Giành giật đất, dựng nhà trái pháp luật
Từ khi con đường số 2 tả ngạn sông Nậm Mộ qua Tà Cạ - thị trấn Mường Xén – Hữu Kiểm – Hữu Lập hình thành, rất nhiều gia đình từ những địa bàn này đã bất chấp pháp luật tranh giành đất, dựng nhà trái phép. Sự việc xảy ra từ năm 2009 nhưng chính quyền sở tại bất lực.
Từ quán nước bên Quốc lộ 7 đoạn qua thị trấn Mường Xén, nhìn sang con đường mới bên tả ngạn đã có thể thấy những ngôi nhà cao thấp lô nhô, những bức rào tre, nứa dựng lên khoanh đất xé nát bờ sông Nậm Mộ. Ông chủ quán nước cho biết “Xóm trái phép đấy! Bên đó, riêng đoạn đường thuộc thị trấn, có gần 20 ngôi nhà”. Ý chừng thấy đám khách lạ không tin, ông cười nhạt: “Toàn cán bộ mà!”.
Nhà của cán bộ
Xóm trái phép (như lời ông chủ quán) bắt đầu từ chân cầu treo. Khu đất dựng nhà trái phép là hành lang nhỏ hẹp lổn nhổn đất đá của đường ven sông Nậm Mộ. Một bên là con đường với vách núi cao lởm chởm những vết cắt, ngoạm của máy ủi, máy xúc. Một bên là vực sâu của dòng Nậm Mộ.
Đi một vòng quan sát thì thấy, có những ngôi nhà kiên cố được bó móng to, dày với tường bao quanh, những ngôi nhà tạm thưng ván gỗ, tre, nứa… và nhà nào cũng có cả khu vệ sinh gắn với những ống nhựa dài ngoằng tống đồ uế tạp xuống sông. Ghé vào quán cà phê duy nhất có bảng hiệu “Cà phê Thế Anh”, cô chủ cho biết: “Bên này ban ngày hơi buồn nhưng ban đêm vui lắm”. Hỏi: “Ở đây không sợ lũ cuốn đi à?”. Cô chủ hồn nhiên: “Sợ gì chứ, Kỳ Sơn có lũ bao giờ đâu”. “Nghe nói dựng nhà thế này là trái phép, chính quyền cấm đấy?”. Cô chủ tự tin khẳng định: “Làm gì có trái phép. Chỉ có giành nhau đất thôi. Nhà em ra đầu tiên, rồi nhiều người cũng ra theo. Đất ở đây ai nhanh rào trước thì được, ai ra sau thì sắm tiền mà mua. Mà sắp tới chính quyền bán đấy, giá đất ở đây 2,5 triệu đồng một 1 mét”. Trò chuyện một thôi, cô cho biết: “Ở cách đây một đoạn có nhiều nhà bị nứt đôi mới sợ, còn ở đoạn này đã có nhà nào bị đâu”.
Đúng như lời cô chủ quán cà phê Thế Anh nói, xóm trái phép có những ngôi nhà đã “nứt đôi”. Nhà bị nặng nhất cũng là nhà kiên cố nhất, tường, móng đã nứt toác và chân móng đã hở hàm ếch. Lúc đó đang có một nhóm thợ bóc phần đất chân móng hở để gia cố. Xem lại nền đất của hành lang đường thì thấy đây là đất mượn. Để có hành lang đường, các đơn vị thi công dựng một bức tường bằng rọ đá và đắp đất lên. Những ngôi nhà trái phép dựng tạm bằng gỗ, tre, nứa vì nhẹ nên không sao, còn những ngôi nhà xây kiên cố, có móng to nặng đều bị lún sụt gây nứt tường và chân móng hở hàm ếch.
Tìm gặp đại diện thị trấn Mường Xén thì được biết, không kể những người dựng rào tre, nứa, trồng cây giành đất thì có tất cả 23 hộ đã chiếm đất dựng nhà trái pháp luật. Và vị cán bộ này công nhận, phần lớn trong số đó là cán bộ, giáo viên và đã có tình trạng mua bán, chuyển nhượng ngầm đất.
