Những góc nhìn Văn hoá

Một bài thơ dịch "Hoàng Lạc Lâu" của Vũ Hoàng Chương

Bài thơ lừng danh Hoàng Hạc lâu黃鶴樓 của nhà thơ Trung Quốc đời Đường Thôi Hiệu崔顥 thì ai mà chẳng biết:

黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Bản dịch nổi tiếng của Tản Đà có dễ còn được người Việt biết nhiều hơn:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Trước Tản Đà, hình như Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục mới là người dịch đầu tiên bài thơ này trên Nam phong tạp chí năm 1923, nhưng có lẽ cái cách hạ một chữ trắc ngang ngược của ông ngay cuối câu đầu vẫn không sao địch nổi giọng tài hoa của “Túy Ông” Nguyễn Khắc Hiếu, nên dần dà người ta đã quên mất bản dịch đi đầu:
Người tiên xưa cưỡi hạc vàng cút,
                   Ở đây chỉ những lầu hạc trơ.
                             Hạc vàng đã cút chẳng về nữa,
                            Mây trắng nghìn năm còn phất phơ.
                            Sông bọc Hán Dương cây xát xát,
                            Cỏ liền Anh Vũ bãi xa xa.
                            Ngày chiều làng cũ đâu chăng tá?
                            Mây nước trên sông khách thẫn thờ!1
Sau tiếng vang của bài thơ Tản Đà, tưởng ai cũng đành phải nhường bước, ngờ đâu lại như một kích thích cho nhiều thế hệ kế tục đua tài với ông. Họ không nghe theo Lý Bạch nhắc nhở: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”; dầu người nào cũng đã một lần đến chiêm ngưỡng và tấm tắc trước lâu đài thơ của sông Đà núi Tản, kẻ trước người sau vẫn cứ muốn thử thách bút lực của mình.         
 Có Ngô Tất Tố:
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng,
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.
Trần Trọng Kim:
Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưa một lầu.
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.
Trần Trọng San:
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời, mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy,
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
                   Nguyễn Khuê:
Cưỡi hạc người xưa đi đã lâu,
Còn đây Hoàng Hạc chỉ trơ lầu.
Hạc vàng biền biệt từ xưa ấy,
Mây trắng lững lờ đứng mãi sau.
Sông tạnh Hán Dương cây lắng bóng,
Bãi thơm Anh Vũ cỏ tươi màu.
Chiều buồn quê cũ nơi nào nhỉ?
Khói sóng trên sông giục khách sầu.
Khương Hữu Dụng:
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi !
Hạc vàng một đi đã đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ?
Khói sóng trên sông não dạ người.
Vân vân...
Đặc biệt, trong số người không ngại “vận bút” để làm cái chuyện “dịch là diệt” có cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Bài thơ dịch của họ Hoàng cũng đã nhiều người biết, tuy chưa phổ biến thật rộng. Một cách dịch thoát sáo, tưởng xa nghĩa nhưng lại lắng đọng được thi vị, và nhất là có những ẩn ngữ đầy “tâm trạng” không kém gì tiếng lòng của nhà thơ họ Thôi:
Xưa hạc vàng bay vút bóng người,
Đây Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mất,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
          Sao lại cô đơn đến mức “Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi”? Và ai là “cánh hạc vàng” trong con mắt thi nhân mà “Vàng tung cánh hạc đi đi mất”? Ai khiến cho thi nhân sầu nhớ như chực vỡ òa nước mắt trong câu thơ cuối cùng? Tôi cứ thắc mắc mãi mà không giải đáp được cho mình. May mắn gần đây được bạn Đặng Tiến ở Pháp gửi cho một tấm hình chụp lại nguyên thủ bút của Vũ Hoàng Chương:
