Điều đó là đúng và cho thấy tác giả Khải Mông đã tìm hiểu vấn đề khá kỹ. Tuy nhiên, nếu Khải Mông chỉ dừng lại ở đấy, nói như các bậc thánh hiền là “tri chỉ” (biết điểm dừng) thì hay biết mấy. Rất tiếc, thay vì chỉ cần phê bình Ngọc Quang viết không chính xác, Khải Mông lại “phóng bút” quá đà và cũng mắc vào cái sai là viết không chính xác như Ngọc Quang. Cụ thể, Khải Mông đã sai khi phủ nhận hay hoài nghi sự có thật của tiến sĩ Hán học, của nhân vật lịch sử người Bích La Đông. Thậm chí, Khải Mông lại còn có những lời lẽ đụng chạm đến danh dự của một làng Việt nổi tiếng, nếu không nói là xúc phạm.
Vì xuất phát điểm vấn đề Khải Mông nêu là từ… bài báo của Ngọc Quang, nên hãy bắt đầu vấn đề chính từ bài báo đó. Cần nói ngay rằng, bài báo của Ngọc Quang có chỗ thông tin sai, nhưng Ngọc Quang không hề dùng đến cụm từ “làng tiến sĩ Bích La Đông” như Khải Mông đã nêu và đưa vào làm thành tít bài viết của mình. Viết về làng Bích La Đông, Ngọc Quang đã dùng đến một thành ngữ hết sức chính xác là “địa linh sinh nhân kiệt”. Xin nói thêm là ngoài danh tiếng “địa linh sinh nhân kiệt”, người đời hằng truyền tụng và vinh danh làng Bích La Đông là “lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử”. Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An đã khẳng định: “Hoa La nổi tiếng văn chương” (1). Đó là sự xưng tụng đã được truyền đời qua thời gian và được lịch sử thừa nhận mà Khải Mông nếu có thành tâm với văn hóa làng nói chung, văn hóa làng Bích La Đông nói riêng sẽ “rất lấy làm thích thú” như chính Khải Mông đã viết. Vậy thì đâu có chỗ cho Khải Mông nêu nghi vấn “hay người đời đã mặc áo gấm cho lịch sử?”.
Hoàn toàn không có chuyện “mặc áo gấm cho lịch sử” ở đây, khi sử sách đã nêu rõ tên tuổi và hành trạng của các vị khoa bảng, quan lại người Bích La Đông. Sau đây là danh sách các vị khoa bảng làng Bích La Đông được tổng hợp từ cuốn sách: “Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam” của Bùi Hạnh Cẩn, Minh Nghĩa, Việt Anhbiên soạn, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2002:
“- Lê Hữu Hằng: Thi Hương khoa Tân Sửu, Thiệu Trị thứ 1 (1841), tại trường Thừa Thiên. Làm quan tới chức Tuần phủ, Hộ lý Tổng đốc Hải Yên. Lãnh Thượng thư Bộ Công.
- Lê Bá Nghị: Thi Hương khoa Canh Tuất, Tự Đức thứ 3 (1850), tại trường Thừa Thiên. Làm quan tới chức Giáo thụ.
- Lê Thụy: Thi Hương khoa Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21 (1868), tại trường Thừa Thiên. Đậu Tiến sĩ khoa Ất Hợi, Tự Đức thứ 28 (1875), năm 34 tuổi. Làm Tuần phủ Thanh Hóa, sau về kinh giữ chức Tham tri Bộ Hình.
- Lê Đăng Lĩnh: Sau đổi tên là Lê Đăng Trinh. Thi Hương khoa Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870), tại trường Thừa Thiên. Đậu Phó bảng khoa Ất Hợi, Tự Đức thứ 28 (1875), năm 26 tuổi. Làm tới chức Tham tri Bộ Binh, sung Quản lính thị vệ.
- Lê Hữu Tính: Thi Hương khoa Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32 (1879), tại trường Thừa Thiên. Làm Trước tác, lãnh Bang tá tỉnh vụ Quảng Trị.
