Từ những lợi thế sẵn có, đồng thời thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI. Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 3/2/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc ban hành kế hoạch triển khai các Chương trình, Đề án trọng điểm. Sở Công Nghiệp (nay là Sở Công Thương) đã giao cho các đơn vị tư vấn, lập quy hoạch tiềm năng các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh. Kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành xây dựng các nhà máy thủy điện.
Qua hơn 3 năm khởi động và tiến hành, đến nay bức tranh về các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đã được thể hiện rõ nét. Đã có 12 dự án đã và đang xây dựng với tổng công suất là 755 MW. Có 4 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 14 dự án đã có chủ trương nhưng đang chờ hoàn thành các thủ tục để nhận giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất là 172,8 MW.
Có thể nói, việc đẩy mạnh xây dựng các nhà máy thuỷ điện là một hướng đi hợp lý, tận dụng được những ưu thế sẵn có của Nghệ An. Một khi hệ thống các nhà máy thuỷ điện (khoảng trên dưới 30 nhà máy) đi vào hoạt động sẽ góp phần khắc phục, giảm thiểu lượng điện năng đang thiếu của lưới điện Quốc gia và lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tạo nguồn nước bổ sung cho khu vực hạ lưu vào mùa kiệt. Đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt, công nghiệp và đẩy mặn, tham gia chống lũ tiểu mãn, giảm lũ đầu vụ cho vùng hạ lưu. Đặc biệt, nó sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi lớn cho diện mạo khu vực miền núi phía Tây Nghệ An. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên địa bàn các huyện có nhà máy thuỷ điện đi lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những hy vọng cho một sự thay đổi về mặt kinh tế. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm bảo tồn không gian văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số nơi xây dựng nhà máy thuỷ điện sẽ được thực hiện như thế nào? Điều này chỉ xẩy ra với các nhà máy thuỷ điện có công suất lớn, chiếm nhiều diện tích và buộc phải di dân khỏi khu vực lòng hồ. Ngoài nhà máy thuỷ điện Hủa Na xây dựng tại bản Huôi Muồng (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, với công suất 180 MW) phải di dời 1.200 hộ dân ở 14 bản thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Nổi bật nhất với công suất lớn và di dời số dân đông là nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ.
Dự án thuỷ điện Bản Vẽ được xây dựng trên dòng Nậm Nơn, thuộc địa bàn xã Yên Na (huyện Tương Dương) với công suất lắp đặt 320 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1.084,2 triệu KWh.
Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy thuỷ điện lớn nhất được xây dựng tại Nghệ An. Tổng diện tích đất ngập và đất mặt bằng công trường là 5.492 ha, trong đó đất trồng lúa (41 ha), đất nương rẫy (2.077,1 ha), đất rừng sản xuất (2.131 ha), đất ở và vườn (120,3 ha), các loại đất khác (1.122,6 ha). Khi hoàn thành sẽ tạo nên hồ chứa với diện tích 4.585 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 2985 hộ dân của 34 bản ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Trong đó có 32 bản ở huyện Tương Dương, thuộc 8 xã (Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luôn Mai, Yên Na, Nhôn Mai, Mai Sơn); 2 bản thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn.
Dân cư phải di chuyển khỏi khu vực ảnh hưởng của thuỷ điện Bản Vẽ chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người. Trong đó người Thái (86%), Khơ Mú (11,67%), Ơ Đu (1,9%), H’Mông (0,09%), Kinh (0,34%). Theo quy hoạch tổng thể tái định cư (TĐC) thuỷ điện Bản Vẽ, sẽ có 3 vùng TĐC được xây dựng. Lớn nhất là vùng TĐC ở huyện Thanh Chương, với 14 khu TĐC tập trung, bố trí cho 2.139 hộ. Vùng TĐC huyện Tương Dương với 10 điểm, bố trị tại các xã Nga My, Yên Na, cho 403 hộ dân. Vùng TĐC tại huyện Kỳ Sơn sẽ bố trị tại chỗ cho 112 hộ dân ngay trên địa bàn xã Mỹ Lý.
