Những góc nhìn Văn hoá

Xã hội học văn học, lĩnh vực nghiên cứu văn học đặc thù

Xã hội học văn học (XHH VH), ngay từ tên gọi đã thể hiện là một bộ môn khoa học nghiên cứu đối tượng văn học có liên quan đến xã hội nói chung và xã hội học nói riêng.

Tuy nhiên trả lời cho câu hỏi " xã hội học văn học là gì?" một cách thoả đáng không phải là đơn giản. Lý do đầu tiên có lẽ là vấn đề này có lịch sử lâu đời và hiện diện trong mọi nền văn hoá, nhưng việc nghiên cứu một cách khoa học thì chỉ mới bắt đầu từ cách đây không lâu. Điều đó có lẽ là do bản thân định nghĩa văn học cũng phức tạp, và mỗi nhà nghiên cứu lại có những quan điểm riêng về văn đề này.

Như chúng ta đã biết, chuyên ngành “xã hội học” là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam so với các chuyên ngành khác thuộc khoa học xã hội khác. Đồng thời, có thể thấy rằng hầu như không thể tìm thấy mục từ “xã hội học văn học” trong các sách liên quan đến xã hội học, có nghĩa là XHH VH không thuộc phạm vi nghiên cứu của XHH. Chúng ta có thấy điều đó qua một số sách của các tác giả Việt Nam, cũng như một số sách được dịch ra tiếng Việt: Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Từ điển xã hội học[1], Nxb Thế giới, 1994; Nguyễn Sinh Huy, Xã hội học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nôi, 1997; Chung Á, Nguyễn Đình Tấn, Nghiên cứu xã hội học, Nxb Chính trị Quốc gia, 1997; Lê Ngọc Hùng, Lịch sử & lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002; Vũ Quang Hà, Các lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2 tập, 2002; Phạm Tất Dong, Nguyễn Sinh Huy, Đỗ Nguyên Phương, Xã hội học đại cương, Nxb Thống kê, 2004; E.A. Capitonov, Xã hội học thế kỷ XX (Nguyễn Quý Thanh biên dịch từ nguyên bản tiếng Nga),Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2000.

Năm 2002, Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản Từ điển xã hội học dày 910 trang, được dịch từ tiếng Đức do G. Endruweit và G.Trommsdorg chủ biên. Từ cuốn này, trong mục từ “xã hội học văn học”, tác giả  Hans Norbert Fšgen đã viết như sau: “Xã hội học văn học với tư cách một bộ môn xã hội học đặc thù, không phải là một ngành khoa học thống nhất về đối tượng, cách đặt vấn đề và phương pháp. Có ba cách tiếp cận quan trọng trong cuộc tranh luận của ba mươi năm gần đây: cách tiếp cận mác xít, cách tiếp cận xuất phát từ thuyết phê phán (trường phái Frankfurt) và cách tiếp cận thực nghiệm (….)Như vậy mỗi một quan sát khoa học về thi ca và văn học có thể xem như là xã hội học văn học, nếu nó quan tâm nghiên cứu chủ yếu đến ảnh hưởng về xã hội lên văn học, nếu ngược lại nó tìm hiểu tác động xã hội của văn học và nếu nó làm ta có thể nhận thức được những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này bằng một minh chứng có thể kiểm tra được”[2].

Nhìn sang lĩnh vực văn học, ở Việt Nam , trong một số từ điển hoặc sách thuộc dạng từ điển văn học (kể cả sách dịch)[3] chúng ta đều không bắt gặp XHH VH với tư cách là một mục từ riêng biệt. Cách đây vài năm, trong bộ Từ điển văn học [4] đã được tái bản có bổ sung và sửa chữa công phu, nhưng tập hợp từ này cũng chưa được nhắc tới. Như vậy có thể thấy trước hết ở Việt Nam , lĩnh vực nghiên cứu này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Mặc dù vậy, trong thực tế, từ khoảng hơn một chục năm nay, đã có những nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Năm 1992, trong cuốn Lịch sử văn học Pháp.Thế kỷ XX, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã nhắc tới Phê bình và xã hội học. Mặc dù chỉ hạn chế trong số trang rất ít ỏi (hai trang rưỡi), nhưng XHH VH được giới thiệu là “một bộ phận của khoa học văn học”, “phê bình xã hội học là một khuynh hướng của phê bình Mới” ở Pháp trong thế kỷ XX. Đề cập đến những tác phẩm của L.Goldmann, giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã khẳng định: “với phê bình lịch sử-xã hội của L. Goldmann nghệ sĩ không cắt đứt với xã hội; nhà văn viết để thông tin với xã hội tức là yêu cầu sự có mặt của xã hội; nhà văn biểu đạt nhân sinh quan của một nhóm người tồn tại dưới dạng tiềm năng, và nhà văn với trực giác, cảm xúc, tài năng của mình, các thể hóa nhân sinh quan ấy bằng ngôn từ riêng của mình.”[5]Tiếp theo đó, trong cuốn sách Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX[6], tên tuổi L. Goldmann đã được nhắc tới với tư cách của một nhà nghiên cứu tiêu biểu của phê bình xã hội học có liên quan đồng thời đến cách tiếp cận mác xít và chủ nghĩa cấu trúc. Ngoài ba trang trong bài Tổng thuật, L.Goldmann còn được giới thiệu tiếp theo qua một tiểu sử khoa học sơ lược và hai đoạn trích ngắn từ các bài viết của ông.

Không đưa G.Lukacs vào khung khổ của XHH VH như một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả Trương Đăng Dung đã dành ba bài nghiên cứu liền để giới thiệu G.Lukacs với tư cách một trong những nhà mỹ học lớn nhất trong thế kỷ XX, người có khát vọng “phát triển một cách đúng mức chủ nghĩa Marx” đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực khách quan.[7]

Có thể nói người đầu tiên giới thiệu một cách khá hệ thống XHH VH ở Việt Nam là Giáo sư TSKH Phương Lựu. Năm 1999, trong cuốn sách Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại, ông đã dành 20 trang cho một trong mười trường phái đó có tên là Xã hội học văn học. Cho rằng XHH VH là một trong ba khuynh hướng chính chiếm ưu thế trong bức tranh chung của lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại, tác giả đã khẳng định  mối quan hệ giữa văn học với xã hội, tác dụng xã hội của văn học đã được chú ý từ lâu, ngay trong buổi khởi đầu của lý luận văn học. Tuy vậy, “Đến đầu thế kỷ XIX, xã hội không phải chỉ là một vế trong mối quan hệ với văn học nghệ thuật, mà đã biến thành một điểm xuất phát, một mũi tiếp cận, một con đường để nghiên cứu văn học nghệ thuật, và lúc này XHH VH (và nghệ thuật) mới ra đời”[8]. Để phân biệt XHH VH theo hướng nghiên cứu những quan hệ giữa văn học và xã hội và cách tiếp cận văn học bằng những kiến thức và phương pháp của chuyên ngành xã hội học, tác giả Phương Lựu đã chia thành XHH VH vĩ môvi mô. Theo ông, từ công trình Về văn học trong quan hệ với các thể chế xã hội (De la littérature considérée dans ses rapports avec les institutions sociales) của bà Staël, XHH VH có thể được phân thành nhiều trường phái khác nhau với những nhân vật nổi tiếng như H.Taine, Adorno, L. Goldmann…và “có thể khái quát chung thành XHH VH theo nghĩa rộng, hoặc XHH VH vĩ mô”, còn XHH VH vi mô chỉ xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XX mà tiêu biểu là trường phái Bordeaux do R. Escarpit đứng đầu. Hầu như gần như toàn bộ số trang trong chương XHH VH trong sách nói trên của Giáo sư Phương Lựu dành để giới thiệu khá kỹ những công trình của trường phái XHH VH vi mô này. Nội dung của toàn bộ Chương giới thiệu về XHH VH này chúng ta sẽ có dịp gặp lại trong một cuốn sách dày dặn của Giáo sư Phương Lựu xuất bản vào năm 2001[9]. L. Goldmann, một nhân vật tiêu biểu cho XHH VH đã được Giáo sư Phương Lựu  đề cập đến với tư cách của một nhà lý luận mác xít phương Tây trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây.[10]

 L.Goldmann và các quan điểm của ông cũng được PGS.TS.Trương Đăng Dung tiếp cận dưới góc độ lý luận văn học mác xít trong bài PHẦN DẪN NHẬP của cuốn Tác phẩm văn học như là quá trình[11]. Theo  tác giả Trương Đăng Dung, L.Goldmann chịu ảnh hưởng của G.Lukács, “người cho rằng hiện thực và tư duy tạo nên sự thống nhất biện chứng trong đó tất cả đều liên kết với nhau” đã quan tâm tới mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và ý thức của nhóm xã hội. Chính ở điểm này Goldmann có điểm khác với người thầy của mình là ông không nghiên cứu sự phản ánh xã hội, “phương pháp nghiên cứu của Goldmann mang tính xã hội học hơn của Lukács”.

