Những góc nhìn Văn hoá

Góp ý về cuốn" Ý thức hệ phong kiến và sự thất bại của nó"(Phần III)

B.- Về Đạo giáo, Phật giáo và tư tưởng thần bí.

Tác giả đã chỉ ra một tình hình đáng chú ý. Sau khi triều đình thất bại trong mưu đồ phục quốc và phong trào văn thân thất bại trong phong trào Cần Vương, Nho giáo mất tín nhiệm thì phong trào yêu nước vẫn phát triển, có tính chất nhân dân, có tính chất quần chúng, lợi dụng Phật giáo, Đạo giáo và ma thuật; cuối cùng dẫn đến hội kín. Từ hội kín mà tiến sang các hình thức mới là các tổ chức yêu nước dần dần có tính chất chính đảng về sau.

Phát hiện ra quá trình lô gích đó rất thú vị vì nó làm rõ thêm tính chất nông dân của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

 

Trong khi phân loại và nói vai trò của Đạo, Phật và ma thuật, tác giả bị gò bó vào từng giáo thành ra không làm rõ được một tình hình thực tế. Theo ý chúng tôi là như sau:

ở nước ta tam giáo khi du nhập đi vào đời sống dân tộc đều có kết hợp như thế nào đó với tín ngưỡng phong tục bản địa. Nó lại tồn tại hỗn tạp trong cả xã hội và trong cả từng người. Mỗi giáo đóng một vai trò chính trị và xã hội nhất định. Đền, chùa, quán tuy thuộc những tôn giáo khác nhau nhưng nhà vua đều phong sắc, cấp tiền làm lễ tế, đều giao cho chức năng phù hộ cho nhà vua trong nhiệm vụ trị nước, nghĩa là đền coi là thứ thần kỳ, theo quan niệm của Nho giáo và đều được thu dụng làm những công cụ chính trị. Còn đối với nhân dân thì đền, chùa, quán đều là nơi cầu đảo, xin bùa, chữa bệnh, trừ ma... Mỗi giáo ngoài triết lý, giáo lý, thần điện, nghi lễ, lại có tổ chức, phương thức hoạt động, cơ sở vật chất, kinh tế nữa. Có khi những cái đó tác động đối lập không liên quan gì đến giáo lý cả. Triều đình có thể tổ chức làm chay cho tướng sĩ trận vong mà không cần tìm Phật giáo. Nhân dân có thể cứ dự hội hè, mời sư làm chay, mời thầy cúng yểm bùa mà không thấy mình thay đổi tín ngưỡng. Các lãnh tụ yêu nước lợi dụng nhà chùa, hội hè truyền bá thơ tiên, giảng kinh và cả làm bùa nữa để tập hợp quần chúng chống Pháp, có thể hoàn toàn không tin giáo lý. Có thể có một số nhà Nho thuần tuý, nhà sư thuần tuý nhưng không có giáo nào có những đệ tử tín đồ hoàn toàn của riêng mình, hay có thì cũng rất ít.

Chỉ căn cứ vào giáo lý, đền, quán, nghi thức tôn giáo hay ma thuật để phân biệt thì nhiều khi lẫn lộn.

Nếu xét về mặt học thuyết, giáo lý, triết học thì tam giáo khá khác nhau. Nhưng những người trí thức (đều học qua Nho giáo) khi chán với thời cuộc, có người ngả theo triết lý Lão Trang, triết lý Phật. Loại này không phải ít, tuy rằng chưa chắc đã có nhiều người hiểu thật đúng và theo thật triệt để triết lý đó. ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang, theo chúng tôi nghĩ, không phải ít như tác giả nói ở trang 337.

Nếu xét về mặt tôn giáo mê tín thì có phân biệt nhà sư với đạo sĩ, nhưng phù thuỷ là việc của pháp sư mà nhà sư cũng làm. Chưa kể những người phù thuỷ có thể chỉ theo một thứ mê tín nguyên thuỷ không thuộc đạo giáo.

Ngoài phù thuỷ, có một số phương thuật khác như nghề tướng, nghề bói, nghề xem số, nghề địa lý. Đó là những nghề mê tín nhưng không thuộc tôn giáo mà cũng không phải ma thuật. Nó vừa là một thứ mê tín, vừa là một thứ phương thuật giả khoa học phản ánh một trình độ thấp của toán học, thiên văn, địa lý... và phần nhiều dựa vào âm dương ngũ hành, nho y lý số (chứ không có bùa phép phù thuỷ), vẫn được gọi là một nghệ mà “nhất nghệ bất tri Nho gia sở sĩ” được xã hội coi là có công phục vụ thực tế khi chưa có nền khoa học chân chính phát triển.

