Những góc nhìn Văn hoá

Trung Quốc và châu Âu (Kỳ 1)

Trong khi ở Paris người ta rầm rộ và có phần phô trương kỷ niệm một trăm năm “cuộc cách mạng vĩ đại” thì ở đầu kia của Cụu Thế giới (1) đã xảy ra một sự kiện ít được để ý đến, nhưng sẽ có những hậu quả quan trọng không kém việc Louis XVI triệu tập Quốc hội Pháp(2). Chính phủ Trung Quốc bằng một quyết định đặc biệt đã bày tỏ quyết tâm thu dụng lấy cho nước mình những công cụ vật chất của văn minh phương Tây. Ngày 27 tháng Tám năm 1889 vừa qua, hoàng đế Trung Hoa đã ban hành một chỉ dụ, mà trong đó, thừa nhận rằng đường sắt góp phần quan trọng cho sự phồn thịnh và hùng cường cần thiết của quốc gia, đã ra lệnh khởi công tuyến đường ray giữa Bắc Kinh và Hán Khẩu (1500 dặm Nga(3) )*.

Khi đọc tin này tôi sực nhớ một cuộc họp của Hội địa lý Paris mà tôi ngẫu nhiên được tham dự một năm rưỡi trước đây. Thành phần diễn giả trong cuộc họp ấy khá đa dạng: có cả các nhà địa lý Pháp và các nhà Ai Cập học, các du khách Hà Lan và Bồ Đào Nha, một người da đen Trung Phi thắt cà vát trắng toát của mục sư và một tu sĩ bác học người ý trong bộ cánh trang nhã của giới thượng lưu xã hội. Những người Pháp xã giao tán tụng những vị khách, không quên khen ngợi cả bản thân mình. Hai người Hà Lan và Bồ Đào Nha cãi nhau gay gắt một lúc về việc dân tộc nào trong hai dân tộc ấy vĩ đại nhất thế giới, vị mục sư da đen khả kính thì tuyên bố rằng chủng tộc da đen là thành tố nữ tình giàu chất thơ trong nhân loại, cho nên khiêm tốn nhường vị trí thứ nhất trong tiến bộ lịch sử cho những người da trắng. Nhưng nhân vật thật sự chủ yếu trong cuộc họp hôm ấy không phải là người da trắng, mà cũng không phải là người da đen, mà là một người da vàng: ngài tuỳ viên quân sự của Trung Quốc ở Paris tướng Tcheng-ki-tong, một cộng tác viên khá nổi danh của Revue des deux monde (4) . Trong toàn bộ đám đông với những khuôn mặt khác màu, nhưng mặc Âu phục đồng màu ấy, chỉ có một mình ông ta xuất hiện trong bộ quần áo dân tộc của mình. Cho nên càng đáng kinh ngạc hơn là ông ta đã nói một bài diễn văn bằng thổ âm Paris một trăm phần trăm, không có tí lơ lớ nào của người ngoại tộc. Bài diễn từ ấy, bên ngoài chỉ gồm rặt những chuyện phiếm hóm hỉnh, được mọi người vui vẻ hưởng ứng và vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi, cũng như mọi người, không thể nhịn cười trước những câu pha trò của vị tướng da vàng và ngạc nhiên nghe cái tiếng Pháp rất lưu loát, sành điệu của ông ta. Nhưng đồng thời tôi bị kinh ngạc sâu sắc bởi những ý tứ đầy trọng lượng ẩn giấu dưới câu chuyện bông lơn tưởng chừng bộc tuyệch bộc toạc ấy. Trước tôi là một đại diện của một thế giới xa lạ, thù địch, đang mỗi ngày một tiến gần hơn đến chúng ta. Trong những lời nói của ông tuỳ viên quân sự Trung Hoa vô tình và có thể vô thức cả đối với ông ta đã bộc lộ cả một xác tín mà ông chia sẻ hoàn toàn với bốn trăm triệu đồng bào của mình.

“Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận từ các vị tất cả những gì cần thiết cho chúng tôi, toàn bộ kỹ nghệ của nền văn hoá tinh thần và vật chất của các vị, nhưng dù chỉ một tín ngưỡng, dù chỉ một tư tưởng, thậm chí dù chỉ một sở thích của các vị chúng tôi cũng không tiếp thụ. Chúng tôi chỉ yêu quý bản thân mình và chỉ tôn trọng sức mạnh. Về sức mạnh của bản thân, chúng tôi không nghi ngờ: nó bền vững hơn sức mạnh của các vị. Các vị đang suy kiệt trong những thí nghiệm liên tục của các vị, còn chúng tôi thì sẽ tận dụng kết quả của những thí nghiệm ấy vì sự lớn mạnh của mình. Chúng tôi vui mừng trước những tiến bộ của các vị, nhưng không thấy cần thiết và cũng không có hứng thú đóng góp tích cực vào sự tiến bộ ấy: các vị đang tự chuẩn bị những phương tiện mà chúng tôi sẽ lợi dụng để chinh phục các vị.” Ngụ ý của những gì mà người Tàu ấy đã nói là như thế, và những các thính giả châu Âu đã hoan nghênh ông ta với một niềm hân hoan nhẹ dạ, chẳng khác nào người Judée thời Maccabés lần đầu tiên hoan nghênh những người La Mã.(5) Tuy vậy ngay ở châu Âu cũng có những người thông minh và hiểu biết, họ quan tâm và lo ngại nhìn đám mây đen đương kéo đến từ Viễn Đông.

“Có thể nói không cường điệu,- Albert Réville nổi tiếng, tác giả nhiều trước thuật có tài về lịch sử các tôn giáo, viết trong chương đầu của công trình mới nhất của mình La Religion Chinoise (Tôn giáo Trung Hoa) - có thể nói không cường điệu rằng hiện nay trên thế giới chỉ tồn tại hai nền văn minh - nền văn minh của chúng ta và của người Trung Hoa. Nền văn minh của ta là sự phát triển dưới những hình thức mới văn hoá Hy-La cổ đại. Châu Mỹ và châu úc xét từ góc độ văn minh chỉ là sự tiếp tục của châu Âu. Văn minh Hồi giáo, một thời huy hoàng đến thế, đã mắc chứng bất lực không thể nào chữa trị và đang từng bước nhường cho người Âu tất cả mọi lãnh địa của mình. Còn ấn Độ thì ngủ say, bất động trong những chiêm mộng nhục cảm nặng nề của mình, và nó sẽ chỉ tỉnh giấc bởi những cú hích từ phía những người họ hàng xa ở phương Tây của nó. Nhật Bản, nhờ Trung Quốc mà có được nền văn minh của mình, đã cương quyết chuyển sang phía chúng ta. Chỉ còn lại văn minh Trung Hoa với ba hoặc bốn trăm triệu đại diện của nó, rất dồi dào sức sống, hoàn toàn tỉnh táo và bằng sự bành trướng của mình có khả năng khiến ta phải lo ngại”.

“Tất nhiên, chủng tộc ariêng phương Tây của chúng ta hiện nay có ưu thế nổi trội hơn Trung Quốc bởi sức mạnh bành trướng và đồng hoá của mình. Những chủng tộc cấp thấp mà nó chinh phục phải phục tùng nó hoặc tử vong. Đặc biệt trong ba thế kỷ trở lại đây sự bành trướng của nó giống như một phép lạ nào đó, khoa học thượng đẳng của nó, tinh thần dũng mãnh của thiên tài của nó, vũ khí không thể địch nổi của nó xem ra đảm bảo cho một mình nó sự bá chủ toàn cầu trong tương lai khá gần. Sẽ là thế đấy, nếu như không có Trung Quốc*.