Cũng cùng trong năm 2004, độc giả Việt Nam  được tiếp xúc với  một cuốn sách thuộc lý luận phê bình văn học, nhưng có một cái tên “là lạ”[12], trong đó tác giả Đỗ Lai Thúy đã dành gần nửa trang trong bài giới thiệu Hành trình tư tuởng mĩ học và văn học phương Tây-Một cái nhìn nghiêng để nhắc tới L. Goldmann, người đã thành lập trường phái cấu trúc phát sinh và “tìm nguồn gốc nghệ thuật trong kinh tế-xã hội và giai cấp, nghĩa là muốn tìm một cách nghiên cứu văn học không chỉ như một khoa học nhân văn, mà như một khoa học xã hội-nhân văn. Đây là một thử nghiệm của sự kết hợp chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cấu trúc”[13]. Tiếp theo, tác giả Đỗ Lai Thúy đã dành một số trang cho mụcL. Goldmann và xã hội học cấu trúc trước khi giới thiệu một bài viết quan trọng của L.Goldmann được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Phương pháp cấu trúc phát sinh trong lịch sử văn học.  Cũng vì cách tiếp cận nghiên cứu có liên quan đến chủ nghĩa Marx như chính bản thân L. Goldmann đã từng công nhận, nên trong nhiều trường hợp,  các nhà nghiên cứu cũng có lý khi xếp ông vào nhóm Phê bình mác xít.[14]

XHH VH cũng là một vấn đề được đặt ra trong bài Phê bình văn học phương Tây, nhìn lại và suy nghĩ của TS Đào Duy Hiệp[15]. Trong bức tranh đa dạng và phong phú của phê bình lý luận phương Tây ở thế kỷ XX, tác giả đã đầu tư nhiều hơn để giới thiệu “ba trào lưu vừa lạ, vừa quen: Trường phái Hình thức Nga; Xã hội học văn học; Thi pháp”. Chiếm khoảng một phần ba dung lượng của bài viết, XHH VH và kèm theo đó là phê bình XHH đã được đề cập đến những nét cơ bản nhất với những tên tuổi tiêu biểu như G.Lukacs, L.Goldmann v.v…

Điểm qua các bài viết có liên quan đến XHH VH ở Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy không hẳn XHH VH là một vùng đất trống hoàn toàn. Mới dừng lại ở những bài nghiên cứu, giới thiệu ngắn, với dung lượng nhiều nhất khoảng một hai chục trang, nhưng các tác giả đã thể hiện sự quan tâm của mình đến một lãnh địa đã bắt đầu cảm thấy “quen quen”, nhưng thực ra vẫn còn nhiều vẻ lạ, cần được giới thiệu nhiều hơn, kỹ hơn.

          Để có những cái nhìn xa hơn, chúng tôi hướng tới những nguồn tư liệu khác, đó là các quan niệm khác nhau, hết sức phong phú của các nhà nghiên cứu người Pháp thế kỷ XX khi đề cập đến XHH VH.

Năm 1958 cuốn Xã hội học văn học của Robert Escarpit, người sáng lập ra trường phái xã hội học văn học Bordeaux tại Pháp, được xuất bản. Đó là nghiên cứu đầu tiên bằng tiếng Pháp đặt vấn đề nghiên cứu "các hiện tượng văn học" bằng phương pháp xã hội học. Đối với Robert Escarpit, "hiện tượng văn học tồn tại chủ yếu theo ba chiều : vật thể sách, quá trình đọc, và cuối cùng là văn học"[16]. Mặc dù nhà văn cũng là đối tượng nghiên cứu, XHH VH trong các nghiên cứu của ông nói riêng, cũng như của trường phái Bordeaux nói chung, chủ yếu quan tâm nghiên cứu sản phẩm văn học là sách, cũng như quá trình đọc và người đọc trong những môi trường xã hội nghề nghiệp khác nhau. Theo trường phái xã hội học này thì :" Xã hội học văn học cần phải tôn trọng đặc trưng của hiện tượng văn học. Là trợ lý đắc lực cho những người làm nghề sách, xã hội học văn học cũng cần phải có ích đối với độc giả bằng cách giúp cho khoa học truyền thống về văn học (văn học sử hoặc phê bình văn học) thực hiện tốt các nhiệm vụ của chúng. Điều đó không có nghĩa là xã hội học văn học không quan tâm đến các vấn đề của văn học sử hay của phê bình, nhưng nó quan tâm đến các vấn đề đó ở cấp độ toàn xã hội"[17].

Qua đó, có thể nói rằng định nghĩa XHH VH theo Robert Escarpit tập trung nghiên cứu các vấn đề về sách bằng các phương pháp định lượng cũng như định tính, với mục đích đưa các kết quả nghiên cứu vào áp dụng thực tế.

Một nửa thế kỷ sau khi Xã hội học văn học của Robert Escarpit ra mắt, các nhà nghiên cứu ở Pháp nói chung đều đồng tình với định nghĩa XHH VH là khoa học nghiên cứu quan hệ tương tác giữa văn học và xã hội.Tất nhiên XHH VH hiểu với nghĩa rộng hơn này có nhiều nhánh khác nhau và nhiều khi, như một lẽ đương nhiên, các quan điểm của các nhánh, các nhóm, các cá nhân nhà nghiên cứu không thể đồng nhất hoàn toàn.

Trong cuốn Từ điển các nền văn học từ góc độ lịch sử, đề tài và kỹ thuật (Dictionnaire historique thématique et technique des Littératures)[18]các tác giả đã định nghĩa như sau về “xã hội học văn học” :" Thật ra, XHH VH là một diễn ngôn hỗn hợp (discours composite) có đối tượng là quá trình văn học (processus littéraire) với nghĩa đầy đủ nhất của từ này. XHH VH quan tâm đến tình huống cũng như chức năng, cấu trúc cũng như tính năng động, tóm lại là tất cả các yếu tố của cái có thể được coi là "văn học" : XHH VH nghiên cứu quá trình phát ra diễn ngôn, tiếp nhận diễn ngôn, vai trò trung gian, cũng như tất cả những gì liên quan tới các quá trình đó trong một dòng chảy lịch sử của quá trình giao tiếp có tính biểu tượng. Đối tượng của XHH VH luôn trong quá trình biến đổi liên tục, luôn không ngừng thay đổi diện mạo, chính vì vậy mà mọi thao tác nhằm khách quan hóa đều chỉ có tính tạm thời và phân tích"[19].

 Như có thể thấy, XHH VH là một khoa học phức hợp (và phức tạp) bởi chính đối tượng khó có thể được định nghĩa một cách đơn giản và đồng nhất. Tác giả J.-Y.Tadié trong tác phẩm Phê bình văn học thế kỷ XX được xuất bản năm 2002 dành toàn bộ chương VI có tên là Xã hội học văn học cho bộ môn khoa học này. Trước khi giới thiệu những gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực này như G. Lukacs, L.Goldman, M.Bakhtine, v.v. ông nhấn mạnh : “ Tính đặc trưng của XHH VH là thiết lập và miêu tả những mối quan hệ giữa xã hội và tác phẩm văn học. Xã hội có trước tác phẩm, bởi vì nhà văn bị chi phối bởi xã hội, phản ánh nó, thể hiện nó, tìm cách thay đổi nó; nó tồn tại trong tác phẩm, nơi mà người ta tìm thấy dấu vết của nó,  sự miêu tả của nó, nó tồn tại sau tác phẩm, bởi vì có một xã hội học của sự đọc, của công chúng, bộ phận này cũng làm nên văn học (cũng là văn học?) từ những nghiên cứu thống kê theo lý thuyết tiếp nhận”[20].

Năm 2006, một cuốn Xã hội học văn học mới của hai tác giả Paul Aron và Alain Viala được xuất bản trong tủ sách "Que sais-je?" (là tủ sách đã cho ra mắt cuốn Xã hội học văn học đầu tiên được xuất bản vào năm 1958), đánh dấu một dấu mốc mới trong nghiên cứu XHH VH tại Pháp. Theo hai tác giả này : “Xã hội học văn học (XHH VH) nghiên cứu quan hệ giữa đời sống văn học và đời sống xã hội”[21].

Theo nhà nghiên cứu Paul Dirkx trong cuốn Xã hội học văn học của ra mắt năm 2000 và cho đến nay vẫn là một nghiên cứu được đánh giá cao, thì XHH VH, nhất là ở các nước nói tiếng Pháp, thường vẫn chỉ quan tâm đến một số khía cạnh "ngoài văn học"  (extralittéraires) của văn bản văn học, ví dụ như quá trình sản xuất, phát hành và tiêu thụ văn bản văn học.