- Lê Cảnh: Thi Hương khoa Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903), tại trường Thừa Thiên. Đậu Cử nhân năm 23 tuổi. Làm Hành tẩu Bộ Học” (2).
Trong danh sách trên đây, có tên của tiến sĩ Lê Thụy (tức Lê Bá Thoại), có ghi rõ năm đỗ đạt. Vậy mà Khải Mông lại viết một cách vội vàng, thiếu căn cứ: “… xin nói về “Tham tri Lê Bá Thoại, đỗ tiến sĩ dưới thời nhà Nguyễn, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình”. Tham tri là chức quan to, tương đương hàm Thứ trưởng Thường trực hiện nay, lại đỗ Tiến sĩ - tuy có không rõ ràng vào năm nào triều Nguyễn, nhưng trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” cũng không thấy có tên… Nhưng việc các vị Tiến sĩ khoa bảng Hán học như thông tin các bài báo đưa trên đây, theo thiển nghĩ của người viết bài này cần phải kiểm chứng lại”. Ở đây, rõ ràng, chính người phải tự kiểm chứng là tác giả Khải Mông vậy. Có một điểm cần được nhấn mạnh là, làng Bích La Đông không những có tiến sĩ Hán học và nhiều tiến sĩ khác trong thế kỷ XX (về các tiến sĩ thời nay của làng Bích La Đông, Khải Mông đã nắm rõ), đặc biệt làng còn lập miếu thờ tiến sĩ hẳn hoi. Tại đình làng Bích La Đông có 2 ngôi miếu thờ tiến sĩ, một miếu ghi thờ: “Tiến sĩ cảnh phiến bá linh hựu tôn thần”, một miếu ghi thờ: “Tiến sĩ cảnh diệu bá diệu ứng tôn thần”. Điều này chứng tỏ làng Bích La Đông vốn có truyền thống quý trọng hiền tài từ xa xưa, phải nói rằng truyền thống này đã hun đúc nên “lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử” Bích La Đông. Truyền thống khoa bảng của làng Bích La Đông còn “ăn sâu” vào các thế hệ kế tục của một số gia đình. Cuốn “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993 đã dẫn ra các trường hợp cha con cùng thi đỗ khoa bảng Hán học, đó là trường hợp ông Lê Hữu Hằng (tức Lê Hữu Thường) và con là Lê Hữu Tính, ông Lê Đăng Trinh và con là Lê Cảnh.
Từ chuyện khoa bảng, xin được nói sang chuyện “vượt ngoài khoa bảng”. Ai cũng biết, đỗ đạt khoa bảng là điều không dễ có, nhưng khoa bảng chỉ mới là điều kiện cần, tài năng đức độ, sự nghiệp công danh mới là điều kiện đủ để đánh giá vai trò đích thực của trí thức, kẻ sĩ. Với những “bậc ngoại hạng” thì sự nghiệp không chỉ phụ thuộc vào những tấm bằng. Làng Bích La Đông có những nhân vật “vượt ngoài khoa bảng”, có những “bậc ngoại hạng” như vậy.
