Người xứ Nghệ

Trần Đình Hượu - 50 năm tìm biết với niềm khắc khoải tri thức

Hơn mười năm đã qua kể từ ngày ông tạ thế, có lẽ đã có một độ lùi về thời gian cần thiết để có thể bình tĩnh và khách quan nhìn nhận lại những gì ông đã làm được, đã góp cho đời qua một cách thức có lẽ ít giống với những "người đương thời".

Điều dễ nhận ra là ông được biết tới, được tìm đọc, được tiếp nhận và chia sẻ ngày một nhiều hơn trong mười năm qua, hẳn đó cũng là một ngoại lệ so với rất nhiều những tên tuổi cùng thế hệ. Bình sinh, ông không bao giờ nỗ lực để tìm kiếm sự nổi tiếng, những đặc quyền cả vật chất lẫn tinh thần. Giờ đây, sau một thập kỷ buộc phải chia lìa với ông, người viết những dòng này vẫn còn thấy chưa thể viết hết, nói đủ được về người thầy đặc biệt gần gũi của mình.

Không biết vì sao, nhưng sinh thời, Trần Đình Hượu không mấy khi đề cập đến vấn đề tuổi tác, của cả chính mình lẫn của người khác. Ngày tháng năm sinh của ông được ghi trong các loại giấy tờ để lại từ thời Pháp thuộc vốn đã không phải là ngày tháng năm sinh thật. Mãi đến giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, thời điểm áng chừng ông ngót sáu mươi tuổi, mà mình sẽ có một thời gian khá dài đi xa, tôi đã phải gặng hỏi ông về ngày sinh thực. Ngần ngại, lưỡng lự khá lâu rồi ông mới cho biết, rằng ông sinh vào ngày rằm tháng 11 âm lịch. Thế còn năm sinh? Ông chỉ cười mà bảo rằng, hồi nhỏ, vì nhà nghèo, sức khỏe lại không tốt, con nhà nho không đến chính quyền làm khai sinh ngay, cũng tương tự như con cái tất cả những gia đình nông dân khác, nên không có giấy khai sinh gốc. Chỉ khi đến tuổi đi học, người cậu "học trường Tây" mới đưa cháu đi làm giấy tờ.
Sinh trưởng trong một gia đình thế Nho, tuy về kinh tế là thuộc tầng lớp bần nông, "tên chữ Hán" của ông là Hậu, nghĩa là "dày". Thân phụ ông thuộc lớp đàn em - học trò của Phan Bội Châu (sinh vào khoảng 1871 - 1872), và như hầu hết các nhà nho Nghệ Tĩnh có khí tiết, có tâm huyết với thời vận, cũng noi gương Phan Bội Châu mà giáo dục con em theo tinh thần của khẩu hiệu "Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn...". Quê ông, một trong những vùng mang những đặc trưng "xứ Nghệ" điển hình, cả đất lẫn người, không ngẫu nhiên lại là điểm bùng nổ đầu tiên của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh: làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Là con trai duy nhất trong một dòng họ mà nhiều thế hệ trước thường là độc đinh, nên tuy không là "con một", từ thuở bé ông cũng được cả nhà thương chiều, dù sự thương chiều trong gia cảnh của một hàn Nho chủ yếu cũng chỉ nghiêng về phương diện tinh thần. Sự cố quan trọng đầu đời, nằm ngoài khả năng tự quyết của bản thân xảy ra lúc ông 7 tuổi, là việc ông mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo. Là một danh y, thân phụ ông phải cân nhắc rất lâu rồi cũng phải đi đến quyết định sử dụng cho ông một bài thuốc đặc biệt. Sau khi khỏi bệnh, nói theo ngôn ngữ y học cổ truyền, là "tiên thiên" của ông bị biến đổi (về sau này vì thế có những loại thuốc điều trị theo Tây y ông dùng không có hiệu quả). Vị ngọt ngào tuổi thơ mà ông được hưởng không kéo dài, vì đến năm Phan Bội Châu ốm rồi mất, thân phụ ông dường cũng theo gót (1940), lúc đó ông mới 14 tuổi.
