Những góc nhìn Văn hoá

Giải mã Tây du ký (Kỳ 8)


Sáu Bảy Mười Ba

Trên con đường sang phương Tây thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng không chỉ đụng độ yêu tinh ma quái mà còn có khi chạm trán cùng giặc cỏ cướp đường. Mào đầu Hồi thứ Mười Bốn, Tây Du viết:

Viên tâm quy chính,                       猿心歸正

Lục tặc vô tung.                             六賊無踪

Nghĩa là:

Lòng vượn theo đường chính,

Sáu giặc mất tăm hơi.([1])

Qua đến Hồi thứ Bảy Mươi Hai, lại dẫn chuyện rằng:

Bàn Ty động thất tinh mê bổn,

Trạc Cấu tuyền Bát Giới vong hình.

盤絲洞七精迷本, 濯垢泉八戒忘形.

Nghĩa là:

Động Bàn Ty bảy tinh mê gốc,

Suối Trạc Cấu Bát Giới quên hình.([2])

Hai hồi ấy nhắc đến lục tặc và thất tinh. Lục tặc là sáu tên cướp. Thất tinh là bảy đứa yêu tinh. Sáu bảy mười ba. Tuy rằng chuyện trước cách chuyện sau đến những năm mươi tám hồi dài, nhưng trước với sau vẫn chỉ là một chuyện. Ngô Thừa Ân muốn nói tới thập tam ma (mười ba con ma), tức là bè lũ sáu giặc cướp bảy yêu tinh cùng cấu kết với nhau để phá hoại tấm lòng thanh tịnh của con người, làm con người mê mờ đi vào đường quấy, xa lìa chơn lý, xa chánh đạo.

Sáu tên cướp

Tây Du kể rằng sau khi nghỉ đêm tại nhà một cụ già họ Trần, Đường Tăng và Tề Thiên lên đường đi thỉnh kinh. “Thầy trò đi được lúc lâu, bỗng ven đường nghe soạt một tiếng, thấy sáu người xông ra, đứa nào cũng giáo dài, kiếm ngắn, dao sắc, cung cứng, quát vang...” ([3])

Tề Thiên hỏi lai lịch, bọn cướp tự giới thiệu: “Nhà ngươi không biết, bọn ta nói cho mà nghe: Chúng ta, một người gọi là mắt thấy mừng, một người gọi là tai nghe giận, một người gọi là mũi ngửi thích, một người gọi là lưỡi nếm nghĩ, một người gọi là ý thấy muốn, một người gọi là thân vốn lo.” ([4])

Biết chúng là ăn cướp, Tề Thiên đòi chia của, thế thì: “Sáu tên cướp nghe nói, thằng mừng thì mừng, thằng giận thì giận, thằng thích thì thích, thằng nghĩ thì nghĩ, thằng muốn thì muốn, thằng lo thì lo, cả lũ xông lên hò hét loạn xị...” ([5])

Như vậy sơ yếu lý lịch của lũ cướp đường trắng trợn này đã rõ. Chúng vốn là sáu căn (lục căn) của mỗi người, gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý).

Bản lý lịch trích ngang của chúng còn cho thấy tuy năng khiếu sở trường hay tay nghề chuyên môn của từng tên rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một căn bản chung: đối cảnh sinh lòng.

Sáu căn hàng ngày hàng giờ tiếp cận với ngoại cảnh thì sinh lòng biến đổi theo cảnh. Biến theo cảnh hoài thì tâm điên đảo, giống như nước trong bị vẩn bụi dơ bẩn.

Có sáu thứ bụi trần (lục trần) từ bên ngoài đột nhập vào tâm con người (lục ngoại nhập) thông qua lục căn, và tương ứng với lục căn là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

1. Nhãn - Sắc: Mắt thấy màu sắc, hình dạng vừa lòng thì tham, trái ý thì chê. Mắt gặp sắc tướng sinh ra kiến (thấy).

2. Nhĩ - Thinh: Tai nghe âm thanh ngọt ngào thì chê, âm thanh chói tai thì ghét. Tai gặp âm thanh sinh ra văn (nghe).

3. Tỷ - Hương: Mũi ngửi mùi thơm tho thì thích thú, hít phải hơi hôi hám thì chẳng ưa. Mũi gặp hương sinh ra khứu (ngửi).

4. Thiệt - Vị: Lưỡi nếm vị ngon béo thì khoái, nhấp phải đắng cay thì ớn. Lưỡi gặp vị sinh ra vị (nếm).

5. Thân - Xúc: Thân xác thịt da cọ xát với da thịt hay lụa là êm ái thì mê, chạm phải sần sùi nhám nhúa thì chán. Thân xác do chung đụng mà sinh ra giác (cảm giác).