Trước tiên, xin nêu trường hợp ông Lê Đăng Doanh mà Khải Mông đọc chưa đủ sử sách đề cập về ông nhưng đã vội cho là “chuyện không thể xảy ra”. Khải Mông viết: “Xin bàn tiếp đến “ông Lê Đăng Doanh, tự là Lê Văn Doanh, người Bích La làm quan dưới thời Gia Long, là người văn võ song toàn, đã từng được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ dưới triều Thiệu Trị thứ nhất (1481)”. Có lẽ chính xác thì phải là năm 1841, vì năm 1481 là niên hiệu Hồng Đức thứ 12 đời Lê Thánh Tông. Ông Lê Đăng Doanh lại “có công dạy bốn đời Vua”. Các tác giả đều không nói được ông Lê Đăng Doanh đã dạy dỗ những đời vua nào? Và tuy không rõ năm mất nhưng việc một quan đại thần sống từ đời vua Gia Long dạy 4 đời vua sau đó là chuyện không thể xảy ra. Vì nếu tính 4 đời vua từ Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) đến đời Tự Đức (1848-1883) nghĩa là trên 80 năm!”. Thực tế, hành trạng và sự nghiệp của ông Lê Đăng Doanh đã được nhiều sử sách triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện chép rất rõ và rất kỹ theo lối biên niên. Qua các bộ sách này cho thấy, ông Lê Đăng Doanh đã góp phần tích cực vào việc xây nền khoa bảng. Ông từng được sung đọc quyển tại kỳ thi điện năm Minh Mạng thứ 7 (1826), làm chủ khảo khoa thi hương năm Minh Mạng thứ 9 (1828) tại trường Thanh Hóa (trường này lấy đỗ 11 người), phó chủ khảo khoa thi hội và sung đọc quyển thi điện năm Minh Mạng thứ 10 (1829), chủ khảo thi hương năm Minh Mạng thứ 12 (1831) tại trường Thừa Thiên (trường này lấy đỗ 12 người), chánh chủ khảo khoa thi hội năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Ông Lê Đăng Doanh làm quan trải các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, từng làm Thượng thư Bộ Lại, Bộ Binh, Bộ Công, có lúc kiêm lĩnh cả Bộ Hình. Ông mất năm 1848, tức năm Tự Đức thứ nhất. Về chuyện ông Lê Đăng Doanh dạy vua lúc thiếu thời, lúc còn là hoàng tử, dạy những đời nào, nhiều bộ sách triều Nguyễn đã đề cập rõ ràng. Đại Nam thực lục chính biên, tập V, đoạn viết về năm Minh Mạng thứ 2 (1821) cho biết: “Vua nghĩ ngày trước Lê Đăng Doanh có công phụ đạo (giúp đỡ việc học của thái tử - chú thích của người dịch), cho tiền ưu dưỡng” (3). Đại Nam chính biên liệt truyệt, ở quyển 16, “Truyện các quan” đã viết về Lê Đăng Doanh như sau: “Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), thự hiệp biện đại học sĩ, lĩnh thượng thư bộ Lại, kiêm sung chức sư bảo của hoàng tử hoàng đệ. Vua dụ rằng: Người nay kiêm lĩnh chức sư bảo, nên dỗ dạy rèn đúc thế nào, khiến cho đều nên tài đức, để xứng ý của trẫm bắt buộc làm cho thành hiệu. Còn việc tầm thường ở bộ, đã có chức Á khanh chia giữ, người chỉ đi lại kiêm coi, tóm lấy đại cương thôi” (4). Ngoài việc làm “sư bảo” của hoàng tử, hoàng đệ, một việc chứng tỏ ông Lê Đăng Doanh được nhiều đời vua tin dùng một cách đặc biệt, như vua Minh Mạng đã từng bảo rằng: “Trách nhiệm dạy bảo trông nom thực khó được người… Duy có Lê Đăng Doanh làhộ phủ Quảng Trị, năm trước từng dạy trẫm học, có thể đương được chức ấy” (5), ông còn được giao cho làm những công việc quan trọng khác như: được vua Minh Mạng chọn làm toản tu soạn sách “Liệt thánh thực lục”, giao đi đánh quân Xiêm lấn cướp miền biên giới, giao trông coi xây dựng điện Thái Hòa, cửa Đại cung và cửa Ngọ môn, giao thực hiện chống tham nhũng (xử lý vụ Vũ Thế Trường, Án sát tỉnh Bình Định dung túng người nhà ăn hối lộ hơn 100 lạng bạc), vua Thiệu Trị giao làm tổng lý duyệt binh đại thần đối với biền binh 5 tỉnh lớn ở Bắc Kỳ… Khi ông mất, vua Tự Đức đã “chuẩn cho truy tặng hàm chức thiếu sư, hàm Văn minh điệnđại học sĩ, cho tên thuỵ là Văn Nhã, chiếu phẩm cấp tiền tuất, lại cho thêm khá hậu (gấm màu 4 cây, sa hoa 6 cây, vải, lụa đều 25 tấm, tiền 2000 quan) sai quan đến tế, ban cho rượu. Lê Đăng Doanh làm quan trải 4 triều, tuổi cao đức thịnh, từng sung chức dạy vua học, giúp ích rất nhiều, cho nên vua ưu đãi” (6). Khi ông mất đã lâu, vua Tự Đức vẫn nhớ nghĩ và tri ân công đức của ông: “Năm thứ 22 tiết tứ tuần đại khánh của Dực tông Anh hoàng đế. Vua lại nhớ đến bề tôi cũ ở chỗ màn sa đỏ (là chỗ giảng dạy) cho tế ở nhà” (7).