Để có thể cho ông theo học ở Huế, thân mẫu ông đã phải bàn bạc với quyến thuộc mãi rồi mới đi đến một quyết định khó khăn: bán đi những đám ruộng cuối cùng của gia đình. Học hết bậc Thành chung ở Huế thì cũng vừa lúc Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Chàng "hàn sĩ" sắp vào tuổi 20 ấy nhanh chóng trở về quê, nhanh chóng tham gia vào phong trào Việt Minh ở một trong những "cái nôi của cách mạng". Từ xã, ông được điều lên huyện, rồi lên tỉnh, lên khu, khi thì làm công tác tuyên huấn, khi thì trở thành một trong những người lãnh đạo phân hội "những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác" ở Nghệ An - một trong những hình thức hoạt động công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương mà do tình thế lúc đó đã tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Rồi ông lại được biệt phái sang trường Đào Duy Từ, một trường chuyên khoa hoàn thiện hệ tú tài, vừa để học bổ túc thêm, vừa tham gia lãnh đạo học viên (làm Hiệu đoàn trưởng, cương vị tương tự như chủ tịch Hội sinh viên sau này). Đến năm 1949, ông chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tiếp tục công tác một thời gian nữa, ông được cử đi học hệ dự bị đại học của đại học kháng chiến, cơ sở đại học duy nhất của chính phủ kháng chiến lúc bấy giờ đặt ở vùng tự do Khu IV (Thanh Hóa). Chính ở nơi đây, ông gặp lại, tiếp tục được thụ giáo một số người thầy học cũ thời ở Huế, như các thầy Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh… và trở thành học trò, rồi trở nên thân thiết với một số thầy khác mà tên tuổi đã từng được ông hâm mộ. Một trong những người thầy từ đó ông gắn bó nhiều nhất - cho đến tận khi ông mất - là nhà cách mạng, học giả nổi tiếng Trần Văn Giàu.
Học xong lớp đại học này, ông được cử về Trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), cũng là trường trung học hiếm hoi của Khu IV lúc bấy giờ, vừa làm giáo viên, vừa tham gia Ban lãnh đạo, trực tiếp làm công tác đảng. Sau đó không lâu ông lại được gọi về, lần này thì được lựa chọn để đi học nước ngoài, cụ thể là được cử đi nghiên cứu sinh triết học ở Liên Xô. Sau gần một năm học tiếng Nga, mùa thu 1959 ông sang Matxcơva, chính thức trở thành một trong những nghiên cứu sinh triết học thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam mới kể từ sau năm 1945. Trần Đình Hượu được gửi đào tạo ở Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), một trong những cơ sở đại học nổi tiếng thế giới, từng và lúc bấy vẫn đang sở hữu những tên tuổi lừng danh trong nền học vấn quốc tế, trong đó có các nhà triết học. Người hướng dẫn khoa học cho ông là Giáo sư V.Ph.Asmus, một tên tuổi lẫy lừng của giới Triết học quốc tế lúc bấy giờ, Chủ tịch Hội những người nghiên cứu triết học toàn Liên bang, đó chính là người có ảnh hưởng to lớn, toàn diện và lâu dài đến những chặng đời sau này của ông. Sự tin cậy, niềm yêu mến của người thầy khả kính ấy đã động viên Trần Đình Hượu vững vàng trong sự lựa chọn đối tượng và cách thức nghiên cứu khoa học, cũng khiến ông tự thấy phải vượt lên chính mình, vượt lên khỏi những hạn chế do hoàn cảnh của môi trường khoa học ở đất nước mình.
Sau khi về nước (năm 1963), ông đề nghị được chọn cơ quan công tác mới là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đề nghị đó được chấp nhận. Nhưng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc ấy là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản chủ yếu và quan trọng nhất nước lúc bấy giờ, cũng chưa có chuyên ngành Triết học, dù chỉ dưới dạng một bộ môn. Được phiên chế về Khoa Ngữ văn và Trần Đình Hượu không rời Khoa Ngữ văn từ đó (1963) cho đến ngày nhận quyết định về hưu (1993), dù có những thời điểm ông đã được đề nghị chuyển sang làm công tác quản lý ở một cơ sở khoa học khác.
Năm 1981, ông được xét phong Phó giáo sư. Tên tuổi Trần Đình Hượu không xa lạ gì trong cộng đồng sinh viên Khoa Ngữ văn nhiều thế hệ, các nhà chuyên môn thực thụ, kể cả các nhà quản lý khoa học, nhưng thực sự còn lạ lẫm đối với công chúng độc giả rộng rãi. Và tình trạng đó vẫn được tiếp tục cho đến tận thời điểm 1985 - 1986. Tính lại, thời gian nhà khoa học có được sự bình ổn về tâm lý để có thể yên tâm sáng tạo và công bố những sáng tạo phẩm, thì chỉ được trên dưới 10 năm, tức chỉ có thể làm khoa học lúc bất cứ ai đó khác cũng đang chuẩn bị về hưu, tuổi "lục thập nhi nhĩ thuận", thời điểm mà hàng loạt dấu hiệu của tuổi già và bệnh tật xuất hiện là điều không sao tránh khỏi. Nhìn vào mục thời gian các công trình của ông đã được công bố, độc giả hiện nay dễ dàng chứng thực điều tôi vừa nói.
