Diễn đàn

Các ca sĩ cần làm quen với văn hóa bản quyền

 

Nghe nói nhạc sĩ Phó Đức Phương (Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – TTBVQTGANVN) vừa đơn phương nâng giá tác quyền với các đối tác sản xuất đĩa CD từ 500 nghìn đồng/tác phẩm âm nhạc lên 1 triệu đồng, liền bị các đối tác phản đối ngay tắp lự, tôi bỗng thấy nực cười cho giới âm nhạc. Cái giới này thật phi lí khi nói đến tiền tác quyền. Nói là phi lí vì liền sau đó, tôi bỗng gặp ngay 1 nhạc sĩ sáng tác và hỏi ông về vấn đề này. Ông nói với tôi: Ca sĩ chỉ há mồm (hát) liền được trả 30 triệu, thậm chí 100 triệu, còn nhạc sĩ phải rỉ máu viết ra bài hát ấy thì chả được đồng nào trong “phi vụ” ấy. Tôi hỏi tại sao. Ông nói: Vì chỗ Phó Đức Phương không kiểm soát được.

Tôi hỏi: Sao ông biết thông tin ấy? Ông nói: Có một lần bên Tây gọi điện nhờ tôi mời cho họ một ca sĩ hát bài của tôi mà họ thích, bay sang đó chỉ hát bài ấy thôi, thì ca sĩ đưa giá là 4.000 E (=110 triệu VNĐ) ngoài tiền vé máy bay, khách sạn và ăn ở. Bên Tây đồng ý ngay. Và ca sĩ đã bay đi. Còn ở trong nước thì các “sao” ra giá từ 20 triệu đến 40 triệu một sô diễn mà có khi chỉ hát 1 – 2 bài. Chính tôi đã phải trực tiếp “thương lượng” giá với ca sĩ khi tổ chức biểu diễn.

Còn nhạc sĩ thì được tác quyền bao nhiêu? Ông nói: Dia rô. Bởi vì chỗ Trung tâm của ông Phó Đức Phương cũng chả biết có những vụ đó.

Tôi hỏi: Nếu chế độ tác quyền chuẩn và nghiêm, nghĩa là bất cứ ai và nơi nào dùng bài hát của ông để kinh doanh (thu tiền) thì ông sẽ được bao nhiêu tiền?

Nhạc sĩ nói ngay: Nếu làm đúng, một ngày tôi sẽ phải có đến mươi triệu tiền tác quyền chỉ riêng cho bài hát “hót” nhất hiện nay của tôi. Điều này không lạ, vì có một nhạc sĩ bên Tây đến Việt Nam đã nói với tôi: Nếu tôi (nhạc sĩ Tây) có mấy bài hát nổi tiếng như ông thì tôi chả phải làm gì nữa; vì tôi sẽ thừa tiền để mua biệt thự, ô tô và sẽ đi du lịch khắp thế giới bằng tiền nhuận bút.

Tôi đưa điều băn khoăn này hỏi một ca sĩ. Ca sĩ cười rất vui nói: Em chỉ là một ca sĩ bậc trung (không phải Sao), vậy mà các đại gia mời em từ Hà Nội vào Sài Gòn hát, mỗi buổi cũng được từ 20 đến 50 triệu. Nhưng cat-sê ấy cũng chỉ là mặt nổi thôi. Các anh đại gia còn đưa bọn em đi sowping để mua gì mình thích. Có đại gia còn mua cho ca sĩ cả nhẫn kim cương. Tôi hỏi: Nhẫn kim cương mấy tiền? Có cái cả trăm triệu. Thế Nhạc sĩ được gì? Được bọn em hát, được nổi danh, thế thôi.

Nhưng cô ca sĩ này cũng có vẻ biết điều, nói thêm: Có bài hát người ta thích quá, thưởng bọn em nhiều, làm em bỗng nhớ đến tác giả của nó; em cũng tìm cách tặng nhạc sĩ chiếc bút hoặc chai rượu Tây.

Tôi nói: Sao không trích 10%  cho nhạc sĩ? Ca sĩ ngỡ ngàng: Có ai bảo bọn em thế đâu.

