Văn hoá học đường

Chiêu hiền đãi sĩ... tạp biên

Lãnh đạo biết dùng người tài, cũng giống như loài tê giác hoặc loài voi, biết nâng vật qu‎í nhất của mình lên trước mặt hay đội lên đầu. Chúng dùng ngà hay sừng để làm nên sức mạnh. Không biết dùng báu vật mình có, là loài  trai sống trong bùn lầy hay loài trâu bò gặm cỏ. Chúng che giấu, nhận chìm ngọc trai và hạt Ngưu hoàng phấn vô giá nơi uế tạp nhất, rồi cố tìm cách loại bỏ. Cuối cùng, chúng chết chính vì sự ngu xuẩn đó.

    

 
 
Tuần trước, tình cờ gặp thầy giáo trẻ Nguyễn Công Chuẩn. Hóa ra Chuẩn không dạy ở trường Phúc Trạch  nữa. Mà là giảng viên Đại học Vinh rồi, lại dạy khối chuyên toán nữa cơ chứ. Chuẩn bảo: “Chuyện ra ĐH Vinh của em, cũng lôi thôi lắm. Tay hiệu trưởng Phúc Trạch giở đủ trò, làm tình làm tội, súy‎t bị đuổi khỏi ngành giáo dục. May ĐH Vinh cần người giỏi nên can thiệp, cứu em thoát khỏi án kỷ luật”. Lại là hiệu trưởng! Giáo viên giỏi cứ bỏ Hà Tĩnh(HT) mà đi, chủ yếu vì mấy tay hiệu trưởng!
 
Hiệu trưởng các trường phổ thông, lắm kẻ bất tài. Chỉ giỏi dùng mưu ma chước quỷ nịnh trên nạt dưới. (Sầm Đức Xương tiêu biểu cho hạng này). Một số, chẳng có năng lực gì, nương bóng ô dù mà lên. Chút xíu nhân cách, mất dần theo thâm niên lãnh đạo. Chức quyền đã làm hư hỏng họ.
 
Tất nhiên, có những hiệu trưởng có năng lực, lại biết cách dụng người. Gặp được một vị như vậy,‎ hơn gặp kì lân. Đó là phúc sáu mươi đời để lại cho mọi thành viên trong trường.
 
Sở GD quản lí giáo viên qua đám hiệu trưởng đó. Đó là lí do, để giáo viên giỏi không đất dụng võ trong trường phổ thông. Các hiệu trưởng thường ích kỉ, cũng như loài trai, ăn bùn đất dưới đáy. Với loài trai, rong rêu rác rưởi quí‎ hơn những viên ngọc mà nó bất đắc dĩ mang. Ngọc cản trở quá trình kiếm ăn và tiêu hóa của trai. Khi có thể, trai sẽ tìm cách loại bỏ các viên ngọc. Con bò có Ngưu hoàng phấn cũng thế. Đó là vị thuốc vô giá làm nên viên “An cung ngưu hoàng” cứu người đột quỵ. Con bò mang viên ngưu hoàng trong mật, lại lười kéo cày. Bảo vật trong mình làm nó thấy lấn cấn. Nếu làm được, nó cũng sẽ tự vứt đi vật đại quí‎ trong mình.
 
Vài mươi năm trước, thầy Trần Trọng Chấm, giáo viên được Bác Hồ khen, người thầy tâm huyết của nhiều thế hệ học sinh Hương Sơn, đã khăn gói ngậm ngùi ra đi. Tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người vì không chịu nổi cách hành xử khác người của các vị lãnh đạo.
 
Lại cách đây chưa lâu, xảy ra cảnh nồi da nấu thịt trong làng giáo cấp 3. Đó là việc bình xét người “yếu kém năng lực” chuyển về cấp 2. Lạ thật, năm đó các trường lại được tự bàn chuyện thuyên chuyển. Các hiệu trưởng giở trò ma quỷ gì không biết. Cuối cùng, toàn những người có năng lực buộc phải chuyển đi. Không tin, điểm qua mấy gương mặt quanh Thị trấn Phố Châu này sẽ rõ.
 
