Là một học sinh cũ của trường TH Nguyễn Công Trứ từ lớp đệ nhất niên ở Vinh cuối năm 1945 đến lớp đệ tứ cuối năm 1949 tại làng Tân Hợp, huyện Nam Đàn, tôi xin góp một vài ý kiến, chủ yếu dựa vào trí nhớ - mà trí nhớ của một cá nhân thì không tránh khỏi những hạn chế nhất định - vì vậy nếu có điểm gì lầm lẫn, mong được bạn đọc vui lòng đính chính.
Điều đầu tiên tôi thấy cần làm sáng tỏ là từ khi nào thì Quốc học Vinh đổi tên thành trường TH Nguyễn Công Trứ ?
Ông Nguyễn Phương Thoan viết: đến tháng 9-1945 nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra đời thì trường Quốc học Vinh đổi tên thành TH Nguyễn Công Trứ nhưng ông cũng không nói rõ là việc đó đã diễn ra cụ thể như thế nào trong hoàn cảnh chính quyền thực dân bị lật đổ và chính quyền cách mạng nhân dân ta được thành lập.
Gần đây trên mạng điện tử có vài bài dài giới thiệu thành tích trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh hiện naycho biết: Năm học 1943 -1944 trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) đổi tên thành trường Quốc học Nguyễn Công Trứ (Collège de Nguyễn Công Trứ ).
Anh Phan Trọng Báu, bạn cùng học với tôi ở trường Nguyễn Công Trứ trước đây và sau này cùng công tác ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (anh ở Viện Sử, tôi ở Viện Văn) tán đồng ý kiến này. Anh tuyên bố: “nói có sách mách có chứng”. Chứng của anh dựa vào ý kiến của ông Nguyễn Đăng Giáp nói còn giữ được 4 tờ thông báo của trường về kết quả học và thi năm học đệ nhị niên niên khoá 1943 – 1944 của hai anh em ông (Tạp chí VHNA 188 - 2011) nhưng hình như anh cũng chưa “mục sở thị”4 tờ thông báo này.
Anh ruột tôi cùng các anh Hoàng Trung Thông (Quỳnh Lưu), Cao Huy Đỉnh (Diễn Châu), Nguyễn Danh Khuê (Đô Lương, sau đổi tên là Lưu Vân Lăng, cán bộ nghiên cứu Viện Ngôn ngữ học) là học sinh lớp đệ tứ cuối cùng của Quốc học Vinh và điều chắc chắn là đến ngày đảo chính Nhật 9-3-1945 thì trường này vẫn mang tên là Collège de Vinh, với Hiệu trưởng người Pháp cuối cùng là Michel. Anh Ph.Tr., người làng Liên Trì, huyện Yên Thành, cũng là bạn học của anh tôi ở lớp đệ tứ này, sau ngày 9-3-1945 còn đến nhà Michel để thanh toán món nợ cũ Michel đã làm nhục anh rồi mới về quê. Đối với tôi những cái tên “Quốc học Nguyễn Công Trứ”, “Collège de Nguyễn Công Trứ” nghe thật lạ lẫm !
Khoảng cuối tháng 9 năm 1945 sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi rời trường Tiểu học huyện Yên Thành vào Vinh học Trung học thì trường mới của tôi sử dụng cơ sở trường lớp của Quốc học Vinh, đã mang tên mới là Trung học Nguyễn Công Trứ, với một Hiệu trưởng người Việt, chỉ có thầy Nguyễn Văn Cự là Tổng giám thị của Quốc học Vinh cũ thì vẫn tiếp tục làm Tổng giám thị cho đến khi trường TH Nguyễn Công Trứ chuyển về Tân Hợp, cạnh làng Trung Cần của thầy, thì thầy mới nghỉ hưu và từ đó chức Tổng giám thị cũng bị bãi bỏ. Tóm lại Trung học Nguyễn Công Trứ là trường ta. Chúng tôi học tất cả các môn bằng tiếng Việt. Tiếng Pháp chỉ còn là môn sinh ngữ do thầy Trần Quốc Nghệ dạy; sinh ngữ thứ hai là tiếng Anh do hai thầy Đặng Văn Du và Nguyễn Tử Nhượng dạy. Không ai nhắc đến Collège de Vinh nữa, duy chỉ có bọn trẻ địa phương mỗi khi tức giận chúng tôi thì vẫn réo “học trò Côn – le ba que xỏ lá!”.