6. Ý - Pháp: Ý gặp tư tưởng (pháp) thì sinh ra phân biệt, chê khen, ưa ghét, tính toán... Ý gặp pháp sinh ra tri (hiểu biết).

Giải thích căn do, duyên cớ của lục tặc, Đức Cao Đài Tiên Ông dạy rằng: “... hễ có lục dục thì có lục trần, mà có lục trần thì mới sanh lục tặc.” ([6])

Theo Phật, lục căn gặp lục trần sinh ra lục thức, làm cho tâm con người đối đãi thị phi theo kiểu nhị nguyên (tương đối). Muốn đạt đạo, tức là thủ đắc được chân lý nhất nguyên (tuyệt đối), thì phải biết đối trị với lục dục là sáu điều ham muốn của con người mà lục thức đã gieo rắc lên mảnh tâm điền của mỗi người.

Thiền Phật, Lão và Cao Đài quan niệm sở dĩ sáu tên ăn cướp xông vô nhà được là vì nhà vắng chủ. Hành giả biết làm chủ bản tâm, củng cố địa vị chủ nhà (chủ nhân ông) thì làm sao có nạn lục trần đột nhập để sinh ra lục tặc. Chính vì thế, khi giáp mặt lũ cướp, lập tức Tôn Hành Giả khẳng định liền vai trò chủ nhân ông của mình: “Ồ, các ngươi là sáu thằng giặc cỏ, không nhận ra người xuất gia này là chủ của các ngươi sao mà lại dám chận đường?” ([7])

Như đã nói, con người là một hình ảnh hai cuộc đời.([8]) Không chế ngự đặng thì lục căn sinh lục dục, lục tặc. Chế ngự đặng thì lục tặc trở nên lục thông là sáu món thần thông. Đức Cao Đài dạy: “Vả lại lục dục là sáu con quỷ, tức là sáu đứa du côn, nhưng nếu biết cách thâu phục chúng nó đặng thì sáu con quỷ ấy trở nên lục thông là đắc đạo. ([9])

Diễn tả sự đối trị của hành giả trước lục tặc, Ngô Thừa Ân mượn tay Tề Thiên tiêu diệt trọn lũ cướp sáu tên: “Sáu tên cướp bỏ chạy tán loạn. Hành Giả nhanh nhẹn đuổi theo tóm gọn, đập chết hết.” Sau đó Tề Thiên báo cáo cùng Đường Tăng: “Xin mời sư phụ lên đường, lũ cướp đã bị lão Tôn giết hết rồi. ([10]) Ở đây họ Ngô hàm ý: muốn lên đường tìm chơn lý tuyệt đối (thỉnh kinh) thì trước hết phải đại hùng đại lực, nhất tâm diệt xong lục dục. Do đó, sự truy quét của Tề Thiên là dứt khoát, quyết liệt, không khoan nhượng.

Tuy nhiên con người vốn dễ dàng có khuynh hướng thỏa hiệp với cái xấu của bản thân. Lý trí thì bảo phải quyết liệt: “Hành Giả nói: Thưa sư phụ, mình không đánh chết họ, họ cũng đánh chết mình.” Nhưng tình cảm và bản năng yếu đuối lại không nỡ dứt bỏ những ràng buộc của đam mê ham muốn, sở dục tư riêng, cho nên: “Tam Tạng nói (...) bọn chúng tuy là giặc cướp chặn đường (...) chỉ đuổi chúng đi là xong, việc gì phải giết?” ([11])

Sự tranh cãi giữa hai thầy trò đã phản ánh hiện thực cuộc đời: có rất nhiều anh Tam Tạng đi thỉnh kinh, nhưng chỉ rất ít chàng tới được chùa Lôi Âm gặp Phật. Nguyên do thành công hay thất bại là chỗ dám giết hay buông tha. Vì sự ngậm ngùi thiên cổ đó mà khi được hỏi rằng người tu hành chân chính nên hiếu sinh hay hiếu sát, một thiền sư đã trả lời rất nghiêm túc: Hiếu sát! Phải hiểu là sát lục tặc để cho lòng trống tâm không, cảnh thế sự đời thôi chẳng còn vướng víu buộc ràng.

Cũng vậy, khi tổ sư Vương Trùng Dương dạy đạo cho vợ chồng Mã Ngọc (Mã Đơn Dương) và Tôn Uyên Trinh (Tôn Bất Nhị), đã khuyên hai ông bà: “Sát sanh thăng thiên đường, phóng sanh sa địa ngục.” ([12]) Nghĩa là muốn giải thoát thì phải giết chết phàm tâm; còn thả lỏng phàm tâm thì phải chịu luân hồi.