Thầy Đạt, cô Bích, sau vài năm “lưu đày” ở cấp 2, trở về cấp 3 Hương Sơn, tham gia thi giáo viên giỏi tỉnh ngay. Thầy Đạt giật thủ khoa, cô Bích á khoa. Mấy năm sau, thầy Đạt tức nư thi lần nữa, lại thủ khoa. Còn thầy Sơn, thầy Hoài, thầy Yên, thầy Tuân, từ cấp 2 quay về. Mấy năm sau là hiệu trưởng hiệu phó các trường cấp 3. Thầy Phạm Cảnh chán, bỏ ngành sang làm lãnh đạo huyện. Thầy Cường, cô Oanh trụ lại, thành những con chim đầu đàn về chuyên môn cho phòng GD. Trong khi đó, những cận thần thân tín của hiệu trưởng được coi là “giỏi giang” ở lại trường cấp 3. Thì trì trật không đạt nổi điểm 5 kiểm tra thường kì của sở. Mà sở cũng hay thật, khi cần phân loại chuyên môn, thì không thấy kiểm tra kiểm trẻ chi cả. Mặc các hiệu trưởng tác oai tác quái.
 
Dăm ba năm trước, cấp 3 Hương Sơn lình xình. Hiệu trưởng  ăn mảnh, lại quá dày. Trường xây xong, nghiệm thu thấy quá kém, phải dỡ ra làm lại. Hàng rào xây xong, hiệu phó đập ra không xi măng, phải bỏ. Sở lại cho rằng nội bộ có chuyện chi, chớ hiệu trưởng thì lắm nơi cũng ăn, cũng ẩu, mà có ai nói chi mô. Bèn ngay giữa năm học, chuyển ngay hiệu trưởng, hiệu phó đi hai nơi khác nhau. Lại chuyển một giáo viên giỏi đầu đàn, buộc phải đi đến dạy một trường khác.
 
Vậy là, sở nghe theo một hiệu trưởng vô năng, đánh vào những giáo viên giỏi vô hại. Không có lí do nào khả dĩ, sở đưa ra lí do kiểu “lừa con nít” là “tăng cường cho trường chuẩn”. Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết hay ưng khuyển quần tranh, thảo mộc tan nát thì cũng không biết nữa!. Hiệu trưởng mới chưa ló mặt, đã xâm xút hại người. “Mặt chưa ló, lọ đã châm!” là thế!.
 
Đâu chỉ Hương Sơn, nhìn rộng ra chút nữa. HT đất văn, giáo viên văn nhiều người nổi tiếng cả nước. Điểm qua mấy thầy văn xuất sắc, và hỏi xem họ được các hiệu trưởng chăm chút như thế nào?. Xin hãy về trường Nguyễn Du nghe mà nghe kể lại chuyện hiệu trưởng “săn sóc” thầy Lập. Xin hãy về Minh Khai, nghe chuyện hiệu trưởng “quan tâm” thầy Tân. Rồi chuyện thầy Lưu, thầy Học nổi danh cũng đã khăn gói một đi không ngoái đầu. Chuyện thầy Vị khi còn ở trường Hương sơn cũng  trầy vi tróc vảy bởi cảnh làm“ đày tớ thằng.. chưa khôn”. Đã có thơ truyền khẩu rằng:
 
                “ Vị, Ái sang báo đã lâu,
 
          Các chú Lưu, Học rủ nhau cùng chuồn.
 
                   Chỉ còn hai bác Lập, Tân
 
           Đầy tớ thằng dại, quyết mần đến tra.”
 
 Rồi lại:
 
                  “Khôn ngoan, Vị tót đi rồi,
 
             Lập, Tân ở lại, chịu lời đắng cay.”
 
Hôm trước, thầy Tân cùng mấy bạn bè trường Minh Khai đến chơi. Khi tôi ngạc nhiên hỏi sao thành tích trường Minh Khai năm vừa rồi nhảy vọt như vậy. Thầy cười “Vì cảm hứng trở lại với bọn anh, không bị chèn ép nữa thì làm việc thôi, chú à!”. Hỏi ra, trường này mới thay hiệu trưởng!. Lạ thật!
 
Làng văn HT có lục nhân, tam hiệp, thì làng toán cũng có tam hổ, tứ hiền. Âu cũng là tạp danh nơi trà dư tửu hậu, làng giáo tếu táo gán cho nhau.
 
Đệ nhất cao nhân làng toán HT là Hòang Ngọc Cảnh, trụ cột trong luyện đội tuyển toán thi quốc gia. Các vị ra đề thi toán toàn quốc, rất dè ông  này ở HT. Cứ thi xong, có ngay bình luận đúng sai, hay dở của thầy Cảnh trên báo Toán. Có lần, thầy viết: "Mấy cậu ra đề, tôi đã chỉ vẽ cho bao nhiêu lần rồi mà cứ để sai sót...". Bạn bè khắp nơi, ai cũng tưởng, với tài đức và công lao với ngành, chắc thầy "đã làm to lắm" trong HT. Thực ra, thầy chỉ mới có chút chức hiệu phó, và chắc sẽ về nghỉ với "trọng trách to lớn " đó.
 
