Diễn đàn

Không có chuyện người đời mặc áo gấm cho lịch sử

Sau bài viết “Làng khoa bảng, “lò sinh quan” Bích La Đông: Không có chuyện “mặc áo gấm cho lịch sử”” của tôi đăng trên Web Tạp chí Văn hóa Nghệ An phản bác những nội dung sai lệch trong bài viết “Có làng tiến sĩ Bích La Đông không hay người đời đã mặc áo gấm cho lịch sử” của Khải Mông đăng trên cùng Web này, Khải Mông đã nhận ra những cái sai của mình.

Những tưởng từ đó, Khải Mông sẽ bớt sai hơn và đi đến viết đúng hoàn toàn, nhưng rất tiếc, Khải Mông biết sai mà không sửa. Khải Mông lại cố biện bạch, bảo thủ cho những cái sai của mình nên đã sai càng sai thêm, thể hiện qua bài viết “Đúng! Người đời mặc áo gấm cho lịch sử” của Khải Mông vừa đăng trên Web Tạp chí Văn hóa Nghệ An.

Tôi xin nêu những điểm Khải Mông đã nhận sai và những điểm Khải Mông đã sai còn viết sai thêm như sau:
*Về những điểm Khải Mông đã nhận sai
Về nhân vật đại quan Lê Đăng Doanh mà hành trạng và sự nghiệp làm quan trải 4 đời vua, Khải Mông đọc sách chưa tới mà đã vội cho là “chuyện không thể xảy ra”, “vì nếu tính 4 đời vua từ Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) đến đời Tự Đức (1848-1883) nghĩa là trên 80 năm!”, sau khi được tôi phân tích về hành trạng và sự nghiệp vị quan này được vinh danh trong sử sách, Khải Mông thừa nhận: “Bác dẫn hành trạng và sự nghiệp của cụ Lê Đăng Doanh qua các sử sách triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện. Tôi chưa có điều kiện đọc những sách này, và tôi ghi nhận tư liệu bác dẫn ra. Về tiến sĩ Lê Thụy (Lê Bá Thoại), theo Khải Mông, “trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” cũng không thấy có tên” (Khải Mông cho biết là đã đọc kỹ sách này, nhưng không rõ có tra kỹ hay chưa), khi được tôi chứng minh rõ ràng tên tiến sĩ này lưu danh trong sách, Khải Mông đã thừa nhận và cảm ơn: “Nhưng nhờ bác, hôm nay tôi mới biết tiến sĩ Lê Thụy, tức Lê Bá Thoại, người Bích La Đông [và tôi chắc là các nhà soạn sách cũng mới được biết thêm]. Xin cảm ơn bác đã cho được mở rộng tầm mắt của kẻ áo vải ở chốn thôn quê này!”.
*Về những điểm Khải Mông đã sai còn sai thêm
1. Nói về tên bài, bài trước, Khải Mông đặt tên là “Có làng tiến sĩ Bích La Đông không hay người đời đã mặc áo gấm cho lịch sử”, Khải Mông chỉ mới đặt tên bài ở dạng câu hỏi, hoài nghi, sang đến bài sau, Khải Mông “đánh liều”, đặt tên bài bằng câu khẳng định: “Đúng! Người đời đã mặc áo gấm cho lịch sử”. Xin nói rõ ở đây là với làng Bích La Đông, không hề và không cần có chuyện “mặc áo gấm cho lịch sử”, khi lịch sử nhiều thời kỳ đã mặc áo đại quan và tôn vinh cho nhiều nhân vật lịch sử của làng và của cả đất nước có nguồn gốc từ làng Bích La Đông. Một số bài báo của Ngọc Quang và các tác giả khác, kể cả của Khải Mông viết sai về làng Bích La Đông hoàn toàn không đại diện cho “người đời” được, không thể thay thế cho các trang sử, trang sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc triều hương khoa lục, Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt NamNghĩa của từ “người đời” là để chỉ “người ta ở đời, nói chung” (“người ta”, tức là con người - nói khái quát) (1), “người đời”, nói khái quát (tôi nhấn mạnh - N.H), cũng có nghĩa là “thiên hạ” (2). Như vậy, một số cá nhân viết sai không thể đánh đồng với cái chung, cái khái quát (tôi nhấn mạnh - N.H) là “người đời”, là “thiên hạ” được. “Người đời”, “thiên hạ” chỉ xuất hiện với những lời khẳng định, đánh giá vàng ngọc dành cho con người và mảnh đất Bích La Đông trong các sách Ô châu cận lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc triều hương khoa lục, Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam
2. Xin khẳng định lại rằng xuất phát điểm vấn đề Khải Mông nêu là từ bài báo của Ngọc Quang, điều này được Khải Mông dẫn ngay từ câu mở đầu bài viết của mình. Ngoài ra, trong bài, Khải Mông có dẫn thêm bài báo của Minh Tứ. Bài báo của Ngọc Quang không hề dùng cụm từ “làng tiến sĩ Bích La Đông”, chính Khải Mông đã nhận ra điều này. Bài báo của Minh Tứ mà Khải Mông đã dẫn có câu: “Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng Bích La là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi nổi tiếng “Lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử””Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có. . Như vậy, cả Ngọc Quang và Minh Tứ không dùng cụm từ “làng tiến sĩ Bích La Đông” thì lấy đâu căn cứ cho Khải Mông đặt tít: “Có làng tiến sĩ Bích La Đông không… ”. Việc Khải Mông nêu thêm các bài viết của các tác giả khác như Liêm Khanh, Nghiêm Kiến An bàn về làng Bích La Đông vốn không nằm trong bài báo “Có làng tiến sĩ Bích La Đông không… ” của Khải Mông, nên không nằm trong phạm vi đề cập ở đây. Mặt khác, cứ theo như nội dung mà Khải Mông đã nêu về bài viết “Có thật Bích La Đông - làng tiến sĩ” của Nghiêm Kiến An, vấn đề Khải Mông viết về làng Bích La Đông đã được Nghiêm Kiến An bàn rồi, thiết nghĩ, Khải Mông không cần phải bàn thêm, vì trong khoa học, kỵ nhất là lặp lại những điều người khác đã bàn. Nói thêm là những điều Khải Mông viết về vấn đề khoa bảng làng Bích La Đông, từ điển Wikipedia cũng đã viết, đâu có mới nữa, đâu có gì tồn nghi nữa mà Khải Mông phải “nhọc công”. Vì vậy, xin được  mượn câu của nhà văn Nam Cao đã viết trong truyện ngắn “Đời thừa” để nói về vấn đề “mới, cũ” này:
3. Về đối tượng nghiên cứu: Khải Mông đã vội vàng, chủ quan, sai lầm khi cho rằng tôi đã “chệch ra khỏi vấn đề cần bàn”, “nhầm về đối tượng nghiên cứu”. Do Khải Mông nêu ra cái gọi là “người đời mặc áo gấm cho lịch sử”, nên tôi phải dẫn ra những căn cứ chứng minh lịch sử không hề có chuyện mặc áo gấm. Đó là những căn cứ đã được người đời và lịch sử khẳng định: Bích La Đông là nơi địa linh nhân kiệt, là làng khoa bảng, “lò sinh quan”. Khải Mông viết: Trong bài của tôi, tôi chỉ viết về các vị Tiến sĩ, Phó bảng mà các tác giả Ngọc Quang, Minh Tứ… đã viết”. Thì đây, chính Ngọc Quang đã đề cập đến tiến sĩ Lê Thụy (Lê Bá Thoại), một tiến sĩ mà Khải Mông bảo là đã tra sách (một cuốn) nhưng chưa thấy có tên. Khải Mông viết tiếp: “Ngoài ra, tôi không có bàn đến bất kì đối tượng nào khác”. Thật ra là có đấy, Khải Mông đã bàn về tuổi tác quan đại thần Lê Đăng Doanh, vội khẳng định là “chuyện không thể xảy ra”, vì cho rằng không có người sống trên 80 năm (con số 80 năm này do Khải Mông tự tính). Trong khi đó, cuộc đời và hành trạng của vị quan dạy vua và góp phần xây nền khoa bảng (chánh chủ khảo các kỳ thi hương, thi hội, đọc quyển thi điện) này đã được các sách sử triều Nguyễn đề cập, vinh danh. Đại Nam thực lục chính biên đã viết: “Lê Đăng Doanh làm quan trải 4 triều, tuổi cao đức thịnh, từng sung chức dạy vua học, giúp ích rất nhiều, cho nên vua ưu đãi” (3) . Khải Mông