Đôi khi một quan điểm ở cực đối lập được đưa ra và lúc đó XHH VH được coi là một loại phân tích văn bản thường được gọi là "sociocritique" (phê bình xã hội). Thuật ngữ này được Claude Duchet nêu ra trong một bài báo có tính chất cơ sở trong Littérature (Larousse, số 1, 1977). Xuất phát điểm của nó là việc quan tâm tới bản chất xã hội trong văn bản văn học. Phê bình xã hội học nằm ở giữa XHH sáng tạo, XHH VH và XHH của sự đọc. Nó quan tâm đến mối quan hệ của con người với xã hội. Nghiên cứu văn bản với tư cách là một sản phẩm ngôn ngữ, nó nhằm đến việc thấu hiểu cấu trúc của các câu phát biểu qua hoạt động xã hội đã tạo ra những các câu phát biểu ấy.

Ngày nay, theo Paul Dirkx thì cần phải hiểu XHH VH như một bộ môn nghiên cứu bao gồm tất cả các khía cạnh văn học, ở "ngoài" hoặc ở "trong" văn bản văn học : XHH VH quan tâm đến văn bản văn học cũng như bối cảnh xã hội, hình thức cũng như nội dung, văn học cũng như xã hội.

Gần đây nhất, năm 2009, hai nhà xã hội học Anne Barrère và Danilo Martuccelli đã cho ra mắt một nghiên cứu rất đáng chú ý có nhan đề Tiểu thuyết như phòng thí nghiệm. Từ kiến thức văn học đến tưởng tượng xã hội học[22]. Đối với hai tác giả này thì việc tìm hiểu xã hội đương đại không thể nào bỏ qua văn học đương đại với tư cách là một nguồn tư liệu có thể được phân tích bằng phương pháp xã hội học để có thể đạt tới những kiến thức mới. Mục đích của tác phẩm này là dùng chất liệu tiểu thuyết Pháp đương đại (200 tiểu thuyết của 20 nhà văn thế kỷ XX và XXI) để nghiên cứu xã hội Pháp đương đại. Trong lời nói đầu, các tác giả điểm qua các bước phát triển của văn học và xã hội học từ thế kỷ XIX : nếu văn học của Balzac và Zola có tham vọng "vẽ nên bức tranh xã hội" một cách hiện thực và do đó đồng hành với khoa học xã hội vào buổi đầu khai sinh, hai bộ môn này đã "chia tay" nhau vào đầu thế kỷ XX bởi xã hội học cần tự khẳng định mình như một bộ môn khoa học độc lập với những phương pháp và đối tượng riêng, đồng thời văn học thế kỷ XX đã trải qua những thử nghiệm nghệ thuật độc đáo mà các nhà xã hội học không phải lúc nào cũng có khả năng theo dõi và tìm hiểu.

Toàn bộ phần 1 của tác phẩm có đối tượng là nghiên cứu quan hệ giữa văn học và xã hội học từ thế kỷ XIX (chương 1, "Từ xã hội học đến kiến thức tiểu thuyết" bàn về thời kỳ đầu của xã hội học và quan hệ với văn học hiện thực ; chương 2, "Từ tiểu thuyết đến tưởng tượng xã hội học", bàn về tiểu thuyết Pháp đương đại từ góc nhìn của người đọc là nhà xã hội học).

Phần 2 bàn về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết.

Phần 3 nghiên cứu các tình huống trong tiểu thuyết.

Cuối cùng phần 4 có nhan đề "Xung quanh thực tế xã hội", đặt vấn đề thế giới quan được chuyển tải trong tiểu thuyết. Có thể nói rằng đứng từ góc độ xã hội học thì hai tác giả này là êkip lý tưởng bởi cả hai đều là tiến sĩ xã hội học, nhưng đồng thời Anne Barrère có bằng thạc sĩ sư phạm (agrégation) về văn học. Họ cho rằng văn học là một trong những phương pháp tìm hiểu xã hội và thế giới, do đó có thể kích thích "trí tưởng tượng" trong nghiên cứu xã hội học :" Chúng tôi cho rằng trong quá khứ, cũng như trong hiện tại và tương lai, tiểu thuyết có thể là một trong những nguồn tài liệu chủ yếu của trí tưởng tượng xã hội học, nhưng chúng tôi không tin một cách lãng mạn rằng tiểu thuyết có thể mang lại các kiến thức về mọi lĩnh vực đời sống xã hội một cách sâu sắc hơn các nghiên cứu xã hội học. Ngược lại chúng tôi hy vọng là sẽ thực hiện được lời hứa hẹn về một cuộc đối thoại giữa tiểu thuyết và xã hội học trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm phân tích riêng của mỗi bộ môn. Tiểu thuyết tìm hiểu thực tế xã hội một cách khác xã hội học, một cách tự do, và đặc biệt quan tâm tới thí nghiệm phân tích thường thiếu trong xã hội học : và chính phần tưởng tượng này là cái mà chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra để đi đến biến đổi nó. Vấn đề là cách mà các khoa học xã hội sử dụng chất liệu và lấy cảm hứng từ kiến thức tiểu thuyết. Làm thế nào để sử dụng chất liệu hư cấu chất lượng cao (là tiểu thuyết) như một chất liệu thô (của nghiên cứu xã hội học) ?"[23].

          Anne Barrère và Danilo Martuccelli với nghiên cứu mới nhất này cho thấy sự quan tâm của các nhà xã hội học đến văn học với tư cách như "chất liệu", "công cụ", hoặc "góc nhìn" độc đáo về xã hội, con người và thế giới. 

Có thể nói rằng trong thời đại kỹ thuật số ngày nay vấn đề quan hệ giữa xã hội và văn học không những không kém phần quan trọng, mà ngược lại vấn đề này còn được quan tâm nhiều hơn, ở các nước phương Tây cũng như trên toàn thế giới. Lý do đơn giản là internet không phải là giải pháp thần diệu, mà mọi thông tin cần phải được xử lý và chọn lọc thông qua một "hệ thống" giá trị văn hóa của cá nhân và tập thể. Nhà văn người Ý Italo Calvino, trong loạt bài thuyết trình dành cho sinh viên và giảng viên trường đại học Harvard nổi tiếng vào năm học 1985-1986, đã bàn về bản chất của văn học và vai trò của văn học trong đời sống. Trong loạt bài này, được xuất bản sau khi nhà văn mất năm 1985 dưới nhan đề Các bài học Mỹ (ghi chép dành cho thiên niên kỷ mới)[24], ông khẳng định văn học như một cách nhận biết thế giới và thể hiện cá nhân đặc biệt và không thể thay thế nổi.

Một trong những dấu hiệu về vai trò của văn học trong xã hội là việc giải thưởng Nobel văn học, giải thưởng được trao cho một tác giả có đóng góp quan trọng vào việc hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới, vẫn là một sự kiện nổi bật của đời sống văn hoá và xã hội quốc tế. Năm 2008 giải thưởng Nobel văn học được trao cho nhà văn Le Clezio người Pháp có quốc tịch Maurice. Trong bài phát biểu ngày 6.12.2008 tại Stockholm (Thụy Điển) ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của văn học và của việc xuất bản sách trên thế giới đối với tiến bộ của loài người. Thời đại hội nhập không chỉ là thời đại của khoa học kỹ thuật và của kinh tế, mà đó còn là thời đại của các giá trị nhân văn.

Nghiên cứu tập thể Văn học và xã hội học (2007)  do Philippe Baudorre, Dominique Rabaté, Dominique Viart chủ biên[25]cho thấy toàn cảnh xã hội học văn học tại Pháp và các nước khối Pháp ngữ vào đầu thế kỷ XXI. Tập thể tác giả là các nhà nghiên cứu văn học, cũng như các nhà xã hội học có uy tín nhất trong giới nghiên cứu các nước nói tiếng Pháp. Khác với nghiên cứu của hai tác giả Anne Barrère và Danilo Martuccelli đã nói ở trên, cuốn sách này có thể được coi là một đối thoại giữa các nhà nghiên cứu văn học với các nhà xã hội học trên cơ sở một thực tế được giới nghiên cứu văn học cho là đáng lo ngại : đó là việc các nghiên cứu văn học thường giam mình vào trong tác phẩm mà ít quan tâm đến bối cảnh sáng tác. Thật vậy, Văn học và xã hội học là kết quả của một hội thảo khá đặc biệt được tổ chức vào tháng 11.2004 tại Bordeaux và ban tổ chức không phải là tổ chức nào khác mà chính là Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX (Société d'Etudes de la Littérature Française du XXe siècle).

