Những góc nhìn Văn hoá

Những nguyên lý của nghiên cứu so sánh phức hợp

 

các nước xã hội chủ nghĩa sự quan tâm đến văn học so sánh được gia tăng khi mà ngành khoa học này đã trở thành đối tượng của những cuộc tranh luận ở các nước phương Tây. Cuộc tranh luận của chúng ta lúc này nhằm trả lời cho câu hỏi: Khoa học văn học mácxít có cần phương pháp so sánh không?

Thí dụ Vexelốpxki cũng như các truyền thống ngược về thế kỷ XIX của khoa văn học so sánh Hungary, các công trình nghiên cứu so sánh của Tiệp và Ba Lan giữa hai cuộc đại chiến thế giới, và sau ngày giải phóng đều đặt cơ sở cần thiết để những nhà nghiên cứu mácxít của các nền văn học dân tộc - những người đã vận dụng có phê phán các thành tựu của khoa học tư sản - có thể dựa vào khoa văn học so sánh của nước mình. Cuộc tranh luận về văn học so sánh ở Liên Xô đã xác lập những nguyên lí quan trọng. Trong số những nguyên lí đó, tôi nhấn mạnh đề nghị của N.I. Konrad về việc cần phải mở rộng phạm vi không gian và thời gian của văn học so sánh. Điều này được đưa lên hàng đầu trong chương trình khoa học của R. Êtiemble bằng lập luận rất thú vị: Văn học so sánh hay là sự so sánh không phải là lý lẽ: (Littératura Comparéo ou comparaison n 'est pas raison) . V.M. Gyirmunxki đã làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng thuộc về nguyên tắc liên quan tới các qui luật tương đồng loại hình lịch sử, mối quan hệ biện chứng của những sự tương đồng và các tác động qua lại. Những nhận định của I.G. Nheupokojeva về mối quan hệ văn hoá của các dân tộc, về vai trò của chúng trong quá khứ, về ý nghĩa của chúng trong tương lai là có giá trị. Chúng tôi cảm thấy sự phân tích của Xamarin về phương pháp và kết quả của khoa văn học so sánh ở Pháp và ở Mỹ nhiều chỗ là xác đáng. Những kết quả này tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục định hướng khả năng vận dụng văn học so sánh.

Tôi nghĩ rằng, lúc này không cần phải phí lời để bác bỏ hai xu hướng cực đoan sai lầm đã gây nhiễu cho khoa văn học so sánh mácxít. Sẽ là thừa nếu tôi phải chứng minh rằng nhiều cuộc nghiên cứu các ảnh hưởng qua lại của văn học mang dấu ấn chủ nghĩa thế giới, về cơ bản thể hiện quan điểm chống mácxít, phi khoa học và bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa. Cũng tương tự, tôi không muốn nghiên cứu ý kiến dung tục, sai lầm có ở phương Tây và phương Đông cho rằng trong khoa học văn học mácxít chỉ thấy một thứ xã hội học nào đó mà thôi. Thay vào đó, tôi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi là trong giai đoạn phát triển hiện nay của khoa học văn học chúng ta cần nghiên cứu so sánh đến mức nào?

Ngành khoa học của chúng ta mang tính lịch sử cũng như mang tính lý luận - mỹ học, nó vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trong những cách biểu hiện quan trọng nhất của ý thức xã hội, để hiểu văn học và lí giải các quá trình, các hiện tượng của nó. Nhưng âm nhạc và nghệ thuật tạo hình cũng phản ánh ý thức con người, xã hội, và chúng ta cũng phải soi sáng các quá trình và các hiện tượng của chúng bằng phương pháp đó như đối với văn học.

