VĂn hóa Nghệ An (VHNA) số 186 (10-12- 2010) có bài của ông Nguyễn Phương Thoan (NPT) cho rằng tiền thân của trường Huỳnh Thúc Kháng (HTK) không phải là Quốc học Vinh (QHV). Sau đó, trong VHNA số 188 (10-1-2011), ông Phan Trọng Báu (PTB) đã có bài “Về mối quan hệ giữa trường QHV với trường HTK” chỉ ra một số ý kiến chưa đúng của ông NPT, khẳng định tiền thân của trường HTK là QHV và ông Nguyễn Thúc Chuyên (NTC) có bài “Trao đổi thêm về lịch sử hai ngôi trường” nói rõ thêm về trường QHV và việc ra đời trường HTK.
VHNA số 192 (10-3-2011) có thêm bài của ông Chu Trọng Huyến (CTH) đã nêu lên khá thuyết phục về những lý do để trường HTK xứng đáng là hậu duệ của QHV. Là một học sinh cũ của trường HTK (năm học 1951-1952 ở Bạch Ngọc), sau này lại là giáo viên trường HTK (1972-1974, khi còn gọi là cấp 3 Vinh), tôi đồng tình với ý kiến của ông CTH, hoan nghênh Tạp chí Văn hoá Nghệ An đã tạo được một diễn đàn trao đổi rất bổ ích, và xin trao đổi thêm một số ý kiến.
Trước hết các ông PTB, NTC và CTH đã chỉ ra những ý kiến chưa đúng của ông NPT, khẳng định tiền thân của trường HTK là QHV đã xác đáng. Rõ ràng từ Quốc học Vinh, đổi sang tên gọi là trường Nguyễn Công Trứ, sau đó trường Nguyễn Công Trứ sáp nhập với trường Huỳnh Thúc Kháng và gọi một tên chung là trường Huỳnh Thúc Kháng thì không có lý do gì để băn khoăn rằng Quốc học Vinh không phải là tiền thân của trường HTK. Sau đây tôi xin phép trao đổi vài điểm cho chính xác:
- Ông PTB viết rằng “tháng 9-1947 trường khai giảng khoá đầu tiên, lúc này thầy Phạm Đình Ái lên làm Giám đốc Giáo dục LKIV, thầy Hoàng Ngọc Cang lên thay làm hiệu trưởng” là chưa chính xác mà đúng ra theo hồi ký của thầy Phạm Đình Ái ghi là chính xác hơn: “Theo đúng lý lẽ thì trường phải đặt trụ sở ở Nghệ An, nhưng vì tôi bận công việc khác (đang làm Giám đốc GDLKIV-chú thích của HK), lại kiêm chức hiệu trưởng nên tạm thời để ở Hà Tĩnh (…) trường này cuối cùng được dời qua Đô Lương, hiệu trưởng là ông Hoàng Ngọc Cang”. Năm tôi học ở trường, thầy Cang đã chuyển công tác và thầy Hà Thúc Chính làm hiệu trưởng, thầy Tôn Gia Ngân làm phó hiệu trưởng. Khi thầy Hà Thúc Chính vào Huế thì thầy Nguyễn Cửu Cúc lên thay làm hiệu trưởng.
- Mùa đông năm 1946, thị xã Vinh thực hiện tiêu thổ kháng chiến, trường Nguyễn Công Trứ (QHV đổi tên) có quyết định của UBKCHC tỉnh tản cư về Yên Thành. Song số đông học sinh ở phía Nam tỉnh Nghệ An và số học sinh Hà Tĩnh, Quảng Bình… không ra Yên Thành được nên tỉnh phải quyết định lại: Trường Trung học Nguyễn Công Trứ chia làm hai phân hiệu, một phân hiệu về Yên Thành, một phân hiệu về Nam Đàn. Phân hiệu Nam Đàn về thị trấn Nam Đàn do thầy Đào Đăng Hy làm hiệu trưởng. Ban đầu trường xếp học ca chiều ở trường Tiểu học Sa Nam (thị trấn Nam Đàn) học ở trường huyện cũ, trên đồi cạnh ba-ra Nam Đàn. Theo quyết định của tỉnh, mùa hè năm 1947, Trường Trung học Nguyễn Công Trứ tản cư về Tân Hợp (nay là xã Nam Trung-Nam Đàn). Sau khi học xong lớp nhất ở trường Xuân Liễu (đóng ở đình Chợ Trăn) bọn học sinh chúng tôi đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học năm 1947 của huyện Nam Đàn, địa điểm thi ở Tân Hợp nơi trường Nguyễn Công Trứ tản cư về. Thời gian sau, phân hiệu ở Yên Thành cũng nhập về Tân Hợp. Ông NPT viết “sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trường Nguyễn Công Trứ về ở làng Tân Hợp xã Khánh Tân (nay là Khánh Sơn)” là sai cả về thời gian, như đã trình bày ở trên và sai cả tên địa phương. Tân Hợp là tên xã lớn được nhập nhiều xã nhỏ lại trong kháng chiến chống Pháp, chứ không phải tên làng, vùng trường đóng nay là xã Nam Trung, chứ không phải Khánh Sơn và trong thời đó cũng không có xã nào tên là Khánh Tân cả!