Cần phải nhắc lại rằng năm 2004 là năm kỷ niệm 100 năm bài thuyết trình có tính lịch sử của Gustave Lanson mang tên Văn học sử và xã hội học (L’histoire litteraire et la sociologie). Theo lời mời của Emile Durkheim, người sáng lập ra ngành xã hội học tại Pháp, Lanson đã trình bày về vấn đề mới này và đề nghị cần phải nghiên cứu ảnh hưởng của tác phẩm văn học tới độc giả, có ý tưởng là tác phẩm không phản ánh (reflet) xã hội mà bổ sung cho nó (complement), có nghĩa là tác phẩm văn học thể hiện cái chưa có hoặc đã mất rồi. Theo Lanson, văn học có thể thể hiện “hiện thực trong tương lai chứ không hẳn là hiện thực xã hội đương đại”. Ngoài « quy luật xuất hiện các kiệt tác » trình bày lý thuyết phương pháp nghiên cứu nguồn tài liệu và ảnh hưởng, một số quy luật do ông đưa ra như « quy luật ảnh hưởng nước ngoài », « quy luật hình thành thể loại », « quy luật liên hệ giữa hình thức và mục đích mỹ học », vẫn còn có tính thời sự. Tuy nhiên chương trình này của Lanson không được tiếp tục phát huy, có lẽ bởi lý do chính là do vấn đề phân ngành các bộ môn khoa học : các nhà nghiên cứu văn học tiếp thu ở Lanson ý tưởng về nghiên cứu nguồn gốc (sources) và ảnh hưởng (influence) nhưng không dám (và chắc hẳn không có điều kiện) đi sang địa phận của các bộ môn khoa học khác (đang trong giai đoạn hình thành và củng cố nên bảo vệ “biên giới” của mình một cách rất tích cực), trong khi đó thì các bộ môn KHXH khác không quan tâm đúng mức đến văn học và nghệ thuật như một bộ phận của đời sống xã hội (chắc hẳn là bởi các đặc trưng riêng của chúng, đồng thời cũng bởi “nhiệm vụ” và đối tượng của xã hội học phương Tây thời này chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về xã hội hiện đại và xã hội công nghiệp). Có thể nói rằng vào giai đoạn này các nghiên cứu liên ngành còn chưa có điều kiện hình thành và phát triển.

Một thế kỷ sau đó, hội thảo năm 2004 có tham vọng đặt ra vấn đề nghiên cứu liên ngành nhằm góp phần đổi mới nghiên cứu văn học tại Pháp và các nước nói tiếng Pháp. Có thể nói đó là một thách thức của thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Thật vậy, năm 2002 một hội thảo về nghiên cứu văn học dưới nhan đề Nghiên cứu (Recherche) đã được Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX tổ chức cũng tại Bordeaux. Các bài tham luận đã được công bố trong cuốn sách tập thể mang tên Tổng kết về nghiên cứu văn học Pháp trong các luận án tiến sĩ được xuất bản năm 2004 tại nhà xuất bản trường Tổng Hợp Sorbonne (Paris)[26]. Tại hội thảo này các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến nhược điểm của các nghiên cứu văn học đương đại tập trung chủ yếu về hình thức nghệ thuật của văn bản. Đồng thời "hội thảo cũng chỉ rõ nhu cầu cấp thiết cần phải đào sâu nghiên cứu quan hệ giữa nghiên cứu văn học với các khoa học nhân văn khác"[27].

Mối quan hệ giữa văn học và lịch sử đã được đề cập tới trong hội thảo về vấn đề chia giai đoạn trong văn học sử được tổ chức tại trường Tổng Hợp Rennes vào tháng 5 năm 2000 và trong nghiên cứu tập thể được xuất bản năm 2001[28]. Hội thảo về văn học và xã hội học vào năm 2004 là sự tiếp nối chương trình nghiên cứu có tầm cỡ quốc gia đó.

Nếu chương trình này được đưa ra với tính cấp thiết như đã nói ở trên thì cũng là do có một nguyên nhân bên ngoài. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của các nghiên cứu mang tên cultural studies (nghiên cứu văn hóa) trong khối các nước nói tiếng Anh. Vào cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI nghiên cứu cultural studies đã bắt đầu được phổ biến ở Pháp. Theo hướng nghiên cứu này thì "văn bản văn học được coi như một loại tài liệu và tác phẩm được nghiên cứu theo cộng đồng mà tác giả được xếp vào, do đó có nguy cơ bỏ qua các vấn đề đặc trưng của văn học, écriture". Các nhà nghiên cứu văn học khối Pháp ngữ vì vậy đưa ra đề nghị cần phải đối thoại một cách phê phán với hướng nghiên cứu đến từ các nước Anh-Mỹ.

Hội thảo Văn học và xã hội học do Hội nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XX tổ chức với sự tham gia của hai nhóm nghiên cứu "Văn bản và văn hóa" (Textes et cultures) và "Các hình thức hiện đại" (Modernités) của trường Bordeaux 3. Việc hội thảo này được tổ chức tại Bordeaux cũng có ý nghĩa đặc biệt nhằm kỷ niệm trường phái xã hội học văn học Bordeaux do Robert Escarpit sáng lập vào đầu những năm 1960. Hội thảo này được ban tổ chức giới thiệu như hội thảo đầu tiên mở đường cho những hội thảo trong tương lai và có nhiệm vụ tìm hiểu các quan hệ có tính bổ sung, hoặc cạnh tranh, hoặc giao lưu, giữa lĩnh vực xã hội học và văn học :"Mục đích của hội thảo là tìm hiểu trong điều kiện nào một số cách tiếp cận văn bản văn học theo hướng xã hội học có thể đưa đặc trưng nghệ thuật vào phân tích của mình và qua đó làm nó sâu sắc hơn, đồng thời tìm hiểu tại sao từ một thế kỷ nay văn học đã sử dụng các nghiên cứu xã hội học (ví dụ như Jean Paulhan, Paul Nizan, Collège de Sociologie[29], Perec, hoặc gần đây hơn là Annie Ernaux, François Bon, v.v.). Theo chúng tôi thì nghiên cứu so sánh các phương pháp luận của các ngành khoa học khác nhau có thể cho phép làm chúng sâu sắc hoặc đa dạng hơn. Có nhiều lĩnh vực có thể là điểm gặp gỡ có thể có giữa văn học và nhân học xã hội, đặc biệt là trong các nghiên cứu về hồi ức, về truyện kể (récit), về các phương thức đạt được và truyền  đạt kiến thức. Bây giờ là lúc cần phải tổng kết.

Ngoài ra các câu hỏi này cũng liên quan đến các vấn đề đặc biệt vào thời điểm mà các trường đại học Pháp cần phải cải tổ chương trình khóa học và tổ chức các khoa trong khuôn khổ hệ thống Cử nhân – Thạc sĩ – Tiến sĩ. Thật vậy, đó là vấn đề tương lai văn học như một bộ môn độc lập và có khả năng tìm hiểu thế giới quanh ta, theo một phương pháp luận đặc trưng riêng, cũng như các khoa học nhân văn khác"[30].

Nghiên cứu tập thể Văn học và xã hội học bao gồm ba phần. Phần thứ nhất đề cập đến các vấn đề phương pháp thuộc về văn học và của xã hội học để tìm hiểu những điểm giống và khác nhau. Cách tiếp cận liên ngành có mục đích đi đến hiểu các phương pháp đặc trưng của mỗi bộ môn thông qua việc đối thoại phê bình. Phần thứ hai đề cập đến các nghiên cứu cụ thể hơn nhằm làm rõ các giao lưu giữa văn học và xã hội học, đặc biệt thông qua việc tìm hiểu một số nhân vật vừa thuộc về văn học vừa thuộc về xã hội học và nhân học như Caillois, Bataille, Leiris, hoặc gần hơn là Bernard Noel, cũng như các văn bản "văn học" của nhà dân tộc học Marc Augé. Cuối cùng là đối thoại về các đối tượng nghiên cứu chung như văn bản truyền miệng, vị trí của các đối tượng, các tủ sách văn học, v.v.

Hội thảo Bordeaux năm 2004, một hội thảo có tầm cỡ quốc gia và thậm chí quốc tế, ít nhất là trong phạm vi các nước nói tiếng Pháp và một số nước châu Âu, như, đặt vấn đề "văn học và xã hội học" một cách có thể nói là "sống còn" đối với nghiên cứu văn học. Điều này cho thấy rằng vấn đề thể chế hóa xã hội học văn học, có nghĩa là vị trí của bộ môn này trong hệ thống trường đại học và trong các viện nghiên cứu, vẫn còn là một vấn đề với cộng đồng các nhà nghiên cứu. Để hiểu được vấn đề này, cũng như việc trong xã hội học văn học có nhiều cách tiếp cận khác nhau, cần phải đi ngược trở lại thời điểm đầu thế kỷ XX khi tại Pháp (cũng như các nước phương Tây nói chung) các ngành khoa học xã hội đang dần dần được chấp nhận trong trường đại học. 

