1. Chuyện tình của “Ông Hoàng thơ tình”
Trong tập 99 tình khúc, Hoàng Cầm đã dành trọn một trang để “Tâm hương” và “Dâng” đến 13 “Nàng” mà ông cho rằng đó là “những hồn người đã gợi ra nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu trong 99 tình khúc. Trong 13 “Nàng”, có chín “Nàng” đã hiện diện bằng tên rõ ràng nhưng có tên rõ ràng ấy vẫn chưa phải tên thật của giai nhân bởi những “bí mật khó nói” ấy mà có bốn “Nàng” chỉ được ông để hiện diện bằng tên viết tắt. Ông đề là “Dâng”:
Chị Vinh kể từ 1934
Chị Nghĩa kể từ 1936
Phương Tuyết kể từ 1940
Chị Bắc kể từ 1942
Tuyết Khanh kể từ 1946
Minh Xuân kể từ 1950
Lê Hoàng Yến kể từ 1955
Vương Thanh Yến kể từ 1967
Phương Dung kể từ 1976
Ph. Q kể từ 1990
B.Ng kể từ 1991
H.Ph kể từ 1992
Đ. Đ kể từ 1993.
13 “Nàng” này đã chia thơ tình Hoàng Cầm ra làm bốn thời:
Thời I: Chị và em
Thời II: Em và anh
Thời III: Xưa và nay
Thời IV: Có và không.
Trong 13 “Nàng”, có “Nàng” đã bước vào cõi vĩnh hằng, có “Nàng” đang còn thầm thương trộm nhớ “Chàng” trên dương thế. Nhưng chắc chắn thơ tình Hoàng Cầm làm tặng các “Nàng” sẽ đi vào cõi bất tử trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Trong 13 “Nàng”, có hai “Nàng” đã là vợ của “Chàng”. “Nàng” Tuyết Khanh thì sinh hạ cho “Chàng” một ái nữ Kiều Loan bằng xương bằng thịt để kỉ niệm ngày “Chàng” và “Nàng” cùng tập Kiều Loan kịch thơ của “Chàng” mà chính “Nàng” thủ vai Kiều Loan thần tình đến nỗi Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Hoàng Chương phải khen nắc nỏm. Không chỉ thế, Vũ Hoàng Chương còn đem lòng yêu “Nàng” để diễn ra một cuộc tình tay ba có một không hai trong lịch sử kịch thơ Việt Nam. “Nàng” Lê Hoàng Yến thì sinh hạ cho “Chàng” hai cậu con trai hiện đang phụng dưỡng “Chàng” ở căn nhà số 43 Lý Quốc Sư – Hà Nội.
Người vợ đầu tiên của Hoàng Cầm là bà Hoàng Thị Hoàn. Bà Hoàn thành bà Hoàng Cầm là do yêu cầu của gia đình Hoàng Cầm. Bởi vậy, bà chỉ sinh hạ cho Hoàng Cầm một trai, một gái. Con trai đầu của Hoàng Cầm là nhà báo Hoàng Kỳ. Thứ nữ của Hoàng Cầm là nghệ sĩ kịch Hoàng Yến tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh đã sớm lìa đời. Bà Hoàn chỉ sinh con cho Hoàng Cầm mà không sinh thơ cho Hoàng Cầm như bà Tuyết Khanh và bà Lê Hoàng Yến. Có điều khi là vợ Hoàng Cầm, bà Hoàn vẫn còn là một thiếu nữ. Còn bà Tuyết Khanh và bà Lê Hoàng Yến khi là vợ Hoàng Cầm thì đã là thiếu phụ. Bà Tuyết Khanh hiện đang ở Mỹ cùng con gái Kiều Loan(1).
Cái thế giới ấy được vừa khép lại, vừa mở ra trong tập 99 tình khúc. “Cửu cửu càn khôn dĩ định ...” mà. Sau cái thời “chị và em” với chị Vinh “Diêu bông” và chị Nghĩa “Tam cúc”, tuy đã lấy vợ nhưng do đang học ở Hà Nội, cậu học trò tú tài Hoàng Cầm vẫn có một mối tình với cô gái nhảy Phương Tuyết. “Nàng” đã từng nuôi dưỡng “Chàng” đèn sách suốt nửa năm ròng. Có vẻ như “cột đèn phố Zét hẹn duyên Tê” trong bài “Bênh” thì phải. Nhân vật “chị Bắc” vừa gây ra nhiều dư luận cũng là một bóng dáng “Kiều Loan” ở Bắc Giang. Đến “Kiều Loan” ở Hà Nội – bà Tuyết Khanh, thì cuộc đời Hoàng Cầm bắt đầu “bẻ ghi” sang một đường ray khác. Khi ấy, bà Hoàn đã mất, còn Hoàng Cầm và bà Tuyết Khanh thì tham gia văn công quân đội. Nhờ có bà Tuyết Khanh mà Hoàng Cầm đã có thời cơ về “Bên kia sông Đuống” hào sảng rất trữ tình:
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì.
