Nhìn ra thế giới
“Thiên táng” – không chỉ là một thiên tình sử kỳ lạ và xúc động*
Bạn đọc Việt Nam lần đầu biết đến Hân Nhiên, nhưng nữ tác giả Trung Quốc này, nguyên là nhà báo-phát thanh viên của Tân Hoa Xã, đã nổi tiếng trên thế giới từ các tác phẩm đầu tay của mình, trong đó có “Thiên Táng” (TT), cuốn sách thứ hai của cô được xuất bản tại Anh năm 2004. Hân Nhiên sinh năm 1958 tại Trung Quốc, định cư tại Anh từ năm 1997.
“Thiên táng” là cách mai táng người chết một cách đặc biệt của người Tây Tạng: Thi hài người chết bị chặt nhỏ ra để cho chim kền kền ăn! Theo tiểu thuyết TT, những năm 50-60 thế kỷ 20, khi Quân giải phóng tiến vào Tây Tạng, cách mai táng này vẫn còn. Nhiều người Tây Tạng xem đây “là một nghi lễ tự nhiên và thiêng liêng chứ không phải một việc làm man rợ”; “Con người ta là một phần của tự nhiên. Chúng ta đến thế giới này một cách tự nhiên và rời khỏi đó cũng tự nhiên…Thi hài trở thành đồ dâng cúng cho các linh hồn, và chúng ta nhờ họ mang linh hồn người chết lên trời…” ( TT, trang 208-211)
Nếu chỉ để hiểu tục “thiên táng” thì chừng ấy dòng cũng tạm đủ, nhưng tiểu thuyết TT, với một cách viết thật giản di, tự nhiên như là một “ký sự” đã “kể” cho chúng ta biết một thiên tình sử kỳ lạ và thật xúc động. Thư Văn, một cô gái quê thành phố Tô Châu, học ngành y, có chồng là Khả Quân, bác sĩ Quân giải phóng. Đơn vị Khả Quân được phái tới Tây Tạng giúp cữu chữa thương binh và anh đã mất tích khi hai người cưới nhau chưa được trăm ngày. Thư Văn quyết định xin vào quân đội để được đi Tây Tạng tìm chồng. Con đường đi đến xứ sở đầy những điều kỳ bí ấy kéo dài đến…30 năm, Thư Văn đã trải qua vô vàn những thử thách khốc liệt, đồng thời được chứng kiến, được nếm trải cuộc sống của người Tây Tạng ở những vùng xa xôi, hiểm trở nhất, thấu hiểu được một nền văn hoá còn ít người biết và xa lạ ngay cả với người Trung Quốc.
TT không chỉ hấp dẫn vì những bước ngoặt, những tình huống bất ngờ và đặc sắc của một vùng đất đầy huyền thoại mà còn chuyển đến độc giả những thông điệp sâu sắc, có ý nghĩa toàn cầu. Có một học giả phương Tây từng nêu nhận xét: xung đột chủ yểu trong thế giới ngày nay là xung đột giữa các sắc tộc, tôn giáo - nói cách khác là xung đột giữa các nền văn hoá. TT không chỉ là một minh chứng cho cuộc xung đột đó mà người đọc có thể tìm thấy ở đây một bài học, một lời giải cho “bài toán” vào loại gay cấn nhất của nhân loại. Trong TT, có một nhân vật từng đi “ngược chiều” với Thư Văn: cô Zhuoma, con gái một gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc ở Tây Tạng; do có dịp tiếp xúc với một số người Trung Quốc đến Tây Tạng - không phải là đội quân mang súng đạn mà là hai nhà nghiên cứu văn hoá, cô đã xin gia đình đi thăm Bắc Kinh, Thượng Hải để tận mắt nhìn thấy nền văn hoá Trung Quốc rực rỡ mà xa lạ đã mê hoặc cô. Trở về, cô thành người “nổi loạn” trong gia đình và khi cùng người yêu là chàng chăn ngựa mà cô đặt tên là “Thiên An Môn” rời bỏ gia tộc ra đi, hai người gặp tai nạn suýt chết thì cô gặp Thư Văn cùng đội quân mang đầy súng đạn lên Tây Tạng. Nhờ có Thư Văn, cô đã không bị bắn chết; ngược lại, cô đã giúp đội quân thoát khỏi vòng vây ẩn hiện như ma quỷ của người Tây Tạng. Và không có Zhuoma làm bạn đồng hành, làm người phiên dịch (cả về ngôn ngữ và văn hoá) trên con đường gần như là vô định giữa những vùng đất mênh mông hiểm trở, thì Thư Văn không thể đi đến đích.
Mặc dù cái “đích” Thư Văn tìm đến là dấu vết để lại của Khả Quân - một câu chuyện bi tráng hiếm có trên thế giới đã làm cô khóc cạn cả nước mắt, TT vẫn để lại trong lòng độc giả - đồng thời với nỗi xúc động sâu xa trước thiên tình sử kỳ lạ, trước sự hy sinh cao cả của Khả Quân, là một niềm vui, một niềm tin rằng: sự xung đột và hận thù giữa những người khác biệt sắc tộc và tôn giáo có thể được hòa giải, được hóa giải không phải bằng bạo lực mà bằng sự hiểu biết và tôn trọng nền văn hoá của “đối phương.” Chính vì thiếu hiểu biết sự linh thiêng trong tục thiên táng của người Tây Tạng, Khả Quân đã phải trả giá bằng tính mạng của mình; còn Thư Văn, với sự trợ giúp của Zhuoma, thấm hiểu được nền văn hoá Tây Tạng còn đầy những bí ẩn, nên đã thoát chết trong vô số những tình huống ngặt nghèo.
Chính vì ý nghĩa đó, thiên tình sử bi tráng trong TT vượt lên mọi chuyện tình diễm lệ khác, được độc giả trên nhiều châu lục đón nhận một cách nồng nhiệt.
Về mặt nghệ thuật, TT còn nêu một “bài học” tuy giản dị, nhưng không phải người cầm bút nào cũng thừa nhận: Chẳng nhất thiết phải tìm những hình thức tân kỳ, rắc rối; một cách kể chuyện “cổ điển” dung dị, vẫn tạo nên được tác phẩm giá trị, làm xúc động lòng người.
(*)Tiểu thuyết của Hân Nhiên, Trần Thị Thanh Loan dịch từ tiếng Anh, NXB Văn học & Nhã Nam, 2009)
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Gia thoại Stalin [4]
Thống kê truy cập
114511024
Hôm nay
223
Hôm qua
2359
Tuần này
21398
Tháng này
217897
Tháng qua
121356
Tất cả
114511024