuần này

21716

Tháng này

215735

Tháng qua

121356

Tất cả

114508862