Sinh hạ được Kiều Loan, bà Tuyết Khanh phải bế con về Hải Phòng để nuôi dưỡng và chờ ngày thắng lợi đón chồng trở về. Nhưng sức chịu đựng của người đàn bà cũng chỉ có hạn. Sau mấy năm, trước một cảnh ngộ éo le, bà đã đành “đi bước nữa” rồi cùng con riêng và chồng vào Nam hồi 1954. Ở lại chiến khu đến năm 1950, Hoàng Cầm đã gặp một thiếu nữ tài sắc tên là Minh Xuân. Khi ấy, Minh Xuân đang ở trong một hoàn cảnh trớ trêu, bà bị ép lấy một cán bộ chỉ huy hơi “xấu trai” một tý. Bà không chịu. Cảm thương tình cảnh đó, Hoàng Cầm đã đem lòng yêu Minh Xuân và cũng được đáp lại nồng nàn của “giai nhân”. Song chiến dịch biên giới đã khiến “Chàng” và “Nàng” thất lạc nhau. Mãi sau, khi Hoàng Cầm gặp một người bạn thì mới được nghe câu chuyện tang thương về “giai nhân bạc mệnh này”. Không có Hoàng Cầm ở bên, “Nàng” vẫn tiếp tục bị ép cho tới khi không chịu nổi. “Nàng” đành trẫm mình xuống dòng suối. Thi hài “Nàng” đã bị nước cuốn đi cách nơi “Nàng” quyên sinh tới gần chục cây số.
Hoà bình lập lại ít lâu, Hoàng Cầm trở thành người đàn ông có ba con mà lại không có ... vợ. Mối tình của ông với bà Lê Hoàng Yến cũng là một giai thoại lãng mạn. Cả hai đã có những đứa con riêng của mình. Tình yêu đã đưa họ đến với nhau, xây nên một tổ ấm, để rồi sinh ra những đứa con của ... chúng ta. Cũng có lẽ vì mối tình của họ quá đẹp và cũng là do duyên số nên một điều rất đáng trân trọng rằng trong cái đại gia đình gồm có cả “con anh”, “con em”, “con chúng ta”, những người con đều sống với nhau rất tình cảm xung quanh cha mẹ. Cái tổ ấm ấy quan trọng biết bao với Hoàng Cầm trước những thực tế khắc nghiệt mà ông đang phải chịu đựng. Và những câu thơ tình Hoàng Cầm vẫn chảy ra ngọt ngào như suối nguồn từ căn gác tồi tàn bé nhỏ nhưng ấm cúng ở số nhà 43 Lý Quốc Sư – Hà Nội.
Hoàng Cầm sống rất thật trong mộng mơ. Ông rất tâm đắc câu thơ trong bài Ghi ở Kinh Bắc tôi dành tặng ông: “Những mối tình suốt đời luống cuống”. Yêu dại khờ, nồng nhiệt, cuống quýt như Hoàng Cầm quả là cực hiếm. Có như vậy mới có một Hoàng Cầm – ông hoàng thơ tình. Cứ đọc 99 tình khúc là thấy đủ những sắc độ ái ân của Hoàng Cầm trong câu, trong chữ, trong tựa đề tràn trề những dấu vết chuyện tình. Những thân hình, những đắm đuối của những người tình. Còn muốn biết chi tiết những cuộc tình đó, có lẽ phải đọc hồi kí Hoàng Cầm mới thấy đủ.
Tết Nhâm Ngọ 2002 vừa rồi, Hoàng Cầm bước vào tuổi “bát tuần”. Ông ngỏ ý với tôi rằng có một câu đối toàn vần “đ” nói về thân phận ông mà lâu nay chưa có ai đối cho đúng với ý mà ông đã dãi bày: “Đủng đỉnh đường đèo đi đến đỉnh – Đã đành đơn độc đá đừng đeo”. Mừng ông vào tuổi “bát tuần” và nhớ ra ông sinh năm 1922 là năm Nhâm Tuất mang mệnh Dương Đại Hải Thuỷ, đúng giao thừa, tôi đã gọi dây nói đối câu đối trên mừng thọ ông: “Băng băng biển biếc bước bên băng – Bì bõm bọt bèo bìm bám bíu”. Ông hoàng thơ tình cười vang trong máy.
2. “Ông hoàng” thơ tình mang một thời đáng nhớ ra đi
Trái tim đa cảm của “ông hoàng” thơ tình Hoàng Cầm đã ngừng đập tại Bệnh Viện Hữu Nghị - Hà Nội vào một ngày hè nóng nực chợt thoáng lạnh, vậy là nhà thơ cuối cùng của một thời đáng nhớ đã ra đi.
Năm 1978 cả nước khốn khó. Tôi được đơn vị cử ra Hà Nội học thêm âm nhạc. Nơi đầu tiên vì tò mò mà tôi tìm đến là quán rượu Hoàng Cầm. Ngồi tụt vào một góc kín, tôi chiêm ngưỡng “Nhà thơ huyền thoại” của mình chăm chỉ đi rót rượu cho các bàn râm ran tửu đồ cười nói. Hoàng Cầm cũng mỉm cười, thỉnh thoảng lại vuốt ngược mái tóc dài đã nhuốm bạc.
