Ở Sài Gòn, phía trước mỗi trường tư thục đều có một tấm biển dài, ghi tên các thầy cô trong ban giảng huấn phụ trách từng môn học. Các trường thường mời những thầy giáo giàu kinh nghiệm, vừa đứng trên bục giảng vừa viết sách giáo khoa, nên học trò mọt sách như tôi, dù ở quê xa, cũng biết tiếng các thầy (Chả bằng bây giờ, mình đổi mới, sách giáo khoa trung học hầu hết do các giảng viên đại học biên soạn, dù nhiều thầy cô không dạy trung học giờ nào cả!).
Sau một ngày ròng rã đi “khảo sát”, tôi “chấm” được hai trường có thế mạnh về ban C. Trường Văn Học ở đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) do Nguyên Sa Trần Bích Lan làm hiệu trưởng và Trường Trường Sơn ở đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám), hiệu trưởng cũng là một văn nhân: Nguyễn Sỹ Tế. Nguyên Sa không chỉ là một thi sĩ thời danh mà còn là một nhà nghiên cứu triết học và phê bình văn học. Ngôi trường của ông có những thầy giỏi nhưng thành phần không đa dạng lắm. Nhìn danh sách giáo sư, thấy trường Trường Sơn dung nạp nhiều khuynh hướng hơn; thú vị nhất là có những thầy cộng tác với những tờ báo trái ngược nhau về quan điểm, lại cùng dạy ở đây. Và kể cũng thật lạ, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao một ngôi trường ở Hòn Ngọc Viễn Đông thời đó mà lại mang tên Trường Sơn!
Tôi ghi danh học buổi chiều, từ Phú Nhuận có thể đi xe lam lên theo đường Bà Huyện Thanh Quan và về theo đường Trương Định, nối dài là Đoàn Thị Điểm (mấy chục năm rồi hai con đường song song đó vẫn hai chiều ngược nhau như vậy). Lớp của tôi gần 60 học sinh, chưa đến mức thành “cá hộp” như một số trường khác, nhưng phòng học ở phía sau, khuất gió, nên mấy cái quạt chạy vù vù suốt buổi mà vẫn không hết oi bức. Trong lớp có mấy anh chị lớn tuổi vừa đi làm vừa đi học, mọi người đều chăm chỉ nghe giảng, hầu như không ai đi trễ về sớm, thầy giám thị chẳng bao giờ phiền trách.
Buổi học đầu tiên của từng môn, thầy hiệu trưởng hay thầy giám học thường đến tận lớp giới thiệu đôi nét về giáo sư phụ trách. Có một chút hồi hộp khi lần đầu tiên diện kiến những thầy bấy lâu nay mình chỉ “văn kỳ thanh”. Thầy hiệu trưởng không dạy lớp tôi và tôi không còn ấn tượng gì về tác phẩm của thầy, nhưng tôi vẫn nhớ dáng người nho nhã, thường đi khoan thai trong sân trường. Lớp tôi may mắn được học Pháp văn với thầy Lê Trung Nhiên, hồi đó là giảng sư Đại học Văn khoa Sài Gòn, có cách dạy rất chu đáo: thầy in ronéo các bài khoá với câu hỏi hướng dẫn phát cho học sinh (mà không phải đóng tiền đâu nhé!) về nhà đọc trước, hôm sau thầy mới giảng tỉ mỉ từng chữ, từng câu. Thầy Trịnh Chuyết dạy môn sử địa, là tác giả cuốn Từ điển danh nhân thế giới.
Các thầy giáo dạy môn triết học đều trẻ và cùng đang dạy ở những trường công lập như Chu Văn An, Pétrus Ký… Thầy Nguyễn Trọng Văn dạy luận lý học (bây giờ gọi là lô-gích học), luôn có tinh thần xã hội, viết loạt bài về trí thức khuynh tả trên tạp chí Đối diện khiến tờ báo bị tịch thu. Tháng 12 năm đó Mỹ ném bom miền Bắc rất tàn bạo; một bữa thầy vào lớp, giọng nói chắc nịch, báo tin với chúng tôi: hôm qua Hà Nội bắn rơi hai máy bay B52! Thầy nổi tiếng với bài diễn thuyết Phạm Duy đã chết như thế nào ở Đại học Văn khoa; nhưng một hôm học căng thẳng quá, thầy bảo học trò hát bài Tóc mai sợi vắn sợi dài của người nhạc sĩ này để đỡ nhức đầu vì ông Aristote.
Thầy Nguyễn Xuân Hoàng là một phong cách khác, dạy tâm lý học rất hấp dẫn và khúc chiết, có lần ra cho lớp một đề luận gợi nhiều hứng thú: “Quên là gì? Nguyên nhân và tác dụng của sự quên”. Thầy làm báo Văn, bài tuỳ bút Uống rượu ở chợ Đũi của thầy, viết về nhà giáo, nhà thơ Tạ Ký, có một câu mà tôi nhớ mãi: “Tạ Ký thơ hơn thơ của chính mình”. Có lẽ tôi không quên bài đó vì trường tôi học cũng ở gần bên chợ Đũi nằm ngay ngã tư Võ Văn Tần – Cách mạng Tháng Tám ngày nay. Tôi hình dung một buổi chiều cuối tuần, sau giờ dạy học, hai ông thầy giáo ngồi đối ẩm bàn chuyện văn chương trong một quán rượu, thấy nghề giáo cũng không đến nổi quá buồn tẻ! Tôi là học trò, giờ ra chơi thì đi uống nước mía rồi vào hiệu sách Đoàn Văn bên kia đường hay lục lọi tìm sách cũ dọc vỉa hè trước rạp Nam Quang.
Hơn ba mươi năm sau, một hôm bước vào văn phòng cơ sở ngoại ngữ, nơi tôi đi làm thêm buổi tối, tôi bỗng gặp và nhận ra ngay thầy Lê Thế Thụ dạy Anh văn ngày trước ở trường Trường Sơn. Thì ra thầy trò chúng tôi đi một vòng rồi cũng lại gặp nhau ở một ngôi trường. Thầy qua tuổi xưa nay hiếm, về hưu đã lâu, nhưng vẫn nhận lời dạy cho những lớp Anh văn tại chức. Vào dịp khai giảng hay bế giảng khoá học, thầy lại lên dặn dò sinh viên và hát tặng mọi người bài When we were young quen thuộc. Buổi chiều lúc này hay kẹt xe, thầy luôn đến trường sớm, ung dung ngồi đánh vài ván cờ tướng với đồng nghiệp trước khi lên lớp. Nhìn thầy ngồi đó tóc bạc da mồi, tôi thấy tôi hai chục năm về sau, thầm nghĩ đời nhà giáo cũng không đến nổi quá buồn tẻ!
Cách đây vài hôm, mấy người bạn rủ đến một quán cà-phê, nơi có sáng kiến trưng bày những tấm ảnh lưu niệm của một số trường trung học trong thành phố từ những thập niên 60 - 70. Những khuôn mặt tươi sáng và chân thành ấy chính là thế hệ chúng tôi. Nhưng đấy là những ngôi trường có lịch sử lâu dài, có truyền thống. Ngôi trường tôi học năm cuối bậc trung học và cả cái chợ Đũi gần đó giờ đã mất hết mọi dấu tích, đi ngang qua thấy lạ lẫm những toà khách sạn và nhà hàng cao ngất. Lớp tôi cũng không có lấy một tấm ảnh chụp chung nào. Tôi về lục tìm được tờ học bạ có lời phê và chữ ký của thầy Thụ, photocopy đem đến tặng thầy./.