- Nhất trí với ông CTH về điều ông PTB viết rằng: “Trường cấp II,III HTK theo hệ phổ thông từ lớp 1 lên lớp 9 chia thành 3 cấp” là thiếu chính xác, vì trường chỉ có cấp II và III, không có cấp 1 ở trong trường. Bấy giờ, ở miền xuôi đều có trường cấp 1 khắp trong các xã làm gì còn có ở trong trường HTK. Tôi học lớp 8 (1951-1952), trường có 3 lớp 8, ngoài ra còn có lớp 9 (bấy giờ học hết lớp 9 là hết cấp 3, được học lên đại học, vài năm sau mới có đến lớp 10) và cấp II có các lớp 5, 6, 7 nhưng số lượng các lớp đó không nắm được vì các lớp học phân tán nhiều địa điểm lại học vào buổi tối.
- Ông NPT viết về kỳ thi tốt nghiệp chung cho các trường ở Nghệ An và Hà Tĩnh là đúng có kỳ thi đó chứ không phải như ý kiến ông CTH cho là không có kỳ thi, chỉ có điều kỳ thi đó tiến hành cuối năm học 1949-1950 (không phải cuối năm 1949 như ông Thoan viết) và có 2 kỳ thi, một tiến hành đầu kỳ nghỉ hè và một kỳ vào cuối năm cho người trượt kỳ thi thứ nhất được thi lại. Còn số lượng dự thi là 500 như ông NPT cung cấp thì tôi không dám khẳng định nhưng không phải tính như ông CTH là số học sinh học hết năm đệ tứ của 2 tỉnh Nghệ, Tĩnh lúc đó không thể có đến 500 người, do ông tính số học sinh hết lớp Đệ tứ của trường Nguyễn Công Trứ chỉ có 2 lớp chưa đầy 100 học sinh dự thi tốt nghiệp, mà ông đã quên mất là còn có số học sinh của các trường tư thục như Tân Dân (Nam Đàn), Đinh Bạt Tuỵ (Hưng Nguyên), Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương), Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu), và các học sinh trường ở Quỳnh Lưu nữa, chưa kể số học sinh Hà Tĩnh. Xin nêu lên một dẫn chứng mà tôi biết chắc chắn. Anh Hoàng Đình Chất (tộc trưởng chi họ Hoàng ở xóm Phúc Chỉ chúng tôi, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục Vinh đã mất năm 1967), là học sinh học hết lớp Đệ tứ ở trường Tân Dân, dự kỳ thi đó, bị trượt có làm bài thơ, xin ghi ra để làm minh chứng: Đíp đíp lôm lôm(1) rõ chán phèo/ Một năm Chính phủ mở hai keo(2)/ Quân kia thì đậu ta thì hỏng/ Đíp đíp lôm lôm rõ chán phèo! Về nhà vợ hỏi/ Biết nói mần răng/Cũng phải thưa rằng/ Phen này còn hỏng Thế là hết bao nhiêu mơ với mộng/ Nào xe coòng(3), xe đạp tếch lên mây/ Và từ đây cũng nhớ câm cái họng/Chớ ba hoa lên mặt dạng ông thầy/Duyên số lận đận/ Oán hận gì nhau/ Học tài thi phận/ Sách đã có câu/Khoa này không đậu có khoa sau. Tôi có trao đổi với thầy Nguyễn Hậu, giáo viên trường THPT Hà Huy Tập về hưu, cựu học sinh trường Nguyễn Công Trứ học trên ông CTH 2 khoá, thầy cũng khẳng định có kỳ thi đó. Chính xác là sau năm 1950 không còn kỳ thi Diplome (Thành chung) nữa vì năm học 1950-1951 chúng tôi chuyển sang học lớp 7 theo chương trình CCGD (sau khi đã học xong lớp đệ tam ở trường Tân Dân năm học 1949-1950). Học xong lớp 7 thì thi chuyển cấp vào lớp 8 trường HTK, chứ không thi tốt nghiệp hết cấp.