đã sai, đã có phần biết mình sai, nhưng lần này vẫn cứ cố… sai tiếp: “Bác dẫn ra danh sách các vị khoa bảng làng Bích La Đông dưới học vị Tiến sĩ, Phó bảng [Thi Hương, Cử nhân – KM] chỉ là chuyện đi lạc đề mà thôi, thậm chí là đánh tráo khái niệm và đối tượng tôi đang bàn đến”. Chao ôi! Khải Mông có đeo kính đen để đọc văn không đấy, trong danh sách các vị khoa bảng người Bích La Đông mà tôi đã dẫn, có tên tuổi tiến sĩ Lê Thụy (Lê Bá Thoại), phó bảng Lê Đăng Lĩnh (Lê Đăng Trinh) rành rành ra đấy, các vị này mà dưới tiến sĩ, dưới phó bảng, nghe cứ như có chuyện “động trời” là phải đốt sách và cạo xóa bia Văn miếu Huế?
4. Về vấn đề đọc sách, vấn đề hoài nghi: Về đọc sách, Khải Mông tự nhận: Tôi có thiếu sót là đọc ít sách thật”, “tôi là kẻ ít chữ”. Thế thì Khải Mông cần phải đọc thêm nhiều hơn, rộng ra, kiến văn sẽ nâng lên. Đằng này, Khải Mông lại vội chọn cách đọc theo lối “mì ăn liền”: “chỉ dám chọn lọc đọc những sách tiêu biểu, thuộc dòng sách công cụ mà thế hệ chúng tôi cần nhất vừa nhanh vừa gọn lại phổ biến, dễ tìm, ai cũng biết”. Nếu Khải Mông chịu khó đọc kỹ các sách tiêu biểu, sách công cụ, chắc chắn Khải Mông sẽ không vội vàng hoài nghi sự có thật của tiến sĩ Lê Thụy, của quan đại thần Lê Đăng Doanh. Còn Khải Mông chọn dòng sách để đọc theo lối “vừa nhanh, vừa gọn” thì sách đó hợp nhất là truyện tranh thiếu nhi chứ với sách nghiên cứu và với việc làm nghiên cứu thì không thể đọc theo lối “mì ăn liền” đó được.
Về vấn đề hoài nghi, Khải Mông cho rằng: “Bác bắt tôi không được phép nghi ngờ”. Thật ra, tôi hoàn toàn đâu có buộc Khải Mông đừng nghi ngờ. Tôi chỉ khẳng định một điều chắc nịch: Cụ thể, Khải Mông đã sai khi phủ nhận hay hoài nghi sự có thật của tiến sĩ Hán học, của nhân vật lịch sử người Bích La Đông”. Tôi đã chứng minh cho Khải Mông rõ rằng, ở làng Bích La Đông có tiến sĩ Hán học Lê Thụy, có quan đại thần Lê Đăng Doanh dạy vua. Đặc biệt, làng còn lập miếu thờ và dựng mộ cho hai tiến sĩ Hán học. Trọng hiền tài - nguyên khí của quốc gia đến mức tôn vinh tiến sĩ trong miếu thờ, đó là nét văn hóa hết sức độc đáo của người Bích La Đông vậy. Với những sự thật đó, đâu có chỗ cho sự hoài nghi tùy tiện, võ đoán. Hoài nghi khoa học là hoài nghi để được xác tín, để khẳng định, để đi đến chân lý, còn hoài nghi của Khải Mông không phải là hoài nghi khoa học mà đó là hoài nghi tùy tiện, vô căn cứ, võ đoán mà thôi.
5. Khải Mông cho rằng mình “chưa bao giờ có những lời lẽ đụng chạm đến danh dự của một làng Việt nổi tiếng, nếu không nói là xúc phạm”. Khải Mông hãy tự soi lại mình, tự xét lại mình trong những dòng văn sau đây của chính Khải Mông: “Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, sẽ có người đưa lý luận rằng các vị Tiến sĩ ấy có tên trong gia phả các tộc họ, có tên trong dân gian truyền lại. Vâng, nếu nói theo dân gian thì Trạng Quỳnh cũng là Trạng, Trạng Lợn cũng là Trạng, nhưng Trạng đấy không thể nào có tên trong bia Văn Miếu (Thăng Long - Hà Nội), bia Văn Thánh (Huế)”. Khải Mông hãy vào Huế hoặc tra cứu trên mạng để xem bia Văn miếu Huế, bia số 21, Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Hội năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức năm thứ 28 (1875), có khắc tên tiến sĩ Lê Thụy đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (4). Để đảm bảo viết đúng, viết đủ về một vấn đề nào đó, ngoài