Văn hoá học đường

Báo động bạo lực học đường

Từ lâu nay, bạo lực học đường, nhất là ở bậc trung học phổ thông luôn là một vấn đề nan giải, không chỉ đối với các nhà trường mà đối với toàn xã hội, làm tốn rất nhiều công sức của nhà trường, của các bậc phụ huynh, và tốn không ít giấy mực của báo đài, giới truyền thông. Dù bị răn đe đuổi học, hạ hạnh kiểm, ghi học bạ nếu đánh nhau nhưng dường như hành vi hành hung trong học đường vẫn không hề thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Trong cặp sách của nhiều học sinh có cả dao, côn, phớ, gươm, kiếm,…Để tránh sự kỉ luật của nhà trường,nhiều học sinh đã đợi đến lúc tan học, ra ngoài cổng trường rồi mới lao vào các vụ ẩu đả. Một số học sinh từng tham gia,hoặc là nạn nhân của các vụ ẩu đả cho biết,chỉ cần xích mích nhỏ đơn thuần là “nhìn đểu nhau” cũng có thể dẫn đến những vụ thanh toán nhau bằng hung khí. Hung khí mà các em sử dụng rất đa dạng nhờ nguồn từ biên giới tràn vào :kiếm Tàu, kiếm Nhật, búa, rìu, dao găm,… Hay nếu không chuẩn bị từ trước thì bất cứ vật gì trong tay lúc đó cũng trở thành vũ khí, từ gạch, đá, mũ cối, cốc, chai thuỷ tinh,… Đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh giết người chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ nhặt như lời qua tiếng lại, xô xát, thù vặt, ghen tuông… Các băng nhóm sặc mùi côn đồ được hình thành trong trường học, có đại ca, có vũ khí chiến đấu… Một nhóm học sinh THPT “có tiếng” tại địa bàn thành phố Vinh sau khi có hành vi hành hung 1 học sinh trường ngoài đã bị nhà trường họp hội đồng kỉ luật. Sau cuộc họp, mức kỉ luật đưa ra là cảnh cáo trước toàn trường, nghỉ học 1 tuần,phạt lao động 1 tuần vì hành vi đánh người có tổ chức. Theo quy định của Bộ Giáo dục, học sinh có hành vi đánh nhau phải xếp hạnh kiểm loại yếu và có thể xét ở lại lớp. Thế nhưng trong trường hợp này, nhà trường đã nương nhẹ cho những học sinh trên với 1 lí do đặc biệt: “hoàn cảnh gia đình khó khăn”. Vô tình hay cố ý mà lại có 1 sự trùng hợp đáng ngạc nhiên khi đồng thời cả 5 em đều có “hoàn cảnh khó khăn”. Một nhóm 10 nữ sinh trường THPT K(TP Vinh) đã tổ chức đánh nhau với một loạt học sinh các trường khác : THPT HHT, LVT, B, HM,… Không những thế, nhóm nữ sinh này còn có hành vi hạ nhục nhân phẩm người khác khi dùng điện thoại di động quay clip cảnh đánh nhau,túm tóc, tát vào mặt liên tiếp, đá vào bụng, xé quần áo nạn nhân ngay trên một đoạn đường vắng và đưa lên mạng như một chiến tích! Cũng như trường hợp trước, cả nhóm học sinh này chỉ phải chịu hình thức kỉ luật nghỉ học 3 ngày, phạt lao động 3 ngày, hạnh kiểm loại yếu. Có thể nói, độ tuổi 15-16 là tuổi khó tự chủ.Các em bị ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố xung quanh như phim ảnh,game online bạo lực trên Internet hay các băng đĩa lậu trôi nổi trên thị trường… nên bị nhiễm các tư tưởng bạo lực, thích thể hiện bản thân qua bạo lực, cho rằng đó mới là “anh hùng”. . Các chuẩn mực đạo đức ở học sinh hơn bao giờ hết đang bị lung lay, lệch lạc chính bởi nền tảng gia đình, nhà trường và xã hội không bền vững. Chúng ta cần đặt câu hỏi liệu mức kỉ luật của nhà trường đối với học sinh có hành vi bạo lực đã hợp lí và thích đáng chưa? Những hình thức kỉ luật đó có đủ sức răn đe để các em không dẫm chân vào con đường bạo lực? Đã đến lúc cần một hồi chuông mạnh mẽ cảnh báo nạn bạo lực học đường. Chúng ta rất cần những đường dây nóng kết nối nhà trường với học sinh, lực lượng công an thành phố; cần có sự phối hợp chặt chẽ trách nhiệm giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, pháp luật và thiết kế môi trường học tập lành mạnh nhằm ngăn chặn nạn bạo lực học đường, làm dịu đi sự bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446192

Hôm nay

2123

Hôm qua

2284

Tuần này

21801

Tháng này

212451

Tháng qua

120141

Tất cả

114446192