Thầy Đinh Tam lại khác. Trước đây từng lăn lộn nhiều với đội toán  Bình Trị Thiên, đội toán Nghệ Tĩnh. Khi mới về tỉnh, thầy còn tham gia các hoạt động chuyên môn của sở. Giáo viên toán, thấy đoàn thanh tra có thầy Tam là mừng. Vừa được chỉ vẽ tận tình, vừa được đánh giá công minh. Đúng sai minh bạch "tâm phục khẩu phục". Nay thì chỉ thấy thầy chăm các lớp luyện thi cho con dân nghèo. Học sinh khắp cả tỉnh tìm về. "Tầm sư học đạo", vừa học chữ vừa học làm người. Cũng có thể, cấp trên cho thầy nghỉ ngơi việc ngành, để ưu tiên cho việc phục vụ nhân dân chăng? Giáo viên HT, ai cũng thuộc mấy câu “Vịnh trống” của thầy Đinh Tam: “Bụng rỗng, mặt da bò, thân mít. Kêu lên, thiên hạ toát mồ hôi”. Mấy tay hiệu trưởng có tật giật mình lại bảo thầy chửi xỏ các hiệu trưởng!.
 
Hồng Lĩnh có thầy Phạm Quốc Phong. Là tác giả vài chục đầu sách toán chuyên sâu. Thầy viết sách mà không cần quan tâm đến chuyện phát hành, vì các nhà xuất bản danh tiếng đặt mua bản quyền ngay khi thầy khởi soạn. Hiền nhân này bị hiệu trưởng sở tại làm tình làm tội đủ điều. Muốn cất "chức tổ trưởng" của thầy Phong, hiệu trưởng bèn lập mưu tính kế. Trước tiên, ông ta sắp xếp ngược lại phân công chuyên môn tổ đề xuất. Nghe thầy Phong phản ứng "trả tổ trưởng cho anh". Ngay tức khắc, hiệu trưởng bảo: " Theo đề nghị của anh đấy nhá, mai tôi cử người khác”. Và ngày mai, cử người khác thay thật. Chuyện này, nếu không tự tác nhân vỗ ngực khoe như một chiến tích, thì ai mà biết được nội tình.
 
Những “cây đại thụ” còn bị tỉa cành cắt rễ dễ dàng như vậy. Thử hỏi những sinh viên chân ướt chân ráo vào ngành, khốn khó xoay xở ra sao.
 
Nguyễn Viết Dương là giáo viên Anh văn, em dạy ở trường L‎í Tự Trọng cách đây mươi năm. Vừa mới ra trường, gặp phải ông tổ trưởng chuyên môn quá kém. Một lần tranh cãi, bị Dương vạch ra sự dốt nát trước mọi người, vị tổ trưởng đáng kính đó bèn đòi thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Khi sự việc đưa ra hội đồng, hiệu trưởng lại bênh vực tổ trưởng. (Đây là kiểu hành xử thông thường của các vị lãnh đạo: cấp trên là phải đúng!!!). Hội đồng sợ hiệu trưởng, không dám bênh vực Dương. Cuối cùng, Dương bị phê bình oan. Sau buổi họp, Dương trình ngay đơn xin thôi việc. Mọi người xúm lại can ngăn. Em nói:Tôi bỏ việc không phải vì một tổ trưởng dốt nát cãi xằng. Mà vì không chịu được lãnh đạo độc đoán chuyên quyền. Tôi cũng không muốn sống với một tập thể có học, mà đúng không dám nói đúng, sai cũng không dám nói sai !”.
 
Hiện nay, Dương đã có thêm vài bằng đại học, thạc sĩ. Có công việc ổn định và cuộc sống đàng hoàng ở Hà nội. Nhiều người tiếc, không có được dũng khí rũ áo ra đi như em.
 