tra cứu công phu sách vở ra, người viết có khi còn phải đi thực tế, điền giã nữa. Bởi vì sách vở không thể viết hết, viết đủ những gì có trong Đời. Bởi vì Đời đẻ ra sách và Đời rộng lớn hơn, phong phú hơn sách vở. Khải Mông có dịp đi thực tế về làng Bích La Đông sẽ thấy tại đình làng có hai ngôi miếu thờ hai tiến sĩ Hán học, một miếu ghi thờ: “Tiến sĩ cảnh phiến bá linh hựu tôn thần”, một miếu ghi thờ: “Tiến sĩ cảnh diệu bá diệu ứng tôn thần”. Tại làng hiện có hai ngôi mộ của hai tiến sĩ này do làng phụng dựng, hương khói. Sự thật rành rành như thế, vậy khi Khải Mông đọc lại những dòng văn “tai lê họa táo” của chính mình (Khải Mông dẫn rằng lê và táo là những cây gỗ để khắc bản in đời xưa, những cuốn sách sai về cả tư tưởng lẫn tư liệu gây tai vạ cho cả cây gỗ táo, gỗ lê, bởi vì người ta mượn chúng để truyền bá những sai lầm và độc hại), Khải Mông chắc sẽ thấy hổ thẹn với chính mình và với danh dự ngời sáng của làng Bích La Đông.  
6. Về thái độ và tinh thần khoa học: Khải Mông viết: “Thú thực là tôi rất bận nên không dám để chuyện cá nhân cỏn con của mình ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan”. Khải Mông tự nhận mình làm việc theo cái Tâm, với phương pháp luận khoa học mà lại làm ra vẻ “quan dạng”: “tôi rất bận”, cho chuyện bút mực là “chuyện cá nhân cỏn con”, vậy thử hỏi Tâm ở đâu, thái độ khoa học nghiêm túc ở đâu. Thật ra, khi viết về làng Bích La Đông, Khải Mông chỉ viết lại những điều mà người khác đã viết, không có gì mới và lại vừa viết sai, vừa viết với giọng văn không đứng đắn, nói theo nhà Phật là không có “chánh ngữ”. Khải Mông còn viết: “Tôi chủ động chấm dứt câu chuyện, không muốn tranh luận thêm, mất thời gian, vô ích”. Trong khoa học không có chỗ cho Khải Mông “độc quyền chân lý”. Khải Mông đã viết sai nên ngại sự phản bác đó thôi. Thật ra, Khải Mông mới chính là người làm bạn đọc “mất thời gian” nhưng ở đây, bạn đọc chắc sẽ rộng lòng lượng thứ, khi biết sự “mất thời gian” này lại hoàn toàn “có ích” cho Khải Mông, “có ích” cho Đời vì giảm bớt những cây bút “tai lê họa táo”. “Có ích” chính là ở chỗ Khải Mông đã nhận biết: “Cái sai lầm của hôm nay, sẽ là tiền đề, là điều kiện cho cái đúng ngày sau”.
Kết thúc bài viết này và để khép lại vấn đề, tôi xin được nhấn mạnh rằng, Lịch sử là Lịch sử (tôi viết hoa từ “Lịch sử” - N.H), Lịch sử không có chuyện mặc áo gấm, Lịch sử là người thầy của cuộc sống. Trên đời này, không có gì chính xác, chặt chẽ và nghiêm khắc hơn Lịch sử. Khải Mông biết đến đâu cứ viết đến đó, vì như Khổng Tử đã dạy: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (biết thì lấy làm biết, không biết thì lấy làm không biết, ấy chính là biết vậy). Đã không biết rõ, mà lại viết võ đoán, đụng chạm tiền nhân, hoài nghi sự thật lịch sử, phủ nhận lịch sử, thì nói như nhà hiền triết Abutalip: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
…………………………………………………..............
(1) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr. 692.  
            (2) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Sđd, tr. 924.
            (3) Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr. 78.
            (4) Xem Web của Viện nghiên cứu Hán Nôm:
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511415

Hôm nay

278

Hôm qua

2336

Tuần này

21789

Tháng này

218288

Tháng qua

121356

Tất cả

114511415