Như đã trình bày trong phần lịch sử xã hội học văn học, vấn đề quan hệ giữa văn học và xã hội là một vấn đề đã được đặt ra từ thời Cổ đại, nói khác đi là từ thời khai sinh ra văn học. Nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX thì vấn đề nghiên cứu xã hội học văn học mới được đặt ra như một ngành khoa học có thể được hình thành. Tại Pháp, một số dự án có mục đích tổ chức xã hội học văn học như một bộ môn khoa học đã được đưa ra vào khỏang đầu thế kỷ XX. Việc Gustave Lanson trình bày chương trình nghiên cứu xã hội học văn học vào năm 1904 là một dấu mốc quan trọng. Tuy nhiên chương trình nghiên cứu này không được thực hiện theo như mong muốn của Lanson, một phần bởi các nhà nghiên cứu văn học không đi sang lĩnh vực xã hội học, một phần khác bởi xã hội học của Durkheim cần khẳng định mình như một khoa học độc lập và có vị trí ngang hàng với các khoa học tự nhiên, nói cách khác là không phải "văn vẻ". Từ thời điểm đó, mặc dù một vài chương trình nghiên cứu có quan tâm đến văn học và xã hội, xã hội học văn học vẫn không có được một chương trình hành động với đối tượng, mục tiêu và phương pháp thống nhất.

Như đã thấy, phải đến năm 1958 thì ở Pháp mới có Xã hội học văn học của Robert Escarpit. Cũng nhờ các nghiên cứu của Escarpit và nhóm nghiên cứu được gọi là trường phái Bordeaux mà xã hội học văn học mới được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy đại học. Tuy nhiên, trong trường đại học Pháp, xã hội học văn học chưa trở thành một bộ môn độc lập với các giảng viên chuyên môn, có nghĩa là chưa có một văn bằng cử nhân hoặc thạc sĩ nào về " xã hội học văn học". Các giảng viên đại học có nghiên cứu về xã hội học văn học đều có chuyên môn chính thức là văn học, ví dụ "văn học Pháp thế kỷ XIX", hoặc xã hội học, ví dụ "xã hội học giáo dục". Có thể lấy ví dụ Alain Viala, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Pháp và hiện nay đang là giáo sư tại trường Tổng hợp Oxford, được giới thiệu là chuyên gia về văn học Pháp thế kỷ XVII và về lịch sử các thể chế văn học. Jacques Michon, giáo sư tại trường Tổng Hợp Sherbrook (Canada), có lẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi được giới thiệu một cách chính thức như giáo sư giảng dạy xã hội học văn học, nhưng thật ra chuyên môn chính của ông là lịch sử xuất bản và lịch sử sách. Nếu xem xét kỹ dự án của Robert Escarpit thì thực tế là "xã hội học văn học" trong trường đại học Pháp đã chuyển theo hướng khác và đưa đến việc hình thành một số bộ môn mới, đó là giảng dạy về sách và các nghề liên quan đến xuất bản và phát hành sách (Métiers du livre), cũng như ngành khoa học thông tin và truyền thông (Sciences de l'information et de communication).

Trong giới nghiên cứu, xã hội học văn học cũng ở trong tình trạng tương tự. Có thể nói rằng Robert Escarpit là người đã có công thành lập cơ quan nghiên cứu xã hội học văn học đầu tiên tại Pháp. Đó là Trung tâm xã hội học các hiện tượng văn học (Centre de sociologie des faits littéraires) được thành lập tại trường Tổng hợp Bordeaux vào năm 1960. Tuy nhiên, xã hội học văn học theo cách tiếp cận này tập trung quan tâm đến sách và người đọc, với quan niệm  văn học như một quá trình giao tiếp và giao lưu. Chính vì vậy mà Trung tâm xã hội học các hiện tượng văn học đã trở thành Viện nghiên cứu văn học và kỹ thuật nghệ thuật đại chúng (Institut de littérature et de techniques artistiques de masse, ILTAM) và văn học không còn là đối tượng nghiên cứu duy nhất nữa. Các nghiên cứu của trường phái Bordeaux cho đến nay vẫn là những nghiên cứu có giá trị và đánh dấu một bước phát triển lớn trong lĩnh vực xã hội học văn học, nhưng rõ ràng là trường phái Bordeaux đã không đưa xã hội học văn học trở thành một khoa học độc lập với cơ quan nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành. Cho tới nay, trong các cơ quan nghiên cứu Pháp, đặc biệt là Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) xã hội học văn học vẫn chưa có chỗ đứng chính thức : Pierre Bourdieu là chuyên gia về xã hội học giáo dục, còn Gisèle Sapiro là chuyên gia về văn học Pháp thế kỷ XX.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, các nhà nghiên cứu xã hội học văn học đã thấy cần thiết phải tổ chức nghiên cứu xã hội học văn học một cách có hệ thống hơn. Lần đầu tiên, một tạp chí chuyên ngành đã được thành lập, đó là tạp chí COnTEXTES, Tạp chí xã hội học văn học (Revue de sociologie de la littérature). Công cụ internet cho phép việc xuất bản một tạp chí dưới dạng trực tuyến (http://contextes.revues.org/) mà không cần có sự tồn tại của một cơ quan nghiên cứu hoặc giảng dạy chuyên môn. Từ tháng 9.2006, một tạp chí chuyên ngành đã thống nhất được đại bộ phận các nhà nghiên cứu. Trang chủ của tạp chí nói rõ rằng "CONTEXTES, Tạp chí xã hội học văn học, tập hợp các nhà nghiên cứu tiếp cận văn học theo hướng xã hội đối với mọi nền văn học và giai đoạn lịch sử. Tạp chí không chỉ đưa ra một số các đối tượng nghiên cứu chung, mà đặc biệt tạp chí là nơi gặp gỡ của các góc nhìn đa dạng cùng có cơ sở là việc công nhận tính xã hội của hoạt động văn học, ngược lại với một quan niệm có tính thiêng liêng và thần thánh về văn học, cũng như với một cách đọc văn bản như một sáng tạo của thiên tài".  

Theo các nhà XHH VH như L. Goldmann, P. Bourdieu, J.-P. Sartre, dù có phát biểu trực tiếp hay không về XHH VH thì qua các tác phẩm nghiên cứu của họ, chúng ta cũng thấy sự đa dạng trong việc tiếp cận vấn đề.

L.Goldmann chủ trương xác lập một “xã hội học văn học” đích thực, vượt qua lối viết lịch sử văn học truyền thống thường hay miêu tả các yếu tố bên ngoài và bình tán tác phẩm. Ông quan tâm trước hết đến văn bản, tiến hành “sự phân tích mỹ học nội tại” để tìm ra ý nghĩa khách quan của tác phẩm. Xã hội học văn học theo phương pháp của Goldmann coi tác phẩm văn học như một sản phẩm được đặt trong ngữ cảnh xã hội và lịch sử. Tác giả văn học được xác định bởi những điều kiện lịch sử cụ thể, còn tác phẩm của anh ta là sự thể hiện thế giới, là sự sáng tạo có cấu trúc của một vũ trụ riêng, được xác định bằng  các quan hệ xã hội và lịch sử.

Đồng thời, Goldmann chỉ ra sự bất cập của lối nghiên cứu xã hội học theo thuyết nhân quả. Theo ông, lối tiếp cận này không thể nắm bắt và giải thích được bản chất của những hiện tượng thuộc về công việc sáng tạo. Chịu ảnh hưởng từ G.Lukács, nhưng ông không đồng ý với quan điểm “phản ánh hiện thực” của Lukács và cho rằng người nghệ sĩ cần “sáng tạo ra những thực thể sống động”.

