Nhiều tiềm năng nhưng còn tự phát
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Nghệ An một nguồn tài nguyên biển với chiều dài gần 100 km bờ biển, nhiều bãi biển nổi tiếng và danh lam thắng cảnh đẹp như Cửa Lò, Diễn Thành, Quỳnh Bảng, Bãi Lữ…., vùng ven biển tập trung 41% dân số trong tỉnh nên có nhiều tiềm năng về du lịch và phát triển thể thao biển.
Ngày 9/2/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TƯ về Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nhấn mạnh mục tiêu phát triển du lịch biển. Bên cạnh đó, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và văn hoá - xã hội.Đặc biệt, Nghệ An đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao bãi biển như giải vô địch bóng chuyền bãi biển toàn quốc trong nhiều năm, giải vô địch cầu mây bãi biển toàn quốc lần thứ I và giải cầu mây bãi biển trong khuôn khổ ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI... được bạn bè đánh giá cao.Những điều kiện thuận lợi trên mang tính nền tảng để thể thao biển Nghệ An phát triển.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, thể thao biển ở Nghệ An đã hình thành các hoạt động tập luyện và thi đấu ở các khu du lịch ven biển. Nhiều môn thể thao được tổ chức tập luyện, thi đấu như: bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, cầu mây bãi biển, đua thuyền, mô tô nước, bơi, lặn …Đây là những môn đã thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là khách du lịch. Tuy nhiên, thể thao biển Nghệ An nói chung đang còn phát triển một cách tự phát, chưa phong phú, đa dạng và đang còn thiếu chiến lược đầu tư phát triển.
Nhìn vào thực tế, hiện nay thể thao biển Nghệ An vẫn chỉ “thịnh hành” bóng chuyền, bóng đá bãi biển…trong khi nhiều môn thể thao biển khác chưa được phát triển rộng rãi hoặc chỉ xuất hiện ở các giải thi đấu như cầu mây bãi biển hay trong lễ hội như đua thuyền ở Lễ hội sông nước Cửa Lò, Lễ hội đền Cờn…Mô tô nước ở Cửa Lò chỉ có dăm chiếc phục vụ kinh doanh và ít người có điều kiện để làm quen với môn thể thao này. Trong khi đó, rất nhiều môn thể thao biển hấp dẫn khác như bơi, lặn, thả diều bãi biển…hầu như chưa được quan tâm đầu tư, phát triển và chưa được đưa vào hệ thống thi đấu hằng năm.
Hướng đi nào cho thể thao biển Nghệ An?
Thể thao biển là một hoạt động có lợi cho việc rèn luyện thể chất, giải trí tinh thần; nó không những phục vụ cho dân cư vùng biển, những người ham thích mà còn cho cả du khách. Nhìn từ góc độ này, thể thao biển là giải pháp hữu hiệu góp phần làm nên sức hấp hẫn của du lịch biển. Bên cạnh đó, thể thao biển đã trở thành hoạt động thi đấu định kỳ ở các giải trong nước và khu vực. Nhiều môn thể thao biển đã trở thành những môn thể thao chuyên nghiệp thu hút động đảo VĐV tham gia tập luyện và thi đấu. Đây cũng là ngành kinh doanh mà nhiều địa phương như Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng…đã tập trung đầu tư và phát triển. Với xu hướng đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức về loại hình thể thao này và trong tương lai gần cần phải có kế hoạch cụ thể để tập trung phát triển nó nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, của khách du lịch. Đồng thời, tích cực tham gia và đăng cai những giải thể thao bãi biển do Trung ương tổ chức.
Cân nhắc cả khả năng lẫn những điều kiện cần và đủ, để thúc đẩy các môn thể thao biển, ngành VH,TT&DL Nghệ An nên chăng cần có những giải pháp cơ bản như: Bổ sung vào Quy hoạch phát triển VH,TT&DL giai đoạn 2010-2020 về việc phát triển các môn thể thao biển. Lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển thể thao biển theo từng nhóm, môn… Phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực thể thao biển. Liên kết phối hợp với ngành du lịch để đẩy mạnh phát triển các môn thể thao biển (trong Quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2010-2020 cũng không nêu vấn đề này). Ngoài ra cần xây dựng các quy định, quy chế, chính sách đối với HLV, VĐV các môn thể thao biển. Mở rộng quy mô tổ chức các giải thể thao biển, để tiến tới tham gia Đại hội thể thao bãi biển Việt Nam lần thứ I. Mở rộng hợp tác, phát triển kinh doanh thể thao biển với các địa phương khác…
Tóm lại, phát triển thể thao biển là một xu thế tất yếu để tăng cường giao lưu, hội nhập và phát triển, đồng thời là cơ hội để quảng bá du lịch biển, là cơ sở để khai thác nguồn lợi to lớn của tài nguyên biển Nghệ An.