Nước Nhật là tổng hoà của những điều khác biệt, lạ kỳ vào bậc nhất của châu Á. Tiếp nhận mọi thành tựu của văn minh Trung Hoa - từ chữ viết đến Nho gia, Phật gia, cách thức tổ chức nhà nước nhưng người Nhật không chỉ bắt chước (immitation) mà biết cách để bản địa hoá, riêng hoá (indegenization), rồi sáng tạo (innovation) thành cái đặc thù rất riêng biệt. Không phải ngẫu nhiên mà S.P. Huntington khi phân loại 10 nền văn minh của thế giới thời cổ trung đại, đã xếp Nhật Bản vào top ten đó. Xin dẫn chứng: Nếu vua chúa Trung Hoa chọn màu ngói đỏ làm nền cho cái mái nhà tự tôn, kiêu hãnh của mình thì văn minh Nhật chọn màu xám; Nếu màu vàng là đặc trưng của các hoàng đế Trung Hoa thì màu hạt dẻ điềm tĩnh, vừa phải, gần gũi mới là màu của hoàng gia Nhật. Không nói đâu xa, cứ nhìn vào chiếc áo kimono của phụ nữ Nhật, bạn sẽ thấy cái độc đáo không thể không thừa nhận: 5 nếp gấp chạy dọc phía trước và 3 nếp gấp ở thân sau. Lý giải điều này, có học giả cho rằng 5 nếp gấp (chứ không phải 4, là tứ đức - công, dung, ngôn, hạnh) có cái số 5 ở giữa nhằm nhắc nhở rằng chịu đựng là đức tính nhất thiết phải có của con người, nhất là phụ nữ. Có như thế, gia đình mới yên ấm, tổ quôc smới trường tồn. Sau trận động đất - sóng thần khủng khiếp ngày 10.3, cả thế giới ngạc nhiên đến mức bàng hoàng khi ở Nhật không có cướp bóc, hôi của, không có hoảng loạn, sợ hãi. Vẫn như mọi ngày, vẫn là những nụ cười nhẹ nhàng của sự điềm tĩnh, vẫn là cái thanh thản của trật tự, phảng phất sau chúng là một bản lĩnh phi thường mà những dân tộc quen thói hợm hĩnh, to đài chẳng thể nào hiểu nổi.
Văn minh Nhật Bản vừa giống phương Tây nhưng vẫn là phương Đông. Nó có giới hiệp sĩ (samurai = knight – chevallier) táo bạo, giòng dõi, trọng danh dự, quý bổn phận và luôn sẵn sàng hy sinh vì bổn phận (kể cả hara – kiri, tự mổ bụng mà chết khi lòng tự trọng bị tổn thương). Nó có các lãnh chúa (daimyo) và chế độ cát cứ phong kiến giống y chang phương Tây trong các thế kỷ V-XV. Đây là những điều không thể tìm thấy ở Trung Quốc, Việt Nam... Suốt hàng ngàn năm, cho đến sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chưa bao giờ bị nô dịch. Là nước bị người Mỹ nhòm ngó từ tháng 8.1853 nhưng Nhật cũng là nước duy nhất ở châu Á, châu Phi không bị biến thành thuộc địa (trừ Thái Lan, do vị trí “đệm” đặc biệt nên được Anh – Pháp thoả thuận ngầm thành “của chung”). Tại sao hàng chục quốc gia khác “đâm ngang, chém ngược làm cho mã tà, ma ní hồn kinh” nhưng rốt cục vẫn bị nô dịch, riêng Nhật cười, lễ phép, học hỏi, sáng tạo trong tự chủ để vùng lên? Xét về mật độ dân số, Nhật chật chội hơn Việt Nam. Xét về tài nguyên, đất đai; Nhật chỉ bằng 1/10 Việt Nam. Xét về thời điểm bị phương Tây “hỏi thăm” (Việt Nam là tháng 8.1858), 2 nước là tương đương. Xét về mức sống, người Nhật khổ hơn người Việt nhiều. Đó là chưa nói đến chế độ thống trị, Việt Nam có triều Nguyễn thống nhất, còn Nhật Bản bị chia hai bởi quyền lực kép với cơ chế 1.000 năm có lẻ của sự song hành Tenno (Thiên Hoàng) và Shogun (Tướng quân)... Nhiều và rất nhiều những điều khác luôn chứng minh rằng Việt Nam thuận lợi hơn nước Nhật nhiều lần. Thế nhưng, kết quả thì ai cũng biết: Nền kinh tế thứ hai thế giới (bây giờ là thứ ba) không có chuyện cướp bóc và giày xéo hoa Anh đào trong lễ hội hoa, không có chuyện hôi của, chụp giựt kiểu tát nước theo mưa, mượn gió bẻ măng. Bình thản, chịu đựng và hiểu rõ chính mình, biết người biết ta, luôn đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên hàng đầu là tính cách của mọi người dân Nhật bất kể sang hèn.