Vì tam giáo và ma thuật hỗn tạp như vậy, đóng vai trò của triết học, tôn giáo, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật trong đời sống văn hoá, tinh thần nên vừa ảnh hưởng đến nhà nước cầm quyền, vừa ảnh hưởng đến trí thức và nhân dân; nhưng ảnh hưởng tới từng bộ phận khác nhau bằng những yếu tố khác nhau. Sự trình bày, phân loại, đánh giá tôn giáo mê tín ma thuật và các phương thuật của tác giả theo ý chúng tôi còn có chỗ lẫn lộn. Trang 331, tác giả viết: “Tư tưởng thần bí” dưới hình thức Phật giáo, Đạo giáo, ma thuật đã có những nỗ lực nhất định để góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc... Trang 384 cũng có ý tương tự (đã chữa lại) có lẽ nên xem lại chữ “tư tưởng”.

+Về Đạo giáo.

Nếu việc tách biệt tư tưởng triết học lão Trang, Đạo giáo thuần tuý, Đạo giáo phù thuỷ và ma thuật không thuộc Đạo giáo là đúng thì vấn đề cái gì đó ảnh hưởng và ảnh hưởng ở đâu có lẽ phải bàn lại. Cái gì gắn với nhân dân và cái gì không phải của nhân dân cũng cần nói rõ hơn (chủ yếu ở trong các câu đánh giá, bình luận của tác giả).

Trang 322 có việc so sánh Trần Hưng Đạo được coi là thánh linh với việc đem Lão Tử làm tổ sư của Đạo giáo có lẽ không sát lắm.

Để Đạo gia, Lão Tử, Trang Tử, người Việt Nam và tư tưởng của Lão Trang thành mục riêng và sau đó lại có mục “Đạo giáo... Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thuỷ”, thì mục trên là viết về triết học của Lão Trang mà phần dưới mới nói về tôn giáo. Điều đó đúng với lịch sử phát triển của Đạo gia và Đạo giáo nhưng phần triết lý của Đạo gia nhất là của Trang Tử còn quá sơ lược. Trang Tử là một nhà triết học sâu sắc, một nhà văn có tài, ảnh hưởng về sau có lẽ còn lớn hơn cả Lão Tử. Con đường Trang Tử đi từ triết học sang mở cửa cho tôn giáo là con đường phức tạp trong học thuyết của ông, phần có tính chất tôn giáo như thế lại không phải là phần chính.  Việc thanh toán đối với tư tưởng Lão Trang là ở chỗ đó.

Nếu hạn chế trong phong trào yêu nước, tư tưởng yêu nước thì triết học Lão Trang không có ảnh hưởng, có thể trình bày cái khác nếu nói đến các dòng tư tưởng, thì chắc nó có ảnh hưởng trong nhiều nhà Nho thất vọng sau khi mất nước và nên trình bày kỹ hơn.

Tiết 3. Tư tưởng thần bí trong phong trào chống Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.

- Sự trình bày còn thiên về sử sự nhiều quá.

Một ý kiến rất quan trọng của tác giả là chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua suốt lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó cũng là tinh thần chi phối khi viết công trình này. Tư tưởng yêu nước tồn tại lâu dài, thường xuyên và sâu sắc nhất là trong nhân dân. Mà những người dân ấy sống trong tổ chức gia đình xã hội theo kiểu Nho giáo, sống trong không khí tôn giáo của Đạo, Phật; không khỏi chịu ảnh hưởng về tư tưởng của ba giáo ấy. Phải chăng tư tưởng yêu nước cũng tồn tại cả trong những cái “vỏ khái niệm” triết học như Phật, Đạo (ví dụ như chủ nghĩa hay quan niệm thiện ác...). Nếu phân tích được điều đó thì sẽ là một cống hiến rất quý.

IV.- về việc đánh giá và phê phán.