GS.NGND Nguyễn Kim Đính, một trong những người bạn quen biết với ông đã hơn 50 năm nay, vào thời điểm ông qua đời đã ghi lại những hồi ức cảm động. Xin được dẫn ra đây đôi đoạn: "...Tính anh vẫn vậy, biết chắc sắp lìa đời cũng vậy. Anh không muốn vợ con, bạn bè thân thiết quá lo âu, đau đớn, hốt hoảng vì anh. Trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt, thậm chí có những lúc công việc tâm huyết của anh bị đánh giá, nhận xét sai lệch, bạn bè gần gũi chẳng bao giờ nghe anh thốt lên một lời ca thán. Anh lẳng lặng, cần mẫn theo đuổi những gì anh suy nghĩ đằm chín với niềm tự tin sâu sắc và với cốt cách Nho phong khẳng khái được hấp thụ từ nền văn hóa "ngang bằng, sổ ngay" vốn là truyền thống gia đình.
Năm 1948, khi "anh đồ Nghệ" Hượu vào học ở Trường Trung học chuyên khoa Đào Duy Từ (Thanh Hóa) lập tức cả lớp chúng tôi coi anh như anh cả của lớp. "Không phải chỉ vì anh hơn chúng tôi ba, bốn tuổi mà còn vì kiến thức sâu rộng nhiều mặt hơn hẳn chúng tôi cùng tác phong điềm đạm của anh...".
Nhà khoa học, triết gia cộng sản Trần Đình Hượu đã được giao nhiệm vụ một lần từ rất sớm, vào thời trai trẻ, để rồi tự mình biến nó thành bổn phận chung thân: góp phần xác định, chính xác hóa con đường mà đất nước sẽ và phải đi tới trong quỹ đạo hiện đại hóa chung của thế giới. Từ một giác độ nhất định, nhiệm vụ đó cũng có nghĩa là phải thực hiện việc nghiên cứu các học thuyết mang tính triết học - ý thức hệ đã từng tồn tại, tiếp nối lẫn nhau và để lại những kết quả trong logic khách quan của sự vận động của lịch sử quốc gia - dân tộc. Nhưng nhiệm vụ định ra con đường ấy càng về sau càng không còn là, không thể là nhiệm vụ của cá nhân, dù là các cá nhân - nhà khoa học hay nhà tư tưởng, mà trên thực tế, đã được thu hồi về chỗ các nhà hoạch định chiến lược của Đảng và Chính phủ, về chỗ các nhà lãnh đạo cao cấp.
Không khó hiểu khi quan sát thấy trong di sản mà Trần Đình Hượu để lại có hai bộ phận rõ rệt: những công trình nghiên cứu triết học - lịch sử tư tưởng và những công trình nghiên cứu văn học. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ có thể cùng với độc giả hình dung trên những nét phác họa chung nhất phạm vi những vấn đề mà Trần Đình Hượu đã đào sâu suy nghĩ, bước đầu hệ thống hóa những thành tựu khoa học mà Trần Đình Hượu đã đưa lại cho khoa học xã hội nước nhà. Trong các công trình của ông, có thể nhìn nhận sự chi phối của hai xác tín mang tính tiên đề: Xác tín về tính có quy luật của mọi quá trình vận động của lịch sử và Xác tín về một sự hướng đích theo nghĩa tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn (bởi niềm tin vào tiến hóa luận) của các quá trình ấy. Thành tựu nổi bật đầu tiên của Trần Đình Hượu thể hiện ra trước hết trong các công trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học phương Đông nói chung, nghiên cứu về Nho giáo nói riêng. Xuất phát từ nhu cầu "nhìn vào thực tế một cách lịch sử, hoàn chỉnh, rõ nét", phải ý thức về nội dung, vị trí và chức năng của Nho giáo trong những lĩnh vực, những bình diện khác nhau, ông nhận thấy việc nó tồn tại và phát huy tác dụng trong những điều kiện cụ thể - lịch sử của xã hội Đông Á đã khiến nó gây ra những tác động toàn diện theo những cách thức hoàn toàn đặc thù. Xem xét Nho giáo trong trạng thái độc lập tương đối với thực tiễn chính trị của mô hình nhà nước chuyên chế, không đồng nhất hóa một cách dễ dãi nhà nước chuyên chế "Đông phương" với mô hình cấu trúc và lịch sử của chế độ phong kiến nói chung, nỗ lực để biện biệt những nét đặc trưng của Nho giáo qua các thời kỳ lịch sử nhưng lại cũng cố gắng tìm ra và giải thích lý do sự tồn tại của những yếu tố "bất biến", điều khiến cho "sự vật vẫn là chính nó mà không phải là cái khác" - những gì khiến Nho giáo vẫn cứ là Nho giáo cho dù trong toàn bộ lịch sử lâu dài và phức tạp của mình nó đã phải tham dự vào quá nhiều những "lễ hội hóa trang dài ngày" với sự góp mặt của những học thuyết khác, những truyền thống khác, những học thuyết và truyền thống cũng vốn có nội dung vô cùng phong phú, sâu sắc và phức tạp, mà chỉ cần nêu điển hình là Phật giáo, Pháp gia và học thuyết Lão Trang - đó có thể coi là những đóng góp, những thành tựu nghiên cứu mang tính lý thuyết nổi bật đầu tiên mà Trần Đình Hượu mang lại cho nền học thuật nước nhà.
Chưa kịp thực hiện một công trình có hệ thống về lịch sử và cấu trúc học thuyết Nho giáo, đó là một trong những điều áy náy lớn mà Trần Đình Hượu bộc lộ những năm cuối đời. Dù sao, với những gì đã làm, (như ông diễn đạt, là "cắm một số tiêu vè", "nêu ra và phân tích một số hiện tượng, gắng nhìn từ nhiều phía để hình dung Nho giáo như nó tồn tại thực, nêu ra một số nhận xét, một số nghi vấn", đồng thời giải mã cái "gốc tích Nho giáo" của nhiều hiện tượng trên nhiều bình diện khác nhau của xã hội Việt Nam, xã hội Đông Á thời cận hiện đại), ông càng ngày càng được các thức giả cả trong lẫn ngoài nước ghi nhận là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về đối tượng nghiên cứu phức tạp này. Càng ngày càng nhiều hơn những độc giả - nhà khoa học tự coi mình là học trò tự nguyện theo đường hướng nghiên cứu của ông. Một số nhà khoa học ở nước ngoài đã nói đến "trường phái Trần Đình Hượu" khi tiếp xúc với các công trình của ông và học trò các thế hệ do ông trực tiếp đào tạo hay chịu ảnh hưởng của ông. Việc có được một sự ghi nhận trong đời sống khoa học như vậy là điều hoàn toàn không dễ dàng.
Là nhà nghiên cứu triết học và lịch sử tư tưởng, tự đòi hỏi và xác lập cho mình thói quen tư duy mang tính lý thuyết liên tục, nhưng những kết quả cụ thể thể hiện trong các công trình, các bài viết chủ yếu của ông cũng thấm đẫm tinh thần phục vụ thực tiễn. Tuy nhiên, tính thực tiễn đó không thể được hiểu là sự bình tán dễ dãi hay sự minh họa, phụ họa cho những kết luận nào đó có sẵn, mà là những nỗ lực liên tục của lao động trí tuệ đặng tìm tới những kiến giải vì thực tế, mở đường cho việc nhận thức và chỉ đạo thực tế có hiệu quả hơn. Điều tôi vừa nói sẽ được chứng thực dễ dàng khi nhìn vào tên các công trình lớn nhỏ của ông: "Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, vài vấn đề về đặc điểm và vai trò của nó trước thực tế phát triển thời cận - hiện đại"; "Con người Việt Nam với truyền thống văn hóa Nho giáo hóa"; "Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc"; "Thử suy nghĩ theo hướng khác: đi con đường thích hợp với thực tế phương Đông lên chủ nghĩa xã hội"; "Vài điểm xuất phát cho công cuộc mở rộng dân chủ trong xã hội ta"; "Làng - họ: những vấn đề của quá khứ và hiện tại"... Ông không bao giờ chấp nhận lối "làm khoa học" bằng cung cách xào xáo, thuyết minh cho những ý tưởng có sẵn nếu những ý tưởng đó không còn những miền "tối", càng không bao giờ chịu "đón" ý tưởng của bất cứ ai, kể cả những thứ có tầm "thiên kiến của thời đại". Tính chất độc lập cao độ trong tư duy cá nhân khiến "tính thực tiễn" trong các công trình nghiên cứu của ông rất thường xuyên lại là những nhận định, những lập luận, những giả thiết dễ va chạm, xung đột với "lẽ phải thông thường", và vì chính điều đó, ông thường rơi vào tình thế đơn độc trong suy nghĩ, trong các xác tín cụ thể. Đơn độc, nhưng không nhượng bộ, kiên quyết về lập trường nhưng lại cũng kiên nhẫn chờ đợi, tự tín tự trọng nhưng không bao giờ tranh thắng, ông nhận được sự kính trọng sâu sắc của đồng nghiệp, của học trò, của cả những người vào những thời điểm nào đó đã từng là "phản biện gia hăng hái" của chính ông.