“Ngay hiện nay ở Malaixia của Anh, ở ấn Độ của Hà Lan, ở úc số lượng Hoa kiều mỗi năm một tăng... Phong trào tràn sang California, và ở tất cả các miền đất ấy người Tàu bắt rễ bền chặt với tất cả chất Tàu của họ, với những kỹ năng lao động cần cù, với sự tỉnh táo, tiết kiệm, nhẫn nại làm giàu, với tinh thần gia tộc của họ, với sự thờ ơ kiên quyết đối với tất cả những gì khiến chúng ta xúc động, quan tâm, lo lắng, và quan trọng nhất là với thái độ không tiếp thụ một cái gì hết từ những tư tưởng, phong tục tập quán, lối sống của các tộc người bao quanh họ. Chúng ta mới ở điểm khởi đầu của cuộc vận động, chứ ở Hoa Kỳ thì đã xuất hiện câu hỏi: có thể cùng tồn tại hay không trên một vùng đất chủng tộc da trắng và chủng tộc da vàng...”

“Người Tàu cảm thụ, suy nghĩ, lập luận khác chúng ta. Anh ta có quan niệm rất cao về mình và về nền văn minh của mình. ở điểm này, anh ta giống chúng ta. Nhưng mặc dù thường nhã nhặn và lễ độ, dễ quy phục hơn chúng ta rất nhiều trước sức mạnh, trong bụng anh ta khinh bỉ chúng ta sâu sắc và dưới con mắt của anh ta chúng ta chỉ là những người mọi thô bạo.”** Tiếp theo Réville dẫn ra một thực tại mà mọi người đều biết là những công nhân người Âu không cạnh tranh nổi với công nhân Trung Hoa ít đòi hỏi hơn họ và có sức chịu đựng lớn hơn, cũng như một thực tại khác là do thói quen ở bẩn cực kỳ và do những quan niệm rất đặc thù của người Hoa về vệ sinh và y học cho nên những điểm quần cư của họ tất yếu trở thành những ổ của các bệnh truyền nhiễm.

Nhưng tất cả những nguy cơ của sự xâm lấn từ từ và hoà bình của chủng tộc da vàng này không là cái gì cả so với sự phát triển sắp tới của sức mạnh nhà nước và sức mạnh quân sự của đế quốc Trung Hoa do việc người Hoa tiếp thụ tất cả những cải tiến mới nhất của công nghệ châu Âu. Sự tiếp thụ ấy, bị kìm hãm khá lâu bởi óc bảo thủ của dân tộc này, giờ đây trở nên bắt buộc do sắc lệnh đã được nói đến của thiên tử Trung Hoa, coi không chỉ đường sắt, mà qua đó còn tất cả các sáng chế đồng chất của văn hoá châu Âu là bổ ích và cần thiết cho sự củng cố và phát triển sức mạnh của đế quốc này*. Trong lĩnh vực quân sự một số cải cách theo kiểu châu Âu đã bắt đầu mấy năm trước đây, và Réville hoàn toàn không có căn cứ coi thường quân đội Trung Quốc ngày nay. Rõ ràng, thuốc súng mà chính người Hoa đã sáng chế ra, kém hiệu quả lắm, nhưng than ôi! họ đã bắt đầu dùng thuốc súng châu Âu. Hồi ức về việc chỉ mấy tiểu đoàn Anh-Pháp đã chớp nhoáng hoàn thành chiến dịch, chiếm được dinh của hoàng đế Tàu, đã thuộc về quá khứ không bao giờ trở lại. Trong chiến tranh Bắc Bộ (6) gần đây nhất không phải những tiểu đoàn, mà những sư đoàn lính Pháp đã không thể làm gì được với những lực lượng Trung Quốc, chủ yếu là quân không chính quy. Người Pháp đã tự an ủi bằng việc lật đổ ông Pherry với nội các của ông, còn người Tàu thì, hình như hoảng sợ trước chiến thắng quân sự bất thường và bất ngờ của mình, đã vội vã ký hoà ước có lợi cho những người chiến bại. Tuy vậy, vẫn còn lại một sự thật là quân đội Trung Quốc, vừa mới được trang bị còn rất chưa đầy đủ và hoàn chỉnh khí tài châu Âu đã trở nên có khả năng đọ sức với người Âu. Và nếu sự thật ấy mặt khác chứng minh ưu thế của văn minh châu Âu đang cung cấp cho người Hoa những phương tiện đấu tranh, thì nguy cơ thực tiễn không phải vì thế mà giảm thiểu chút nào. Vả lại sau năm 1884, ngoài những cải cách trong lục quân, Trung Quốc đã kịp xây dựng cho mình (như ông Veninkov thông báo theo những nguồn tin Anh đáng tin cậy) một lực lượng hải quân khá hùng mạnh, có ở trong bốn hải đoàn 86 chiến thuyền (trong đó có 9 tàu chiến bọc thép) và trên chúng gần 500 đại bác với 7000 binh sĩ*. Chính ông Réville, mặc dù không tin vào những thắng lợi quân sự của Trung Quốc, tuy vậy vẫn không chờ đợi một cái gì tốt lành từ cuộc đụng độ trong tương lai giữa hai nền văn hoá**.