Cùng cảnh với Nguyễn Công Chuẩn, còn có Cao Trung Thạch. Cũng là hoàn cảnh gia đình gian nan, vượt khó học tập. Cũng là sinh viên toán giỏi, thường xuyên viết bài trên báo toán. Khi về HT cũng bị tống đi một trường xa lắc xa lơ. Chuẩn Phúc Trạch, Thạch miền núi Kì Anh. Hai em cũng đều bị hiệu trưởng trù dập. Đều bị đề nghị án kỉ luật đuổi khỏi ngành và cả hai cùng tháo chạy khỏi HT. Cả hai cùng trở thành giảng viên đại học. Những sinh viên giỏi đó, muốn phục vụ quê hương, nhưng đã không có đất thi thố. Đành khăn gói ra đi, với án kỉ luật ngành đuổi sau lưng.
 
Có người giỏi đã khó, dùng còn khó hơn. Tài năng mong manh dễ đến dễ đi. Cỏ dại lấn át lúa, chó rừng ăn thịt chó nhà. Người giỏi thường rất khờ khạo trong các cuộc đấu đá. Vì vậy họ muốn có một nơi công tác yên bình, một nơi để thi thố tài năng. Nhiều sinh viên cầm quyết định nhận việc. Đến trường mới, gặp hiệu trưởng, nhìn trường rồi một đi không trở lại. Chỉ riêng ở Hương Sơn đã có em Huấn, em Dũng (thị trấn) em Yến (Sơn Trung) em Tuấn (Sơn Tân). Các em đã về quê, đã quay đi và nay đã là các tiến sỹ, thạc sỹ giảng dạy ở các trường ĐH. Em Yến bảo “ Em không chịu được thái độ khinh người của hiệu trưởng, nên em trả quyết định, tìm việc nơi khác”.
 
Gần đây Nghệ An có chính sách nhận bất cứ sinh viên giỏi và giáo viên giỏi các nơi xin đến. Đã có nhiều sinh viên giỏi, giáo viên giỏi HT sang Nghệ An tìm nơi công tác mới. Các lãnh đạo chắc không quan tâm việc này. Với họ, chỉ là thêm cơ hội nhận người. Ai vắng ít hôm, cho một án đuổi việc là xong.
 
Công bằng mà nói, cũng có những hiệu trưởng có tâm, có những hiệu trưởng có tầm và cũng có người vô hại. Những người đó, chưa chắc đã dễ làm việc. Chính họ cũng cần một lãnh đạo sở sáng suốt, biết dùng chính họ.
 
May mắn thay, mấy năm nay, làng giáo HT lại có một giám đốc thanh liêm và nhân hậu. Cũng như thầy Đinh Lê Báu ngày trước, thầy Nguyễn Khắc Hào được giới hiền tài mến mộ. Nhưng chỉ một vị giám đốc trọng nghĩa sắp nghỉ, có đủ làm nam châm hút nhân tài về cho HT hay không?
 
Chiêu hiền đãi sĩ, không phải là chuyện dễ, có khi biến thành đày hiền đọa sĩ.  Lãnh đạo biết dùng người tài, cũng giống  như loài tê giác hoặc loài voi, biết nâng báu vật của mình lên trước mặt hay đội lên đầu. Chúng dùng sừng hay ngà làm nên sức mạnh cho chính bản thân. Không biết dùng báu vật mình có, là loài  trai sống trong bùn lầy hay loài trâu bò gặm cỏ. Chúng che giấu, nhận chìm Ngọc trai và hạt Ngưu hoàng phấn vô giá nơi uế tạp nhất, rồi cố tìm cách loại bỏ. Cuối cùng, chúng chết chính vì sự ngu xuẩn đó.
 
Nhiều giáo viên giỏi đang mỏi mòn trong các trường. Các hiệu trưởng biết cách hãm tài tinh vi lắm, không ai kêu ca được.
 
Nhiều giáo viên trẻ đang tìm mọi cách đi khỏi HT. Và trong họ, có nhiều người giỏi.
 
Nhiều sinh viên giỏi ra trường không muốn và cũng không thể về Hà Tĩnh, phải tìm bến đỗ xa quê nhưng yên bình hơn.
 
Học sinh giỏi nay không thi vào sư phạm. Điểm chuẩn sư phạm hầu hết chỉ xấp xỉ điểm sàn. Thủ khoa sư phạm không bằng điểm vào khoa một số trường khác.
 
Đà này, chỉ ít lâu nữa, giáo dục H T chắc không còn phải lo chuyện chiêu hiền đãi sĩ nữa.
 
Còn đâu hiền sĩ mà chiêu với chả đãi. Chỉ lo chiêu đãi nhau nữa mà thôi!
 
  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515462

Hôm nay

2140

Hôm qua

2367

Tuần này

21063

Tháng này

213401

Tháng qua

121009

Tất cả

114515462