Ngoài chuyện Thượng thư Lê Đăng Doanh, sử sách triều Nguyễn còn ghi chép về hành trạng của các vị Thượng thư khác người Bích La Đông là Lê Hữu Thường, Lê Đăng Trinh, của vị quan võ Lê Mậu Cúc. Thượng thư Lê Đăng Trinh (còn có tên là Lê Đăng Lĩnh, Lê Trinh) đã được nhà Nguyễn giao trọng trách Phụ chính đại thần, đã có hai đóng góp sáng giá trong lịch sử, đó là tôn vua Duy Tân lên ngôi và xử cho Phan Châu Trinh thoát khỏi án “trảm quyết” (chém ngay) của thực dân Pháp. Dù Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque cố ép Phủ Phụ chính lúc đó xử “trảm quyết” Phan Châu Trinh, “nhưng nhờ lương tri và dũng khí của các thượng thư, nổi bật nhất là hai cụ Cao Xuân Dục và Lê Trinh, đã dám lên tiếng cãi lại Lévecque với sự đồng tình của toàn Phủ Phụ chính”(8), Phủ Phụ chính, trong đó có Thượng thư Lê Trinh vẫn xử Phan Châu Trinh với mức án nhẹ hơn là trảm giam hậu (chém nhưng giam lại) và đày chung thân cấm cố, nhằm cứu mạng sống cho nhà yêu nước.Nhờ vậy mà Phan Châu Trinh thoát chết và tiếp tục hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp duy tân, cứu nước. Rõ ràng, hai đóng góp sáng giá nêu trên của Phụ chính đại thần, Thượng thư Lê Trinh đã nâng tầm vóc của ông vượt cao hơn khoa bảng của chính ông.
Sang thời hiện đại, làng Bích La Đông đã sản sinh ra những con người “ngoại hạng”, với tên tuổi lừng lẫy không chỉ trong nước mà cả thế giới như Lê Duẩn, Lê Bá Đảng.Trong những năm miền Nam còn chìm trong đen tối, đồng chí Lê Duẩn đã sớm khởi thảo “Đề cương cách mạng miền Nam”, tạo căn cứ quan trọng để Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam. Vì lẽ đó, đồng chí đã được trí thức, cán bộ Nam Bộ gọi là “Ngọn đèn 200 nến” Năm 1989, danh họa Lê Bá Đảng được Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ tặng giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”, năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới, năm 1994 được Pháp tặng “Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp”, năm 2005, được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử Vietnamnet phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng. Với Lê Bá Đảng, mỹ thuật thế giới chứng kiến một lối vẽ độc đáo mới: vẽ không gian, tạo nên “không gian Lê Bá Đảng” (lebadang space), với chất liệu đặc biệt, khiến cho tác phẩm của ông không chỉ là tranh mà còn là điêu khắc, là chạm trỗ theo cách riêng của ông, gọi là mỹ thuật Lê Bá Đảng.