Thừa kế nhiều tư tưởng triết học, khoa học và lý luận văn học từ Hegel, Marx, Lukacs, Piaget và chủ nghĩa cấu trúc, Goldmann đã xác lập một phương pháp tiếp cận mới trong xã hội học văn học, đó là phương pháp cấu trúc phát sinh. Theo ông: “Phương pháp cấu trúc-phát sinh trong lịch sử văn học chỉ là sự áp dụng một phương pháp có tính tổng quát, theo chúng tôi đó là phương pháp duy nhất có giá trị trong khoa học nhân văn, vào trong lĩnh vực này”.[31]

 Ngay từ tên gọi, rõ ràng phương pháp tiếp cận xã hội học văn học của Goldmann đã gợi đến những mối quan hệ đến chủ nghĩa cấu trúc, một trào lưu khoa học lớn của thế kỷ XX, tồn tại gần như suốt thế kỷ và bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, tự nhiên cũng như xã hội.[32]

Từ chủ nghĩa cấu trúc, phê bình văn học của Goldmann dựa vào phương pháp phân tích, đặc biệt ông quan tâm đến tính toàn thể  là một trong những khái niệm có tính chìa khóa của chủ nghĩa cấu trúc. Ông tìm cách chỉ ra những tương hợp giữa các cấu trúc của một tác phẩm văn học hay triết học với những cấu trúc xã hội và kinh tế của một nhóm xã hội hay một giai cấp mà nhà văn (hay nhà triết học với tư cách là một tác giả) phụ thuộc vào.

Nhưng khác chủ nghĩa cấu trúc, Goldmann cho rằng mỗi một tác phẩm triết học hay văn học có giá trị đều thể hiện cách gắn kết đặc biệt của quan niệm về thế giới của một nhóm xã hội. Ông cho rằng chủ thể đích thực của công việc sáng tạo văn hóa văn học, không thể là cá nhân, mà là chủ thể tập thể, bởi những quan hệ gắn bó giữa cá nhân và tập thể (các nhóm xã hội). Chủ thể tập thể cho phép hiểu tác phẩm văn học là tổng thể những mối quan hệ liên chủ thể được cấu trúc để tạo ra chủ thể đó. Tác phẩm văn học không chỉ là sản phẩm đơn giản của tâm lý cá nhân, mà là sự kết tinh có tính gắn kết của việc thể hiện thế giới thuộc về nhóm xã hội.

Từ đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nghĩa và thể hiện sự khác biệt của cách tiếp cận của ông với chủ nghĩa cấu trúc. Ông quan tâm đến những cấu trúc của các sự kiện tổng thể, khẳng định có thể hiểu tác phẩm văn học từ trong nguồn gốc, trên cơ sở xét trong mối quan hệ với xuất xứ của nó, có nghĩa từ những cơ chế, hoàn cảnh của xã hội, lịch sử. Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của các tác phẩm văn học khi đặt vào xuất xứ xã hội, lịch sử của chúng, đồng thời tiến hành lý giải chức năng xã hội của các cấu trúc mỹ học cũng là điểm khác biệt giữa chủ nghĩa cấu trúc phát sinh của Goldmann và các nhà cấu trúc khác.

Ông tiếp thu các tư tưởng của Marx và không phải vô lý khi có những nhà nghiên cứu xếp ông vào hàng ngũ của các nhà phê bình mác xít.Trong các tác phẩm của mình, Goldmann thường xuyên tham khảo các tư tưởng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng cách xa quan niệm máy móc của “lý thuyết phản ánh”, đồng thời  ông xác định rõ chỗ đứng của mình khi chỉ ra những điểm bất cập của lối tiếp cận xã hội học văn học chỉ thiên về nội dung.

Theo ông, tác phẩm văn học không phải tấm gương phản ánh những hiện tượng kinh tế, xã hội và lịch sử  mà là sự góp phần vào việc tạo nên và hình thành nhận thức tập thể. Nhà văn không sao chép hiện thực, không phải là người rao giảng các đạo lý. Nhà văn có vai trò của người sáng tạo ra những con người và sự việc và phải đóng một vai trò năng động trong tiến trình phát triển của tư tưởng trong xã hội.

Có thể thấy rõ rằng Goldmann chủ trương một lối tiếp cận cấu trúc, nhưng là cấu trúc “phát sinh” (génétique). Ông tìm đến căn nguyên của các giá trị văn học, tức là tìm đến những cấu trúc thuộc xã hội lịch sử, đến các nhóm xã hội, và giai cấp mà các tác giả văn học không thể không có mối quan hệ.

Trong lịch sử xã hội học Pháp và phương Tây thế kỷ XX, P. Bourdieu nhà xã hội học người Pháp đóng vai trò quan trọng trước hết bởi số lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu của ông, tiếp đó, bởi ảnh hưởng trực tiếp của ông đến rất nhiều nhà nghiên cứu ở Pháp và ở nhiều nước châu Âu, cũng như bởi các khái niệm và phương pháp do ông đưa ra đã tham gia vào việc đổi mới tư duy xã hội học vào nửa sau thế kỷ XX . Cho đến nay ở Pháp, các cuộc tranh luận về Bourdieu và phương pháp của Bourdieu vẫn còn rất sôi nổi và có thể nói rằng sau Bourdieu giới xã hội học Pháp chưa có một tên tuổi nào có tầm cỡ như vậy.

Trong hệ thống lý thuyết của Bourdieu, trường hoặc trường lực (champ) là khái niệm được phổ cập nhất. Với khái niệm này, thực tế xã hội có thể được hình dung dưới dạng những trường  vừa có quy luật hoạt động riêng, vừa chịu ảnh hưởng qua lại với nhau. Không gian xã hội có thể được hình dung như tổng thể các trường  xã hội  rất khác nhau như trường quyền lực, trường kinh tế, trường văn hóa, trường trí thức, trường nghệ thuật, v.v. .

Khái niệm trường hay trường lực theo P.Bourdieu (tiếng Pháp: champ; tiếng Anh : field) không bắt nguồn từ nông nghiệp (như "lĩnh vực", hay "phạm vi", "địa phận", v.v. theo đó khoa học được hình dung như một "mảnh ruộng" còn hoang dại hay cần được cày xới v.v.), mà từ vật lý (trường nam châm, trường hấp dẫn hay trường điện từ là một không gian mà trong đó một nam châm, một vật thể có trọng lượng, một vật thể mang điện nhất định phải chịu tác dụng của các lực trái chiều từ hai cực âm và dương). Chính vì vậy khi dịch khái niệm này sang tiếng Việt, theo chúng tôi có thể dịch bằng hai từ trường (đơn giản hơn và có vẻ thuận tai hơn), hoặc trường lực (để tránh hiểu lầm và thể hiện rõ hơn ý về lực hấp dẫn).

Khi nào có thể nói rằng xuất hiện trường lực ? Nếu lấy ví dụ "trường lực sản xuất biểu tượng"  thì theo Bourdieu, trường lực này bao gồm toàn bộ các tác nhân sản xuất, ví dụ như nghệ sĩ và nhà văn trong "trường các sản phẩm nghệ thuật", khi họ được xếp ở các vị trí khác nhau trong một hệ thống khá tự lập bao gồm các vị trí đó và các quan hệ giữa chúng, và khi họ cùng tham gia thi đua và cạnh tranh nhằm đạt tới vinh quang và quyền lực. Một ví dụ khác về trường nghệ thuật ở châu Âu: từ giai đoạn Phục Hưng, trường này được hình thành và trở nên tự lập khi nó dần dần được giải phóng khỏi các mối liên hệ có tính chất tôn giáo hoặc chính trị, nghĩa là ngoài lĩnh vực nghệ thuật. Lý thuyết  "nghệ thuật vị nghệ thuật" là một minh chứng cho tính chất tự lập này, khi nó tuyên bố sự độc lập về bản chất của người nghệ sĩ đối với những người sản xuất các vật dụng bình thường, cũng như đối với những người có tiền của (Mạnh Thường quân) hoặc đối với giới tư sản được coi như "giới phàm tục"[33].

 

Như vậy có thể hình dung một cách đơn giản trường lực như một không gian có các lực hấp dẫn, giữa cực âm và cực dương, trong đó mỗi tác nhân di chuyển từ vị trí thấp đến vị trí cao hơn nhờ có các khuynh hướng (dispositions) và các loại vốn (capital). Bourdieu đã áp dụng lý thuyết trường lực vào phân tích tác phẩm Giáo dục tình cảm của Flaubert một cách độc đáo. Tiểu thuyết này có thể được coi là một nghiên cứu xã hội học thử nghiệm, các nhân vật văn học do Flaubert xây dựng nên có thể được coi là những thành tố trong một thí nghiệm khoa học, không khác gì một thí nghiệm vật lý. 

Trong lý thuyết trường lực của P.Bourdieu, khái niệm quan hệ có tầm quan trọng đặc biệt. Sự việc, hiện tượng bản thân nó không quan trọng, mà chính quan hệ giữa chúng mới có nghĩa. Khái niệm trường lực bao hàm nguyên tắc cơ bản theo đó thực tế xã hội là hệ thống các quan hệ, không phải các quan hệ xã hội theo nghĩa thông thường, mà với nghĩa như các cấu trúc vô hình. Nghiên cứu trường lực có nghĩa là cần phân tích từ  nhiều góc nhìn đồng đại / lịch đại ; vĩ mô / vi mô ; bên trong / bên ngoài để tìm hiểu quan hệ và cấu trúc của trường lực (các cực, các vị trí, quan hệ giữa các vị trí và các tác nhân) ; quan hệ qua lại với các trường lực khác, và rộng hơn là quan hệ với không gian xã hội tổng thể; tìm hiểu quy luật và hướng vận động của trường lực;  tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của trường lực; tìm hiểu các tác nhân và với các đặc điểm của họ.