Trong con mắt của chúng tôi thì vấn đề lợi ích của phương pháp so sánh được quyết định ở chỗ nó hỗ trợ được đến mức nào trong việc xem xét sự phản ánh hiện thực của văn học theo chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Tức là chúng ta cần chấp thuận trước quan điểm cho rằng nghiên cứu so sánh không thể là một ngành khoa học riêng biệt, cũng như không thể là một ngành khoa học phụ trợ, cần vận dụng và phát triển hai khả năng (những sự giống nhau và các mối quan hệ tương hỗ) của nghiên cứu so sánh được đúc kết trong cuộc tranh luận ở Liên Xô, đơn giản là để chúng ta có thể nắm bắt được càng nhiều các mối liên hệ biện chứng rộng lớn hơn. Bằng các mối liên hệ này chúng ta mong muốn nhận biết một cách tinh tế và xác thực hơn bản tính và phẩm chất của sự phản ánh của văn học (hoặc là của nghệ thuật nói chung). Như vậy, sự so sánh đối với chúng ta không có nghĩa là bước ngoặt, hay là sự chuyển hướng sang một phương pháp khoa học hoặc một quan điểm nào khác, mà chỉ nghĩa là mở rộng phạm vi nghiên cứu từ trước tới nay của chúng ta; một khả năng mới để nắm bắt các mối liên hệ. Tôi cũng có thể nói rằng cố gắng của chúng ta hoàn toàn khác so với trường phái so sánh của phương Tây. Tôi tán thành ý kiến của R.M. Xamarin cho rằng quan điểm của trường phái so sánh Pháp đúng đắn hơn, nhưng chúng ta cần phải thấy là trong trường phái này chính văn học đã vắng bóng; chúng ta biết được ảnh hưởng của một bài thơ, còn về những đặc trưng của nó thì không. ở những người đại diện xứng đáng nhất của trường phái so sánh Mỹ, đôi khi chúng ta có thể biết được các số liệu có giá trị về cấu trúc của các tác phẩm văn học, về hệ thống kí hiệu ngôn ngữ, hoặc phong cách, kết cấu hay tâm lí của nó, nhưng những vấn đề về sự ra đời, về các mối liên quan lẫn nhau của các tác phẩm thì vẫn bí ẩn đối với chúng ta. Trước sự khủng hoảng hiện nay của văn học so sánh, chúng ta nên coi bản thân sự so sánh chỉ có tầm quan trọng thứ yếu, và trước hết chúng ta cố gắng có một sự xem xét tổng hợp các hiện tượng. Về phần mình, tôi sẵn sàng xây dựng một phương pháp so sánh – phức hợp, nó nghiên cứu so sánh các hiện tượng văn học với âm nhạc và nghệ thuật tạo hình; từng hiện tượng văn học được xem xét trong mối liên hệ, đối chiếu với các hiện tượng tương đồng của những nền văn học khác. Sự tổng hợp này tôi cho là quan trọng hơn sự so sánh, cái sau chỉ được tôi vận dụng vì cái trước. Bởi vì, tôi nghĩ rằng việc vận dụng sâu sắc và triệt để phép biện chứng sẽ ngày càng đưa chúng ta tới các mối liên hệ rộng lớn hơn. Quan niệm siêu hình tách biệt một số lĩnh vực khoa học, đang ngày càng tỏ ra thất bại. Chúng ta không thể hiểu tính lãng mạn văn học nếu không có hiểu biết về lịch sử, triết học, lịch sử kinh tế cũng như không nghiên cứu so sánh phức hợp tính lãng mạn trong âm nhạc và nghệ thuật tạo hình. Mới đây nhất, việc nghiên cứu nền văn học của những nước châu á, châu Phi, Mỹ-latinh vừa ra khỏi tình trạng thuộc địa và nửa thuộc địa cũng được tiến hành bằng phương pháp nghiên cứu phức hợp, nghiên cứu văn học song song với nghiên cứu dân tộc học, lịch sử, âm nhạc. Với những thay đổi phù hợp, nhưng bằng con đường tổng hợp giống nhau, chúng ta có thể tiến tới hiểu được chức năng phản ánh của các nền văn hoá phát triển nhất.

Ai phủ nhận được sự tồn tại của âm nhạc dân tộc, hội hoạ dân tộc, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc và lịch sử nghệ thuật chỉ có thể phát triển ngành khoa học của họ bằng việc nghiên cứu nền âm nhạc và nghệ thuật tạo hình của cả thời đại. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn học cũng cần tiến theo hướng ấy. Chúng ta không thể hiểu được các hiện tượng khai sáng của Hungary, nếu không chỉ ra được ảnh hưởng của triết học Pháp đối với nước nhà, và không để ý đến sự biến đổi của ảnh hưởng đó khi qua thủ đô Viên. Nhưng những ảnh hưởng này không nói được nhiều về thực chất như nghiên cứu so sánh sự tương đồng "loại hình - lịch sử" mà Gyrmunxki nói đến. Nghiên cứu sự tương đồng loại hình lịch sử chỉ ra sự khai sáng trong sự vận động, và chức năng của nó ở các dân tộc Trung và đông Âu sống trong bối cảnh lịch sử, xã hội giống nhau.