Theo tôi việc đổi tên Collège de Vinh thành trường TH Nguyễn Công Trứ chỉ có thể xảy ra sau ngày đảo chính Nhật 9-3-1945.
Tháng 9-1945 chúng tôi bắt đầu niên khoá đầu tiên của TH Nguyễn Công Trứ dưới chính thể dân chủ cộng hoà giữa một thành phố Vinh sôi nổi rộn ràng với tâm trạng giống như nhà thơ Huy Cận mô tả:
Giờ nao nức của một thời trẻ dại.
Hỡi ngói nâu, tường trắng, cửa gương,
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường,
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc !
Nhưng hạnh phúc đó không kéo dài. Hồi đó bọn nhóc chúng tôi đâu biết rằng: ở tít bên trời tây, tại Hội nghị Pôtxđam (7-1945) các cường quốc Đồng minh đã đồng ý để quân Anh tiếp quản miền Nam vĩ tuyến 16 của bán đảo Đông dương, quân Trung hoa của Tưởng Giới Thạch tiếp quản miền Bắc, để giải giáp tàn quân Nhật. Quân Pháp nấp sau lưng quân Anh vào Sài Gòn đã không chậm trễ nổ súng gây hấn. Từ lớp học nhìn sang con đường sắt chạy song song với trường chúng tôi thấy những đoàn tàu hoả chở những đoàn quân Nam tiến từ Hà Nội vào Nam. Cũng những đoàn tàu đó sẽ chở những đoàn quân Tưởng Giới Thạch từ Hà Nội vào Vinh và chiếm đóng trường chúng tôi – “một cuộc chiếm đóng tàn phá” – như đánh giá chung của Archimedes Patti, tác giả cuốn Tại sao Việt Nam ?(1), sĩ quan Cục tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của C.I.A, có mặt ở Hà Nội cuối năm 1945: tàn phá kinh tế với đồng tiền Quan kim đã mất hết giá trị; tàn phá chính trị bằng cách gây rối, chia rẽ rồi lu loa lên rằng Chính phủ Việt minh bất lực không đảm bảo được an ninh trật tự để đoạt chính quyền và chuyển giao cho các lực lượng quốc gia phản động, tay sai của chúng.
Ông Nguyễn Phương Thoan cho rằng: quân Tưởng đã biến trường thành trại lính của chúng rồi bị dày xéo tan nát, coi như xoá sổ tử đó (VHNA số 186 - 2010).
Còn anh Phan Trọng Báu lại đánh giá: “Quân Tàu Tưởng không đập phá gì nhiều ngoài sự ăn ở mất vệ sinh của một đội quân ô hợp… bàn ghế học sinh, bảng đem và cả thư viện, phòng thí nghiệm đều còn hầu như nguyên vẹn”(VHNA số 188 - 2010).
Chúng ta không có các tài liệu kiểm kê để có thể đánh giá cụ thể và khách quan sự tàn phá của quân đội Tưởng đối với Trường Nguyễn Công Trứ nhưng từ lớp học nhìn ra vườn trường, hàng ngày tôi thấy các nhóm lính Tưởng phá cửa sổ, xé các tấm bản đồ lớn và sách vở thư viện để nấu nước uống ! Một hôm chúng tôi đi xem chiếu phim ở rạp Majestic, rạp chiếu phim lớn nhất và duy nhất của thành phố Vinh hồi đó, vừa vào chỗ ngồi thì súng nổ chát chúa ở cửa ra vào. Cả rạp nhốn nháo ! Một người trong ban tổ chức đứng lên trấn an mọi người: “Mong đồng bào bình tĩnh, buổi chiếu phim sắp bắt đầu, ngài Tư lệnh Trần Túng Tài còn ngồi đây ….” nhưng bọn học sinh chúng tôi luồn theo cửa sau, chuồn thẳng !