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nhà người Nhật nào cũng có bonsai. Có thể nói, bon sai như là sinh thể thứ ba trong một gia đình đã có đủ âm, dương (cha mẹ, con trai, con gái, ông bà). Nó không chỉ là một gốc cây cảnh bình thường mà là sự trầm lặng thiêng liêng như là hiện hữu thường xuyên, sựu chứng giám của tạo hoá. Dù bị cắt xẻ, giam hãm, vặn vẹo, áp bức muôn bề; vẫn sống. Con người vặt gần hết lá của bonsai, cho nó tối thiểu nước, tối thiểu đất cằn nhưng nó vẫn cứ mãnh liệt giành giật cho được, chứng tỏ cho bằng được bản năng sống bằng màu xanh kiêu hãnh, dịu dàng. Đến trước bonsai, ta phải nhẹ bước chân, phải ngẫm nhiều hơn để nhìn; rồi, khi đó mới có thể thấy vẻ đẹp trong đớn đau, thiếu thốn là vẻ đẹp lung linh, huyền ảo đến mức nào. Nhìn bonsai, ta bất chợt ngộ ra rằng không phải tự nhiên mà câu mở đầu trong Quốc ca Nhật Bản lại buồn và giàu chất thơ, chất thiền, chất trầm mặc đến thế: “Kính thưa Thiên Hoàng! Những hòn cuội nhỏ sẽ trở thành tảng đá lớn, phủ đầy rêu...” Những hòn cuội nhỏ nằm trong lòng dòng suối bị lãng quên nhưng con người không thể không biết đến sự tồn tại của chúng. Chúng sẽ trở thành một tảng đá lớn bền bỉ của chịu đựng và tiềm ẩn những khát vọng trường tồn. Bonsai là một hòn cuội trong căn nhà của mỗi người Nhật. Nó nhắc nhở rằng cái bé nhỏ vẫn có tầm vóc vĩ đại, rằng sự im lặng luôn ẩn chứa những ngôn từ mênh mông, rằng sức sống trong khổ đau mới là giá trị sống đích thực của kiếp đời...
F. Nietzsche (1844-1900) có nói rằng ai dám xây nhà bên miệng núi lửa đích thực là siêu nhân. Sống bình thản khi biết có thể bị tai hoạ bất cứ lúc nào mới là đáng sống. Về một lẽ nào đó, có thể nói người Nhật xứng đáng được tôn vinh trong tâm tưởng của Nietzsche. Không có một quốc gia giàu có nào trên trái đất này lại phải chịu nhiều trận động đất khủng khiếp như nước Nhật (1923, 1927, 1942, 1943, 1944, 1946, 1948, 1995, 2011). 9 trận động đất lớn trong vòng 90 năm – trong đó có trận động đất san bằng Tokyo, làm hơn 100.000 người chết (1923)(!) Nếu có thể dùng chỉ một từ để nói về khả năng chịu đựng - phục hồi - nhanh chóng thành công, phát triển của người Nhật thì đó là hai chữ phi thường. Không có dân tộc nào gan góc và thành công đến thế bởi đối với dân tộc đó, thảm hoạ thiên nhiên được coi như một phần của cuộc sống, lẽ sống bình dị, thiết tha.
Đó có thể là “tính cách” của bonsai, của tinh thần võ sĩ đạo làm nên sức mạnh thật đáng khâm phục của người Nhật. Người Nhật biết rất rõ rằng cướp bóc, hoảng loạn khi có tai ương, hiểm hoạ, khi hàng triệu người khác đang bị đau khổ, lầm than là sự nhục nhã về nhân cách, sự tha hoá về đạo đức. Họ cũng hiểu rất rõ rằng không thể làm giàu trên nỗi đau của đồng bào mình bởi vì đó là tội ác, rằng lòng tham vô cảm, chễm chệ ngồi trên mọi tiếng than van là bản năng của thú tính, của mọi điều không thể giống với chất người cao đẹp, đáng phải trân trọng, giữ gìn.
Nỗi đau của nước Nhật hôm nay là thảm hoạ lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới hai, đúng như Thủ tướng Nhật đã khẳng định. Chắc chắn nhân dân Nhật Bản sẽ nhanh chóng vượt qua nỗi đau này như họ đã chứng tỏ năng lực bonsai, tính cách bonsai suốt hàng ngàn năm qua...
Huế, 23h40. 15.3.2011