Có những hiện tượng văn học mà để riêng ra thì không thể hiểu được, chúng chỉ hiện rõ nếu chúng ta đối chiếu với các hiện tượng của các ngành nghệ thuật khác (như âm nhạc, kiến trúc), và các hiện tượng tương tự của những nền văn học khác. Các loại hình và ảnh hưởng qua lại đều cắt nhau (lại theo lời của Girmunxki); nhưng chúng ta cần có được sự giao nhau phức hợp, mới mẻ hơn ở các lĩnh vực không thuộc về văn học. Chúng ta hãy nghĩ đến phong cách rất riêng nổi lên cuối thế kỷ XIX mà chúng ta thấy ở Anh cũng như ở nước Nga. Trong âm nhạc (thí dụ R. Strauss), trong hội hoạ (Gôganh hoặc tất nhiên, hoàn toàn theo cách khác, Klimt) và trong kiến trúc (ở Viên, Pari, Budapest) cũng như trong văn học (Oscar Wilel hay Hốpmannthal), kể cả truyện ngắn và tiểu thuyết Hungary cuối thế kỷ trước. Trào lưu này được đặc trưng bởi các nét chung nhất định là: thích chải chuốt trong trang trí, và biểu hiện nỗi mơ mộng, nhớ nhung, hay tù túng ngột ngạt, v.v... Thời chính thể quân chủ áo - Hung người ta gọi hiện tượng này là li khai, ở nơi khác thì gọi là fin de siêcla, hoặc "style moderne" mà không một ai làm rõ thực chất của nó, bởi vì chỉ bằng nghiên cứu phức hợp thì mới có thể làm rõ thực chất đó. Vậy mà từ trào lưu này đã phát triển những trào lưu và cố gắng mới hơn, như chủ nghĩa biểu hiện Đức, hội hoạ của Kokoschka, hoặc vở nhạc kịch đầu tiên của Bartok (Cái thành của hoàng tử râu xanh) mà mặc dù chung nguồn gốc thì chúng vẫn khác nhau. Thông thường, chúng ta càng đi sâu vào các trào lưu của thế kỷ XX thì càng biết ít nếu không nghiên cứu phức hợp, càng cần đến việc nghiên cứu những ảnh hưởng qua lại giữa các dân tộc và những điểm giống nhau giữa âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc.

Các công trình nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp so sánh phức hợp có ảnh hưởng quan trọng đến lí luận văn học và lịch sử văn học, và qua sự tương đồng, chúng tác động tới lịch sử âm nhạc và lịch sử nghệ thuật nữa. Những công trình nghiên cứu như thế tạo điều kiện để khám phá sâu sắc và triệt để các mâu thuẫn. Trung tâm của những công trình nghiên cứu của chúng ta là các thời kỳ cách mạng, các truyền thống cách mạng, bởi vì thiếu những cái đó thì chúng ta không thể nào hiểu được hiện thực cụ thể và lịch sử cụ thể. Nhưng để nghiên cứu những hiện tượng cách mạng này thì không thể không nghiên cứu những hiện tượng không cách mạng, bởi lẽ thiếu nó thì chúng ta khó lòng nhận biết được sự phức tạp của một thời đại và sự phong phú của các hiện tượng cách mạng. Chỉ có thể hiểu được các hiện tượng cách mạng, trong sự ra đời và những ảnh hưởng của chúng, nếu hiểu được toàn bộ thời đại, tức là nghiên cứu từng nền văn học cũng cần đến phương pháp tổng hợp. Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta không thể dừng lại ở lý luận chủ nghĩa hiện thực và chống chủ nghĩa hiện thực, vì rằng lí luận này xóa nhòa và kìm hãm các quá trình lịch sử, làm cho việc nắm bắt các mối liên hệ trở nên không thể thực hiện được. Nó còn giao cho khoa học văn học nhiệm vụ chủ quản là phân loại và giám định, buộc khoa học văn học phải làm việc bằng hai phạm trù cứng nhắc thay thế sự phong phú của các hiện tượng và các quá trình.