Trong quyển sách quy mô khá lớn, tác giả đã phải đề cập đến nhiều sự kiện lịch sử, nhiều chủ trương chính trị, nhiều luận điểm triết học, nhiều học thuyết phong trào. Mỗi một điều đó khi cần thiết, tác giả đều tỏ thái độ, đánh giá và phê phán. Cách đánh giá của tác giả theo đúng tiêu chuẩn đấu tranh yêu nước và đấu tranh cho quan điểm Mác - xít. Việc đánh giá phê phán như vậy là đúng và tốt. Nhưng tác giả thiên về đánh giá phê phán từng điểm và theo ý chúng tôi, chưa làm đầy đủ việc nhìn toàn bộ, phê phán tổng quát. Đáng chú ý là hai điểm sau đây:

1/ Tác hại của Tam giáo về phương diện ý thức hệ đối với xã hội ta thế kỷ XIX - Đối với Nho giáo - Nho giáo trong một thời gian dài là vũ khí thống trị của giai cấp phong kiến. Nó cũng đã có tác dụng nhất định trong việc bồi dưỡng đạo đức cho con người, tổ chức một xã hội có quy mô quốc gia, nêu một danh nghĩa có sức thuyết phục thống nhất được lực lượng bảo vệ đất nước khi giai cấp phong kiến còn đóng vai trò tiêu biểu cho dân tộc và trong những điều kiện cụ thể nhất định, nó cũng đã góp phần tạo ra những nhân cách thanh cao, anh hùng, nghĩa liệt... Từ tư tưởng mê tín ma thuật bước sang Nho giáo nhất định là một sự tiến bộ. So sánh với đạo giáo, Phật giáo tất nhiên Nho giáo ít tính chất tôn giáo hơn, coi trọng cõi người hơn... Nếu nó chỉ là một học thuyết đạo đức thì tuy nó chứa đựng những sai lầm, nó vẫn có vai trò tiến bộ trong một giai đoạn lịch sử. Nhưng khi nó đóng vai trò ý thức hệ chính thống, độc tôn như ở thế kỷ XIX thì nó gây ra rất nhiều tác hại. Tác hại lớn nhất là, nó biện chính cho một hạ tầng cơ sở lạc hậu trì trệ, tạo ra một tổ chức xã hội, một chế độ chính trị, một nền văn hoá, một mẫu người cản trở cho sự phát triển của xã hội. Chính cái đó mới là nguyên nhân về mặt tư tưởng cho tình trạng nghèo nàn lạc hậu, thủ cựu đưa đến thất bại của giai cấp phong kiến và của dân tộc ở thế kỷ XIX và còn di hại về sau. Tác giả mới nói đến tác động của Nho giáo đến triều đình, đến các chủ trương của vua tôi Tự Đức mà chưa nói đến tác động của nó, đến hạ tầng cơ sở, đến các tầng lớp nhân dân trên nhiều mặt.

Về Đạo giáo và Phật giáo. - Tác hại lớn nhất ở thế kỷ XIX là do độc tôn  Nho giáo gây ra. Nhưng Đạo giáo, Phật giáo trước sự chèn ép của Nho giáo bị đẩy lùi xuống làm tôn giáo trong nhân dân không phải vì thế mà là tư tưởng của nhân dân, nhân dân yêu nước. Nhiệm vụ hướng dẫn suy nghĩ hành động trước ba vấn đề của đất nước, của thời đại, Nho giáo giành lấy làm và làm hỏng nhưng Phật giáo, Đạo giáo nếu đóng vai trò quốc giáo nhất định sẽ còn làm tồi hơn. Chỗ vướng đối với tác giả là quan hệ giữa phong trào yêu nước của nhân dân và tôn giáo mê tín ma thuật mà họ lợi dụng. Trong sự thực lịch sử đó, tổ chức tôn giáo là kẽ hở có thể lợi dụng chữ tư tưởng tôn giáo, dẫu là Phật - Đạo hay ma thuật không phải không gây ra những tác hại.

Trong lịch sử của ta, Tam giáo đều có vai trò trong ý thức hệ phong kiến. Tuy quan hệ giữa ba giáo có khác nhau, có lúc một giáo đẩy lùi 1, 2 giáo kia xuống địa vị không đáng kể. Thế kỷ XIX chứng minh sự chấm dứt vai trò của cả Tam giáo và nhiệm vụ đấu tranh của ta ngày nay cũng là như vậy.

Phần nào đó, tác giả đã để lọt lưới Đạo và Phật giáo.