J.-P. Sartre là tác giả Pháp được nghiên cứu và bình luận nhiều nhất ở thế kỷ XX"[34]. Chỉ trong năm năm (2000-2004) đã có tới 59 cuốn sách viết về nhân vật vĩ đại này với nhiều đề tài đa dạng khác nhau.

Chúng ta đã biết vấn đề người viết trong quá trình sáng tác, hay nói khác đi, vấn đề tác giả là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của giới lý luận phê bình của nhiều nước trên thế giới ở thế kỷ XX. Cũng từ vấn đề này mà nhiều cách tiếp cận, nhiều trào lưu, trường phái phê bình khác nhau đã ra đời, đã tranh luận sôi nổi và nhiều khi chưa thể đi đến những kết luận cuối cùng.

 Mối quan tâm của J.-P. Sartre đối với người viết với tư cách nhà văn được thể hiện rõ nhất trong các cuốn sách ông phân tích rõ nghiệp văn của những người đồng nghiệp của mình. Xuất phát từ những tư tưởng triết học về con người, về một nền văn học hành động (văn học được xác định không phải bởi bản chất, mà bởi một việc làm và bởi hành động), J.-P. Sartre đã tiến hành phân tích quá trình trở thành nhà văn của người viết-tác giả, đặc biệt thể hiện rõ qua các tác phẩm bậc thầy về ba nhà văn Pháp  Baudelaire, Flaubert và Genet: Baudelaire (1947), Saint Genet- nhà nghệ sĩ và người tuẫn nạn  (1952) Thằng ngốc của gia đình. Gustave Flaubert từ 1821 đến 1857 (1972, 3 tập).

Đặc biệt, ông nhấn mạnh yếu tố xã hội trong khi nghiên cứu một nhà văn. Điều đó thể hiện trước hết qua sự nghiệp sáng tác của chính bản thân ông: “Tôi nghĩ rằng trong tôi đã có sự phát triển liên tục từ tác phẩm Buồn nôn đến Phê bình lý trí biện chứng. Sự phát hiện lớn của tôi, đó là các vấn đề xã hội, trong chiến tranh, tôi đã là người lính trên chiến trận, đó thực sự là nạn nhân của một xã hội mà anh thuộc về nó, nơi ấy anh không muốn có mặt và là xã hội đem lại cho anh những luật lệ mà anh không muốn. Các vấn đề xã hội không có trong tác phẩm Buồn nôn, nhưng người ta có thể thấy thoáng qua”.

J.-P. Sartre quan tâm đến việc gắn nhập con người và thời đại,  là người nổi bật trong giới trí thức Pháp những năm đầu thế kỷ XX với vấn đề trách nhiệm của nhà văn. Tháng 10 năm 1945 tạp chí Les Temps modernes được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông. Trong bài Giới thiệu cho tờ tạp chí này (được coi là một trong những đường hướng chính trong tư duy của J.-P. Sartre trong những năm 1945-1947), ông không chỉ thể hiện sự đoạn tuyệt và xem xét lại nhiều vấn đề trong văn học truyền thống cũng như đương đại, mà còn tuyên bố những quan điểm gắn với xã hội của một nhà văn. Ông khẳng định sự tất yếu phải gắn bó với xã hội của nhà văn và “lấy làm tiếc về sự hờ hững của Balzac trước tình thế những ngày của năm 48 (cách mạng 1848, LPT thêm) cũng như thái độ sợ hãi của Flaubert đối với Công xã”.[35] Thậm chí J.-P. Sartre còn cho rằng các nhà văn này phải chịu trách nhiệm trong việc Công xã bị đàn áp đẫm máu, vì họ đã không viết một dòng nào để phản đối những biện pháp dã man của chính phủ đương thời. Đồng thời ông nêu gương của những nhà văn thể hiện trách nhiệm của mình trước thời cuộc khi phê phán những việc làm bất hợp lý của các nhà cầm quyền: đó là Zola với bài Tôi tố cáo nổi tiếng và Gide với cuốn sách Từ Congo trở về.

Cho rằng mỗi một nhà văn đều ở trong tình thế nhất định gắn với thời đại anh ta đang sống, J.-P. Sartre khẳng định vai trò của nhà văn trong thời đại ấy: “Mục đích của chúng ta là góp sức vào việc tạo ra một vài sự thay đổi trong Xã hội đang bao quanh ta”, và “…đối với chúng ta, văn học sẽ lại trở thành cái mà nó đã chưa bao giờ ngừng trở thành: nó có chức năng xã hội”. Việc gắn hoạt động sáng tác của nhà văn vào với không khí của thời đại cũng như trao cho nhà văn những trách nhiệm nặng nề đã khiến Chủ nghĩa hiện sinh của J.-P. Sartre mang những sắc thái riêng. Không phải vô cớ mà nhiều nhà nghiên cứu đã gắn từ “hành động” khi nói tới Chủ nghĩa hiện sinh của ông: Chủ nghĩa hiện sinh hành động. Cũng vì vậy, đã có người đã coi quan niệm nhà văn tình thế của ông cùng với những trách nhiệm xã hội ông trao cho họ có những điểm tương đồng với quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp đương thời.[36]

Trách nhiệm của người nghệ sĩ còn được J.-P. Sartre đề cập đến ở một dịp khác. Trong bài phát biểu ở phiên họp đầu tiên của Hội nghị toàn thể của Unesco tại Paris tháng 11 năm 1946, ông nhấn mạnh: “chúng ta càng ngày càng cần phải có trách nhiệm hơn (…) mỗi người có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên thế giới”. Khẳng định rằng “trách nhiệm của nhà văn hiện nay là rất rõ ràng”, J.-P. Sartre nêu cụ thể năm nhiệm vụ cần làm của người nghệ sỹ và nhấn mạnh một lần nữa: “Đó là vấn đề của chúng ta, đó là vấn đề của thời đại, đó là vấn đề của chúng ta, các nhà văn” [37].

 Nếu như bài diễn thuyết của ông Chủ nghĩa Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản năm 1945 vừa là sự giải thích, trả lời, vừa là sự nhấn mạnh và chốt lại những quan điểm quan trọng của Chủ nghĩa Hiện sinh, thì trong hai văn bản vừa nhắc trên lại thể hiện một gương mặt khác của một J.-P. Sartre đa diện. Đó là một con người nhập cuộc của bản thân ông, và kèm theo đó là những khái niệm gắn với tên tuổi J.-P. Sartre vào những năm 40 của thế kỷ trước: nhà văn dấn thân và văn học nhập cuộc.

Nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề này đã được J.-P. Sartre đề cập đến trong cuốn  Văn học là gì? (1948)[38].

Nhà văn nhập cuộc, theo ông không thể là người theo thuyết nghệ thuật vị thuật, mà là người gắn sự nghiệp sáng tạo của mình với thời đại. Từ đó chúng ta hiểu ý của nhà văn khi ông khẳng định: “Ngay cả số phận các tác phẩm của chúng tôi cũng gắn chặt với số phận nước Pháp đang lâm nguy” .

Đề cập đến người viết của thời hiện đại, người viết phải chịu trách nhiệm trước những sự lựa chọn của mình trước một thời đại đầy biến động và vô cùng phức tạp, J.-P.Sartre với tư cách người sáng tác không thể không quan tâm đến vấn đề hình thức. Chủ trương không bắt chước Kafka, không làm lại những gì Kafka đã làm, ông cho rằng “cần phải lấy từ các cuốn sách của ông lòng can đảm và kiếm tìm ở nơi khác”. Việc liên tục quan tâm đến các vấn đề của xã hội trong sự nghiệp viết lách của mình đã khiến J.-P. Sartre vượt lên cao hơn tình thế của một nhà triết học, nhà văn, nhà phê bình Hiện sinh của nước Pháp thế kỷ XX, để đạt tới tầm của một nhà tư tưởng lớn, với tư duy sắc sảo và nhạy bén.

TÓM LẠI, XHH VH là một lĩnh vực nghiên cứu khá đặc biệt. Nếu xét từ góc độ mối quan hệ giữa xã hội và văn học, XHH VH có nhiều phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận khác nhau trên cơ sở chung là việc khẳng định có mối quan hệ ấy.