Nghiên cứu so sánh – phức hợp các hiện tượng có thể đưa chúng ta đến chỗ hiểu một cách sâu sắc nhất những hiện tượng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nếu quan niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một sự tổng hợp, thì chúng ta cần phải nghiên cứu bằng phương pháp tổng hợp các trào lưu đã chuẩn bị cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời. Nếu chúng ta không hoàn thành công việc nghiên cứu này bằng cách soi sáng và mở ra càng nhiều càng tốt các trào lưu, quá trình thì chúng ta khó có thể hiểu được sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chỉ có nghiên cứu so sánh - đối chiếu như thế thì mới có thể làm rõ được chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã tổng hợp trong nó đến mức nào chủ nghĩa hiện thực phê phán (ở Sôlôkhốp), yếu tố lãng mạn cách mạng (ở Gooocki), hoặc các trào lưu mới khác của thế kỷ XX (ở Brecht, Maiakốpxki, Aragon, Nêruda, Êluard, v.v...). Nghiên cứu so sánh với việc mở ra mối quan hệ giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với các trào lưu văn học tiến bộ khác có thể làm phong phú các quan điểm văn học mácxít.

Công việc nghiên cứu so sánh phức hợp xuất phát từ những hiện tượng của các nền văn học dân tộc, nó xem xét các mối liên hệ của những hiện tượng đó, nhưng cũng có thể xuất phát từ các hiện tượng của một nền "văn học thế giới" giả thiết. Công việc nghiên cứu càng chú ý đến mối quan hệ biện chứng của văn học dân tộc và văn học thế giới thì sẽ càng có kết quả hơn. Nhưng chính vì tính chất lịch sử cụ thể của công việc nghiên cứu mà chúng ta cần xem xét những nhu cầu nào có thể làm xuất hiện các ảnh hưởng và các mối quan hệ văn chương.

Không nghi ngờ rằng việc nghiên cứu các mối quan hệ giữa một số trào lưu, những ảnh hưởng lẫn nhau của các nhà văn... cũng có thể cung cấp các dẫn liệu quan trọng để hiểu các mối liên hệ. Nhưng chúng ta cần phải thấy rằng những công trình quan trọng của văn học so sánh chỉ mới làm rõ cái hoàn cảnh bằng những dẫn liệu, nhưng lại chưa soi sáng các mối liên hệ quan trọng nhất. Bởi vì chúng ta chỉ có thể hiểu trong một mức độ nhỏ biểu hiện của từng ảnh hưởng văn học qua hoạt động của những người làm mối lái (như dịch giả, và những người đi viếng thăm). Để riêng ra thì ngay cả việc Bairơn hay Gớt ảnh hưởng đến nhà văn nào, nền văn học nào, trong thời đại nào cũng chỉ có sự hấp dẫn hạn chế. Công trình nghiên cứu ảnh hưởng như thế chỉ có tính chất bổ sung, bởi vì qua đó chúng ta không thể hiểu hơn các tác phẩm của Bairơn hay Gớt, cũng như không hiểu hết tác phẩm của những nhà văn chịu ảnh hưởng của họ. Như vậy trường phái so sánh lớn của Pháp chỉ đưa đến những tư liệu hồ sơ, và những tư liệu đó làm che lấp các hiện tượng cơ bản.