2/ Tất yếu lịch sử và vai trò của cá nhân. Việc Tam giáo ở trong quan hệ như vậy đóng vai trò ý thức hệ phản ánh một tình hình kinh tế và xã hội. Nó có tính tất yếu, tất yếu không phải là định mệnh. Cơ sở kinh tế và xã hội, xu thế về quyền lợi giai cấp và của bản thân dòng họ đã làm cho nhà Nguyễn chọn con đường phản nhân dân và phản dân tộc như thế. Không phải họ không có trách nhiệm nhưng cũng không phải là việc của những cá nhân. Cho nên khi phê phán, thường dừng lại từng câu nói, việc làm và nhấn mạnh sự ngu dốt, thiển cận, tham lam, xa xỉ, lời nói không đi đôi với việc làm... - nói chung trong những trường hợp đó đều đúng cả - nhưng dễ gây ra cảm tưởng sai lầm có tính chất cá nhân, không thấy đầy đủ tác hại sâu và rộng của ý thức hệ, ít thấy tính quy luật tất yếu.

Phê phán Nho giáo và cả tam giáo đời Nguyễn đã là chuyện lịch sử, nhưng thanh toán ý thức hệ đó thì vẫn là chuyện hiện tại. Nhất là khi ở miền Nam, những lực lượng đen tối còn âm mưu lợi dụng các tôn giáo để chống chủ nghĩa Mác, chống lại sự đấu tranh của dân tộc. Phê phán để thanh toán, để ngăn chặn cả những âm mưu đó là việc làm vừa có tính khoa học vừa có tính chiến đấu cách mạng. Với tri thức phong phú về sử học, triết học, với kinh nghiệm hoạt động chính trị lâu năm, tác giả có thuận lợi hơn rất nhiều người để làm cho công trình này có thể cống hiến được nhiều như vậy.

v.- Cách viết.

Tác giả là người đã viết rất nhiều và có một văn phong không trộn lẫn với ai khác. Trong công trình về lịch sử tư tưởng này, điều đó có chỗ đáng chú ý. Lời văn sáng sủa lưu loát gắn với lời nói thường gây ra một tác dụng tích cực là làm cho vấn đề trừu tượng khô khan trở nên sinh động, dễ hiểu, đến được với quần chúng, giàu tính chiến đấu hơn nhưng cũng có nhược điểm là hơi dài, thiếu cô đọng. Trong một số đoạn cần đi sâu phân tích khúc chiết, chính xác, tinh tế thì lối khẩu ngữ chọn lọc đã thành nếp làm cho tác giả viết nhanh nên dễ bỏ qua. Một số đoạn như thế, chúng tôi đề nghị nên sửa lại kỹ càng hơn.

Tác giả viết theo tiếng Nam bộ nên cũng có chữ, có câu hơi khó hiểu đối với các địa phương khác (chúng tôi có đánh dấu chì ở ngoài). Đối với những chữ ấy, chúng tôi đề nghị chữa lại cho phổ thông hơn.

Chúng tôi đã đọc công trình nhiều lần và theo sự hiểu biết của mình góp một số ý kiến. Ngoài những chỗ đã viết, đã chữa bằng chì bên lề và có đánh dấu bên cạnh, có một số ý kiến khác liên quan đến nhận thức về xã hội Việt Nam và lịch sử Nho giáo ở Việt Nam cũng có thể trao đổi thêm, nhưng viết ra sẽ quá dài và khó đầy đủ. Chúng tôi xin nói riêng tác giả.

 

Nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam hiện nay đang ở bước đầu, đang đòi hỏi nhiều loại hình công trình. ý kiến có nhiều chỗ khác nhau, khác nhau như vậy là tất nhiên và cũng là cần thiết. Một quyển sách như cuốn này với dung lượng như vậy mở đầu cho ngành lịch sử tư tưởng là điều rất đáng mừng. Chúng tôi rất hoan nghênh và tán thành việc xuất bản nó. Trong khi những vấn đề nêu ra còn có nhiều cách hiểu khác nhau thì chúng tôi nghĩ rằng những ý kiến của chúng tôi cũng là những ý kiến riêng để nhà xuất bản và tác giả tham khảo.

 

 

 

                                                                                                                   Ngày 9 tháng 2 năm 1972.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114448606

Hôm nay

2151

Hôm qua

2329

Tuần này

2151

Tháng này

214865

Tháng qua

120141

Tất cả

114448606