Chính quyền bất lực
Chính quyền thị trấn Mường Xén đã lập hẳn danh sách những hộ chiếm đất dựng nhà trái phép. Theo danh sách được lập có cán bộ, giáo viên, và dân thường. Trong đó có cả những người có vị trí công tác như hiệu trưởng, cán bộ huyện đội, chuyên viên phòng GD&ĐT, cán bộ bệnh viện huyện…
Vị đại diện cho biết, thị trấn đã làm hết khả năng nhưng không thể ngăn chặn được. Ngày 30/12/2009 UBND thị trấn đã ra thông báo cấm các hộ san ủi, sử dụng đất trái phép và báo cáo lên huyện xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 8/1/2010, có công văn chỉ đạo xử lý của huyện, UBND thị trấn đã cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra theo dõi: lập danh sách các hộ gia đình cá nhân vi phạm; thông báo bằng văn bản đình chỉ việc làm nhà, chiếm đất trái phép và thu hồi đất để UBND thị trấn quản lý trực tiếp cho các hộ, cá nhân vi phạm thế nhưng số người chiếm đất ngày một nhiều thêm. Ngày 7/1/2011, UBND huyện Kỳ Sơn lại tiếp tục ra Công văn số 10/UBND.TN-MT “Về việc kiểm tra xử lý các hộ xây dựng nhà trái phép khu vực tả ngạn, dọc sông Nậm Mộ, thuộc thị trấn Mường Xén”. UBND thị trấn Mường Xén tiếp tục có công văn gửi về các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi có những cá nhân chiếm đất dựng nhà trái phép. Tuy nhiên, mọi văn bản, thông báo không có tác dụng, các gia đình cá nhân vi phạm phớt lờ, UBND thị trấn Mường Xén không thu hồi được đất, những ngôi nhà trái phép vẫn tiếp tục được dựng lên.
Ông này nói: “Chúng tôi cấm, nhưng họ chiếm đất, dựng nhà bằng nhiều cách khiến chính quyền thị trấn không quản nổi. Họ dựng nhà vào đêm khuya, lúc chúng tôi đi vắng, như thể họ nắm rõ lịch của chúng tôi. Hôm trước còn là khu đất trống, hôm sau đã thấy nhà. Tóm lại, sự việc đã vượt thẩm quyền của thị trấn. Chúng tôi đã báo cáo tình hình lên UBND huyện đề nghị xử lý. Tôi biết nếu sự việc không được giải quyết sớm thì hậu quả sẽ khôn lường vì các hộ này dựng nhà trên vùng đất mới san ủi ra từ khi làm đường, trước đây nơi đó hầu hết là dốc đứng, nguy cơ sụt lún, sạt lở rất cao”.
Trong hàng chục hộ vi phạm có 8 hộ là hiệu trưởng, giáo viên và cán bộ của phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn. Ông Trần Văn Khánh, trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn rất buồn khi nhắc đến chuyện này: “Có một thực tế là nhiều giáo viên ở đây chưa có đất làm nhà. Nay thấy người ta khoanh đất, dựng nhà nên họ cũng làm theo dù biết đó là đất chưa hợp pháp và nguy hiểm. Phòng Giáo dục đào tạo Kỳ Sơn đã lập danh sách những người vi phạm, có công văn nhắc nhở họ thực hiện nghiêm túc luật đất đai, tháo dỡ nhà, tường rào…trả lại đất cho thị trấn, nhưng tới nay chưa ai thực hiện”.
Đâu là nguyên nhân chính khiến những hành vi chiếm đất, dựng nhà trái pháp luật tại thi trấn Mường Xén ngày một nhiều thêm? Tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau chúng tôi được biết, sở dĩ những cá nhân vi phạm không những ngoan cố, bất chấp pháp luật, khinh nhờn chính quyền huyện, thị không chịu di dời là do trong số họ có con em của các vị lãnh đạo huyện Kỳ Sơn. Thì ra, ngôi nhà xây kiên cố, to đẹp nhất nhưng tường, móng đã nứt toác và hở hàm ếch chân móng ở đầu xóm trái phép mà chúng tôi quan sát là của con của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Ngoài ra, còn có thêm con của một vị Thường vụ Huyện ủy. Vì thế, có một cá nhân dựng nhà trái phép nói thẳng với chúng tôi rằng: Không di dời nó (con em lãnh đạo) thì đừng nghĩ chuyện di dời người khác. Đừng nghĩ đến chuyện ngăn cản chúng tôi khoanh đất, dựng nhà!”.
*
Nhìn những ngôi nhà dựng trên nền đất yếu, chênh vênh bên vách núi, vực sâu, chúng tôi chợt liên tưởng đến những vụ tai nạn từ thiên tai, từ con người gây ra khiến cả nước bàng hoàng, xót xa như lũ quét Nậm Giải, lở đá Bản Vẻ hay mới đây là vụ sập núi thảm khốc lèn Cờ. Nếu không may mưa, lũ, lở núi xẩy ra ở Kỳ Sơn thì sao nhỉ? Chắc hẳn, những ngôi nhà chênh vênh với những con người sống trong đó chẳng thể chống đỡ và thiệt hại về người và của tiếp tục xẩy ra. Đến lúc đó, cả huyện Kỳ Sơn rồi cả tỉnh Nghệ An biết ăn nói thế nào với nhân dân cả nước?. Ấy là lo vậy chứ xin trời đừng giáng họa. Và, mong rằng UBND tỉnh sớm chỉ đạo huyện Kỳ Sơn xử lý dứt điểm việc chiếm đất, dựng nhà trái phát luật bên tả ngạn dòng Nậm Mộ.