Khi nghiên cứu các hiện tượng ảnh hưởng và các mối quan hệ trong vùng của những nền văn học dân tộc, chúng ta cần phải thấy rằng những nền văn học này, qua các giai đoạn phát triển nhất định đã đồng hóa cho mình những giải pháp và thành tựu của các nền văn học khác. Sự đồng hóa bao giờ cũng xẩy ra theo nhu cầu của nền văn học tiếp nhận. Lịch trình của văn học thế giới sẽ có diện mạo khác nếu chúng ta quan sát nó từ các nền văn học dân tộc. Bôđơle theo thời gian là người cùng thời với các nhà văn Hung trong những năm 1850, nhưng trong thực tế, nhà thơ này chỉ trở nên gần gũi đối với các nhà thơ Hungary vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Bôđơle không “hiện diện” trong nền thi ca thế giới nếu nhìn nhận từ nền thơ Hungary những năm 1850, nhưng đối với các nhà thơ Hungary thì ông lại có mặt trong những năm 1900. Phờrăng Kápka đã ảnh hưởng tới các nhà văn Hung trong những năm 20 của thế kỷ, nhưng tác phẩm của ông chỉ ảnh hưởng tới các nền văn học phương Tây trong những năm bốn mươi, vì đã biểu hiện thành công sự phi lý của thế giới. Đôi khi cùng một hiện tượng mà ở trong nước thì thể hiện nội dung và ý nghĩa khác so với ở những nền văn học mà nó ảnh hưởng. Chủ nghĩa tượng trưng trên quê hương của nó không thể hiện bất kỳ yếu tố cách mạng nào, nhưng ở Đông và Trung Âu thì nó lại là công cụ của thơ ca cách mạng. Công cụ nghệ thuật của Veclen Man lácmê, Coocberơ đã được vận dụng để thể hiện những tư tưởng cách mạng ở Blok và Ady, nhưng những tư tưởng này lại xa lạ với các nhà thơ tượng trưng Pháp. Như vậy khái niệm “ảnh hưởng” trở nên bấp bênh nếu được soi sáng như thế. Bởi vì kết quả mà người tạo ra ảnh hưởng mang lại thường độc lập, thậm chí đôi khi mâu thuẫn với ý định và cố gắng của mình. Ai đó muốn viết lịch sử chủ nghĩa tượng trưng châu Âu, thì phải kể đến hiện tượng mà trong đó những người tạo ra trào lưu, những đại diện đầu tiên của nó không nhận ra chính tác phẩm của họ, và những người xa lạ với cách mạng cảm thấy mình là bộ phận truyền bá cách mạng. Chúng ta có thể nói điều đó về chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, và cả về ảnh hưởng của một số nhà văn nhất định: Chịu ảnh hưởng của Béranger, Pêtôphi đã có những bài thơ mà để cạnh chúng thì thơ của "người đă tạo ra ảnh hưởng'' trở nên non kém. ảnh hưởng của Bairơn đã giúp nói lên tư tưởng của người bình dân trong văn học Hungary, v.v...

Những hiện tượng nghịch lý này ngay lập tức trở nên rõ ràng và lôgíc, nếu chúng ta xem xét chúng từ phía những cố gắng đồng hóa của các nền văn học dân tộc. Chủ nghĩa lãng mạn ở Ba Lan không giống như ở Đức, Victor Huygô nói về Sếchxpia khác người Hung... Bởi vì mọi nền văn học đều theo yêu cầu lịch sử và nhu cầu phát triển của mình để lựa chọn cái mà nó cần đến, rồi đồng hoá những gì đã lựa chọn thành cái mà nó vận dụng. Các dân tộc ở Đông Âu, từ thế kỷ XVIII chuyển sang thế kỷ XIX, khởi đầu của quá trình tư sản hóa, người ta đã phải cách tân vốn từ của mình nhằm thể hiện tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, sau đó qua con đường dịch thuật họ làm quen, rồi bắt chước văn học phương Tây, vay mượn các thể loại của nền văn học này, và cuối cùng với sự giúp đỡ của văn học dân gian, họ đồng hóa chúng thành của dân tộc. Trong quá trình đồng hóa này đôi khi tài năng nhỏ hơn lại có thể là mẫu mực đối với tài năng lớn hơn (như chúng ta thấy ở trường hợp Ber'anger và Pêtôphi)... Những ảnh hưởng đến từ nền văn học của các nước tư bản phát triển sở dĩ có thể có hiệu lực đầu thế kỷ XIX là vì các nước lạc hậu của Đông Âu lúc đó đang trên đường tư bản hóa với sức mạnh lớn. Nhưng những ảnh hưởng này được đồng hóa theo các mối quan hệ và nhu cầu của những nước lựa chọn. Trong thời kỳ nổ ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai và sau đó, văn học Pháp đă chọn tác phẩm của Kapka, chủ nghĩa hiện sinh Đức, tiểu thuyết Mỹ và đã đồng hóa chúng theo nhu cầu của mình. Sau các thời kỳ lựa chọn và đồng hóa, một số nền văn học bước vào giai đoạn đóng cửa. Việc mở rộng cửa hay đóng cửa này luôn luôn thể hiện nhu cầu và tình hình xã hội-lịch sử của nền văn học nói đến. Sự lựa chọn và đồng hóa không phải luôn luôn theo hướng đúng và bình thường: Khoa phê bình và lý luận Hungary thế kỷ trước đã không chọn tiểu thuyết mà lại muốn chọn anh hùng ca để phát triển thành thể loại dân tộc, và do đó thay vì đến với những tiểu thuyết lớn của châu Âu, người ta đã đến với di sản nghiên cứu “anh hùng ca”, và đồng hoá nó để duy trì thể loại không hợp thời này.