Ở trường, quân Tưởng dồn chúng tôi vào một góc nhỏ gần cổng, với một số phòng học. Không còn lớp chuyên biệt để học Họa với thầy Lê Yên; không còn lớp để học Nhạc với thầy Nguyễn Văn Cần, tu sĩ đánh đàn Harmonium ở Nhà thờ Cầu Rầm; không còn được ra sận vận động mà chiều chiều thầy Tạ Quang Điển, với bộ quần áo thể thao trắng toát, nổi bật trên thảm cỏ xanh, rồi không hiểu từ đâu truyền ra câu vè, gợi lên rất chính xác hình ảnh của thầy:
Họ Tạ Quang có chàng tên Điển,
Người con con diện bộ đồ Tây !
Bị dồn ép, cuối cùng trường Nguyễn Công Trứ phải dời vào trong thành cổ Vinh, học ở ba ngôi nhà nhỏ của dinh Đốc học Nghệ An cũ. Thầy trò ra đi tay không và từ đây đến Tân Hợp, chúng tôi không có ý niệm gì về cái gọi là Thư viện và Phòng thí nghiệm của trường.
Thời gian này tình hình chính trị trong nước diễn biến căng thẳng. Ở Hà Nội các đảng phái đối lập, tay sai của Tưởng, đội lốt “quốc gia”, như Đại Việt dân chính của Nguyễn Tường Tam, Việt Nam cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần, Việt Nam quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh chống phá quyết liệt đòi cải tổ chính phủ trước ngày quân Tưởng rút về nước. Ảnh hưởng của các tổ chức này lan ra Vĩnh Yên, Phú Thọ… vào miền Trung lan đến Vinh. Nguyễn Thiện Biên phụ trách trường Nguyễn Công Trứ trong thời gian ở trong thành cổ Vinh là người cầm đầu nhóm chống đối ở trường. Hàng tuần, cứ sáng thứ hai, sau lễ chào cờ ông lại trích đọc một đoạn trong cuốn sách dịch Trung quốc hồn của Lương Khải Siêu, rồi liên hệ để công kích Việt minh và chính quyền cách mạng. Cuối cùng ông bị bắt. Sau đó, một hôm học sinh Nguyễn Công Trứ đi xem triển lãm về vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội, ngạc nhiên nhận thấy trong số bị bắt ở đây có hai thầy giáo của trường mình.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, trường chia làm hai phân hiệu: một lên Nam đàn, một về Yên Thành. Phân hiệu Yên Thành do thầy Nguyễn Sĩ Xán, vốn là Huấn đạo huyện Anh Sơn phụ trách, tổ chức học ở trường tiểu học Yên Thành, được khoảng một học kỳ thì cả hai phân hiệu tập trung hợp nhất về làng Tân Hợp, Nam Đàn. Anh Nguyễn Thúc Chuyên đã lầm khi viết: “Để đào tạo cán bộ cho tương lai, khu Giáo dục khu IV cho thành lập một trường trung học kháng chiến, lấy tên trường Nguyễn Công Trứ, đặt tại vùng Tân Hợp (Hoành Sơn) bên hữu ngạn Sông Lam, thuộc huyện Nam Đàn”. (VHNA số 188 - 2011).
Để kết thúc, tôi xin trình bày ý kiến như sau: trường TH Nguyễn Công Trứ (Vinh) có lịch sử kế thừa chặt chẽ trường Quốc học Vinh nhưng không có liên hệ gì với trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Châu Phong, Hà Tĩnh, tuy vậy từ năm 1950 các trường này đều hội tụ ở xã Bạch Ngọc, thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; ở đây sẽ có trường bị giải thể, có trường mới được thành lập. Tôi tin rằng trong số tài liệu lưu trữ về công tác giáo dục của Nghệ An và Liên khu IV cũ có thể tìm được các văn bản hành chính nêu rõ mối quan hệ lịch sử giữa Quốc học Vinh - Nguyễn Công Trứ với trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh hiện nay. Từ năm 1950 tôi không học ở đây nên không dám lạm bàn.
(1) Archimedes Patti, Tại sao Việt Nam (Why Vietnam), Lê Trọng Nghĩa dịch, NXB Đà Nẵng, 2008, tr.24.