- Ông CTH viết rằng “Trên đất Vinh cũng đã từng có một số ngôi trường bị xoá sổ, ví như Trường thi Hương Nghệ An”. Đúng là có một số ngôi trường bị xoá sổ như Cao Xuân Dục, Nguyễn Trường Tộ, Thuận An, Chính Hoá,… nhưng không thấy ông nêu tên, mà lại nêu Trường thi Hương thì nhầm vì đó không phải là một ngôi trường mà chỉ là vùng đất cho thí sinh Nghệ Tĩnh cứ 3 năm một khoa thi thì tập kết lại đó đặt lều chõng trên mặt đất để làm bài thi chứ có trường lớp gì đâu(?!)
- Ông NTC viết rất rõ ràng và đầy đủ về lịch sử hai ngôi trường, về một số thầy giáo và học sinh của trường qua một số thời kỳ. Do không trực tiếp ở trường HTK trong thời gian khoá học đầu tiên 1947-1948 nên ông đã ghi sai một chi tiết, xin đính chính lại cho đúng: đó là trường hợp anh Đào Vọng Đức ghi học thời gian này (cột 2, trang 42, bài báo trên) (trong bài “Trường QHV, trường HTK xứng danh đơn vị anh hùng” của đ/c TVH nguyên BTTU viết ở đầu cuốn sách “Mái trường xứng danh anh hùng” in nhân kỷ niệm 90 năm cũng viết sai như vậy). Hai anh em ruột Đào Nguyên Hoài Ân, Đào Nguyên Vọng Đức, con cụ Đào Nguyên Văn, bấy giờ cụ đang làm Thanh tra giáo dục Nghệ An (tương đương chức vụ Trưởng Ty Giáo dục thời gian sau), cơ quan đóng ở làng Bố Đức (nay thuộc xã Hùng Tiến, quê tôi) gia đình cụ cũng tản cư về đó, hai con cụ cùng học trường Tư thục Tân Dân từ lớp đệ nhất (năm học 1947-1948) đến hết lớp 7 (1950-1951). Trường này đặt tại đình làng Thịnh Lạc, nay thuộc xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, Nam Đàn, do thầy Vương Tử Huề (đậu Tú tài hồi thuộc Pháp) làm hiệu trưởng. Tôi học với hai anh cùng một lớp suốt 4 năm. Sau hè 1951 chúng tôi cùng thi vào trường HTK bấy giờ ở Bạch Ngọc, cùng học lớp 8 với nhau. Hiện nay, thầy giáo Nguyễn Hy Lạng dạy văn hồi đó, nay gần 100 tuổi đang nghỉ hưu ở Vinh, thầy Đinh Ngọc Lân, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, nghỉ hưu ở Hà Nội; lớp bạn bè cùng học còn có bác sĩ Hoàng Thế Hưng đang nghỉ hưu ở Vinh và nhà báo Hàm Châu, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Tao… đang nghỉ hưu ở Hà Nội là thầy giáo và bạn bè của chúng tôi, có thể chứng thực thêm điều này. Một điều dễ thấy là anh Đức sinh năm 1936 (xem bài in ở trang 124 cuốn sách nói trên, viết về những học sinh nổi tiếng của trường) thì làm sao năm 1947 đã vào được cấp III(?!). Với học sinh cũ có danh vọng như anh Đức càng phải ghi thật chính xác mới có giá trị thuyết phục.
Trên đây là một số điều tôi muốn tham gia trao đổi về các bài báo đã đăng trên tạp chí viết về QHV và HTK, làm rõ hơn một số chi tiết đảm bảo tính chính xác, không dám có ý chê khen gì đối với tác giả nào cả. Tôi nghĩ rằng mỗi địa phương muốn có một ngôi trường tiêu biểu cho truyền thống học tập của mình là một việc rất đáng trân trọng thì việc lấy trường HTK làm hậu duệ của Quốc học Vinh là rất xứng đáng, và HTK đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của QHV.