Giải nghệ thì làm gì?
Trong thực tế, VĐV giải nghệ cũng có nhiều lí do, người thì dính chấn thương, người vì hoàn cảnh gia đình, người thì không phát triển được nữa hoặc vướng vào vòng lao lý… và phần lớn VĐV giải nghệ đơn giản là hết tuổi thi đấu thể thao đỉnh cao.
Ở Nghệ An, lâu nay ngành thể thao chỉ tập trung tối đa năng lực, đầu tư cho VĐV để tìm kiếm thành tích cao nhất, nhưng lại không mấy quan tâm đến việc chăm lo cho tương lai sau này của họ và vẫn tồn tại một cách nghĩ, đó là: VĐV hết tuổi thi đấu thường trở thành cán bộ, HLV hay nhân viên của ngành thể thao. Đó cũng là cái đích mà nhiều VĐV khi dấn thân theo nghiệp thể thao nghĩ đến. Nhưng con số đáp ứng được điều này là rất ít so với nhu cầu thực tế vì còn phụ thuộc rất nhiều vào thành tích thi đấu, sự đóng góp của bản thân VĐV và nhu cầu biên chế của ngành. Ví dụ như môn điền kinh hiện nay ở Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh chỉ có 4 VĐV có may mắn trụ lại làm HLV, môn Wushu 2 người, vật tự do 2 người, Pencak Silat 2 người… trong khi có tới gần 100 VĐV. Vậy là sau khi nghỉ thi đấu, có gần 90 người phải bắt đầu bằng những công việc khác.
Khi đã dấn thân theo nghiệp thể thao, các VĐV thường chấp nhận thua thiệt không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu kiến thức sống cũng như kỹ năng làm việc. Những điều này hầu như họ phải bắt đầu lại từ đầu khi từ giã sự nghiệp. Nói một cách chua chát, họ gần như vào đời với hai bàn tay trắng sau bao năm đã cống hiến. Đầu ra cho VĐV vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Đa số VĐV tự thân vận động theo kiểu may nhờ, rủi chịu…
Nhọc nhằn mưu sinh
Sau khi hết tuổi thi đấu, những vận động viên trở lại với đời thường trong tâm trạng hụt hẫng vì không nghề nghiệp. Thật khó để họ bắt đầu học một nghề nào đó mà mình ưng ý.
Cựu tuyển thủ quốc gia môn cầu mây Phạm Viết Thành (HCĐ thế giới) đã có lần tâm sự với tôi: “cầu mây là niềm đam mê và chỉ mong ước một điều sẽ trở thành HLV sau khi giải nghệ” nhưng rồi đành ngậm ngùi trở về mở ốt bán điện thoại di động cùng vợ...
Võ sĩ Boxing Kha Hoài An từng giành HCV vô địch toàn quốc, nay chuyển sang nghề lái xe khách tuyến Vinh - Tương Dương. Võ sĩ Karatedo Nguyễn Văn Hùng một thời nổi tiếng ở thành Vinh thì bươn chải bằng nghề cắt tóc kiêm HLV dạy Karatedo ban đêm tại Nhà Văn hoá thiếu nhi Việt Đức.
Đáng tiếc nhất là VĐV Nguyễn Xuân Quang đã từng “vô đối” hạng cân 65kg môn đẩy tạ cả đấu trường ĐH TDTT toàn quốc lẫn giải vô địch quốc gia trong nhiều năm liền nhưng cũng đành “gạt lệ” ra đi xuất khẩu lao động tại úc sau hơn 10 năm đợi chờ biên chế.
May mắn hơn cả có lẽ là kiện tướng quốc gia môn cầu mây Nguyễn Thị Hằng, chị có cơ hội gắn bó với thể thao khi được làm giáo viên dạy thể dục ở một trường cấp 3 huyện Nghĩa Đàn.
Và trưởng thành từ VĐV
Dù chỉ chiếm tỉ lệ không lớn nhưng đã có những vận động viên tiếp tục gặt hái được nhiều thành công sau khi giải nghệ. Trước hết, phải kể đến võ sĩ Bùi Duy Vinh (HCV giải võ cổ truyền năm 1996) hiện đang làm HLV môn võ Cổ truyền, Boxing (Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh), Phó Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Tổng thư kí Liên đoàn Võ thuật tỉnh, từng dẫn dắt đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh giành nhiều huy chương tại các giải đấu quốc gia (tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh đạt 3 HCV, 3 HCB). Tuyển thủ quốc gia môn bóng đá Nguyễn Hữu Thắng sau khi giã từ sân cỏ đã trở thành HLV của CLB Sông Lam Nghệ An (vô địch Cúp quốc gia 2010), hiện đang dẫn dắt SLNA vô địch lượt đi V-League 2011. HLV Nguyễn Văn Huệ tiếp tục gặt hái nhiều thành công ở vai trò trưởng bộ môn võ thuật thuộc Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh.
Cho đến thời điểm này, nhà vô địch Sea Games môn Pencak Silat - Trịnh Thị Mùi vẫn tiếp tục chinh phục đỉnh cao trong vai trò là HLV. Chị đã cùng chồng (HLV Trần Trọng Cường) đào tạo nên những VĐV thành danh như Trương Văn Mạo (HCV Châu á, HCVSea games), Nguyễn Văn Hào (HCV Seagames, HCV giải vô địch quốc gia)…
Theo ông Lô Trung Thành - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL: “Ngành TDTT Nghệ An luôn tạo điều kiện cho các tuyển thủ học lên đại học TDTT để họ tiếp tục rèn luyện, cống hiến ở vai trò HLV sau khi nghỉ thi đấu. Nhưng con số này không nhiều bởi chỉ tiêu biên chế của ngành có hạn và không phải cứ ai tốt nghiệp ĐH TDTT cũng trở thành HLV cả. Giải quyết đầu ra cho VĐV hiện còn nhiều nan giải”.
Thiết nghĩ, việc trang bị nền tảng tri thức, học vấn ngày từ ban đầu cho VĐV là việc làm hết sức cần thiết. Có như vậy, các VĐV mới yên tâm tập luyện, thi đấu và sau khi giải nghệ họ dễ dàng hòa nhập với công việc làm ăn mới mà không bị hụt hẫng. Ngoài ra, cần phải quan tâm đào tạo nghề và điều kiện đào tạo nghề phù hợp cho VĐV sau khi giã từ thể thao đỉnh cao. Có như thế họ mới thật sự an tâm mà cống hiến để thể thao Nghệ An chinh phục những đỉnh cao mới./.