Với quy mô của một công trình thuỷ điện có công suất lớn và là công trình trọng điểm cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, chính vì thế công tác TĐC thuỷ điện Bản Vẽ đã được các cấp, ngành hết sức quan tâm. Trong đó, trực tiếp là Ban quản lý dự án thuỷ điện 2. Ngoài những hỗ trợ cần thiết cho người dân để có một cuộc sống ổn định bước đầu khi về nơi ở mới. Tại các khu TĐC, các công trình nhà ở cho người dân, trường học, trạm y tế, đều được Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 xây dựng theo bản thiết kế của Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT). Nhìn một cách tổng thể thì có thể thấy được rằng, tại các khu TĐC này, cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc sống của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên trên thực tế, với đời sống tinh thần, trong đó việc phải rời bỏ không gian sinh sống lâu đời, gây nên những tác động tâm lý sâu sắc đối với người dân thì lại chưa được mấy ai quan tâm đến.
Chúng tôi đến các khu TĐC ở xã Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Mỹ của huyện Thanh Chương. Tại đây, các cụm dân cư được xây dựng khá khang trang với nhà xây kiên cố và điều kiện đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề của các hộ dân TĐC lại không phải nằm ở cơ sở vật chất hạ tầng bên ngoài mà nằm trong chính ngôi nhà mới họ đang ở.
Đa số người dân đều cho rằng, dù là khu tái định cư xây dựng kiên cố, thế nhưng đối với họ vẫn chỉ là nơi ở tạm. Bởi những ngôi nhà TĐC này không phù hợp với truyền thống của dân tộc họ. Dân tộc Thái có cách chọn hướng nhà theo kiểu riêng, họ tối kỵ việc đốc nhà chọc thẳng ra sông, chắn ngang khe suối hay đường cái lớn. Ngoài ra, cầu thang, bếp của họ không được hướng về phía nhà ở (nhà ở của người Thái thường bố trí quay mặt ra sông). Nhưng hầu như các nhà mới ở đây đều làm ngược lại. Việc thiết kế, bố trí các phòng trong nhà đều không theo truyền thống của bà con dân tộc. Chẳng hạn, với dân tộc Thái, bao giờ bàn thờ tổ tiên cũng được đặt ở góc ngôi nhà nhưng nhà mới xây lại đặt ở chính giữa. Tương tự, dân tộc Khơ mú không hài lòng ở trong những ngôi nhà chỉ có một bếp (theo truyền thống của họ thì phải có hai bếp, một bếp để thờ còn bếp kia để nấu).
Hơn nữa, với truyền thống đặc trưng của người phụ nữ Thái là thường nâng váy tắm ở suối, mỗi sáng thường gùi nước suối về dùng… Trong khi đó đến các khu TĐC này vừa xa sông, suối, khoảng hơn chục hộ dân lại phải chung nhau 1 vòi nước tự chảy, vì thế mà những đặc trưng riêng có của họ trong cuộc sống hằng ngày đều bị mất đi. Đó là chưa kể đến việc phải di dời đông đảo dân cư trong một khu vực rộng lớn sẽ làm mất đi không gian văn hoá truyền thống mà người dân đã sinh sống ở đó từ bao đời nay. Đến nơi ở mới, đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải từ bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Họ sẽ phải sống trong một không gian mới, xa lạ và những người không quen biết. Điều đó, về lâu dài chắc chắn sẽ khiến họ dần quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Thiết nghĩ, để bảo tồn được không gian văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án thuỷ điện, cũng như việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống cho người dân tộc tại những nơi ở mới, thì cần phải:
Thứ nhất: cần phải có sự trao đổi, lấy ý kiến của người dân trong việc xây dựng các khu TĐC. Trong đó chú trọng đến ý kiến của họ về việc xây dựng các kiểu nhà như thế nào cho hợp lý và phù hợp với truyền thống.
Thứ hai: Cần phải phân tích hết những tác động tiêu cực tiềm tàng của quá trình TĐC. Trước hết là trong quá trình người dân phải làm quen với quê hương mới, ổn định đời sống và tổ chức xây dựng, phát triển sản xuất. Bởi sự lo lắng của người dân chủ yếu ở việc phải xa dòng tộc, bị phân ly và chung sống với những cộng đồng người mới.
Thứ ba: Cần đánh giá một cách tổng thể những tổn thất tâm linh và các tác động làm thay đổi về phong tục, tập quán, truyền thống, trạng thái văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc trong vùng TĐC. Bởi những thay đổi về cơ cấu dân cư, cộng đồng, cũng như mức tăng cơ học vừa đột ngột và quá lớn của dân số trong vùng. Cùng những va chạm, xung đột giữa các cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt tới tinh thần và tâm lý của dân cư. Nhất là đối với các hộ dân mới chuyển đến.