Viết về một làng Việt cổ, lại là làng Việt cổ trứ danh như làng Bích La Đông với truyền thống khoa bảng, trọng hiền tài, với những nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa tầm cỡ như vậy, người viết càng cần phải tìm hiểu hết sức công phu và thận trọng. Thay vì chỉ nên phê bình bài báo viết sai là đủ, Khải Mông lại cũng viết sai, viết thiếu căn cứ và có những lời lẽ đụng chạm đến những giá trị hằng cửu của làng Bích La Đông. Khi viết, Khải Mông chỉ dựa vào có mỗi cuốn sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, không đọc rộng ra các sách khác mà đã vội kết luận vấn đề là không đầy đủ, không khoa học, phiến diện và khó tránh khỏi sai lầm (cũng không rõ cuốn sách này có được Khải Mông đọc kỹ không, nếu sách này viết đầy đủ, trong sách phải có tên tiến sĩ Lê Thụy, tức Lê Bá Thoại, người Bích La Đông). Mặt khác, người đọc sách ít ai là không thuộc nằm lòng câu của Mạnh Tử: “Tận tín thư bất như vô thư”nghĩa là “đọc sách mà tin sách đến cùng thì không bằng không đọc sách”, huống hồ là chỉ đọc có ít sách chứ không đọc rộng ra nhiều sách, để rộng đường tra cứu, luận bàn xác đáng, tránh sa vào vu khoát, lộng ngôn. Đó là chuyện đọc, còn chuyện viết, việc viết phải xuất phát từ ý hay và triển khai ra bằng lời đẹp. Nhà Phật có dạy phải gìn giữ “thân, khẩu, ý” cho tốt, vậy đối với người viết phải hết sức thành tâm và thiện ý đối với những vấn đề mình viết ra, đừng để mắc vào những nghiệp xấu về “ý nghiệp, khẩu nghiệp”. Khải Mông có nói đến việc viết sao cho đừng sai về tư tưởng lẫn tư liệu mà gây tai vạ cho gỗ lê, gỗ táo, những loại gỗ dùng để khắc bản in ngày xưa. Hai bài viết của Ngọc Quang và Khải Mông giống nhau ở chỗ là cùng sai về tư liệu. Riêng bài viết của Khải Mông không chỉ sai về mặt tư liệu mà còn có những suy diễn, kết luận thiếu căn cứ, vậy ai phải trừ họa cho “lê táo” đây? Nhân chuyện “lê táo”, cần khẳng định rằng, với làng Bích La Đông, lịch sử và con người mảnh đất này không chỉ đã từng làm thơm lây cho các bản in lê táo mà điều quan trọng là đã được soi chiếu với sử xanh, như trong câu thơ của Văn Thiên Tường: “Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Hãy để lòng son chiếu sử xanh). Chính với tấm lòng son đó của người Bích La Đông, tấm lòng trung quân, ái quốc của các vị khoa bảng, quan lại thời xưa, tấm lòng tỏa sáng như “Ngọn đèn 200 nến” của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tấm lòng quý trọng hiền tài, nuôi dưỡng và vun bồi các giá trị văn hóa lâu bền, trường cửu mà đất này đã được rạng danh là làng Việt nổi tiếng, như câu đối trước đình làng Bích La Đông đã khắc tạc: “Địa chung linh khí truyền thiên cổ, thế xuất anh tài diễn ức niên” (Đất này chung đúc linh khí truyền từ nghìn xưa, đời sinh ra anh tài thời nào cũng có).
…………………………………………..
(1) Dương Văn An, Ô châu cận lục, Văn Thanh-Phan Đăng dịch và chú giải, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 65.
(2) Bùi Hạnh Cẩn, Minh Nghĩa, Việt Anh (biên soạn), Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 278, 302, 326, 295, 331, 250.
(3) Đại Nam thực lục chính biên, tập V, NXB Khoa học, Hà Nội, 1963, tr. 191.
(4) Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, Quyển đầu - Quyển 25), Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 290.
(5) Đại Nam thực lục chính biên, tập XIX, NXB Khoa học, Hà Nội, 1968, tr. 273, 274.
(6) Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr. 78.
(7) Đại Nam chính biên liệt truyện, Sđd, tr. 291.
(8) Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, quyển 2, tập 1, NXB Đà Nẵng, 2001, tr. 8.