Xét từ quan điểm Kitô giáo, chúng ta không được phép nhìn thấy ở bất kỳ một dân tộc nào, trong đó có cả người Hoa, những kẻ thù, mà đối với họ cần phải sử dụng chỉ những phương tiện bạo lực. Những phản cảm và những lo ngại của chúng ta có thể bị kích thích không bởi dân tộc Trung Hoa với tính cách đặc thù của nó, mà chỉ bởi cái có thể chia rẽ dân tộc ấy với toàn thể nhân loại còn lại, bởi những yếu tố biến thể chế đời sống Trung Hoa thành một cái gì đó ngoại biệt và sai trái trong tính ngoại biệt ấy. Ưu thắng bên ngoài của văn hoá châu Âu đối với người Tàu có thể là bền vững và đáng mong muốn chỉ với điều kiện khắc phục từ bên trong cái gọi là chất Tàu (kitaitshina), tức là cái nguyên tắc lịch sử đã và đang làm cơ sở cho cái thể chế hạn hẹp và ngoại biệt của đời sống Trung Hoa. Mà để có được sự khắc phục nội tại ấy, trước hết cần hiểu biết Trung Quốc không chỉ trong những chi tiết của quá khứ lịch sử và sinh hoạt hiện tại của nó, mà trong cái cơ sở đạo đức-xã hội trường tồn vừa tạo ra sức mạnh vừa tạo ra sự hạn chế của dân tộc ấy. Trong việc nghiên cứu Trung Quốc chính từ cái khía cạnh quan trọng nhất ấy, chúng ta đã có một công trình thử nghiệm rất kỳ thú và hiện đại, mới ấn hành của nhà Trung Hoa học người Nga ông Georgievsky: Những nguyên tắc đời sống Trung Hoa.

Sự say mê với lý tưởng, dù đó là lý tưởng của người Tàu, là một nét đẹp và hiếm hoi ở một nhà khoa học thời nay. Còn với độc giả thì nhiệt tình của ông Georgievsky chỉ có thể là nguy hiểm, nếu như nhà bác học khả kính này là người Âu duy nhất nắm vững ngôn ngữ và chữ Hán và đã sống ở Trung Quốc. Nhưng khi có nhiều chuyên gia bất đồng ý kiến với nhau thì xuất hiện đầy đủ khả năng tìm hiểu và xác định chân lý khách quan. Hiện nay cả những nhà Trung Hoa học ở Nga, cả những đồng nghiệp đông đảo hơn của họ ở Tây Âu phân chia thành hai phe gần như cân bằng của những người hâm mộ và những người chống lại chất Tàu. Do đó người không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này buộc phải sử dụng nhiều hơn những dữ liệu thực chứng của khoa Trung Hoa học, chứ không phải những kết luận và những đánh giá của các nhà Trung Hoa học. Tư liệu cho bài khảo luận này là những tài liệu gốc của Trung Quốc khả thủ đối với tôi (qua các bản dịch ra các Âu ngữ), và một số công trình nghiên cứu có uy tín mới nhất về Trung Quốc.* Nhiệm vụ của tôi không phải là khảo tả người Trung Quốc đã và đang sống như thế nào, mà là giải thích họ sống bằng cái gìvì cái gì, tóm lại giải thích lý tưởng Trung Hoa.