…Năm 1988, ngọn gió đổi mới bắt đầu thổi mạnh. Hoàng Cầm và những người bạn của mình là Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán được phục hồi hội tịch. Tạp chí Sông Hương nhanh nhẹn muốn ấn hành ngay một tập thơ Hoàng Cầm. Tôi được anh em nhờ biên tập và viết giới thiệu. Lúc ấy, tôi và Hoàng Cầm mới chính thức làm việc và để rồi làm “bạn vong niên” của ông cho đến bây giờ.
Tôi là dân Hải Phòng nhưng gia đình có mấy đời lên Sen Hồ - Việt Yên - Bắc Giang bán thuốc lào Vĩnh Bảo. Vậy nên cũng có chút đồng hương như với Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ. Hoàng Cầm sinh ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang vào năm 1922. Cha ông đặt tên ông là Bùi Tằng Việt. Hoàng Cầm là bút danh của ông - tên của một vị thuốc. Nhưng chính quê mẹ Thuận Thành của Hoàng Cầm mới là nơi thăm thẳm dinh dưỡng nguồn thơ lai láng cho ông.
Sự cởi mở của một tâm hồn vừa được “phục sinh” sau bao biến cố đã dấn tôi vào thế giới thơ đầy ánh sáng vùng Kinh Bắc rất đỗi thân thương của ông. Người đa cảm, đa tình như ông nhiều hệ luỵ là phải. Song không hệ luỵ thì lấy đâu ra thơ hay, xác lập sao được tước hiệu “ông hoàng” thơ tình. Dịp ấy, tập Bên kia sông Đuống chưa ấn hành được, song hơn hết là sự gắn bó giữa hai chúng tôi. Gần ông tôi học được sự khoan dung, sự độ lượng với người, với đời. Nhất là học được “cậu bé Hoàng Cầm hồn nhiên và cả tin” trong ông. Những câu chuyện để viết ra trường ca Về Kinh Bắc vừa nổi tiếng vừa tai tiếng của ông đã khiến tôi nhận ra: “Thơ Hoàng Cầm thường bắt nguồn từ một vùng núi của sự tích, rồi lặng lẽ chảy ra biển trữ tình. Thơ ông trầm đầy một nỗi Phương Đông”.
Ngọn gió đổi mới càng thổi mạnh vào thập kỉ cuối thế kỉ trước, càng khiến Hoàng Cầm thanh xuân trở lại. Ông vào Sài Gòn rồi đi phiêu lãng nhiều nơi cùng Lá Diêu bông nổi tiếng. Tôi thường đùa: “Cụ dắt sông Đuống chảy vào văn học chống Pháp, rồi mang lại lá Diêu bông đi tung tảy trong văn học đương đại. Cụ cứ đi như đi trong chốn không thời gian”.
Liên tiếp các tập thơ, kịch thơ của Hoàng Cầm được ấn hành, kể cả văn xuôi. Nhưng tầm vóc nhất vẫn là trường ca Về Kinh Bắc mà ông thường gọi là “Tập thơ cốt tuỷ”. Vừa ấn hành thơ, vừa phiêu lãng, Hoàng Cầm đã từng cùng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đồng hành cùng hai nhà văn đi bộ Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc vào đến Huế. Ông lại cùng con trai cả Hoàng Kỳ vào Quy Nhơn - miền Kinh Đô Đồ Bàn để nhận ra một âm hưởng Chăm đã từng ám ảnh vào Quan Họ, vào thơ ông từ lúc nào chẳng rõ từ những thế hệ người Chăm ly hương ra miền Kinh Bắc. Cứ thế, Hoàng Cầm cứ sống, cứ vui vầy cùng anh em, cứ yêu và dần khẳng định lại những sáng tạo của mình qua nhiều năm im lặng và chìm khuất.
Niềm đau đáu nhất ở đáy sâu tâm hồn Hoàng Cầm là sự không tha thứ của người vợ thứ hai Tuyết Khanh - người đã sinh ra Kiều Loan xinh đẹp và mang tên vở kịch thơ ám ảnh của ông, gần đây vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn. Giữa bà và thơ cùng sự cách tân mà ông theo đuổi, ông đã chọn thơ và mãi mãi mất bà. Bà Tuyết Khanh đã qua đời ở California năm ngoái. Cộng hưởng với niềm đau đáu này là sự ra đi bi phẫn của cô con gái Hoàng Yến và sự ra đi ngậm ngùi của bà vợ Hoàng Yến: “Em xa anh và rất gần nước mắt”, khi ông vẫn còn chìm trong bóng tối. Giờ đã đến lượt ông đi theo họ về cõi xa xăm. Ra đi để bước vào bất tử. Xin vĩnh biệt ông.
(1) Bài viết năm 2006. Bà Tuyết khanh đã mất tại Mĩ vào giữa năm 2009.