Như vậy chúng ta cần nắm bắt vấn đề ảnh hưởng và ảnh hưởng lẫn nhau từ phía các nền văn học dân tộc, chỉ có thể hiểu các hiện tượng này từ yêu cầu của các nền văn học dân tộc. Các ảnh hưởng và các nhu cầu đều có thể làm tiến lên lùi lại, chúng có thể giúp ích cũng như có thể gây tác hại, cho dù thế nào thì nguyên nhân vẫn là do hoàn cảnh của từng nền văn học, từng tác giả, do ý thức xã hội-lịch sử đã được xác lập của mỗi nhà văn. Tôi nghĩ rằng một chuyên khảo nói về “fortume littéraire”của Bairơn thì chỉ mới cung cấp các dữ liệu về ảnh hưởng của Bairơn, nhưng không soi sáng được ý nghĩa của tác phẩm cũng như thực chất ảnh hưởng của Bairơn. Vả lại nếu một chuyên khảo nghiên cứu văn học Đức, Nga, Hung trong các thời kỳ khác nhau đặt ra vấn đề tại sao lại cần đến ảnh hưởng của Bairơn, và những nền văn học này đã lý giải và đồng hoá như thế nào ảnh hưởng của Bairơn thành hình ảnh của chính mình, thì chuyên khảo đó có thể nói được nhiều về tính chất, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của các nền văn học nói trên, thậm chí nó có thể phát hiện ra những quan điểm trong tác phẩm của Bairơn mà đối với một nhà nghiên cứu văn học Anh là chưa hoàn toàn rõ.

Sau những điểm này nổi lên vấn đề: làm thế nào để có thể xem xét tổng hợp ở mức độ cao hơn công việc nghiên cứu dựa vào các nền văn học dân tộc? Làm thế nào có thể dựng lại sự phát triển tiếp tục của một trào lưu, trường phái, hiện tượng văn học? Có thể viết được lịch sử văn học theo từng phạm vi địa lý, lịch sử; hoặc có thể viết được lịch sử văn học của toàn thế giới không?

Chúng ta chưa bao giờ xa khả năng tổng hợp này hơn bây giờ, khi mà các nhà so sánh phương Tây cũng chưa xác định rõ nhiệm vụ của họ, và chúng ta những nhà nghiên cứu lịch sử văn học mácxít cũng chỉ bây giờ mới cân nhắc tới khả năng có thể nắm bắt các mối liên hệ rộng hơn, tạo ra sự tổng hợp cao hơn như thế nào. Nhưng có lẽ có vài điểm tựa để chúng ta có thể dựa vào và định rõ nhu cầu và phương hướng tổng hợp trong tương lai. Chúng ta đừng quên rằng hầu như trong tất cả các nền văn học đều có nhu cầu nói với toàn thể nhân loại, và tất cả các nền văn học đều có những thời kỳ mà nhu cầu đó đặt ra khẩn thiết. Từ giữa thế kỷ trước, nhu cầu này từng bước tác động đến văn học Nga, nó có ở Mickievích, ở Pêtôphi, và ở Eminescu hay Bôtep. Lúc đó hoặc trước đấy hay về sau việc nhân loại có nghe thấy các thông điệp gửi họ không, là không quan trọng. Việc dịch một nhà văn có thể chậm hàng thế kỷ, và ảnh hưởng của nhà văn đó không phải lúc nào cũng xẩy ra một cách đúng đắn và may mắn nhất. Nhưng việc lên tiếng vì sự nghiệp của nhân loại, nỗi lo âu và trách nhiệm vì nhân loại là cơ sở để những nhà văn của các thời đại và các dân tộc khác nhau đến được với nhau. Nghĩa là có thể viết một cuốn "lịch sử văn học nhân loại" - nhưng công trình này không thể bao quát được từ xa hết thảy mọi điều quan trọng và hấp dẫn mà các nền văn học dân tộc có thể nói lên.