 
1890
Phm Vĩnh Cư dch
 
 Kỳ sau:I Nguyên tắc phụ quyền - Nguồn gốc có lẽ là hiện thực của dân tộc Hán -

Tục thờ cúng tổ tiên - Tổ tiên như là những chủ sự của hôn nhân


* Theo những tin tức giờ chót thì thay vì tuyến đường sắt ấy người ta đương xây tuyến từ Bắc Kinh đến Hirip, tức là theo hướng tiến đến biên giới Nga. 

 * La Religion Chinoise par A.Réville. Paris, 1889, pp. 2, 3

** Sđd, p. 4, 5

* Không nên nghĩ rằng sắc lệnh của thiên tử Trung Hoa chỉ là một hành vi độc đoán của ông ta mà một người kế vị nào đó có thể bãi bỏ. Trong thực tế quyết định của chính phủ Trung Quốc là kết quả của một niềm tin được suy tính toàn diện và kiểm định vào sự cần thiết phải vay mượn nền văn hoá bên ngoài của người Âu để bảo vệ mình tốt hơn khỏi họ và trong tương lai chinh phục họ.

* Báo Tin tức (Novosti), 1890, N o 32

** “Sự hoà trộn hai chủng tộc có thể thâm nhập nhưng xem ra không thể hoà đồng với nhau còn để dành cho tương lai nhiều phức tạp kỳ lạ”. Sđd, p. 6

* Trong Ngũ Kinh của người Hán chúng ta sẽ chỉ phải sử dụng cuốn thánh sử, hay là Kinh Thư. Tôi đọc Tứ Thư của Trung Quốc qua bản dịch pháp ngữ của Pauthier (Confucius et Mencius, les quatre livres de philosophie morale et politigue de la Chine, Paris, 1841), ngoài ra hai sách đầu tiên còn theo bản dịch ra tiếng Đức của Planckner, với những chú giải cặn kẽ, nhưng đôi khi hoang đường (Confucius, Ta -Hiô, Erhabene Wissenschaft, aus dem Chinesischen ubersetzt und erklart von Reinhold von Planckner, Leipzig, 1875; Confucius,Tchong - Yong, der unwandelbare Seelengrund, Leipzig, 1878). Để nghiên cứu Lão Tử, tôi có bản dịch cho đến bây giờ vẫn là kiểu mẫu của Stanlislas Julien (Lao-Tseu, Tao-te-king, Livre de la voie et de la vertu, Paris, 1842). Trong những sách tham khảo xin kểđến Plath, Die Religion der alten Chinesen, Munchen, 1862 và cũng của tác giảấy: Der Cultus der alten Chinesen, 1863; sau đó Annales du musée Guimet vls I, XI, XII; và chủ yếu là công trình vừa được nói đến của ông Georgievsky, ởđấy được thu thập nhiều tư liệu không chỉ xác nhận, mà còn giới hạn quan điểm của tác giả. Trong mọi trường hợp, nhà Trung Hoa học của chúng ta đã thâm nhập sâu hơn các đồng nghiệp của mình vào bản chất của tín ngưỡng và đời sống Trung Hoa.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513576

Hôm nay

249

Hôm qua

2313

Tuần này

21513

Tháng này

220449

Tháng qua

121356

Tất cả

114513576