2. Trả tác quyền: gian lận hay tự giác?

 

Sau khi nhạc sĩ ủy nhiệm tác quyền cho TTBVQTGANVN, thì hầu như họ chỉ còn hi vọng vào Trung tâm đó. Tức là TTBVQTGANVN chịu trách nhiệm trước tác giả về việc khai thác tác phẩm của họ. TTBVQTGANVN phải đứng ra thương lượng và ký các hợp đồng với các nhà sản xuất băng đĩa, thu tác quyền các tác phẩm âm nhạc được sử dụng truyền thông (phát thanh, truyền hình, nhạc chuông, nhạc chờ, website download nhạc), được sử dụng kinh doanh với nhiều hạng mục: biểu diễn, băng đĩa, sách nhạc, karaoke, khách sạn, vũ trường, trung tâm thương mại… Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua TTBVQTGANVN đã có nhiều cố gắng kích hoạt hoạt động này, nhưng con số vài chục tỉ VND/năm mới chỉ là một phần nhỏ mà các nhạc sĩ phải được hưởng.

Trong thực tế, thị trường âm nhạc khá sôi động đã vượt khỏi tầm kiểm soát của TTBVQTGANVN. Hầu hết các ca sĩ biểu diễn, thu thanh tự đặt hàng các nhạc sĩ phối khí cho tác phẩm âm nhạc. Giá phối khí trung bình tư 2-3 triệu/bài. Nhưng cũng có ca sĩ thích một bản phối khí độc đáo đã đẩy giá lên đến 15 triệu/bài. Trong khi đó, các nhà sản xuất đĩa tiếng, đĩa hình chỉ trả cho nhạc sĩ sáng tác 300.000 đ – 800.000 đ/bài hát/lần xuất bản. Nhưng lần xuất bản được hiểu thế nào thi chả ai được rõ, vì các nhà sản xuất thương nhân bản nhiều lần với số lượng chỉ có trời và họ mới biết. Vì thế mà một số nhạc sĩ “tự cởi trói” bằng cách tự bán tác phẩm mới cho ca sĩ, cho nhà sản xuất, hoặc sáng tác theo đơn đặt hàng giá từ 5 triệu đến cả trăm triệu/bài. Vì vậy, thị trường âm nhạc gây cảm giác hỗn loạn về tiền tác quyền bởi quyền thỏa thuận của các bên liên quan là rất tự do.

Tôi hỏi một nhạc sĩ nổi tiếng: Ông có sống được bằng tiền tác quyền không? Ông cười: Nếu chỉ chờ vào việc thu tác quyền của TTBVQTGANVN (nơi ông đã ủy nhiệm) thì chỉ đủ… uống trà. Vì người ta đâu có tự giác trình báo với TTBVQTGANVN những gì họ đã xâm phạm bản quyền tác giả khi họ sử dụng tác phẩm để thu lợi. Vậy ông sống bằng gì? Tôi sống bằng hi vọng lòng tự giác của mọi người.

Vâng, hi vọng lòng tự giác. Nhưng theo qui định của Luật sở hữu trí tuệ thì tiền tác quyền trả theo doanh thu buổi diễn đối với tác phẩm âm nhạc là “bên sử dụng tác phẩm trích từ 15-21% doanh thu buổi diễn để trả nhuận bút”. Ta hiểu “buổi diễn” ở đây là dùng tác phẩm để biểu diễn lấy tiền, thi các ca sĩ (cá nhân hay tập thể biểu diễn) dù là hát trên sân khấu, trong các buổi lễ khai trương, khai mạc, khánh thành, trong nhà hàng hay bên bàn nhậu… đều phải trích tiền bản quyền cho tác giả. Nếu các cơ quan quản lý không kiểm soát được thì lại rất cần sự tự giác của người sử dụng tác phẩm. Đó là những ông bà bầu buổi diễn, và những cá nhân ca sĩ. Nếu có tính tự giác cao, ca sĩ và các ông bà bầu sẽ đưa lại quyền lợi cho nhạc sĩ như luật đã định. Đây cũng là một nét văn hóa mà những người biểu diễn cần làm quen.

Liệu ca sĩ có thể quen được với văn hóa bản quyền? Liệu TTBVQTGANVN có thúc đẩy được những bước tiến mới về lĩnh vực bản quyền tác giả âm nhạc mà họ đang theo đuổi nhằm tạo ra sự công bằng đối với quyền lợi của nhà sáng tác? Tôi nghĩ, mọi điều đều có thể…

Nguồn: Nguyentrongtao.org

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511343

Hôm nay

26

Hôm qua

2336

Tuần này

21717

Tháng này

218216

Tháng qua

121356

Tất cả

114511343