Thì ra, không biết bài thơ được dịch từ bao giờ nhưng đích thân họ Vũ đã chép nó vào ngày 6 tháng 12 năm 1975, tặng người bạn vong niên đang ở quá xa là nhà bình thơ Đặng Tiến. Gần sát cái Tết dương lịch năm 1976, người thơ da diết nhớ bạn và đặt mình vào hoàn cảnh bạn khi ngồi trên bờ một con sông xứ người nào đấy chắc cũng rất đơn chiếc mà nhớ thương về cố quốc: “Gần xa chiều xuống đâu quê quán / Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!”. Ngôn từ bài thơ dịch quả gợi cảm hứng tuyết lạnh một buổi chiều hửng nắng ở Tây Âu. Tuy nhiên... chợt đọc lại ngày tháng chép thơ. Ôi, ngày 6 tháng 12 năm 1975. Tôi cũng ở Sài Gòn đúng trong những ngày đó. Một mùa đông lạnh hơn hẳn những mùa đông khác của phương Nam nắng ấm. Còn nhớ đêm nằm trong nhà người bà con ở 362 đường Hòa Hảo, đắp một chiếc chăn dạ mà vẫn rét run không ngủ nổi. Không chỉ thế. Tôi đã đến chơi nhà nữ sĩ Mộng Tuyết trên đường Nguyễn Minh Chiếu, nơi cách đó ít lâu gia đình Vũ Hoàng Chương tạm cư ngụ. Tôi biết lắm, ngày này, thi nhân và dịch giả Vũ Hoàng Chương cùng khá nhiều trí thức Sài Gòn cũ đang sống trong tột cùng thấp thỏm, chưa rõ trắng đen về thân phận của mình. Cái tết năm đó - năm Bính thìn 1976 - ông có bài Vịnh bức tranh gà lợn:
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành,
                                      Gà lợn, om sòm rối bức tranh.
                                      Rằng vách có tai, thơ có họa,
                                      Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh.
                                      Mắt gà huynh đệ bao lần quáng,
                                      Lòng lợn âm dương một tấc thành.
                                      Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn,
                                      Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
Đã từng sống trong không khí cải cách ruộng đất đợt V hồi 1955 ở Khu IV, tôi thấu hiểu nỗi sợ đến khủng khiếp về một cái gì không ra ngô ra khoai, “Sáng chưa sáng hẳn tối không đành”, về sự chờ đợi trong nặng nề khắc khoải, phải đếm từng giây phút một cho bớt cô đơn lạnh lẽo mà Vũ Hoàng Chương từng sống. Tôi cũng đã chứng sống cái nỗi niềm rất khó bộc bạch: “Lòng lợn âm dương một tấc thành” của gia đình mình. Một tấc thành mà không biết tỏ cùng ai, vì chẳng biết “lòng ai đỏ mắt ai xanh” (một tấm lòng đỏ và một con mắt xanh đối với người nghệ sĩ mới cần thiết làm sao!) nên nhìn đâu cũng lấm lét, làm gì cũng ngó trước ngó sau: “Rằng vách có tai, thơ có họa/tai họa”. Đúng là những ngày ấy Vũ Hoàng Chương đang như Từ Thức ngay chính trên quê hương xứ sở của mình. Phải: “Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu / Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi”. Chỉ có ông với một mình ông.
          Cảm thán cho Vũ Hoàng Chương thì cũng chỉ là vô ích vì ông đã là một cánh hạc vàng đi mất đến ba mươi năm có lẻ rồi. Chi bằng hãy bắt chước ông, vắt óc trước bài thơ của chàng Thôi Hiệu để “thôi xao” ra những vần dịch mới. Tôi đã gắng làm như thế, cũng xin coi là một bài thơ tặng những người bạn xa - rất xa ở Mỹ ở Âu - trong đó có Đặng Tiến:
Hạc vàng người trước cưỡi đi rồi,
Lầu trống còn tên Hoàng Hạc thôi.
Một thuở hạc vàng không trở lại,
Nghìn năm mây trắng vẫn đang trôi.
Hán Dương cây đứng soi sông sáng,
Anh Vũ cỏ non biếc bãi bồi.
Chiều tối quê hương nhìn chẳng thấy,
Trên sông khói sóng dạ bồi hồi.
                                  Hà Nội 21-1-2007
 
1 Tác giả có lời Cảm ơn TS Nguyễn Văn Hiệu đã đọc giúp cho bài thơ khó nhớ này.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513515

Hôm nay

2301

Hôm qua

2315

Tuần này

21452

Tháng này

220388

Tháng qua

121356

Tất cả

114513515