Diễn đàn

Báo động về đạo đức ông chủ

Ngày 1/4,  sập mỏ đá Lèn Cờ (Yên Thành) làm 18 người chết; Ngày 12/1/2008, sập mỏ đá ở thị trấn Hoàng Mai làm 3 người chết; Ngày 15/12/2007, sập mỏ đá ở công trường thuỷ điện bản Vẽ làm 18 người chết.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn đáng tiếc này đều có phần trách nhiệm của các ông chủ. Nơi thì khảo sát mỏ không nghiêm túc, phương tiện khai thác thô sơ, nơi thì khai thác sai quy trình, sai phương pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2010 trên địa bàn tỉnh NGhệ An có 72 vụ tai nạn lao động, 68 người chết và bị thương. Đó là chưa tính một số tai nạn giao thông do lái xe gây ra vì lao động căng thẳng, mất ngủ, hoặc phương tiện không đảm bảo an toàn...

Hầu hết các nguy cơ tai nạn lao động đều đã được báo trước. Thế nhưng giới chủ vẫn làm ngơ vì lợi nhuận. Họ đã cố tình vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Và tệ hại hơn không ít ông chủ đã không làm trọn bổn phận với người lao động khi không may bị tai nạn. Không biết họ nộp vào ngân sách Nhà nước được bao nhiêu nhưng tiền thuế của Nhân dân thì phải bỏ ra rất nhiều để khắc phục hậu quả các vụ tai nạn. Bên cạnh 18 mạng người xấu số trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ là tương lai cực khổ, mù mịt của con cái, người thân của họ, là bao nhiêu công của của xã hội, của Nhà nước đổ ra để khắc phục.

Vấn đề không chỉ là kỷ năng lao động, đầu tư phương tiện sản xuất, là trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động mà sâu xa là vấn đề đạo đức của giới chủ. Rất nhiều người trong giới chủ đang bóc lột người lao động một cách thậm tệ bất chấp luật pháp và những quy ước và truyền thống đạo đức sơ đẳng nhất. Phải chăng đó là biểu hiện của một quá trình tích luỹ tư bản từ máu và mồ hôi của những người lao động? Phải chăng đang hình thành những ông chủ tàn nhẫn, thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm với người lao động.

Và một vấn đề không kém phần nghiêm trọng là vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại sao cấp phép khai thác mỏ tràn lan? Tại sao không nghiêm khắc và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn lao động? Tại sao không ai chịu trách nhiệm về các vụ tai nạn, không ai bị kỷ luật hay từ chức vì không làm tròn bổn phận quản lý của mình? Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của đạo đức công vụ?

Từ các vụ tai nạn lao động, đang đặt ra và đỏi hỏi phải được nhìn nhận một cách thật nghiêm túc những vấn đề về văn hoá, đạo đức của xã hội trong cơ chế thị trường . Lý tưởng và định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện trước hết trong các quan hệ sản xuất, trong mối quan hệ chủ - thợ và trên đó là trách nhiệm bảo vệ các giá trị đạo đức, bảo vệ lợi ích và nhân phẩm người lao động, bảo vệ luật pháp của đội ngũ công chức.

Rõ ràng từ các vụ tai nạn lao động đã báo động nhiều vấn đề hệ trọng của xã hội, của đất nước./.

                                                  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511409

Hôm nay

272

Hôm qua

2336

Tuần này

21783

Tháng này

218282

Tháng qua

121356

Tất cả

114511409