Cùng với một số học giả, nhà khoa học khác, khi nghiên cứu Nho giáo và văn hóa truyền thống Việt Nam, Trần Đình Hượu có được một ưu thế, nhất là khi so với các nhà khoa học lớp hậu sinh hay các học giả phương Tây, là ưu thế nghiệm sinh, nghĩa là các suy nghĩ và luận giải về Nho giáo, nhà nho và thực tế nền văn hóa, văn học truyền thống không chỉ là kết quả của một quá trình nghiên cứu chủ yếu mang tính chất hàn lâm, nghĩa là từ tài liệu sách vở, mà cả từ sự suy ngẫm và tổng kết, khái quát lên từ vốn sống, từ sự quan sát thực tế. Rất nhiều những nhận định, nhận xét khái quát, hệ thống hóa đã đến với các học giả từ con đường nghiệm sinh, cũng tức là chứng nhân, như thế. Là nhà khoa học cùng thế hệ và có nhiều nét tiểu sử tương đồng, trong một bài viết của mình về Trần Đình Hượu, (Báo Văn nghệ, tháng 3.1995) Phan Ngọc đã nêu lên và nhấn mạnh ưu thế này. Ngoài Nho giáo, Trần Đình Hượu đã dành không ít thời gian và tâm huyết cho việc tìm hiểu các học thuyết khác có mặt trong khu vực Đông Á truyền thống. Trước hết, đó là sự đào sâu để nắm bắt thực chất và những biểu hiện đa chiều của học thuyết Lão - Trang. Không chỉ sống cho riêng mình, ông cũng đã biên soạn một chuyên đề công phu về học thuyết cực khó nhưng cũng đặc biệt hấp dẫn, ảnh hưởng lâu dài và nhiều mặt đối với sự phát triển của đời sống tinh thần ở xã hội Đông Á truyền thống, đặc biệt là trong giới trí thức cao cấp ấy để "truyền" nó lại cho hậu sinh. Trong các tông phái Phật giáo, Trần Đình Hượu đặc biệt bị hấp dẫn bởi Thiền tông, đã có những bài viết về tông phái đó. Biển học vốn vô bờ, những người bị / được số phận trước bạ thành nhà triết học thực thụ càng cảm thấy cái biển học ấy mênh mông thêm nữa.
Tôi muốn nói thêm đôi điều về phương pháp suy nghĩ và rộng hơn, phong cách khoa học của Trần Đình Hượu. Ngót 20 năm gần gũi với ông và có lẽ suốt đời vẫn lưu giữ những ảnh hưởng của ông, tôi có rất nhiều những điều có thể nói, có thể kể về ông như một tấm gương làm người, làm thầy và tấm gương nhà khoa học. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập tới những gì tôi coi là đặc sắc nhất mà ông từng thực hành và yêu cầu những người là học trò ông cố gắng tuân thủ. Ai cũng biết, để có thể trở thành nhà khoa học đích thực, nhất là trong các khoa học xã hội - nhân văn, sự uyên bác gần như là một tiên đề. Trần Đình Hượu là người làm việc với ý chí lớn, niềm đam mê lớn. Ông là người đọc nhiều, đọc sâu, hiểu và biết trên một quy mô rất rộng, nhưng ông lại rất ngại ngần khi viết buộc phải trích dẫn. Trần Đình Hượu rất ít khi công khai bày tỏ thái độ đối với những kiểu người mà ông xa lạ với họ. Giữa rất nhiều khó khăn đến từ bối cảnh chung lẫn hoàn cảnh cá nhân, phải chịu đựng chúng vừa cay cực, vừa pha chút khinh bạc, Trần Đình Hượu vẫn nỗ lực để lưu lại cho hậu thế những chứng tích của một người tư duy, một đời tư duy.
Tôi tin rằng, nhiều những người khác, những thế hệ khác nữa sẽ còn tìm được những điều sở đắc trong các công trình của ông. Kết thúc những trang viết này, bên tai tôi như còn vang lên lời dặn dò ân cần của ông "Viết gì thì viết, chỉ đừng viết những điều mà về sau phải mất công sức nhiều để đính chính". Thoạt nghe thì dễ, ngẫm cho kỹ mới thấy, thực thi được điều ấy, khó làm sao!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511752

Hôm nay

278

Hôm qua

2337

Tuần này

22126

Tháng này

218625

Tháng qua

121356

Tất cả

114511752