Khả năng khác: Dựng lên lịch sử văn học của từng thời kỳ lịch sử thế giới (cách mạng Pháp hoặc cách mạng 1917). Nói đúng hơn việc tạo ra lịch sử văn học của từng thời kỳ, từng trào lưu (ba-rốc, lãng mạn), là nhiệm vụ thực tế nhất nhưng cũng gắn với nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ nhất. Bởi vì không thể tạo ra một sự tổng hợp kiểu này trên cơ sở cái gì sống được trong ý thức "châu Âu", hoặc "Văn học thế giới" từ các nền văn học và các tác phẩm của các nhà văn nhất định. Đối diện với ý thức văn học dân tộc, cụ thể, ý thức quốc tế như thế là trừu tượng, thậm chí là khái niệm độc đoán - và không phải một lần việc tại sao một nhà văn trở nên quen biết hay xa lạ trên thế giới đã tùy thuộc vào những hoàn cảnh rất phức tạp. Thế giới phương Tây biết đến một số nhà văn Hung nhất định, nhưng theo ý kiến chúng tôi thì những nhà văn đó không đại diện cho nền văn học của chúng ta. Nếu Robert Musil không được thế giới biết đến, mà chỉ một vài chuyên gia người áo biết thì có phải vì thế mà ông không có trong lịch sử văn học thế giới? Rõ ràng là thể viết lịch sử văn học của từng trào lưu, hay thời kỳ trên cơ sở các dữ kiện tồn tại khách quan chứ không phải theo những chuẩn cứ của ý thức quốc tế trừu tượng nào đó.

Nhưng nếu chúng ta muốn viết lịch sử chủ nghĩa lãng mạn ở châu Âu thì liệu chúng ta có thể hiểu được hiện tượng này một khi chỉ biết đến chủ nghĩa lãng mạn ở Tây Âu, hoặc Đông Âu? Người nào chỉ biết đến chủ nghĩa lãng mạn Pháp thì chỉ mới có được những hiểu biết chắp nối về toàn bộ chủ nghĩa lãng mạn. Chúng ta sẽ không thể hiểu được chủ nghĩa lãng mạn Ba Lan nếu không biết chủ nghĩa lãng mạn Pháp và Đức. Nghĩa là không thể có sự tổng hợp chỉ biết đến các nền văn học phương Tây, và cũng không thể có sự tổng hợp chỉ biết đến các nền văn học phương Đông. Người nào tin ở điều đó thì người ấy chấp nhận sự suy thoái tinh thần. Nhưng có thể viết lịch sử văn học phương Tây, và lịch sử của các nước Đông Âu theo từng giai đoạn với mục đích để đối chiếu hai cái với nhau. Có thể có sự tổng hợp theo phạm vi địa lý - nhưng chỉ với nhu cầu là từ các tổng hợp đó chúng ta sớm đạt đến cái cao hơn, chung hơn; chúng ta cần đạt đến cái toàn thể. Ngay cả sự chấp nhận kiểu đó cũng không làm cho chúng ta yên tâm. Bởi vì Đông và Tây chỉ tách rời nhau trong những giai đoạn nhất định của lịch sử phát triển, còn ở các giai đoạn khác thì không có các bức tường ngăn cách. Các ranh giới của ba-rốc hoàn toàn khác so với những ranh giới của chủ nghĩa lãng mạn. Sự khai sáng bao trùm toàn bộ châu Âu. Giữa những nước nông nghiệp lạc hậu trong buổi đầu theo chủ nghĩa tư bản có ranh giới rõ nét hơn giữa Đông và Tây ở cuối thế kỷ XIX.