Cũng từ đây, chúng ta sẽ thấy tồn tại nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau trong cùng một quốc gia, hay xét trên bình diện quốc tế. Dù muốn hay không, người ta cũng phải công nhận XHH VH, tuy không đồng nhất như một phương pháp, một cách đặt vấn đề, đã thực sự hiện hữu, chiếm một vị trí nhất định trong bức tranh chung của lý luận-phê bình văn học thế giới và là một bộ phận của khoa học nghiên cứu văn học nói chung.

Chính vì vấn đề khá phức tạp và không đồng nhất, nên việc tiếp cận XHH VH từ mối quan hệ giữa văn học và xã hội cần có sự đầu tư thích đáng và tích cực của nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu. Nếu xét XHH VH như là một cách tiếp cận dựa trên những tri thức và các thao tác của xã hội học thì vấn đề có vẻ như đơn giản hơn, vì nó hẹp hơn, mang tính khách quan hơn và khoa học hơn .

 Không thể không đề cập đến những giới hạn tất yếu của mỗi một phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu khoa học nói chung, phê bình văn học nói riêng. Phương pháp nghiên cứu của R.Escarpit, P.Bourdieu, L.Goldmann, J.-P. Sartre tuy không tránh được những điểm yếu riêng, trong thực tế đã góp phần tích cực vào sự đa dạng phong phú của bức tranh lý luận văn học ở thế kỷ XX, ở Pháp cũng như trên thế giới.

 Tại Việt Nam đã xuất hiện những nghiên cứu văn học Việt Nam dựa trên thành tựu của các nhà xã hội học văn học Pháp [39]. Theo chúng tôi, đây là một hướng tiếp cận rất khả thi, một mặt, nó hứa hẹn những tiếng nói nhiều chiều, mặt khác, nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu nước nhà phải luôn cập nhật các thông tin mới với tinh thần dám thử nghiệm, mở ra những con đường mới.

Yêu cầu phát triển nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật tại Việt Nam ở thế kỷ XXI, ngoài việc nghiên cứu sâu vốn phong phú từ trong di sản dân tộc, không thể không hướng tới những chân trời mới để có thể có tiếng nói của riêng mình giữa muôn vàn tiếng nói của nhân loại.

 

 

[2] G. Endruweit và G.Trommsdorg, Từ điển xã hội học, (Ngụy Hữu Tâm và Nguyễn Hoài Bão dịch từ nguyên bản tiếng Đức), Nxb Thế giới, 2002, tr.858-859.

[3] Lê bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, 1997,2000; Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, 1999; I.P.Ilin và E.A.Tzurganova chủ biên,Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa kỳ thế ký 20,Nxb Đại học Quốc gia, 2003.

[4] Từ điển văn học (Nhiều tác giả),Nxb Thế Giới, 2004.

[5] Lịch sử văn học Pháp.Thế kỷ XX, (Nhiều tác giả), Nxb Thế giới, 1992; tái bản năm 2005 tại NXB Quốc gia Hà Nội.

[6] Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX, (Lộc Phương Thủy chủ biên), Nxb Văn học, 1995.

[7] Xem:Trương Đăng Dung, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb KHXH, 1998.

[8] Phương Lựu, Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại, Nxb Giáo dục, 1999, tr.240.

[9] Phương Lựu, Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học-Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

[10] Phương Lựu, Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, Nxb Thế Giới, 2007.

[11] Trương Đăng Dung, Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb KHXH, 2004.

[12] Sự đỏng đảnh của phương pháp, (Đỗ Lai Thúy chủ biên), Nxb văn hóa Thông tin-Tạp chí văn hóa-Nghệ thuật, 2004.

[13] Sự đỏng đảnh của phương pháp, trang 20.

[14] Xem: Lý luận-phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, (Lộc Phương Thủy chủ biên), Nxb Giáo dục, 2007,

[15] Trong cuốn: Đào Duy Hiệp, Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, 2008.

[16] R. Escarpit,  Xã hội học văn học, 1958.

[17] P.Escarpit, Sđd.

[18]Dictionnaire historique thématique et technique des Littératures, Larousse, 1990

[19] Sđd, tr.

[20] J.-Y. Tadié, La critique littéraire au XX siècle, Pocket, 2002, tr.155.

[21] Paul Aron và Alain Viala, Xã hội học văn học,2006, tr.3.

[22] Anne Barrère và Danilo Martuccelli, Le roman comme laboratoire. De la connaissance littéraire à l'imagination sociologique, Villeneuve d'Ascq, Septentrion Presses Universitaires, 2009, 373 tr.

[23] Anne Barrère và Danilo Martuccelli, sdd, tr. 8-9.

[24] Italo Calvino, Leçons américaines (aide-mémoire pour le prochain millénaire), Paris, Seuil (coll. Points), 1986.

[25]Philippe Baudorre, Dominique Rabaté, Dominique Viart (chủ biên), Littérature et sociologie, Pessac, Presses Universitaires de Bordeaux, 2007, 232 tr.

[26] Didier Alexandre, Michel Collot, Jeanyves Guérin và Michel Murat (chủ biên), La Traversée des thèses : bilan de la recherche doctorale en littérature française, Paris, Presses de la Sorbonne Nouvelle, 2004.

[27] Didier Alexandre, Michel Collot, Jeanyves Guérin và Michel Murat (chủ biên), 2004, Sdd, tr. 7

[28]Francine Dugast và Michèle Touret (chủ biên),Le Temps des Lettres. Périodisation de la littérature française du XXe siècle, Rennes, Presses Universitaires de Rennes, 2001.

 

[29] Viện Xã hội học (Collège de sociologie) là một tập thể tác giả được thành lập, từ tháng 11.1937 đến tháng 7.1939, theo sáng kiến của Georges Bataille với mục đích nghiên cứu và truyền bá khoa học xã hội. Viện tổ chức các buổi thuyết trình và đã có vai trò trong đời sống trí thức Pháp vào giai đoạn trước Đại chiến Thế giới lần II. Viện đã có ảnh hưởng đến nhiều nhà nghiên cứu Pháp thế kỷ XX.  

[30] Didier Alexandre, Michel Collot, Jeanyves Guérin và Michel Murat (chủ biên), 2004, Sdd, tr. 8

[31] L.Goldmann, Pour une sociologie du roman, ( Vì một xã hội học của tiểu thuyết), Gallimard, 1992, tr.

[32] Xem Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học-Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2002.

[33] P. Bourdieu, "Le marché des biens symboliques" (Thị trường sản phẩm biểu tượng"), trong L'Année socilogique, 1971, n°22.

[34]Le magazine littéraire, Hors-série, No7,mars-mai 2005, trang 97.

[35] J.-P.Sartre, Tình thế,(Situation), II,Gallimard, 1948, tr. 12.

[36] Về những hoạt động văn học, xã hội và chính trị của J.-P.Sartre có thể đọc trong cuốn: Anna Boschetti: Sartre và “Les Temps modernes”, Nxb Minuit, 1985, sách dày 326 trang, trong đó tác giả áp dụng lý thuyết “trường” trong xã hội học văn học của P. Bourdieu để nghiên cứu môt giai đoạn đặc biệt trong văn nghiệp của  J.-P. Sartre.

[37] J.-P.Sartre, Trách nhiệm của nhà văn (La responsabilité de l’ écrivain),Nxb Verdier, 1998, tr.59.

[38] J.-P.Sartre, Văn học là gì?(Qu’est-ce que la littérature?) ra đời năm 1947, sau đưa vào bộ sách Situation II năm 1948, bản chúng tôi có trong tay và dùng để trích dẫn là bản Qu’est-ce que la littérature?, Gallimard (khổ nhỏ, 374 trang), 1964. Chúng tôi có tham khảo thêm bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc:J.-P.Sartre, Văn học là gì? Nxb Hội nhà văn, 1999.

[39] Xem: Phạm Xuân Thạch: Ba thập niên đầu thế kỷ XX và sự hình thành “trường văn học” ở Việt Nam; Phùng Ngọc Kiên: Nghiên cứu xã hội học về trường hợp Trần Dần,từ cuốn Nghiên cứu văn học Việt Nam-Những khả năng và thách thức,Nhiều tác giả, Tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard-Yenching tài trợ, Nxb Thế giới, 2009.

 

 


[1] Trong cuốn này, tuy các tác giả không nhắc đến XHH VH, nhưng ở phần Phụ lục NHỮNG TÁC GIẢ NỔI TIẾNG lại cung cấp những thông tin liên quan đến các nhà xã hội học tiêu biểu trong lĩnh vực XHH VH như  G.Lucacs, Th.W.Adorno, L. Goldmann…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513533

Hôm nay

26

Hôm qua

2313

Tuần này

21470

Tháng này

220406

Tháng qua

121356

Tất cả

114513533