Bảy con yêu tinh

Bảy con yêu nữ nõn nà xuất hiện ở Hồi thứ Bảy Mươi Hai không giống như các giặc cái khác ở truyện Tây Du: chúng không hề đòi hỏi Tam Tạng cung ứng cho chúng cái khoản dịch vụ tình yêu. Trước sau chúng chỉ muốn “hầm lão hòa thượng béo ấy lên ăn... ([13])

Cách xử trí của Tề Thiên với bảy con yêu nữ lần này cũng khác. Thông thường hễ gặp yêu tinh quỷ quái là Tề Thiên lập tức vung thiết bảng chực giết chết ngay tức khắc. Với xê ri bảy ả, Tề Thiên lại tỏ thái độ hoàn toàn thay đổi:

“Hành Giả nghĩ: Ta mà đánh chúng (...) cả lũ toi mạng hết, như thế đáng thương lắm! (...) không nên đánh chúng, chỉ cần dụng một kế tuyệt hậu, bắt chúng không dám rời đi đâu còn hay hơn nhiều.” ([14])

Bảy yêu nữ động Bàn Ty [Ngô Thừa Ân 1988]

Tưởng sao, kế tuyệt hậu của Tề Thiên hóa ra là dở. Tề Thiên lý luận với Bát Giới: “Bọn chúng định tắm xong sẽ quay về hầm sư phụ ăn thịt. Tôi theo bọn chúng tới đó thấy chúng cởi quần áo xuống tắm, định đánh chết chúng, nhưng sợ bẩn cây gậy và mất danh dự, bèn chẳng hề dùng tới gậy, biến thành một con chim ưng đói, quắp quần áo chúng mang đi. Bọn chúng chắc phải chịu thẹn thùng xấu hổ, dìm người trong nước, không dám lên đâu. Chúng ta mau đi cứu sư phụ để lên đường. ([15])

Không giết, chỉ cắp quần áo mặc ngoài. Ẩn ý ở đây là hời hợt, bì phu. Cách xử lý như vậy không rốt ráo, chẳng dứt khoát. Tề Thiên nói “Tôi thì chẳng đánh. (tr.45) bởi vì Tề Thiên nghĩ rằng “cả lũ toi mạng hết, như thế đáng thương lắm!” (tr. 43)

Trái lại, Bát Giới tỏ ra rất vững vàng quan điểm, lập trường: “Bát Giới cười nói: Sư huynh làm việc gì cũng không đến cùng. Đã thấy yêu tinh sao không giết chết chúng để còn đi cứu sư phụ (tr. 43). Theo em, trước hết đánh chết yêu quái, sau giải cứu sư phụ. Đó là kế nhổ cỏ nhổ cả rễ (tr. 45).

Chính vì ngay từ đầu Tề Thiên đã có ý nương tay cho nên không diệt được bảy nữ yêu, tuy tạm cứu được Tam Tạng (Hồi thứ Bảy Mươi Hai), nhưng rồi về sau lại bị chính lũ yêu đó hãm hại cả mấy thấy trò thêm lần nữa ở quán Hoàng Hoa (Hồi thứ Bảy Mươi Ba).

Sự toan tính chần chừ, thiếu dứt khoát, không rốt ráo của Tề Thiên là dễ hiểu. Vì vũ khí tấn công của bảy yêu nữ rất đặc biệt: “Bỗng thấy bảy cô gái cởi khuy áo, để lộ eo bụng trắng phau như tuyết, làm phép từ trong rốn ùn ùn nhả những sợi tơ ra như một tấm lưới mù mịt một khoảng trời, trùm kín lấy Hành Giả.” ([16])

Nhận định của Tề Thiên với loại vũ khí này như sau: “Vật cứng còn có thể đánh đứt, thứ này mềm đánh chỉ lún xuống thôi. Khéo nó biết, nó quấn chặt lấy mình, lại hóa dở. ([17])

Chính vì bảy yêu nữ sở trường vũ khí chuyên dụng như vậy nên Ngô Thừa Ân mới chuyển hộ khẩu thường trú của chúng về động Bàn Ty. Bàn nghĩa là cuộn tròn, quấn tròn. Ty 絲 là tơ; sợi tơ nhu nhuyễn, mềm mại mà khó dứt. Ý ở đây đã rõ: tơ là tơ tình, không thể dứt ngay, ngụ ý là díu dan vấn vít. Chế ngự cái tình cảm con người không phải chuyện dễ, vì con người ưa luyến tiếc, hay khoan nhượng với tình cảm bản thân.