Nhưng có điều quan trọng hơn cả tình trạng này là chúng ta luôn phải tính đến sự thay đổi biện chứng của diện mạo các hiện tượng. Một hiện tượng xuất hiện trong diện mạo nhất định, giữa các khuôn khổ của nền văn học dân tộc sẽ thay đổi tính chất khi chúng ta nghiên cứu nó trong mối liên hệ với nhiều nền văn học dân tộc. Chúng ta hãy nhớ lại những điều đã nói về Bairơn, chủ nghĩa tượng trưng, hoặc chủ nghĩa lãng mạn. Có bao nhiêu thời đại, và nền văn học dân tộc thì có bấy nhiêu thứ diện mạo cho chúng. Nhờ đối chiếu các hiện tượng khác nhau này, và sự xác định chu đáo mà có được sự tổng hợp. Carrê nói đúng khi ông lưu ý đến sự nguy hiểm của việc mổ xẻ các khái niệm "đã xong xuôi" (chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực, v.v...). Những khái niệm này thay đổi theo các thời đại, ở các dân tộc, nhưng chính những thay đổi này có thể đưa chúng ta đến chỗ hiểu bản chất của chúng. Tôi muốn nhắc đến sự thay đổi nghĩa của từ chủ nghĩa hiện thực: ở thể kỷ trước từ này chỉ quan điểm triết học, tư duy khoa học tự nhiên, phương pháp chính xác, chủ nghĩa tự nhiên, cứ thế tiếp tục. Như vậy, trong sự tổng hợp, chúng ta cần chú ý đến việc vận dụng phép biện chứng, phải không ngừng tính đến giá trị và ý nghĩa của những hiểu biết mà chúng ta rút ra từ các nền văn học dân tộc có thể thay đổi khi chúng ta nghiên cứu chúng trong mối liên hệ với nhiều nền văn học dân tộc.

Tôi có thể tổng kết những nhiệm vụ và các khả năng chúng ta có như sau:

1- Khoa học văn học mácxít cần phải mở ra và nắm bắt được những mối liên quan rộng lớn hơn, mới mẻ hơn bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Do đó nó phải đối chiếu, so sánh các hiện tượng của các nền văn học dân tộc; xác lập những sự trùng hợp và khác biệt và nhờ đó tiến tới hiểu bản chất của các hiện tượng.

2- Để hiểu sâu sắc hơn các hiện tượng văn học, cần phải đối chiếu, so sánh chúng với các hiện tượng âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật kiến trúc; bằng cách đó, chúng ta càng phải nghiên cứu với tư liệu phức tạp hơn, càng phải trau dồi phương pháp phức hợp hơn.

3- Chúng ta cần phải xuất phát từ thực tế cụ thể của các nền văn học dân tộc khi nghiên cứu ảnh hưởng và sự ảnh hưởng lẫn nhau của chúng, tức là chúng ta cần phải xem xét việc một nhà văn do hoàn cảnh lịch sử - xã hội đã được xác định tại sao lại chọn, và chọn các tấm gương và những thành tựu như thế nào từ các nền văn học khác. Anh ta đã đồng hóa những cái đã lựa chọn đó thành của dân tộc, của riêng mình bằng cách nào, với các công cụ như thế nào. Chúng ta cần lưu ý rằng sự lựa chọn và đồng hóa đó đôi khi có thể làm thay đổi ý nghĩa và xu hướng khởi đầu của hiện tượng được chọn.

4- Chúng ta cần cố gắng tạo nên những sự tổng hợp có bình diện cao hơn sự tổng hợp của các nền văn học dân tộc và đừng xem xét từng trào lưu, hiện tượng chỉ trong khuôn khổ của một nền văn học dân tộc duy nhất, nếu có thể thì nên xem xét chúng trong khuôn khổ của nhiều nền văn học dân tộc mà những trào lưu, hiện tượng đó xuất hiện. Trong khi nghiên cứu, chúng ta cần chú ý rằng những hiện tượng quen biết trong khuôn khổ nền văn học dân tộc khi được xem xét trong phạm vi rộng lớn hơn đôi khi chúng thay đổi chức năng, ý nghĩa. Bằng sự tổng hợp của mình, chúng ta muốn hiểu các hiện tượng văn học từ phạm vi rộng hơn của chúng đến phạm vi hẹp hơn, hoặc độc lập; từ bình diện hẹp hoặc riêng lẻ đến bình diện rộng hơn, và phổ quát. Chúng ta muốn có được sự hiểu biết cuối cùng từ sự tổng hợp biện chứng của cả hai cái có1

     TRƯƠNG ĐĂNG DUNG dịch

(Tạp chí Người quan sát văn học thế giới

(*) GS.VS - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Hungary.

 

 

của Hungary, số 1/1963)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513577

Hôm nay

250

Hôm qua

2313

Tuần này

21514

Tháng này

220450

Tháng qua

121356

Tất cả

114513577