Tuy không thấy Ngô Thừa Ân nói rõ lai lịch từng nữ yêu như khi giới thiệu từng tên trong bọn sáu giặc cướp, đến đây cũng có thể sưu tra được danh tính của bảy cô nàng. Bảy chị em chính là thất tình một bọn, gồm có: mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn (hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục). Đôi khi bảy ả còn đổi tên khác đi chút xíu là: mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, khiếp (hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh).

Thất tình và lục dục, cấu kết nhau nội công ngoại kích, là mười ba con ma phá hoại tâm thanh tịnh, gây phiền não chướng ngại, cản trở người tu thiền (hành giả).

Về hiểm họa ấy, Đức Cao Đài Tiên Ông dạy:

“Thất tình lục dục là mối loạn hàng ngày ở trong tâm trí, không phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí, đánh phá ruồng trong núi cao non thẳm còn dễ dẹp trừ đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là ma lục dục (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) nó phá hoại hàng ngày. ([18])

Con người vì bị thất tình, lục dục mà hao tổn tinh thần, tiêu mòn khí phách. Nó luống đẩy xô nhơn loại vào ao lửa núi gươm, hang sâu vực thẳm.”([19])

Người tu thiền (hành giả) khi ấy phải biết mài gươm trí huệ mà đối địch cùng lũ thập tam ma. Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy phải biết thu phục mười ba con ma này cho chúng cải tà quy chánh:

Muốn phản bổn huyền công tu tập,

Muốn huờn nguyên phá chấp giải mê.

Bảy tình sáu dục quay về,

Về nơi căn cội bồ đề khi xưa.([20])

Ngô Thừa Ân ở Hồi thứ Bảy Mươi Hai tuy phớt lờ lai lịch bảy yêu nữ, nhưng lại bày ra phương châm đối trị với chúng. Lũ yêu này cư ngụ động Bàn Ty và chiếm cứ suối Trạc Cấu. Trên kia đã nói rõ Bàn Ty là tơ tình vướng vít, làm sao dứt bỏ? Thì đây, Trạc 濯 viết với bộ thủy 氵(nước) nghĩa là rửa ráy; cấu 垢 viết với bộ thổ 土(đất) nghĩa là nhơ bợn, cặn cáu. Vậy, Trạc Cấu tức là hãy rửa sạch bụi bặm lòng trần.

Cũng vậy, Đức Cao Đài Tiên Ông dạy muốn trị mười ba con ma ấy, phải hết sức kiên trì với lòng thanh tịnh (tâm không):

Thất tình lục dục sớm trừ xong,

Luyện tập ngày đêm sửa tấm lòng,

Khử diệt thất tình an tánh thiện,

Tu hành phải để chí không không.([21])

Núi Bàn Ty nằm gần suối Trạc Cấu, và Thất Tinh đã được chuyển hộ khẩu về thường trú ở đó, theo ẩn ý của Ngô Thừa Ân, có nghĩa rằng trước sau gì cũng sẽ đoạn trừ xong được thất tình. Đoạn diệt được, thì Tam Tạng mới có thể tiếp tục lên đường thỉnh kinh (truy cầu chân lý tối thượng).

Hiểu trên lý thuyết là đơn giản, nhưng trong thực nghiệm tâm linh của hành giả cổ kim, có biết chăng đã không ít kiếm khách phải bẻ kiếm bên trời mà ngậm ngùi than dài thở vắn.

Than rằng:

Thế gian là một trường thi,

Tâm trần duyên cảnh dễ gì thoát ra.

Diệt trừ sáu bảy mười ba,

Trăm năm trong cõi người ta dễ gì!

 19-3-1992

Bổ túc 28-5-2010

 

 


([1]) [TDK II 1982: 69].

([2]) [TDK VIII 1988: 29].

([3]) [TDK II 1982: 81].

([4]) [TDK II 1982: 82].

([5]) [TDK II 1982: 82].

([6]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 356].

([7]) [TDK II 1982: 82].

([8]) Xem bài Đường Tăng! Anh Là Ai?

([9]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 354].

([10]) [TDK II 1982: 83].

([11]) [TDK II 1982: 83].

([12]) [Thất Chơn Nhơn Quả 1974: 37].

([13]) [TDK VIII 1988: 41].

([14]) [TDK VIII 1988: 43].

([15]) [TDK VIII 1988: 44].

([16]) [TDK VIII 1988: 63].

([17]) [TDK VIII 1988: 38].

([18]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 354].

([19]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 358].

([20]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-8 Nhâm Tuất (30-9-1982).

([21]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 360].

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513575

Hôm nay

248

Hôm qua

2313

Tuần này

21512

Tháng này

220448

Tháng qua

121356

Tất cả

114513575